Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Tịnh Nghiệp Chướng
PHẬT THUYẾT
KINH TỊNH NGHIỆP CHƯỚNG
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Pháp Cự, Đời Tây Tấn
PHẦN HAI
Bấy giờ, Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Xin Ngài nói pháp chướng ngại, không chướng ngại. Chư Bồ Tát đang chờ nghe, có thể ở đời sau, trong đời ác năm trược, đối với các pháp thế gian, chẳng sanh đắm nhiễm.
Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Nói về chướng ngại thì tham dục là chướng ngại, sân hận là chướng ngại, ngu si là chướng ngại, bố thí là chướng ngại, trì giới là chướng ngại, nhẫn nhục là chướng ngại, tinh tấn là chướng ngại, thiền định là chướng ngại, trí tuệ là chướng ngại, tưởng Phật là chướng ngại, tưởng Pháp là chướng ngại, tưởng Tăng là chướng ngại, tưởng không là chướng ngại, tưởng vô tướng là chướng ngại, tưởng vô tác là chướng ngại, tưởng vô hành là chướng ngại, tưởng bất sanh là chướng ngại.
Này Văn Thù Sư Lợi! Nói tóm lại, nếu đối với các pháp hễ có ràng buộc, có Bồ Tát thì nên biết, như thế đều là chướng ngại.
Bấy giờ, Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tại sao bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ là pháp chướng ngại?
Đức Phật bảo Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi: Tánh của tất cả các pháp là không chướng ngại. Nhưng phàm phu ngu si kém cỏi, vô trí, tự sanh phân biệt, đối với bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ khởi lên chướng ngại.
Vì sao?
Này Văn Thù Sư Lợi! Vì người phàm ngu khi thực hành bố thí, đối với chúng sanh keo kiệt, không sanh cung kính, vì không cung kính nên sanh tâm sân, vì tâm sân nên đọa vào địa ngục.
Tự thân trì giới thấy người phạm giới sanh tâm khinh thường, nói tội lỗi người đó cho người khác nghe, không cung kính. Vì không cung kính nên đọa vào đường ác, tự tu hạnh nhẫn nhục, vì nhẫn nhục mà sanh tâm tự cao cho là ta nhẫn nhục còn những người khác thì thô ác, vì vậy nhẫn mà lại buông lung, nên biết, đó là gốc của các tội.
Tự tu hành tinh tấn, đối với người lười biếng, khởi niệm thế này: Như người ngu ấy chẳng nên nhận đồ cúng dường cuả tín thí, thậm chí không nên nhận một giọt nước uống! Đối với bản thân thường khởi cống cao, hạ thấp người khác, nên biết đó là bọn ngu si, kém cỏi, vô trí.
Tự tu hành thiền định thấy người loạn tưởng, nghĩ: Ta thường tu định, còn các Tỳ Kheo khác đa số tâm loạn, bàn luận việc tà.
Người như thế cách đạo còn xa, huống là có thể đắc quả Phật! Khi nghĩ như vậy, theo điều đã nghĩ, cứ mỗi niệm, thì mỗi kiếp trở lại thọ sanh tử.
Thọ sanh tử rồi, sẽ tu đạo Bồ Đề, tự cho mình là đa văn, đối với pháp không có danh tự cho là không có trí chân thật, vọng tưởng phân biệt, thấy có chứng đắc, khởi đại kiêu mạn: Ta nói họ là những người quá ngu si vô trí. Họ bị sự hiểu biết che lấp, chẳng phải là đại nhân.
Tuy có chí cầu đạo đại thừa nhưng lại nghĩ: Ở trên đời, ta sẽ là cao nhất, là hơn hết. Rồi đối với hàng Thanh Văn Tiểu Thừa không cung kính, khinh thường chê bai, nói lỗi lầm của họ. Do tâm ác đó, nói lời thô ác, nên bị đọa đường ác.
Bấy giờ, Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát ở trong Phật Pháp, không nên nói lỗi của người khác.
Đức Phật dạy: Đúng vậy! Đúng vậy! Này Văn Thù Sư Lợi! Theo ý ông thì sao?
