Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tín Lực Nhập ấn Pháp Môn

PHẬT THUYẾT KINH

TÍN LỰC NHẬP ẤN PHÁP MÔN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Ma Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
 

PHẦN SÁU
 

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng công đức, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi vắng lặng nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi vắng lặng nên phát khởi tâm an ổn. Vắng lặng nghĩa là xa lìa thân tâm, phát khởi tất cả thiện căn không khiếp nhược.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi pháp hữu vi nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi pháp hữu vi nên phát khởi tâm an ổn. Pháp hữu vi nghĩa là tất cả pháp chẳng phải không, chẳng phải bất không.

Chẳng phải điên đảo, chẳng phải không điên đảo. Chẳng phải tăng thượng, chẳng phải không tăng thượng.

Chẳng phải sự, chẳng phải bất sự. Chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi. Chẳng phải tướng, chẳng phải bất tướng. Chẳng phải nương tựa, chẳng phải không nương tựa. Chẳng phải nhị, chẳng phải bất nhị.

Chẳng phải diệt, chẳng phải bất diệt. Chẳng phải thủ, chẳng phải bất thủ. Vào được như vậy mới gọi đó là thể của pháp hữu vi.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi pháp vô vi nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi pháp vô vi nên phát khởi tâm an ổn. Pháp vô vi nghĩa là các pháp này không sai biệt, không sanh, tâm không điên đảo, không phân biệt và xa lìa sự phân biệt. Đó gọi là thể của pháp vô vi.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi chánh kiến nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi chánh kiến nên phát khởi tâm an ổn. Chánh kiến nghĩa là nhập tướng nhị hoặc bất nhị.

Vì sao?

Vì thể bất nhị chẳng khác thể nhị và thể nhị chẳng khác thể bất nhị, tức thể nhị là bất nhị. Nếu có thể nhập tướng nhị hoặc bất nhị này, gọi là chánh kiến.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi tâm không sân hận nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tâm không sân hận nên phát khởi tâm an ổn. Tâm không sân hận nghĩa là an ổn sự nên vào được nghiệp của tất cả chúng sanh.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng công đức không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ vào đạo Ba la mật nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ vào đạo Ba la mật nên phát khởi tâm an ổn. Nhập đạo Ba la mật nghĩa là phương tiện tiếp nhận trí tuệ.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi sanh trong nhà Chư Phật nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi sanh trong nhà Chư Phật nên phát khởi tâm an ổn. Sanh trong nhà Chư Phật nghĩa là trang nghiêm công đức và trang nghiêm trí tuệ.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi phát tâm bồ đề nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi phát tâm bồ đề nên phát khởi tâm an ổn. Phát tâm bồ đề nghĩa là an trú nơi tâm đại từ đại bi.

Vì sao?

