Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ

PHẬT THUYẾT KINH TỐI THẮNG

HỎI VỀ VIỆC TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

CỦA BỒ TÁT THẬP TRỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM HAI MƯƠI NĂM

PHẨM THÂN KHẨU Ý
 

Bấy giờ Bồ Tát Tối Thắng ở trước Đức Phật thưa: Tất cả các pháp đều như ảo hóa.

Trong pháp ảo hóa giáo hóa chúng sanh, thanh tịnh Quốc Độ như thế nào?

Tịnh trừ ba tưởng ngã, nhân, thọ mạng như thế nào?

Từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác hầu cận cúng dường Chư Phật Thế Tôn như thế nào?

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Lành thay! Lành thay! Chỉ ông mới có thể ở trước Như Lai cất tiếng Sư Tử rống.

Lắng nghe! Lắng nghe! Hãy khéo tư duy ghi nhớ. Ta nay sẽ giảng nói nghĩa đó cho ông. Tối Thắng nên biết, Đại Bồ Tát luôn nhớ tu tập thực hành pháp của thân, khẩu, ý. Quán rõ các pháp như ảo, như hóa. Quá khứ, hiện tại, vị lai đều không nương chấp.

Lúc đó trên tòa có vị Bồ Tát tên Hoan Lạc ở trước Đức Phật thưa: Bạch Thế Tôn, nếu có chúng sanh ưa thích pháp bổn sâu xa, lại cúng dường. Thân, khẩu, ý thanh tịnh, các căn thuần thục thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Đẳng Từ thưa: Vị nào thực hành tâm từ thương xót tất cả chúng sanh, ngộ rõ văn tự, đều không bị chấp trước văn tự, không thấy pháp của thân, khẩu hành, ở trong đó đắc được pháp thanh tịnh thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Ngài Nhu Thủ Đồng Chân nói: Nói tất cả các pháp bổn mà không thấy nói, không thấy pháp tưởng, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Viêm Quang nói: Phật pháp không hai cũng không thấy hai, dừng dứt các kiết sử chấm dứt không khởi diệt, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Liên Hoa Kết nói: Có thể đi khắp nơi, đến cõi nước mười phương thấy cõi nước thanh tịnh mà khởi tưởng thanh tịnh, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Quang Minh nói: Tất cả các pháp đều quy về nơi không quy về, với thân, khẩu, ý cũng không khởi tưởng diệt, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát pháp Tịnh nói: Tất cả các pháp đều quy về không, nhập chánh định, thu nhiếp tâm ý không loạn, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Liên Hoa Hành nói: Ở trong pháp Bổn vô thực hành pháp vô tận, ở trong pháp vô tận thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Chánh Đẳng nói: Biết khổ, biết vui cũng không có khổ vui, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý hì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Trừ Nộ Tạng nói: Ngộ rõ tất cả các pháp nên không khởi tâm phẫn nộ, ở trong pháp không khởi tâm phẫn nộ thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Sư Tử Đồng Chân nói: Với ba pháp căn bổn không dâm dục, giận dữ, si mê, cũng không thấy sắc có khởi, có diệt, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Thí Bảo nói: Ngã, nhân, thọ mạng có khởi, có diệt, ngộ rõ các pháp đều không khởi diệt, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Dõng Tuệ nói: Pháp môn tổng trì không thấy có pháp quy thú, ở trong pháp không quy thú thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Hiền Hộ nói: Danh Hiệu là hư dối không nên giữ gìn. Kẻ phàm phu ngu muội cho là chân thật, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Nguyệt Quang nói: Với tánh Như thị của pháp chân như bổn tế tu tập phạm hạnh thanh tịnh, không thấy tánh như thị của chân như, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Thiện Lai nói: Dùng hương giới đức xông ướp khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới, hương theo gió thổi đến khắp nơi nhưng không thấy có hương cũng không thấy có gió, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Bất Tư Nghị nói: Vô vi không lìa hữu vi, hữu vi không lìa vô vi, ngộ rõ hữu vi, vô vi đều vô sở hữu, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Khiết Tịnh nói: Các vị sanh ở Cõi Trời Tịnh Cư không thấy phước hạnh thanh tịnh Cõi Trời, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Chí Thành nói: Không thấy tâm chí thành sẽ phạm bốn pháp, không thấy tâm dối trá sẽ thọ nhận hậu báo, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Thiện Quán nói: Ngộ rõ tất cả sắc tưởng là vô sắc tưởng, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Bảo Anh nói: Ở trong sanh tử quán thấy chúng sanh có khổ, có vui, lại quán tự thân cũng khổ, vui như họ, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Vô Hủy Căn nói: Với các kiết sử biết rõ vốn là thanh tịnh, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Thường Tiếu nói: Với các pháp căn bổn không thấy ngô ngã, lại cũng không thấy pháp tạo ngô ngã, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Thường Bi nói: Thực hành bốn tâm bình đẳng từ, bi, hỷ, hộ xả biến khắp Cõi Phật nhưng không thấy pháp bốn tâm bình đẳng đó cứu giúp chúng sanh, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Phạm Ý nói: Độ chúng sanh tà kiến an lập chánh kiến nhưng ở trong pháp chánh kiến không thấy chánh tà, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Bố Diễn nói: Tâm hoằng thệ kiên cố không nghiêng theo đạo tiểu thừa, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Dũng Sĩ nói: Cứu độ chúng sanh không nhiễm tam hữu, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Tâm Thắng nói: Tu tập thành tựu trí tuệ nhẫn nhục, luôn tinh tấn tu tập, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Điện Âm nói: Với nguồn cội của các pháp thiện, quán pháp giới đó không tăng, không giảm, không thấy các pháp có chỗ nương trú, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Vô Yếm Hoạn nói: Lấy hằng sa kiếp làm một ngày, mười lăm ngày là nửa tháng, ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một tuổi, trải qua suốt ức trăm ngàn kiếp mới có một Đức Phật xuất hiện soi sáng thế gian.