Bồ Tát đối với các chúng sanh lúc nào mà chẳng thường khởi lòng từ thương yêu nhớ nghĩ, và không bao giờ nhìn họ bằng con mắt ác cảm.
Văn Thù Sư Lợi thưa: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy! Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi!
Theo ý ông thì sao?
Bồ Tát đới với tất cả chúng sanh chẳng phải là dùng Thanh Văn, Duyên Giác và đại thừa mà độ thoát cho họ hay sao?
Bạch Thế Tôn! Không phải! Bồ Tát chưa từng bỏ một chúng sanh mà không độ thoát cho họ, đối với tất cả, luôn khởi tâm bình đẳng.
Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Thí như Thầy thuốc trị lành các bệnh cho Quốc Vương, Đại Thần, trưởng giả, Cư Sĩ và các dân nghèo, thường nghĩ: Làm thế nào để làm cho chúng sanh khỏi khổ, được xa lìa các bệnh.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi cũng vậy, đối với chúng sanh thường khởi tâm đại bi, phát ý bình đẳng, làm thế nào để làm cho tất cả chúng sanh thọ trì và thực hành Phật Pháp, khiến không đoạn dứt. Lại như thầy thuốc có phương thuốc qua sách vở, chú thuật không dứt mất, vô cùng vui mừng phấn khởi. Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi cũng vậy, khi chủng tánh của Chư Phật không dứt thì tâm hoan hỷ, cũng như thế.
Này Văn Thù Sư Lợi! Tất cả chúng sanh không cùng tận, như thuốc có thể trị các bệnh mặc dù có bệnh có thể trị, cũng có bệnh khó trị.
Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát cũng vậy, cũng không cùng tận như Phật, khi khởi tâm bồ đề để tự trang nghiêm, dù có pháp có thể được, có pháp cũng khó được. Lại như thầy thuốc đối với các phương thuốc bí truyền trong sách thuốc không nên tùy tiện sửa đổi phương thuốc.
Này Văn Thù Sư Lợi! Bồ Tát cũng vậy, không nên tùy tiện phát tâm bồ đề như người bệnh ốm.
Này Văn Thù Sư Lợi! Trí tự nhiên vô sư, điều đó là khó được. Không nhờ người khác để biết, cũng là khó được. Tâm vi diệu thù thắng cũng là khó được. Tu hành Phật Pháp cũng là khó được.
Bấy giờ, Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào để Bồ Tát đối với tất cả pháp tâm không chướng ngại, đạt đến thanh tịnh?
Đức Phật bảo Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi: Nếu có Bồ Tát quán sát tham dục và tất cả các pháp sân hận, ngu si là tất cả các pháp thì như vậy gọi là làm thanh tịnh các nghiệp chướng.
Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có Bồ Tát đối với năm dục không ưa thích, cũng chẳng vứt bỏ, quán thật tánh của dục tức là Phật Pháp, như vậy gọi là làm thanh tịnh các nghiệp chướng.
Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có Bồ Tát dùng năm triền cái để cầu bồ đề, khi quán như thế chẳng thủ đắc năm triền cái và Bồ Đề thì như vậy gọi là làm thanh tịnh các nghiệp chướng.
Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có Bồ Tát quán chín pháp phiền não tức là tâm từ, khi tư duy quán sát chín phiền não não, chẳng chấp có người khác và thân mình thì gọi là tâm từ tối thượng. Vì đối với các pháp, không chấp thủ nên Bồ Tát quán nhẫn cũng giống như thế, như vậy gọi là làm thanh tịnh các nghiệp chướng.
Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có Bồ Tát quán phạm giới tức là không phạm, quán chẳng phải tỳ ni tức là tỳ ni, quán ràng buộc tức là giải thoát, quán sanh tử tức là cảnh Niết Bàn, như thế gọi là làm thanh tịnh các nghiệp chướng.
Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có Bồ Tát quán cõi tham dục là cảnh Niết Bàn, sân nhuế, ngu si cũng giống như vậy, thì như vậy gọi là làm thanh tịnh các nghiệp chướng.
Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có Bồ Tát quán tất cả các pháp tức là Phật Pháp đó gọi là làm thanh tịnh các nghiệp chướng.
Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có Bồ Tát quán tất cả các pháp không có thể tướng, cũng không có căn bản, như vậy gọi là làm thanh tịnh các nghiệp chướng.
Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có Bồ Tát quán bỏn sẻn và bố thí, không khởi tưởng là hai. Trì giới và phá giới, không khởi tưởng phân biệt. Sân hận, nhẫn nhục, không khởi tưởng phân biệt.
Lười biếng và tinh tấn, không khởi hai tưởng khác nhau. Loạn động và thiền định, không khởi tưởng. Là hai ngu si và trí tuệ, không khởi tưởng, phân biệt như thế gọi là làm thanh tịnh các nghiệp chướng.
Lại nữa, này Văn Thù Sư Lợi! Nếu có Bồ Tát quán các phiền não tức là Phật thì như thế gọi là làm thanh tịnh các nghiệp chướng.
Bấy giờ, Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát quán các phiền não tức là Phật Pháp?
Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Theo ý ông thì sao?
Ông thấy có ai thấy pháp mà trở lại cùng tạo tác ràng buộc với pháp chăng?
Đáp: Bạch Thế Tôn! Không!
Này Văn Thù Sư Lợi! Theo ý ông thì sao?
Ông có thấy pháp nào hữu vi, các pháp nào tạo tác mà giải thoát chăng?
Bạch Thế Tôn! Không!
Này Văn Thù Sư Lợi! Thế nào là Bồ Tát đạt nhẫn vô sanh?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Tất cả phiền não tức là Nhẫn vô sanh.
Vì sao?
Vì tất cả phiền não đồng với tánh hư không. Vì ý nghĩa này, con quán các pháp không trí, không đoạn, không chứng, không tu. Nhưng các phàm phu bị chướng ngại che lấp, không có Phật Pháp nên thấy có đoạn trừ kiết sử, có tu Phật Pháp.
Bấy giờ, Thế Tôn khen Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi: Hay thay! Hay thay!
Văn Thù Sư Lợi! Ông có khả năng hiểu rõ và giảng nói pháp vô tận.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ở quá khứ lâu xa, với số kiếp vô lượng, vô biên, vô số chẳng thể nghĩ bàn, bấy giờ có Phật ten là Nhật Vô Cấu Quang gồm đủ mười hiệu Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn xuất hiện ở đời.
Này Văn Thù Sư Lợi! Như Lai Vô Cấu Quang thọ chín mươi kiếp, cõi nước nước tên là Chúng Hương.
Thế Giới của Phật ấy, có nhiều chúng sanh ưa thích pháp tiểu thừa, chỉ có một số ít có thể tu tập đại thừa vô thượng. Đức Phật Thế Tôn ấy, sau khi nhập Niết Bàn, pháp tồn tại một nghìn năm, Xá Lợi phân bố khắp nơi, như ta sau khi diệt độ không khác.
Khi ấy, có Tỳ Kheo tên là Dõng Thí biết hổ thẹn, ưa học, khéo giữ giới thân, đa văn trí tuệ, tướng mạo trang nghiêm, thành tựu sắc thân vi diệu thanh tịnh bậc nhất.
Bấy giờ, Dõng Thí mặc y mang bát vào thành Nan Thắng, theo thứ lớp khất thực, đến nhà trưởng giả. Nhà ấy có người con gái nhan sắc tuyệt đẹp, không vừa lòng chồng mình.
Khi ấy, con gái trưởng giả thấy Dõng Thí liền khởi tâm ái nhiễm, nghĩ thế này: Nếu ta không lấy Tỳ Kheo Dõng Thí để làm chồng được thì ta sẽ tự vẫn.
Lúc đầu, cô chưa nói với ai ý nghĩ đó, tâm dục trở thành nội kết rồi phát bệnh. Bấy giờ, Dõng Thí khất thực xong, trở về Tinh Xá.
Một thời gian sau, cha cô gái qua đời, khi ấy người mẹ hỏi con gái: Vì nhân duyên gì mà con bệnh như vậy?
Cô gái im lặng rồi bỏ ăn uống.
Bấy giờ, người mẹ kín đáo sai một cô gái khác là người thân thiết cùng khổ vui với con mình trước đây, đến hỏi: Vì nhân duyên gì mà đến nỗi bệnh thế này?
