Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ

PHẬT THUYẾT KINH TỐI THẮNG

HỎI VỀ VIỆC TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

CỦA BỒ TÁT THẬP TRỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM BỐN

PHẨM SẮC NHẬP
 

Bấy giờ Bồ Tát Tối Thắng ở trước Đức Phật, thưa: Thế nào là bậc sanh quý Bồ Tát ở tứ địa thanh tịnh hạnh của mình?

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Bậc sanh quý Bồ Tát ở tứ địa luôn phải không bao giờ rời bỏ việc thọ trì pháp của bậc chân nhân, giữ tâm ý tri túc cũng không tham trước, không rời bỏ mười hai pháp yếu khổ hạnh, giữ gìn giới cấm như phòng rắn độc, thấy ái dục nhơ uế như bị lửa đốt thiêu, trừ bỏ tâm ái dục cũng không để nó phát sinh.

Khi dạy chúng phải khởi tâm quán tưởng như Niết Bàn, giảng giải những điều mình thông tỏ, không tiếc thân mạng. Không khởi tâm khinh mạn, cống cao, tự đại đối với chúng, không mê thích sở hữu cũng không có tam ngại, tu hành pháp tâm thức của bậc khai sĩ. Ở trong đại chúng suy nghĩ thực hành pháp thí, dạy bảo chúng sanh không khác với sở nguyện của mình. 

Bồ Tát tích công bồi đức là vô thượng đạo, một mình tu tập ở chốn rừng sâu nhàn tịnh, vật sở hữu chẳng có gì chỉ cầu biết đủ mà thôi, thực hành các công đức mà không chán đủ, học rộng hiểu nhiều mà không khi nào cảm thấy mỏi mệt, dùng trí tuệ diễn giảng không cho là mệt nhọc.

Quán sát trong thân, tư duy gốc ngọn, trí tuệ thẩm suy thông đạt đầy đủ các niệm, xa lìa các điều ác, tu hành giải thoát môn. Môn giải thoát đó là để dạy Bồ Tát.

Thông suốt các pháp bổn, suy tư pháp vi diệu, phải phân biệt tướng thành bại của năm ấm, quán tri bốn đại: đất, nước, lửa, gió, thấu tỏ những pháp căn bản làm khởi lên sáu suy.

Mười hai nhân duyên rộng không bờ mé, sanh tử biến đổi không thể tận cùng, giảng nói về nỗi khổ để can ngăn chúng sanh, khuyên họ ghi nhớ không quên, không tính toán thọ mạng của ta hay người dài ngắn, yên lặng vô vi tu tập phi thường nghiệp, giải ngộ tất cả đều là hư giả không thật.

Lại nữa, này Tối Thắng, bậc tứ trụ Bồ Tát phải bảo hộ cho người theo Phật, với tâm phân biệt đạo tục thì đều không thể thấy.

Trí hạnh của Bồ Tát không thể tận, làm tất cả việc công đức, chỉnh đốn dạy bảo cho người trong nước, tùy theo thứ lớp mà có chỗ thành tựu.

Biển tuệ không bờ, cảm thọ không chán dành hết để cứu độ tất cả chúng sanh. Công đức tu hành của Bồ Tát luôn đứng đầu, tối tôn tối thượng không ai có thể theo kịp, niệm pháp tổng trì nhớ mãi không quên, làm cho mỗi chúng sanh đều đạt được gốc thiện không khuyết giảm.

Vì sao như vậy?

Do Bồ Tát dùng pháp tôn quý nên được xa lìa duyên trói buộc. Do thọ pháp như thế nên Bồ Tát quyết định đi vào địa vị của bậc Chánh Sĩ, cũng do tâm ý chuyên cần không thoái chuyển nên Bồ Tát tự đạt được đầy đủ thánh nghiệp vô thượng, thành tựu sở nguyện nhưng cũng chẳng thấy có thành tựu.

