Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ

PHẬT THUYẾT KINH TỐI THẮNG

HỎI VỀ VIỆC TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

CỦA BỒ TÁT THẬP TRỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM HAI MƯƠI MỐT

PHẨM THỪA VÔ TƯỚNG
 

Ngài Tối Thắng bạch Phật: Đại Bồ Tát từ sơ phát tâm đến khi thành Phật liễu đạt nhất tướng vô tướng như thế nào?

Lại dùng vô tướng phân biệt nhất tướng?

Thế nào là Bồ Tát dùng tâm thanh tịnh dạo nơi ái dục, từ trong ái dục lại đạt được thanh tịnh?

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Bồ Tát thực hành phương tiện theo vô tướng, tâm thanh tịnh dạo quanh năm đường, mười phương Thế Giới, hoặc sanh vào cõi hữu hình hay vô hình trong Dục Giới. Tuy ở trong cõi đó mà không nhiễm cõi đó do cùng các vị thiện nam, thiện nữ lấy niềm vui trong pháp làm vui.

Bồ Tát lại đến cõi hữu hình cùng Chư Thiên, người trụ nơi cung điện, hoặc ở chỗ Phạm Thiên nói pháp thừa vô tướng vi diệu cho Phạm Thiên Vương, ở trong chúng Phạm Thiên có khi kinh hành, có khi giữ sự im lặng của Hiền Thánh.

Bồ Tát ở trong đó độc tôn không ai có thể theo kịp. Lại nữa, này Tối Thắng, Bồ Tát ở đó hiển bày Đạo Giáo vi diệu, từ từ hàng phục Chư Thiên khiến họ tu tập chân lý, trừ bỏ tâm suy tư cho rằng chúng Phạm Thiên là thanh tịnh.

Bồ Tát trụ ở cõi hữu hình sanh xuống Cõi Dục, nội tâm luôn an lạc tịch tĩnh, độc cư nơi núi rừng. Tuy một mình ở trong núi nhưng ý luôn thiền định.

Có khi Bồ Tát thị hiện có nhà cửa, vợ con theo mình, lại cùng ở với chúng sanh lập nghiệp, địa vị cao sang thì hiện thấp hèn, địa vị thấp hèn thì hiện cao sang, quán tâm chúng sanh. Bồ Tát khi qua lại, đứng ngồi, nói năng, đi lại… không khởi tâm kiêu mạn cũng không tự ti.

Vì sao như vậy?

Vì Bồ Tát đã thông đạt hoàn toàn pháp bổn mạt thanh tịnh. Lại nữa, Bồ Tát lại thể nhập vào trăm ngàn loại định chánh thọ Tam Muội, dùng sức oai thần Tam Muội quán sát ba ngàn đại thiên Thế Giới, hiện thân tướng có thần túc hào quang sáng chói, tuệ phương tiện dạo khắp hóa độ tự tại, tâm phải thanh tịnh thì mới gọi là vô tướng.

Đại Bồ Tát tương ưng với định đó thì mới được cầu đạo thừa vô tướng, không thấy người khác có sanh, không thấy người khác vô sanh. Sanh lấy vô sanh để tu tập đạo cũng không có tưởng với tướng của đạo Bổn vô Hiền Thánh, không cầu tướng cũng không cầu vô tướng.

Liễu đạt tướng của đạo là vô tướng, khởi thì liền khởi, diệt thì liền diệt. Có tướng thì hướng đạo, không có tướng thì hành diệt, có tướng thì hành cũng diệt. Đó gọi là Bồ Tát ngộ được tướng của đạo. Đại Bồ Tát cũng không cầu tướng cho là đạo tướng.

Vì sao?

Tự thể của đạo là vô tướng nên không cầu vô tướng là tướng của đạo, không thấy hợp tan cho là tướng của đạo, không thấy gốc mười hai nhân duyên, ngã, nhân, thọ mạng. Từ si nên có hành… là có đạo tướng. Lại cũng chẳng thấy không có ngã, nhân, thọ mạng. Từ si nên có hành… là có đạo tướng.

