Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ

PHẬT THUYẾT KINH TỐI THẮNG

HỎI VỀ VIỆC TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

CỦA BỒ TÁT THẬP TRỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM HAI MƯƠI HAI

PHẨM ĐẲNG TỪ
 

Bấy giờ Bồ Tát Tối Thắng ở trước Đức Phật thưa: Thế nào là Bồ Tát nhập Đẳng từ tam muội quán khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới, thân ấm của người, thân ấm của thần và cõi của loài rồng, loài quỷ từ một thân, hai thân cho đến trăm ngàn thân?

Thế nào là Bồ Tát dùng sức thần túc từ một Quốc Độ Phật đến một Quốc Độ Phật như người dạo đi không ngăn ngại?

Khi đó Thế Tôn bảo Ngài Tối Thắng: Hay thay! Câu hỏi đó thật kỳ diệu. Ta nay sẽ giảng rõ nghĩa đó cho ông.

Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Khéo suy nghĩ ghi nhớ. Tất cả các pháp là hư tịch, không có nguồn cội, suy tư về các loại trí thành đạo cũng không có dấu tích.

Bồ Tát nhập chánh thọ tam muội, quán khắp loại chúng sanh hữu hình trong ba ngàn đại thiên Thế Giới, quán thân năm ấm sanh rồi diệt, theo thân mà sanh, theo thân mà diệt.

Lại nhập không giới quán địa, thủy, hỏa, phong, phân biệt từng pháp hiểu rõ chúng là vô sở hữu, pháp khởi thì khởi, pháp diệt thì diệt.

Tối Thắng nên biết, thuở xưa ta tu đạo Bồ Tát dài lâu, ý chuyên chú thiền định, giữ tâm không loạn, nhập Bất động tam muội, quán vô hạn lượng không thể nhớ kể chúng sanh ở hư không, tùy theo loại hình của họ mà giáo hóa.

Trong đó có chúng sanh có dâm, nộ, si hoặc không có dâm, nộ, si. Có tâm ái dục hay không có tâm ái dục, có tâm sân khuể hay không có tâm sân khuể, Bồ Tát dùng quyền tuệ tùy theo loại mà thể nhập vào tất cả loại hình tướng giống như họ.

Tâm Bồ Tát nhập định trọn không tán loạn, trong khoảnh khắc khảy móng tay đi vào trăm ngàn cõi của Chư Phật, hoặc dùng pháp tánh tuệ quán để giáo hóa, hoặc dùng pháp không, pháp khổ, không, vô thường hướng dẫn họ đến với chánh pháp. Pháp giáo hóa của Bồ Tát cũng không giới hạn, dùng mười pháp thiện hạnh để truyền dạy cho họ.

Mười pháp đó là gì?

Trước thanh tịnh Quốc Độ không tính công lao của mình. Phô diễn trí tuệ sáng suốt, biết không ngăn ngại. Ngồi dưới cội đạo thọ tâm không khiếp nhược. Hàng phục ma oán khiến chúng biết rõ đường tà.

Dạo đến các cảnh giới, độ vô lượng người. Tâm nhẫn nhục như mặt đất không lay động. Phân biệt căn môn, tướng dễ tướng khó. Hạnh thuần thục, không đắn đo, phân vân trước tất cả hạnh.

Phân biệt rõ ràng quá trình trì, nhập của ấm và sự hành hoạt của sắc, thống thọ, tưởng, hành, thức. Quán sáu tình bên trong, trừ bỏ sáu trần bên ngoài.

Nếu mắt thấy sắc không khởi nhãn thức, với sắc bên ngoài và thức bên trong đều ngộ rõ là hư giả không thật: Sắc do mắt của ai nhận biết mà tồn tại?

Nếu tai nghe tiếng không khởi nhĩ thức.

Tiếng bên ngoài, thức bên trong đều ngộ rõ là hư giả, không thật: Hương do mũi của ai ngửi biết mà tồn tại?

Nếu lưỡi nếm vị thì không khởi thiệt thức.

Vị bên ngoài, thức bên trong đều ngộ rõ là hư giả, không thật: Vị do lưỡi của ai nếm biết mà tồn tại?

Nếu thân biết trơn mịn thì không khởi thức tưởng xúc.

Xúc bên ngoài, thức bên trong đều ngộ rõ là hư giả, không thật: Cảm xúc trơn mịn do thân của ai nhận biết mà tồn tại?

Tối Thắng nên biết, Bồ Tát nhập định phân biệt rõ ràng từng pháp, tùy theo chủng loại mà giáo hóa, hoặc dùng lời để dạy, hoặc dùng thần túc, hoặc dùng trí tuệ phương tiện, tùy loại mà đi vào không ngăn ngại. Khi ấy Bồ Tát lại dùng mười pháp giáo huấn độ chúng sanh.

