Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật
PHẬT THUYẾT KINH
TIỂU PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẨM HAI MƯƠI BA
PHẨM KHEN NGỢI BỒ TÁT
Khi ấy Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật tức là hành thật nghĩa thậm thâm vi diệu phải không?
Phật dạy: Đúng vậy, đúng vậy, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật tức là hành thật nghĩa thậm thâm vi diệu.
Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát hành thật nghĩa thậm thâm vi diệu ấy mà lấy làm khó thì không chứng được thật nghĩa ấy. Đó gọi là hàng địa Thanh Văn, hoặc là địa Bích Chi Phật.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Theo con hiểu về thật nghĩa mà Phật đã nói thì sự thực hành của Bồ Tát không khó.
Vì sao vậy?
Vì người chứng đắc chẳng thể nắm bắt được, pháp dùng để chứng đắc chẳng thể nắm bắt được và pháp được chứng đắc cũng chẳng thể nắm bắt được. Nếu Bồ Tát nghe nói như vậy mà không khinh nghi, sợ sệt, không thoái lui thì phải biết Bồ Tát ấy đã hành bát nhã Ba la mật, mà không thấy ta hành bát nhã Ba la mật. Vì không phân biệt như vậy nên biết Bồ Tát ấy gần chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, xa lìa địa Thanh Văn và Bích Chi Phật.
Bạch Thế Tôn! Bồ Tát hành ví như hư không, không có nghĩa là gần hay xa.
Vì sao?
Vì hư không không có sự phân biệt.
Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật cũng như vậy, không nghĩ: Các Thanh Văn, Bích Chi Phật cách xa ta, còn Vô Thượng Chánh Đẳng Giác thì gần ta.
Vì sao?
Vì bát nhã Ba la mật không có phân biệt.
Bạch Thế Tôn! Ví như người huyễn được nhà ảo thuật biến hóa ra, nhưng không nghĩ rằng: Nhà ảo thuật thì gần ta, còn người xem thì xa ta.
Vì sao vậy?
Vì người huyễn do nhà ảo thuật hóa ra không có phân biệt.
Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật cũng như vậy, không nghĩ rằng: Quả vị Thanh Văn, Bích Chi Phật cách xa ta, Vô Thượng Chánh Đẳng Giác thì cách gần ta.
Vì sao vậy?
Vì bát nhã Ba la mật không có phân biệt.
Bạch Thế Tôn! Ví như cái bóng không nghĩ rằng: Vật tạo ra ta thì gần ta, còn các việc khác thì cách xa ta.
Vì sao vậy?
Vì cái bóng không có phân biệt.
Bát Nhã Ba la mật cũng như vậy, không nghĩ rằng: Quả vị Thanh Văn, Bích Chi Phật xa ta, còn Vô Thượng Chánh Đẳng Giác thì gần ta.
Vì sao vậy?
Vì bát nhã Ba la mật không có phân biệt.
Bạch Thế Tôn! Giống như Đức Như Lai không thương, không ghét. Bát nhã Ba la mật cũng như vậy, không có thương, không có ghét.
Bạch Thế Tôn, giống như Đức Như Lai không có các sự phân biệt, bát nhã Ba la mật cũng như vậy, không có các sự phân biệt.
Bạch Thế Tôn! Giống như hóa thân của Như Lai không nghĩ rằng: Quả vị Thanh Văn, Bích Chi Phật cách xa ta, còn Vô Thượng Chánh Đẳng Giác thì cách gần ta.
Vì sao vậy?
Vì hóa thân của Như Lai không có phân biệt.
Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật cũng như vậy, không có phân biệt quả vị Thanh Văn, Bích Chi Phật cách xa ta, còn Vô Thượng Chánh Đẳng Giác thì cách gần ta.
Vì sao vậy?
Vì bát nhã Ba la mật không có phân biệt.
Bạch Thế Tôn! Như hóa thân của Như Lai tùy theo việc mà làm, không có phân biệt. Bát nhã Ba la mật cũng như vậy, tùy theo sự tu tập đều có thể thành tựu mà không có phân biệt.
Bạch Thế Tôn! Ví như người thợ làm ra các bộ phận người bằng gỗ. Như người nam hoặc người nữ đó tùy theo việc làm đều được thành tựu mà không có phân biệt.
Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật cũng như vậy, tùy theo sự tu tập thì việc gì cũng đều được thành tựu nhưng không có phân biệt.
Bạch Thế Tôn! Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật tức là hành thật nghĩa kiên cố phải không?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật tức là hành thật nghĩa kiên cố.
