Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tịch điều âm Sở Vấn Kinh Như Lai Sở Thuyết Thanh Tịnh điều Phục

PHẬT THUYẾT KINH

TỊCH ĐIỀU ÂM SỞ VẤN KINH NHƯ LAI

SỞ THUYẾT THANH TỊNH ĐIỀU PHỤC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng

Pháp Sư Pháp Hải, Đời Tống
 

PHẦN MỘT
 

Tôi nghe như vậy!

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ở tại núi Kỳ Xà Quật, thuộc thành Vương Xá cùng với tám trăm vị đại Tỳ Kheo Tăng, một vạn hai ngàn vị đại Bồ Tát, các Thiên Tử Cõi Trời Tịnh Cư và các vị Trời trong Cõi Dục và Cõi Sắc v.v...

Bấy giờ, Đức Thế Tôn thuyết pháp cho Đại Chúng vô lượng trăm ngàn người đang cung kính vây quanh.

Khi ấy, trong chúng hội, có một Thiên Tử tên là Tịch Điều Âm, nương theo oai thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo vai phải, gối phải quỳ sát đất, chấp tay hướng về Phật, bạch: Bạch Thế Tôn! Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi hiện nay đang ở đâu?

Các đại chúng này vì nghe pháp nên khao khát muốn được gặp vị hiền sĩ ấy.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tịch Điều Âm: Về phương Đông, cách đây hơn vạn Cõi Phật, có Thế Giới tên là Bảo Trú, Phật hiệu là Bảo Tướng Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Hiện nay, Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi đang thuyết pháp cho các đại Bồ Tát ứng cơ ở cõi đó.

Thiên Tử Tịch Điều Âm bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Xin hiện tướng vi diệu khiến cho vị hiền sĩ kia đến chúng hội này.

Vì sao?

Bạch Thế Tôn! Chỉ trừ Như Lai ra, còn tất cả các Thanh Văn, Phật Bích Chi không có ai có thể thuyết pháp như Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi.

Vì sao?

Bạch Thế Tôn! Vì năng lực thuyết pháp của Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi nên ma không làm gì được, khiến cho các cung ma ẩn mất không hiện, có thể điều phục các ngoại đạo tà kiến, kẻ tăng thượng mạn được từ bỏ tâm kiêu mạn. Người chưa phát tâm bồ đề khiến họ phát tâm, người phát tâm rồi được bất thối chuyển.

Người có thể giáo hóa thì liền giáo hóa, chưa thể giáo hóa thì phương tiện điều phục, làm cho chánh pháp của Phật được tồn tại lâu dài ở đời.

Bấy giờ, Thế Tôn nhận lời thỉnh cầu của Thiên Tử Tịch Điều Âm, từ trong tướng lông trắng đại trượng phu, phóng ra một luồng hào quang. Hào quang thù thắng này chiếu khắp Thế Giới tam thiên đại thiên, xuyên suốt vạn Cõi Phật, rồi chiếu đến khắp Thế Giới Bảo Trú.

Các Đại Bồ Tát ở cõi ấy thấy hào quang này, bạch với Phật Bảo Tướng: Tướng của điềm lành gì mà khiến cho Thế Giới này tràn đầy ánh sáng?

Đức Phật ấy bảo: Này các Thiện Nam! Về phương Tây, cách đây hơn vạn Cõi Phật, có Thế Giới tên là Ta Bà. Cõi ấy có Như Lai hiệu là Thích Ca Mâu Ni Ứng Cúng Chánh Biến Tri, hiện đang thuyết pháp và đó là hào quang từ tướng lông trắng của Đức Như Lai ấy phóng ra. Hào quang này xuyên suốt vạn Cõi Phật rồi, chiếu đến Thế Giới này.

Các Bồ Tát ấy bạch Phật: Như Lai Thích Ca Mâu Ni vì nhân duyên gì mà phóng hào quang này?

Đức Phật bảo Đại chúng: Các Thiện Nam! Như Lai Thích Ca cùng vô lượng trăm ngàn ức chúng Bồ Tát, Thích, Phạm, Hộ Thế, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, vì nghe pháp nên khao khát muốn gặp Văn Thù Sư Lợi để nghe vị ấy thuyết pháp. Vì vậy, Đức Phật kia mới phóng hào quang này.

