Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ

PHẬT THUYẾT KINH TỐI THẮNG

HỎI VỀ VIỆC TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

CỦA BỒ TÁT THẬP TRỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM HAI MƯƠI TÁM

PHẨM GIẢI TUỆ
 

Bấy giờ Bồ Tát Tối Thắng bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn, Đại Bồ Tát giữ gìn ý kiên cố không thể phá hoại như thế nào?

Bồ Tát giữ gìn ý Chân Thành trọn không hư vọng như thế nào?

Bồ Tát nhất tâm hướng theo Phật Đạo, không khởi tâm Nhị Thừa như thế nào?

Bồ Tát giữ gìn oai nghi, không mất lễ tiết như thế nào?

Bồ Tát phòng hộ ý, thiền định, không xả chánh thọ như thế nào?

Bồ Tát trụ pháp Chư Phật mà không thoái chuyển như thế nào?

Bồ Tát đi khắp nơi truyền giáo hóa độ khiến Phật chủng không dứt đoạn như thế nào?

Khi ấy Thế Tôn bảo Ngài Tối Thắng: Lành thay! Lành thay! Chỉ ông mới có thể ở trước Như Lai hỏi nghĩa đó. Ta nay sẽ vì ông giảng rõ, phân biệt. Hãy khéo suy tư, ghi nhớ.

Ngài Tối Thắng thưa: Bạch Thế Tôn, con ưa thích mong được nghe.

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Đại Bồ Tát tu hành bốn pháp thì tâm ý kiên cố không thể phá hoại.

Bốn pháp đó là gì?

Một là tâm từ thương yêu chúng sanh như mẹ thương con.

Hai là thêm siêng năng tinh tấn mà không lười biếng.

Ba là độ các chúng sanh như ảo, như hóa.

Bốn là với kho tàng giáo pháp của Chư Phật, không pháp nào là không thông tỏ tường tận.

Đó gọi là Đại Bồ Tát thực hành bốn pháp đó mau thành tựu Phật Đạo, chưa từng thoái chuyển.

Bồ Tát lại phải tu hành bốn pháp thì được nhập định vắng lặng của Hiền Thánh.

Bốn pháp đó là gì?

Một là ngộ rõ chúng sanh, không có tưởng chúng sanh.

Hai là quán các thế gian, không có tưởng vui thích.

Ba là tán thán đại thừa, vĩnh viễn lìa khỏi đạo nhị thừa.

Bốn là với các cảnh khổ vui không bị tâm mong cầu vinh hiển lôi kéo.

Lại có bốn pháp.

Bốn pháp là gì?

Một là giới, hai là văn, ba là thí, bốn là xuất yếu. Lại có bốn pháp đưa đến thành tựu Phật Đạo, không có tâm nghi ngờ, không mất oai nghi.

Bốn pháp đó là gì?

Một là không lợi dưỡng.

Hai là không suy hao.

Ba là không chê bai.

Bốn là không ca ngợi.

Lại có bốn pháp làm tăng ích căn lành.

Bốn pháp đó là gì?

Một là giáo huấn chúng sanh trụ nơi tín địa.

Hai là tâm nhân từ bố thí cho người không mong có quả báo.

Ba là nói pháp mà không có niệm tưởng pháp.

Bốn là danh hiệu Bồ Tát không thể xưng kể.

Lại có bốn pháp mà Bồ Tát tu tập từ Nhất Địa đến Thập Địa.

Bốn pháp đó là gì?

Một là làm lớn căn lành.

Hai là trừ bỏ ngu ám, không theo tà phái.

Ba là dùng vô số phương tiện khéo léo thích hợp để giáo hóa.

Bốn là giữ tâm dõng mãnh, tinh tấn ngày càng tăng.

Lại có bốn pháp quyền phương tiện khéo léo đưa đến Phật Đạo.

Bốn pháp đó là gì?

Một là tinh tấn khiến tà phái an trụ chánh đạo.

Hai là hóa độ người chưa ngộ khiến họ hướng theo nẻo thiện.

Ba là nói pháp không phân biệt người nghe có cao, có thấp.

Bốn là dùng trí tuệ Phật, Hiền Thánh độ người chưa được độ.

Lại có bốn pháp thành tựu oai nghi.

Bốn pháp đó là gì?

Một là không nhiễm tam hữu, biết đó là khổ.

Hai là tự nghĩ rằng ta và người kia cùng nhau khổ vui.

Ba là luôn thực hành nhẫn nhục, không khởi tâm ác.

Bốn là ở địa vị cao sang không có tâm kiêu mạn, ở địa vị thấp hèn không có tâm hổ thẹn.

Lại có bốn pháp không xả bỏ tâm đạo.

Bốn pháp đó là gì?

Một là ghi nhớ gốc công đức của Phật.

Hai là làm chúng sanh an trụ đạo tâm kiên cố.

