Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ

PHẬT THUYẾT KINH TỐI THẮNG

HỎI VỀ VIỆC TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

CỦA BỒ TÁT THẬP TRỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM BA MƯƠI

PHẨM HỎI VỀ NIẾT BÀN
 

Bấy giờ Bồ Tát Tối Thắng bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn, nếu có chúng sanh muốn làm cho các pháp sanh khởi thì không có đạo thành tựu Đẳng Chánh Giác, huống chi với pháp Niết Bàn mà muốn thành Đạo. Việc ấy không phải như vậy.

Niết Bàn không có tánh cũng không có tên hiệu, vì sao muốn ở trong không mà cầu không?

Niết Bàn thì không phải một, huống phải mong cầu số lượng các pháp.

Bạch Thế Tôn, bảy trăm vị Tỳ Kheo đó được Như Lai cắt bỏ râu tóc cho, vận ba pháp ý, tay cầm bình bát, tu tập phạm hạnh thanh tịnh vừa sanh tâm thoái chuyển trở lại địa vị phàm phu, muốn cầu Niết Bàn có chỗ trụ.

Giống như dầu mè và đề hồ lạc tô, dầu thì lan khắp, tô thì ngưng tụ. Sanh tử, Niết Bàn cũng như thế. Niết Bàn cứu cánh thì không có các pháp tướng. Đạo lớn Niết Bàn cũng không có giới hạn đáy, vách.

Người mê muội chấp sai lầm cho là vĩnh viễn dài lâu, họ đều cho rằng Niết Bàn có sanh diệt, trước đoạn. Chỉ có người tu tập chánh kiến thì không thấy các pháp có khởi, có diệt. Không thấy các pháp có thọ nhận, có xả bỏ.

Khi ấy, Bồ Tát Tối Thắng ở trước Đức Phật thưa: Bạch Thế Tôn, bảy trăm vị Tỳ Kheo vừa nghe giáo pháp xong, mỗi người đều bỏ đi tán loạn.

Họ lại phải trải qua thời gian bao lâu mới được độ thoát, vĩnh viễn thoát ly sanh tử, không còn tà kiến?

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Nếu ông muốn biết điều đó thì hãy lắng nghe, lắng nghe! Hãy khéo tư duy pháp này. Ta sẽ vì ông trừ sạch nghi ngờ.

Ngài Tối Thắng thưa: Vâng, bạch Đức Thế Tôn.

Đức Phật dạy: Quá hằng sa kiếp mới có một Đức Phật xuất hiện. Trải qua bảy mươi hai ức hằng sa kiếp số như vậy, họ cũng không được độ.

Vì sao?

Suốt ức ngàn vạn kiếp, Đức Phật mới xuất hiện thế gian, gặp Phật rất khó, Kinh Pháp khó được nghe. Hôm nay Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác ở trong đại chúng diễn bày đạo pháp, nói pháp Niết Bàn không sanh diệt.

Họ ở trong chánh pháp sanh tâm tà kiến, tâm phát khởi luôn theo tà kiến, không theo chánh đạo. Giống như kẻ sĩ dõng mãnh, có nhiều sức lực, biết tất cả phương pháp kỹ thuật, không có kỹ thuật nào là chưa từng luyện tập thuần thục, có sẵn dụng cụ của lục nghệ.

Xem thiên văn, địa lý, tinh tú đoán tai nạn thảy đều thành thạo. Nhưng kẻ lực sĩ đó luôn sợ hư không, tự nghĩ toan tính rong ruổi khắp bốn phương ẩn náu ở chỗ nào không có hư không. Thế nhưng ở mọi nơi đều luôn thấy hư không.

Các Tỳ Kheo đó cũng như vậy. Giả sử trải qua trăm ngàn vạn kiếp, muốn ở trong pháp không mà lập tên Niết Bàn thì việc đó không thể nào có được. Chí hướng đến Niết Bàn mà không liễu ngộ tánh không, tâm mong cầu đạo thì trọn không có quả.

Lại nữa, nếu có người muốn cầu pháp không, ở nơi nơi chỗ chỗ niệm hiện tiền đều luôn quán không, cũng không nói rằng không này, không kia có bao nhiêu tướng, không thấy từ pháp không quán tất cả niệm có sự thành tựu sở đắc. Đó mới chính là ngộ rõ pháp xuất yếu của Niết Bàn.

Các Tỳ Kheo đó đời trước tu tập theo tà nên nay không giác ngộ mà muốn cầu đạo lớn giải thoát Niết Bàn. Họ còn không thể phân biệt danh hiệu tên gọi thì làm sao có thể phân biệt đạo Niết Bàn, trọn đời lẩn quẩn mong cầu diệt độ chỉ uổng phí công sức của mình mà không thể đạt được.