Bấy giờ, Đức Bảo Tướng Như Lai Ứng Chánh Biến Tri bảo Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi: Này Thiện Nam! Ông hãy đến Thế Giới Ta Bà. Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai và các đại chúng rất muốn gặp ông để nghe ông thuyết pháp.

Khi ấy, Văn Thù Sư Lợi bạch Đức Phật ấy: Kính vâng, Bạch Thế Tôn! Con đã thấy hào quang.

Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi cùng với một vạn Bồ Tát đảnh lễ Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, rồi giống như trong khoảnh khắc lực sĩ co duỗi cánh tay, vị ấy cùng với một vạn Bồ Tát bỗng nhiên biến mất khỏi Thế Giới kia, đến Thế Giới Ta Bà, trụ trên hư không. Để cúng Phật nên liền rải loại hoa tinh khiết nhất, mùi thơm của hoa ấy tỏa khắp đại chúng. Hoa ngập đến gối.

Lúc này, đại chúng thấy lạ lùng chưa từng có, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thần lực của ai rải hoa thơm kỳ lạ này?

Đức Phật bảo đại chúng: Đó là Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi cùng với một vạn Bồ Tát từ Thế Giới Bảo trú đến Ta Bà, để cúng Phật và ở trên hư không rải hoa thơm này.

Thiên Tử Tịch Điều Âm bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con mong muốn được gặp Văn Thù Sư Lợi và chúng Đại Bồ Tát kia.

Bạch Thế Tôn! Vị trượng thánh thiện ấy cứu độ người không được ai cứu độ.

Họ nói như thế rồi, ngay khi ấy, Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi cùng với một vạn Bồ Tát từ trên hư không bỗng nhiên hạ xuống. Đảnh lễ chân Phật, nhiễu quanh bảy vòng xong, Văn Thù Sư Lợi liền ngồi trên tòa sư tử hoa sen do năng lực của mình biến hóa ra.

Một vạn Bồ Tát cũng đảnh lễ chân Phật, nhiễu quanh bên phải bảy vòng, ở trước Thế Tôn, chấp tay, bạch: Bạch Thế Tôn! Đức Bảo Tướng Như Lai Ứng Chánh Biến Tri kính thăm hỏi Thế Tôn: Ít bệnh, ít não, khí lực khỏe chăng?

Khi các Bồ Tát nói lời ấy rồi, mỗi vị đều ngồi trên tòa do năng lực của mình hóa ra.

Bấy giờ, Thiên Tử Tịch Điều Âm bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hôm nay đại chúng khao khát muốn nghe diệu pháp vi diệu do Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi giảng nói.

Cúi xin Thế Tôn cho phép con được thưa hỏi.

Đức Phật bảo Thiên Tử: Có điều gì nghi ngờ, ông cứ hỏi. Ta sẵn sàng nghe.

Thiên Tử Tịch Điều Âm cung kính, hỏi Văn Thù Sư Lợi: Ở Thế Giới Như Lai Bảo Tướng, Đức Phật ấy nói pháp gì mà nhân giả thích ở đó?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Pháp mà Đức Phật đã nói, không sanh tham dục nên không đoạn trừ tham dục, không sanh sân hận nên không đoạn trừ sân hận. Không sanh ngu si, nên không đoạn trừ ngu si. Không sanh phiền não nên không đoạn trừ phiền não.

Vì sao?

Vì phàm là pháp không có sanh thì không có diệt.

Thiên Tử hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Chúng sanh cõi đó không có các kiết sử như tham dục v.v... sanh và diệt chăng?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Đúng như vậy!

Thiên Tử hỏi: Nếu như vậy thì Đức Phật đó nói pháp để đoạn trừ điều gì?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Pháp vốn không sanh thì làm gì có chấm dứt?

Vì sao?

Vì chúng sanh ở Cõi Phật đó không biết, không đoạn, không tu, không chứng. Chúng sanh ở cõi đó chuộng đệ nhất nghĩa đế, chẳng chuộng phương tiện đế.

Thiên Tử hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi!

Thế nào là đệ nhất nghĩa đế?