Vì sao?

Tự thể đạo là vô tướng cũng không thấy tướng, không nhận thức sai lầm cho rằng do nhiều pháp sanh từ đạo tướng, liễu tri bốn đại là thân phi thân, là thường vô thường, là không phi không, là ngã phi ngã. Giữ bỏ hợp tan đều chẳng phải chân thật.

Đó gọi là Đại Bồ Tát tương ưng với pháp phải tương ưng, không khác cũng chẳng phải không khác, không thấy khác cũng không thấy chẳng khác thì mới tương ưng với đạo tướng vô tướng.

Thân thiện, thân bất thiện. Thân hữu ký, thân vô ký. Thân hữu lậu, thân vô lậu. Thân hữu vi, thân vô vi. Thân thành tựu, thân thất bại, giữ bỏ hợp tan, với tướng hay vô tướng phân biệt đều là không nên không sở hữu.

Bồ Tát quán thân như cảnh mộng, như hình bóng, như tiếng vang, như dợn nắng giữa trưa. Không thấy thân là không cũng không thấy thân là chẳng phải không. Không thấy có tưởng cũng không thấy thân không có tưởng.

Không thấy thân có nguyện cũng không thấy thân không có nguyện, không thấy thân cũng không tương ưng hay chẳng phải không tương ưng với vô dục.

Không thấy thân cũng không tương ưng hay chẳng phải không tương ưng với mười hai nhân duyên. Mười hai nhân duyên không tương ưng cũng chẳng phải không tương ưng. Cho đến mười tám giới cũng như vậy.

Pháp giới như thị nên không tương ưng hay chẳng phải không tương ưng với đạo tướng. Từ si sanh ái cũng như vậy, không cùng đạo tướng tương ưng hay chẳng phải không tương ưng. Tất cả các pháp danh sắc, lục nhập không cùng đạo tướng tương ưng cũng chẳng phải không tương ưng.

Đại Bồ Tát lại phải thể nhập diệt tận định ý bất động tam muội, sau đó quán đạo tướng không cùng mười tám pháp bổn trì tương ưng hay chẳng phải không tương ưng, pháp tánh không cùng mười hai nhân duyên tương ưng hay chẳng phải không tương ưng.

Vô hạn vô lượng không thể nghĩ bàn cấu uế trần lao không cùng đạo tướng tương ưng cũng chẳng phải không tương ưng. Cho đến pháp tánh, các tình cũng không cùng mười hai nhân duyên tương ưng hay chẳng phải không tương ưng.

Cho đến lão, tử và pháp không có dâm, nộ, si đều không cùng đạo tướng tương ưng, cũng không phải không tương ưng, chẳng phải không tương ưng. Hữu số, vô số không cùng đạo tướng tương ưng cũng không phải không tương ưng.

Đạo tướng là không hai, không cùng với hữu số, vô số tương ưng, cũng chẳng phải không tương ưng. Với đệ nhất nghĩa thì có thế gian, không có thế gian. Hữu lậu, cô lậu. Hữu vi, vô vi. Hữu ký, vô ký.

Pháp thiện, Pháp ác hoặc tốt, hoặc xấu, Bồ Tát đều thực hành theo pháp môn bất nhị cũng chẳng thực hành theo pháp môn bất nhị, tâm ý không bị hoại để cầu đạo tướng.

Bậc không cầu đạo tướng thì không cùng đệ nhất nghĩa và các pháp hữu tục, vô tục. Hữu lậu, vô lậu. Hữu vi, vô vi. Hữu ký, vô ký. Pháp thiện, pháp ác hoặc xấu hoặc tốt tương ưng cũng chẳng phải không tương ưng.

Lại nữa, Đại Bồ Tát với tướng của các pháp vô tướng không thấy tướng, chẳng phải không thấy vô tướng. Đạo vô tướng đó cũng không thấy tướng. Đó gọi là đạo tương ưng với vô tướng.

Tướng của vô tướng, pháp đó tự thể vắng lặng như hư không vô tướng nhưng chẳng phải không có tướng, phải ứng hợp với tương ưng mà không có pháp tương ưng đó.

