Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật
PHẬT THUYẾT KINH
TIỂU PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẨM HAI MƯƠI BỐN
PHẨM CHÚC LỤY
Đức Phật bảo Tu Bồ Đề: Bồ Tát nào nghe bát nhã Ba la mật ấy một cách thâm sâu rồi tin hiểu, không nghi ngờ, không hối hận, không lấy làm khó thì Bồ Tát ấy sẽ ở nơi Phật A Súc và chỗ của các Bồ Tát nghe bát nhã Ba la mật một cách thâm sâu và cũng tin hiểu như vậy.
Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát nào có thể tin hiểu bát nhã Ba la mật đúng như Phật đã nói thì người ấy chắc chắn sẽ đạt đến địa vị không thoái chuyển.
Tu Bồ Đề! Chỉ nghe bát nhã Ba la mật mà người ấy còn được lợi ích như vậy, huống gì tin hiểu và thực hành đúng như lời dạy đó thì họ sẽ trụ vào nhất thiết trí.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu lìa chân như lại không có pháp nào để đắc thì ai sẽ trụ vào nhất thiết trí?
Ai sẽ chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác và ai sẽ thuyết pháp?
Phật bảo Tu Bồ Đề: Này Tu Bồ Đề! Theo lời ông hỏi, nếu lìa chân như lại không có pháp nào để đắc thì ai sẽ trụ vào nhất thiết trí, ai sẽ chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác và ai sẽ thuyết pháp.
Đúng vậy, đúng vậy, này Tu Bồ Đề! Lìa chân như thì sẽ không có pháp nào trụ trong chân như cả.
Vì chân như còn không thể đắc, huống gì là có người trụ vào chân như. Vì vậy, chân như không thể chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, mà lìa chân như cũng không thể chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Do đó, chân như không có thuyết pháp, mà lìa chân như cũng không có ai thuyết pháp cả.
Khi ấy Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Không có người trụ vào chân như thì sẽ không có ai chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Không có ai thuyết pháp mà Bồ Tát nghe pháp ấy một cách thâm sâu nhưng không nghi ngờ, không hối hận, không lấy làm khó mà muốn chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác thì đó mới thật là khó.
Tu Bồ Đề nói với Thích Đề Hoàn Nhân: Này Kiều Thi Ca! Như lời ông nói, Bồ Tát nghe pháp ấy một cách thâm sâu nhưng không nghi ngờ, không hối hận, không lấy làm khó mà muốn chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác thì đó là điều rất khó.
Này Kiều Thi Ca! Tất cả các pháp là không thì trong pháp này ai sẽ nghi ngờ, ai sẽ hối hận và ai sẽ lấy làm khó?
Thích Đề Hoàn Nhân thưa với Tu Bồ Đề: Thưa Tôn Giả! Như lời thầy nói thì đều nương vào không mà không có gì ngăn ngại. Ví như mũi tên bắn lên hư không nó đi không có gì ngăn ngại.
Thưa Tôn Giả Tu Bồ Đề! Con nói chỗ không ngăn ngại cũng như vậy.
Bấy giờ, Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con nói như vậy và trả lời như vậy là nói đúng theo lời của Như Lai và trả lời đúng như pháp phải không?
Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Ông nói như vậy và trả lời như vậy là đúng theo lời nói của Như Lai và trả lời đúng như pháp. Như vậy là ông đã trả lời đúng với chánh pháp.
Này Kiều Thi Ca! Những gì mà Tu Bồ Đề đã nói đều dựa vào không. Tu Bồ Đề còn không có bát nhã Ba la mật để đắc, huống gì là thực hành theo bát nhã Ba la mật. Không có quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác để chứng huống gì có người chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Không có nhất thiết trí để chứng, huống gì có người chứng nhất thiết trí. Không có chân như để chứng, huống gì có người chứng chân như.
Không có pháp vô sinh để chứng, huống gì có người chứng pháp vô sinh. Không có các lực để chứng, huống gì có người chứng các lực. Không có pháp vô sở úy để chứng huống gì có người chứng pháp vô sở úy và không có pháp nào để đắc, huống gì có người thuyết pháp.
Này Kiều Thi Ca! Tu Bồ Đề thường ưa thích hạnh viễn ly và ưa thích hạnh vô sở đắc.
Này Kiều Thi Ca! Những sự thực hành đó của Tu Bồ Đề mà so với sự thực hành của vị Bồ Tát này thì dù trăm phần cũng không bằng một phần, hoặc trăm ngàn vạn ức phần cũng không bằng một phần, cho đến toán số ví dụ cũng không thể nào sánh kịp với Bồ Tát ấy.
Này Kiều Thi Ca! Chỉ trừ sự thực hành của Đức Như Lai ra, còn Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật này so với các sự thực hành khác thì vị ấy là bậc đại tối thắng, vô thượng vi diệu. Nếu đem sự thực hành của vị Bồ Tát này so với sự thực hành của hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật thì vị ấy là bậc đại tối thắng, vô thượng vi diệu.