Thế nào là phương tiện đế?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiên Tử! Nghĩa ấy, chẳng do sanh khởi nên được gọi tên, chẳng do hoại diệt nên được gọi tên, không có tướng xứ sở, không có tướng phi xứ sở, chẳng phải một tướng một, chẳng phải không có tướng, không có tướng ảnh hưởng, chẳng có tướng có thể, chẳng phải tướng không thể.

Chẳng thể tận, chẳng phải chẳng thể tận. Chẳng phải đọa lạc, chẳng phải chẳng đọa lạc. Đó gọi là đệ nhất nghĩa đế.

Này Thiên Tử! Nghĩa ấy, không có tâm, không có sự liên tục của tâm, chẳng phải dấu vết, chẳng phải không dấu vết, chẳng phải bờ này, chẳng phải bờ kia, chẳng phải giữa dòng. Đó gọi là đệ nhất nghĩa đế. Không có chỗ cho tên gọi, không có chỗ cho văn tự, đó là đệ nhất nghĩa đế.

Vì sao?

Vì Thế Tôn dạy, tất cả âm thanh đều là hư vọng.

Thiên Tử hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Điều mà Thế Tôn nói cũng hư vọng chăng?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Thế Tôn chẳng nói thật, chẳng nói hư vọng.

Vì sao?

Vì Thế Tôn trụ ở lời nói lìa nhị biên, lìa tâm ý. Đối với pháp hữu vi, vô vi, chẳng nói chân thật, chẳng nói hư vọng, vì vậy nên không hai.

Này Thiên Tử! Theo ý ông thì sao?

Hóa thân của Như Lai nếu có nói thì là chân thật hay là hư vọng?

Thiên Tử thưa: Cả hai đều không.

Vì sao?

Vì hóa thân của Như Lai là không có thân, không thành tựu.

Văn Thù Sư Lợi nói: Đúng vậy, Thiên Tử! Như Lai nói tất cả các pháp đồng với tánh huyễn hóa, chẳng nói thật, chẳng nói hư vọng, vì vậy nên không hai.

Thiên Tử thưa: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Vì sao Như Lai nói đệ nhất nghĩa đế?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiên Tử! đệ nhất nghĩa đế không thể diễn nói.

Vì sao?

Vì không thể diễn nói.

Vì sao?

Vì chẳng thể thí dụ, chẳng thể diễn nói, chẳng thể gọi tên, đó gọi là đệ nhất nghĩa đế.

Khi nói đệ nhất nghĩa đế này, năm trăm Tỳ Kheo xa lìa trần cấu, ở trong các pháp, được pháp nhãn thanh tịnh, hai trăm Thiên Tử đạt pháp nhẫn vô sanh.

Thiên Tử Tịch Điều Âm lại hỏi Văn Thù Sư Lợi: Đệ nhất nghĩa rất khó có thể hiểu cùng tận rốt ráo phải không?

Văn Thù Sư Lợi nói: Đúng vậy, Thiên Tử! Đối với đệ nhất nghĩa đế, người không chánh tinh tấn thì rất khó có thể hiểu cùng tận rốt ráo.

Thiên Tử hỏi: Bồ Tát chánh tinh tấn như thế nào?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Nếu Bồ Tát chẳng vì biết, chẳng vì đoạn, chẳng vì tu, chẳng vì chứng mà tinh tấn thì gọi là chánh tinh tấn.

Vì sao?

Vì nếu cho là điều này nên biết, điều này nên đoạn, điều này nên tu, điều này nên chứng thì đó là còn có tướng, đó là chấp thủ, đó là hý luận, đó là có tạo tác.

Nếu thực hành như thế thì không gọi là chánh tinh tấn.

Thiên Tử thưa: Nếu như thế thì tại sao lại nói là chánh tinh tấn?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Như như bình đẳng, pháp giới bình đẳng tức cùng với vô gián bình đẳng. Như như bình đẳng, pháp giới bình đẳng tức cùng với sự kiến giải bình đẳng.

Pháp phàm phu bình đẳng, pháp học, pháp vô học, pháp Thanh Văn, pháp Duyên Giác, pháp Bồ Tát, pháp Phật bình đẳng tức là các hành bình đẳng, Niết Bàn bình đẳng, cấu uế bình đẳng, thanh tịnh bình đẳng. Người tinh tấn bình đẳng như thế gọi là chánh tinh tấn.

