Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật

PHẬT THUYẾT KINH

TIỂU PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẨM SÁU

PHẨM TÁ TRỢ
 

Phật dạy Thích Đề Hoàn Nhân: Này Kiều Thi Ca! Nếu có thiện nam, tín nữ dạy chúng sinh trong Cõi Diêm Phù Đề làm cho họ thực hành mười điều thiện thì ý ông thế nào?

Do nhân duyên này, người ấy được phước có nhiều không?

Thích Đề Hoàn Nhân thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Phước đức ấy tuy rất nhiều nhưng không bằng phước đức của thiện nam, tín nữ đem quyển Kinh Bát Nhã Ba La Mật đưa cho người khác, làm cho họ được biên chép và đọc tụng.

Này Kiều Thi Ca! Hãy tạm gác lại việc dạy chúng sinh ở Cõi Diêm Phù Đề. Nếu lại có người dạy chúng sinh trong bốn châu thiên hạ, khiến họ thực hành mười điều thiện ở bốn châu thiên hạ đó.

Này Kiều Thi Ca! Nếu có người dạy chúng sinh trong một tiểu thiên thế giới, hoặc hai trung thiên thế giới, hoặc tam thiên đại thiên thế giới hay hằng hà sa chúng sinh ở khắp mười phương thế giới đều thực hành mười điều thiện thì ý ông nghĩ sao?

Do nhân duyên này, phước đức của người ấy có nhiều không?

Thích Đề Hoàn Nhân thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Phước đức ấy tuy rất nhiều nhưng không bằng phước đức của thiện nam, tín nữ đem quyển Kinh Bát Nhã Ba La Mật đưa cho người khác, để họ được biên chép và đọc tụng.

Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Nếu có thiện nam, tín nữ dạy chúng sinh trong Cõi Diêm Phù Đề thực hành bốn thiền, bốn vô lượng tâm, bốn định vô sắc, năm phép thần thông, thì do nhân duyên này, người ấy được phước có nhiều không?

Thích Đề Hoàn Nhân thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Phước đức ấy tuy nhiều nhưng không bằng phước đức của thiện nam, tín nữ đem quyển Kinh Bát Nhã Ba La Mật đưa cho người khác, làm cho họ được biên chép và đọc tụng.

Này Kiều Thi Ca! Hãy gác lại việc giáo hóa chúng sinh Diêm Phù Đề và chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới, cho đến việc dạy chúng sinh ở các thế giới khắp mười phương, để họ thực hành bốn thiền, bốn vô lượng tâm, bốn định vô sắc, năm phép thần thông.

Này Kiều Thi Ca! Ý ông thế nào?

Do nhân duyên này người ấy được phước có nhiều không?

Thích Đề Hoàn Nhân thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Phước đức ấy tuy rất nhiều nhưng không bằng phước đức của thiện nam, tín nữ đem quyển Kinh Bát Nhã Ba La Mật đưa cho người khác, để họ được biên chép và đọc tụng.

Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam, tín nữ đem quyển Kinh Bát Nhã Ba La Mật đưa cho người khác làm cho họ được biên chép và đọc tụng thì phước đức ấy rất nhiều, nhưng không bằng phước đức của thiện nam, tín nữ vì người khác mà đọc tụng.

Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam, tín nữ tự mình vì người khác mà đọc tụng thì phước đức ấy rất nhiều nhưng không bằng phước đức của thiện nam, tín nữ tự mình vì người khác giảng nói thật nghĩa của kinh.

Bấy giờ, Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con phải giảng nói thật nghĩa của bát nhã Ba la mật cho những hạng người nào?

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Nếu có thiện nam, tín nữ không biết thật nghĩa của Kinh Bát Nhã Ba La Mật thì ông nên giảng nói thật nghĩa ấy cho họ.

Vì sao vậy?

Này Kiều Thi Ca! Vì đời vị lai sẽ có bát nhã Ba la mật tương tợ. Nếu có thiện nam, tín nữ ở trong pháp bát nhã Ba la mật muốn chứng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Giác mà nghe bát nhã Ba la mật tương tợ đó thì họ sẽ có sự nhầm lẫn.

Thích Đề Hoàn Nhân thưa: Bạch Thế Tôn! Những hạng người nào nói bát nhã Ba la mật tương tợ như vậy?

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! đời sau sẽ có Tỳ Kheo muốn nói bát nhã Ba la mật liền nói bát nhã Ba la mật tương tợ như vậy.

Thích Đề Hoàn Nhân thưa: Bạch Thế Tôn! Các Tỳ Kheo nói bát nhã Ba la mật tương tợ như thế nào?

Phật dạy: Các Tỳ Kheo ấy nói: Sắc là vô thường, nếu ai cầu như vậy thì người ấy đã thực hành bát nhã Ba la mật. Thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô thường, nếu ai cầu như vậy thì người ấy đã thực hành bát nhã Ba la mật.

Này Kiều Thi Ca! Đó là nói bát nhã Ba la mật tương tợ.