Mười pháp đó là gì?

Một là tuệ căn đầy đủ, tâm định không loạn.

Hai là tâm giác ngộ kiên trí tuệ diễn bày vô ngại.

Ba là giảng giải đạo phẩm đầy đủ nghĩa thú.

Bốn là hiểu rõ các tướng tốt huyền tịch không sai lầm.

Năm là hiểu rõ đạo phi đạo, liễu tri hư vô.

Sáu là ý tôn sùng pháp luân, giảng dạy không mệt mỏi.

Bảy là thực hành đạo Bồ Tát, không thấy thân mình.

Tám là tuy độ chúng sanh mà không thấy có độ.

Chín là hiểu rõ nội ngoại không là một chứ không phải hai.

Mười là phân biệt thân thể không thấy có hóa. Đó gọi là Đại Bồ Tát đầy đủ mười pháp thì có thể dạo khắp các Cõi Phật, từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác, chưa từng lìa bỏ Chư Phật Thế Tôn. Bồ Tát phải nhớ tu tập các pháp tổng trì.

Các pháp tổng trì gì?

Chư pháp ấn khả tổng trì, Bồ Tát được pháp tổng trì này thì với tất cả pháp trừ bỏ các vọng tưởng. Lại có pháp Phổ Quang Tổng Trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này được tâm từ bình đẳng với tất cả chúng sanh, không có tâm điên đảo.

Lại có pháp Tuệ minh tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này khiến Quốc Độ không thanh tịnh thành thanh tịnh.

Lại có pháp Chiếu diệu tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này tâm ý đang loạn đều không có bụi trần.

Lại có pháp Nghĩa biện tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì tu tập quán các hạnh, nhập định bất động.

Lại có pháp pháp biện tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này phân biệt cú nghĩa không mất thứ lớp.

Lại có pháp Hương biện tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này quán sát âm hưởng, tùy theo loại mà độ.

Lại có pháp Ứng biện tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này tương ưng với đầy đủ tất cả các hạnh.

Lại có pháp Ý chỉ tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này quán sát rõ ràng chi tiết các pháp không do dự.

Lại có pháp Thần túc tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này thọ mạng trụ tại thế gian suốt trăm ngàn kiếp.

Lại có pháp Căn bổn tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này phân biệt căn môn hưng suy không biến đổi.

Lại có pháp Lực thế tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này thì tu tập thể Kim Cang không thể phá hoại.

Lại có pháp Giác ý tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này diễn bày các pháp, khai ngộ cho tất cả chúng sanh.

Lại có pháp Đạo phẩm tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này quán rõ nhân duyên căn bổn của pháp ba đời.

Lại có pháp Định ý tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này khiến tâm niệm loạn tưởng quay về với đạo như trước.

Lại có pháp Quyền tuệ tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này thì có mọi phương tiện tương ưng với vô, cũng giác ngộ pháp vô.

Lại có pháp Bố thí tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này ngộ rõ tam sự đều vô sở hữu.

Lại có pháp Trì giới tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này không thấy người tu tập trì giới và người phá giới.

Lại có pháp Nhẫn nhục tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này không thấy nhẫn với sân và tâm loạn tưởng.

Lại có pháp Tinh tấn tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này không thấy nghiệp tinh tấn và giải đãi.

Lại có pháp chánh thọ tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này nghe vạn tiếng sấm sét chấn động mà lông trên thân không dựng đứng.

Lại có pháp Tuệ không tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này trí phân biệt biết bao la vạn tượng, diễn giải vô ngại.

Lại có pháp Vô ngại tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này trí tuệ thông đạt không bị ngăn ngại.

Lại có pháp Khoáng viễn tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này tuy trăm ngàn thân cũng hợp lại thành một.

Lại có pháp Giáo thọ tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này dùng chánh pháp giáo huấn, lời nói không làm ai phiền não.

Lại có pháp Bất tư nghị tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này thì hàng La Hán, Bích Chi Phật không thể theo kịp.

Lại có pháp Đạo thọ tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này trang nghiêm Quốc Độ, không lìa bỏ Chư Phật.

Lại có pháp Hàng ma tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này giữ ý kiên cố tâm không nghiêng theo tà.

Lại có pháp Dung tướng tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này mỗi mỗi tướng đều có trăm ngàn phước báo.

Lại có pháp Chúng hảo tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này không thấy tướng tốt trang nghiêm theo thân.

Lại có pháp Quang chiếu tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này với trăm ngàn ánh sáng thấy hóa thành vô lượng.

Lại có pháp Độ nhân tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này tuy độ chúng sanh mà thấy cũng như không độ.

Lại có pháp Quảng tuệ tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này ý như hư không không nhỏ hẹp, thiên lệch.