Thiên Tử thưa: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Pháp Như nào cùng với cấu uế và thanh tịnh bình đẳng?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Như của không, vô tướng, vô nguyện.

Vì sao?

Vì Niết Bàn không.

Này Thiên Tử! Như khoảng không trong đồ đựng bằng đất, khoảng không trong đồ đựng quí báu, đều không hai, không khác. Cũng vậy, này Thiên Tử, cái không của cấu uế, cái không của thanh tịnh đều cùng một không, không hai, không khác.

Thiên Tử thưa: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát đối với các Thánh Đế nên tinh tấn chăng?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiên Tử! Nếu Bồ Tát đối với các Thánh Đế không tinh tấn thì làm thế nào có thể nói pháp cho Thanh Văn?

Vì sao?

Vì Bồ Tát tu Thánh Đế chắc chắn có việc làm, Thanh Văn tu Thánh Đế thì không có việc làm. Bồ Tát tu Thánh Đế có phương tiện khéo léo, Thanh Văn tu Thánh Đế không có phương tiện khéo léo.

Bồ Tát tu Thánh Đế có đối tượng quán sát, Thanh Văn tu Thánh Đế không có đối tượng quán sát. Bồ Tát tu Thánh Đế vì tất cả chúng sanh mà không chứng thật tế, Bồ Tát tu Thánh Đế có phương tiện kiên cố nhưng không bỏ cửa sanh tử và Niết Bàn. Bồ Tát tu Thánh Đế vì tất cả Phật Pháp.

Này Thiên Tử! Giống như có người bỏ thương chủ lớn, một mình vượt qua đồng vắng, rất sợ hãi, cố gắng mới có thể vượt qua được.

Này Thiên Tử! Thanh Văn cũng vậy, sợ hãi sanh tử, rất khiếp sợ đối với cảnh giới này, không có tâm muốn trở lại, cũng không có tâm vì chúng sanh mà chỉ quán sát muốn rời xa sanh tử.

Đối với Phật Pháp, không có phương tiện, chỉ một mình, tu các Thánh Đế.

Này Thiên Tử! Như thương chủ kia có nhiều của cải tài sản quí báu, vượt qua đựơc cánh đồng hoang vắng làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.

Cũng vậy, này Thiên Tử! Bồ Tát như đại thương chủ đầy đủ đại từ, đại bi, thành tựu pháp lợi, đầy đủ tịch diệt, khéo léo sử dụng phương tiện, của cải, đi thuyền sáu độ, cầm cung tên bốn nhiếp, thành tựu phương tiện, vì các Phật Pháp mà tu hành các đế.

Này Thiên Tử! Giống như da chó, dùng hoa Tu Mạn, Chiêm Bặc Bà Sư Ca mà xông, tuy biến thành hương thơm nhưng tất cả Trời người không ai ưa thích.

Thanh Văn tu Đế cũng giống như vậy, thệ nguyện không đầy đủ, nửa chừng nhập Niết Bàn, chẳng thể tỏa ra nhiều hương thơm đa văn, định tuệ, giải thoát tri kiến, cũng chẳng thể đoạn trừ sự trói buộc của phiền não, chẳng được Trời, người ưa thích.

Này Thiên Tử! Giống như Y Ca Thi Ca cõi Trời, dùng nhiều cây Kiệt Lưu A Kiệt Lưu, Chiên Đàn, Bà Sư Ca v.v… trăm nghìn loại hương tinh khiết để xông, tất cả người, Trời đều ưa thích.

Bồ Tát cũng giống như thế, ở trong trăm ngàn ức triệu A tăng kỳ kiếp dùng pháp tu Đế để tự xông ướp, nửa chừng chẳng nhập Niết Bàn, các nguyện đầy đủ, có khả năng tỏa ra các loại hương thơm công đức như đa văn, định, tuệ, giải thoát tri kiến, đoạn trừ tập khí phiền não, kiết sử, tất cả Người, Trời, A Tu La v.v... đều ưa thích.

