Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật

PHẬT THUYẾT KINH

TIỂU PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẨM MƯỜI BA

PHẨM TƯỚNG VÀ VÔ TƯỚNG
 

Lúc bấy giờ, Thích Đề Hoàn Nhân và một vạn Thiên Tử Cõi Dục, hai vạn Thiên Tử cõi Phạm Thế cùng đến đảnh lễ Đức Phật rồi đứng sang một bên, thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Pháp này thật thâm sâu, ở trong pháp đó, sao gọi là tác tướng.

Đức Phật bảo với các đệ tử: Các pháp dùng chân không làm tướng. Dùng vô tướng, vô tác, vô khởi, vô sinh, vô diệt, vô y làm tướng.

Chư Thiên thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Ngài đã nói các tướng ấy như là không, không có chỗ y cứ, các tướng như thế. Tất cả thế gian, Trời, Người, A Tu La không thể hoại diệt.

Vì sao?

Vì tất cả thế gian, Trời, Người, A Tu La tức là tướng ấy.

Bạch Đức Thế Tôn! Các tướng ấy không thể tạo tác, không ở trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức, các tướng ấy chẳng phải do nhân tạo tác, cũng chẳng phải do phi nhân tạo tác.

Đức Phật bảo các Thiên Tử ở Cõi Sắc: Này Chư Thiên Tử!

Có người hỏi hư không do ai tạo tác?

Người đó hỏi đúng không?

Bạch Đức Thế Tôn, không! Hư không, không có ai tạo tác.

Vì sao?

Vì hư không vô vi.

Này Chư Thiên Tử, các tướng ấy cũng như vậy, có Phật hay không có Phật các tướng ấy vẫn thường trụ không khác, Như Lai chứng đắc các tướng ấy nên gọi là Như Lai.

Các Thiên Tử thưa: Như Lai thuyết các tướng thậm thâm, trí tuệ của Chư Phật vô ngại, có thể biểu hiện chân như, cũng có thể thuyết hành tướng bát nhã Ba la mật.

Bạch Đức Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật là hành xứ của Chư Phật cũng chính là biểu hiện cho Chư Phật và thế gian.

Lại nữa Tu Bồ Đề: Chư Phật y chỉ vào pháp và cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán pháp. Pháp đó là bát nhã Ba la mật, Chư Phật cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán bát nhã Ba la mật.

Vì sao?

Vì bát nhã Ba la mật sinh ra Chư Phật.

Tu Bồ Đề! Như Lai là Bậc biết ân, biết báo ân, nếu có người hỏi đúng đắn ai biết ân và biết báo ân, hãy đáp Đức Phật là Bậc biết ân và biết báo ân.

Tu Bồ Đề! Tại sao gọi Đức Phật là Bậc biết ân và biết báo ân?

Chỗ hành đạo và hành pháp của Đức Như Lai, chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, chính là hộ niệm đạo ấy và pháp ấy. Vì sự việc đó cho nên biết rằng, Phật là Bậc biết ân và biết trả ân.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Như Lai biết tất cả pháp là vô tác, đó cũng chính là biết ân.

Tu Bồ Đề! Như Lai cũng nhờ bát nhã Ba la mật mà biết tướng của tất cả pháp là vô tác, đắc trí tuệ ấy là nhờ vào nhân duyên bát nhã Ba la mật. Do đó bát nhã Ba la mật cũng biểu hiện cho Chư Phật và thế gian.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp không biết, không thấy sao gọi là bát nhã Ba la mật biểu hiện cho Chư Phật và thế gian?

Này Tu Bồ Đề! Đúng vậy, đúng vậy. Tất cả pháp không biết, không thấy.

Này Tu Bồ Đề! Nhưng tại sao tất cả pháp không biết?

Vì tất cả pháp là không.

Tại sao tất cả pháp không thấy được?

Vì tất cả pháp không chỗ y cứ. Vì vậy tất cả pháp không biết, không thấy.

Tu Bồ Đề! Như Lai nhờ bát nhã Ba la mật nên đắc pháp như vậy, thế nên bát nhã Ba la mật cũng biểu hiện cho Chư Phật và thế gian. Như vậy không thấy sắc nên biểu hiện thế gian, không thấy thọ, tưởng, hành, thức nên biểu hiện thế gian. Bát nhã Ba la mật biểu hiện Chư Phật và thế gian như thế.

Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao nói không thấy sắc nên biểu hiện thế gian?

Tại sao gọi là không thấy thọ, tưởng, hành, thức nên biểu hiện thế gian?

Này Tu Bồ Đề! Nếu không duyên vào sắc để sinh ra sắc thì gọi là không kiến chấp sắc. Nếu không duyên vào thọ, tưởng, hành, thức để sinh ra thọ, tưởng, hành, thức thì gọi là không kiến chấp thọ, tưởng, hành, thức. Không kiến chấp thế gian như vậy gọi là thấy rõ thế gian.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Thế gian không, bát nhã Ba la mật biểu hiện như thật thế gian không. Tướng xa lìa của thế gian, bát nhã Ba la mật biểu hiện như thật tướng xa lìa của thế gian. Tướng thanh tịnh của thế gian, bát nhã Ba la mật biểu hiện như thật tướng thanh tịnh của thế gian. Thế gian tịch diệt, bát nhã Ba la mật biểu hiện như thật thế gian tịch diệt.

Này Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật cũng biểu hiện Chư Phật và thế gian như thế.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật là việc lớn nên xuất hiện. Bát nhã Ba la mật là những việc không thể nghĩ bàn, không thể cân, không thể đo lường, không gì sánh bằng nên xuất hiện.

Phật dạy: Đúng vậy, đúng vậy, này Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật là việc lớn, là những việc không thể nghĩ bàn, không thể cân, không thể đo lường, không gì sánh bằng nên xuất hiện.

Tu Bồ Đề! Sao gọi là bát nhã Ba la mật là đại sự, không thể nghĩ bàn, không thể cân, không thể đo lường, không gì sánh bằng nên xuất hiện?

Tu Bồ Đề! Pháp Như Lai, pháp tự nhiên, pháp của Bậc nhất thiết trí rộng lớn không thể nghĩ bàn, không thể trù tính. Vì thế, bát nhã Ba la mật là việc lớn, việc không thể nghĩ bàn cho nên xuất hiện.

Sao gọi bát nhã Ba la mật là việc không thể cân, việc không thể đo lường nên xuất hiện?

Tại sao bát nhã Ba la mật là việc không gì sánh bằng nên xuất hiện?

Này Tu Bồ Đề! Không gì sánh bằng Như Lai huống nữa là hơn.

Thế nên, Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật là việc không gì sánh bằng nên xuất hiện.

Bạch Đức Thế Tôn! Chỉ có pháp Như Lai, pháp tự nhiên, pháp của bậc nhất thiết trí không thể nghĩ bàn, không thể cân, không thể đo lường.

Còn sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng không thể nghĩ bàn, không thể cân, không thể đo lường hay sao?

Này Tu Bồ Đề! Sắc cũng không thể nghĩ bàn, không thể cân, không thể đo lường. Thọ, tưởng, hành, thức cũng không thể nghĩ bàn, không thể cân, không thể đo lường. Tất cả pháp cũng không thể nghĩ bàn, không thể cân, không thể tính lường.

Vì sao?

Này Tu Bồ Đề vì thật tướng của các pháp không có tâm, tâm sở pháp.

Tu Bồ Đề! Sắc không thể cân. Thọ, tưởng, hành, thức không thể cân. Tất cả pháp cũng không thể cân, trong các pháp này không có phân biệt.

Tu Bồ Đề! Sắc không thể tính lường. Thọ, tưởng, hành, thức cũng không thể tính lường.

Tất cả pháp cũng không thể tính lường?

Này Tu Bồ Đề! Vì sao?

Sắc không thể tính lường. Thọ, tưởng, hành, thức không thể tính lường, tất cả pháp không thể tính lường.

Này Tu Bồ Đề! Sắc lượng vô sở hữu, không thể nắm bắt. Thọ, tưởng, hành, thức lượng vô sở hữu, không thể nắm bắt. Tất cả pháp lượng vô sở hữu, không thể nắm bắt.

Tu Bồ Đề! Vì sao sắc lượng vô sở hữu, không thể nắm bắt. Thọ, tưởng, hành, thức lượng vô sở hữu, không thể nắm bắt.

Tất cả pháp lượng vô sở hữu, không thể nắm bắt?

