Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ

PHẬT THUYẾT KINH TỐI THẮNG

HỎI VỀ VIỆC TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

CỦA BỒ TÁT THẬP TRỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM MƯỜI

PHẨM THÀNH ĐẠO
 

Bấy giờ Bồ Tát Tối Thắng lại bạch Đức Phật: Bạch Thế Tôn, bậc Thập Trụ Bồ Tát trụ ở Thập Địa thanh tịnh hạnh của mình như thế nào?

Khi ấy Thế Tôn bảo Ngài Tối Thắng: Đó là nói Bồ Tát tu tập đạo thần diệu, rộng độ chúng sanh, dùng pháp tánh không diễn giảng văn tự, tinh tấn tu tập cấm giới. Công đức của Bồ Tát vô lượng không thể nghĩ bàn cũng không hạn lượng, tất cả người đời không ai có thể bì kịp.

Trời, Rồng, Quỷ, Thần và các bậc thần tôn không thể suy lường đều khen ngợi công đức ấy. Đạo Hiền Thánh vắng lặng trọn không thể nói, nếu có giảng diễn thì đều thành chương cú.

Bồ Tát thị hiện thần túc đến cõi nước ở mười phương, diện kiến kính lễ Chư Phật Thế Tôn, tâm lại nhập chánh định giải thoát quán khắp hằng sa cõi nước của Chư Phật, gặp các bậc Chánh Giác nghe pháp yếu vi diệu, đều vượt qua tất cả nghiệp tà, tâm chí an tường không điên đảo.

Tâm như hư không, không tưởng niệm, quán phân biệt rõ sự sanh khởi hoại diệt của pháp giới. Những pháp Bồ Tát nói đều phù hợp với Thánh ấn, thể nhập các chánh định, trọn không trái nghịch với lời dạy của Chư Phật mười phương, với Thánh pháp luật cũng không trái nghịch.

Âm thanh khi nói vô cùng vi diệu thù thắng. Quán các Thế Giới bình đẳng như hư không, ý niệm sung mãn, tư tưởng giải thoát. Bậc Bổ Xứ Bồ Tát biện tài thông đạt nghĩa lý phù hợp với mọi căn cơ nhận thức, tâm tương ứng với đạo tuệ.

Thế nào gọi là vi tâm?

Thế nào gọi là đạo tuệ?

Xem qua sách vở thế tục, thị hiện làm nghiệp tà. Đó gọi là vi tâm. Nhất tâm tinh cần chuyên chú với pháp độ thế. Đó gọi là đạo tuệ. Xả bỏ tâm tham, bố thí mà không có ý tưởng sẽ được quả báo, điều hòa tâm ý thẩm suy chơn lý một cách rõ ràng. Đó gọi là vi tâm.

Chơn chánh thể nhập tâm tịch tĩnh không khởi các tưởng, tự giữ hạnh đạm bạc không rời xa thánh điển. Đó gọi là đạo tuệ. Khi Bồ Tát ở trong sanh tử tu pháp này, tuy ở chốn đó mà không nhàm chán điều ác.

Đó là tâm Bồ Tát. Lại nữa, nếu Bồ Tát ở chỗ không nhàn, có tám nạn thì không khởi điên đảo có tâm nhị kiến, đều có thể vượt qua căn bệnh trường cửu ấy. Đó gọi là đạo tuệ. Bồ Tát ở trong pháp thế tục khen ngợi đạo giải thoát Niết Bàn, các công đức đã tạo trọn không tổn giảm.

Đó gọi là vi tâm. Bồ Tát thể nhập tánh không của các pháp, đạt thanh tịnh hoàn toàn mà không sở hữu. Đó gọi là đạo tuệ. Quyết tâm bố thí các vật sở hữu như quốc gia, của cải, vợ con, đều không có tâm thương tiếc. Đó gọi là vi tâm.

Trụ trong đạo bình đẳng không có tam thừa, thanh tịnh Đạo Tràng đều quy về Phật Đạo. Đó gọi là đạo tuệ. Đó gọi là bậc Bồ Tát Đại Sĩ Thập Trụ. Các pháp đạo tâm thể nhập không thiếu sót, phòng hộ thân khẩu không để phóng dật, ca ngợi người đầy đủ tám niệm của bậc Đại Nhân.

Bồ Tát phải nhớ hạnh thiểu dục tri túc, tu cấm giới không phạm tì vết, có thể làm thanh tịnh trần cấu cho chúng sanh. Nếu thấy chúng sanh tự khen mình, chê bai người khác, tự đại cống cao kiêu mạn vì giàu sang tôn quý, có tâm dâm, nộ, si, pháp bất thiện.

Với các loại chúng sanh như thế, Bồ Tát nên nói pháp về công đức nhẫn nhục, đều khiến chúng sanh tùy thời đạt được pháp nhẫn vô sở tùng sanh. Bồ Tát ở trong đó luôn thương xót những người nguy khốn không hiểu đạo.

Tâm ý Bồ Tát dõng mãnh tinh tấn không thoái chuyển, phân biệt tất cả hạnh nghiệp công đức từ xưa, không thấy chúng ngẫu nhiên tụ họp cũng không thấy chúng tan rã cách biệt. Không trụ tâm nơi những phước nghiệp đã tạo, cũng chẳng phải không trụ.

Ứng hợp với tất cả mà không có pháp nào để ứng hợp, không thấy có ứng hợp, đó gọi là thẩm suy chơn lý. Tâm luôn vui trong thiền tư giải thoát, tư duy tứ thực, dứt trừ tâm nhiễm trước, quán sát tận diệt không khởi tâm định. Những pháp được nghe đều nhớ rõ liền có thể phúng tụng.

Trí tuệ không loạn, phân biệt nguồn cội không có xứ sở, muốn tìm gốc của chúng cũng không thể được. Vì chúng sanh giảng bày ba mươi bảy phẩm pháp, khiến họ thấu tỏ hạnh không, vô tướng, vô nguyện, luôn có thể vâng giữ tôn sùng Phật Đạo, tùy theo báo ứng mà được đạo quả. Những pháp Chư Phật Thế Tôn giảng nói cũng không thấy nhiều.

