Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật
PHẬT THUYẾT KINH
TIỂU PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẨM MƯỜI
PHẨM KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN
Bấy giờ, Thích Đề Hoàn Nhân nghĩ: Nếu người nào được nghe bát nhã Ba la mật thì phải biết người ấy đã từng cúng dường Chư Phật, huống gì thọ trì, đọc tụng, rồi theo đó học và thực hành đúng như pháp.
Hoặc người nghe nói bát nhã Ba la mật, rồi thọ trì, đọc tụng và thực hành đúng như pháp thì phải biết người ấy đã từng cúng dường nhiều Đức Phật đã rộng hỏi thật nghĩa đó và ở nhiều Chư Phật quá khứ đã nghe bát nhã Ba la mật mà không kinh nghi sợ sệt.
Khi ấy, Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ Tát có khả năng tin hiểu bát nhã Ba la mật sâu xa thì phải biết Bồ Tát ấy như là bậc không thoái chuyển.
Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Vì nếu người ở thời quá khứ không thực hành bát nhã Ba la mật sâu xa lâu dài thì không thể tin hiểu.
Bạch Thế Tôn! Nếu có ai chê bai, chống báng bát nhã Ba la mật thì phải biết người này đã từ lâu chê bai, chống báng bát nhã Ba la mật.
Vì sao?
Vì đối với bát nhã Ba la mật sâu xa mà người ấy không có tín tâm, không có tâm thanh tịnh, cũng không hỏi Chư Phật và các đệ tử của Chư Phật những chỗ nghi ngờ.
Bấy giờ, Thích Đề Hoàn Nhân nói với Xá Lợi Phất: Bát nhã Ba la mật ấy rất là sâu xa. Nếu ai thực hành Bồ Tát đạo không lâu dài, không thể tin hiểu thì có gì đáng làm lạ. Vì nếu người nào cung kính đảnh lễ bát nhã Ba la mật tức là đã cung kính đảnh lễ nhất thiết trí.
Xá Lợi Phất nói: Đúng vậy, đúng vậy! Này Kiều Thi Ca! Nếu người nào cung kính đảnh lễ bát nhã Ba la mật tức là đã cung kính đảnh lễ trí nhất thiết trí. Vì trí nhất thiết trí của Chư Phật từ bát nhã Ba la mật sinh ra, rồi từ nhất thiết trí trở lại sinh bát nhã Ba la mật. Bồ Tát nên trụ bát nhã Ba la mật như vậy và nên tu tập bát nhã Ba la mật như vậy.
Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát phải thực hành bát nhã Ba la mật như thế nào mới gọi là trụ bát nhã Ba la mật và tu tập bát nhã Ba la mật?
Phật dạy Thích Đề Hoàn Nhân: Lành thay, lành thay, này Kiều Thi Ca! Ông có thể hỏi Phật về thật nghĩa ấy, những gì ông hỏi đều là thần lực của Phật.
Này Kiều Thi Ca! Bồ Tát nào hành bát nhã Ba la mật là không trụ vào sắc. Nếu không trụ vào sắc tức là đã tu tập sắc, cũng không trụ vào thọ, tưởng, hành, thức. Nếu không trụ vào thức tức là đã tu tập thức.
Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Bồ Tát nào không tu tập sắc. Nếu không tu tập sắc tức là không trụ sắc. Cũng không tu tập thọ, tưởng, hành, thức. Nếu không tu tập thức tức là không trụ vào thức.
Như vậy, này Kiều Thi Ca! Đó gọi là Bồ Tát tu tập bát nhã Ba la mật và trụ trong bát nhã Ba la mật.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật rất sâu xa, vô cùng và vô tận.
Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Nếu Đại Bồ Tát không trụ vào sắc sâu xa thì đó là đã tu tập sắc sâu xa. Nếu không trụ vào thọ, tưởng, hành, thức sâu xa thì đó là đã tu tập thọ, tưởng, hành, thức sâu xa.
