Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tín Lực Nhập ấn Pháp Môn

PHẬT THUYẾT KINH

TÍN LỰC NHẬP ẤN PHÁP MÔN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Ma Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN HAI
 

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa và được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trí trụ nơi bố thí và thực hành nhiếp thọ sự nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trí bố thí và thực hành nhiếp thọ sự nên phát khởi tâm an ổn. Trí bố thí và thực hành nhiếp thọ sự nghĩa là bố thí và hồi hướng.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trí trụ nơi ái ngữ và thực hành nhiếp thọ sự nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trí ái ngữ và thực hành nhiếp thọ sự nên phát khởi tâm an ổn. Trí ái ngữ và thực hành nhiếp thọ sự nghĩa là trực tâm để tu hành.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trí trụ nơi lợi ích thực hành nhiếp thọ sự nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trí lợi ích thực hành nhiếp thọ sự nên phát khởi tâm an ổn. Trí lợi ích thực hành nhiếp thọ sự nghĩa là đại từ đại bi.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trí trụ nơi đồng sự thực hành nhiếp thọ sự nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trí đồng sự thực hành nhiếp thọ sự nên phát khởi tâm an ổn. Trí đồng sự thực hành nhiếp thọ sự nghĩa là phương tiện và trí tuệ.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trí trụ nơi phát tâm nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trí phát tâm nên phát khởi tâm an ổn. Trí phát tâm nghĩa là trực tâm và tu hành.

Văn Thù Sư Lợi! Đó là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa và được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi tâm ly tham nên sanh tâm an ổn. Làm cho người khác trụ nơi tâm ly tham nên phát khởi tâm an ổn. Tâm ly tham nghĩa là không chấp trước tất cả pháp.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi tâm ly sân nên sanh tâm an ổn. Làm cho người khác trụ nơi tâm ly sân nên phát khởi tâm an ổn. Tâm ly sân nghĩa là không sanh tâm hiềm hận đối với tất cả những chúng sanh khác.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi thân nghiệp không tạo những hành động ác nên sanh tâm an ổn. Làm cho người khác trụ nơi thân nghiệp không tạo các hành động ác nên phát khởi tâm an ổn. Thân nghiệp không tạo những hành động ác nghĩa là xa lìa ba loại thân hành ác.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi khẩu nghiệp không tạo những hành ác nên sanh tâm an ổn. Làm cho người khác trụ nơi khẩu nghiệp không tạo những hành ác nên phát khởi tâm an ổn. Khẩu nghiệp không tạo những hành ác nghĩa là xa lìa bốn thứ lỗi của khẩu nghiệp.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi ý nghiệp không tạo những thói ác nên sanh tâm an ổn. Làm cho người khác trụ nơi ý nghiệp không tạo những thói ác nên phát khởi tâm an ổn. Ý nghiệp không tạo những thói ác nghĩa là xa lìa những thói ác: tham, sân, si.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được nhiều an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi chánh niệm Phật nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi chánh niệm Phật nên phát khởi tâm an ổn. Chánh niệm Phật nghĩa là nghĩ về hạnh thanh tịnh của Phật.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi chánh niệm về pháp nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi chánh niệm về pháp nên phát khởi tâm an ổn. Chánh niệm về pháp nghĩa là thấy pháp thanh tịnh.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi chánh niệm tăng nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi chánh niệm tăng nên phát khởi tâm an ổn. Chánh niệm tăng nghĩa là được vào địa vị Bồ Tát.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi chánh niệm về xả nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi chánh niệm về xả nên phát khởi tâm an ổn. Chánh niệm về xả nghĩa là buông bỏ tất cả những chấp chặt.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi chánh niệm về giới nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi chánh niệm về giới nên phát khởi tâm an ổn. Chánh niệm về giới nghĩa là được vào tất cả pháp.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được nhiều an ổn không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát suy nghĩ thế này: Ta đã được trụ nơi quán vô thường nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi quán vô thường nên phát khởi tâm an ổn. Quán vô thường nghĩa là vượt qua tham dục, tham sắc, tham vô sắc.