Nếu thấy có thành tựu tức là chẳng thành tựu. Việc tu hành của Bồ Tát mãi mãi không thể thấy. Tu tập tâm định đó thâu nhiếp, thông tỏ các pháp, các hạnh đã làm không để lui sụt. Điều phục tâm ý là đạo nghiệp của Bồ Tát, tu hành tự giữ gìn vô số tưởng.

Vì sao như vậy?

Chính là lìa các ác, không làm theo, tinh cần thực hành bố thí phước điền an lạc. Bồ Tát phát tâm đối với tất cả chúng sanh không dùng thân tâm có tham ái, chỉ dùng thuần nhất tâm thương yêu tăng thượng vô cùng vi diệu.

Bồ Tát chuyên chú tinh cần vâng giữ giới pháp như giữ đôi mắt, dạy người phạm giới khiến họ không làm ác. Bồ Tát cũng phải tinh cần tu hành nhẫn nhục.

Thường thì tu hạnh nhẫn rất khó. Bồ Tát tuy ở địa vị tôn quý giàu có an vui nhưng không khinh người nghèo đói. Như vậy, này Tối Thắng, nhẫn nhục là khó. Tu tập tinh tấn cũng khó đạt thành. Ngồi dưới cội Phật thọ, thân thẳng tâm chánh, ngồi kiết già không lay động.

Nếu có người đi lại nói: Tránh khỏi chỗ của ta. Ta muốn ngồi đây. Thì phải kiên trì chớ để bị y hàng phục. Trước tiên giữ Phật Đạo, quán tưởng đu các tướng tốt, hàng phục ma quỷ rồi mới xả quán xứ đó. Đó gọi là tinh tấn thì khó có thể được.

Chuyên tâm định ý cũng khó có thể đạt được. Khi bậc sanh quý Bồ Tát tu tập tâm định, trời mưa tuyết tuôn ào ạt, hàng vạn âm thanh đồng vang lên chấn động muốn làm loạn tâm Bồ Tát, tâm Bồ Tát không được dao động dù chỉ mảy may.

Này Tối Thắng, đó gọi là tâm định của Bồ Tát, vì thế nên gọi là khó. Bồ Tát dùng trí tuệ tu các công đức, đối với chúng sanh không bao giờ nghĩ đến việc khổ khó, đi đứng ra vào hòa nhã trang nghiêm, oai nghi đầy đủ, pháp phục chỉnh tề.

Đó gọi là Bồ Tát tu tập công đức trí tuệ kiên cố, không ai có thể làm hại được. Sự hiểu biết của Bồ Tát không bị chướng ngại, đạt đến chỗ cao thâm, thông tỏ sâu sắc đến từng chi tiết nhỏ một cách rõ ràng, không có chi tiết nào là không biết.

Bồ Tát luôn giữ tâm chuyên nhất không buông lung, thường ghi nhớ không chấp vào tất cả đối tượng nhưng vì phương tiện mà phải nương vào. Với kẻ mù lòa, Bồ Tát độ cho khiến thấy được ánh sáng. Người không hợp quy y thì không cho quy y.

Kết bạn trong chốn tôi tớ thấp hèn. Với kẻ dối gian xảo trá thì dạy cho họ tu tập hạnh chân thật, trung thực. Gặp kẻ cướp hung bạo thì thị hiện nhẫn nhục. Ở trong cảnh đẹp nhưng không bị nó buộc ràng, gặp kẻ phản phúc vong ân thì dạy bảo khiến họ biết báo ân.

Ở cung trời thì dạy bảo để Chư Thiên tu tập thiện. Gần gũi kẻ có tâm lười biếng thì siêng năng tu tập đức nghiệp. Nếu gặp kẻ cống cao thì không có tâm tự đại, có cầu điều gì thì không nên gián đoạn, không nghĩ đến việc ác, không nói lời khuyết lậu. Nếu có kẻ ở chỗ làm những việc tà quấy thì giúp cho họ đến được nơi an ổn.

Khi có nhiều loài chúng sanh đến chỗ mình thì vui vẻ tiếp đón, không sanh tâm giận dữ không vui, dùng lời khuyến dụ nói pháp có tấn có thoái: Việc ấy nên như thế này! Việc ấy không phải như thế này!