Lại nữa, này Xá Lợi Phất! Nếu Đại Bồ Tát không tu tập sắc sâu xa thì đó là không trụ vào sắc sâu xa. Không tu tập thọ, tưởng, hành, thức sâu xa thì đó là không trụ vào thức sâu xa.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Vì bát nhã Ba la mật ấy rất sâu xa nên đối với Bồ Tát không thoái chuyển đã nói ở trước thì người này nghe những pháp đó không nghi ngờ, không hối hận.
Bấy giờ, Thích Đề Hoàn Nhân nói với Ngài Xá Lợi Phất: Thưa Tôn Giả! Nếu đối với Bồ Tát chưa được thọ ký đã nói ở trước mà nói pháp thì có lỗi gì?
Xá Lợi Phất trả lời: Này Kiều Thi Ca! Nếu Bồ Tát chưa thọ ký mà được nghe pháp bát nhã Ba la mật sâu xa thì phải biết Bồ Tát này đã phát tâm đại thừa từ lâu mới được thọ ký và không bao lâu vị ấy chắc chắn được thọ ký. Nếu qua một vị Phật hoặc hai vị Phật thì vị ấy sẽ được thọ ký Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
Phật dạy: Đúng vậy, đúng vậy, này Xá Lợi Phất! Nếu Bồ Tát chưa thọ ký mà được nghe bát nhã Ba la mật sâu xa thì phải biết Bồ Tát ấy từ lâu đã phát tâm đại thừa.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nay con sẽ nói thí dụ.
Phật dạy: Nếu ông thích nói thì cứ nói.
Xá Lợi Phất liền nói: Ví như có người nào muốn cầu đạo Bồ Tát mà trong chiêm bao thấy mình ngồi Đạo Tràng, phải biết Bồ Tát này sẽ gần Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Hoặc người nào cầu Bồ Tát đạo mà được nghe pháp bát nhã Ba la mật sâu xa thì phải biết Bồ Tát này đã phát tâm đại thừa từ lâu, thành tựu căn lành, gần được thọ ký và không bao lâu người này chắc chắn sẽ được thọ ký.
Phật dạy: Lành thay, lành thay, này Xá Lợi Phất! Ông nương vào thần lực của Phật mà nói lại những lời đó.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Ví như có người muốn đi qua con đường hiểm hoặc giả một trăm do tuần, hoặc hai trăm, hoặc ba trăm, hoặc bốn trăm, hoặc năm trăm do tuần, nếu khi họ muốn thoát khỏi các tai nạn thì trước hết phải thấy các tướng, hoặc thấy người thả trâu dê, hoặc thấy biên giới, hoặc thấy vườn rừng, người nào thấy các tướng như vậy thì họ sẽ biết trong vùng này chắc chắn có thành ấp, xóm làng.
Khi thấy các tướng ấy rồi họ nghĩ như vậy: Theo các tướng mà ta đã thấy là thành ấp xóm làng và cách đây không còn xa nên tâm họ được an ổn, không còn lo sợ có oan gia, giặc cướp làm hại.
Bạch Thế Tôn! Bồ Tát cũng như vậy. Nếu được nghe bát nhã Ba la mật một cách sâu xa thì phải biết Bồ Tát ấy gần được Phật thọ ký và không bao lâu nữa, vị ấy chắc chắn sẽ được thọ ký. Khi ấy, không còn sợ rơi vào địa Thanh Văn và Bích Chi Phật.
Vì sao?
Vì Bồ Tát ấy đã được bổn tướng đó. Nghĩa là được thấy pháp bát nhã Ba la mật sâu xa, được nghe bát nhã Ba la mật sâu xa.
Bạch Thế Tôn! Ví như có người muốn thấy biển lớn, liền đi lần về phía trước thì thấy cây, hoặc thấy tướng của cây, hoặc thấy núi, hoặc thấy tướng của núi, phải biết ở đó cách biển còn xa.
Nếu như không thấy cây, hoặc không có hình tướng của cây, hoặc không thấy núi và không có hình tướng của núi thì phải biết biển lớn cách đó không xa, vì biển lớn rất sâu nên không có cây và núi. Vì vậy người này tuy chưa thấy biển mà biết chắc chắn là biển gần đó.
