Kinh Đại thừa
Phật Thuyết Kinh Tịnh Nghiệp Chướng
PHẬT THUYẾT
KINH TỊNH NGHIỆP CHƯỚNG
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Pháp Cự, Đời Tây Tấn
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thuở nọ, Đức Phật ở tại vườn cây Am La thuộc thành Tỳ Xá Ly cùng với chúng Đại Tỳ Kheo năm trăm người, và ba vạn hai ngàn vị Đại Bồ Tát, tên các vị là:
Bồ Tát Hoại Ma, Bồ Tát Thần Thông Du Hý Quang Diệm, Bồ Tát Liên Hoa Thân, Bồ Tát Phóng Quang Vương, Bồ Tát Thường Điều Thân, Bồ Tát Mãn Chúng Nguyện, Bồ Tát Bảo Trang Nghiêm Kiên Ý, Bồ Tát Tạp Hoa Nhãn, Bồ Tát Tịnh Âm Thanh Vương, Bồ Tát Quang Chiếu Minh, Bồ Tát Diệu Chân Kim, Bồ Tát Hàng Phục Nhất Thiết Chư Căn Cảnh Giới, Bồ Tát Đại Lôi Âm, Bồ Tát Như Ý Quang Tích.
Ba vạn hai ngàn Bồ Tát như thế, Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi là bậc đứng đầu.
Bấy giờ, có một Tỳ Kheo tên là Vô Cấu Quang vào thành Tỳ Xá Ly, theo thứ lớp khất thực, vì không biết nên vào nhà dâm nữ.
Khi Vô Cấu Quang vào nhà ấy rồi, lúc đó dâm nữ khởi tâm nhiễm ô với Vô Cấu Quang, nghĩ: Nay ta quyết hành dục với Tỳ Kheo này. Nếu không theo ta, ta sẽ tự vẫn.
Nghĩ như thế rồi, cô ấy liền đóng cửa, nói với Tỳ Kheo: Xin Tôn Giả cùng tôi hành dục. Nếu không theo ý tôi, tôi nhất định sẽ chết.
Vô Cấu Quang nói với dâm nữ: Xin cô hãy dừng lại.
Tôi không thể phạm việc này.
Vì sao?
Vì giới luật Phật đã chế, tôi phải phụng hành, thà bỏ thân mạng chứ không phá giới này.
Dâm nữ lại nghĩ: Nay ta phải dùng chú thuật, linh dược làm cho Tỳ Kheo này hành dục với ta.
Rồi nói với Tỳ Kheo: Nay tôi không thể làm cho thầy thối chuyển, phạm vào giới cấm, chỉ xin thầy nhận thức ăn do tôi cúng dường.
Nói rồi, cô ta vào nhà trong, đọc chú vào thức ăn rồi bỏ vào bát của Tỳ Kheo. Do sức chú thuật, nên khiến Tỳ Kheo này mất chánh niệm, khởi tâm dục, càng lúc càng mạnh. Khi ấy, dâm nữ thấy sắc mặt Tỳ Kheo này biến đổi, liền đến nắm tay đi cùng hành dục.
Sau khi Tỳ Kheo và dâm nữ kia cùng nhau hành dục, Tỳ Kheo mang thức ăn khất thực về lại Tinh Xá.
Đến Tinh Xá, vị ấy lo buồn, hối hận, toàn thân nóng bức ray rức, than: Chao ôi! Vì sao ta phá đại giới về thân.
Nay ta không xứng đáng thọ nhận của tín thí.
Ta đã là người phá giới, sẽ bị đọa vào địa ngục.
Lúc ấy, Vô Cấu Quang đến chỗ các Tỳ Kheo đồng phạm hạnh, nói: Tôi đã phá giới, chẳng phải là Sa Môn, chắc chắn bị đọa vào địa ngục.
Các Tỳ Kheo hỏi Vô Cấu Quang: Do nhân duyên gì mà phá giới này?