Dùng phương tiện cúng dường hằng sa Đức Như lai, tu tập phạm hạnh thanh tịnh sau đó mới được thọ ký. Tu đạo Bồ Tát chưa từng nhàm chán họa khổ sanh tử, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Trụ Thọ nói: Luôn dùng thần túc cải hóa sáu mươi hai kiến, ở trong sáu mươi hai kiến thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Tận Ý nói: Quán nguồn cội các pháp là không, không sở hữu, pháp sanh tự sanh, pháp diệt tự diệt. Pháp pháp cùng nhau sanh, pháp pháp cùng nhau diệt. Sanh, không biết sanh. Diệt, không biết diệt, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Tâm Quảng nói: Tâm nghĩ nhớ hơi thở ra vào, phân biệt rõ ràng từng hơi thở không mất thứ tự, không thấy hơi thở ra, cũng không thấy hơi thở vào, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Thiện Thắng nói: Phân biệt ba đời là từ đâu khởi, là từ đâu diệt, không thấy khởi cũng không thấy diệt, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Trì Cấm nói: Không thấy trì giới và hủy giới, không thấy hủy giới sẽ vào địa ngục, không thấy trì giới sẽ nhận lãnh phước báo Cõi Trời, ở trong đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Vô Úy nói: Tu tập bốn pháp thần túc, với bốn pháp ý chỉ không có tâm khiếp nhược. Tâm vốn không có nguồn gốc, không thấy nguồn cội của tâm, ở trong pháp đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Vô Lượng Tuệ nói: Nếu có vị nào phát tâm từ thương xót tất cả chúng sanh, dạo đến vô lượng Thế Giới phương khác muốn độ chúng sanh mà không cho là mỏi mệt, không thấy pháp độ cũng không thấy người độ, ở trong pháp đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Bảo Thí nói: Làm phát triển bốn ân, gần gũi Tam Bảo, tâm nhân từ thương yêu bố thí làm lợi ích cho mọi người nhưng không thấy nhận lãnh quả báo công đức của bốn ân, ở trong pháp đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Hủy Căn nói: Nhìn tất cả chúng sanh như con ruột, muốn tự gìn giữ thân phải hộ trì cho người khác, làm chúng sanh an ổn đến bờ giải thoát mà không thấy có người diệt độ đến bờ giải thoát, ở trong pháp đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Tịch Chí nói: Phật là Đấng Bất tư nghị, phước báo khó lường, các căn tịch định. Có đức tin như thế, không khởi tâm tham ganh, ở trong pháp đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Hộ Thân nói: Thành tựu Phật Đạo, thân có tướng tốt. Sau khi nhập Niết Bàn, Xá Lợi lưu bố khắp nơi bốn phương, tám hướng và phương Trên, phương Dưới đều sung mãn.