Thiên Tử Tịch Điều Âm lại nói với Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Đức hạnh của các Thanh Văn ở Thế Giới Như Lai Bảo Tướng như thế nào mà đấng Năng Nhơn và Thánh Giả đều ưa thích họ?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Chúng Thanh Văn đó chẳng phải tin vững chắc, chẳng phải không tin theo người, chẳng phải pháp kiên cố, chẳng phải pháp giới sai khác, chẳng phải tám hạng người vượt qua tám tà kiến.

Chẳng phải Tu Đà Hoàn mà lìa tất cả sự sợ hãi của đường ác, chẳng phải Tư Đà Hàm mà vì hóa độ chúng sanh nên thị hiện có đến đi, chẳng phải A Na Hàm mà đi, đến tất cả các pháp trong quá khứ, chẳng phải A La Hán mà xứng đáng thọ nhận lợi dưỡng của Tam Thiên Thế Giới, chẳng phải Thanh Văn mà có thể hiểu rõ điều Chư Phật nói.

Chẳng lìa dục nhiễm nhưng chẳng bị lửa dục thiêu đốt. Đối với sự chấp thủ, không còn các mong cầu. Chẳng lìa sân hận mà không bị sân hận làm não hại.

Đối với tất cả chúng sanh chẳng khởi sân hận, chướng ngại. Chẳng lìa ngu si mà không bị ngu si che lấp, đối với tất cả các pháp, không còn các tối tăm. Chẳng từ bỏ phiền não, mà siêng năng vì chúng sanh đoạn trừ các phiền não. Chưa lên bậc quyết định nhưng không thọ sanh.

Hóa độ chúng sanh nhưng không có tướng ngã, không có sự thọ nhận mà cuối cùng vẫn báo ân. Không tư không niệm mà vẫn tu các Niệm xứ, không sanh không diệt mà vẫn tu các chánh cần. Lìa thân tâm mà vẫn khởi các thần túc. Vì làm cho tất cả chúng sanh đầy đủ thần thông nên tu các thông.

Vì làm tăng trưởng căn của tất cả chúng sanh nên tu các căn. Vì diệt trừ tất cả phiền não nên tu các lực. Vì hiểu rõ trí bình đẳng nên tu các giác. Vì vượt qua tất cả đường tà nên tu các đạo. Vì đắc đạo nên chứng vô vi. Vì thể nhập thật tế nên tu các đạo.

Vì nhập pháp giới nên khởi tri kiến. Vì diệt tận vô minh nên khởi minh. Vì lìa nhị biên nên tu giải thoát. Có thể dùng nhục nhãn thấy hết thảy Chư Phật Thế Giới Chư Phật và Thế Giới chúng sanh. Dùng thiên nhãn thấy sự sanh tử của tất cả chúng sanh.

Dùng tuệ nhãn biết rõ tâm hành của tất cả chúng sanh. Dùng pháp nhãn thấy các pháp bình đẳng, quán tất cả chúng sanh ba đời đều bình đẳng. Dùng Phật nhãn chiếu sáng Phật Pháp. Dùng thiên nhĩ hiểu tất cả những lời Phật dạy. Dùng nhất tâm biết tâm hành tất cả chúng sanh. Dùng trí ức niệm nhớ nghĩ tận cùng về các kiếp quá khứ.

Dùng thần túc vượt qua Cõi Phật vô biên. Các lậu đã diệt hết, đối với tâm vô sanh đạt được giải thoát, tuy có thể thấy mà không thành tựu sắc thân. Tuy có văn tự mà không giảng nói. Tâm không nghĩ bàn mà ngôn từ vô ngại.

Dung mạo trang nghiêm, người rất ưa nhìn, đủ các tướng tốt, công đức trang nghiêm, oai đức khó ai sánh bằng, danh tiếng vang lừng, thể tánh hoàn đáng khen ngợi, không đắm nhiễm pháp, thế tục không bị phiền não làm tán loạn, không bị lời ác làm ô nhiễm, thần thông tự tại, đa văn biện tài, tri kiến sắc bén, diệt trừ tăm tối, trí tuệ sáng ngời.