Bạch Thế Tôn! Bồ Tát cũng như vậy. Nhờ được nghe bát nhã Ba la mật sâu xa nên tuy hiện tại chưa được Chư Phật thọ ký trước mà tự biết chắc chắn mình gần chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
Vì sao?
Vì ta đã được thấy nghe và cúng dường pháp bát nhã Ba la mật ấy sâu xa rồi.
Bạch Thế Tôn! Ví như vào mùa xuân lá úa trên cây rơi rụng thì phải biết không bao lâu cây này sẽ nẩy lộc, trổ lá, đơm hoa, kết trái.
Vì sao?
Vì tướng của lá úa rụng hết nên mọi người ở Cõi Diêm Phù Đề thấy tướng lá cây úa rụng hết và tất cả họ vui mừng nghĩ: Không bao lâu cây này sẽ nẩy lộc, trổ lá, đơm hoa và kết trái.
Bạch Thế Tôn! Bồ Tát cũng như vậy. Nếu Bồ Tát nào được thấy và nghe bát nhã Ba la mật sâu xa thì phải biết Bồ Tát ấy do nhờ nhân duyên trồng căn lành được thành tựu căn lành từ kiếp trước nên nay mới được thấy, nghe bát nhã Ba la mật sâu xa như vậy.
Bấy giờ, Chư Thiên trong hội đã từng thấy Phật nên họ đều hoan hỷ và nghĩ: Các vị Bồ Tát trước cũng có bổn tướng thọ ký như vậy và không bao lâu Bồ Tát này sẽ được thọ ký Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
Bạch Thế Tôn! Ví như người phụ nữ khi mang thai thì thân thể họ mỏi mệt, đi đứng bất tiện, ngồi, nằm không yên, không thích làm việc, ít ăn uống, thân khổ não, không muốn nói năng, chán những thói quen cũ, không có nụ cười, với hiện tướng, nên biết người phụ nữ này không bao lâu sẽ sinh nở.
Căn lành của Bồ Tát thành tựu cũng lại như thế. Nếu được thấy nghe và tư duy bát nhã Ba la mật sâu xa thì phải biết không bao lâu Bồ Tát ấy được thọ ký Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
Phật dạy: Lành thay, lành thay, này Xá Lợi Phất! Những điều ông nói đều nhờ thần lực của Phật cả.
Bấy giờ, Tu Bồ Đề bạch Phật: Thật hy hữu thay, bạch Đức Thế Tôn! Như Lai khéo giảng nói việc của các Bồ Tát.
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Các Đại Bồ Tát ấy từ lâu đã được nhiều lợi ích, được nhiều an ổn, được nhiều an vui và các vị ấy thương xót chúng sinh trong thế gian. Khi chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, Bồ Tát diễn thuyết điều quan trọng của giáo pháp cho Chư Thiên và người.
Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Đại Bồ Tát tu tập và thực hành bát nhã Ba la mật được đầy đủ?
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Đại Bồ Tát nào thực hành bát nhã Ba la mật mà không thấy sắc tăng, đó là đã thực hành bát nhã Ba la mật. Không thấy thọ, tưởng, hành, thức tăng, đó là đã hành bát nhã Ba la mật.
Hoặc không thấy sắc giảm, là đã thực hành bát nhã Ba la mật. Cũng không thấy thọ, tưởng, hành, thức giảm, đó là đã thực hành bát nhã Ba la mật, cho đến không thấy pháp, cũng không thấy phi pháp, đó là đã thực hành bát nhã Ba la mật.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Như lời dạy của Phật quả thật là không thể nghĩ bàn.
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Sắc không thể nghĩ bàn. Thọ, tưởng, hành, thức cũng không thể nghĩ bàn. Bồ Tát nào không phân biệt sắc không thể nghĩ bàn. Không phân biệt thọ, tưởng, hành, thức không thể nghĩ bàn thì Bồ Tát đó đã tu hành bát nhã Ba la mật.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Ai có thể tin hiểu pháp bát nhã Ba la mật như vậy?
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Là người hành Bồ Tát đạo từ lâu.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát hành Bồ Tát đạo từ lâu?