Này Tu Bồ Đề! Vì sao sắc vô sở hữu. Thọ, tưởng, hành, thức vô sở hữu.

Tất cả pháp vô sở hữu nên lượng không thể nắm bắt?

Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?

Hư không có tâm và tâm sở pháp không?

Bạch Đức Thế Tôn, không!

Tu Bồ Đề! Do nhân duyên này nên tất cả pháp không thể nghĩ bàn, diệt mọi tính lường nên gọi là không thể nghĩ bàn. Diệt mọi cân lường nên gọi là không thể lường.

Tu Bồ Đề! Đo lường là hoạt động của thức.

Tu Bồ Đề! Vô lượng là vượt mọi sự tính lường.

Tu Bồ Đề! Như hư không không thể nghĩ bàn, không thể đo, không thể tính lường. Như Lai pháp, tự nhiên pháp, nhất thiết trí, nhân pháp cũng không thể nghĩ bàn, không thể cân, không thể tính lường.

Khi Đức Phật nói pháp không thể nghĩ bàn, không gì sánh bằng này, có năm trăm Tỳ Kheo, hai trăm năm mươi Tỳ Kheo Ni không chấp vào các pháp, sạch hữu lậu tâm, được giải thoát, sáu vạn Ưu Bà Tắc, ba vạn Ưu Bà Di đắc pháp nhãn tịnh trong các pháp, hai mươi Bồ Tát đắc vô sinh pháp nhẫn, ở trong hiền kiếp này đều sẽ được thành Phật.

Khi ấy, Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Như vậy bát nhã Ba la mật thâm sâu này vì việc lớn nên xuất hiện, cho đến vì không gì sánh bằng nên xuất hiện.

Phật dạy: Đúng vậy, đúng vậy, này Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật thâm sâu này vì việc lớn nên xuất hiện, cho đến vì không gì sánh bằng nên xuất hiện. Nhất thiết trí của Chư Phật đều ở trong bát nhã Ba la mật, tất cả quả vị Thanh Văn, Bích Chi Phật đều ở trong bát nhã Ba la mật.

Tu Bồ Đề! Ví như Vua Sát đế lợi đã được quán đảnh, mọi việc trong thành ấp, xóm làng đều giao phó cho đại thần, Vua không còn lo việc gì nữa.

Này Tu Bồ Đề! Chư Như Lai cũng vậy, việc làm của Thanh Văn, Bích Chi Phật, việc làm của Phật đều ở trong bát nhã Ba la mật. Bát nhã Ba la mật có khả năng thành tựu mọi việc.

Vì thế, này Tu Bồ Đề! Nên biết bát nhã Ba la mật xuất hiện là việc lớn cho đến là việc không gì sánh bằng.

Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật không thọ nhận và không chấp trước sắc nên xuất hiện. Không thọ nhận và không chấp trước thọ, tưởng, hành, thức nên xuất hiện. Không chấp trước quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, Bích Chi Phật cho đến nhất thiết trí cũng không thọ nhận không chấp trước nên xuất hiện.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Sao gọi là bát nhã Ba la mật không thọ nhận nhất thiết trí và không chấp trước nhất thiết trí?

Này Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào?

Ông có thấy pháp A La Hán có thể thọ nhận không thể chấp trước được không?

Bạch Đức Thế Tôn, không! Con không thấy pháp đó có thể sinh ra sự chấp trước.

Phật dạy: Lành thay, lành thay, này Tu Bồ Đề! Ta cũng không thấy pháp của Như Lai. Vì không thấy nên không thọ nhận không chấp trước.

Do đó, Tu Bồ Đề! Nhất thiết trí không thể thọ nhận không thể chấp trước.

Lúc bấy giờ, Chư Thiên Cõi Dục, Cõi Sắc bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Sự thậm thâm của bát nhã Ba la mật thật khó hiểu, khó biết, người nào có thể hiểu được sự thậm thâm của bát nhã Ba la mật thì nên biết đời trước người đó đã từng cúng dường Chư Phật.

Bạch Đức Thế Tôn! Nếu chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới đều tạo tác lòng tin và thực hành, tu hành ở trong địa tín và hạnh, hoặc giả một kiếp hoặc giả một kiếp giảm và có chúng sinh biết suy nghĩ quán nhẫn cho đến thông suốt sự thậm thâm của bát nhã Ba la mật dù chỉ một ngày thì phước nào hơn?

