Kinh Nguyên thủy

Bộ Kinh Tập

PHẬT THUYẾT

KINH TÍN GIẢI TRÍ LỰC

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 Pháp Hiền, Đời Tống

 

Tôi nghe như vậy!

 Một thời, Đức Phật ở tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ cùng với đông đủ chúng Đại Tỳ Kheo.

Bấy giờ, Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo! Các ông nên biết có pháp tín giải trí lực. Pháp này có khả năng chứng lý thật tướng tức là pháp vô sở úy của Như Lai, chỉ có Phật mới biết được.

Nếu có Tỳ Kheo hoặc Thanh Văn nào nói đúng như vậy: Con đối với pháp tín giải trí lực này, hiểu rõ như thật, tinh tấn không hư vọng, lìa các trần cấu.

Lại nói: Con có thể khéo thuyết giảng. Con khéo điều phục. Con sẽ thuyết pháp. Nay đã đúng lúc. Đây là pháp tối thắng làm cho người khác nương tựa, chân thật như thế nên phải tu học, nên phải siêng thực hành.

Lại nói: Nên biết như vậy! Pháp này tối thượng tối tôn không có pháp nào sánh bằng. Nên thấy như vậy, nghe như vậy, hiểu như vậy, biết như vậy.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Các ông nên biết! Nếu có Thanh Văn nói lời như vậy tức là hư vọng, chẳng thấy như vậy, chẳng nghe như vậy, chẳng hiểu như vậy, chẳng biết như vậy.

Vì sao?

Vì pháp này là chân lý của Chư Phật, chỉ có Phật mới hiểu thấu, không đồng với pháp Thanh Văn.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Pháp tín giải ấy là năm lực, mười lực của Như Lai.

Những gì là năm?

Đó là tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực và tuệ lực. Pháp tín giải đầy đủ năm lực này.

Lại nữa, Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác có đầy đủ mười lực vi diệu có thể hiểu rõ vô thượng xứ của Phật, ở trong đại chúng rống tiếng rống sư tử, khéo chuyển pháp luân cho chúng sinh.

Thế nào gọi là mười Lực của Như Lai?

Nghĩa là đối với xứ hay chẳng phải xứ đều hiểu biết như thật.

Vậy đối với xứ hay chẳng phải xứ nếu như thật biết, đó là trí lực thứ nhất của Như Lai. Nhưng đối với trí lực này, nếu Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đầy đủ trí lực thì có thể biết được cõi vô thượng của Phật, ở trong đại chúng rống tiếng rống sư tử khéo vận chuyển bánh xe diệu pháp cho chúng sinh.

Lại nữa, trí lực của Như Lai đối với quả báo, nhân duyên, hành nghiệp các pháp quá khứ, hiện tại, vị lai đều biết như thật. Như vậy, Như Lai đối với nhân duyên, quả báo, hành nghiệp các pháp quá khứ, hiện tại, vị lai đều như thật biết rồi. Đây là trí lực thứ hai của Như Lai.

Vậy, trí lực này, nếu Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đầy đủ trí lực, có thể biết được cõi vô thượng của Phật, ở trong đại chúng rống tiếng rống sư tử khéo chuyển diệu pháp luân cho chúng sinh.

Lại nữa, Như Lai đối với thiền định, giải thoát tam muội cho đến nghiệp khổ phiền não đều được thanh tịnh, hiểu biết như thật. Như vậy, Như Lai đối với thiền định, giải thoát tam muội cho đến nghiệp khổ phiền não đều đã được thanh tịnh, đã hiểu biết rõ như thật rồi. Đây là trí lực thứ ba của Như Lai.

Vậy, đối với trí lực này, Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đầy đủ trí lực này có thể biết được chỗ vô thượng của Phật, ở trong đại chúng rống tiếng rống sư tử khéo chuyển diệu pháp luân cho chúng sinh.