Khi ấy, Cô gái đáp: Trước đây, tôi thấy một Tỳ Kheo tướng mạo đẹp đẽ liền khởi tâm dục nên đến nỗi sanh bệnh thế này. Nếu làm theo ý tôi, thì bệnh của tôi sẽ hết. Nếu không được thì tôi sẽ chết. Người con gái kia nghe việc như vậy rồi, kể lại đầy đủ với mẹ của cô gái.
Người mẹ nghe xong, suy nghĩ: Con gái ta nay bệnh hoạn như thế, nếu không có được Tỳ Kheo Dõng Thí thì sẽ tính sao đây?
Lại nghĩ tiếp: Nay ta sẽ thỉnh Tỳ Kheo Dõng Thí luôn đến nhà ta, rồi sẽ bảo con gái ta theo thọ Kinh Pháp. Vào thời gian khác, bấy giờ Dõng Thí vào thành khất thực lại đến nhà kia.
Thấy con gái trưởng giả thân thể gầy ốm nên hỏi: Cô gái này do duyên gì mà có bệnh này?
Khi ấy bà mẹ đáp: Con gái tôi ưa nghe Kinh Pháp. Tôi thường cố ngăn cản nó, không thỏa mãn ý nó nên đến nỗi bệnh như vậy.
Bấy giờ, Dõng Thí nói với mẹ cô gái: Đừng ngăn cản cô ta làm cho không được nghe phá.
Người mẹ thưa: Thưa Tôn Giả! Nếu Ngài có thể dạy bảo truyền trao Kinh pháp cho con gái tôi, tôi cũng xin nghe. Bấy giờ, Dõng Thí liền chấp thuận.
Người mẹ nói: Từ nay về sau, xin Tôn Giả thường đến nhà tôi.
Đáp: Được.
Khi ấy. Cô gái của trưởng giả nghe lời hứa ấy, quá đỗi vui mừng, nghĩ: Nay mình phải tìm đủ mọi cách làm cho Tỳ Kheo này mê đắm mình.
Nghĩ xong, cô gái trưởng giả nói với Dõng Thí: Cúi xin Tôn Giả thương xót con, thường đến nhà con. Dõng Thí im lặng nhận lời. Rồi thọ thực xong, trở về Tinh Xá.
Bấy giờ, người mẹ nói với con gái mình: Từ nay về sau, hãy trang điểm cho đẹp, dùng các loại hương chiên đàn tốt để xoa thân, lại mặc y phục mới hảo hạng đẹp đẽ. Trang điểm như vậy mới được vừa ý. Sau đó, Dõng Thí thường đến nhà cô ta, lần lần trở nên thân mật.
Vì luôn gặp nhau nên Tỳ Kheo mất chánh niệm, phát sanh tâm dục, liền cùng với cô gái ấy hành dâm, tâm sanh mê đắm, qua lại luôn luôn. Bấy giờ, chồng của cô ấy thấy Tỳ Kheo này thường xuyên lui tới nhà mình bèn sanh nghi ngờ, tức giận, liền tìm cách muốn giết Tỳ Kheo ấy.
Tỳ Kheo Dõng Thí biết được việc đó liền nghĩ: Nên dùng thuốc độc đưa cô gái để cô ta đầu độc chồng.
Bấy giờ, Dõng Thí liền đưa thuốc độc cho cô gái và nói: Nếu nàng thật tình nghĩ đến tôi thì nên đem thuốc này để đầu độc chồng nàng.
Khi ấy, cô gái trưởng giả liền lấy thuốc độc trộn vào thức ăn, rồi sai người giúp việc: Hãy mang cơm này dọn cho chồng ta. Người chồng ăn xong, liền qua đời.
Bấy giờ, Dõng Thí nghe tin người chồng cô gái chết, lòng rất hối hận, nghĩ: Nay ta đã làm một việc tội ác tày trời, đã hành dâm lại giết người, còn gì là Tỳ Kheo.
Như vậy, ta sẽ đi về đâu?
Khi ta qua đời sẽ bị đọa vào đường ác, ai có thể làm cho ta thoát được khổ này. Tỳ Kheo ấy vô cùng sầu não.