Lại có pháp Đạo ý tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này không tưởng Niết Bàn cũng không chấp trước hữu.

Lại có pháp Diệt độ tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này không thấy có pháp diệt và sanh.

Lại có pháp Thanh tịnh tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này trần lao đều thanh tịnh vô tận bất tận.

Lại có pháp Vô khổ tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này hiểu rõ khổ, không khổ tên gọi là khổ đế.

Lại có pháp Sanh tập tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này với nguồn gốc phiền não duyên với ý biết rõ đều là hư vô.

Lại có pháp Diệt tận tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này diệt tập trần lao, không còn tạo tác.

Lại có pháp Thánh đạo tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này an trụ pháp giải thoát Niết Bàn vĩnh viễn tịch tĩnh.

Lại có pháp Chỉ quán tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này quán rõ tướng hưng suy của diệu pháp.

Lại có pháp Không tạng tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này quán rõ các pháp đều biết là vô chủ.

Lại có pháp Tịnh thanh tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này miệng nói ra lời nhẹ êm như thanh âm của Phạm Thiên.

Lại có pháp Xưng khả tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này thì lời mọi người nói đều hợp với tâm ý mình.

Lại có pháp Đẳng ý tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này lời nói trôi chảy lưu loát không vướng ngại.

Lại có pháp Du xứ tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này người được nghe Bồ Tát giáo giới không ai bị thương tổn.

Lại có pháp Oai chiếu tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này ở trong đại chúng không khiếp nhược.

Lại có pháp Phấn tấn tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này cất tiếng sư tử rống thì chim sa thú chạy.

Lại có pháp giới luật tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này hàng phục tất cả chúng sanh khó ngộ.

Lại có pháp Thú đạo tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này ngộ rõ Niết Bàn, không có tưởng sanh diệt.

Lại có pháp pháp tánh tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này khiến những kẻ nịnh hót thấy được chân đạo.

Lại có pháp Tức ý tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này không khởi tâm kiêu ngạo, tự cao với người.

Lại có pháp Thông đạt tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này nghe thánh tuệ đó không quên giáo pháp.

Lại có pháp Hưng kính tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này liền trừ bỏ tâm cống cao, vâng theo việc làm của Chư Phật.

Lại có pháp Không giới tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này thông đạt phép tắc luật nghi, hiểu rõ nguồn cội các pháp.

Lại có pháp Vô lượng tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này lời nói từ xưa đến nay không cùng tận.

Lại có pháp Cường ký tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này phân biệt văn tự thú hướng của pháp.

Lại có pháp Cứu ý tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này ngộ rõ bổn tánh, pháp giới cũng tịnh.

Lại có pháp Nan diệt tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này quán rõ chúng sanh thanh tịnh, trong ngoài đều hư tịch.

Lại có pháp Vô tế tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này ngộ rõ pháp bổn vô, pháp bổn vô cũng là vô.

Lại có pháp Anh lạc tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này Kinh Pháp đã giảng nói không bị ngăn ngại.

Lại có pháp Diệu yếu tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này là pháp mà hàng nhị thừa chẳng thể tính lường được.

Lại có pháp Như Lai tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này giác ngộ hướng đạo tịch mịch của chúng sanh.

Lại có pháp Thập Địa tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này luôn giảng nói vô trụ, cũng không thấy pháp trụ.

Lại có pháp Ấm chủng tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này phân biệt nguồn cội của thân không khởi tâm nhiễm chấp.

Lại có pháp Tịch mịch tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này ví dụ hô lên một tiếng cũng không có tiếng vang.

Lại có pháp Thức tánh tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này đều có thể tư duy mà không chấp trước văn tự.

Lại có pháp Liễu bổn tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này không giảng, không nói cũng không dạy.

Lại có pháp Văn tự tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này tự biết túc mạng, biết hướng sanh thú qua lại.

Lại có pháp pháp luân tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này không có ý, không có tưởng, không có thần thức.

Lại có pháp Cam Lộ tổng trì, Bồ Tát tổng trì này giảng tụng, nói pháp đều không ngăn ngại.

Lại có pháp Thâm hợp tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này phân biệt rõ ràng hợp nghĩa của tứ cú.

Lại có pháp pháp Tràng tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này thấy rõ nghĩa lý, thông tỏ nguồn cội của thức pháp.

Lại có pháp Vô tận tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này diễn nói cùng tận bổn tế không lìa bỏ pháp cận duyên.

Lại có pháp Đẳng Giác tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này thường giảng vô lượng pháp mà không chấp trước chánh pháp.

Lại có pháp Chư pháp tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này tu tập thuần thục các pháp không mất đầu mối thứ lớp.

Lại có pháp Hoằng thệ tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này ngộ rõ trí tuệ đều không trái thuận.