Trời, Rồng, Quỷ, Thần đều tôn kính, phụng thờ nhưng cũng không thấy có ai nhờ Xá Lợi mà được giáo hóa. Ở trong pháp đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Hương Thủ nói: Mỗi lỗ chân lông tỏa ra vô lượng hương thơm. Mỗi mùi hương phát ra vô lượng ngôn giáo tế độ chúng sanh không cùng tận. Sức oai thần thần túc vòi vọi vô lượng đều làm cho chúng sanh phát tâm đạo vô lượng.

Trong số chúng sanh đó, có vị không tương ưng với đạo chánh chân, hoặc thành tựu đạo Thanh Văn, Duyên Giác, hoặc sanh lên Cõi Trời rồi sanh trở lại thân người, tâm không có oán hận đạo Đại Thừa cao quý cũng không có tâm hổ thẹn vì độ hạng người Tiểu Thừa. Ở trong pháp đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Hoằng Thệ nói: Ở trong chốn nhiễm ô không bị nhiễm ô, với tám pháp thế gian không khởi tưởng chấp trước, ở trong pháp đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Mẫn Cứu nói: Đạo là hai, vô đạo là một. Không thấy một cũng không thấy hai, ở trong pháp đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Vô Thượng nói: Có Phật, có pháp thì không thành tựu đạo giác ngộ. Không Phật, không pháp mới thành tựu đạo giác ngộ, nhưng không thấy thành tựu cũng chẳng thấy không thành tựu. Ở trong pháp đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Phụng Đức nói: Chúng sanh hiện hữu tự lập danh hiệu là nam, là nữ, ngã, nhân, thọ mạng. Ngộ rõ bổn tánh đều không có nam nữ cũng không thấy từ chỗ này sanh đến chỗ kia, từ chỗ kia sanh đến chỗ này, phải biết pháp hợp hội giả dối, chẳng phải chân thật.

Ở trong pháp đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Mục Kiến nói: Với các hình sắc hiện hữu ngộ rõ là không có hình sắc. Sắc ngã thức đó trong ngoài đều không hình tượng, ngộ rõ tánh của sắc là Không, đều không có sanh diệt. Ở trong pháp đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Diệu Cẩm nói: Nguồn cội của ngô ngã, thọ mạng tự thể là không chủ tể giống như có người với âm thanh bên ngoài dùng tai để nghe, dùng tai để nhận thức, suy tư âm thanh đó bản chất là vô hình. Ở trong pháp đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Thường Trụ nói: Nếu với bảy pháp phân biệt rõ ràng từng pháp, không quan hệ với tam xứ, không cầu ngũ quả, ở trong pháp đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Huyền Thông nói: Tịch hay không tịch đều là dơ uế. Giới hay không giới đều là dơ uế. Nhẫn hay không nhẫn đều là dơ uế. Không thấy nhẫn cũng chẳng thấy không nhẫn. Ngộ rõ nhẫn nhục chẳng phải là tịch hay không tịch. Ở trong pháp đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bồ Tát Hương Huân nói: Không thấy ấm cái, bệnh thùy miên, xan tham, lời nịnh hót dụ dỗ, tâm hoảng loạn, phạm giới. Ở trong pháp đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Bấy giờ Bồ Tát Tối Thắng từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ thẳng, chắp tay bạch Phật: Lành thay! Lành thay! Bạch Đức Thế Tôn, con cũng ưa muốn nói trí tuệ của Bồ Tát thanh tịnh thân, khẩu, ý. Hiện khắp tất cả, không có quá khứ, hiện tại, vị lai.