Tâm an định bình thản không tăng, không giảm, trọn tin vào tội phước, biết có báo ứng. Nếu Bồ Tát ở chốn thị thành gần gũi dân chúng thì cũng quán như ở chốn núi sâu khoảng khoát không có gì khác biệt, không tham lợi dưỡng, không tiếc thân mạng, tâm niệm thanh tịnh không có tâm thị phi, luôn phòng hộ lỗi của miệng.

Lời nói không bỉ thử, không cầu người cúng dường hay mong người tôn kính, biết tri túc chỉ cần vừa đủ mà thôi. Tâm Bồ Tát luôn nhu hòa, không bị niệm xấu chi phối, vượt qua sanh tử, làm an ổn nơi khổ họa, do đó thường thành tựu trên con đường tu tập đại thừa.

Tâm, tuệ Bồ Tát cũng không thể thấy được, với sanh tử luân hồi cũng không sở hữu, dùng quyền phương tiện giảng dạy rõ ràng sáng tỏ, lúc nào cũng tùy thời giáo hóa đoạn trừ phiền não, thỉ chung không đến cũng không đi, thông tỏ hoàn toàn pháp không nên không trụ nơi nào.

Bồ Tát nếu suy niệm về hữu thì bị chấp trước về hữu, trong khi bố thí cũng suy niệm về vô hữu, cũng suy niệm về vô sở hữu là không thể thấy được.

Vì sao như vậy?

Sáu độ vô cực Ba la mật là không thể thấy, là không sở hữu. Như vậy, này Tối Thắng, bố thí của Bồ Tát không có suy lường, tính toán. Có suy lường, tính toán thì chẳng phải là chân bố thí. Nếu đang bố thí mà có tâm so sánh chọn lựa thì không nên bố thí.

Có ý phân biệt cao thấp thì sanh ra thị phi, bố thí mà không bình đẳng mọi loài thì không nên bố thí. Nếu có thể với tuệ bố thí không sanh tâm chấp nhiễm, không có các loại niệm thì mới được gọi là bố thí.

Người nhận bố thí được toàn thân mạng thì mới có thể ngồi an ổn để tụng kinh tu tập, thân thể an định, khí lực mạnh mẽ. Bồ Tát dạo trong sanh tử thường không khát ái, ngay tại chỗ xuất sanh dùng thần túc bay đi. Ở nơi đến được mọi người tôn kính, được mắt thần thông thấy mười phương, tai nghe xa và nghe được vô số âm thanh.

Cho đến các loại hương vi diệu: Giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương, Bồ Tát được các loại hương đó xông ướp nên mùi hương trên thân luôn tinh khiết, không ai là không vui thích.

Bồ Tát luôn được thưởng thức các vị ngon ngọt. Do phước đức thuở xưa đã tạo nên Bồ Tát mới được các tướng đặc thù, thanh tịnh vô cấu, được mọi người ủng hộ, tùy theo chỗ thiếu thốn mà được cúng dường chu cấp.

Thân Bồ Tát thường không bệnh, không sanh, không già, không có các tai họa, luôn được an ổn đầy đủ tất cả, chắc chắn sẽ thành tựu ba mươi hai tướng của bậc Đại Nhân, được tám mươi vẻ đẹp trên thân.

Bồ Tát khai giảng pháp tạng không sanh tham dục, truyền bá đạo tuệ không thiếu sót. Có người đến cầu học thì không sẻn pháp, hết lòng giảng dạy để họ đạt được Nhất thiết trí.

Bồ Tát có các thánh trí quảng bác vô tận, hiểu Kinh Điển một cách sâu sắc, hưởng được niềm vui của pháp lạc. Bồ Tát ngồi dưới cội Bồ Đề hàng phục quân ma và quyến thuộc của chúng.

Bồ Tát vì không vướng sắc nên nếu có gặp sắc thì biết sắc là không, bản chất của sắc tự thể là không, sắc không thể tự biết sắc cho nên mới biết sắc chính là không.