Thuyết Pháp không ngại, thâm nhập các pháp tổng trì, được Chư Phật hộ niệm, chẳng phải là tri kiến của Thanh Văn, Phật Bích Chi, niệm như biển cả, định như núi Tu Di, nhẫn nhục như đất, thần túc biến hiện như Đế Thích, tâm được tự tại như Phạm Vương, không gì sánh bằng, ngang với hư không, ở đâu cũng có, nhập vào tất cả mọi nơi.

Này Thiên Tử! Đức của các Thanh Văn ở Thế Giới của Như Lai Bảo Tướng đó đều như vậy. Các vị ấy lại thành tựu vô lượng công đức.

Khi nói pháp này, năm trăm Tỳ Kheo, năm trăm Tỳ Kheo Ni, năm trăm Ưu Bà Tắc, năm trăm Ưu Bà Di, năm ngàn Thiên Tử v.v… những người chưa lên bậc quyết định đều nói: Chúng con muốn làm các Thanh Văn của Đức Như Lai Bảo Tướng.

Văn Thù Sư Lợi nói: Các Thiện Nam! Chẳng thể dùng tâm Thanh Văn mà được đến sanh quốc độ ấy. Vì vậy, các vị cần phải phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, mới có thể được sanh.

Khi ấy, các đại chúng vì muốn sanh về cõi đó nên đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nguyện sanh vào cõi đó. Thế Tôn liền nói các vị sẽ được vãng sanh.

Thiên Tử Tịch Điều Âm lại nói với Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Ở cõi kia dùng pháp gì để điều phục Thanh Văn, điều phục Bồ Tát?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiên Tử! Lấy tánh ba Thừa để điều phục Thanh Văn, lấy sự giáo hóa vô lượng sanh tử, an ủi tất cả chúng sanh nên thọ thân để điều phục Bồ Tát, lấy việc chê tài sản công đức để điều phục Thanh Văn.

Lấy việc không nhàm chán chứa nhóm các tài sản công đức, lợi ích chúng sanh để điều phục Bồ Tát. Lấy việc không nguyện đoạn trừ tất cả các phiền não của chúng sanh để điều phục Thanh Văn, lấy việc ưa thích đoạn trừ tất cả phiền não của chúng sanh để điều phục Bồ Tát.

Lấy việc xả bỏ tất cả chúng sanh, không thành tựu tất cả Phật Pháp cho chúng sanh để điều phục Thanh Văn, lấy tâm đại bi nghĩ đến tất cả chúng sanh, thành tựu pháp của Chư Phật cho chúng sanh để điều phục Bồ Tát. Lấy việc thực hành một phần ít để điều phục Thanh Văn, lấy việc thực hành khắp tất cả thế gian để điều phục Bồ Tát.

Lấy việc xả bỏ các ma để điều phục Thanh Văn, lấy việc làm khiếp sợ tất cả các ma trong thế gian, thành tựu phục ngoại đạo để điều phục Bồ Tát. Lấy việc thành tựu tâm mình để điều phục Thanh Văn, lấy việc thành tựu tâm bồ đề vô thượng để điều phục Bồ Tát.

Lấy việc tự soi chiếu để điều phục Thanh Văn, lấy việc soi chiếu thân chúng sanh và Phật Pháp trong tất cả các Thế Giới để điều phục Bồ Tát. Lấy phương tiện theo thứ lớp để điều phục Thanh Văn, lấy phương tiện tâm trong một sát na để điều phục Bồ Tát.

Lấy việc làm gián đoạn hạt giống Tam Bảo để điều phục Thanh Văn, lấy việc nuôi lớn hạt giống Tam Bảo để điều phục Bồ Tát. Lấy việc hàn gắn đồ đựng bằng đất đá bị vỡ để điều phục Thanh Văn, lấy việc sửa lại đồ đựng bằng vàng bạc để điều phục Bồ Tát.

Lấy việc chẳng thành tựu mười lực, bốn vô úy, mười tám pháp bất cọng để điều phục Thanh Văn, lấy việc thành tựu mười lực, bốn vô úy, mười tám pháp bất cọng để điều phục Bồ Tát. Lấy việc chẳng thành tựu phương tiện sáu Ba la mật, bốn nhiếp để điều phục Thanh Văn, lấy việc thành tựu phương tiện sáu Ba la mật, bốn nhiếp để điều phục Bồ Tát.

