Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Bảy - Phẩm Bảy Bài Kệ

 PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán
 

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
 

CHƯƠNG BẢY
 

PHẨM BẢY BÀI KỆ
 

CHUYỆN PHẠM THIÊN BAKA

TIỀN THÂN BAKABRAHMA
 

Chúng tôi tất cả bảy mươi hai. Bậc Ðạo Sư kể chuyện này khi trú tại Kỳ Viên về Phạm Thiên Baka.

Một tà kiến sinh khởi trong tâm vị Phạm Thiên này, đó là: Cõi sinh hữu này là trường tồn, thường hằng, vĩnh cửu, bất biến, ngoài nơi này ra không có sự cứu độ hay giải thoát gì nữa. Trong một đời trước, vị Phạm Thiên này đã thực hành thiền định, vì thế được tái sinh vào Cõi Trời Quảng Quả Vehapphala. Sau khi đã trải qua đời sống ở đó trong năm trăm kiếp Kappa, vị ấy tái sinh vào Cõi Trời Biến Tịnh Subhakinna.

Sau khi đã trải qua sáu mươi bốn kiếp tại đó, vị ấy mạng chung và tái sinh vào Cõi Trời Quang Âm Àbhassara, nơi đời sống kéo dài trong tám kiếp. Và chính tại đó, tà kiến này khởi lên trong tâm vị ấy.

Vị Phạm Thiên này quên rằng mình đã từng sống ở các cõi Phạm Thiên Giới cao hơn và đã tái sinh vào cảnh giới này. Do nhận thức các điều trên, vị ấy chấp thủ tà kiến.

Bậc Ðạo Sư thấu hiểu các tư tưởng của vị ấy và thật dễ dàng như một lực sĩ duỗi cánh tay cho thẳng ra hay cong cánh tay trở lại, Ngài biến mất ở Kỳ Viên và xuất hiện ở Phạm Thiên Giới ấy.

Vị Phạm Thiên thấy Ngài liền thưa: Thiện lai Thế Tôn, xin Thế Tôn đến đây. Bạch Thế Tôn, Thế Giới này là trường tồn, thường hằng, vĩnh cửu, tuyệt đối, bất biến. Thế Giới này không sinh, không già, không chết, không biến hoại, không tái sinh. Ngoài Thế Giới này, không có sự cứu độ nào cao hơn nữa.

Khi lời này được vị Phạm Thiên Baka nói ra, Thế Tôn bảo: Phạm Thiên Baka đã si mê, đã lầm lạc khi nói rằng một vật không thường hằng là thường hằng, một vật không vĩnh cửu là vĩnh cửu, cùng những điều tương tự, như ngoài Thế Giới này không có sự cứu độ nào cao hơn nữa trong khi vẫn có sự cứu độ khác.

Nghe lời này, vị Phạm Thiên suy nghĩ: Thế Tôn đang khuyến giáo ta khi nhận ra chính xác những lời ta nói.

Rồi như một kẻ trộm rụt rè sau khi bị đấm vài cái, vị ấy đáp: Ðệ tử đâu phải là tên trộm duy nhất?

Còn nhiều vị này vị nọ cũng đều là các tên trộm khác nữa. Rồi vị ấy nêu tên các vị Thiên cùng một hội chúng.

Như vậy vị Phạm Thiên lo sợ Đức Phật chất vấn, nên đã ngâm vần kệ đầu tiên nói lên các vị Thiên cùng hội chúng của mình:

Chúng tôi tất cả bảy mươi hai,

Chân chánh và cao cả tuyệt vời,

Sanh, Lão chúng tôi đà giải thoát,

Cõi này là trí tuệ nhà Trời,

Không Thiên Giới khác cao hơn nữa,

Nhiều kẻ tán đồng quan điểm tôi.

Nghe lời này, Bậc Ðạo Sư ngâm vần kệ thứ hai:

Ðời Ngài ngắn ngủi ở Thiên Đàng,

Tưởng đời trường thọ quả sai lầm,

Một trăm ngàn kiếp trôi qua mất,

Ta biết đời Ngài quá rõ ràng.

Nghe vậy, Baka ngâm vần kệ thứ ba:

Thế Tôn, trí tuệ tử vô cùng,

Sanh, Lão, sầu nằm ở dưới chân:

Xưa đã tạo nên bao thiện nghiệp,

Thế Tôn cho đệ tử hay chăng?

Sau đó Đức Thế Tôn ngâm bốn vần kệ kể cho vị ấy nghe những chuyện quá khứ:

Xưa lấy nước ban phát những người

Lúc đang cơn khát sắp tàn hơi,

Dưới Trời hạn hán như thiêu đốt,

Thiện nghiệp Ngài qua đã mấy đời,

Ta biết là ta đều nhớ rõ,

Như vừa tỉnh giấc mộng mà thôi.

Sông E Ni, thuở nọ bên bờ,

Ngài thả nhiều người được tự do,

Trong lúc bị giam cầm chặt chẽ,

Việc lành Ngài tạo dẫu xa xưa,

Song ta biết rõ ta còn nhớ

Như thể mới vừa tỉnh giấc mơ.

Ngày xưa trên bến nước Sông Hằng,

Ngài cứu thuyền người nọ thoát thân,

Khi bị ác xà kia chụp lấy

Vì thèm thịt sống, khỏi tai ương,

Việc lành Ngài tạo dầu xa lắc,

Ta nhớ rõ như tỉnh giấc nồng.

Ta chính Kappa, đệ tử Ngài,

Trí đức Ngài, ta biết rõ mười,

Thiện nghiệp Ngài làm, ta nhớ kỹ.

Như là mới tỉnh giấc mơ thôi.

Khi nghe các nghiệp quá khứ của mình do Bậc Ðạo Sư thuyết giảng, Baka cảm tạ và ngâm vần kệ cuối cùng:

Thế Tôn biết mọi kiếp xưa xa,

Tuệ giác toàn tri quả Phật Đà,

Uy lực hào quang vinh hiển thực,

Sáng ngời khắp Cõi Phạm Thiên ta.

Như vậy Bậc Ðạo Sư vừa tỏ bày uy lực của một Đức Phật, vừa thuyết pháp khai thị các sự thật. Lúc kết thúc pháp thoại, tâm của mười ngàn vị Phạm Thiên được giải thoát khỏi các ô nhiễm cấu uế.

Do đó, Đức Thế Tôn trở thành nơi an trú của các vị Phạm Thiên, rồi trở về Kỳ Viên từ Cõi Phạm Thiên, Ngài thuyết pháp như trên và nhận diện tiền thân: Thời ấy Phạm Thiên Baka là nhà khổ hạnh Kesava và đệ tử Kappa chính là Ta.

***