Lại có pháp Thiện quyền tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này dùng pháp Thích ứng với loại chúng sanh mà hóa độ, không có tâm khiếp nhược.

Lại có pháp Đạo tuệ tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này phân biệt đảnh pháp, tu tập pháp Ba La Mật.

Lại có pháp Ảo hóa tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này phân biệt pháp giới không có tánh trong ngoài.

Lại có pháp Trung ấm tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này biết rõ trụ xứ nơi Chư Phật Thế Tôn ngự.

Lại có pháp Đạo Tràng tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này thì cõi nước ở mười phương bừng chói sắc hoàng kim.

Lại có pháp Hàng ma tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này tất cả ngoại đạo đều được hàng phục.

Lại có pháp Tự thủ tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này phòng hộ thân, khẩu, ý mà không thấy có phòng hộ.

Lại có pháp Thuyết pháp tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này đầy đủ pháp bổn không bị khuyết lậu.

Lại có pháp Tư dụng tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này quán sát tâm ý của vô lượng chúng sanh.

Lại có pháp Ân cần tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này phương tiện giảng nói đều khiến chúng sanh nhập đạo, kiểm thúc thân tâm.

Lại có pháp Lưu hóa tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này phân biệt các trí tuệ, không chấp trước xưa nay.

Lại có pháp Nhu thuận tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này nhận lãnh pháp không nhàm chán, cũng không có tâm giận dữ, mê lầm.

Lại có pháp Tấn đức tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này với các pháp bổn đều không sở hữu.

Lại có pháp Sắc tượng tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này nếu thấy hình tướng thì chưa từng xả bỏ sai lầm.

Lại có pháp Thanh Văn tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này suy lường các pháp, không tính toán, không chấp trước.

Lại có pháp Khổ thuận tổng trì, Bồ Tát đắc pháp tổng trì này nghe tìm hiểu pháp vị biết bình đẳng không hai.

Khi Thế Tôn nói pháp môn tổng trì này, mười hai ức na thuật người đắc tận tín pháp nhẫn bất khởi, lại có vô ương chúng sanh đều phát tâm đạo Vô Thượng, Chánh Chân.

Bấy giờ Thế Tôn bảo Ngài Tối Thắng: Việc làm của Bồ Tát không thể nghĩ bàn, chẳng phải pháp mà hàng La Hán, Bích Chi Phật biết được. Do sức oai thần cảm ứng của Đẳng từ tam muội định ý chánh thọ nên mới có thể được như thế. Do đó mà nói luật Đại Thừa hướng đạo làm phương pháp giáo hóa chân chánh, dùng đó để làm pháp phục.

Lúc đó Ngài Tối Thắng ở trước Đức Phật thưa: Lành thay! Lành thay! Vui thay lời dạy ấy! Tất cả các pháp tu tập không có bổn mạt, ngộ rõ pháp tánh hư vô vắng lặng, phân biệt từng pháp đều là hư, đều là tịch. Thế Tôn giảng nói pháp đại thừa rộng lớn khắp tất cả. Bồ Tát nghe pháp này thực hành, sau khi thọ mạng đã hết đều được sanh vào Thế Giới Khoáng nhẫn.

Bấy giờ tất cả người trong hội đều phân vân, muốn được thấy Cõi Phật ấy. Đức Như Lai dùng sức thần túc quán sát biết tâm niệm của chúng sanh liền dùng thần túc từ trên đỉnh đầu phóng ra ánh sáng chiếu khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới, đến tận cõi Khoáng nhẫn vô lượng ấy.

Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Vô Tận có pháp thuận chấp tổng trì nhớ mãi không quên, pháp đặc thù luôn hiện tiền, từ hằng sa kiếp đã cúng dường Chư Phật tích lũy đạo pháp nên tự thành tựu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Ông phải nhớ nghĩ tu hành mười pháp.

Mười pháp ấy là gì?

Một là phân biệt pháp giới, liễu tri hư vô.

Hai là biết rõ thân là hư tịch, trong ngoài đều không có chủ tể.

Ba là tâm ngộ biết bốn đại, không nương tựa hữu dư.

Bốn là với tất cả pháp không thấy diệt độ.

Năm là thân, khẩu, ý hành không trụ tịch mịch.

Sáu là hộ trì giới, vô giới cũng không hủy giới.

Bảy là tu tập không phóng dật, kiểm thúc tâm là gốc.

Tám là thệ nguyện thành đạo, không xả bỏ chí nguyện xưa.

Chín là dùng pháp bất tư nghị độ người khó độ.

Mười là các hành thanh tịnh thì việc làm không nặng nề.

Đó gọi là mười pháp bổn mà bậc Đại Bồ Tát tu hành.

Lại nữa, Bồ Tát lại phải tu tập mười pháp hiệu.