Đại Bồ Tát đắc đạo tướng định ý đó như thế thì ở trong các cảnh giới đều được tự tại, nhập định đó xong phân biệt tự thân trên mỗi lỗ chân lông có vô hạn lượng không thể nghĩ bàn Thế Giới Chư Phật đều hiện trước mặt.

Đã hiện Thế Giới lại hiện ra các chúng đệ tử tùy tùng, chúng Bồ Tát khát ngưỡng muốn nghe pháp không chán đủ. Bồ Tát khiến đại chúng đó đều thấy ba ngàn đại thiên Quốc Độ, từ kim thể của Như Lai phát ra vô lượng ánh sáng. Mỗi ánh sáng có vô số vô lượng Cõi Phật.

Bồ Tát ở trong Cõi Phật đó hiện thân sắc tướng ở trong đại chúng xiển dương pháp lớn. Người nghe pháp tâm kiên cố không xả bỏ kim cương định ý tam muội. Bồ Tát lại ở cõi đó suốt trăm ngàn ức kiếp dạo khắp giáo hóa, thị hiện quyền trí mà như không có quyền trí, không thấy người được quyền trí hóa độ.

Tuy ở cõi đó mà tâm như hình bóng, dợn nắng, ảnh trong gương, tâm không có niệm, trải qua số kiếp dài lâu truy tìm không thấy nguồn cội, ở trong khoảng thời gian ấy sanh tâm giải đãi.

Bồ Tát lại không nghĩ chúng sanh dễ giáo hóa: Ta trong một ngày, một đêm giáo hóa khắp nơi, khắp cả hằng sa Thế Giới Chư Phật suốt ức ngàn vạn kiếp. Trong pháp giáo hóa của Chư Phật, ta là thù thắng. Đại Bồ Tát nhập Đạo tánh vô tướng định như vậy phân biệt rõ ràng các lỗ chân lông trên thân, dạo khắp giáo hóa cũng không mệt mỏi, nhàm chán.

Người không nhận lãnh giáo hóa, không quá lo lắng về dâm, nộ, si thì Bồ Tát làm thanh tịnh Thế Giới ấy, hướng dẫn họ đến nơi đại hội của Đức Như Lai, nhưng Bồ Tát không thấy có dài ngắn, khởi niệm bất tịnh.

Vì sao?

Đại Bồ Tát ở trong vô lượng pháp giới hàng phục tâm ý, nhẫn với các trần lao, hạnh chưa từng có, hạnh không thể ví dụ, hạnh kiến lập tinh tấn đều phân biệt rõ, định bất tư nghị, định vô đạo tướng, định chân tế tướng là một chứ không phải hai cũng không sai biệt.

Bồ Tát làm cho chúng sanh phân biệt đạo tướng. Với pháp hữu tục, vô tục. Hữu lậu, vô lậu. Hữu vi, vô vi. Hữu ký, vô ký. Hữu dục, vô dục không thấy cùng đạo tướng tương ưng cũng chẳng phải không tương ưng.

Đạo tướng không cùng hữu tục, vô tục. Hữu lậu, vô lậu. Hữu ký, vô ký. Hữu dục, vô dục tương ưng cũng chẳng phải không tương ưng.

Đạo tướng không cùng mười hai nhân duyên tương ưng cũng chẳng phải không tương ưng. Cũng không tương ưng với duyên si, hữu ái, sanh, lão, bệnh, tử. Mười hai nhân duyên không cùng đạo tương ưng cũng chẳng phải không tương ưng.

Duyên si, hữu ái, sanh, lão, bệnh, tử không cùng đạo tương ưng cũng chẳng phải không tương ưng. Như vậy, này Tối Thắng, Đại Bồ Tát đắc Đạo tướng định ý này thì không thấy tương ưng, không thấy không tương ưng.

Đó gọi là Đại Bồ Tát ở trong đạo tướng định ý tương ưng với pháp không tương ưng, với định vô tướng cũng không thấy tương ưng, cũng không thấy chẳng tương ưng. Đó gọi là tương ưng với pháp không tương ưng, chẳng phải pháp mà hàng La Hán, Bích Chi Phật có thể biết.