Do đó mà hưng khởi tâm ý: Đó là chơn đế. Cho đến pháp diệt độ cũng như vậy, không có tâm tạp niệm tưởng khác. 

Này Tối Thắng, đó gọi là phương tiện quyền xảo không bị chướng ngại của Bồ Tát Thập Trụ, dùng đạo vô ngại tu tập Đẳng Giác rồi vì chúng sanh chuyển pháp luân khiến họ đạt quả kiên cố không thoái chuyển. Bậc Thập Trụ Bồ Tát phát nguyện kiên cố tiếp độ chúng sanh mà không gặp khó khăn.

Ví như người thợ khắc ấn biết tên họ của người liền ghi nhớ, theo chỗ ghi nhớ không có sai lầm. Bồ Tát Đại Sĩ cũng như thế, dùng ấn Hiền Thánh đóng dấu sanh tử, tùy theo căn khí, việc làm của chúng sanh mà không lầm lẫn, lại phải thẩm suy chơn lý, suy tư nghĩa đó.

Ấn vón chẳng phải là đất, đất vốn chẳng phải là ấn nhưng có thể thị hiện rõ danh tánh tên họ. Thánh tuệ của Bồ Tát cũng như thế, cầm bảo ấn trí tuệ đóng dấu chúng sanh, tùy theo căn khí của họ mà hiện bày khiến thành danh hiệu. Họ liền có thể ra khỏi đạo tam thừa.

Ví như ở mảnh ruộng tốt trồng đậu, thân, rễ, mầm dần dần lớn lên. Đậu hư thì mầm rễ đã sanh không còn bản thể. Tư duy sâu sắc thì thấy mầm chẳng phải là gốc nhưng cũng chẳng rời khỏi gốc.

Bồ Tát Đại Sĩ cũng như thế, nhân duyên hội họp mới cần pháp luật, quán các nghiệp bất thiện đã tạo của chúng sanh như ba pháp họa hoạn, sáu pháp chướng ngại, mười hai nhân duyên tư tưởng tà si, thân kiến điên đảo, liền vì họ giảng pháp khổ, không, phi thân vô ngã, vô thường, sau đó mới giảng pháp tánh như thật, phân biệt khổ, tập, diệt, đạo đế khiến họ xa lìa gánh pháp giới nặng, vĩnh viễn đạt được tịch diệt.

Bồ Tát lại phải tư duy nguồn gốc, tìm hiểu nguyên nhân từ xưa đến nay về sự thọ sanh của họ như thế nào nên mới có họa đó, thấy rõ đều do pháp vô minh, không có trí tuệ nên mới có khổ não sanh, già, bệnh, chết.

Ta phải dùng phương tiện trừ bỏ căn bệnh đã khiến họ dần dần thể nhập pháp luật của Hiền Thánh, diệt sạch vô minh, sanh, già, bệnh, chết. Bồ Tát giảng dạy pháp quán không vắng lặng, khiến họ có chỗ quy hướng nương tựa tâm, giảng rộng về trí tuệ sáng suốt đưa đến giải thoát.

Họ đều tôn kính tu tập trí tuệ vi diệu. Với pháp dâm, nộ, si… cũng không khác, Bồ Tát tìm hiểu nguồn cội của chúng cũng không phân biệt, vì đạt được tâm vắng lặng, không niệm tưởng nên trọn không có niệm oán hận, khởi tâm tăng giảm, lìa được tất cả các chưng ấm cái, kiết sử trói buộc, không còn tâm hạn lượng.

Luôn đến được cửa giải thoát, khen ngợi công đức nghiệp của Tam Bảo, luôn nhớ nghĩ xa lìa họa tham dục, trọn vì chúng sanh tuyên bày công đức đã tạo. Bồ Tát Tinh Tấn Độ người vô si, thị hiện không tuệ mà khai đạo cho họ.

Với pháp đã học hoàn toàn không chấp trước, sau đó thành tựu tâm bất thoái chuyển, giảng dạy Kinh Điển, tu chỉnh làm thanh tịnh Cõi Phật, hướng dẫn chúng sanh đến với cảnh Phật, khiến họ được diệt độ vĩnh viễn không còn sanh diệt.

Đó gọi là Kinh Điển bí yếu của bậc Chúng Hựu Vô Thượng và Bồ Tát. Bồ Tát phải quán sát như vậy. Bồ Tát đã thể nhập Thập Trụ vị không thể nghĩ bàn, tu tập pháp bình đẳng, pháp môn bất nhị, thấy rõ ba đời, không dứt đoạn Tam Bảo, trừ bỏ tam cấu, thành tựu tam giải thoát môn.

Ở trong địa đó, Bồ Tát thị hiện pháp bất tư nghị. Từ khi mới phát tâm đạo cho đến địa vị phàm phu, hưởng công đức tẩm ướp xông khắp nơi nơi, trong khoảnh khắc ngộ được nghĩa của âm thanh, được thành tựu các tuệ thần thông, có thể diễn giảng vô lượng pháp yếu, không chấp trước văn tự cũng không có thức tưởng, suy tư về nơi chốn thấu đạt đều không có chỗ trụ.

Nếu có người học đạo, thức ràng buộc trong sắc, tâm không muốn rời bỏ, luôn muốn chấp giữ không lìa, quanh quẩn trong vòng tuần hoàn sanh tử, ý luôn mê loạn không thể tự thoát, có ràng buộc đó nên đọa vào trong sanh tử, xoay vần trong năm đường không ngừng nghỉ thì Bồ Tát điều phục loạn tưởng cho họ.

Khiến họ giữ gìn tâm ý không bị rong ruổi theo dục của năm ấm, đoạn trừ phiền não, cũng khiến họ không khởi tưởng sanh diệt với sắc, thống thọ, tưởng, hành, thức. Tu tập định An ba nhập tức xuất tức niệm.