Bồ Tát suy nghĩ thế này: Ta đã được trụ nơi quán vô ngã nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi quán vô ngã nên phát khởi tâm an ổn. Quán vô ngã nghĩa là không đắm trước tất cả sự quán.

Bồ Tát suy nghĩ thế này: Ta đã được trụ nơi pháp chắc thật nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi pháp chắc thật nên phát khởi tâm an ổn. Pháp chắc thật nghĩa là không dối gạt Chư Thiên và loài người.

Bồ Tát suy nghĩ thế này: Ta đã được trụ nơi pháp thật nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi pháp thật nên phát khởi tâm an ổn. Pháp thật nghĩa là không lừa dối Chư Thiên và chính mình.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi các pháp hành nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi các pháp hành nên phát khởi tâm an ổn. Các pháp hành nghĩa là nương tựa vào tất cả các pháp hành.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được nhiều an ổn không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi giới kiên cố nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giới kiên cố nên phát khởi tâm an ổn. Giới kiên cố nghĩa là không phạm cho dù một giới rất nhỏ, không làm một tội nhỏ nhặt nào.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi giới trọn vẹn nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giới trọn vẹn nên phát khởi tâm an ổn. Không khuyết giới nghĩa là không mong cầu những thừa khác.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi giới hoàn thiện nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giới hoàn toàn nên phát khởi tâm an ổn. Giới hoàn thiện nghĩa là xa lìa tất cả những hành động xấu ác.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi giới không vẩn đục nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giới không vẩn đục nên phát khởi tâm an ổn. Giới không vẩn đục nghĩa là bảo hộ tất cả Bồ Tát.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi giới khéo hộ trì nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giới khéo hộ trì nên phát khởi tâm an ổn. Giới khéo hộ trì nghĩa là sanh lòng tôn kính đối với tất cả các Bồ Tát.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này, có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không còn sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không còn sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi giới khéo nghiêm mật nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giới khéo nghiêm mật nên phát khởi tâm an ổn. Giới khéo nghiêm mật nghĩa là khéo giữ gìn tất cả các căn.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi giới danh xưng nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giới danh xưng nên phát khởi tâm an ổn. Giới danh xưng nghĩa là nhập vào pháp giới các pháp không sai biệt, vì trí bất nhị không chướng ngại.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi giới tri túc nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giới tri túc nên phát khởi tâm an ổn. Giới tri túc nghĩa là xa lìa tất cả tham.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi giới sai biệt nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giới sai biệt nên phát khởi tâm an ổn. Giới sai biệt nghĩa là thân vắng lặng.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi giới chỗ A Lan Nhã nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giới chỗ A Lan Nhã nên phát khởi tâm an ổn. Giới chỗ A Lan Nhã nghĩa là nhập vào các pháp không thiên lệch.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa và được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tinh hoan hỷ địa và được nhiều an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi tâm đại từ nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tâm đại từ nên phát khởi tâm an ổn. Tâm đại từ nghĩa là cứu giúp sự khổ não của tất cả chúng sanh. Nghĩa là thân tâm tu tập tất cả các công đức.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi tâm đại bi nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tâm đại bi nên phát khởi tâm an ổn. Tâm đại bi nghĩa là giáo hóa các chúng sanh không còn các khổ mà không chấp thủ, không có lạc nào mà không buông xả.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi tâm đại hỷ nên sanh tâm an ổn, làm cho các chúng sanh trụ nơi tâm đại hỷ nên phát khởi tâm an ổn. Tâm đại hỷ nghĩa là được nghe đại sự của Chư Phật nên sanh tâm hoan hỷ.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi tâm đại xả nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tâm đại xả nên phát khởi tâm an ổn. Tâm đại xả nghĩa là Bồ Tát xa lìa tâm ái.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi phương tiện luận nghĩa nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi phương tiện luận nghĩa nên phát khởi tâm an ổn. Phương tiện luận nghĩa, nghĩa là nhập vào các pháp ngôn ngữ.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được nhiều an ổn không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi giới nhẫn nhục nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giới nhẫn nhục nên phát khởi tâm an ổn. Giới nhẫn nhục nghĩa là không sanh tâm sân hận đối với tất cả chúng sanh.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi giới tinh tấn nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giới tinh tấn nên phát khởi tâm an ổn. Giới tinh tấn nghĩa là Bồ Tát làm cho chúng sanh trụ nơi pháp không lui sụt.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi giới thiền định tâm nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giới thiền định nên phát khởi tâm an ổn. Giới thiền định nghĩa là Bồ Tát làm cho các chúng sanh trụ nơi thiền chi.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi giới bát nhã nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giới bát nhã nên phát khởi tâm an ổn. Giới Bát Nhã nghĩa là làm cho tất cả chúng sanh trụ nơi các thiện căn.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi giới không thô ác nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giới không thô ác nên phát khởi tâm an ổn. Giới không thô ác nghĩa là tâm nhu hòa đối với tất cả Pháp Phật.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa và được nhiều an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được nhiều an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi giới không hối nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giới không hối nên phát khởi tâm an ổn. Giới không hối nghĩa là khéo làm những nghiệp đã làm.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi giới không kiêu mạn nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giới không kiêu mạn nên phát khởi tâm an ổn. Giới không kiêu mạn nghĩa là giáo hóa tất cả chúng sanh, giúp đỡ nghiệp tạo tác cho tất cả chúng sanh.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi giới thiện nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giới thiện nên phát khởi tâm an ổn. Giới thiện nghĩa là giáo hóa tất cả chúng sanh có thể nhẫn chịu sự sân hận, mắng chửi, nhục mạ của chúng sanh.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi giới tiếp nhận pháp nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giới tiếp nhận pháp nên phát khởi tâm an ổn. Giới tiếp nhận pháp nghĩa là tin các pháp không giải thoát.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi giới Phật tam muội nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi giới Phật tam muội nên phát khởi tâm an ổn. Giới Phật tam muội nghĩa là có tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sanh.