Thế nên, này Kiều Thi Ca! Nếu ai muốn trở thành bậc tối thượng trong tất cả chúng sinh thì vị ấy phải thực hành bát nhã Ba la mật như vị Bồ Tát đã hành.
Bấy giờ trong đại hội các Thiên Tử ở Cõi Trời Đao lợi đem hoa Mạn Đà La rải lên Đức Phật. Có sáu trăm vị Tỳ Kheo từ chỗ ngồi đứng dậy mặc áo để hở vai bên phải, quỳ gối bên phải chấm đất, chắp tay hướng về Đức Phật, nhờ thần lực của Phật nên hai tay các vị ấy đều vóc đầy hoa, rồi liền đem hoa này rải tung lên Đức Phật.
Rải hoa xong các vị ấy liền thưa: Bạch Thế Tôn! Chúng con sẽ thực hành hạnh Tối thượng ấy.
Đức Phật liền mỉm cười. Theo thường pháp của Chư Phật khi mỉm cười thì từ nơi miệng của các Ngài phát ra vô lượng màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng. Các ánh sáng ấy chiếu khắp cả vô lượng, vô biên thế giới lên đến Trời Phạm Thiên, rồi trở lại bao quanh thân ba vòng và nhập vào đỉnh đầu của các Ngài.
Lúc ấy, Tôn Giả A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, mặc áo bày vai phải, gối bên phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật và bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà Như Lai lại mỉm cười?
Khi Chư Phật mỉm cười là đều có nhân duyên cả.
Phật bảo A Nan: Này A Nan! Vào thời kiếp Tinh tú sẽ có sáu trăm vị Tỳ Kheo được chứng thành Phật và đồng một hiệu là Tán Hoa.
Này A Nan! Số Tỳ Kheo Tăng và chư Như Lai ấy đều ngang bằng nhau, tuổi thọ của chư vị cũng bằng nhau và đều sống đến hai vạn kiếp. Từ đó về sau, các Tỳ Kheo kia sinh ra nơi nào cũng được xuất gia, thế giới của họ thường mưa hoa năm màu rất đẹp.
Thế nên, này A Nan! Nếu ai muốn thực hành hạnh tối thượng ấy thì nên thực hành bát nhã Ba la mật. Bồ Tát nào muốn thực hành theo hạnh của Như Lai thì nên thực hành bát nhã Ba la mật.
Này A Nan! Nếu Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật, nên biết người ấy sau khi mạng chung từ cõi nhân gian, hoặc giả mạng chung ở trên Cõi Đâu Suất, đời sau sẽ sinh ở chốn nhân gian.
Bởi vì sao?
Vì trong loài người và trên Cõi Trời Đâu Suất, mọi người dễ thực hành bát nhã Ba la mật.
Này A Nan! Nếu Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật mà tin thích, thọ trì, đọc tụng, ghi chép. Ghi chép rồi đem bát nhã Ba la mật đó chỉ dạy làm lợi ích cho các Bồ Tát khác thì nên biết vị ấy được Như Lai trông thấy, phải biết vị ấy đã gieo trồng các căn lành với Chư Phật mà không trồng căn lành cùng đệ tử.
Này A Nan! Bồ Tát nào học bát nhã Ba la mật mà không khinh nghi sợ sệt, ngược lại còn tin thích, thọ trì, đọc tụng và thực hành đúng như pháp thì nên biết vị ấy được đến chỗ Phật ở hiện tại. Lại nếu có Bồ Tát nào tin bát nhã Ba la mật mà không chê bai, không chống báng thì nên biết vị ấy đã cúng dường Chư Phật.
Này A Nan! Nếu người nào đã trồng căn lành với Phật mà cầu quả vị A La Hán, Bích Chi Phật thì căn lành ấy không hư vọng, cũng không lìa bát nhã Ba la mật.
Thế nên, này A Nan! Nay ta đem pháp bát nhã Ba la mật này giao phó cho ông. A Nan, pháp mà ta đã nói dùng chỉ bát nhã Ba la mật, nếu có ai thọ trì mà lại quên mất thì lỗi của người ấy còn ít. Còn ông nếu thọ trì bát nhã Ba la mật mà quên mất, thậm chí chỉ một câu thì lỗi ấy rất nặng.
Thế nên, này A Nan! Ta đã đem bát nhã Ba la mật dặn dò và phó chúc cho ông. Vậy, những gì ông đã nghe và thọ trì phải luôn đọc tụng để tâm được an trú trong niệm thông suốt lợi ích và điều ông đã nghe và thọ trì, đều phải nên đọc tụng, thảy đều khiến cho thông suốt lanh lợi và ý niệm tốt lành ở trong lòng.
Vì sao?
Vì bát nhã Ba la mật là kho tàng giáo pháp của Chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai.
Này A Nan! Nếu người nào muốn đem tâm từ cung kính cúng dường ta trong đời hiện tại thì người ấy nên đem tâm đó cúng dường bát nhã Ba la mật rồi thọ trì, đọc tụng và thực hành đúng như pháp tức là vị ấy đã cúng dường ta rồi.