Lại phải phân biệt tứ đại tạo sắc: Địa, thủy, hỏa, phong. Mỗi đại đều có tánh của nó. Nếu tu tập khiến cho thức đó không trụ nơi năm xứ thì có thể thành tựu không có tâm chấp pháp giới.

Thức không rong ruổi theo mười hai trần lao: nhãn sắc, nhĩ thanh, tỷ hương, thiệt vị, thân xúc, ý pháp.

Đó là thức của tuệ căn vô lậu, chẳng phải là thức bị sanh tử nhiễm ô. Nếu có thể diệt trừ, tâm không rong ruổi theo ngoại cảnh thì với tất cả pháp không có dục mong cầu. Giả sử tâm có pháp để nương tựa thì sẽ sanh thức tưởng có tâm mong cầu, cũng có tên là thức.

Bồ Tát khởi tâm học nhưng không có pháp để tâm nhận lãnh. Tâm không sanh niệm, không có tâm ưa thích hỷ lạc. Tu tập bố thí mà không mong chờ quả báo. Hữu vi, hữu lậu, đó đều là hạt giống của thức, tu tập hạnh vô vi nên gọi là vô thức.

Bồ Tát thắp lên ngọn lửa minh tuệ, dựng đuốc giải thoát phóng ánh đại quang minh, hiển bày giáo pháp thù thắng tối thượng, vì cầu bản thể trực tâm, không cầu Kinh Văn chữ nghĩa, trụ nơi đạo nghiệp, thân tự trang nghiêm không ai sánh bằng, có thể hiển bày tất cả các cõi Phật.

Bồ Tát ở trong các Cõi Phật đó thị hiện độc cư không sợ hãi. Lại với pháp vĩnh viễn không có tâm chứng đắc, cũng không có tâm tuyển chọn, không có cái nhìn cao thấp, tâm phải tự tại không khiếp nhược, dùng các loại âm thanh tùy theo căn cơ chúng sanh mà giáo hóa họ.

Nếu nói pháp yếu thậm thâm cho chúng sanh, Bồ Tát xa lìa tất cả nhân duyên đã khởi, hiểu rõ niệm tưởng khởi lên trong tâm chúng sanh, chí tánh, hướng thọ sanh, pháp thiện ác.

Bồ Tát có thể biến khắp các Cõi Phật xem hạnh tu bình đẳng của Chư Phật Thế Tôn, không thấy chúng sanh, Phật Độ thanh tịnh. Nếu thấy có hạnh tức là phá hủy pháp giới, cho nên tâm Bồ Tát không trụ các pháp.

Nếu thấy chúng sanh trụ, khởi lên niệm phân biệt thì nơi pháp tánh tự sanh trệ thức. Không khởi, không diệt thì thức không có chỗ trụ. Đó gọi là đạo tuệ thanh tịnh giải thoát. Nếu không có pháp đạo tuệ bình đẳng thì Chư Phật Thế Tôn hoàn toàn không có khởi tâm thương xót độ thoát thế gian.

Hạnh nghiệp và thệ nguyện của Bồ Tát không có nguyên nhân để nguyện, để tu tập, cũng không trụ tâm nơi nguyên nhân đó.

Tâm đạt đến tự nhiên, không phải có tinh cần, có tu tập thành tựu, không thấy có người mệt mỏi, nhàm chán, lười biếng, ở trong pháp quán bình đẳng không sanh, không diệt, dõng mãnh tinh tấn nhận lãnh gốc khổ não.

Bồ Tát có thể phân biệt rốt ráo sự lý trong Kinh Điển, tu đạt trí tuệ dứt trừ trần lao, quán sát sanh tử và diệt độ không khác, luôn tự ghi nhớ ý nghĩa thâm diệu của Kinh Điển, suy tư tìm hiểu pháp không vắng lặng, tuy độ chúng sanh ở khắp nơi mà không có thức tưởng, gần gũi thiện tri thức mà tâm không chấp trước, không nghĩ suy ngô ngã và thọ mạng, tư duy phân biệt không, vô tướng, vô nguyện, không khởi, không diệt.

Nếu ở trong Cõi Dục thì tư duy ái dục là dơ uế bất tịnh. Vì muốn khai hóa cho đồ chúng mê mờ nên giảng nói nghĩa lý chơn đế đó cho họ, phân biệt pháp không vô, tất cả pháp đều không chỗ nương, không thấy có hình chất tạo tác, không có tác hay bất tác. Không thấy có nương tựa, tâm trụ vào vô sở trụ cũng không có nguồn gốc, không thấy rơi vào ba đường ác.

Không thấy sanh lên Cõi Trời dùng thức ăn tự nhiên hiện theo ý tưởng, chỉ bày đường tắt đưa người vào nghĩa lý của đạo, không có mong cầu, đều không làm việc gì, quán các pháp tự đạt đến tự nhiên, tướng của các pháp không thể rốt ráo, cũng như hư không không có giới hạn.

Bồ Tát dạy người tuệ thí không khởi nệm tưởng chướng ngại, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, tuyên dương trí tuệ phương tiện quyền ảo.

Từ, bi, hỷ, hộ xả cứu độ người nghèo hèn, xiển dương đạo lớn. Bậc Thập Trụ Bồ Tát tuy chưa lên tòa Như Lai nhưng đã có thể thông tỏ rốt ráo nguồn gốc của biển trí tuệ, trang nghiêm bờ cõi, làm thanh tịnh Quốc Độ.

Phóng ánh sáng lớn đến khắp chúng sanh, dùng chánh pháp giáo huấn tất cả đều quy hướng về đạo, xây dựng tuệ nghiệp đạt đến Đại Thừa.

Mười phương Chư Phật luôn ủng hộ Bồ Tát, luôn dùng oai thần khuyến trợ tán thán công đức của Bồ Tát cho đến khi Bồ Tát thành Phật, có nhất thiết trí, đạt đạo quả vô thượng, không để chúng ma đạt được mục đích.