Này Kiều Thi Ca! Vì sắc không hư hoại nên quán sát sắc ấy là vô thường. Vì thọ, tưởng, hành, thức không hư hoại nên quán sát thức ấy cũng là vô thường, nếu ai không quán sát như vậy thì người đó đã thực hành bát nhã Ba la mật tương tợ.

Này Kiều Thi Ca! Do nhân duyên này, Bồ Tát nào giảng nói thật nghĩa của bát nhã Ba la mật thì vị ấy được phước đức rất nhiều.

Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Nếu thiện nam, tín nữ dạy chúng sinh trong Cõi Diêm Phù Đề, làm cho họ được chứng quả Tu Đà Hoàn thì ý ông thế nào?

Do nhân duyên này, phước đức của người ấy có nhiều không?

Thích Đề Hoàn Nhân thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Phước đức ấy tuy rất nhiều, nhưng không bằng phước đức của thiện nam, tín nữ đem quyển Kinh Bát Nhã Ba La Mật đưa cho người khác để họ được biên chép, đọc tụng và nói: Ông sẽ được công đức của bát nhã Ba la mật ấy rất nhiều.

Vì sao vậy?

Vì quả Tu Đà Hoàn đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra.

Này Kiều Thi Ca! Hãy gác lại việc Diêm Phù Đề và chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới cho đến việc giáo hóa chúng sinh ở các thế giới như cát Sông Hằng khắp mười phương khiến cho họ đều chứng đắc quả Tu Đà Hoàn.

Vậy ý ông thế nào?

Do nhân duyên này, phước đức của người ấy có nhiều không?

Thích Đề Hoàn Nhân thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Phước đức ấy tuy rất nhiều nhưng không bằng phước đức của thiện nam, tín nữ đem quyển Kinh Bát Nhã Ba La Mật đưa cho người khác, để họ được biên chép, đọc tụng và nói: Ông sẽ được công đức của bát nhã Ba la mật ấy rất nhiều.

Vì sao vậy?

Vì quả Tu Đà Hoàn đều từ bát nhã Ba la mật sinh ra.

Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Nếu có thiện nam, tín nữ dạy chúng sinh trong Cõi Diêm Phù Đề, để họ được chứng các quả Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán và đạo Bích Chi Phật thì ý ông thế nào?

Do nhân duyên này, phước đức của người ấy có nhiều không?

Thích Đề Hoàn Nhân thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Phước đức ấy tuy rất nhiều nhưng không bằng phước đức của thiện nam, tín nữ đem quyển Kinh Bát Nhã Ba La Mật đưa cho người khác, để họ được biên chép, đọc tụng và nói: Ông sẽ được công đức của bát nhã Ba la mật ấy rất nhiều.

Vì sao vậy?

Vì học theo pháp này ông sẽ chứng pháp nhất thiết trí, rồi theo pháp đắc của nhất thiết trí thì sẽ chứng được các quả như Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán và đạo Bích Chi Phật.

Này Kiều Thi Ca! Hãy gác lại việc Diêm Phù Đề và tam thiên đại thiên thế giới cho đến việc giáo hóa chúng sinh ở các thế giới khắp mười phương như cát Sông Hằng, khiến cho họ được chứng các quả Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán và Bích Chi Phật.

Vậy ý ông thế nào?

Do nhân duyên này phước đức của người ấy có nhiều không?

Thích Đề Hoàn Nhân thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Phước đức ấy tuy rất nhiều, nhưng không bằng phước đức của thiện nam, tín nữ đem quyển Kinh Bát Nhã Ba La Mật đưa cho người khác, để họ được biên chép và nói: Ông sẽ được công đức của bát nhã Ba la mật ấy rất nhiều.

Vì sao vậy?

Vì học theo pháp ấy ông sẽ chứng pháp nhất thiết trí, từ pháp đắc nhất thiết trí mà được chứng thì ông sẽ chứng các quả như Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán và Bích Chi Phật.

Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Nếu chúng sinh khắp cả Diêm Phù Đề đều phát tâm cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Giác hoặc có thiện nam, tín nữ đem quyển Kinh Bát Nhã Ba La Mật đưa cho họ, để họ được biên chép, đọc tụng thì ý ông nghĩ sao?

Do nhân duyên này, phước đức của người ấy có nhiều không?

Thích Đề Hoàn Nhân thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Phước đức ấy rất nhiều, nhưng không bằng phước đức của thiện nam, tín nữ đem quyển Kinh Bát Nhã Ba La Mật đưa cho một vị Bồ Tát không thoái chuyển và nghĩ: Vị Bồ Tát này học trong pháp đó thì có thể tu tập bát nhã Ba la mật. Do nhân duyên đó mà bát nhã Ba la mật càng lưu truyền rộng rãi thêm nên phước của họ nhiều hơn người kia.

Kiều Thi Ca! Diêm Phù Đề và chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới cho đến chúng sinh ở các Thế Giới khắp mười phương nhiều như cát Sông Hằng đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

Nếu có thiện nam, tín nữ đem quyển Kinh Bát Nhã Ba La Mật cho họ, để họ được biên chép, đọc tụng thì ý ông thế nào?