Văn Thù Sư Lợi! Đó là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi trí Khổ Đế nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trí Khổ Đế nên phát khởi tâm an ổn. Trí Khổ Đế nghĩa là trí biết các ấm không sanh.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi trí Tập Đế nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trí Tập Đế nên phát khởi tâm an ổn. Trí Tập Đế nghĩa là trí đoạn trừ các ái.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi trí Diệt Đế nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trí Diệt Đế nên phát khởi tâm an ổn. Trí Diệt Đế nghĩa là trí không sanh các nghiệp vô minh sử.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi trí Đạo Đế nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trí Đạo Đế nên phát khởi tâm an ổn. Trí Đạo Đế nghĩa là trí được các pháp bình đẳng không điên đảo.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi quán sát lỗi tự thân nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác quán sát lỗi tự thân nên phát khởi tâm an ổn. Quán sát lỗi tự thân nghĩa là quán sát tự giới, tự tâm vắng lặng.

Văn Thù Sư Lợi! Đó là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được nhiều an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi tâm hộ người khác nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tâm hộ người khác nên phát khởi tâm an ổn. Tâm hộ người khác nghĩa là thấy lỗi của người không sanh sân hận.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi tâm thuần thục nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tâm thuần thục nên phát khởi tâm an ổn. Tâm thuần thục nghĩa là giáo hóa chúng sanh không mệt mỏi.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi tâm không sân hận nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tâm không sân hận nên phát khởi tâm an ổn. Tâm không sân hận nghĩa là đối với tất cả chúng sanh không sanh tâm ác.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi quán sát tự thân nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi quán sát tự thân nên phát khởi tâm an ổn. Quán sát tự thân nghĩa là quán vô ngã.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi không còn một mảy may phiền não nào, nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi không còn một mảy may phiền não nào nên phát khởi tâm an ổn. Không còn một mảy may phiền não nghĩa là thân nghiệp vắng lặng một cách hoàn hảo.