Bậc Thập Trụ Bồ Tát vì tự ngộ biết công đức viên mãn, sắp thành tựu Phật Quả nên an tọa dưới cội Thọ Vương, trước phải tu tập bốn pháp ý chỉ, phân biệt thân ý mỗi mỗi thân phần đều có tánh, rồi tự quán sự sanh diệt hưng suy của thân, tự tâm hỷ lạc vĩnh viễn thoát ly khổ não.

Bồ Tát quán nhân duyên của thân nên thành tựu định tinh tấn, tư duy báo ứng của thân này đối với nhân duyên tụ hội, tan rã thì diệt mất nên biết thân là vô chủ, không đáng tham tiếc, vì sao lại sanh tâm chấp sắc thân này?

Không theo các pháp mê hoặc của năm ấm, bốn đại, các nhập. Thân này là không, không thấy pháp ngô ngã của bốn đại, trải qua bao số kiếp tích tập công hạnh nên nay mới được, vì sao lại chấp trước thân không kiên cố, vật nguy hại đó. Ta nay nhận lãnh sắc thân Như Lai và pháp thân Phật.

Sắc thân đó là nơi tích tụ công đức giống như Kim Cương không thể phá hoại. Thân hữu lậu của người đầy khắp hằng hà sa số mười phương Thế Giới không bằng công đức một sợi lông trên sắc thân của Như Lai.

Bồ Tát tự nghĩ dùng vô lượng công đức thành tựu sắc thân đó. Nay do thân này phải đạt được Pháp Thân Phật Như Lai. Tuy lội ngược dòng sanh tử, năm đường thọ khổ vô lượng không thể lường, nay nhận bản thể sắc thân Như Lai, không nhớ ngày đêm càng thêm họa khổ não.

Từ nay vĩnh viễn xa rời trần lao không còn tham trước trong năm dục. Bồ Tát quán thân mình xong lại quán thân người khác đều không có chỗ trụ, tu tập thanh tịnh hạnh của mình không tì vết ô uế. Đó gọi là Bồ Tát tu tập ý chỉ về thân mình.

Thế nào là Bồ Tát phải tư duy pháp ý chỉ về thống thọ?

Bồ Tát từ khi mới phát tâm đến khi thành Phật, trong khoảng thời gian đó thọ khổ vô hạn lượng, chuyên tâm bền chí ngưỡng cầu Phật Đạo mà trong tâm không có cảm thọ khổ.

Nếu thấy người khổ não ở trong đường ác thì nên cứu độ khiến họ không còn thọ khổ, luôn nhớ nghĩ chúng sanh không thể tự ngộ nên Bồ Tát không theo dục mà sanh tâm chấp trước: Ta từ xưa đến nay, những pháp mà ta tiếp xúc thật thống khổ, chẳng phải chơn thật, chng phải có thật, đều là vô sở sanh.

Phàm người gần với cảm thọ lạc thì tự mình cách xa tòa Như Lai, không phù hợp với giới luật Hiền Thánh của Như Lai. Từ nay vĩnh viễn dừng nghỉ, không sanh cảm thọ đó nữa để khiến chúng sanh quán biết thọ là vô chủ.

Nếu chúng sanh đó với sắc khởi cảm thọ như biết đẹp, biết xấu, biết thiện, ố sắc thì phải quán bốn đại: Địa, Thủy, Hỏa, Phong tạo sắc, thông đạt chúng là hư tịch, không sở hữu. Hoặc có chúng sanh trước khổ sau lạc, hoặc có chúng sanh trước lạc sau khổ thì phải nói Kinh Pháp thâm diệu để cứu hộ sự thống khổ của họ.

Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân duyên với các pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc êm láng. Từ nhân duyên đó khởi thì phải từ nhân duyên đó diệt. Tư duy khổ lạc đều không khổ lạc. Bồ Tát lại phải phân biệt cảm thọ trong và ngoài. Hoặc có cảm thọ lạc do bên trong mà phát sanh.

Hoặc ở đời quá khứ, hoặc ở đời tương lai mà phát sanh. Hoặc có cảm thọ lạc từ ái kết sanh, chuyển qua làm tăng trưởng thức, chấp trước không thể rời bỏ. Hoặc có cảm thọ từ si ái phát sanh, tư duy chánh quán mới tiêu diệt được.

Hoặc có cảm thọ do nhân tà si mê muội dần dần chuyển biến tăng thạnh, phải dùng trí tuệ sâu xa quán bốn pháp vô thường để trừ bỏ khiến nó không sanh. Hoặc có cảm thọ lạc từ tứ thọ phát sanh, dùng vô tưởng định để trừ bỏ các thọ đó.

Hoặc có cảm thọ lạc từ ngu cái phát sanh thì phải tư duy pháp thất giác ý để chúng vĩnh viễn không còn. Hoặc có cảm thọ lạc do nhân lục thân pháp phát sanh, phân biệt không, vô tướng, vô nguyện để trừ bỏ.

Hoặc có cảm thọ lạc từ bảy thức phát sanh, phải lập tâm tinh tấn không tạo các duyên. Hoặc có cảm thọ lạc do nhân tám pháp thế gian phát sanh, thì luôn phải khiêm hạ không tự cống cao. Hoặc có cảm thọ lạc từ mười họa hoạn phát sanh, phải trừ vọng cầu, không nhớ nghĩ điều tà quấy. Hoặc có cảm thọ lạc từ bảy cơn sóng dữ, bốn kết sử phát sanh thì phải tư duy ánh sáng lớn trí tuệ.

Hoặc có cảm thọ lạc từ chín chỗ chúng sanh nương ở, ba pháp quán làm phát sanh thì phải nhiếp ý nhập định không tịch. Hoặc có cảm thọ lạc chẳng phải quá khứ, hiện tại mà do ái của vị lai. Chẳng phải vị lai, hiện tại mà do ái của quá khứ. Chẳng phải quá khứ, vị lai mà do ái của hiện tại.

Hoặc chẳng phải quá khứ mà do ái của vị lai và hiện tại. Hoặc chẳng phải vị lai mà do ái của quá khứ và hiện tại. Hoặc chẳng phải hiện tại mà do ái của vị lai và quá khứ, Bồ Tát đối với các cảm thọ đó tư duy pháp bảy xứ, ba quán, diệt mười ba ngọn lửa độc bố cháy đó.