Tỳ Kheo Vô Cấu thuật lại đầy đủ sự việc trên.
Các đồng học nói với Vô Cấu: Nhân Giả nên biết! Ở đây có Đại Bồ Tát tên là Văn Thù Sư Lợi đã đắc pháp nhẫn vô sanh, có khả năng khéo trừ diệt tội phá giới, cũng khiến cho chúng sanh không còn bị sự ràng buộc, sự ngăn che. Nay tôi cùng thầy hãy đến chỗ Đại Bồ Tát Văn Thù để trừ mối lo cho thầy.
Khi ấy, Vô Cấu Quang vẫn chưa thọ thực, cùng các Tỳ Kheo đi đến chỗ Pháp Vương Tử Văn Thù Sư Lợi. Đến nơi, thăm hỏi, cung kính cúng dường, và đem sự việc trên trình bày đầy đủ với Văn Thù Sư Lợi.
Văn Thù Sư Lợi nói với Vô Cấu Quang: Bây giờ, thầy thọ thực đi. Rồi sẽ cùng tôi đến chỗ Như Lai thưa hỏi việc này. Phật dạy thế nào thì sẽ cùng thọ trì.
Tỳ Kheo ấy thọ thực xong, cùng Văn Thù Sư Lợi đi đến chỗ Phật. Đến nơi, đảnh lễ chân Phật, ngồi lui một bên.
Bấy giờ, Tỳ Kheo Vô Cấu Quang, lòng luôn sợ sệt chẳng dám hỏi Phật.
Văn Thù Sư Lợi chỉnh đốn y phục, rời chỗ ngồi, sửa áo bày vai phải, gối phải chấm đất, chấp tay hướng về Phật, đem sự việc ấy thưa đầy đủ với Thế Tôn.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Vô Cấu Quang: Ông có tâm dục muốn phạm giới dâm chăng?
Đáp: Thưa không.
Đức Phật bảo Tỳ Kheo: Ông vốn vô tâm thì tại sao lại phạm?
Tỳ Kheo đáp: Sau đó con mới khởi tâm dục.
Này Tỳ Kheo! Như vậy là tâm phạm dục chăng?
Đáp: Đúng vậy.
Đức Phật bảo Tỳ Kheo: Ta chẳng phải đã nói là tâm cấu uế nên chúng sanh cấu uế, tâm thanh tịnh nên chúng sanh thanh tịnh chăng?
Đáp: Đúng vậy.
Đức Phật bảo Tỳ Kheo: Theo ý ông thì sao?
Khi ông thọ dục ở trong mộng thì tâm biết chăng?
Đáp: Dạ biết.
Đức Phật bảo Tỳ Kheo: Ông vừa phạm dục, chẳng phải do tâm mà biết sao?
Đáp: Dạ, đúng vậy.
Đức Phật bảo: Này Tỳ Kheo.
Nếu như thế thì lúc tỉnh và khi mộng, phạm dục có gì sai khác?
Tỳ Kheo đáp: Tỉnh hay mộng thì phạm dục đều không sai khác.
Phật dạy: Theo ý ông thì sao?
Trước đây, chẳng phải ta đã nói tất cả các pháp đều như mộng chăng?
Đáp: Dạ, đúng vậy.
Phật dạy: Theo ý ông thì sao?
Trong mộng, các pháp là thật chăng?
Đáp: Dạ, không thật.
Đức Phật bảo Tỳ Kheo: Theo ý ông thì sao?
Hai tâm tỉnh và mộng đều chân thật chăng?
Bạch Thế Tôn: Không.
Đức Phật bảo Tỳ Kheo: Nếu chẳng phải chân thật thì có pháp chăng?
Bạch Thế Tôn: Không.
Đức Phật bảo Tỳ Kheo: Theo ý ông thì sao?
Pháp không thật có thì sanh chăng?
Bạch Thế Tôn: Không.