Do nhân duyên này, phước đức của người ấy có nhiều không?

Thích Đề Hoàn Nhân thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Phước đức tuy rất nhiều, nhưng không bằng thiện nam, tín nữ đem quyển Kinh Bát Nhã Ba La Mật đưa cho một vị Bồ Tát không thoái chuyển và nghĩ như vậy: Bồ Tát này học trong pháp ấy thì có thể tu tập bát nhã Ba la mật, do nhân duyên ấy mà bát nhã Ba la mật được lưu truyền rộng rãi nên phước của họ nhiều hơn người kia.

Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Nếu tất cả chúng sinh trong Cõi Diêm Phù Đề đều phát tâm cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Giác mà có thiện nam, tín nữ đem quyển Kinh Bát Nhã Ba La Mật đưa cho họ, rồi vì họ giảng nói thật nghĩa ấy thì ý ông thế nào?

Do nhân duyên này phước đức của người ấy có nhiều không?

Thích Đề Hoàn Nhân thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Phước đức ấy tuy rất nhiều, nhưng không bằng phước đức của thiện nam, tín nữ đem quyển Kinh Bát Nhã Ba La Mật đưa cho một vị Bồ Tát không thoái chuyển, rồi giảng nói thật nghĩa cho vị ấy.

Này Kiều Thi Ca! Hãy gác lại việc Diêm Phù Đề và chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới cho đến việc giáo hóa chúng sinh như hằng hà sa khắp mười phương ở thế giới để họ đều phát tâm cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Giác đó qua một bên.

Nếu có thiện nam, tín nữ đem quyển Kinh Bát Nhã Ba La Mật đưa cho họ, rồi vì họ giảng nói thật nghĩa ấy thì ý ông thế nào?

Do nhân duyên này, phước đức của người ấy có nhiều không?

Thích Đề Hoàn Nhân thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Phước đức ấy tuy nhiều, nhưng không bằng phước đức của thiện nam, tín nữ đem quyển Kinh Bát Nhã Ba La Mật đưa cho một vị Bồ Tát không thoái chuyển, rồi vì họ giảng thật nghĩa ấy.

Lại nữa, này Kiều Thi Ca! Nếu tất cả chúng sinh trong Cõi Diêm Phù Đề đều là Bồ Tát không thoái chuyển mà có thiện nam, tín nữ nào đem thật nghĩa của bát nhã Ba la mật để dạy cho họ thì ý ông thế nào?

Do nhân duyên này, phước đức của người ấy có nhiều không?

Thích Đề Hoàn Nhân thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Nếu trong số Bồ Tát không thoái chuyển đó có một vị Bồ Tát mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác mà có người đem thật nghĩa của bát nhã Ba la mật để dạy cho vị ấy thì phước đức của người này sẽ nhiều hơn người kia.

Kiều Thi Ca, hãy gác lại việc chúng sinh trong Cõi Diêm Phù Đề và trong tam thiên đại thiên thế giới cho đến chúng sinh như hằng hà sa khắp mười phương ở thế giới đều là bậc Bồ Tát không thoái chuyển.

Nếu có thiện nam, tín nữ đem thật nghĩa của bát nhã Ba la mật để dạy cho họ thì ý ông thế nào?

Do nhân duyên này phước đức của người ấy có nhiều không?

Thích Đề Hoàn Nhân thưa: Bạch Thế Tôn, rất nhiều!

Phật dạy: Này Kiều Thi Ca! Nếu trong số đó có Bồ Tát mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác mà có người đem thật nghĩa của bát nhã Ba la mật dạy cho vị ấy thì phước đức của vị này sẽ nhiều hơn người kia.

Khi ấy, Thích Đề Hoàn Nhân bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy, đúng vậy! Theo Bồ Tát nào gần Vô Thượng Chánh Đẳng Giác thì nên đem thật nghĩa bát nhã Ba la mật để dạy cho vị ấy và cũng phải đem y phục, ngọa cụ, thuốc men và ăn uống cúng dường cho vị ấy thì phước đức của họ rất nhiều.

Vì sao vậy?

Bạch Thế Tôn, vì theo thường pháp là như vậy nên Bồ Tát nào gần chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác thì được phước rất nhiều.

Bấy giờ, Tu Bồ Đề khen ngợi Thích Đề Hoàn Nhân: Lành thay, lành thay, này Kiều Thi Ca! Ông là Thánh đệ tử, theo pháp nên giúp đỡ, an ủi và hộ niệm cho các Bồ Tát để họ mau thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Cũng vậy, khi Phật mới phát tâm, nếu Chư Phật quá khứ và các đệ tử không đem sáu pháp Ba La Mật để giúp đỡ và an ủi thì Ngài không thể nào chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

Này Kiều Thi Ca! Khi Phật mới phát tâm, nhờ Chư Phật trong quá khứ và các đệ tử đem sáu pháp Ba La Mật để an ủi và giúp đỡ nên Ngài mới chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

***