Lại nữa, Như Lai đối với tất cả căn hành của chúng sinh đều biết đúng như thật. Do vậy, Như Lai đối với các loại căn hành của chúng sinh đều đã biết như thật. Đây là trí lực thứ tư của Như Lai.

Vậy, đối với trí lực này, nếu Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đầy đủ trí lực này thì mới có thể hiểu biết cõi vô thượng của Phật, ở trong đại chúng rống tiếng rống sư tử khéo chuyển diệu pháp luân cho chúng sinh.

Lại nữa, Như Lai đối với các sự tin hiểu của chúng sinh đều biết như thật. Như vậy, Như Lai đối với các loại hiểu biết của chúng sinh đều biết như thật rồi. Đây là trí lực thứ năm của Như Lai.

Vậy, đối với trí lực này, nếu Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đầy đủ trí lực này thì mới có thể biết rõ cõi vô thượng của Phật, ở trong đại chúng rống tiếng rống sư tử khéo chuyển diệu pháp luân cho chúng sinh.

Lại nữa, Như Lai đối với các loại cảnh giới đã biết rõ như thật. Đây là trí lực thứ sáu của Như Lai.

Vậy, đối với trí lực này, nếu Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đầy đủ trí lực này thì mới có thể hiểu biết cõi vô thượng của Phật, ở trong đại chúng rống tiếng rống sư tử khéo chuyển diệu pháp luân cho chúng sinh.

Lại nữa, Như Lai đối với tánh dục lạc của chúng sinh đều biết như thật. Như vậy, Như Lai đối với tánh dục lạc của chúng sinh đã biết rõ như thật. Đây là trí lực thứ bảy của Như Lai.

Vậy, đối với trí lực này, nếu Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đầy đủ trí lực này thì mới có thể biết rõ cõi vô thượng của Phật, ở trong đại chúng rống tiếng rống sư tư khéo chuyển diệu pháp luân cho chúng sinh.

Lại nữa, Như Lai nhớ nghĩ vô biên pháp hành trong quá khứ nghĩa là một đời, mười đời, trăm đời, ngàn đời và trăm ngàn đời cho đến vô lượng, vô biên kiếp tăng, kiếp giảm. Trong số đời, số kiếp như vậy chúng sinh có tên gọi, dòng họ, ăn, uống, khổ, vui, mạng sống dài, ngắn hoặc lại sống lâu dài, chết đây sinh kia, chết kia sinh đây.

Như vậy, thể tướng nghiệp dụng, vô lượng vô biên các việc quá khứ Như Lai đều nhớ nghĩ.

Như vậy Như Lai đối với vô biên hành pháp trong quá khứ ấy nghĩa là một đời, mười đời, trăm đời, ngàn đời và trăm ngàn đời cho đến vô lượng, vô biên kiếp tăng, kiếp giảm, số đời, số kiếp như vậy, chúng sinh có tên gọi, dòng họ, ăn, uống, khổ, vui, mạng sống dài, ngắn hoặc lại sống lâu, chết đây sinh kia, chết kia sinh đây.

Như vậy, thể tướng nghiệp dụng, vô lượng vô biên các việc quá khứ đều biết rõ như thật. Đây là trí lực thứ tám của Như Lai.

Vậy, đối với trí lực này, do Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đầy đủ trí lực này nên mới có thể biết rõ cõi vô thượng của Phật, ở trong đại chúng rống tiếng rống sư tử khéo chuyển diệu pháp luân cho chúng sinh.

Lại nữa, Như Lai dùng thiên nhãn thanh tịnh vượt xa nhục nhãn xem thế gian thấy tất cả chúng sinh, sinh, diệt, xấu, đẹp, giàu, nghèo, sang, hèn, các nghiệp đã tạo, ở cõi ác, cõi thiện cho đến chúng sinh tạo đủ nghiệp bất thiện từ thân, miệng, ý, hủy báng Thánh Hiền, tà kiến, tạo nghiệp bất thiện, hành pháp bất thiện đều từ tà nhân sinh khởi. Do nhân duyên tà này nên sau khi qua đời, đọa vào cõi ác, chịu khổ ở địa ngục.