Mười pháp ấy là gì?

Một là đầy đủ giới thanh tịnh, không có hạnh phóng dật.

Hai là dùng trí tuệ thí pháp cho người nghe mà không hủy pháp giới.

Ba là phân biệt ấm nhập, liễu tri hư tịch.

Bốn là biết bốn đại là vô thường, đều quy về diệt.

Năm là hiểu rõ mười tám nạn, bệnh của ấm trì nhập.

Sáu là đầy đủ thệ nguyện được Chư Phật gia trì, khen ngợi.

Bảy là với chúng sanh chưa được an lập thì độ họ an trụ giải thoát.

Tám là Bồ Tát nhập định không thể loạn.

Chín là quán khắp tất cả các hành trong ngoài.

Mười là tự quán tướng sanh diệt nguồn gốc của thân.

Đó gọi là mười pháp bổn mà bậc Đại Bồ Tát phải nhớ nghĩ tu hành thì tự thân thành tựu trí Chánh Giác.

Lại nữa, Bồ Tát lại phải tu tập định chánh thọ tam muội như pháp tam muội tên Đẳng quán tam muội. Bồ Tát đắc tam muội đó thì thành tựu tuệ quán không bị phóng dật.

Lại có tam muội tên Nhiếp ý, Bồ Tát đắc tam muội này có thể thu nhiếp các phiền não không để chúng trói buộc.

Lại có pháp Hộ giới tam muội, Bồ Tát đắc tam muội này, ý như hư không không khởi nhị tưởng.

Lại có pháp Đại bảo tam muội, Bồ Tát đắc tam muội này diễn giảng pháp Thất giác ý, pháp bảo vô tận.

Lại có pháp Đạo thọ tam muội, Bồ Tát đắc tam muội này thì hoa đạo bừng nở đẹp, ai thấy cũng thích.

Lại có pháp Hải lượng tam muội, Bồ Tát đắc tam muội này là pháp chẳng phải hàng Nhị Thừa có thể suy lường.

Lại có pháp Nhập thất tam muội, Bồ Tát đắc tam muội này thể nhập sâu xa tạng pháp yếu, không pháp nào không biết.

Lại có pháp Nguyệt Quang tam muội, Bồ Tát đắc pháp tam muội này đến các Cõi Phật dạo qua lại khắp nơi.

Lại có pháp Nguyệt minh tam muội, Bồ Tát đắc tam muội này ánh sáng chiếu soi tất cả, không ai không được chiếu sáng.

Lại có pháp Huyền giám tam muội, Bồ Tát đắc pháp tam muội này ngộ rõ ba đời không có pháp sanh diệt.

Lại có pháp Vô tằng ái tam muội, Bồ Tát đắc tam muội này bình đẳng với người oán ghét, thấy như con ruột.

Lại có pháp Đại ai tam muội, Bồ Tát đắc tam muội này thấy tất cả chúng sanh như cha, như mẹ.

Lại có pháp Từ bi tam muội, Bồ Tát đắc tam muội này vì tất cả chúng sanh làm cơn mưa tưới khắp.

Lại có pháp Ngận ai tam muội, Bồ Tát đắc tam muội này không có ngô ngã, ngã, nhân, thọ mạng.

Lại có pháp Vô tưởng tam muội, Bồ Tát đắc tam muội này thì có thể chuyển pháp luân vô thượng.

Lại có pháp Hành khổ tam muội, Bồ Tát đắc tam muội này trong A tăng kỳ kiếp không hao tổn công đức của mình.

Lại có pháp Kiến lực tuệ giới tam muội, Bồ Tát đắc tam muội này không thấy ngô ngã, hạnh luôn thanh tịnh.

Lại có pháp Ly thân tam muội, Bồ Tát đắc tam muội này thoát ly các triền kết ràng buộc cũng không hủy giới.

Lại có pháp Ngô ngã tam muội, Bồ Tát đắc tam muội này không có tâm chấp trước pháp bỉ thử.

Lại có pháp Huyền thông tam muội, Bồ Tát đắc tam muội này ngộ pháp nhẫn nhục, không thấy tịch tĩnh hay chẳng tịch tĩnh.

Lại có pháp Thanh bạch tam muội, Bồ Tát đắc tam muội này tư duy phân biệt hạnh thanh bạch.

Lại có pháp Tương ưng tam muội, Bồ Tát đắc tam muội này cùng pháp tương ưng không khởi, không diệt.

Đó gọi là chánh thọ tam muội của Đại Bồ Tát. Bồ Tát đến các Cõi Phật phương khác, tôn phụng cúng dường Chư Phật Thế Tôn, cũng không sợ hãi, không gặp nạn sợ hãi.