Văn Thù Sư Lợi! Đó là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được nhiều an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi vô sanh pháp nhẫn nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi vô sanh pháp nhẫn nên phát khởi tâm an ổn. Vô sanh pháp nhẫn nghĩa là chứng tịch diệt.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi vô diệt pháp nhẫn nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi vô diệt pháp nhẫn nên phát khởi tâm an ổn. Vô diệt pháp nhẫn nghĩa là chứng vô sanh pháp nhẫn.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi trí niệm thân nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trí niệm thân nên phát khởi tâm an ổn. Trí niệm thân nghĩa là xa lìa thân tâm.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi trí niệm thọ nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trí niệm thọ nên phát khởi tâm an ổn. Trí niệm thọ nghĩa là chấm dứt tất cả thọ.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi trí niệm tâm nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trí niệm tâm nên phát khởi tâm an ổn. Trí niệm tâm nghĩa là quán tâm giống như huyễn.

Văn Thù Sư Lợi! Đó là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi trí niệm pháp nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trí niệm pháp nên phát khởi tâm an ổn. Trí niệm pháp nghĩa là như thật biết tất cả các pháp.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi tín căn nên nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tín căn nên phát khởi tâm an ổn. Tín căn nghĩa là không nương tựa vào tất cả những pháp khác.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi tinh tấn căn nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tinh tấn căn nên phát khởi tâm an ổn. Tinh tấn căn nghĩa là như thật biết tất cả các pháp.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi niệm căn nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi niệm căn nên phát khởi tâm an ổn. Niệm căn nghĩa là khéo làm những việc đã làm.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi định căn nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi định căn nên phát khởi tâm an ổn. Định căn nghĩa là được tâm giải thoát.

Văn Thù Sư Lợi! Đó là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi tuệ căn nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tuệ căn nên phát khởi tâm an ổn. Tuệ căn nghĩa là hiện biết tất cả pháp.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi tín lực nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tín lực nên phát khởi tâm an ổn. Tín lực nghĩa là vượt qua tất cả những nghiệp ma.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi trí lực nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trí lực nên phát khởi tâm an ổn. Trí lực nghĩa là xa lìa vô trí.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi tinh tấn lực nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tinh tấn lực nên phát khởi tâm an ổn. Tinh tấn lực nghĩa là thành tựu pháp bất thối.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi niệm lực nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi niệm lực nên phát khởi tâm an ổn. Niệm lực nghĩa là nắm giữ tất cả Pháp Phật.

Văn Thù Sư Lợi! Đó là năm pháp.

Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được nhiều an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi tam muội lực nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tam muội lực nên phát khởi tâm an ổn. Tam muội lực nghĩa là viễn ly tất cả giác quán.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi bát nhã lực nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi bát nhã lực nên phát khởi tâm an ổn. Bát nhã lực nghĩa là trí tuệ không thể bị người khác chinh phục được.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi niệm giác phần nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi niệm giác phần nên phát khởi tâm an ổn. Niệm giác phần nghĩa là như thật biết từng phần suy tư và hiểu biết các pháp.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi trạch pháp giác phần nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trạch pháp giác phần nên phát khởi tâm an ổn. Trạch pháp giác phần nghĩa là soi sáng biết tất cả pháp.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã được trụ nơi tinh tấn giác phần nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tinh tấn giác phần nên phát khởi tâm an ổn. Tinh tấn giác phần nghĩa là như thật biết tất cả Pháp Phật.

Văn Thù Sư Lợi! Đó là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

***