Bồ Tát lại phải tư duy về nơi hưng khởi của cảm thọ lạc. Hoặc có cảm thọ lạc do tám tà kiến và sáu thức thân cùng nhau thọ nhập liền phát sanh cảm thọ lạc, làm tăng trưởng ấm suy, các nhập. Đó gọi là Bồ Tát dùng quán giải thoát phân biệt các cảm thọ trên khiến chúng vĩnh viễn không còn.

Hoặc có cảm thọ lạc cùng mười pháp bất thiện do uế làm nhân duyên với nhau khiến tuệ nghiệp bị dứt đoạn, lưỡi ngũ si bao trùm. Chúng phát sanh ở hiện tại thì diệt trừ ở hiện tại, nếu phát sanh ở vị lai thì cũng diệt trừ ở hiện tại, nếu phát sanh ở quá khứ thì cũng diệt trừ ở hiện tại. Đó gọi là Bồ Tát dùng quán giải thoát thì có thể trừ bỏ mười lăm lưới si.

Vì sao nói Bồ Tát lại luôn tư duy pháp ý chỉ?

Khi ấy Bồ Tát giữ gìn ý, điều phục loạn không để rong ruổi, có pháp tạo tác thì tất có sở duyên. Bồ Tát tự quán tâm mình, quán tâm người, tâm ý chơn chánh bình đẳng, không có tâm tăng giảm, đi đứng vào ra, cử động đều đúng oai nghi, luôn tự thân chuyên cần thủ hộ tâm ý, có duyên chúng sanh, không duyên khởi diệt.

Không duyên chúng sanh, có duyên khởi diệt. Duyên khởi từ tự thân thì tự duyên đó diệt. Duyên khởi từ tha thân thì do tha do tha duyên diệt. Duyên khởi diệt không ở trong cũng không ở ngoài, lại cũng không trụ ở hai bên trung gian, ở trong đó xuất sanh có duyên khởi diệt, có phi duyên khởi diệt.

Hoặc do tham dâm, sân khuể, ngu si, bảy sử, bảy mạn, bảy thức mà trụ tâm vào tuệ nghiệp bảy giải thoát, bảy quán, bảy nhẫn. Nếu do chỗ đó mà có duyên khởi diệt, có phi duyên khởi diệt thì tất cả đều do tâm, từ tâm mà sanh. Bốn mươi lăm pháp mê mờ do ý thức tạo tác, không tự giác tri. Ý không biết ý, ai có gốc của ý.

Đã không nguồn gốc sao lại có ý?

Bồ Tát phân biệt pháp tâm, ý, thức, thông đạt sự vận hành qua lại đều không có xứ sở. Đó gọi là Bồ Tát dùng quán giải thoát để biết nhân duyên của tâm mà không chấp sở đắc, cũng không thấy tâm hợp với thiện ác.

Không có hợp hay chẳng hợp thì tương ưng với quán giải thoát. Bồ Tát lại phải tư duy mười hai nhân duyên thật là sâu xa, không thể thấu hiểu tường tận. Các quả đã gieo không mất báo ứng. Với cảnh giới các pháp, tâm không nhiễm trước.

Nếu như quán pháp giới từ nhân duyên khởi thì liễu tri các pháp không có chơn đế, tự nhiên tịch tĩnh, tự cùng nhau giữ gìn phát triển. Những pháp do tâm tạo hóa ra cũng không có hình chất nên không thể thấy, tìm tướng mạo của chúng thì cũng chỉ là không hình, không sắc.

Bồ Tát thông đạt thánh tuệ liền thể nhập pháp bất khởi vô sở sanh, không trụ địa Thanh Văn, Duyên Giác, luôn tự giữ gìn tâm ý vào pháp Chư Phật.

Nội tâm tự tư duy về sự cuồng xoay vọng động của tâm: Ta nay phải hàng phục tâm, trừ bỏ tâm sanh tử chấp trước, đi vào biển trí tuệ. Đó là do tâm Bồ Tát đạt được đạo Vô Thượng Chánh Giác, thành bậc Tối Chánh Giác. Đó gọi là Bồ Tát được tự tại với pháp ý chỉ.

Vì sao nói Bồ Tát quán phân biệt pháp ý chỉ?

Khi đó Bồ Tát tu tập pháp Chỉ trọn không quên mất cho đến khi thành Phật Đạo mà không buông bỏ, tự quán pháp nội tâm, bên ngoài thì quán pháp tâm người. Bồ Tát đều biết tướng các pháp là một tướng, không phải hai tướng cũng không phải nhiều tướng, đều quy về không, vô tướng, vô nguyện.

Xa lìa tà kiến, bình đẳng với các pháp, phân biệt gốc mười hai nhân duyên khởi, luôn niệm sự thành bại hưng suy của pháp giới, hữu lậu vô lậu, hữu vi vô vi, pháp thiện pháp ác, hữu ký vô ký. Khi đó Bồ Tát tư duy quán sát không theo pháp giới mà tự sanh thức tưởng, không thấy phi pháp, có tưởng ngô ngã cũng không khởi niệm suy lường thọ mạng của người.

Nếu có Bồ Tát tự khởi tưởng pháp, tu tập chấp trước ngô ngã, nuôi dưỡng thân mạng, suy nghĩ đoạn diệt, vô thường cho là thường, vạn vật muôn loài trong thiên hạ đều thường tồn thì ở trong cảnh vô thường mà chấp không có hợp tan.

Hoặc ở trong pháp đó sanh tưởng điên đảo: Vô tự nó luôn là vô, hữu tự nó luôn là hữu. Vô chẳng sanh hữu, hữu chẳng sanh vô. Vô tự nhiên sanh, vô tự nhiên diệt. Hữu tự nhiên sanh, hữu tự nhiên diệt. Vô chẳng thể thấy ngã tự nhiên hiện hữu, hữu chẳng thể thấy ngã tự nhiên vô.