Thanh tịnh như thế trụ nơi vô trụ. Các pháp ảo hóa không thể truy tìm, ví như ánh sáng Mặt Trăng soi bóng trăng trong nước. Chư Phật Thế Tôn cũng như thế, cũng không sanh diệt, không thủ Niết Bàn. Ở trong pháp đó thanh tịnh thân, khẩu, ý thì gọi là trí tuệ của Bồ Tát.

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Thế nào Tộc tánh tử, ông quán nghĩa gì mà ở trước Như Lai nói nghĩa trụ nơi vô trụ đó?

Ngài Tối Thắng thưa: Pháp mà Như Lai trụ là chân như, trụ trong pháp chân như giống như trụ chỗ chúng sanh.

Đức Phật hỏi: Thế nào là pháp mà Như Lai trụ là chân như, trụ trong pháp chân như giống như trụ chỗ chúng sanh?

Ngài Tối Thắng thưa: Trụ chỗ chúng sanh giống như trụ pháp hữu vi, giống như không có pháp để trụ.

Đức Phật hỏi: Thế nào là trụ chỗ chúng sanh giống như trụ pháp hữu vi, giống như không có pháp để trụ?

Ngài Tối Thắng thưa: Pháp mà Như Lai trụ, trụ mà không có pháp để trụ.

Đức Phật hỏi: Thế nào là từ đệ nhất nghĩa không mà trụ?

Ngài Tối Thắng thưa: Bạch Thế Tôn, chẳng phải thế.

Đức Phật hỏi: Thế nào Tộc Tánh Tử, pháp mà Như Lai trụ giống như phàm phu trụ chăng?

Ngài Tối Thắng thưa: Bạch Thế Tôn, chẳng phải vậy.

Đức Phật hỏi: Chẳng trụ trong pháp Như Lai, chẳng trụ trong pháp phàm phu thì làm thế nào từ trong pháp đó thành tựu Chánh Giác?

Ngài Tối Thắng thưa: Không phải từ pháp Như Lai và pháp phàm phu mà thành tựu Chánh Giác.

Đức Phật hỏi: Thế nào Tộc tánh tử, pháp chân như chí chân so với pháp phàm phu địa có sai biệt không?

Ngài Tối Thắng thưa: Bạch Thế Tôn, điều đó giống như muốn làm cho hư không có sai biệt vậy.

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Tất cả các pháp đều không, đều vắng lặng, không có sai biệt.

Ngài Tối Thắng bạch Phật: Vì các pháp đó không thể hộ trì nên tướng không có tướng, trụ trong pháp chân như giống như không có pháp để trụ.

Khi ấy Bồ Tát Tối Thắng hỏi Ngài Nhu Thủ Đồng Chân: Trụ như thế nào mới là trụ?

Vô trụ như thế nào mới là vô trụ?

Ngài Nhu Thủ đáp: Pháp gọi là trụ đó chính là trụ pháp chân như, là trụ trong vô sở trụ. Ngộ rõ bốn đẳng tâm, trụ mà không có pháp để trụ nên gọi là trụ, tức trụ trong vô sở trụ.

Ngài Tối Thắng hỏi: Pháp trụ mà tôi hỏi chẳng phải bốn pháp đẳng tâm, cũng chẳng phải pháp cùng loại như thế.

Hoặc ở chỗ nhàn tĩnh, hoặc ở trong xóm làng, hoặc ở nơi gò mả, hoặc ở dưới tàng cây có thể gọi đó là trụ không?

Ngài Nhu Thủ đáp: Pháp trụ mà tôi gọi là bốn đẳng tâm đó tức là tâm được định chỉ chân chánh, vì kiểm soát tâm khiến niệm ác không khởi nên gọi là trụ.

Ngài Tối Thắng hỏi: Tâm được định chỉ chân chánh là thế nào?

Ngài Nhu Thủ đáp: Tuệ nghĩa là gốc nên gọi là định chỉ chân chánh.

Ngài Tối Thắng lại hỏi: Tuệ là vô bổn cũng không rốt ráo, có thể từ tri kiến mà thành tựu định chỉ chân chánh không?

