Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tín Lực Nhập ấn Pháp Môn

PHẬT THUYẾT KINH

TÍN LỰC NHẬP ẤN PHÁP MÔN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Ma Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN BA
 

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi hỷ giác phần nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi hỷ giác phần nên phát khởi tâm an ổn. Hỷ giác phần nghĩa là Tam Muội Tam Ma Bạt Đề.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi ỷ giác phần nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi ỷ giác phần nên phát khởi tâm an ổn. Ỷ giác phần nghĩa là khéo làm những việc đã làm đối với tất cả Pháp Phật.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi định giác phần nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi định giác nên phát khởi tâm an ổn. Định giác phần nghĩa là biết tất cả pháp một cách bình đẳng.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi xả giác phần nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi xả giác phần nên phát khởi tâm an ổn. Xả giác phần nghĩa là không có tâm ưa thích đắm trước trong các Thánh pháp và không có tâm nhàm chán, xem thường chẳng phải Thánh pháp.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi chánh kiến nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi chánh kiến nên phát khởi tâm an ổn. Chánh kiến nghĩa là nhập định vị.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được nhiều an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi Chánh Giác phần nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi Chánh Giác phần nên phát khởi tâm an ổn. Chánh Giác phần nghĩa là xa lìa phân biệt rộng, phân biệt khác và các sự phân biệt.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi chánh ngữ nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi chánh ngữ tâm nên phát khởi tâm an ổn. Chánh ngữ nghĩa là không sanh các tướng đối với tất cả danh tự, âm thanh.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi chánh nghiệp nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi chánh nghiệp nên phát khởi tâm an ổn. Chánh nghiệp nghĩa là nhập quả báo nghiệp vào tất cả pháp.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi chánh mạng nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi chánh mạng nên phát khởi tâm an ổn. Chánh mạng nghĩa là xa lìa những sự mong cầu.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi chánh tu hành nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi chánh tu hành nên phát khởi tâm an ổn. Chánh tu hành nghĩa là bỏ bờ bên này để đến bờ bên kia.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi bố thí Ba la mật nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi bố thí Ba la mật nên phát khởi tâm an ổn. Bố thí Ba la mật nghĩa là khéo giáo hóa chúng sanh bỏ tâm tham lam ganh ghét.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi giới Ba la mật nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giới Ba la mật nên phát khởi tâm an ổn. Giới Ba la mật nghĩa là khéo giáo hóa chúng sanh không hủy giới cấm.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi nhẫn nhục Ba la mật nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi nhẫn nhục Ba la mật nên phát khởi tâm an ổn. Nhẫn nhục Ba la mật nghĩa là khéo giáo hóa tâm sân hận của chúng sanh.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi tinh tấn Ba la mật nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tinh tấn Ba la mật nên phát khởi tâm an ổn. Tinh tấn Ba la mật nghĩa là khéo giáo hóa sự lười biếng của chúng sanh.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi thiền Ba la mật nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi thiền Ba la mật nên phát khởi tâm an ổn. Thiền Ba la mật nghĩa là khéo giáo hóa chúng sanh khỏi tâm tán loạn.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi bát nhã Ba la mật nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi bát nhã Ba la mật nên phát khởi tâm an ổn. Bát nhã Ba la mật nghĩa là khéo giáo hóa chúng sanh hết ngu si.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi giới tiếp nhận chánh pháp nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giới tiếp nhận chánh pháp nên phát khởi tâm an ổn. Giới tiếp nhận chánh pháp nghĩa là hộ trì các Bồ Tát.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi các công đức nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi các công đức nên phát khởi tâm an ổn. Các công đức nghĩa là cúng dường các Đại Bồ Tát, ca ngợi tên của các Bồ Tát trong mười phương.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi trí công đức nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trí công đức nên phát khởi tâm an ổn. Trí công đức nghĩa là cho các Bồ Tát trí tăng thượng và cho y phục, thực phẩm, ngọa cụ, thuốc thang.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi công đức vắng lặng nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi công đức vắng lặng nên phát khởi tâm an ổn. Công đức vắng lặng nghĩa là thâm nhập các pháp bình đẳng, không sanh tâm cao thấp.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi công đức chánh kiến nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi công đức chánh kiến nên phát khởi tâm an ổn. Công đức chánh kiến nghĩa là thâm nhập tất cả pháp không có đầu, giữa và sau cùng.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi bố thí nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi bố thí nên phát khởi tâm an ổn. Tâm bố thí nghĩa là xả bỏ tất cả pháp.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi giữ giới nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giữ giới nên phát khởi tâm an ổn. Giữ giới nghĩa là không tạo ra tất cả điều ác.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi nhẫn nhục nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi nhẫn nhục nên phát khởi tâm an ổn. Nhẫn nhục nghĩa là tin các nghiệp.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi tinh tấn nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tinh tấn nên phát khởi tâm an ổn. Tinh tấn nghĩa là thâm nhập tất cả công đức không mỏi mệt.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi thiền định nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi thiền định nên phát khởi tâm an ổn. Thiền định nghĩa là không trú nơi một niệm nào.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi bát nhã nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi bát nhã nên phát khởi tâm an ổn. bát nhã nghĩa là hiện tiền thấy các pháp.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi nhiếp thủ tất cả pháp của Như Lai nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi nhiếp thủ tất cả pháp của Như Lai nên phát khởi tâm an ổn. Nhiếp thủ tất cả pháp của Như Lai nghĩa là trực tâm nhiếp thủ tâm Bồ Đề.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi như pháp thuyết nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi như pháp thuyết nên phát khởi tâm an ổn. Như pháp thuyết nghĩa là trí theo ngôn ngữ của Như Lai.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi chánh niệm nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi chánh niệm nên phát khởi tâm an ổn. Chánh niệm nghĩa là thâm nhập các pháp, nhớ mãi không quên.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi tâm ý nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tâm ý nên phát khởi tâm an ổn. Tâm ý nghĩa là như thật biết ý trình tự của các pháp.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi tâm vững bền nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tâm vững bền nên phát khởi tâm an ổn. Tâm vững bền nghĩa là thành tựu hạnh oai nghi.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi khứ tâm nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi khứ tâm nên phát khởi tâm an ổn. Khứ tâm nghĩa là thâm nhập nghĩa.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi giải thoát chân chánh nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giải thoát chân chánh nên phát khởi tâm an ổn. Giải thoát chân chánh nghĩa là chứng pháp vi diệu.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi xa rời tâm phiền não nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác xa rời tâm phiền não nên phát khởi tâm an ổn. Xa rời tâm phiền não nghĩa là hối hận lỗi phiền não đã phát khởi và không tạo tác những phiền não mới, nên sanh thiện pháp.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi như hạnh nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi như hạnh nên phát khởi tâm an ổn. Như hạnh nghĩa là trụ nơi thành tựu hạnh Bồ Tát.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi làm những điều đáng làm nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi làm những điều đáng làm nên phát khởi tâm an ổn. Làm những điều đáng làm nghĩa là tin không, giải thoát nên tin các nghiệp.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi viễn ly sự mong cầu bằng tâm ác nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác viễn ly sự mong cầu bằng tâm ác nên phát khởi tâm an ổn. Viễn ly sự mong cầu bằng tâm ác nghĩa là không tạo các việc ác để mong cầu những sự cung kính cúng dường.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi không ca ngợi chính mình mà chê bai người nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác không ca ngợi chính mình mà chê bai người nên phát khởi tâm an ổn.