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật mà không phân biệt mười lực và bốn đức không sợ hãi của Đức Phật cho đến không phân biệt nhất thiết trí thực hành lâu dài.
Vì sao?
Vì mười lực không thể nghĩ bàn, bốn đức không sợ hãi của Phật, mười tám pháp bất cộng không thể nghĩ bàn cho đến chẳng phân biệt nhất thiết trí không thể nghĩ bàn. Sắc không thể nghĩ bàn. Thọ, tưởng, hành, thức không thể nghĩ bàn.
Tất cả pháp cũng không thể nghĩ bàn Bồ Tát nào thực hành như vậy thì gọi là không thấy chỗ mình hành nhưng đã hành bát nhã Ba la mật. Như thế, gọi là Bồ Tát thực hành lâu dài.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật rất là sâu xa, bát nhã Ba la mật là nơi chứa trân bảo, cũng như hư không thanh tịnh.
Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật này có nhiều trở ngại, nếu người nào muốn biên chép cho đến một năm thì phải chép mau cho xong phải không?
Phật dạy: Đúng vậy, đúng vậy! Này Tu Bồ Đề! Nếu thiện nam, tín nữ muốn biên chép đọc tụng và thực hành bát nhã Ba la mật đúng như pháp cho đến một năm phải chép mau cho xong.
Này Tu Bồ Đề! Vì trong pháp trân bảo, phần nhiều có oán tặc.
Tu Bồ Đề thưa: Bạch Thế Tôn! Ác ma luôn muốn rình tìm cách làm cho bát nhã Ba la mật đoạn mất phải không?
Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Mặc dù ác ma luôn muốn rình tìm cách làm cho bát nhã Ba la mật đoạn mất, nhưng chúng không thể nào làm được.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nhờ thần lực của ai mà ác ma không thể gây khó dễ bát nhã Ba la mật?
Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Nhờ thần lực của Phật nên ác ma không thể làm trở ngại.
Này Xá Lợi Phất! Cũng là nhờ thần lực của Chư Phật hiện tại ở vô lượng thế giới khắp mười phương nên ác ma không thể làm trở ngại. Vì Chư Phật đều cùng nhau hộ niệm vị Bồ Tát ấy nên ác ma không thể làm hại được.
Vì sao?
Này Xá Lợi Phất! Vì Bồ Tát nào được Chư Phật hộ niệm thì pháp ấy không bị trở ngại.
Vì sao?
Này Xá Lợi Phất! Vì người nào biên chép, đọc tụng giảng nói bát nhã Ba la mật thì được vô lượng A tăng kỳ Chư Phật ở hiện tại khắp mười phương hộ niệm pháp đó. Nếu Bồ Tát nào đọc tụng bát nhã Ba la mật thì phải biết Bồ Tát ấy được Chư Phật hộ niệm nên có thể đọc tụng thông suốt.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu thiện nam, tín nữ có thể thọ trì, đọc tụng bát nhã Ba la mật thì phải biết người này đã thấy bằng Phật nhãn.
Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Nếu thiện nam, tín nữ nào có thể thọ trì, đọc tụng cho đến biên chép bát nhã Ba la mật thì phải biết người ấy thấy bằng Phật nhãn.
Này Xá Lợi Phất! Nếu thiện nam, tín nữ nào cầu Phật đạo mà thọ trì, đọc tụng bát nhã Ba la mật thì gần Vô Thượng Chánh Đẳng Giác cho đến tự mình biên chép và bảo người khác biên chép, chép rồi thọ trì, đọc tụng thì nhờ nhân duyên ấy mà phước đức của họ rất nhiều.
Này Xá Lợi Phất! Sau khi Như Lai diệt độ, bát nhã Ba la mật ấy sẽ lưu truyền ở phương Nam. Từ phương Nam lưu truyền rộng đến phương Tây. Từ phương Tây lưu truyền rộng đến phương Bắc.
Này Xá Lợi Phất! Khi pháp của ta hưng thịnh thì sẽ không có tướng đoạn diệt. Ở phương Bắc nếu có người nào cho đến biên chép, thọ trì và cúng dường bát nhã Ba la mật thì người ấy cũng được sở kiến, sở tri, sở niệm bằng Phật nhãn.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Năm trăm năm sau, bát nhã Ba la mật sẽ được lưu truyền rộng đến phương Bắc không?
Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Năm trăm năm sau bát nhã Ba la mật sẽ được lưu truyền rộng rãi đến phương Bắc. Nếu ở trong đó thiện nam, tín nữ nào nghe bát nhã Ba la mật rồi thọ trì, đọc tụng tu tập thì phải biết người này đã phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Giác từ lâu.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Ở phương Bắc sẽ có bao nhiêu Bồ Tát có thể thọ trì, đọc tụng tu tập bát nhã Ba la mật?
Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Ở phương Bắc tuy có nhiều Bồ Tát đọc tụng, nghe và thọ trì bát nhã Ba la mật nhưng ít người có thể tu tập, đọc tụng thông suốt, người này được nghe bát nhã Ba la mật mà không kinh nghi, sợ sệt, vì người này đã từng gặp Phật và thưa hỏi, phải biết người này có thể thực hành đầy đủ đạo Bồ Tát. Vì Vô Thượng Chánh Đẳng Giác mà vị ấy có thể làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh.
Vì sao?
Này Xá Lợi Phất! Ta vì thiện nam, tín nữ ấy nói pháp nhất thiết trí, người này khi chuyển thân trở lại cũng ưa nói Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, nhất tâm hòa đồng cho đến Ma Vương cũng không thể nào phá hoại tâm cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Giác của họ. Người này nghe bát nhã Ba la mật tâm rất hoan hỷ, tâm được thanh tịnh, làm cho nhiều chúng sinh gieo trồng căn lành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
Thiện Nam, tín nữ này ở trước ta thưa: Bạch Thế Tôn! Khi hành Bồ Tát đạo, chúng con đem pháp này chỉ dạy làm lợi ích hoan hỷ cho vô lượng trăm ngàn vạn chúng sinh, làm cho họ an trụ vào ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
Này Xá Lợi Phất! Ta quán sát tâm của người ấy thì sinh lòng tùy hỷ, vì người này hành Bồ Tát đạo sẽ đem pháp bát nhã Ba la mật chỉ dạy làm lợi ích hoan hỷ cho vô lượng trăm, ngàn, vạn chúng sinh để họ trụ vào ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
Như vậy thiện nam, tín nữ tâm họ phát đại thừa nguyện sinh về Cõi Phật khác, nơi mà Chư Phật hiện tại đang nói pháp. Ở cõi ấy, người này tiếp tục được nghe giảng bát nhã Ba la mật và ở Cõi Phật đó họ cũng đem pháp bát nhã Ba la mật để chỉ dạy làm lợi ích hoan hỷ cho vô lượng trăm ngàn vạn chúng sinh làm cho họ an tru vào ngôi Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
Xá Lợi Phất bạch Phật: Thật hy hữu thay, bạch Đức Thế Tôn! Đức Như Lai đối với các pháp quá khứ, vị lai và hiện tại không có pháp nào mà Ngài không biết, không có pháp nào mà Ngài không hiểu. Như Lai đối với các Bồ Tát ở đời vị lai phần nhiều muốn siêng năng cầu bát nhã Ba la mật, còn thiện nam, tín nữ này có cầu mà được hay không cầu mà được thì Như Lai cũng đều biết rõ.
Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Phần nhiều có thiện nam, tín nữ siêng năng, không giải đãi nên bát nhã Ba la mật không cầu mà được.
Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Thiện nam, tín nữ này đối với các Kinh khác tương ưng với sáu pháp Ba la mật thì không cầu mà được không?
Phật dạy: Này Xá Lợi Phất! Nếu đối với các Kinh khác tương ưng với Ba la mật thì thiện nam, tín nữ này cũng không cầu mà được.
Vì sao?
Này Xá Lợi Phất, vì pháp đúng như vậy.
Nếu có Bồ Tát nào vì các chúng sinh mà chỉ dạy cho họ được lợi ích Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, rồi cũng tự họ học trong đó thì người này sau khi chuyển sinh đời sau được các Kinh Ba la mật sâu xa nên không cầu mà được.
***