Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ

PHẬT THUYẾT KINH TỐI THẮNG

HỎI VỀ VIỆC TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

CỦA BỒ TÁT THẬP TRỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM BA MƯƠI MỐT

PHẨM TỨ PHẠM ĐƯỜNG
 

Bấy giờ Ngài Đồng Chân Nhu Thủ trong tâm tự nghĩ: Thế nào là Đại Bồ Tát tu tập phạm hạnh thanh tịnh thân, khẩu, ý biến khắp bốn dòng để độ chúng sanh, từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác chưa từng lìa bỏ chúng sanh?

Thế nào là Bồ Tát tinh tấn thành tựu Phật Đạo, không mất tâm định khi Bồ Tát tu tập, thực hành?

Đức Phật biết tâm niệm đó liền bảo Ngài Nhu Thủ: Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ông nghĩ. Bồ Tát tu tập các loại pháp bổn không giống nhau. Ta nay diễn nói nghĩa đó cho ông.

Lắng nghe! Lắng nghe! Hãy khéo suy tư ghi nhớ pháp này.

Ngài Nhu Thủ thưa: Xin vâng! Bạch Thế Tôn! Đức Phật bảo Ngài Nhu Thủ: Thân hành thanh tịnh, không làm các điều ác. Miệng nói lời chí thành, không mất pháp tánh. Tâm ý bất động, an định các niệm lo sợ. Đó gọi là gốc thông tuệ của Bồ Tát. Tâm từ đối với chúng sanh, không buộc ràng bởi ái dục, luôn tu tập quán pháp ác bất tịnh, giữ tâm mình kiên cố, không có niệm ngu tối. Đó gọi là gốc thông tuệ của Bồ Tát.

Ở trong chúng như ở nơi đồng trống, không mất oai nghi, đi đứng qua lại nghi dung đều chỉnh tề, chưa từng vi phạm làm mất cấm giới của Như Lai. Đó gọi là gốc thông tuệ của Bồ Tát.

Với các pháp của Phật thảy đều giải thoát. Vô dục, giải thoát không thể nghĩ bàn. Pháp tu tập của Thánh Chúng vĩnh viễn không có ba thừa. Đó gọi là gốc thông tuệ của Bồ Tát. Với Dục giải thoát thấy rõ là vô hình, giải thoát tâm sân khuể, với tánh si cũng như vậy.

Tu tập thiền giác cửu thứ đệ định bất động. Đó gọi là thông tuệ của Bồ Tát. Không ràng buộc trong Cõi Dục mong cầu ngôi vị Chuyển Luân, không ở trong Cõi Sắc hy vọng thành tựu phước báo, lại không tư duy đạo của Cõi Vô Sắc.

Đó gọi là gốc thông tuệ của Bồ Tát. Lại ở trong pháp không chẳng có vô nguyện, vô tướng cũng chẳng phải không chấm dứt hành hữu lậu, ngộ rõ các pháp như ảo, như hóa. Đó gọi là gốc thông tuệ của Bồ Tát.

Nếu ở trong chỗ chúng sanh trọn không mất tâm ý, từ chỗ trụ này đến chỗ trụ khác ý yêu ghét đều bình đẳng. Đó gọi là gốc thông tuệ của Bồ Tát. Không trái nghịch gốc các pháp quá khứ, với hiện tại và tương lai cũng như vậy. Với nhiễm hay vô nhiễm đều không thấy nhiễm trước. Đó gọi là gốc thông tuệ của Bồ Tát.

***