Không ca ngợi chính mình mà chê bai người nghĩa là tự thân không sanh tưởng công đức chân thật và không chê bai hay che dấu công đức chân thật của người khác.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi pháp chân thật nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi pháp chân thật nên phát khởi tâm an ổn. Pháp chân thật nghĩa là không phát khởi tướng và không chấp trước tướng đối với các pháp.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi đoạn trừ vô minh tập khí phiền não nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi đoạn trừ vô minh tập khí phiền não nên phát khởi tâm an ổn.

Đoạn trừ vô minh tập khí phiền não nghĩa là không nhàm chán căn bản phàm phu ngu si nên không nghĩ đến địa vị Thanh Văn, Bích Chi Phật.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi bất tùy ái nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi bất tùy ái nên phát khởi tâm an ổn. Bất tùy ái nghĩa là các pháp ác bất thiện chưa sanh làm cho không sanh, các thiện pháp đã sanh làm cho không mất đi.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi trí hiển hiện nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trí hiển hiện nên phát khởi tâm an ổn. Trí hiển hiện nghĩa là chứng Thánh đế.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi tâm chánh trực nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tâm chánh trực nên phát khởi tâm an ổn. Tâm chánh trực nghĩa là không phân biệt Thánh đạo.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi không sanh thân tướng khác nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác không sanh thân tướng khác nên phát khởi tâm an ổn. Không sanh thân tướng khác nghĩa là xa lìa sự tăng pháp ác.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi ý ngữ trước nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi ý ngữ trước nên phát khởi tâm an ổn. Ý ngữ trước nghĩa là trước đã phát ra ngôn ngữ thiện cho đến những lời an ủi, phủ dụ và không hề mỏi mệt với những tai nạn, bệnh tật.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi trí không chướng ngại nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trí không chướng ngại nên phát khởi tâm an ổn. Trí không chướng ngại nghĩa là tự nhiên biết tất cả luận nghị, kỹ thuật và nghiệp của xuất thế gian hay nghiệp của thế gian nơi tất cả Thế Giới mười phương.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi trí vô ngại trong các nghiệp nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trí vô ngại trong các nghiệp nên phát khởi tâm an ổn. Trí vô ngại trong các nghiệp nghĩa là đoạn trừ chấp thường và chấp đoạn.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi không ngôn ngữ để nói ngôn ngữ nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi không ngôn ngữ để nói ngôn ngữ nên phát khởi tâm an ổn. Không ngôn ngữ đế nói ngôn ngữ nghĩa là xa lìa khái niệm tâm ý và ý thức.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi trí pháp giới nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trí pháp giới nên phát khởi tâm an ổn. Trí pháp giới nghĩa là không lìa trí bất nhị của pháp giới đối với tất cả các pháp.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

***