Giả sử thân đang lúc suy yếu, sắp mạng chung, các thân phần dần dần ly tán, Bồ Tát tự quán thân này như cỏ cây, tường vách, không khởi tâm nhiễm chấp mà thực hành nhẫn nhục, nghe lời ác không lấy đó làm sầu não, tuy gặp điều thích thú không vì thế mà vui mừng, suy tìm ngôn giáo cũng không có xứ sở, thấy rõ lời đã nói cũng không gốc ngọn, tâm bổn vô mỗi niệm đều không thật.

Đó gọi là Đại Bồ Tát thanh tịnh dịnh ý. Tuy có lúc loạn tâm nhưng tâm không bị buộc ràng, không chấp bên này cũng không chấp bên kia, nội ngoại pháp đều thanh tịnh. Do quán như thế nên tâm nhẫn nhục. Đó gọi là thân, khẩu, ý của Đại Bồ Tát thanh tịnh, thành tựu trí tuệ nhẫn nhục.

Lại nữa, này Tối Thắng, Đại Bồ Tát lại phải tu tập tinh tấn định ý, làm lớn các pháp lành không để thiếu mất, quán pháp giới không tăng, không giảm. Dùng trí tuệ vô lậu quán pháp ngự.

Lại phải tư duy quán pháp nương tựa thế gian, không thấy các pháp có thành tựu hay không thành tựu, không thấy chánh đế cùng với điên đảo, không theo, không xả cũng không từ bỏ pháp đã thành tựu.

Đó gọi là kho báu quý vô tận mà Đại Bồ Tát đã tích tụ. Bồ Tát không thấy pháp quá khứ, hiện tại, vị lai từ đâu đến, từ đâu đi. Không có chỗ đến, đi cũng không dấu vết.

Tám đạo Hiền Thánh là đứng đầu trong các pháp, phân biệt rõ ràng pháp Tứ Đế Hiền Thánh, thoát ly hành vọng tưởng điên đảo, nói pháp cho người không bị ngăn trệ, ngộ rõ chúng sanh là hư giả, không thật, suy tìm các pháp cũng không thể được.

Do vậy nên pháp pháp tương sanh, pháp pháp tương diệt, người không lìa pháp, pháp không lìa người. Tự thể của người là hư tịch, pháp cũng là hư tịch. Như người là pháp tự nhiên, pháp cũng tự nhiên.

Ngộ rõ tự nhiên mới tương ưng với hạnh Vô Thượng, Chánh Chân, mới đạt được hạnh Phật pháp vô tận. Nếu có cầu pháp thì với pháp đã cầu, với pháp đang cầu đều không chấp ba đời, không bị nhiễm ô.

Pháp mà Bồ Tát cầu, pháp mà Bồ Tát đã cầu dược đều không có pháp để đắc cũng không có pháp để không đắc. Này Tối Thắng, đó gọi là Đại Bồ Tát thành tựu hành diệu tuệ tinh tấn.

Tối Thắng nên biết, Đại Bồ Tát lại phải tư duy tu tập thiền định chánh thọ tam muội, không hủy giới pháp, tâm bình đẳng không hai cũng không thấy hai, không thành tựu cũng chẳng phải không thành tựu.

Bồ Tát ở trong thiền định dùng chánh định khiến tâm không khởi loạn tưởng với tất cả các loại định cũng không phóng xả các pháp vô tưởng, ngộ rõ trong ngoài đều vô chủ.

Đó gọi là Đại Bồ Tát nhất tâm chánh định, không hủy thiền định, lại cũng không thấy có hội họp, không có tâm thoát ly xả bỏ các cảnh giới, tu tập nhưng không chấp trước thiền, dòng tâm ý không có nạn chướng ngại.

Đó gọi là Đại Bồ Tát không lập pháp cũng không ly pháp, luôn nhất tâm quán thể tự nhiên của các pháp, ngộ rõ các pháp, tâm không có tưởng sanh diệt, là pháp chẳng phải thấy chẳng phải tâm có thể nghĩ lường, tư duy tâm định bình đẳng không hai, hướng chí tánh chẳng phải pháp tương ưng hay pháp không tương ưng cũng không thấy pháp tương ưng.

Bồ Tát phân biệt nguồn gốc của mười hai nhân duyên: Duyên hành có si, duyên si có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có lục nhập, duyên lục nhập có cánh lạc xúc, duyên cánh lạc có hữu, duyên hữu có ái, duyên ái có thọ, duyên thọ có sanh, duyên sanh có tử, sầu ưu khổ não không thể suy lường.

Nói tóm lại, thân năm ấm thạnh là thân nguy nạn, yếu ớt, không thể bền lâu. Khi ấy tâm Bồ Tát tu tập bình đẳng pháp bổn vô, phân biệt sắc, thống thọ, tưởng, hành, thức đều là hư tịch. Bồ Tát lại dùng chánh định với pháp bổn tịnh cũng không nhiễm chấp, cũng không thấy sắc.