Đức Phật bảo Tỳ Kheo: Nếu là pháp không có sanh thì có diệt, có ràng buộc, có giải thoát chăng?
Bạch Thế Tôn: Không.
Đức Phật bảo Tỳ Kheo: Theo ý ông thì sao?
Pháp không sanh sẽ bị đọa trong địa ngục a tỳ, ngạ quỷ, súc sanh chăng?
Đáp: Bạch Thế Tôn. Pháp vô sanh còn không thật có, mà lại có sự đọa vào ba đường ác sao?
Đức Phật bảo Tỳ Kheo: Tất cả các pháp, bản tánh thanh tịnh. Nhưng các phàm phu ngu si vô trí, đối với pháp không, không biết như thế, nên vọng tưởng sanh khởi phân biệt. Vì phân biệt nên đọa vào ba đường ác.
Phật lại bảo Tỳ Kheo: Các pháp không thật nhưng hiện ra đủ các việc phải làm, vì đắm nhiễm tham dục, sân nhuế, ngu si, vì phàm phu phân biệt các pháp, chẳng biết như thế, nên chẳng phải là chân thật.
Phật lại bảo Tỳ Kheo: Các pháp hư vọng giống như dợn nắng, các pháp như mộng, bản tánh tự nhiên, vì vốn thanh tịnh.
Các pháp rốt ráo đều như ánh trăng đáy nước, như bong bóng nước, như bọt nước… các pháp tĩnh lặng không có các lỗi lầm, tai họa sanh già bệnh chết.
Các pháp không thể nắm bắt, chẳng phải là sắc pháp, nên chẳng thể thấy.
Các pháp không nhóm tụ, giống như hư không.
Các pháp không tánh vì vượt các tánh.
Các pháp sâu xa vì vượt hư không.
Các pháp rộng lớn vì không xứ sở.
Pháp không tạo tác vì vắng lặng rốt ráo.
Pháp không chỗ nương vì cảnh giới trống không.
Pháp không cội gốc vì rốt ráo rỗng không.
Pháp lìa ràng buộc, ngăn che vì phiền não kiết sử không thể nắm giữ.
Pháp lìa tánh bừng cháy vì không sanh.
Pháp không chướng ngại vì bản tánh thanh tịnh.
Các pháp không quả báo vì như hình bóng.
Các pháp như huyễn vì không như như.
Pháp không chỗ nương vì vọng tưởng phân biệt.
Các pháp lưu chuyển mà chúng sanh chấp thủ trước các bên.
Các pháp chẳng khởi nên các duyên tánh, tướng trái nhau.
Pháp không ái nhiễm vì không lệ thuộc.
Pháp không ô uế vì tất cả kiết sử không thể giữ lấy.
Các pháp không dơ sạch vì vượt hư không.
Pháp không có tướng vi tế vì tướng vắng lặng.
Các pháp điều nhu vì tánh không sanh.
Các pháp như như, vì đầu, giữa, sau không sai khác.
Các pháp giải thoát vì không có phụ thuộc tướng.
Các pháp không nghe vì như ngói gạch.
Các pháp chẳng phải sắc vì như hư không.
Các pháp bình đẳng vì không chứa nhóm.
Các pháp chẳng thể nắm bắt vì giống như hư không chẳng thể cầm lấy.
Các pháp không thể đạt được, người trí tìm cầu chẳng thể thủ đắc.
Pháp không loạn động vì ba đời thanh tịnh.
Pháp không ràng buộc vì phá trừ tối tăm.
Pháp không gai góc vì lìa ràng buộc.
Các pháp an ổn vì như Niết Bàn.
Pháp không sợ hãi vì vượt trên sợ hãi.
Pháp không có bờ kia vì không không có bờ này.
Các pháp không số lượng vì vượt trên tính toán.
Các pháp không có tướng vì tướng nó là không.
Các pháp không tạo tác vì đoạn trừ các nguyện.
Các pháp không có hành vì hành hư dối.