Ngài Nhu Thủ đáp: Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời Ngài nói, trước tự quán ngã sau mới thanh tịnh trí tuệ.

Ngài Tối Thắng lại hỏi: Thưa Ngài Nhu Thủ, như thế nào là trước tự quán ngã?

Ngài Nhu Thủ đáp: Các pháp vô ngã đến tận pháp chân như, tự thể của ngã là vô ngã, chẳng khởi cũng chẳng phải không khởi. Đó gọi là ngã tự quán ngã.

Ngài Tối Thắng lại hỏi: Thưa Ngài Nhu Thủ, nếu theo nghĩa mà đắc, không theo nghĩa mà đắc, tự quán ngã là quán hình Tượng Phật thì giả sử có ngã thì có Phật sao?

Tự thể của ngã là vô ngã sao lại có Phật?

Không hiện ngôn từ, ngôn từ cũng vô ngã thì làm thế nào quán hình Tượng Phật được?

Ngài Nhu Thủ nói: Các ngôn từ nói quán ngã thì ngã đó tức là vô ngã. Đó gọi là quán ngã.

Vì sao như vậy?

Phàm quán ngã tức là quán các pháp, quán các pháp tức là quán Phật. Phật là vô hình nên cũng không thể thấy.

Ngài Tối Thắng hỏi: Phải chăng có phương tiện đó thì khiến các pháp không thành tựu đạt đến chánh kiến?

Ngài Nhu Thủ đáp: Có phương tiện đó thì làm cho các cảnh hữu vi không thành tựu an lập chánh kiến.

Ngài Tối Thắng lại hỏi: Thế nào, thưa Ngài Nhu Thủ, chánh phương tiện như vậy là chánh kiến chăng?

Ngài Nhu Thủ đáp: Không vì tận chứng cũng không có quả báo, cũng không chấp thủ quả báo nên gọi là chánh kiến.

Ngài Tối Thắng lại hỏi: Thấy như thế nào?

Ngài Nhu Thủ đáp: Không dùng mắt tuệ thấy các pháp, chẳng phải không dùng mắt tuệ thấy các pháp. Không dùng hữu vi, không dùng vô vi thấy các pháp.

Vì sao?

Phàm mắt tuệ cũng không thấy cảnh hữu vi, cũng không thấy cảnh vô vi. Không có mắt hữu vi thấy cảnh hữu vi, cảnh vô vi.

Ngài Tối Thắng lại hỏi: Thế nào, thưa Ngài Nhu Thủ, phải chăng có phương tiện mà từ cái thấy bình đẳng đó nên thành tựu các quả chứng của Tỳ Kheo?

Ngài Nhu Thủ đáp: Không phải từ cái thấy bình đẳng mà thành tựu quả chứng đó, cũng không phải lìa cái thấy bình đẳng mà thành tựu quả chứng đó. Ngài Tối Thắng nên biết, tất cả đều do dục mong cầu ngũ cấu mà thành tựu. Ngộ rõ nghĩa này mới thành tựu quả chứng đắc.

Ngài Tối Thắng lại hỏi: Thế nào là do dục mong cầu ngũ cấu mà thành tựu?

Ngài Nhu Thủ đáp: Cấu uế là gốc của tâm, tâm là gốc của đạo. Đạo là vô hình không thể thấy. Do vậy nên thành tựu quả chứng đắc.

Ngài Tối Thắng lại hỏi: Đạo là vô hình không thể thấy thì làm thế nào thành tựu quả chứng đắc?

Ngài Nhu Thủ đáp: Đạo mà tôi chứng được do quả chứng đó, thành tựu quả chứng thì chẳng phải là đạo. Kẻ phàm phu ngu si cho quả chứng là đạo. Chẳng nên nghĩ như vậy.

Vì sao?

Đạo chẳng phải là quả chứng. Quả chứng chẳng phải là đạo cũng không lìa đạo, cũng không lìa quả chứng.

Ngài Tối Thắng lại hỏi: Đạo và quả chứng không sai biệt chăng?

Ngài Nhu Thủ đáp: Đạo là vô vi nên không thể thấy. Quả chứng hữu vi cũng không thể thấy. Đó gọi là sai biệt.