Vì sao?

Vì chẳng phải là cảnh giới của họ. Chư Phật Thế Tôn không thể nghĩ bàn vào khắp tất cả mười phương Thế Giới hiện các tướng tốt, oai nghi, lễ tiết, mười tám pháp biến hóa, Sư Tử phấn tấn vô úy tam muội.

Này Tối Thắng, lúc đó Đại Bồ Tát đầy đủ đạo tướng định ý của Như Lai, không xả bỏ định ý thệ nguyện Kim Cang dùng pháp độ của Chư Phật Độ người chưa được độ nhưng cũng không thấy độ, cũng không thấy không độ.

Tâm vị Đại Bồ Tát trong khoảnh khắc một niệm từ tam muội khởi, không xả bỏ chúng sanh khổ ách ở mười phương, suy tư, tìm đến nơi cấp thí tứ sự y phục, thức ăn, voi ngựa, bảy báu, giường chiếu đồ nằm, thuốc trị bệnh. Dùng quyền tuệ độ tất cả chúng sanh. Tất cả vì chúng sanh không vì bản thân.

Bồ Tát đi từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác giáo hóa xiển dương chánh pháp cũng không có tâm chán đủ, đi vào các Cõi Phật khiến chúng sanh ở các nơi đó đều được nghe giáo pháp. Với người chưa giác ngộ, Bồ Tát làm hưng long Phật Sự, hiện Nhất thiết trí, biết rõ tâm niệm của họ rồi đến nơi đó giáo hóa.

Bồ Tát nhập đạo tướng định ý này thể nhập tâm ý thức của các loại chúng sanh trong khắp hằng sa ương số Cõi Phật, quán sát niệm khởi của chúng sanh, phân biệt hạnh đã làm trong quá khứ của họ hướng theo đường địa ngục, ngạ quỷ hay súc sanh, hướng theo Thiên Đạo hay nhân đạo.

Đại Bồ Tát trong khoảnh khắc khảy móng tay đều có thể phân biệt hướng sanh của chúng sanh như thế, hoặc có chúng sanh tu hành thiện đạo tương ưng với đạo tướng định, Bồ Tát cũng biết chúng sanh đó có tâm Tiểu Thừa, tâm Bích Chi Phật hay tâm Bồ Tát.

Như thế, Đại Bồ Tát đi khắp các Cõi Phật lễ bái, phụng sự Chư Phật Thế Tôn, làm thanh tịnh các Cõi Phật, làm sung mãn các ý niệm của tất cả chúng sanh.

Bồ Tát ở các Cõi Phật hoặc thấy loại chúng sanh có tâm xan tham liền tự thân thị hiện bố thí lớn, ở Cõi Phật đó dựng lên lọng bố thí, dùng Phạm âm thanh tịnh thông báo cho tất cả mọi người: Chư Hiền nên biết, tôi tên Nhất Thiết thí vô cầu báo.

Nếu có ai thiếu thốn vật gì từ y phục, thức ăn uống, thuốc trị bệnh, giường nằm… cho đến tài sản Quốc Gia, vợ con, ngựa voi, bảy báu, tôi đều cấp cho. Bồ Tát bố thí từ sơ phát tâm đến khi thành Phật, trừ ba điều không bố thí còn ngoài ra đều bố thí tất cả.

Ba điều đó là gì?

Một là cha, hai là mẹ, ba là sư trưởng. Đó gọi là vị Lập căn Bồ Tát ở các Cõi Phật thực hành bố thí. Lại nữa, Đại Bồ Tát dùng quyền phương tiện khéo léo dạo khắp hằng sa cõi nước ở mười phương, thấy chúng sanh nào có tâm lười biếng thì thị hiện thân trì giới, thực hành mười tám pháp, hoặc ở dưới cội cây, nơi đồng trống, trong hang sâu, nơi chốn núi cao, ẩn cư trong rừng sâu ân cần tôn thờ giữ gìn giới pháp không phạm.