Vì được vào nơi tất cả pháp.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi bát nhã nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi bát nhã nên phát khởi tâm an ổn. Bát Nhã nghĩa là pháp hữu vi và vô vi không sai biệt.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi phương tiện nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi phương tiện nên phát khởi tâm an ổn. Phương tiện nghĩa là giáo hóa tất cả chúng sanh.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng công đức không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi hạnh có chướng ngại nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi hạnh có chướng ngại nên phát khởi tâm an ổn. Hạnh có chướng ngại nghĩa là năm Ba la mật.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi hạnh không chướng ngại nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi hạnh không chướng ngại nên phát khởi tâm an ổn. Hạnh không chướng ngại nghĩa là bát nhã Ba la mật.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi hạnh hữu lậu nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi hạnh hữu lậu nên phát khởi tâm an ổn. Hạnh hữu lậu nghĩa là thấy các pháp hạnh.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi hạnh vô lậu nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi hạnh vô lậu nên phát khởi tâm an ổn. Hạnh vô lậu nghĩa là không thấy các pháp hạnh.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi hạnh hữu lượng nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi hạnh hữu lượng nên phát khởi tâm an ổn. Hạnh hữu lượng nghĩa là có những tâm trụ nơi tướng.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng công đức không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi hạnh vô lượng nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi hạnh vô lượng nên phát khởi tâm an ổn. Hạnh vô lượng nghĩa là không có những tâm hạnh tướng.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi trí hữu lượng nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trí hữu lượng nên phát khởi tâm an ổn. Trí hữu lượng nghĩa là quán sát ấm giới nhập tích tập bởi nhân duyên là xứ, là Phi Xứ và quán sát tướng trí phương tiện.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi vô lượng tác trí nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi vô lượng tác trí nên phát khởi tâm an ổn. Vô lượng tác trí nghĩa là chỗ hành xứ của tâm vô tác.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi hữu biên nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi hữu biên nên phát khởi tâm an ổn. Hữu biên nghĩa là năm Ba la mật.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi vô biên nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi vô biên nên phát khởi tâm an ổn. Vô biên nghĩa là Bát Nhã Ba la mật.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi tự thân có khả năng tịch tĩnh nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tự thân có khả năng tịch tĩnh nên phát khởi tâm an ổn. Tự thân có khả năng tịch tĩnh nghĩa là quán sát pháp vô ngã.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi thân tâm vắng lặng nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi thân tâm vắng lặng nên phát khởi tâm an ổn. Thân tâm vắng lặng nghĩa là giáo hóa tất cả chúng sanh không mỏi mệt.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi trực tâm thanh tịnh nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trực tâm thanh tịnh nên phát khởi tâm an ổn. Trực tâm thanh tịnh nghĩa là quán sát tất cả chúng sanh.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi quán sát tất cả chúng sanh nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi quán sát tất cả chúng sanh nên phát khởi tâm an ổn. Quán sát tất cả chúng sanh nghĩa là quán sát tất cả chúng sanh.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi công đức bình đẳng đối với tất cả chúng sanh nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi công đức bình đẳng đối với tất cả chúng sanh nên phát khởi tâm an ổn. Công đức bình đẳng đối với tất cả chúng sanh nghĩa là năm công đức Ba la mật.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi khắc phục tâm bỏn sẻn, ganh ghét nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tâm khắc phục bỏn sẻn, ganh ghét nên phát khởi tâm an ổn. Khắc phục tâm bỏn sẻn ganh ghét nghĩa là buông xả tất cả vật bên trong hay ngoài.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi không nói quanh co nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi không nói quanh co nên phát khởi tâm an ổn. Không nói quanh co nghĩa là có tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sanh.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi cúng dường Phật nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi cúng dường Phật nên phát khởi tâm an ổn.

Cúng dường Phật nghĩa là y chỉ, cúng dường, nắm giữ, có khả năng sanh ra pháp xuất thế của Chư Phật, và có thể thành tựu pháp Thuyết Pháp để cúng dường Chư Phật, Bồ Tát kia.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi cúng dường trí hạnh Như Lai nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi cúng dường trí hạnh Như Lai nên phát khởi tâm an ổn. Cúng dường trí hạnh Như Lai nghĩa là làm cho tất cả chúng sanh an trú nơi pháp không lui sụt.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi tâm khẩu hạnh nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tâm khẩu hạnh nên phát khởi tâm an ổn. Tâm khẩu hạnh nghĩa là làm cho chúng sanh từ bỏ lỗi về tâm, khẩu để được thanh tịnh.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi không thấy nghiệp ma mà trụ nơi nghiệp Phật nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi không thấy nghiệp ma mà trụ nơi nghiệp Phật nên phát khởi tâm an ổn. Không thấy nghiệp ma, trụ nơi nghiệp Phật nghĩa là không thấy nghiệp ma để giáo hóa chúng sanh.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi tin Chư Phật Như Lai là thường nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tin Phật Như Lai là thường nên phát khởi tâm an ổn. Tin Chư Phật Như Lai là thường nghĩa là Chư Phật thường dùng vô sai biệt.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi tin Chư Phật Như Lai là hằng nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tin Chư Phật Như Lai là hằng nên phát khởi tâm an ổn. Tin Chư Phật Như Lai là hằng nghĩa là tin Chư Phật Như Lai luôn luôn thực hiện những hạnh Phật không ngưng nghỉ.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi tin Chư Phật Như Lai tịnh nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tin Chư Phật Như Lai tịnh nên phát khởi tâm an ổn. Tin Chư Phật Như Lai tịnh nghĩa là không thấy, nghe, nghĩ vu vơ.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi tin Chư Phật Như Lai là ngã nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tin Chư Phật Như Lai là ngã nên phát khởi tâm an ổn. Tin Chư Phật Như Lai là ngã nghĩa là tin thân Chư Như Lai vô biên. Thân vô biên nghĩa là nói thân Như Lai vô biên.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi an ổn sự nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi an ổn sự nên phát khởi tâm an ổn. An ổn sự nghĩa là làm cho tất cả chúng sanh được bảo vệ khỏi sự bức bách thân tâm chính họ. Không có một pháp nhỏ nào có thể sanh ra khổ mà không thọ và không có một pháp nhỏ nào có thể sanh ra lạc mà không xả.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi tất cả pháp vô tướng nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tất cả pháp vô tướng nên phát khởi tâm an ổn. Tất cả pháp vô tướng nghĩa là thể vô tướng.