Ngài Tối Thắng lại hỏi Ngài Nhu Thủ: Theo lời Nhân giả nói phải chăng là từ hữu tế đạt đến vô tế?

Ngài Nhu Thủ đáp: Các pháp chưa sanh cũng không thấy sanh, chẳng phải không có sanh, sanh cũng là vô sanh. Không thấy đã sanh cũng chẳng phải không có đã sanh. Phàm đã sanh cũng không phải là đã sanh. Các pháp không phải đang sanh, chẳng phải không có đang sanh. Ngộ rõ đang sanh đều vô sở hữu, đó gọi là từ hữu tế đạt đến vô tế.

Ngài Tối Thắng lại hỏi: Không từ hữu sanh đạt đến vô tế sao?

Ngài Nhu Thủ đáp: Từ hữu sanh đắc được vô tế.

Ngài Tối Thắng lại hỏi: Từ vô sanh đắc được vô tế chăng?

Ngài Nhu Thủ đáp: Đúng vậy! Từ vô sanh đắc được vô tế.

Ngài Tối Thắng hỏi: Thế nào, thưa Ngài Nhu Thủ, từ hữu sanh đắc được vô tế, từ vô sanh đắc được vô tế có gì khác biệt?

Ngài Nhu Thủ đáp: Sanh cũng là vô sanh, vô sanh cũng là vô sanh. Đó gọi là khác biệt.

Ngài Tối Thắng lại hỏi: Sanh đã có hình tướng, vô sanh thì không tên gọi, khác biệt như thế nào?

Lúc đó Ngài Nhu Thủ nói với Ngài Tối Thắng: Tôi vì Ngài mà nêu ví dụ, kẻ sĩ có mắt do ví dụ mà tự rõ.

Thế nào, thưa Ngài Tối Thắng, hư không có hình tướng chăng?

Ngài Tối Thắng đáp: Không có.

Ngài Nhu Thủ hỏi: Hư không có chánh kiến không?

Ngài Tối Thắng đáp: Không có.

Ngài Nhu Thủ lại hỏi: Hư không thì thế nào?

Ngài Tối Thắng đáp: Hư không thì rỗng không.

Ngài Nhu Thủ lại hỏi: Hư không rỗng không thì thế nào?

Ngài Tối Thắng đáp: Các pháp hư không là rỗng không.

Ngài Nhu Thủ hỏi: Thế nào là các pháp hư không là rỗng không?

Ngài Tối Thắng đáp: Các pháp không nói, không thuyết rỗng không như hư không.

Ngài Nhu Thủ hỏi: Các pháp không nói, không thuyết vì sao rỗng không như hư không?

Bấy giờ Ngài Tối Thắng im lặng không trả lời.

Lúc đó Thế Tôn bảo Ngài Tối Thắng: Lành thay! Lành thay! Này Tộc tánh tử, ngộ rõ vô một cách chân chánh thì không có đạo của Niết Bàn. Đạo là vô hình cũng không thể thấy, không nói, không dạy cũng không có người nhận lãnh.

Khi Thế Tôn nói pháp vô hình này, tất cả chúng sanh đều vui mừng chưa từng có. Chín ngàn vị Tỳ Kheo giải thoát tâm hữu lậu, hai vạn bảy ngàn vị Thiên Tử chấm dứt các trần cấu, đắc pháp nhãn thanh tịnh.

Lại có một ngàn hai trăm vị Trời và người thế gian phát tâm đạo vô thượng chánh chân. Năm ngàn vị Bồ Tát ngay tại chỗ ngồi đắc pháp nhẫn bất khởi.

Lúc ấy, trên tòa có vị Quỷ Vương Vô Úy tự thân dẫn chúng quỷ của mình đến trước Đức Phật thưa: Chúng con ngu hoặc mãi mãi ở trong chốn mê muội, hôm nay mới được nghe giáo pháp vô hình. 

Nếu có vị thiện nam, thiện nữ giữ gìn, tụng đọc Kinh Điển này, chúng con luôn luôn ủng hộ họ đến khi đạt rốt ráo thành Phật, để họ không bị nạn tai.