Khi đi vào nhân gian thì giữ gìn oai nghi lễ tiết ra vào, đi đứng, khi đi, khi ngồi tâm luôn dè dặt, trọn không rời giới, ngộ rõ cấm giới vốn không sở hữu, có sanh thì đều có diệt, tất cả là vô thường: Thân ta và thân người là một chứ không khác. Đến như cảnh thanh tịnh, từ địa này đến địa khác lên đến Thập Địa, Bồ Tát không thấy Thập Địa là ngăn ngại, cũng không thấy đạt đến Thập Địa là vô ngại.

Giống như chim bay trên hư không không có dấu chân, ngộ rõ vạn vật đều không như hư không, vật cũng là phi vật, phi vật cũng là vật.

Đại Bồ Tát cũng như vậy, dạo đến vô lượng các Cõi Phật, không cả tâm hoằng thệ kiên cố, nhiếp hóa chúng sanh giải đãi kia an trụ thể nhập vào đạo tướng chánh định.

Lại nữa, Đại Bồ Tát dùng trí tuệ quyền xảo đến hằng sa cõi ở mười phương thấy chúng sanh có tâm giải đãi, luôn sân hận chưa có khi nào tâm an vui, Bồ Tát ở đó hiện thân nhẫn nhục.

Nếu có người mắng chửi vẫn lặng im mà không đáp lại. Nếu có người chặt đứt tay chân, hủy phá thân hình, tâm Bồ Tát vẫn không đổi khác, không khởi ý phẫn nộ, giữ tâm như đất, quán rõ thân này do bốn đại hợp thành thần thức lìa khỏi thì tan hoại, có gì đáng quý.

Bậc trí phân biệt thân này chẳng phải là một nên không khởi tâm tham. Cũng như người đồ tể xẻ con bò thành bốn phần, biết rõ thân đó thỉ chung đều không có gì để sở hữu, Bồ Tát Đại Sĩ cũng như vậy, ngộ rõ thân này là vô chủ cũng không có gì để sở hữu.

Thân này là gì?

Thân này của ai?

Danh tướng, tên gọi đều không chân thật. Hoặc có Bồ Tát do nhân thiền định thực hành nhẫn nhục, ở nơi đồng trống vắng vẻ không người ngồi thẳng thân dưới cội cây nhất tâm tư duy.

Người đi đường và kẻ chăn bò mang vác cỏ và củi đi qua bên cạnh dùng ngọn cỏ ngoáy vào lỗ mũi Bồ Tát, hoặc thọc vào lỗ tai Bồ Tát. Bồ Tát tư duy đã thuần thục, nhìn thấy xong lại nhắm mắt, tâm ý vắng lặng, ý không loạn cũng không có tưởng khác.

Hoặc có kẻ đi thẳng đến dùng gạch ngói, đá quăng ném làm vỡ đầu, sưng mắt, hủy hoại thân thể Bồ Tát. Tâm Bồ Tát cũng không biến đổi, không khởi loạn tưởng. Đó gọi là Đại Bồ Tát do nhân thiền định thực hành nhẫn nhục, tiếp độ chúng sanh không thể nhớ nghĩ hết.

Lại nữa, Đại Bồ Tát dùng lực bất tư nghị đến hằng sa cõi nước ở mười phương, thấy có chúng sanh luôn có tâm lười biếng, kiêu mạn.

Bồ Tát ở nơi đó hiện thân tinh tấn, nhiếp hóa chúng sanh an trụ nơi giải thoát. Khi ấy Bồ Tát vì một chúng sanh nên suốt trăm ngàn kiếp tâm không giải đãi cũng không cảm thấy mệt mỏi, nhàm chán.

Vì sao?

Vì Bồ Tát đã liễu đạt pháp giới không, không sở hữu, dùng đạo pháp của Như Lai mà độ thoát cho người đó. Tuy độ chúng sanh mà không thấy độ, cũng không thấy không độ.