Này A Nan! Người ấy không những cúng dường ta mà còn cúng dường Chư Phật đời quá khứ, vị lai và hiện tại.
Này A Nan! Nếu ông kính trọng và không bỏ ta thì cũng nên kính trọng và không bỏ bát nhã Ba la mật cũng như vậy. Cho đến một câu phải cẩn thận và chớ để quên mất.
Này A Nan! Chính vì nhân duyên ấy mà ta giao phó bát nhã Ba la mật cho ông. Nếu một kiếp, trăm kiếp hay ngàn muôn ức na do tha kiếp, cho đến trong hằng hà sa kiếp ta nói cũng không hết.
Này A Nan! Ta chỉ nói lược qua thôi, như ta nay là nước, đối với hàng Trời, Người, A Tu La trong tất cả thế gian, mười phương Chư Phật thời quá khứ và hiện tại cũng là nước. Bát nhã Ba la mật cũng là nước, đối với hàng Trời, Người, A Tu La trong tất cả thế gian mà ta đem bát nhã Ba la mật giao phó cho ông.
Đức Phật lại bảo A Nan: Nếu người nào kính trọng Phật, kính trọng Pháp, kính trọng Tăng, kính trọng Chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác ở đời quá khứ, hiện tại, vị lai thì vị ấy phải đem sự kính trọng đó mà kính trọng bát nhã Ba la mật. Đây tức là dụng mà ta đã giáo hóa.
Này A Nan! Nếu có người nào thường xuyên thọ trì đọc tụng bát nhã Ba la mật, nên biết vị ấy được thọ trì Vô Thượng Chánh Đẳng Giác của Chư Phật quá khứ, vị lai và hiện tại.
Này A Nan! Khi bát nhã Ba la mật sắp bị tiêu diệt mà có người muốn ủng hộ và giúp đỡ thì người ấy đã ủng hộ và giúp đỡ Vô Thượng Chánh Đẳng Giác của Chư Phật ở quá khứ, vị lai và hiện tại.
Vì sao vậy?
Này A Nan! Vì Vô Thượng Chánh Đẳng Giác của Chư Phật đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra.
A Nan! Nếu Vô Thượng Chánh Đẳng Giác của Chư Phật quá khứ đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra. Vô Thượng Chánh Đẳng Giác của Chư Phật vị lai cũng đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra và Vô Thượng Chánh Đẳng Giác của Chư Phật hiện tại trong vô lượng, vô số thế giới cũng đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra.
Vì thế cho nên, này A Nan! Nếu Bồ Tát muốn chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác thì phải khéo học sáu pháp Ba la mật.
Vì sao?
Vì sáu pháp Ba la mật là mẹ của các Bồ Tát sinh ra Chư Phật. Nếu Bồ Tát học sáu pháp Ba la mật ấy thì sẽ được chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
Thế nên, này A Nan! Một lần nữa ta đem sáu pháp Ba la mật giao phó cho ông.
Vì sao vậy?
Vì sáu pháp Ba la mật này chính là kho tàng giáo pháp vô tận của Chư Phật trong ba đời.
Này A Nan! Nếu ông dựa vào pháp tiểu thừa để giảng nói cho người tiểu thừa, chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới đều nhờ vào pháp đó mà chứng A La Hán thì ông chỉ là người đệ tử được công đức rất ít, không đáng kể.
Nhưng này A Nan! Nếu ông đem sáu pháp Ba la mật đó thuyết giảng cho các hàng Bồ Tát thì ông sẽ là đệ tử của ta và được công đức đầy đủ, điều đó làm ta rất hoan hỷ.
Này A Nan! Nếu vị nào đem pháp tiểu thừa chỉ dạy cho các chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới được chứng A La Hán thì các phước đức của sự bố thí, trì giới và tu thiện của họ há có nhiều không?
A Nan thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!
Đức Phật bảo A Nan: Phước đức ấy tuy nhiều, nhưng không bằng hàng Thanh Văn thuyết giảng bát nhã Ba la mật cho các Bồ Tát dù chỉ một ngày thì phước đức của vị ấy rất nhiều.
Này A Nan! Đặt một ngày này, nếu từ sáng sớm đến giờ ăn, đặt từ sáng sớm đến giờ ăn, thậm chí một khắc lậu. Đặt một khắc lậu ấy, thậm chí trong thoáng chốc, người ấy nói pháp cho hàng Bồ Tát, phước đức và căn lành của tất cả Thanh Văn và Bích Chi Phật không thể so sánh với người ấy và nhớ nghĩ như vậy mà thoái chuyển đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, sẽ không có sự việc như thế.
Này A Nan! Nếu Bồ Tát thực hành như vậy và nhớ nghĩ như vậy mà Vô Thượng Chánh Đẳng Giác bị thoái chuyển thì không có sự việc này.
***