Lúc đó Quỷ Vương đọc chú: Na la già la a tỳ ha ha. Con sẽ ủng hộ các vị thiện nam, thiện nữ trì tụng Thần Chú này khiến họ tụng đọc Kinh Điển ghi nhớ mãi trong tâm.

Khi ấy Phạm Vương từ chỗ ngồi đứng dậy, dẫn các vị tùy tùng đến trước Đức Phật thưa: Con sẽ ủng hộ vị thiện nam, thiện nữ giữ gìn, tụng đọc Kinh Điển này, trong khu vực trăm do diên, ngàn do diên không để cho tà giáo ngoại đạo làm hại vị thiện nam, thiện nữ đó.

Phạm Vương liền ở trước Đức Phật nói chú: Y la tỷ châu na tỳ gia xà lê da. Con sẽ ủng hộ vị thiện nam, thiện nữ đó đến rốt ráo thành Phật, không để họ bị nạn tai.

Bấy giờ Thích Đề Hoàn Nhân cũng dẫn tùy tùng đến trước Đức Phật thưa: Nếu có vị thiện nam, thiện nữ giữ gìn, tụng đọc Kinh Điển này, chúng con sẽ ủng hộ họ đến rốt ráo thành Phật, không để họ bị nạn tai.

Vị ấy nói chú: Lưu già da ma na na tăng cầu thời na tả. Con sẽ ủng hộ vị thiện nam, thiện nữ trì tụng Thần Chú này đến rốt ráo thành Phật không để bị nạn tai.

Khi đó Thiên Vương Đề Đầu Lại Tra ở phương Đông cũng dẫn chúng tùy tùng của mình từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Đức Phật thưa: Chúng con sẽ ủng hộ vị thiện nam, thiện nữ tụng đọc, diễn nói Kinh Điển này, sẽ luôn ủng hộ họ đến rốt ráo thành Phật.

Vị ấy đọc chú: Đế na tứ na đế na tứ. Con sẽ ủng hộ vị thiện nam, thiện nữ trì tụng chú này đến rốt ráo thành Phật, không để bị nạn tai.

Lúc đó Thiên Vương Tỳ Lâu Lặc Già ở phương Nam liền cùng chúng tùy tùng đến trước Đức Phật thưa: Nếu có vị thiện nam, thiện nữ giữ gìn, tụng đọc Kinh Điển này, chúng con sẽ ủng hộ họ đến rốt ráo thành Phật, không để bị nạn ai.

Vị ấy đọc chú: Ma Ha Tứ Đà Na Tứ. Con sẽ ủng hộ vị thiện nam, thiện nữ tụng đọc chú này đến rốt ráo thành Phật, không để bị nạn tai.

Thiên Vương Tỳ Lâu Ba Xoa ở phương Tây dẫn chúng tùy tùng đến trước Đức Phật thưa: Nếu có vị thiện nam, thiện nữ giữ gìn, tụng đọc Kinh Điển này, con sẽ ủng hộ họ đến rốt ráo thành Phật, không để bị nạn tai.

Vị ấy đọc chú: Y Nật Di Nật Xà Di. Con sẽ ủng hộ vị thiện nam, thiện nữ trì tụng chú này đến rốt ráo thành Phật, không để bị nạn tai.

Lúc đó Thiên Vương Câu Tỳ La ở phương Bắc cùng chúng tùy tùng đến trước Đức Phật thưa: Nếu có vị thiện nam, thiện nữ giữ gìn, tụng đọc Kinh Điển này, con sẽ ủng hộ họ đến rốt ráo thành Phật, không để bị nạn tai.

Vị ấy đọc chú: Đà Thí Đà La Thí. Con sẽ ủng hộ vị thiện nam, thiện nữ trì tụng chú này đến rốt ráo thành Phật, không để bị nạn tai. Bấy giờ Quỷ Vương Vô Úy, Phạm Thiên Vương, Thích Đề Hoàn Nhân và bốn vị Thiên Vương, mỗi vị đọc Thần Chú xong, nhiễu quanh Đức Phật ba vòng, đầu mặt lạy sát chân Phật rồi mỗi vị trở về chỗ ngồi.

***