Vì sao?

Vì không chấp thể vô tướng vậy.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi quay về nương tựa Phật nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi quay về nương tựa Phật nên phát khởi tâm an ổn. Quay về nương tựa Phật nghĩa là không làm tất cả hành độc ác.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi quay về nương tựa pháp nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi quay về nương tựa pháp nên phát khởi tâm an ổn. Quay về nương tựa pháp nghĩa là quay về nương tựa pháp để tích tập nhân duyên.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi quay về nương tựa Tăng nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi quay về nương tựa Tăng nên phát khởi tâm an ổn. Quay về nương tựa Tăng nghĩa là xa lìa tâm yêu ghét.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi tâm bồ đề nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tâm bồ đề nên phát sanh tâm an ổn. Tâm bồ đề nghĩa là phát khởi trí bất khả tư nghì.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi thân vô sai biệt nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi thân vô sai biệt nên phát khởi tâm an ổn. Thân vô sai biệt nghĩa là vượt qua tất cả các pháp tướng.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi tín vô sai biệt nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tín vô sai biệt nên phát khởi tâm an ổn. Tín vô sai biệt nghĩa là tin các nghiệp và quả báo.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi trí Tam ma bạt đề nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trí Tam ma bạt đề nên phát khởi tâm an ổn. Trí Tam ma bạt đề nghĩa là trí quán sát nhập thể.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi pháp vô sai biệt nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi pháp vô sai biệt nên phát khởi tâm an ổn. Pháp vô sai biệt nghĩa là pháp tu hành.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi thiện tri thức vô sai biệt nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi thiện tri thức vô sai biệt nên phát khởi tâm an ổn. Thiện tri thức vô sai biệt nghĩa là không lừa dối các thiện tri thức.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi pháp tùy thuận nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi pháp tùy thuận nên phát khởi tâm an ổn. Pháp tùy thuận nghĩa là đối với các pháp như thật tu hành.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi hạnh tàm quý nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi hạnh tàm quý nên phát khởi tâm an ổn. Hạnh tàm quý nghĩa là tu hạnh lành về nghiệp thân, miệng, ý.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi xa lìa tâm ái nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác xa lìa tâm ái nên phát khởi tâm an ổn. Xa lìa tâm ái nghĩa là pháp lành chưa sanh có thể làm cho sanh.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi xa lìa tâm sân nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác xa lìa tâm sân nên phát khởi tâm an ổn. Xa lìa tâm sân nghĩa là không đánh mất pháp lành đã sanh.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi thiện căn phòng hộ tự thân và người khác nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi thiện căn phòng hộ tự thân và người khác nên phát khởi tâm an ổn.

Thiện căn phòng hộ tự thân nghĩa là phòng hộ hành động đưa đến nghiệp. Thiện căn phòng hộ người khác nghĩa là hộ trì làm cho họ an trú nơi đại từ đại bi.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Này Văn Thù Sư Lợi! Các Đại Bồ Tát có năm pháp có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

Đó là:

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi trí giải thoát không chướng ngại nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi trí giải thoát không chướng ngại nên phát khởi tâm an ổn. Trí giải thoát không chướng ngại nghĩa là phi nhị thanh tịnh.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi tin các pháp do nhân duyên sanh nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi tin các pháp do nhân duyên sanh nên phát khởi tâm an ổn. Tin các pháp do nhân duyên sanh nghĩa là thấy các thể pháp nhân duyên không sanh.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi các pháp không có trú xứ nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi các pháp không có trú xứ nên phát khởi tâm an ổn. Các pháp không có trú xứ nghĩa là tất cả pháp không có chỗ sai biệt trong cõi mười phương.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi Chư Phật Như Lai như hư không nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi Chư Phật Như Lai như hư không nên phát khởi tâm an ổn. Chư Phật Như Lai như hư không nghĩa là Phật không sai biệt và không nương tựa.

Bồ Tát phát tâm thế này: Ta đã trụ nơi Chư Phật Như Lai xa lìa tâm ý và ý thức nên sanh tâm an ổn, làm cho người khác trụ nơi Chư Phật Như Lai xa lìa tâm ý và ý thức nên phát khởi tâm an ổn. Chư Phật Như Lai xa lìa tâm ý và ý thức nghĩa là Chư Phật đạt đến trí tự nhiên, do đó được trí không chướng ngại.

Văn Thù Sư Lợi! Đây là năm pháp. Các Đại Bồ Tát nào được năm pháp này có thể thanh tịnh hoan hỷ địa, được vô lượng an ổn, không sợ hãi.

***