Khi ấy, các Thiên Tử ở Cõi Dục nghĩ: Nếu có người phát tâm cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, có thể thực hành bát nhã Ba la mật thâm sâu như vậy mà không chứng thật tế lại rơi vào địa vị Thanh Văn, hoặc là địa Bích Chi Phật nên biết việc làm của Bồ Tát ấy rất khó được sự cung kính, lễ lạy của tất cả thế gian.
Tu Bồ Đề nói với các Thiên Tử: Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật thâm sâu như vậy mà không chứng đắc thì không lấy làm khó. Vì sự cứu độ vô lượng, vô số chúng sinh nên Bồ Tát phát đại trang nghiêm, nhưng các chúng sinh rốt ráo chẳng thể nắm bắt được, người đáng được độ thì cũng chẳng thể nắm bắt được. Nhưng nếu họ có thể phát tâm lại thì ta sẽ độ họ. Đó mới gọi là khó.
Này các Thiên Tử! Người này muốn cứu độ chúng sinh là muốn độ hư không.
Vì sao vậy?
Vì hư không xa lìa nên chúng sinh cũng xa lìa. Thế nên phải biết việc làm của Bồ Tát ấy rất là khó. Biết không có chúng sinh nhưng vì chúng sinh mà vị ấy phát đại trang nghiêm. Cũng như người chiến đấu với hư không nên Phật nói chúng sinh ấy chẳng thể nắm bắt được. Vì chúng sinh xa lìa nên người có thể được độ cũng xa lìa.
Vì chúng sinh xa lìa nên sắc cũng xa lìa. Vì chúng sinh xa lìa nên thọ, tưởng, hành, thức cũng xa lìa. Vì chúng sinh xa lìa nên tất cả các pháp cũng xa lìa. Nếu Bồ Tát nghe nói như vậy mà không khinh nghi, sợ sệt, không thoái lui thì phải biết Bồ Tát đó đã hành bát nhã Ba la mật.
Phật hỏi Tu Bồ Đề: Vì nhân duyên gì mà Bồ Tát không khinh nghi sợ sệt và không bị thoái lui?
Bạch Thế Tôn! Vì không nên không thoái lui, vì vô sở hữu nên không thoái lui.
Vì sao?
Vì người thoái lui chẳng thể nắm bắt được, pháp thoái lui chẳng thể nắm bắt được và nơi thoái lui cũng chẳng thể nắm bắt được. Bồ Tát nào nghe nói như vậy mà không khinh nghi sợ sệt, không thoái lui thì phải biết Bồ Tát ấy đã hành bát nhã Ba la mật.
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật là như thế. Lúc bấy giờ Thích Đề Hoàn Nhân cùng chúng Phạm Thiên Vương chủ tể của chúng sinh, Tự Tại Thiên Vương và các Thiên Tử đều cùng nhau cung kính, lễ lạy vị Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật này.
Này Tu Bồ Đề! Không những Thích Đề Hoàn Nhân, Phạm Thiên Vương chủ tể của chúng sinh, Tự Tại Thiên Vương và các Thiên Tử mới cung kính lễ lạy vị Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật này.
Mà Chư Thiên các Cõi Trời như: Phạm Thế, Phạm Phụ, Phạm Chúng, Đại Phạm, Quang Thiên, Thiểu Quang, Vô Lượng Quang, Quang Âm, Tịnh, Thiểu Tịnh, Vô Lượng Tịnh, Vô Biến Tịnh, Vô Âm, Phước Sinh, Quảng Quả, Vô Quảng, Vô Nhiệt, Diệu Kiến, Thiện Kiến và cùng tất cả Chư Thiên trên các Cõi Trời Vô Tiểu cũng đều cung kính và lễ lạy vị Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật này.
Này Tu Bồ Đề! Vô lượng A tăng kỳ Thế Giới Chư Phật trong hiện tại đều nhớ nghĩ đến vị Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật này.
Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật thì sẽ được Chư Phật hộ niệm, phải biết Bồ Tát ấy tức là bậc không thoái chuyển.
Này Tu Bồ Đề! Giả sử như các chúng sinh trong hằng hà sa thế giới đều làm ác ma. Mỗi một chúng sinh ấy đều hóa làm ác ma như vậy, nhưng chúng ma ấy đều không thể nào hại được vị Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật này.
Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát thành tựu được hai pháp thì ác ma không thể phá hoại.
Đó là:
1. Quán sát tất cả các pháp là không.
2. Không xả bỏ tất cả chúng sinh.
Bồ Tát thành tựu được hai pháp trên đây, ác ma không thể nào hại được.