Ngộ rõ sắc là vô sắc, vượt qua tất cả hành điên đảo. Đó gọi là pháp thiền định nhất tâm của Đại Bồ Tát chẳng phải pháp hàng La Hán, Bích Chi Phật theo kịp. Ngoại đạo có ngũ thông tuy tuổi thọ vô lượng, do mất thần túc nên không thể đạt đến rốt ráo.

Người tu tập thiền định chánh thọ tam muội thọ mạng trụ một kiếp và hơn một kiếp cũng không có gì khó. Đó là do vị ấy đắc thiền định, hiện trí tuệ trừ bỏ trần lao, không khởi vọng kiến. Đó gọi là chí nguyện của Đại Bồ Tát dùng đạo khai hóa chúng sanh, tùy pháp Thích ứng với chúng sanh theo bệnh cho thuốc.

Bồ Tát lại dùng pháp tuệ quán Không tánh, nhập Đẳng từ tam muội, quán khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới chuyển đến hằng sa các cõi Phật, có chúng sanh đáng độ đều khiến họ được giải thoát.

Đó là thiền định chánh thọ của Như Lai đều khiến chúng sanh đạt đến diệt độ. Đó gọi là Đại Bồ Tát thành tựu đẳng từ định ý, người được tế độ vô lượng không thể tính kể giới hạn.

Này Tối Thắng, thần đức của Như Lai cao vòi vọi như thế. Phàm muốn quán pháp phải dùng Tuệ Nhãn, chẳng phải nhục nhãn cũng chẳng phải thiên nhãn, cũng chẳng phải là pháp hàng La Hán, Bích Chi Phật thấy được.

Bồ Tát do quán các pháp nên ngộ rõ các pháp hư tịch, các pháp thanh tịnh, ngộ rõ các pháp hư ảo, ngộ rõ các pháp định.

Đó gọi là tâm hoằng thệ vô hạn lượng của Đại Bồ Tát. Không có pháp hành, không có pháp trụ, cũng không có thể nhập, các pháp vốn tịch nhiên là pháp của người định tâm tu tập, chẳng phải pháp của kẻ loạn tưởng tu tập.

Bồ Tát quán khắp các pháp đều như thế. Quán như vậy là quán pháp. Bồ Tát quán pháp mà không phân biệt đẳng loại pháp, với pháp giải thoát có lầm lỗi không đạt đến rốt ráo, không dùng chánh pháp mà thành tựu định ý.

Bồ Tát phải nhớ nghĩ trừ khử vọng kiến, không mong cầu, không giữ cũng không có niệm ngang trái mong cầu thọ phước lớn, biệt nội ngoại pháp đều là hư tịch. Đó gọi là Đại Bồ Tát nhập Đẳng từ tam muội, quán rõ các pháp đều vô sở hữu.

Do vô sở hữu mới gọi là thấy pháp. Phàm người thấy pháp là người thấy được không ngã, không nhân, không thọ, không mạng. Các pháp đó đều là giả hiệu, chẳng phải pháp chân thật, là pháp hữu vi, chẳng phải cảnh giới vô vi.

Cảnh giới vô vi không có pháp hữu vi. Bồ Tát ngộ rõ hữu vi, vô vi. Hữu lậu, vô lậu. Pháp thường, pháp vô thường. Ngã, nhân, thọ, mạng đều vô sở hữu. Đó gọi là Đại Bồ Tát phân biệt pháp định ý vô sanh diệt.

Nếu Bồ Tát quán các pháp tướng, ngộ rõ các tướng hư tịch không hai cũng không thấy hai, ngộ rõ pháp đối đãi là không hai thì mới tương ưng với tâm định.

Bồ Tát với pháp điên đảo ngộ rõ là vô sở hữu, không thấy có con đường chánh hướng đến đạo, không thấy có con đường tà dẫn đến các kiến, trí tuệ vô lượng, tâm từ ái bao lao trùm khắp chúng sanh, làm thanh tịnh cảnh giới Phật, thanh tịnh cõi Phật.

Từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác, Bồ Tát đến tôn kính hầu hạ cúng dường Chư Phật Thế Tôn, lại dùng trí tuệ sáng thần thông quán sát khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới.

Nếu có chúng sanh căn tánh thuần thục, không gặp Hiền Thánh nên rơi vào tam đồ, khi ấy Bồ Tát phải trụ nơi đó tế độ khiến họ không loạn lạc.

Hoặc có khi Bồ Tát Đại Sĩ do độ chúng sanh nên nhân đó tạo duyên, qua lại dạo quanh không phí công sức, trong khoảnh khắc khảy móng tay thể nhập trăm ngàn chánh thọ định ý, thành tựu tuệ quán, tu các công đức.