Do sự việc ấy nên đâm ra hoảng sợ, chạy từ Tinh Xá này đến Tinh Xá khác, y phục rơi xuống đất, suy nghĩ: Chao ôi! Kỳ lạ thay! Ta nay chính là chúng sanh nơi địa ngục. Lúc này, một Tinh Xá tên là Hê Vô, trong đó có Bồ Tát tên là Tỷ Nhu Đa La. Tỳ Kheo Dõng Thí chạy vào phòng Bồ Tát ấy, gieo mình xuống đất.
Khi đó, Bồ Tát hỏi Dõng Thí: Vì sao tự gieo mình xuống đất?
Đáp: Thưa Đại Đức! Tôi chính là chúng sanh địa ngục.
Lại hỏi: Ai làm cho Thầy thành người địa ngục?
Dõng Thí đáp: Tôi gây nên tội lớn là phạm giới dâm lại giết người.
Bồ Tát nói với Dõng Thí: Tỳ Kheo đừng sợ. Ta có thể ban cho thầy năng lực không sợ. Bấy giờ, Dõng Thí nghe Bồ Tát kia ban cho lời không sợ, tâm rất hoan hỷ, vô cùng vui thích Bồ Tát Tỷ Nhu đa la liền đưa tay đỡ Dõng Thí đứng dây, nắm tay phải dắt đi đến một nơi khác, ngồi trong rừng cây.
Bồ Tát Tỷ Nhu Đa la bay lên hư không cao một cây Đa La, nói với Dõng Thí: Nay thầy đã tin tưởng tôi chăng?
Dõng Thí chấp tay đáp: Tôi gặp Nhân Giả như gặp Đại Sư, cũng như Thế Tôn. Bấy giờ, Bồ Tát Tỷ Nhu Đa La liền nhập vào tam muội Như Lai Bảo tức là pháp môn đại thừa thuộc cảnh giới vi diệu của Chư Phật. Nhập tam muội rồi, ở trên thân hiện ra vô lượng thân Phật, đều màu vàng ròng đủ ba mươi hai tướng tốt, khắp trong rừng cây.
Chư Phật đồng thanh nói kệ:
Pháp như ảnh trong gương
Cũng như trăng đáy nước
Phàm phu tâm ngu về
Phân biệt tham, sân, si.
Pháp vô tác, vô xứ
Như hư không thanh tịnh
Cũng không có giác tri
Hư dối chẳng bền chắc.
Trong đó, cầu tham, sân
Chưa từng có được gì
Phàm phu sanh ái nhiễm
Thật không có nhiễm đắm
Giống như ngủ nằm mộng
Vướng chấp vào các sắc
Cũng như đao cắt vật
Nhưng đao không tự biết.
Phàm phu cũng như vậy
Ngu mê, vọng phân biệt
Tham vướng vào các ái
Sân, giận tăng tranh cãi.
Thế gian giống như mộng
Rỗng không, chẳng bền chắc
Như chớp, mây trên không
Si, ái, lặng không tướng.
Các pháp như cỏ cây
Tâm không ở trong, ngoài
Ái chẳng phải mạng sống
Tự tánh không thật có.
Phàm phu thấy các pháp
Tưởng là do duyên sanh
Không tạo, không nắm bắt
Tánh lìa, thường tịch tĩnh.
Các pháp giống như huyễn
Phàm phu sanh chấp giữ
Tánh huyễn không vững chắc
Tham, sân, si cũng vậy.
Các pháp thường vô tướng
Vắng lặng, không gốc rễ
Vô biên, chẳng nắm bắt
Tánh dục cũng như vậy.
Chúng sanh: Ảnh trong gương
Chấp giữ ngã, ngã sở
Lìa Như, vọng phân biệt
Không bền, không thủ đắc.
Pháp như ảnh, tiếng vọng
Dục, sân không nơi chốn:
Mộng, huyễn, trăng đáy nước
Thật không người sân, hận.
Cảnh giới chẳng chân thật
Rỗng không, không thể nắm
Phân biệt pháp không chủ
Cội gốc thường vắng lặng
Ví như người biến hóa
Không có tham, sân, si
Các pháp như huyễn, mộng
Không thể biết ranh giới.
Như trăng hiện đáy nước.