Này Tu Bồ Đề! Lại có hai pháp ác ma không thể nào phá hoại đó là:
1. Lời nói phải đi đôi với việc làm.
2. Được Chư Phật hộ niệm.
Bồ Tát thành tựu được hai pháp trên đây thì sẽ được Chư Thiên đến cung kính cúng dường thăm hỏi và an ủi như sau: Này thiện nam, nếu ông thực hành hạnh ấy thì sẽ mau chứng Phật đạo.
Nếu thực hành hạnh này thì ông phải cứu độ cho những chúng sinh không được cứu độ, phải làm nhà ở cho những chúng sinh không có nhà ở, phải làm chỗ nương tựa cho những chúng sinh không có chỗ nương tựa.
Phải làm hòn đảo cho những chúng sinh không có hòn đảo, phải làm con đường thông suốt cho những chúng sinh không có con đường thông suốt, phải làm chỗ cho những chúng sinh không có chỗ quay về, phải đem lại ánh sáng cho những chúng sinh đang bị tối tăm và phải làm lối đi cho những chúng sinh không có lối đi.
Vì sao?
Vì Bồ Tát ấy thực hành hạnh bát nhã Ba la mật mà thành tựu được bốn công đức. Khi đang nói pháp bát nhã Ba la mật cho các Tỳ Kheo Tăng ở chung quanh thì Bồ Tát ấy được vô lượng, vô biên A tăng kỳ Chư Phật trong số thế giới khắp mười phương ở hiện tại thảy đều khen ngợi, tán thán về danh hiệu của mình.
Này Tu Bồ Đề! Ví như nay ta đang khen ngợi tán thán thật tướng và danh tự của vị Bồ Tát nói bát nhã Ba la mật và các Bồ Tát khác ở chỗ Phật A Súc. Vì các Bồ Tát ấy thường tu hành phạm hạnh và không bao giờ xa lìa việc thực hành bát nhã Ba la mật này.
Như vậy, này Tu Bồ Đề! Nay Chư Phật ở khắp mười phương trong hiện tại cũng đều khen ngợi tán thán: Các Bồ Tát trong nước ta nổi tiếng tu hành phạm hạnh và không xa lìa việc thực hành bát nhã Ba la mật.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tất cả Chư Phật khi thuyết pháp đều khen ngợi tán thán các vị Bồ Tát phải không?
Phật dạy: Không, này Tu Bồ Đề! Khi Chư Phật thuyết pháp, có vị Bồ Tát được khen ngợi tán thán nhưng có vị không được khen ngợi tán thán.
Tu Bồ Đề! Khi thuyết pháp, Chư Phật hay khen ngợi các vị Bồ Tát không thoái chuyển.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Khi Chư Phật thuyết pháp, những vị Bồ Tát chưa chứng không thoái chuyển thì các Ngài có khen ngợi tán thán không?
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Những Bồ Tát nào chưa chứng địa vị không thoái chuyển thì Chư Phật cũng khen ngợi tán thán. Vì những gì mà Bồ Tát có thể học theo ở Phật A Súc thì vị ấy đều được hành đạo. Bồ Tát như vậy, tuy chưa chứng không thoái chuyển cũng được Chư Phật khen ngợi, tán thán.
Tu Bồ Đề! Vị nào có khả năng học theo tướng hành đạo của Bồ Tát đó thì Bồ Tát như vậy, dù chưa chứng không thoái chuyển, cũng được Chư Phật khen ngợi tán thán.
Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật và tin hiểu tất cả các pháp vô sinh mà chưa chứng đắc vô sinh pháp nhẫn. Cũng có vị tin hiểu tất cả các pháp là không mà ở trong địa vị không thoái chuyển vị ấy chưa được tự tại. Cũng có vị có thể thực hành tướng tịch tịnh của tất cả các pháp mà chưa vào địa vị không thoái chuyển.
Tu Bồ Đề! Những Bồ Tát thực hành như vậy cũng được Chư Phật khen ngợi tán thán khi các Ngài thuyết pháp. Còn vị nào chưa chứng không thoái chuyển mà được Chư Phật khen ngợi tán thán khi các Ngài thuyết pháp thì vị ấy sẽ xa lìa được địa Thanh Văn, Bích Chi Phật, gần địa vị Phật và chắc chắn vị ấy sẽ được thọ ký Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật như vậy thì khi Chư Phật thuyết pháp, vị ấy sẽ được các Ngài khen ngợi, tán thán. Và ông phải biết rằng Bồ Tát ấy sẽ chắc chắn đạt đến địa vị không thoái chuyển.
***