Bồ tá Thập Trụ dùng tuệ sáng quán thông phân biệt hữu và vô, đoạn trừ tâm chấp ngã, nhân, thọ mạng là thường tồn, tâm không bình đẳng như hư không, không sở hữu. Dùng pháp tối diệu đệ nhất không quán sát các pháp đó, đệ nhất tánh không cũng chẳng sanh hiện hữu.

Hiện hữu tự nó luôn có, chẳng biết các pháp do không tạo thuộc không. Không tự nó luôn không, chẳng biết các pháp do hiện hữu tạo thuộc hữu. Bồ Tát dùng tuệ tư duy phân biệt tánh của hiện hữu tự nó là không, tánh của vô tự nó cũng là không. Vô không tạo hữu, hữu không tạo vô.

Chấp trước hữu vô là pháp sanh tử, chẳng phải pháp yếu đệ nhất Niết Bàn. Vô tự nó là không vô, vô chẳng biết vô, tự tánh của vô là không. Hữu tự nó là không hữu, hữu chẳng biết hữu, tự tánh của hữu là không. Hữu chính là vô, vô chính là hữu.

Đó gọi là Bồ Tát phân biệt rõ ràng các pháp tánh, tư duy suy lường về các pháp thường, vô thường, sanh diệt, chấp đoạn, hữu vi vô vi, hữu lậu vô lậu, pháp thiện pháp ác, hữu ký vô ký. Tất cả các pháp có danh hiệu hay không có danh hiệu đều là hư tịch.

Bồ Tát cũng không nhớ diệt mà tự quán tự thân và pháp tha nhân, cũng không có tư tưởng chấp trước, thấu tỏ pháp không, vô tướng, vô nguyện, ở trong pháp giới tìm cầu Phật Pháp và cấm giới thấy đều không có xứ sở, cũng chẳng phải là đường tắt, không thấy có độ người đạt giải thoát cũng không thấy trầm đọa trong sanh tử.

Bồ Tát ở trong pháp đó khai dạo cho tất cả chúng sanh thì có thể làm hưng khởi pháp không có phiền não suy hoại, trị lành các lao nhọc cõi trần hoàn toàn không còn bị trói buộc bởi kiết sử.

Vì không thì vô sở hữu nên Bồ Tát tư duy phân biệt năm đường, giảng dạy bình đẳng. Tuy ở trong dục trần mà không có tâm khiếp nhược, hiểu rõ ba độc không bị chướng ngại. Bậc đạt được chỗ đó gọi là Đại Sĩ, trụ pháp phương tiện quyền xảo không thể nghĩ bàn.

Tập, tận, đạo đều quy về tự nhiên. Ở trong pháp tự nhiên đó không thấy sanh diệt, thể nhập tâm như hư không, không sở hữu, không nhớ nghĩ trụ xứ, suy tư pháp giới như hư không giới, chỗ chúng sanh trụ đều là vô sở trụ, tất cả các pháp bình đẳng như hư không giới. Đó gọi là Bồ Tát tùy thời hướng đạo chúng sanh thuận theo đạo pháp, tuy độ chúng sanh mà không thấy độ.

Nếu có Bồ Tát tự quán pháp tự thân, quán pháp tha nhân, có thể tự chế phục tâm ý, đạt được trí tuệ, ngộ rõ các pháp đều quy về giải thoát thì có thể hướng đạo cho tất cả chúng sanh, xiển dương đạo vô thượng chánh chơn, khiến chúng sanh đạt được pháp vô vi tự nhiên, không thấy bị sanh cũng không phải chẳng sanh.

Tuy không bị sanh nhưng tư duy về pháp sanh, không rời bỏ pháp vô sanh, pháp không khởi diệt. Đó gọi là Bồ Tát được tự tại với pháp ý chỉ.

Đức Phật lại bảo Ngài Tối Thắng: Bồ Tát Thập Trụ lại phải tư duy bốn pháp ý đoạn, luôn suy tư phân biệt pháp hiện tiền, pháp ác chưa khởi, chế phục chúng để chúng không phát sanh. Pháp ác đã khởi thì dùng phương tiện diệt đi. pháp thiện chưa sanh thì mong cầu, làm cho chúng phát sanh.

Pháp thiện đã sanh thì làm cho chúng thêm tăng trưởng nhiều hơn. Bồ Tát luôn phải tinh cần tu tập, tinh tấn thực hành, tự nhiếp tâm ý mình để nó không rong ruổi. Từ xưa đến nay tích tập công đức, không mất pháp oai nghi lễ tiết, việc làm đều bình đẳng vì có thể kiểm soát tâm, tư duy chơn lý.

Chúng sanh ở trong họa hoạn nặng nề do ba căn bất thiện nên đọa vào tám đường ác, luân hồi trong năm đường không có khi nào ngưng nghỉ.

Vì vậy Bồ Tát siêng năng tinh tấn tu tập thì có thể tiêu diệt năm ác bất thiện, không còn quay trở lại khởi loạn tưởng, luôn tự quán sát quả báo ứng bất thiện: Đó là hạnh dơ uế, chẳng phải đạo chân chánh. Ta nay vì lìa bỏ hạnh phi pháp, tu tập đệ nhất nghĩa nên không còn trần lao, vĩnh viễn trừ bỏ sân khuể, phân biệt mười hai pháp nhân duyên căn bổn, chưa có pháp thiện thì tạo lập công đức để phát sanh mầm rễ thiện, không để chúng hư thối.

Tâm Bồ Tát thanh tịnh không tì vết, không nương vào ba cõi, ràng buộc với các dục, lìa bỏ tâm chấp trước, vĩnh viễn không còn chấp trước.

Bồ Tát luôn có thể khuyến trợ dìu dắt chúng sanh đến Nhất thiết trí, trí tuệ thâm sâu không có tổn giảm nên đạt được gốc công đức. Đó đều do tinh tấn mà thành tựu đạo quả. Đó là Bồ Tát được tự tại với bốn pháp ý đoạn.