Khi bố thí, Bồ Tát suy tư căn tánh của trời người cũng không thấy có người thí, ngộ rõ ba việc đều vô sở hữu. Đó mới gọi là Bồ Tát tương ưng với pháp thí.

Lại nữa, nếu Bồ Tát dùng luật giáo huấn thì ngộ rõ phạm giới và trì giới cũng là pháp vô sở hữu, không có trì giới hay chẳng trì giới thì mới tương ưng với giới.

Lại nữa, có khi Bồ Tát luôn thực hành nhẫn nhục, thấy người khác thực hành nhẫn nhục thì vui thay cho họ. Nếu gặp phải người nóng giận, phẫn nộ thì tâm không ưu sầu, buồn bã. Thấy rõ giải đãi và nhẫn nhục đều vô sở hữu, cũng chẳng phải là một, là hai hay trăm ngàn.

Ngộ rõ nhẫn và vô nhẫn mới tương ưng với nhẫn nhục. Lại nữa, Bồ Tát luôn tu tập tinh thần, thấy người tinh tấn thì mừng thay cho họ.

Nếu gặp kẻ giải đãi không vì thế mà hận ghét, ngộ rõ giải đãi và tinh tấn là một chứ không phải hai, cũng không thấy có hai pháp đối đãi. Không thấy có pháp tinh tấn cũng không thấy có pháp giải đãi. Ngộ rõ tinh tấn, giải đãi đều hư tịch mới tương ưng với tinh tấn.

Lại nữa, Bồ Tát khi đi, khi ngồi luôn nhất tâm thiền định chánh thọ chưa từng khiếm khuyết. Trời sấm sét, đất chấn động, hàng vạn tiếng vang đồng trổi lên, Bồ Tát vẫn chuyên tâm nhất ý. Không gì có thể làm lay động chuyển dời tâm Bồ Tát. Bồ Tát ngộ rõ định và loạn đều vô sở hữu, ngộ rõ định và không định mới tương ưng với định ý.

Lại nữa, trí tuệ Bồ Tát thấm nhuần khắp loại chúng sanh, phân biệt tất cả vạn căn cơ, dùng pháp Thích hợp với tất cả diễn nói giảng bày mà không làm sai ý giáo pháp của Phật, dùng trí tuệ bình đẳng quán không thấy người hiền trí, kẻ ngu mê.

Ngộ rõ có trí tuệ hay không có trí tuệ cùng với người ngu mê đều vô sở hữu, không thấy có cũng chẳng thấy không có, có không có đều vắng lặng như hư không, không hai.

Đó gọi là Bồ Tát dùng trí tuệ quán tướng các pháp thanh tịnh như thị, không thấy tướng cũng chẳng phải không có tướng. Ngộ rõ tướng, vô tướng mới thành tựu tướng hảo, tế độ chúng sanh đến bờ giải thoát.

Lại nữa, Bồ Tát lại phải nhập không định, dạo đến cõi hư không, phân biệt rõ ràng chúng sanh ở không giới, hoặc dùng ngôn giáo, hoặc dùng thần túc, hoặc dùng quang tướng, hoặc dùng khổ hạnh mà giáo hóa khiến tất cả chúng sanh được nhập đạo, kiểm thúc thân tâm.

Lại nữa, Bồ Tát tu tập pháp vô tưởng, trừ bỏ cách tu tập chấp trước tưởng điên đảo. Bồ Tát lại đến cõi Chư Phật ở phương khác, luôn dùng pháp vô tướng không biến đổi giáo hóa chúng sanh khiến họ đều đạt giải thoát.

Lại nữa, Bồ Tát tu tập vô nguyện, không mong cầu nhận lãnh có quả báo trong ba cõi, không nương chấp người, không chấp trước tướng tốt, phân biệt sự thành hoại của trong ngoài thân năm ấm: Sắc, thống thọ, tưởng, hành, thức.

Pháp ngoại trần nhập vào các pháp bên trong như thế nào, Bồ Tát đều phân biệt biết mỗi pháp đều là hư giả không thật.

Như vậy, này Tối Thắng, Bồ Tát Đại Sĩ phát tâm hoằng thệ lớn độ chúng sanh loại mà không thấy có độ, thật không có chúng sanh huống chi lại có người độ. Đó gọi là Đại Bồ Tát tu tập thành tựu Đẳng từ tam muội làm cho tất cả chúng sanh đều được gốc tuệ.

Khi Thế Tôn nói phẩm Đẳng từ này, mười bốn na thuật người đều phát tâm đạo Vô Thượng, Chánh Chân, tám ngàn Bồ Tát ngay trên tòa ngồi suy tư liền đắc Đẳng từ tam muội.

***