Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật

PHẬT THUYẾT KINH

TIỂU PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẨM NĂM

PHẨM XÁ LỢI
 

Khi ấy Phật bảo Thích Đề Hoàn Nhân: Này Kiều Thi Ca! Xá Lợi khắp cả Cõi Diêm Phù Đề là một phần, bát nhã Ba la mật là một phần trong hai phần đó ông chọn lấy phần nào.

Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con lấy phần bát nhã Ba la mật.

Vì sao?

Bạch Thế Tôn, chẳng phải con không cung kính Xá Lợi, nhưng vì Xá Lợi là từ bát nhã Ba la mật mà sinh ra, nhờ bát nhã Ba la mật huân tập nên được cúng dường.

Bạch Thế Tôn! Con ở trên cung Trời Đao Lợi trong Thiện pháp đường, con có chỗ thường ngồi.

Chư Thiên Tử Cõi Trời Đao lợi đến cúng dường cho con, nếu con không có chỗ ở đó thì Chư Thiên Tử cung kính làm lễ đi nhiễu tòa ngồi của con rồi mới đi. Vì họ suy nghĩ Thích Đề Hoàn Nhân ngồi ở tòa này thuyết pháp cho Chư Thiên. Xá Lợi của Chư Phật cũng vậy từ bát nhã Ba la mật mà sinh ra là chỗ ở của nhất thiết trí cho nên được cúng dường như vậy.

Thưa Thế Tôn! Trong hai phần con xin lấy phần bát nhã Ba la mật.

Bạch Thế Tôn! Đặt Xá Lợi khắp cả Cõi Diêm Phù Đề, hoặc Xá Lợi khắp cả Tam thiên đại thiên thế giới là một phần bát nhã Ba la mật là một phần. Trong hai phần con xin lấy phần bát nhã Ba la mật.

Vì sao?

Vì Xá Lợi của Chư Phật từ bát nhã Ba la mật sinh ra nên được cúng dường.

Bạch Thế Tôn! Ví như là người mắc nợ thường lo sợ chủ, vì nhờ thân cận phụng sự Nhà Vua nên chủ nợ trở lại lo sợ cung kính người mắc nợ có dựa vào năng lực của Nhà Vua.

Bạch Thế Tôn! Xá Lợi cũng như vậy nương nơi bát nhã Ba la mật mà được cúng dường.

Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật như Vua, Xá Lợi như người gần gũi Nhà Vua. Xá Lợi của Như Lai nương nơi tất cả bát nhã Ba la mật mà được cúng dường.

Bạch Thế Tôn! Tất cả trí tuệ của Chư Phật, cũng từ bát nhã Ba la mật mà sinh ra, cho nên trong hai phần con xin lấy một phần bát nhã Ba la mật.

Bạch Thế Tôn! Như bảo châu vô giá có công đức như vậy, chỗ để hạt châu đó là phi nhân không thể hại được. Hoặc người nam, hoặc người nữ, hoặc người lớn, hoặc người nhỏ nếu bị phi nhân hại thì khi đem châu báu đến chỗ đó, phi nhân bỏ đi.

Nếu có bệnh nóng, lấy hạt châu thoa lên thân có thể trừ diệt. Nếu có bệnh phong lấy hạt châu xoa lên thân, phong liền biến mất. Nếu có bệnh lạnh cũng dùng bảo châu xoa lên thân liền hết lạnh. Hạt bảo châu lúc Trời tối hạt châu làm sáng. Khi nóng có thể làm mát. Lúc lạnh có thể làm ấm.

Để hạt bảo châu nơi nào thì rắn độc không thể vào được. Người nam hoặc người nữ. Hoặc người lớn hoặc người nhỏ, bị trùng độc chích đốt, đem hạt châu đưa cho họ thì độc liền tiêu. Nếu con mắt bị bệnh đem bảo châu xoa lên mắt thì mắt được lành.

Bạch Thế Tôn! Lại hạt châu này nếu để trong nước thì hạt châu cùng màu với nước. Nếu dùng túi bằng lụa màu trắng đựng bảo châu bỏ vào trong nước thì nước biến thành màu trắng. Nếu dùng túi xanh vàng đỏ tím đựng hạt châu bỏ vào trong nước, thì nước biến thành xanh, vàng, đỏ, tím, nước đục biến thành trong, hạt châu này thành tựu công đức như vậy.

Khi ấy A Nan hỏi Thích Đề Hoàn Nhân: Đây là vật báu ở Cõi Diêm Phù Đề hay là vật báu ở Cõi Trời.