Đó gọi là Đại Bồ Tát chuyên chú tinh cần, tâm không biến đổi cũng không có tưởng khác. Bồ Tát ở trong đó nhận lãnh khổ não. Hoặc gặp lúc cõi đó kiếp thiêu lửa cháy lên tận Phạm Thiên, hoặc gặp lúc nước dâng lên tới Phạm Thiên, hoặc gặp gió thổi đến các cõi làm vỡ nát như bụi sương, Bồ Tát luôn ở đó giữ gìn các loại chúng sanh, làm cho họ an trụ giải thoát, không hoảng loạn. 

Đó gọi là Đại Bồ Tát đến hằng sa cõi nước ở mười phương, thấy tâm chúng sanh loạn không định, Bồ Tát ở đó hiện thân Tọa Thiền, hoặc ngồi nơi thôn xóm, hoặc ngồi ở cội cây, hoặc ngồi ở hang sâu, trong rừng núi trải qua trăm ngàn kiếp tâm không có tưởng khác, dẫn độ chúng sanh khiến tâm họ không loạn động.

Lúc bấy giờ Bồ Tát ở bên đường nhập định, tam muội đó tên là hình tưởng định. Người nhập định này hoặc trải qua một kiếp cho đến trăm ngàn kiếp, Trời đất vỡ tan, núi sông cây cối đều tan nát, các nguồn suối, sông, biển đều khô cạn, Bồ Tát ngồi thiền nhập định, tâm không biến đổi cũng không có tưởng hư hoại.

Có kẻ chăn bò vác củi và cỏ đi qua bên cạnh, hoặc dùng ngọn cây thọc vào mũi, hoặc chọt vào tai, hoặc lấy tay vén mí mắt để nhìn, hoặc banh miệng để xem răng, hoặc nắm giật tóc trên đỉnh đầu nhưng không thể được, hoặc dùng dao bén cắt móng tay Bồ Tát nhưng không thể được.

Vì sao?

Đều là vì sức oai thần của thiền định không thể phá hoại của Bồ Tát. Chư Phật mười phương lại thêm sức oai thần khiến Bồ Tát không gặp khổ não. Đó gọi là Đại Bồ Tát đến hằng sa cõi nước ở mười phương thấy chúng sanh có tâm ý loạn liền tự nhập định, từ kiếp này đến kiếp khác không mệt mỏi, nhàm chán.

Lại nữa, Đại Bồ Tát lại dùng quyền phương tiện khéo léo đi đến hằng sa cõi nước, quán thấy chúng sanh có tâm ngu si mê hoặc, Bồ Tát ở nơi đó thị hiện trí tuệ, vì chúng sanh đó phân biệt nghĩa thú, tư duy các việc ở hiện tại và các việc ở ba Đời. Con đường thứ lớp của các địa, từ địa đến địa, từ vô địa đến địa.

Cũng như chim bay không bị ngăn ngại, Bồ Tát cũng như thế, chẳng phải hình tượng là hình tượng, hình tượng là chẳng phải hình tượng, chẳng phải vật là vật, vật là chẳng phải vật.

Thế nào là chẳng phải hình tượng là hình tượng, hình tượng là chẳng phải hình tượng?

Khi ấy Bồ Tát nhập hư không tế định ý chánh thọ quán Thế Giới phương khác, quả thuốc, cây cối, núi sông, đá vách đều rỗng không như hư không.

Đại Bồ Tát cũng như thế, thấy tất cả Thế Giới như hư không bình đẳng. Đó gọi là Đại Bồ Tát quán chẳng phải hình tượng là hình tượng, hình tượng là chẳng phải hình tượng.

Chẳng phải vật là vật cũng như vậy. Bồ Tát lại thể nhập, thị hiện chúng trí tự tại định ý, trừ bỏ tưởng ngu si ám muội cho chúng sanh, khiến họ đều an trú đến bờ giải thoát bên kia.

Đó gọi là Đại Bồ Tát đến mười phương vô lượng Thế Giới quán thấy chúng sanh có tưởng ngu si mê hoặc, vì họ hiện tuệ sáng để họ vĩnh viễn không còn ngu tối.

***