Pháp không hý luận vì diệt trừ giác quán.
Pháp không nhà cửa vì lìa chỗ ở. Pháp không ô trược vì thường thanh tịnh.
Pháp đồng Niết Bàn vì sanh chẳng thể nắm bắt, rỗng lặng không có gì.
Này Tỳ Kheo! Nên biết, Các pháp như thế chẳng thể giảng nói.
Vì thế, thuở xưa ta ngồi Đạo Tràng chứng đắc pháp không chứng đắc, không có một pháp nào có xuất hiện, có mất đi, có ràng buộc, có giải thoát, cũng không có pháp nào có chướng nạn, có trói buộc, có lo âu, có hối hận.
Vì sao?
Vì các pháp thanh tịnh không nhơ uế.
Bấy giờ, Vô Cấu Quang nghe Phật thuyết pháp như thế, vô cùng phấn khởi, buồn vui lẫn lộn, liền rơi lệ, chấp tay, nhất tâm chiêm ngưỡng Phật, nói Kệ:
Vui thay Thế Tôn công đức lớn
Chư Thiên loài người đều qui ngưỡng
Biết rõ tất cả hạnh thù thắng
Cúi lạy Đấng đoạn trừ các khổ.
Người không chỗ nương, làm chỗ nương
Không người dẫn đường, làm người dẫn
Trú nơi chân đạo thường thanh tịnh
Kính lễ Thế Tôn oai đức lớn.
Vì đời đen tối, làm đèn sáng
Vì người đui mù, làm mắt sáng
Độ thoát người đắm sâu hư vọng
Kính lễ Đấng dũng mãnh, tinh tấn.
Đã lìa ô nhiễm, không sân hận
Đối với ràng buộc, được giải thoát
Mở trói oán thân, bình đẳng hết
Kính lễ đấng công đức chân thật.
Khô cạn khát ái và ngu si
Phá tan các hữu trừ các khổ
Sanh tử luân hồi, nay đã dứt
Kính lễ đại lực vô thượng thừa.
Đối với phân biệt, không chấp thủ
Diệu trí giải thoát, khó nghĩ bàn
Tối thắng ba cõi, lìa các cấu
Kính lễ đấng vô cấu thanh tịnh.
Con nay quyết cầu đạo như thế
Sẽ thoát khỏi khổ không chỗ nương
Xin khiến cho con được thừa ấy
Không theo tiểu thừa diệt các lậu.
Ức na do tha vô lượng kiếp
Thường chịu các khổ không bỏ
Đạo như trăng tròn hiện rõ các sao
Con quán Như Lai cũng như vậy.
Thí như có người vào biển lớn
Ý người thấp kém cầu thủy tinh
Tuy gặp vô lượng khối châu báu
Bỏ hết chỉ nhặt thứ vô dụng.
Như người nghe Phật lực vô lượng
Chẳng khởi ý nghĩ ta sẽ đắc
Việc làm rộng lớn của đại thừa
Nên bỏ bồ đề chứng Thanh Văn.
Thí như có người thấy Nhà Vua
Cùng thấy quần thần đang vây quanh
Chẳng cầu ngôi Vua, mong làm quan
Nên biết chí ấy chẳng phải tuệ.
Như người nghe Phật công đức lớn
Những việc làm trí tuệ thù thắng
Nhưng lại rất ưa thích tiểu thừa
Đó là tâm thấp kém, biếng nhác.
Chúng sanh chẳng nên ham tiểu thừa
Vì như lửa đốm trong đêm tối
Nên mong mặt trời chiếu khắp nơi
Phá tan tất cả màn đen tối.
Phật có vô lượng uy danh lớn
Biết rõ trời người, các đường ác
Hào quang vi diệu là hơn hết
Soi sáng thế gian trừ tối tăm.
Như sư tử ở với dã can
Tâm chỉ ưa thích dã can thôi
Bỏ mất việc sư tử phải làm
Lại theo cách làm của dã can.