Phật bảo các Thiên Tử: Thiện nam, thiện nữ nào nghe được sự thâm sâu của bát nhã Ba la mật, mau chứng đắc Niết Bàn phước này hơn hẳn những người tu hành trong tín hạnh địa suốt một kiếp hoặc một kiếp giảm.

Khi ấy các Thiên Tử ở Cõi Dục và Cõi Sắc đầu đảnh lễ, nhiễu quanh Đức Phật và lui ra, đi một đoạn không xa rồi biến mất. Chư Thiên Cõi Dục trở về Trời Dục Giới. Chư Thiên Tử Cõi Sắc trở về Trời Sắc Giới.

Bấy giờ, Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu Bồ Tát có khả năng tin hiểu sự thậm thâm của bát nhã Ba la mật, vì sao còn tái sinh cõi này?

Phật bảo Tu Bồ Đề: Nếu Bồ Tát nghe được sự thậm thâm của bát nhã Ba la mật liền có lòng tin hiểu, không nghi ngờ, không hối hận, không trách móc, không vặn vẹo, thích thấy, thích nghe và luôn thực hành. Với ý niệm đó, Bồ Tát không rời khỏi người thuyết giảng bát nhã Ba la mật.

Tu Bồ Đề! Ví như nghé con mới sinh ra không rời mẹ của nó. Bồ Tát cũng vậy, khi nghe được sự thậm thâm của bát nhã Ba la mật thì không rời người thuyết giảng bát nhã Ba la mật, cho đến đọc tụng, ghi chép bát nhã Ba la mật.

Tu Bồ Đề! Nên biết, Bồ Tát này bỏ thân người lại vẫn tái sinh trong loài người.

Bạch Đức Thế Tôn! Có một số Bồ Tát thành tựu nhân duyên công đức như thế, các vị ấy cúng dường Chư Phật ở thế giới phương khác, vị kia sau khi mạng chung có sinh trở lại ở thế gian này hay không?

Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát thành tựu công đức như vậy là đã cúng dường Chư Phật ở thế giới phương khác, sau khi bỏ thân ở phương đó sẽ tái sinh vào thế giới này, người kia khi mạng chung sẽ sinh trở lại thế gian này.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Có Bồ Tát thành tựu công đức như vậy, vị đó ở Cõi Trời Đâu Suất nghe Bồ Tát Di Lặc giảng bát nhã Ba la mật, hỏi những việc trong bát nhã Ba la mật, sau khi bỏ thân ở đó sẽ tái sinh vào thế giới này.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Đời trước nếu người nào nghe bát nhã Ba la mật thâm sâu mà không hỏi ý nghĩa của nó, nếu sinh vào cõi người, tâm người đó vẫn còn nghi ngờ, do dự.

Tu Bồ Đề! Nên biết đời trước người đó không chỗ đạt đến.

Vì sao?

Vì đối với bát nhã Ba la mật tâm họ còn nghi ngờ, do dự.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Đời trước, người nào trong một ngày, hai, ba, bốn, năm ngày nghe bát nhã Ba la mật, hỏi những việc trong bát nhã Ba la mật mà không làm đúng như pháp.

Vào những kiếp sau, người đó lại tiếp tục được nghe bát nhã Ba la mật hỏi những việc trong bát nhã Ba la mật, tín tâm không bị trở ngại nhưng nếu xa lìa Pháp Sư, không hỏi vặn lẽ khó khăn nữa, vẫn bị nhân duyên kéo dắt, thì mất bát nhã Ba la mật sâu xa.

Vì sao?

Này Tu Bồ Đề! Pháp là như vậy.

Nếu người nào tuy có thể hỏi những lẽ khó khăn trong bát nhã Ba la mật nhưng không thực hành đúng pháp, có lúc thích nghe có lúc không thích nghe bát nhã Ba la mật, tâm họ bị dao động như tấm vải mỏng, nên biết Bồ Tát này mới phát tâm đại thừa, lòng tin của Bồ Tát ấy không thanh tịnh, nếu không được bát nhã Ba la mật bảo hộ, ở trong hai địa, Bồ Tát ấy sẽ rơi vào một nơi, hoặc giả rơi vào địa Thanh Văn, hoặc giả rơi vào địa Bích Chi Phật.

***