Khi ấy Bồ Tát lại luôn tư duy, phân biệt thần túc. Tuy Bồ Tát đạt được tâm định thần túc nhưng khi sắp thành đạo, trụ ở Thập Địa thì phải tu định như lúc chuyên tâm nhập định thuở mới học đạo, tư duy pháp tứ đẳng tâm, thương xót chúng sanh.

Bồ Tát tự ổn định thân và tâm ý chuyển nhập Sơ Thiền, rồi nhập nhị thiền, trở lại nhiếp ý từ Sơ Thiền thể nhập Tam Thiền, ở trong cấp thiền ấy tư duy chuyên cần nhất tâm. Từ Tam Thiền xuất trở lại nhập sơ thiền, ở trong cấp thiền ấy biến hiện thần túc.

Từ sơ thiền xuất, thể nhập Tứ Thiền. Khi ấy Bồ Tát ở trong tứ thiền liền hiện thần túc, dùng thân khởi tâm, ban đầu như hạt cải chuyển thành như hạt đậu mè, dần dần biến thành cao to như hạt hồ đào. Như vậy lớn dần lên trong hai mươi mốt ngày, thân tâm nhẹ nhàng không bị chướng ngại.

Cho nên Bồ Tát trở lại thể nhập tâm định mà hiển bày thần túc, có thể nương thần túc ấy giáo hóa một ức người an lập tâm không thoái chuyển, thành tựu định thần túc. Bấy giờ Bồ Tát lại tự thị hiện thần túc rộng lớn không cùng tận, từ cõi Diêm phù đến cõi trời thứ nhất, thứ hai, thứ ba cho đến Cõi Trời thứ sáu.

Chư Thiên thấy xong, mỗi vị đều khởi tâm suy nghĩ: Nay vị Bồ Tát đó tự hiện thần túc, ánh quang minh mà vị ấy phát ra chiếu khắp mọi nơi. Chúng ta, Chư Thiên các cõi nên cùng nhau khuyến trợ, ủng hộ Bồ Tát thành Phật Đạo. Chư Thiên hoặc dùng Thiên hoa, hương tạp, Thiên Y đang vận, nước Cam Lộ tự nhiên cúng dường Bồ Tát. Bồ Tát ở nơi đó giáo hóa Chư Thiên nhân dân. Đó đều do ý chí thần túc mà có lợi ích lâu dài.

Hằng sa các Bồ Tát ở quá khứ tu tập Thập Trụ địa thanh tịnh hạnh của mình đều ở nơi đó mà hiển bày thần túc, nhất tâm quán sát tìm cầu phương tiện có thể hiển bày các biến hiện, do sức tinh tấn liền thành tựu đạo, việc làm tự tại, không thể gặp việc trái nghịch.

Khi muốn giáo hóa, đến nơi thì mọi người đều quy phục. Với pháp cội nguồn rốt ráo, Bồ Tát đều khiến cho họ được đầy đủ, đạt được quả báo. Các loại ma như Thiên Ma không thể làm lay động Bồ Tát.

Khi ấy Bồ Tát dùng thiên nhãn quán ba ngàn đại thiên Thế Giới thấy có người có tánh dâm, nộ, si. Có người không có tánh dâm, nộ, si. Có người hạnh thanh tịnh, có người không có hạnh thanh tịnh.

Có người có tâm định, có người không có tâm định. Có người loạn tâm, có người không loạn tâm. Bồ Tát đều biết rõ, phân biệt theo căn tánh, hướng sanh của họ.

Bồ Tát lại dùng thiên nhĩ nghe thanh âm của chúng sanh, đều có thể theo thứ lớp mà biết rõ các âm thanh để giáo hóa họ. Bồ Tát dùng sức thần túc nhập định tam muội thấy chí tánh, hướng thọ sanh của mọi người, tự quán thấy nguồn gốc sanh, từ chỗ này sanh đến chỗ kia.

Đó là sức tu tập thần túc của Bồ Tát. Khi ấy Bồ Tát lại phải tư duy phân biệt pháp căn, lực, bảy giác ý, tám Hiền Thánh đạo, tín tâm, tinh tấn, định ý, tuệ căn. Bồ Tát luôn dùng trí huyền thông quán sát chúng sanh liền thành tựu căn, lực, giác đạo, các tuệ thần túc.

Bấy giờ Bồ Tát dùng tha tâm thông tuệ quán các hạnh trước kia của chúng sanh. Có vị thành tựu đầy đủ các hạnh, có tín tâm, luôn tu tập tám Hiền Thánh đạo, tâm có chánh kiến không trụ cảnh ma, tin biết có sanh tử khổ đau vô lượng.

Lại biết có Niết Bàn an lạc giải thoát, tin có Phật, Pháp, Tăng, thế gian sẽ sáng chói, không tin chín mươi sáu con đường tắt của ngoại đạo. Vị ấy không hồ nghi các tuệ thần thông, tích lũy công đức, có đức tin mãnh liệt với chánh pháp, ở trong chánh pháp lập tâm trực tín không thấy khó.

Bồ Tát lại dùng trí huyền thông vô ngại quán thấy chúng sanh đó ngày đêm nỗ lực tinh chuyên tu tập tinh tấn căn. Ngồi, nằm, kinh hành, tâm không giải đãi.

Vì đạt tinh tấn nên đầy đủ các căn ví như y trời trải trùm khắp bốn phương và phương Trên, phương Dưới đều bình đẳng không sai khác, lúc ấy nếu có người từ một hướng đến nắm một góc y giở lên thì ba góc y còn lại đều theo đó lật lên.

Người có tinh tấn căn cũng như thế. Nếu có người tu tập tinh tấn căn thì phải biết người đó có đầy đủ tất cả các pháp. Do có tinh tấn nên thành tựu niệm căn, tâm sai loạn gọi là định căn. Luôn dùng phương tiện thâu nhiếp tâm, giữ ý chuyên nhất. Phân biệt tâm thiện ác như hư không gọi là tuệ căn.

Bồ Tát Thập Trụ nhập huyền thông định biết trước tướng thọ thai của chúng sanh, phân biệt nam nữ, nam căn, nữ căn, một kiếp, mười kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp cho đến vô số kiếp đều có thể thông tỏ không cùng tận.