Nhưng không ở trong nước
Phàm phu nhiễm si, sân
Si, sân, ái không tánh.
Tham, sân, hận, ngu si
Các duyên thường rỗng lặng
Không chúng sanh, thọ mạng
Rỗng không, thường, vắng lặng.
Không mắt cũng không tai
Mũi, lưỡi cũng như thế
Phàm phu si vô trí
Hư vọng: Tưởng bền chắc.
Như hư không vô biên
Vô tận, không đến, đi
Các pháp cũng như thế
Như tay chạm hư không.
Vô số pháp phân biệt
Thật không người phân biệt
Phàm phu chấp các ấm
Nhưng thật không có sanh.
Ta quán tất cả các pháp
Tánh, tướng, không thật có
Không sanh cũng không diệt
Chưa từng có hợp, tan.
Tánh các pháp giải thoát
Tĩnh lặng, không xứ sở
Không thể mong nắm bắt
Hiểu được gọi là trí.
Bấy giờ, trong rừng, có một vạn hai ngàn Thiên Tử đến chỗ Bồ Tát Tỷ Nhu Đa La để nghe pháp, khi nghe nói kệ ấy, tất cả liền đều đạt được pháp nhẫn vô sanh. Tỳ Kheo Dõng Thí thấy các hóa Phật biến hiện thần thông, nên ở trong các pháp tư duy lựa chọn, lìa mọi ràng buộc ngăn che, đạt nhẫn vô sanh.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ông không nên nghi ngờ. Bồ Tát Tỷ Nhu Đa La thời bấy giờ, đâu phải người nào khác, nay chính là Bồ Tát Di Lặc.
Còn Tỳ Kheo Dõng Thí nay chính là Như Lai Bảo Nguyệt.
Bấy giờ, Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tỳ Kheo Dõng Thí đã thành Phật rồi chăng?
Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Vị ấy đã thành Phật, hiện nay về phương Tây, cách Cõi Phật này với các Thế Giới của Chư Phật nhiều như các sông Hằng, có cõi nước tên là Thường Quang. Như Lai Bảo Nguyệt thành Phật ở đó.
Này Văn Thù Sư Lợi! Ông quán sát pháp này có thể khiến cho chúng sanh lìa các nghiệp chướng, tuy đã hành dâm, làm chết người mà có thể khiến cho thân hiện tại đạt được Nhẫn vô sanh.
Vì sao?
Vì có khả năng quán sát ba cõi như bóng, như tiếng vọng. Giống như nhà ảo thuật quán sát người được biến hóa, không có gì chướng ngại.
Này Văn Thù Sư Lợi! Các phàm phu đối với pháp không thật có, vọng tưởng phân biệt, bị đọa nơi các cõi ác, chịu vô lượng trăm ngàn vạn khổ sở.
Bấy giờ, Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có Bồ Tát được nghe Kinh này, thọ trì đọc tụng, biên chép, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi thì ngay trong đời này được những lợi ích gì?
Đức Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: Theo ý ông thì sao?
Như ánh mặt trời chiếu sáng khắp cõi Diêm Phù Đề, thì đối với các chúng sanh có bao nhiêu lợi ích?
Văn Thù Sư Lợi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như ánh sáng mặt trời chiếu cõi Diêm Phù Đề, đối với các chúng sanh có lợi ích vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn.
Này Văn Thù Sư Lợi! Nên biết Kinh này cũng giống như thế, có khả năng khiến cho Bồ Tát phá tan các ràng buộc, phát sanh vô lượng ánh sáng trí tuệ, đối với các pháp cũng đạt sự không chướng ngại, có thể nhanh chóng phát sanh trí tuệ biện tài vô ngại.
Khi giảng nói pháp này thì không bị chúng ma và ngoại đạo phá hoại, làm gián đoạn sự thuyết giảng. Này Văn Thù Sư Lợi, giống như lửa lớn thiêu đốt hoàn toàn các cỏ cây, nên biết Kinh này thiêu đốt tất cả các kiết sử, cũng giống như thế.
Này Văn Thù Sư Lợi! Giống như núi chúa Tuyết, các núi đá đen khác không thể ngăn che được, Bồ Tát nào được nghe Kinh này, cũng như thế, các ngoại đạo khác không thể phá hoại được.