Thích Đề Hoàn Nhân đáp: Đây là vật báu ở Cõi Trời, người ở Cõi Diêm Phù Đề cũng có vật báu này nhưng công đức ít mà nặng, công đức hạt châu ở Cõi Trời nhiều mà nhẹ, vật báu người so sánh của Trời, không thể dùng toán số mà thí dụ được sự chênh lệch.

Bạch Thế Tôn! Nếu đem hạt châu bỏ vào trong hộp, tuy lấy hạt châu ra khỏi hộp rồi, vì công đức của hạt châu đó, nhưng hộp vẫn quý giá.

Bạch Thế Tôn! Bởi vì công đức nhất thiết trí của bát nhã Ba la mật nên sau khi Như Lai diệt độ, Xá Lợi được cúng dường. Vì Xá Lợi của Như Lai là chỗ trụ xứ nhất thiết trí, trong hai phần con xin lấy phần bát nhã Ba la mật.

Bạch Thế Tôn! Đặt Xá Lợi như thế đầy cả tam thiên đại thiên thế giới, lại nếu Xá Lợi khắp cả hằng hà sa số trong thế giới một phần, bát nhã Ba la mật là một phần, trong hai phần đó con xin lấy phần bát nhã Ba la mật.

Vì sao?

Vì trí nhất thiết trí của Chư Phật Như Lai đều từ bát nhã Ba la mật mà sinh ra nhất thiết trí đã huân tập, nên Xá Lợi được cúng dường.

Lại nữa, bạch Thế Tôn! Nếu thiện nam, tín nữ muốn thấy như thật Chư Phật mười phương vô lượng, vô số, nên thực hành bát nhã Ba la mật, nên tu tập bát nhã Ba la mật.

Phật dạy: Đúng vậy, đúng vậy, này Kiều Thi Ca! Chư Phật quá khứ đều do bát nhã Ba la mật chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, Chư Phật vị lai cũng do bát nhã Ba la mật mà chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, Chư Phật hiện tại ở mười phương vô lượng, vô số thế giới cũng nhân bát nhã Ba la mật chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Ma Ha Ba la mật chính là bát nhã Ba la mật, Phật nhân bát nhã Ba la mật này đều biết tâm tâm sở hành của tất cả chúng sinh.

Phật dạy: Kiều Thi Ca! Vì suốt đêm dài, Đại Bồ Tát thực hành bát nhã Ba la mật.

Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát chỉ thực hành bát nhã Ba la mật, ngoài ra không thực hành các pháp Ba la mật khác ư?

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Bồ Tát đều thực hành Lục Độ. Nếu khi bố thí thì bát nhã Ba la mật đứng đầu, hoặc khi trì giới, hoặc nhẫn nhục, hoặc tinh tấn, hoặc thiền định, hoặc quán các pháp thì bát nhã Ba la mật đứng đầu.

Ví như những cây cối ở Cõi Diêm Phù Đề với những hình dáng khác nhau, màu sắc khác nhau, lá hoa trái khác nhau, nhưng cái bóng của nó đều không khác nhau, năm pháp Ba la mật cũng như vậy, vào trong bát nhã Ba la mật không có phân biệt.

Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật này có công đức lớn, có công đức vô lượng, vô biên, có công đức không gì sánh bằng. Nếu có người biên chép Kinh Bát Nhã Ba La Mật, cung kính, tôn trọng, tán thán, đem hương hoa tốt đẹp cho đến tràng phan bảo cái để cúng dường.

Nếu có người sao chép Kinh Bát Nhã Ba La Mật so với người kia, hai công đức, công đức nào nhiều hơn?

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Ta hỏi lại ông, ông tùy ý trả lời cho ta.

Ý ông thế nào?

Nếu có người được Xá Lợi của Phật, rồi chỉ tự mình cúng dường hoặc lại có người được Xá Lợi của Phật, rồi tự mình cúng dường và bảo người khác cúng dường, hai công đức đó, công đức nào nhiều hơn?

Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có người được Xá Lợi của Phật, tự mình cúng dường và bảo người khác cúng dường thì phước đức đó rất nhiều.

Phật dạy: Đúng vậy, đúng vậy, này Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam, tín nữ biên chép Kinh Bát Nhã Ba La Mật, cung kính, tôn trọng, tán thán, đem hương hoa tốt đẹp, cho đến tràng phan bảo cái để cúng dường thì không bằng thiện nam, tín nữ biên chép Kinh Bát Nhã Ba La Mật tự mình cúng dường và bảo người khác cúng dường thì phước ấy rất nhiều.

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam, tín nữ ấy ở chốn nào, thuyết giảng Kinh Bát Nhã Ba La Mật cho người thì được phước đức ấy rất nhiều.

***