Đó gọi là Bồ Tát đầy đủ đạo môn tư duy các trụ, trí tuệ biện tài khó ai sánh bằng. Bồ Tát phải niệm làm cảm động mười phương cõi nước, lại phải dạo đến các cõi Phật thị hiện phóng ánh quang minh. Người trông thấy ánh sáng đó đều được độ thoát.

Bồ Tát phải khởi lập pháp luật cho các Quốc Độ, khiến mọi người đều tôn thờ Kinh Điển Hiền Thánh, lại phải làm an lạc, lợi ích cho nhân dân trong quốc gia, giảng dạy, hướng dẫn giáo pháp khiến họ nghe không nhàm chán, luôn phải hiểu rõ chủng tánh của người dân mà không phân biệt quyến thuộc thân thích, cũng phải quán biết tâm ý chúng sanh rồi vì họ diễn nói sáu pháp Ba la mật.

Bồ Tát lại phải ngăn chặn loạn niệm của chúng sanh, dần dần an lập tâm cho tất cả chúng sanh, tự làm a dìu dắt hướng dẫn họ thể nhập trí tuệ thiện pháp, luôn nhớ nghĩ nhập định, không mất thần túc, tự thân tu tập thần thông, phân biệt ba đời biết rõ quá khứ, hiện tại, vị lai.

Lại phải tư duy học trí tuệ thâm sâu không ngằn mé của Chư Phật, cũng phải tu học đầy đủ pháp của Chư Phật, tỏ ngộ các pháp mà không nhiễm trước, học tập diễn nói không ngừng, mở toang bảy kho báu, học dùng trí tuệ thần túc thành tựu cho Quốc Độ của mình, học tập ánh sáng chiếu khắp mười phương.

Đắc tâm định của Chư Phật làm cảm động cõi nước, học phương tiện thiện xảo hóa độ các ngoại đạo, học cấm giới thành tựu đạo quả, phải học tập hợp chúng hội để chuyển pháp luân, theo sở học tự thân thành tựu nhất thiết trí, đã thành tựu các pháp học mà không thấy có pháp để học.

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Đó gọi là Bồ Tát tu hạnh Thập Trụ, sắp thành tựu Phật Quả làm nghiêm tịnh Quốc Độ. Thuở xưa ta Giáng Thần tại cung Đâu Thuật dùng pháp phương tiện giáo hóa Trời người, thị hiện pháp thù thắng vi diệu, quán sát chủng tánh và nước nào có thể thác sanh, từ Cõi Trời Đâu Thuật xuống thế gian, ba mươi sáu lần lên xuống tuần hoàn giáo hóa Trời người, độ thoát vô số chúng sanh, dùng phương tiện quyền xảo một mình đi khắp ba cõi mà không sợ hãi.

Sau cùng giáng hạ thế gian tu tập khổ hạnh sáu năm, chuyên tâm khổ hạnh thân như cây khô. Ta tuy thị hiện khổ hạnh như thế nhưng chỗ ta ở không gọi là Cõi Phật. Ta ở đó giáo hóa tám mươi bốn ức na thuật Trời người, đều khiến họ an lập nơi bất thoái chuyển địa. Chúng sanh ở cõi ấy thấy thân ta cho là ta đã mạng chung, mạng căn đã dứt.

Người qua đường chất củi thiêu đốt nhưng không thể thiêu đốt được. Ta dùng phương tiện khéo léo tu tập nhất tâm, tinh tấn, Thánh tuệ, không bỏ sự kính mộ của chúng sanh, từ bỏ các pháp tu không cần thiết, tâm thương xót chúng sanh.

Vì thế nên Bồ Tát thị hiện khổ hạnh. Bồ Tát trụ ở Thập Địa không rời sanh tử khai hóa chúng sanh, những người được độ đều thành Phật. Giả sử tâm Bồ Tát muốn mau thành tựu đạo vô thượng thì chỉ trong khoảnh khắc khảy móng tay thân liền hiện sắc màu hoàng kim, đầy đủ mười lực, bốn pháp vô sở úy, mười tám pháp bất cộng thù thắng.

Quyến thuộc của Bồ Tát trong một ngày đều thành tựu. Bồ Tát không mong cầu các loại Quốc Độ nhiều điều ác nhưng vì chúng sanh có tâm cống cao, khinh thường các bậc tôn kính, tự thân không bỏ tâm tự đại nên thị hiện thọ bào thai, tùy thuận thế gian dùng phương tiện hóa độ, tạo nhiều lợi ích cho nơi Bồ Tát sanh đến.

Khi đó Bồ Tát Thập Trụ không còn tên Bồ Tát mà phải gọi Ngài là Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, là Bậc Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu Phật Thế Tôn, có vô lượng phước đức, được Chư Phật ủng hộ, Chư Thiên luôn hộ vệ.

Các pháp yếu giảng nói đều có nhân duyên, tùy thời thích hợp không bao giờ không thích hợp. Tối Thắng nên biết, vì vậy Cõi Phật đó có tên là Vô Hiệu. Cách đó bảy mươi bảy ức hằng hà sa Cõi Phật về phía Đông Nam có Thế Giới tên là Nhân Hiền, Đức Phật tên là Thiện Nhãn.

Ở đó không có đạo Thanh Văn, Duyên Giác, dùng pháp vô danh hiệu, vô sanh diệt mà giáo hóa cho nhau biết đạo giải thoát không, không suy lường giải thoát, nghe pháp không liền tỏ ngộ rất dễ không khó.

Cõi đó cũng không có tam độc, bệnh dâm, nộ, si. Ghi nhớ không thể tận cùng các pháp tổng trì. Ta ở Cõi Phật đó bố thí, làm Phật S mà chúng sanh ở đó cũng không biết chỗ thân ta trụ. Đó gọi là Bồ Tát tu tập nhiều hạnh thấm nhuần chúng sanh. Này Tối Thắng, đó gọi là Bồ Tát Thập Trụ ở Thập Địa thanh tịnh hạnh của mình.

***