Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật

PHẬT THUYẾT KINH

TIỂU PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẨM MƯỜI HAI

PHẨM TIỂU NHƯ
 

Đức Phật bảo: Này Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật có nhiều ách nạn như vậy đó.

Tu Bồ Đề thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Đúng vậy, đúng vậy! Bát nhã Ba la mật có nhiều ách nạn. Ví như có của báu thì có nhiều giặc cướp.

Bát nhã Ba la mật cũng vậy, hành giả nào không thọ trì, đọc tụng, tu tập bát nhã Ba la mật nên biết họ là người mới phát tâm, thiếu trí tuệ, thiếu lòng tin, không thích đại pháp, bị ma nhiếp phục.

Đúng vậy, đúng vậy, Tu Bồ Đề! Hành giả nào không thọ trì, đọc tụng, tu tập bát nhã Ba la mật nên biết họ là người mới phát tâm, thiếu trí tuệ, thiếu lòng tin, không thích đại pháp, bị ma nhiếp phục.

Này Tu Bồ Đề! bát nhã Ba la mật tuy có nhiều việc ma và ách nạn như vậy nhưng nếu thiện nam, thiện nữ nào có khả năng thọ trì, ghi chép, đọc tụng, thuyết giảng bát nhã Ba la mật thì nên biết các người này đều nhờ vào năng lực của Phật.

Vì sao?

Ác ma tuy có những việc làm muốn tiêu diệt bát nhã Ba la mật, nhưng Chư Phật cũng có những việc làm giữ gìn bát nhã Ba la mật.

Tu Bồ Đề! Ví như người mẹ có nhiều con hoặc mười, hoặc trăm, hoặc mười vạn, người mẹ bị bệnh, mỗi người con đều lo lắng chữa chạy và ước nguyện: Chúng ta phải làm cách nào hữu hiệu nhất để mẹ được khỏi bệnh, sống lâu, thân thể được an ổn, không bị các khổ về nóng, lạnh, mưa, gió, muỗi mòng độc hại. Chúng ta phải cho mẹ uống thuốc để mẹ được lành bệnh.

Vì sao? 

Vì mẹ sinh thành dưỡng dục chúng ta, ban cho chúng ta thọ mạng, chỉ dạy chúng ta việc đời, ân ấy thật sâu nặng.

Tu Bồ Đề! Nay Chư Phật hiện tại trong mười phương luôn nghĩ đến bát nhã Ba la mật: Bát nhã Ba la mật có thể sinh ra Chư Phật, có thể biểu hiện nhất thiết trí.

Vì sao?

Vì nhất thiết trí của Chư Phật đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra.

Tu Bồ Đề! Chư Phật chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề hoặc đã chứng, đang chứng, sẽ chứng đều do bát nhã Ba la mật. Tu Bồ Đề bát nhã Ba la mật biểu hiện nhất thiết trí của mười phương Chư Phật, cũng biểu hiện thế gian.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Như lời Ngài nói bát nhã Ba la mật biểu hiện Chư Phật, biểu hiện thế gian.

Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là thế gian?

Phật dạy: Năm ấm là thế gian.

Bạch Đức Thế Tôn! Sao gọi là bát nhã Ba la mật biểu hiện năm ấm?

Bát nhã Ba la mật biểu hiện tướng bất hoại của năm ấm.

Vì sao?

Này Tu Bồ Đề! Không là tướng bất hoại. Vô tướng, vô tác là tướng bất hoại. Bát nhã Ba la mật biểu hiện thế gian như thế.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Chư Phật tùy theo vô lượng tâm tánh của chúng sinh mà biết như thật về tâm của họ.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật biểu hiện Chư Phật và thế gian.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Tâm chúng sinh loạn động hay thu nhiếp, tâm loạn động hay thu nhiếp ấy, Chư Phật biết như thật.

Tu Bồ Đề! Như Lai làm thế nào để biết tâm loạn động hay tâm thu nhiếp của chúng sinh?

Như Lai dùng pháp tướng để biết vậy.

Tu Bồ Đề! Nhờ pháp tướng nên Như Lai biết tâm không phải loạn động và biết tâm loạn động như thế.

Như Lai làm thế nào để biết tâm thu nhiếp?

Này Tu Bồ Đề! Như Lai biết rốt ráo tướng của tâm, biết như thật rốt ráo về tướng ấy, đó là biết tâm thu nhiếp.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Chúng sinh có tâm nhiễm ô, Như Lai biết như thật về tâm nhiễm ô, tâm sân giận, tâm ngu si, Như Lai biết như thật về tâm sân giận, tâm ngu si.

Như Lai làm thế nào để biết như thật về tâm nhiễm ô, tâm sân giận, tâm ngu si?

Này Tu Bồ Đề! Tướng như thật của tâm nhiễm ô tức chẳng phải tâm nhiễm ô, tướng như thật của tâm sân giận, tâm ngu si tức chẳng phải tâm sân giận, tâm ngu si.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! nhất thiết trí của Chư Phật sinh ra từ bát nhã Ba la mật.

Khi chúng sinh xa lìa tâm nhiễm ô, Như Lai làm thế nào để biết như thật chúng sinh xa lìa tâm nhiễm ô. Xa lìa tâm sân giận, như thật biết xa lìa tâm sân giận.

Xa lìa tâm ngu si, như thật biết xa lìa tâm ngu si?