Này Văn Thù Sư Lợi! Như Vua Chuyển Luân, các Vua nước nhỏ không dám chống cự và trái nghịch. Bồ Tát được nghe Kinh này, cũng giống như thế, tất cả các tạp luận chương cú hoa mỹ và những người như thế, đều không thể chế ngự được.
Này Văn Thù Sư Lợi! Thí như Tỳ Kheo trì Luật nghiêm chỉnh có thể chấm dứt sự nghi ngờ hối hận phá giới của người khác. Nên biết, Kinh này cũng giống như thế, có thể khiến chúng sanh không còn các lo buồn, ăn năn.
Này Văn Thù Sư Lợi! Như mặt trời chiếu đến chỗ nào đều có thể phá tan bóng tối chỗ đó, Bồ Tát nghe được kinh này, cũng giống như thế, có thể phá trừ tất cả bóng tối vô minh, có thể phát sanh tất cả ánh sáng trí tuệ.
Vì sao?
Vì nhờ Kinh này mà khéo tu trí tuệ.
Bấy giờ, ma ác đến chỗ Phật, bạch: Bạch Thế Tôn! Như Lai đại bi thương xót tất cả chúng sanh, thường ban bố sự an lạc. Cúi xin Đức Thế Tôn đừng giảng nói Kinh này.
Vì sao?
Vì nếu nói Kinh này thì cung điện của các ma đều chấn động. Các mũi tên phiền não sẽ bắn vào thân tôi, vì Kinh Điển này lưu hành ở cõi Diêm Phù Đề.
Bạch Thế Tôn! Nay tôi sẽ làm cho Kinh Điển này không có ai thọ trì, đọc tụng, biên chép, cúng dường, sẽ khiến cho Kinh này giống như tà đạo, khiến cho các chúng sanh khởi tà kiến, các Tỳ Kheo đọc tụng đại thừa Phương quảng tâm sanh nghi hối, phỉ báng Kinh này.
Lúc ấy, Thích Đề Hoàn Nhân nương nơi thần lực Phật, đứng trước Phật, cúi đầu đảnh lễ chân Phật, rải hoa Mạn đà la của Cõi Trời để cúng dường trên Phật, và bạch: Bạch Thế Tôn! Ma ác Ba Tuần tìm đủ mọi cách muốn gây trở ngại cho Kinh này.
Bạch Thế Tôn! Con sẽ thọ trì, đọc tụng, sao chép, cung kính, cúng dường. Sau khi Như Lai diệt độ, con và Tôn Giả A Nan luôn làm cho Kinh này được lưu hành ở cõi Diêm Phù Đề, phổ biến khắp nơi. Con lại cùng với Tứ Thiên Vương, các quỷ thần v.v… luôn ủng hộ người giảng nói Kinh này. Nếu có người thọ trì, đọc tụng, sao chép, cúng dường, cung kính Kinh này thì trong những người ủng hộ con sẽ là người đứng đầu.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn Giả A Nan: Thầy nên thọ trì, đọc tụng, sao chép, cúng dường, cung kính Kinh này, cũng nên truyền bá, giảng giải cho người khác.
Vì sao?
Này Tôn Giả A Nan! Vì Kinh này chính là tấm gương của các pháp.
A Nan thưa: Như lời Thế Tôn dạy, con sẽ thọ trì.
Vậy Kinh này tên là gì?
Nên phụng hành như thế nào?
Đức Phật bảo A Nan: Kinh này tên là Tịnh Chư Nghiệp Chướng, cũng gọi là Nhập Ư Chư Pháp Vô Chướng Ngại Tuệ.
Khi giảng nói Kinh này xong có sáu mươi Tỳ Kheo không thọ nhận các pháp, diệt tận các lậu, lậu hết, ý rõ. Tám mươi Bồ Tát được pháp nhẫn vô sanh.
Bấy giờ, Tôn Giả A Nan, Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi và Chư Thiên, loài Người, cùng các Càn Thát Bà, A Tu La, v.v… nghe Phật giảng nói Kinh này thảy đều hoan hỷ, tin nhận phụng hành.
***