Lấy việc ở một mình nơi rừng núi, ưa sống viễn ly để điều phục Thanh Văn, lấy việc thích vườn cảnh, nhà cao, ưa pháp lạc để điều phục Bồ Tát. Lấy việc đoạn trừ tập khí phiền não để điều phục Thanh Văn, lấy việc chẳng đoạn trừ tập khí phiền não để điều phục Bồ Tát.

Lấy việc có suy lường, có nghĩ bàn, có cấp bậc, có số lượng để điều phục Thanh Văn, lấy việc không suy lường, chẳng nghĩ bàn, không cấp bậc, không số lượng để điều phục Bồ Tát. Như vậy gọi là điều phục.

Bấy giờ, Thế Tôn khen ngợi Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi: Hay thay! Hay thay! Ông khéo nói việc điều phục Bồ Tát này.

Nay các ông hãy lắng nghe ta nói ví dụ để làm sáng tỏ nghĩa này: Này Văn Thù Sư Lợi! Ví như có một người trọn đời khen ngợi nước trong dấu chân bò. Lại có một người khen ngợi nước trong biển cả.

Này Văn Thù Sư Lợi! Theo ý ông thì sao?

Nước trong hai nơi ấy có thể so sánh nhau chăng?

Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nước trong dấu chân bò rất ít, sự khen ngợi về nó cũng ít, nước trong biển cả thì vô lượng, sự khen ngợi cũng vô lượng.

Đức Phật dạy: Đúng vậy! Này Văn Thù Sư Lợi! Giống như nước trong dấu chân bò ít, sự khen ngợi cũng ít, điều phục Thanh Văn cũng vậy. Giống như nước trong biển cả đã vô lượng, sự khen ngợi cũng vô lượng, điều phục Bồ Tát cũng vậy.

Khi nói pháp này, một vạn hai ngàn Thiên Tử phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, rồi nói: Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng muốn học pháp điều phục Bồ Tát, để điều phục vô lượng chúng sanh.

Thiên Tử Tịch Điều Âm lại nói với Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Nhân giả học pháp điều phục nào?

Học pháp điều phục Thanh Văn, điều phục Duyên Giác hay điều phục Bồ Tát?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Này Thiên Tử! Theo ý ông thì sao?

Có biển cả nào mà không nhận các dòng sông chăng?

Thiên Tử thưa: Không!

Văn Thù Sư Lợi nói: Này Thiên Tử! Cũng vậy, điều phục Bồ Tát giống như biển cả. Đối với các pháp điều phục, siêng năng tạo phương tiện để tu tập pháp điều phục Thanh Văn, điều phục Duyên Giác, điều phục Bồ Tát.

Thiên Tử hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Từ điều phục có nghĩa là gì?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Nếu biết phiền não và đoạn trừ phiền não thì gọi là điều phục.

Thiên Tử hỏi: Thưa Thánh Giả Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là điều phục phiền não?

Thế nào là biết phiền não?

Văn Thù Sư Lợi đáp: Nếu vọng tưởng phân biệt nhớ nghĩ, chẳng tư duy thuận theo điều thiện, chấp có người, có ta để đoạn trừ sự câu hành với kiến chấp, triền phược, điên đảo, vô minh v. v… thì như vậy là phiền não trói buộc.

Nếu không vọng tưởng, không phân biệt, không nhớ nghĩ, tư duy thuận theo điều thiện, không chấp có người, ta câu hành với kiến chấp, triền phược, điên đảo, lìa vô minh v.v… thì gọi là diệt trừ phiền não, không nhớ nghĩ và điều phục rốt ráo.

Này Thiên Tử! Như vậy gọi là điều phục rốt ráo. Bồ Tát nếu dùng trí biết phiền não nhỏ nhiệm như thế là hư dối không bền chắc, rỗng không, không chủ, không ngã, không có sự lẽ thuộc, không từ đâu đến.

Không đi về đâu, không nơi chốn không phương hướng, chẳng phải trong, chẳng phải ngoài, chẳng phải hai bên, chẳng phải ở giữa, chẳng phải vật chứa nhóm, không sắc, không hình, không tướng, không mạo, không xứ sở. Như vậy gọi là diệt trừ phiền não rốt ráo.

***