Như vậy, này Tối Thắng, Bồ Tát ngộ được tánh của sắc là không. Là pháp đứng dầu trong tất cả pháp nên thành tựu pháp nhãn, là bậc Nhất Thiết đạo ba đời tôn kính, là bậc độc hành không bạn lữ vì Bồ Tát đã có đầy đủ các loại thông tuệ.

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Bậc sanh quý Bồ Tát không tin vào tà pháp điên đảo. Nếu được chúng sanh, mỗi người đều phụng thờ cúng bái để cầu phước, tâm Bồ Tát vẫn không lay động.

Thấy có loại người hướng khẩu thực, Bồ Tát vẫn kiên định tu tập theo pháp vô thượng tối tôn, trọn không lay động bỏ đạo vô thượng theo tiểu đạo, biết rõ pháp của Phật sâu xa không có pháp nào sánh bằng, tâm ý tinh cần cũng không khởi ý tưởng khác.

Tuy Bồ Tát lưu tâm tìm hiểu nhưng trọn không chuyển theo đạo khác. Gặp lúc có Phật xuất thế và Bát Niết Bàn, giáo pháp để lại cũng không còn, Thánh chúng du hóa lại điên đảo tản mác, dù không có Tam Bảo nhưng tâm Bồ Tát không theo tà niệm, luôn tụng đọc, tu tập thuần thục vô lượng Kinh Văn, dùng mười hai Bộ Kinh mà thông suốt tất cả, khéo dùng phương tiện quyền xảo, không pháp nào là không thể xâm nhập.

Bồ Tát không tham danh lợi, hiện thân biến hóa nhưng không tự xưng danh. Như thế, này tối thắng, bậc sanh quý Bồ Tát tuân theo chánh kiến, biết không chẳng phải là chân thật, không có gì gọi là chánh hay không chánh mới chính thật là vô sở hữu. Hiểu rõ điều đó thì gọi là chánh đạo.

Lại nữa, này Tối Thắng, Bồ Tát Đại Sĩ tu tập trí tuệ, phân biệt hữu vô, ngộ lý chân không cũng không chấp trước vào đó. Bồ Tát lại phải tu hành các tuệ cú nghĩa nhưng không chấp trước vào chúng.

Bồ Tát thực chứng Khổ Đế, đã đoạn trừ diệt tận các nguyên nhân tích tập khổ, đã tu tập đạo đoạn tận ái, dùng Đẳng trí Quán Chiếu làm an tịnh dâm, nộ, si.

Dùng pháp trí trừ cấu ở tận ba cõi Thượng, Trung, Hạ Phẩm. Dùng nhẫn trí viễn tư trí quán hai cõi trên, dùng tha tâm trí thấy khắp chúng sanh trong tâm họ suy nghĩ gì. Bậc Vô sanh trí không chịu sự ô uế của bào thai khi sanh tử.

Bồ Tát tu tập Diệt tận trí nên quán đoạn năm ấm và sự phong tỏa của sanh diệt, tư duy về những pháp căn bổn phải tu tập của tam căn, từ vị tri căn, dĩ tri căn, vô tri căn cho đến cuối cùng thành đạo.

Bồ Tát phải học pháp căn bổn đó. Từ tam bạch y đến Tu Đà Hoàn thì phải tu vị tri căn. Từ Tư Đà Hàm đến A Na Hàm học về dĩ tri căn. Từ A La Hán đến khi thành Phật phải học vô tri căn.

Lại phải tu tập thiền định, dùng trí quán sát biết ở sơ thiền thu nhiếp tâm có giác, có quán. Ở cấp thiền tiếp theo, nội tâm không có giác, chỉ có quán.

Từ nhị thiền cho đến Vô tưởng định thì không giác, không quán, nội tâm tịch tĩnh không dao động, luôn trọn đức tin thể nhập chánh định.

Như vậy, này Tối Thắng, Bồ Tát ngày đêm không khi nào khởi niệm: Ta biết bậc chân nhân vâng giữ giới, cũng biết người ác không có giới hạnh. Bồ Tát không có dị tâm phân biệt, đều biết cả hai đều là hư ảo vắng lặng, không có tâm niệm loạn động phân biệt là đồng nhất hay là hai, trước hay sau hoặc ở giữa.