Này Tu Bồ Đề! Xa lìa tâm nhiễm ô không xa lìa tướng nhiễm ô. Xa lìa tâm sân giận không xa lìa tướng sân giận. Xa lìa tâm ngu si không xa lìa tướng ngu si.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Bát nhã Ba la mật, biểu hiện cho Chư Phật và thế gian.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Tâm chúng sinh rộng rãi, Như Lai nương vào bát nhã Ba la mật biết như thật tâm rộng rãi ấy.

Như Lai làm thế nào để biết như thật tâm rộng rãi của chúng sinh?

Này Tu Bồ Đề! Tâm chúng sinh không tăng, không rộng rãi, không xa lìa tướng xa lìa. Đó là Như Lai nương vào bát nhã Ba la mật để biết như thật về tâm rộng rãi của chúng sinh.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Tâm chúng sinh rộng lớn, Như Lai nương vào bát nhã Ba la mật biết như thật tâm rộng lớn ấy.

Như Lai làm thế nào để biết tâm rộng lớn của chúng sinh?

Này Tu Bồ Đề! Như Lai biết đó là tâm không đến, không đi, không trụ. Như thế Tu Bồ Đề đó là Như Lai nương vào bát nhã Ba la mật để biết như thật về tâm rộng lớn của chúng sinh.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Tâm chúng sinh vô lượng Như Lai nương vào bát nhã Ba la mật biết như thật tâm vô lượng ấy.

Như Lai làm thế nào để biết như thật tâm vô lượng của chúng sinh?

Này Tu Bồ Đề! Như Lai biết đó là tâm loạn động, còn tâm trụ là tâm ở trong vắng lặng, không chỗ nương tựa như hư không vô lượng, biết tâm cũng như vậy.

Đúng vậy, này Tu Bồ Đề! Đó là Như Lai nương vào bát nhã Ba la mật để biết như thật về tâm vô lượng của chúng sinh.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Chúng sinh không thể thấy tâm, Như Lai nương vào bát nhã Ba la mật biết như thật chúng sinh không thể thấy tâm.

Như Lai làm thế nào để biết như thật chúng sinh không thể thấy tâm?

Như Lai dùng nghĩa vô tướng để biết như thật chúng sinh không thể thấy tâm. Đó là Như Lai nương vào bát nhã Ba la mật để biết như thật chúng sinh không thể thấy tâm.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Chúng sinh không hiện tâm, Như Lai nương vào bát nhã Ba la mật biết như thật chúng sinh không hiện tâm.

Như Lai làm thế nào để biết như thật chúng sinh không hiện tâm?

Đó là tâm thuộc ngũ nhãn không thể thấy.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Như Lai nương vào bát nhã Ba la mật để biết như thật chúng sinh không hiện tâm.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Như Lai nương vào bát nhã Ba la mật biết sự ẩn hiện của chúng sinh.

Như Lai làm thế nào để biết sự ẩn hiện của chúng sinh?

Chúng sinh có sự ẩn hiện là nương theo sắc sinh ra. Nương theo thọ, tưởng, hành, thức sinh ra.

Những gì là các sự ẩn và hiện?

Sự sống chết đó là ngã và thế gian là thường, nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Ngã và thế gian vô thường. Thường, vô thường, chẳng phải thường, chẳng phải vô thường đều nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Thế giới hữu biên, thế giới vô biên, hữu biên, vô biên, chẳng phải hữu biên, chẳng phải vô biên, những tri kiến ấy đều nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Sau khi chết mất hẳn, không mất hẳn, vừa mất hẳn, vừa không mất hẳn, chẳng phải không mất hẳn, nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chẳng phải không nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức, những tri kiến ấy đếu nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Thân tức là thần tri kiến ấy nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Thân khác, thân khác tri kiến ấy nương vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Như Lai nương vào bát nhã Ba la mật để biết sự ẩn hiện của chúng sinh.

Lại nữa, Tu Bồ Đề! Như Lai nương vào bát nhã Ba la mật biết được tướng của sắc.

Sao gọi là biết được tướng của sắc?

Đó là biết như như.

Tu Bồ Đề! Như Lai biết tướng của thọ, tưởng, hành, thức.

Làm thế nào để biết tướng của thọ, tưởng, hành, thức?

Đó là biết như như.

Tu Bồ Đề! Như Lai nói năm ấm như tức nói đến ẩn và hiện, năm ấm như tức là thế gian như, năm ấm như tức là tất cả pháp như, tất cả pháp như tức là quả Tu Đà Hoàn như, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán, Bích Chi Phật như.

Bích Chi Phật như tức Như Lai như, các như đều là nhất như, không hai, không khác, không hết, không lượng.

Như vậy, này Tu Bồ Đề! Như Lai nương vào bát nhã Ba la mật biết được tướng Như. Đó là bát nhã Ba la mật biểu hiện cho Chư Phật, thế gian và có thể sinh ra Chư Phật.

Chư Phật biết thế gian như, như thật đắc Như nên gọi là Như Lai.

Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Như này rất thâm sâu, vô thượng bồ đề của Chư Phật đều từ như này sinh ra.

Bạch Thế Tôn! Như Lai đắc pháp thậm thâm ấy có thể vì chúng sinh thuyết tướng chân như, nhưng ai có thể tin hiểu tướng chân như ấy?

Chỉ có Bồ Tát không thoái chuyển, bậc có chánh kiến đầy đủ, bậc A La Hán mãn nguyện mới có thể tin hiểu.

Này Tu Bồ Đề! Như vậy là vô tận, Như Lai nói như thật về vô tận.

***