Lại nữa, chúng sinh nhờ thân, miệng, ý hành mười nghiệp thiện, không chê Hiền Thánh, phát khởi chánh kiến, tạo các nghiệp thiện, hành các pháp thiện đều từ chánh nhân sinh khởi. Do nhân duyên chánh kiến này nên sau khi qua đời, sinh lên Cõi Trời, được làm Thiên Tử.

Các pháp như vậy, Như Lai đều biết rõ như thật. Cũng vậy, Như Lai dùng thiên nhãn thanh tịnh vượt xa nhục nhãn xem khắp thế gian thấy tất cả chúng sinh, sinh, diệt, đẹp, xấu, giàu, nghèo, sang, hèn, tạo tác các nghiệp, ở cõi lành, cõi ác, cho đến chúng sinh tạo các nghiệp bất thiện từ thân, miệng, ý, hủy báng Hiền Thánh, phát khởi tà kiến, tạo nghiệp bất thiện, hành pháp bất thiện đều từ tà nhân sinh khởi.

Do nhân duyên tà kiến này nên sau khi qua đời, đọa vào cõi ác, thọ khổ địa ngục.

Lại nữa, có chúng sinh nhờ thân, miệng, ý hành mười nghiệp thiện, không chê Hiền Thánh, phát khởi chánh kiến, tạo các nghiệp thiện, hành các pháp thiện. Do nhân duyên chánh kiến này nên sau khi qua đời, sinh lên Cõi Trời, được làm Thiên Tử.

Các việc như vậy, Như Lai đều biết rõ như thật. Đây là trí lực thứ chín của Như Lai.

Vậy, đối với trí lực này, các Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đầy đủ trí lực này nên có thể biết rõ cõi vô thượng của Phật, ở trong đại chúng rống tiếng rống sư tử, khéo chuyển diệu pháp luân cho chúng sinh.

Lại nữa, Như Lai đoạn tận các pháp lậu, được vô lậu giải thoát, trí tuệ giải thoát, tự dùng thần thông, rõ biết các pháp, sinh đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau nữa. Các việc như vậy, Như Lai đều biết rõ như thật.

Cũng vậy, Như Lai đoạn tận các lậu hoặc, được vô lậu giải thoát, trí tuệ giải thoát, tự dùng thần thông, rõ biết các pháp, sinh đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, không thọ thân sau nữa. Các việc như vậy Như Lai biết rõ như thật rồi. Đây là trí lực thứ mười của Như Lai.

Vậy, đối với trí lực này, do các Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác đầy đủ trí lực này nên có thể biết rõ cõi vô thượng của Phật, ở trong đại chúng rống tiếng rống sư tử khéo chuyển diệu pháp luân cho chúng sinh.

Bấy giờ, Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Đối với thần lực thị hiện ở xứ và chẳng phải xứ của Như Lai kia, nếu có người hỏi: Tại sao ở trong xứ, chẳng phải xứ Như Lai có trí lực để thấy, nghe, hiểu, biết, cho đến thành Đẳng Chánh Giác?

Các ông nên trả lời đúng như thật.

Lại nữa, có trí lực tự nghiệp của chúng sinh.

Tại sao Như Lai dùng trí lực nghiệp để thấy, nghe, hiểu, biết cho đến thành Đẳng Chánh Giác?

Nếu có người hỏi thì phải trả lời đúng như vậy.

Lại nữa, có thiền định giải thoát tam muội.

Tại sao Như Lai dùng trí lực thiền định để thấy, nghe, hiểu, biết cho đến thành Đẳng Chánh Giác?

Nếu có người hỏi thì nên trả lời đúng như vậy.