Vì sao?

Giả hiệu Niết Bàn như ảo, như hóa, là không, là vô sở hữu. Là giả danh nên là không, là danh hiệu hư dối giả đặt do người ngu truyền tụng, chẳng phải là pháp được tán thán trong pháp luật của Hiền Thánh.

Bấy giờ lại có hơn bảy trăm vị Tỳ Kheo an lập hạnh ngay tại chỗ ngồi tận trừ các trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh, tam đạt lục thông không bị chướng ngại, ngộ rõ Phật là vô sanh cũng không sanh diệt, không với các pháp quá khứ cầu Niết Bàn.

Với giáo giới trí tuệ biện tài mà vô số hằng sa Chư Phật quá khứ đã nói đều thấy không nhiều, từ phàm phu lên đến bậc vô học, diễn nói Đạo Giáo không có sai nghịch, không thấy chúng sanh trôi nổi trong sanh tử, không thấy Niết Bàn sẽ khởi diệt.

Vì sao?

Tất cả các pháp đều là không như hư không, không thấy nơi chốn mà Chư Phật xuất hiện. Lúc đó sáu trăm vị Ưu Bà Tắc, ba trăm vị Ưu Bà Di ngồi trên tòa đều đắc hạnh tận tín. Vô số Trời và người đều phát tâm đạo Vô Thượng chánh chân.

Bấy giờ Trưởng Lão Xá Lợi Phất bảo năm trăm vị Tỳ Kheo: Các ông, mỗi người đều đạt được thông tuệ chắc hẳn là theo bổn nguyện?

Các Tỳ Kheo thưa: Thưa Tôn Giả Xá Lợi Phất, nguyện của chúng con từ thuở xưa hôm nay đã đạt được, việc phải làm đã làm nên không còn thọ thân sau.

Ngài Xá Lợi Phất nới: Với các pháp thiện đã được hỏi trên, các ông biết rõ hướng tu tập chưa?

Các Tỳ Kheo thưa: Chấm dứt các kiết phược, lại không chấp nhiễm thân hiện hữu, không yêu thích sanh tử, không chấp trước Niết Bàn. Tu tập pháp Niết Bàn giải thoát hợp với tánh không, tận trừ không còn kiết phược cũng không thấy tận trừ thì gọi là Niết Bàn.

Khi ấy Ngài Xá Lợi Phất khen ngợi các Tỳ Kheo đó: Lành thay! Lành thay! Này Tộc tánh tử, các vị đã ngộ rõ chân thật nghĩa lý sâu xa của tánh không.

Nay có bao nhiêu Bậc Hiền trụ ở phước địa?

Các Tỳ Kheo thưa: Tôn Giả Xá Lợi Phất chính là phước điền mà Như Lai đã nói, thực hành bố thí, làm Phật Sự chưa từng tổn giảm. Chúng con với mười sáu phần chưa được một.

Ngài Xá Lợi Phất nói: Năm trăm người các ông đều là bậc đã giải thoát tâm bỉ thử cũng là phước điền.

Các Tỳ Kheo thưa: Thánh tuệ của Như Lai, tánh tự thanh tịnh với các pháp giới không bị chấp nhiễm.

Khi ấy Bồ Tát Tối Thắng ở trước Đức Phật thưa: Thế gian có bao nhiêu Bậc Hiền chắc chắn báo đáp được ân thí?

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Không chấp trước pháp thế gian thì có thể báo đáp được ân thí.

Ngài Tối Thắng hỏi: Lại có bao nhiêu Bậc Hiền với thí thanh tịnh?

Đức Phật đáp: Không thọ các pháp mới gọi là thanh tịnh.

Ngài Tối Thắng hỏi: Thế nào là bố thí phước điền?

Đức Phật đáp: Quên Đạo pháp của Phật mới gọi là phước điền.

Ngài Tối Thắng hỏi: Lại có bao nhiêu Bậc Hiền với các loại chúng sanh làm thiện tri thức, truyền dạy, chỉ dẫn thiện ác?

Đức Phật đáp: Không bỏ tất cả loại chúng sanh thì gọi là thiện tri thức.

Ngài Tối Thắng hỏi: Thế gian có bao nhiêu Bậc Hiền có thể báo đáp ân của Phật?

Đức Phật đáp: Đạt được bốn pháp vô úy, không dứt đoạn hạt giống Phật.