Ba là thân với thiện tri thức, không nhiễm tà kiến.

Bốn là tu tập hướng thượng theo pháp đại thừa, không tu tập theo vọng kiến.

Lại có bốn pháp vui nơi nhàn tĩnh, không ở nơi náo loạn.

Bốn pháp đó là gì?

Một là khiến cho người có tâm hướng theo tiểu thừa đến với pháp đại thừa.

Hai là làm cho bậc thành tựu quả Duyên Giác tinh tấn tu tập thành tựu Phật Đạo.

Ba là nghe pháp không nhàm chán, không dứt đoạn tâm đạo.

Bốn là như pháp được nghe không có tâm tham tiếc.

Lại có bốn pháp Bồ Tát nên tu tập.

Bốn pháp đó là gì?

Một là Bất khởi pháp nhẫn, biết rõ tất cả chúng sanh.

Hai là Vô tận pháp nhẫn cũng không quá lượng.

Ba là Nhân duyên pháp nhẫn trừ tâm Duyên Giác.

Bốn là Vô trụ pháp nhẫn, biết rõ tất cả chúng sanh, tâm không nương chấp.

Lại có bốn pháp trừ bỏ kiết sử.

Bốn pháp đó là gì?

Một là chuyên tâm nhất ý tư duy đường ác.

Hai là đã vĩnh viễn trừ bỏ, đoạn diệt kiết sử, càng không tạo ra kiết sử mới.

Ba là hiểu rõ các pháp, không trụ pháp mê ám.

Bốn là tâm luôn thể nhập thành thục trăm ngàn pháp Tam Muội.

Lại có bốn pháp du hành bốn bộ chúng.

Bốn pháp đó là gì?

Một là tự thân luôn vì pháp không tính toán ngô ngã.

Hai là khởi tâm kính trọng, tâm không phóng dật.

Ba là tu tập làm cho các gốc công đức thiện ngày càng tăng trưởng.

Bốn là lìa bỏ tiểu thừa dùng pháp đại thừa để hướng đạo.

Lại có bốn pháp khiến tài thí, pháp thí đạt đến vô vi.

Bốn pháp đó là gì?

Một là nhận lãnh pháp không sai lầm.

Hai là không theo tâm khác.

Ba là không tiếc thân mạng.

Bốn là ý không thoái chuyển.

Lại có bốn pháp bố thí không nghĩ tưởng quả báo.

Bốn pháp đó là gì?

Một là liễu tri mình và người đều không hình tướng, đều là không.

Hai là hạnh phải chân chánh, tu tập đạo vô thượng.

Ba là ngộ rõ vô ngã biết ngã do si, ái sanh.

Bốn là tánh đạo vô tế, thực hành hợp với chân tế.

Lại có bốn pháp độ người vô lượng.

Bốn pháp đó là gì?

Một là ngộ rõ dâm, nộ, si không có sanh diệt.

Hai là tu tập tâm từ rộng độ chúng sanh, không có tâm phẫn nộ.

Ba là ngộ rõ các pháp phiền não.

Bốn là tuy ở trong đời ngũ trược nhưng không xả bỏ tâm đạo.

Lại có bốn pháp đưa đến thành tựu đạo căn.

Bốn pháp đó là gì?

Một là dùng tâm nhân từ bố thí, biết rõ đó là đạo đứng đầu.

Hai là khuyên bảo người khác tinh tấn trừ bỏ tâm xan tham.

Ba là tu tập hạnh hợp với pháp không, không ngôn ngã.

Bốn là với pháp sâu xa không khởi tâm nghi ngờ.

Lại có bốn pháp thiền định không khuyết giảm.

Bốn pháp đó là gì?

Một là không tính toán chúng sanh hữu số hay vô số.

Hai là không thấy Cõi Phật thanh tịnh hay không thanh tịnh.

Ba là tâm từ, bi, hỷ, hộ xả biến khắp Thế Giới.

Bốn là đầy đủ trí tuệ Phật, không bỏ bổn thệ.

Lại có bốn pháp đưa đến Đạo Tràng của Phật.

Bốn pháp đó là gì?

Một là nói trước cười sau, không có ý làm thương tổn người.

Hai là như pháp đã nói thực hành phải chân chánh.

Ba là ngộ rõ đạo, vô đạo cũng không trụ chấp pháp.

Bốn là có tâm mong cầu hay không có tâm mong cầu đều biết quy về không.

Đó gọi là Đại Bồ Tát tu tập ứng hợp với không, ở trong pháp Chư Phật tu tập đạo vô thượng. Khi Đức Phật nói pháp này, hai vạn hai ngàn Trời và người đời đều phát tâm vô thượng chánh chân.

Lại có một vạn hai ngàn người ngay chỗ ngồi đắc được bất khởi pháp nhẫn. Lại có vô số vị Trời ở mười phương tung rải hoa cúng dường đầy ngập đến đầu gối.

***