Như có Đại Nhân ở Thanh Văn
Giống sư tử ở với dã can
Ham thích pháp nhỏ cho là đủ
Nên biết họ thực hành tiểu thừa.
Nếu người muốn cầu đạo đại thừa
Cần phải thường phát tâm như vậy:
Lợi ích thế gian đoạn các khổ
Chẳng nên đồng hạng với Thanh Văn.
Bấy giờ, Chúng hội nghe Vô Cấu Quang nói kệ rồi, bốn vạn hai ngàn Thiên Tử phát tâm Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng, liền rải hoa Đại Mạn Đà La, hoa Câu Mậu Đà v.v… cúng dường Thế Tôn, Văn Thù Sư Lợi, khen ngợi Vô Cấu Quang: Hay thay! Hay thay! Vô Cấu, Tôn Giả có thể báo ơn Phật, đối với đạo bồ đề, có nhiều lợi ích.
Bấy giờ, Thế Tôn liền mỉm cười. Thường pháp của Chư Phật khi Ngài mỉm cười thì có hào quang năm màu từ miệng phóng ra: Đó là màu pha lê, xanh, vàng, đỏ, trắng và hồng, chiếu khắp vô lượng vô biên Thế Giới, trên đến Phạm Thế che mờ ánh sáng mặt trời, mặt trăng, rồi trở về chỗ Phật vòng quanh ba vòng rồi nhập vào đỉnh đầu.
Bấy giờ, A Nan liền rời chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh đốn y phục, sửa áo bày vai phải, gối phải chấm đất, chấp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà Ngài mỉm cười?
Chư Phật Thế Tôn không bao giờ mỉm cười mà không có nhân duyên.
Đức Phật bảo A Nan: Tỳ Kheo Vô Cấu Quang này có trí tuệ sâu rộng, phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Nay ta sẽ thọ ký quả vị bồ đề vô thượng cho ông ấy.
Đức Phật bảo A Nan: Tỳ Kheo Vô Cấu Quang này vào đời vị lai, ở chỗ Phật Di Lặc đạt nhẫn vô sanh, cũng sẽ cúng dường một ngàn vị Phật trong hiền kiếp. Sau thời gian ấy, lại trải qua mười kiếp cúng dường hai mươi ức Chư Phật rồi, đắc thành quả Phật, hiệu là Công Đức Liên Hoa Tối Thắng Diệu Hạnh Sư Tử Lôi Âm Như Lai.
Ngài lại bảo A Nan: Công Đức Liên Hoa Tối Thắng Diệu Hạnh Sư Tử Lôi Âm Như Lai Ứng Chánh Biến Tri có Cõi Phật tên là Vô Lượng Âm, do bảy báu tạo thành, không có đệ tử Duyên Giác, Thanh Văn, chỉ toàn các Bồ Tát. Phật ở Thế Giới ấy thường chuyển Pháp luân bình đẳng bất thối.
Này A Nan! Vô Cấu Quang sẽ mau đắc Chánh Đẳng Chánh Giác Vô Thượng.
Vì sao?
Vì ở trên một Cõi Phật tốt đẹp thanh tịnh.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại bảo A Nan: Thí như nơi có ánh sáng Mặt Trời chiếu đến sẽ phá tan các tối tăm. Như vậy, này A Nan, nếu ở đâu có chúng sanh được nghe Kinh này thì nên biết, chỗ ấy có ánh sáng chiếu đến, có thể khiến cho chúng sanh đối với tất cả các pháp đạt được sự không chướng ngại.
Bấy giờ, A Nan bước tới trước, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là chúng sanh đối với tất cả pháp được không chướng ngại?
Phật dạy: Thôi, thôi! A Nan! Cần gì phải hỏi điều đó. Vì việc đó mà Như Lai nói là chướng ngại hay không chướng ngại thì Chư Thiên và mọi người đều sẽ sợ hãi, nghi ngờ.
***