Ngài Tối Thắng hỏi: Thế gian có bao nhiêu Bậc Hiền có thể cúng dường Như Lai?

Đức Phật đáp: Trong ức vạn kiếp tu tập không mê hoặc thì gọi là cúng dường.

Ngài Tối Thắng hỏi: Thế gian có bao nhiêu Bậc Hiền có thể đạt được Phật tạng?

Đức Phật đáp: Chấm dứt thọ mạng của thân mình, cũng không hủy giới của Phật.

Ngài Tối Thắng hỏi: Lại có bao nhiêu Bậc Hiền có thể phát tâm cung kính?

Đức Phật đáp: Thủ hộ các căn có thể đóng bít sáu tình.

Ngài Tối Thắng hỏi: Pháp gì mà thế gian gọi là đại trân bảo?

Đức Phật đáp: Là thành tựu bảy báu.

Ngài Tối Thắng hỏi: Thế nào là ngộ rõ túc hạnh?

Đức Phật đáp: Tu tập đệ nhất vô thượng tuệ nghĩa.

Ngài Tối Thắng hỏi: Thế nào là ở thế gian ít dục?

Đức Phật đáp: Không mong cầu ở thế gian.

Ngài Tối Thắng hỏi: Thế nào là ngộ rõ thế gian không chấp trước?

Đức Phật đáp: Dứt trừ các kiết phược cũng không có ngũ cái.

Ngài Tối Thắng hỏi: Ai ở thế gian được vui vẻ, không có các khổ.

Đức Phật đáp: Vì không buộc ràng nên gọi là vui.

Ngài Tối Thắng hỏi: Thế nào là không bị buộc ràng?

Đức Phật đáp: Ngộ rõ năm ấm, mười tám pháp bổn trì là không tịch vô vi.

Ngài Tối Thắng hỏi: Ai có nạn đó?

Đức Phật đáp: Ngoài xả sáu trần, trong xả sáu tình.

Ngài Tối Thắng hỏi: Ai vượt qua bờ này đến được bờ kia?

Đức Phật đáp: Lập căn, đắc lực là người thành đạo.

Ngài Tối Thắng hỏi: Thế nào là tâm bố thí không dứt đoạn của Bồ Tát?

Đức Phật đáp: Tiêu trừ ba tưởng, không khởi trần lao.

Ngài Tối Thắng hỏi: Thực hành tâm nhẫn như thế nào để khi gặp đối tượng không sanh tâm sợ hãi, e dè?

Đức Phật đáp: Ngộ rõ tâm không tịch, không khởi tâm niệm giận dữ.

Ngài Tối Thắng hỏi: Thế nào là Bồ Tát tu tập tinh tấn?

Đức Phật đáp: Niệm khởi từ tâm không có đầu mối.

Ngài Tối Thắng hỏi: Thế nào là tâm thiền định không thiếu giảm?

Đức Phật đáp: Tâm định vĩnh viễn tịch tĩnh, không thọ ngoại trần.

Ngài Tối Thắng hỏi: Thế nào là tuệ nghiệp diễn xướng các pháp?

Đức Phật đáp: Phân biệt nghĩa lý, không bỏ tâm đạo.

Ngài Tối Thắng hỏi: Thế nào là Bồ Tát tu tập tâm từ không bỏ gốc đạo?

Đức Phật đáp: Không bỏ chúng sanh, thấy có người được độ.

Ngài Tối Thắng hỏi: Thế nào là Bồ Tát thực hành tâm bi?

Đức Phật đáp: Tư duy các pháp mà tâm không thoái chuyển.

Ngài Tối Thắng hỏi: Thế nào là Bồ Tát không dứt đoạn tâm hỷ, đạt đến diệt độ?

Đức Phật đáp: Không khởi ngã tưởng, chấp có ngô ngã.

Ngài Tối Thắng hỏi: Thế nào là Bồ Tát không dứt đoạn tâm hộ xả?

Đức Phật đáp: Phòng hộ, giữ gìn gốc đạo cho đến khi thành Phật. Trong khoảng thời gian đó không khởi tưởng khác.

Ngài Tối Thắng hỏi: Bồ Tát lập tín căn như thế nào?

Đức Phật đáp: Vượt thắng pháp ngoại đạo, không cùng tà phái liên hệ.

Ngài Tối Thắng hỏi: Thế nào là ngộ rõ không mà không do dự?

Đức Phật đáp: Ngộ rõ đạo, phi đạo. Đạo không có nguồn gốc. Đó gọi là pháp nghiệp mà Đại Bồ Tát phải thực hành.

***