Bồ Tát tinh tấn niệm niệm không xa rời Phật Pháp và Thánh Chúng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên, niệm an bang, niệm thân, niệm khổ, niệm tử và biết thân này vốn không chỗ trụ, suy tư trừ năm kiết và cung kính sáu trọng pháp, thực hành bốn thần túc giáo dưỡng đại chúng, giữ tâm chánh niệm, nhiệt tâm, không có tâm sợ hãi.

Nếu có Sa Môn ngoại đạo hoặc Trời Phạm Ma và các chúng khác đi đến, tất cả đều không thể nạn vấn Bồ Tát được. Bồ Tát cũng không khởi ngã tưởng. Bồ Tát do tu tập được như thế nên luôn an ổn cũng không hề bị khiếp sợ, đạt được địa vị bậc nhất về sức tinh tấn.

Bồ Tát ở trong đại chúng cất tiếng Sư Tử rống chuyển pháp luân lớn mà tất cả Sa Môn ngoại đạo, Phạm Chí, Phạm Vương Đế Thích, chúng ma đều không thể nào chuyển được, chỉ có Phật mới có thể chuyển được.

Thân của Như Lai là thân do Kim Cang tạo thành, đã tận diệt các lậu, không còn bụi trần. Giả sử hằng sa ức chúng sanh không dám tin và cho rằng các lậu hoặc của Đức Phật chưa tận, thì nên biết lời của Như Lai đã nói là chân thật không khác, báo ứng thiện và ác không sai với bổn nguyện.

Tất cả chúng còn lại, những người rời xa nội pháp, không dám trái lời Phật dạy. Tóm yếu những lời dạy của chư Hiền Thánh, ai thực hành thì đạt dạo, ai phạm ác thì phải chịu tội. Không ai có thể trái nghịch lời dạy của Như Lai.

Bồ Tát cũng không thấy có ai để dạy. Không dạy, chẳng dạy là dạy về vô sở hữu, biết rõ sâu sắc điều đó thì chính là chân đạo.

Như vậy, này Tối Thắng, bậc sanh quý Bồ Tát cầu thành Phật Đạo nên tu tập không thiếu sót. Có người muốn nghe pháp, Bồ Tát bỏ những pháp không quan trọng mà chỉ nói những pháp vi diệu khiến mỗi người đều khởi lên đầy đủ chí nguyện.

Khi giảng nói về bố thí thì không e dè sợ sệt, tâm chưa từng loạn động, không có ai nghe pháp sanh tâm nghi ngờ. Bồ Tát không khởi tâm nhị kiến phân biệt đẹp xấu, không tư duy về sự sai biệt của thiện ác, cũng không mong cầu pháp tánh trong khi tu tập.

Bồ Tát không nghĩ mình sẽ nhận lãnh công đức mà rộng vì tất cả loài hữ tình. Bồ Tát không tu tập tâm Thanh Văn, Duyên Giác, cũng không khởi ý nghĩ cho rằng có sự thành tựu khiến tất cả họ không rời xa Phật Pháp. Bồ Tát biết tất cả là không nên Phật Pháp cũng không.

Do quán nhân duyên nên có khởi phát. Do quán sát như thế nên không thể thấy, cũng không có hình thể. Nói hữu hình tức là hủy phá pháp tướng. Tướng cũng vô tướng, tướng không tự sanh. Sanh đã không có căn mầm thì do đâu mà có tướng.

Tướng đều không có hình nên không thể thấy. Đó gọi là đạo chánh chân vô thượng. Như vậy, này Tối Thắng, bậc sanh quý Bồ Tát trụ ở tứ địa tịnh tu hạnh của mình không lìa trí tuệ thần thông của Chư Phật, có bố thí thì cũng hợp theo tiền nhân, có nói điều gì thì liền thành tựu, không có gì là không thích ứng.