Lại nữa, có trí lực các loại căn tánh của chúng sinh.

Tại sao Như Lai dùng trí lực căn tánh để thấy, nghe, hiểu, biết cho đến thành Đẳng Chánh Giác?

Nếu có người hỏi thì nên như thật đáp.

Lại nữa, có trí lực các loại tin hiểu của chúng sinh.

Tại sao Như Lai dùng trí lực tín giải để thấy, nghe, hiểu, biết cho đến thành Đẳng Chánh Giác?

Nếu có người hỏi thì nên trả lời đúng như thật.

Lại nữa, có trí lực các cảnh giới của chúng sinh.

Tại sao Như Lai dùng trí lực giới để thấy, nghe, hiểu, biết cho đến thành Đẳng Chánh Giác?

Nếu có người hỏi thì nên trả lời đúng như sự thật.

Lại nữa, có trí lực dục lạc của chúng sinh.

Tại sao Như Lai dùng trí lực dục lạc để thấy, nghe, hiểu, biết cho đến thành Đẳng Chánh Giác?

Nếu có người hỏi thì nên trả lời đúng như sự thật.

Lại nữa, có trí lực nhớ nghĩ về quá khứ.

Tại sao Như Lai dùng trí lực nhớ nghĩ để thấy, nghe, hiểu, biết cho đến thành Đẳng Chánh Giác?

Nếu có người hỏi thì nên trả lời đúng như thật.

Lại nữa, có các pháp sinh diệt của chúng sinh.

Tại sao Như Lai dùng trí lực thiên nhãn để thấy, nghe, hiểu, biết cho đến thành Đẳng Chánh Giác?

Nếu có người hỏi thì nên trả lời đúng như thật.

Lại nữa, có trí lực diệt hết lậu hoặc.

Tại sao Như Lai dùng trí lực lậu tận để thấy, nghe, hiểu, biết cho đến thành Đẳng Chánh Giác?

Nếu có người hỏi thì nên trả lời đúng như thật.

Đức Phật dạy các Tỳ Kheo: Trí lực ở xứ chẳng phải xứ này, ta chỉ giảng nói cho người khéo tu thiền định mà không giảng nói cho người không khéo tu thiền định.

Trí lực nghiệp này, ta chỉ giảng nói cho người khéo tu thiền định mà không giảng nói cho người chẳng khéo tu thiền định.

Trí lực thiền định giải thoát tam muội, ta chỉ giảng nói cho người khéo tu thiền định mà không giảng nói cho người chẳng khéo tu thiền định.

Trí lực các căn của chúng sinh, ta chỉ giảng nói cho người khéo tu thiền định mà không giảng nói cho người chẳng khéo tu thiền định.

Trí lực các loại tín giải của chúng sinh, ta chỉ giảng nói cho người khéo tu thiền định mà không giảng nói cho người chẳng khéo tu thiền định.

Trí lực cảnh giới của tất cả chúng sinh, ta chỉ giảng nói cho người khéo tu thiền định mà không giảng nói cho người chẳng khéo tu thiền định.

Trí lực dục lạc của chúng sinh, ta chỉ giảng nói cho người khéo tu thiền định mà không giảng nói cho người chẳng khéo tu thiền định.

Trí lực túc mạng này, ta chỉ giảng nói cho người khéo tu thiền định mà không giảng nói cho người chẳng khéo tu thiền định.

Trí lực thiên nhãn này, ta chỉ giảng nói cho người khéo tu thiền định mà không giảng nói cho người chẳng khéo tu thiền định.

Trí lực lậu tận này, ta chỉ giảng nói cho người khéo tu thiền định mà không giảng nói cho người chẳng khéo tu thiền định.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Người khéo tu thiền định là chánh đạo. Người chẳng khéo tu thiền định là tà đạo. Vì vậy, các người phải nên biết rõ.

Đức Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe lời Phật dạy đều tín thọ phụng hành.

***