Bồ Tát từ pháp Phật Giáo hóa không bỏ nguyện xưa, nội tâm kiên cường, an định tuyệt đối. Những gì đã bố thí đều đạt đến tâm vô nguyện, vì các nguyện mà làm các nhân duyên lành. Bồ Tát ở trong ba cõi không ai có thể sánh bằng.

Bồ Tát mong muốn đức ấy trải khắp việc làm của tất cả Bồ Tát, khiến tâm chí các vị ấy thường ở trong định, không có gì có thể khiến cho không thể thể nhập tâm nhất thiết trí. Do đó mà gọi là không tịch.

Bồ Tát chưa từng khởi các niệm tưởng chấp trước với các công hạnh thí đã làm, hàng phục chúng ma khiến chúng không được tự tại.

Như vậy, này Tối Thắng, bậc sanh quý Bồ Tát thường niệm tu tập bốn pháp trí tuệ không chướng ngại. Đó là với pháp Chân Đế không bị chướng ngại, với yếu nghĩa của chánh pháp trí tuệ không bị chướng ngại, có trí tuệ biện tài không bị chướng ngại, có trí tuệ diễn đạt mọi lời nói đều rõ ràng đạt lý không bị chướng ngại. Đó gọi là Bồ Tát tu tập trí vô ngại độ cho chúng sanh, quyết đoạn trừ tâm si đạt đến vô vi.

Đối với vô ương số không thể tính kể các loại chúng sanh, Bồ Tát đều độ cho đạt đến nơi mãi mãi an ổn, trừ bỏ niệm chấp thường, tư duy về vô thường liền đoạn trừ dục ái, sắc ái và vô sắc ái, vô minh, kiêu mạn tiêu trừ không còn phát sanh. Trước trừ tham ái về thân không để khởi sanh niệm tưởng tham ái.

Thân năm ấm này tụ họp các điều bất tịnh, phiền não. Mắt như bọt nước không kiên cố, hư ảo không thật thế mà người đời ngu si mê đắm không nhàm chán. Các pháp mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, chúng cũng đều là vô thường vậy mà người đời không thể thấy.

Chúng vô hình, vô chủ, mãi mãi không có danh hiệu. Phải chuyên chú quán sắc, thấy sắc chẳng có ngã cũng chẳng phải là do ngã tạo ra, chính từ vô hữu mà sanh ra hiện hữu.

Do có hình sắc nên có thần thức, do có thần thức mà sanh ra năm ấm, do phát sanh năm ấm nên nhiễm sáu tình, do nhiễm sáu tình nên mới có si khởi phát,… cho đến có vạn mối khổ già, bệnh, chết, sầu muộn, xoay vần qua lại trong ba cõi, trôi lăn trong năm đường không khi nào dừng nghỉ.

Các pháp trên đều do nhân duyên hội họp mà thành, do thấy có nên gọi là có, thấy không có nên gọi là không, thấy chúng khởi lên thì gọi là sanh, thấy chúng mất đi thì gọi là diệt.

Các pháp mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như thế, đều là giả dối không có hình chất. Bậc trí thấu tỏ cội gốc ngọn ngành của chúng đều là không thì cớ sao lại phải dụng tâm nhớ nghĩ đến cho lao khổ cực nhọc.

Như vậy, này Tối Thắng, bậc sanh quý Bồ Tát ly niệm tưởng sắc, tâm không nhiễm ô, ngộ rõ bản thể của sắc nên không sổ hữu sắc, cũng không thấy có thành, không thấy có bại, thể của các pháp tịch tĩnh không vô, không gì có thể làm lay động, vượt lên trên nữa, không thể có gì vượt hơn được nữa.

Bồ Tát học nhất thiết trí độ hiểu tường tận sâu rộng nghĩa lý của nó, đều liễu ngộ các pháp vốn không, không chân thật. Do đó, này Tối Thắng, cần phải tinh cần học tập, học những gì chưa học. Cần phải thực hành, thực hành những gì chưa thực hành. Đó gọi là bậc sanh quý Bồ Tát trụ trong tứ địa thanh tịnh địa của mình.

***