Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ

PHẬT THUYẾT KINH TỐI THẮNG

HỎI VỀ VIỆC TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

CỦA BỒ TÁT THẬP TRỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM MƯỜI HAI

PHẨM THẦN TÚC
 

Bấy giờ Bồ Tát Tối Thắng ở trước Đức Phật thưa: Bạch Thế Tôn, như thế nào lại nói Bồ Tát với thí, giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ có tiến, có thoái?

Lại có Bồ Tát từ khi mới phát tâm đến khi thành Phật chưa từng ở trong bào thai cha mẹ mà luôn được hóa sanh, dùng thần túc dạo đến các Cõi Phật, cũng không có ý tưởng về Quốc Độ?

Kính mong Thế Tôn phân biệt rõ ràng để các vị học đạo Bồ Tát ở đời tương lai biết được hướng tu tập.

Khi ấy Thế Tôn bảo Ngài Tối Thắng: Lắng nghe! Lắng nghe! Hãy chú tâm khéo suy tư! Ta sẽ vì ông phân biệt rõ ràng.

Ngài Tối Thắng bạch Phật: Con vui muốn nghe.

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Nếu có Bồ Tát tu tập thí, giới, nhẫn, tinh tấn, thiền định nhưng tâm niệm có tưởng, với tất cả pháp khởi tâm chấp tưởng, hoặc tưởng có Thế Giới, không có Thế Giới. Tưởng thấy có chúng sanh, không thấy có chúng sanh.

Tâm thấy có quá khứ, vị lai hay không có quá khứ, vị lai, ý thấy có hiện tại hay không có hiện tại. Tâm thấy có chấp đoạn hay không có chấp đoạn thì đó là sự thành tựu căn lực của bậc ở Sơ Địa. Vị ấy phải tương ưng với mười pháp.

Mười pháp đó là gì?

Đó là thần đức không thể nghĩ bàn của Như Lai, nhất tướng như thế không bị chướng ngại, không thấy chấp trước danh hiệu Chánh Giác, không thấy siêu độ tất cả các pháp. Với ba thừa hiện quán bình đẳng, không thấy có hướng tu tập.

Không chấp Thế Giới biết rõ tên gọi không có quá khứ, hiện tại, vị lai. Đó gọi là danh tướng, gọi là nhất thiết trí cũng có tên là Pháp Giới. Vì tâm duy trì niệm hướng đạo nên hộ trì ý chí, không làm tổn hại tâm mình.

Như vậy, này Tối Thắng, các pháp đó cũng không có xứ sở, đến cũng không biết từ đâu đến, đi cũng không biết từ đâu diệt.

Bồ Tát tu tập giới, nhẫn nhục, tinh tấn cũng như thế. Giới cũng là vô giới, nhẫn cũng là vô nhẫn, hiểu rõ tinh tấn không thấy có tinh tấn. Nếu người trì giới luôn phòng hộ giữ gìn chỗ sở đoản của họ, giả sử thấy hủy giới không sanh tâm hận, thấy giới viên mãn đầy đủ không tự sanh tâm hoan hỷ.

Đó là Bồ Tát thành tựu giới. Bồ Tát tu tập tâm nhẫn không tăng giảm. Có người đến xin các bộ phận trên thân thể Bồ Tát, Bồ Tát giữ tâm kiên cố không tì vết. Bồ Tát đầy đủ thí, giới, nhẫn, tinh tấn, khéo tư duy trí tuệ, đoạn trừ niệm chấp tưởng, tâm không phân biệt, không khởi, không diệt, khởi vô số niệm.

Với các tội phước bình đẳng vô nhị. Lại phải tư duy tam hướng phạm đường không, vô tướng, vô nguyện. Không thấy nghĩa không hợp cùng tướng, nguyện cũng không thấy tướng, nguyện hợp cùng không.

Không thấy vô nguyện hợp cùng không, tướng. Không thấy không, tướng hợp cùng với vô nguyện cũng chẳng phải không hợp. Không thấy vô tướng cùng hợp với không, vô nguyện. Không thấy không, vô nguyện hợp cùng với vô tướng cũng chẳng phải không hợp.

Quá khứ, tương lai, hiện tại cũng như vậy. Lại nữa, này Tối Thắng, thần túc của Bồ Tát chẳng phải do tư lự mà có thể biết, cảnh giới loài rồng thì không thể nghĩ suy, chẳng ở thế gian cũng chẳng rời thế gian, qua lại tuần hoàn đều không trụ xứ. Các pháp nguyện, tướng cũng như thế.

Bồ Tát thuở xưa tinh tấn tu tập đạo quả, Thánh Đạo tự nhiên không thấy giới hạn. Nếu có người đến cầu xin giải quyết mối nghi thì ở trong pháp Hiền Thánh chính là tự tổn hại. Như vậy, này Tối Thắng, Bồ Tát trì giới, nghe pháp, trí tuệ, bố thí, sáu loại pháp thanh tịnh, thông đạt nghĩa lý sâu xa, tu thành phạm hạnh.

Nếu có Bồ Tát tu tập thành tựu đức bổn, đạt được pháp yếu sâu xa vi diệu này, thủ diệt độ nơi Niết Bàn Vô Dư, dạy dỗ chúng sanh pháp không biên tế, không quá khứ, vị lai thì mới gọi là đạo. Bồ Tát thị hiện vào trong cảnh ái dục, quán sát căn tánh rồi vì họ nói pháp, hoặc nhập Diệt tận định, chấm dứt hoàn toàn hơi thở ra vào, thân hình bụng trương to tuôn ra các vật bất tịnh.

Chúng sanh trông thấy khởi niệm tưởng vô thường. Bồ Tát lại quán chúng sanh tâm định hay loạn tùy nghi thị hiện khiến họ được giải thoát, hoặc dùng oai nghi, các pháp đạo phẩm giáo huấn tất cả chúng sanh, trừ bỏ gánh nặng âu sầu của họ.

Năm pháp thần trí là nghiệp của Bồ Tát. Mười tám pháp vi tế là nghiệp của Bồ Tát. Mười sáu pháp Kim Cang là nghiệp của Bồ Tát. Hai mươi mốt giới mà các Bậc Hiền Thánh đã tu tập là nghiệp của Bồ Tát.

Dưới cội thọ Vương tư duy ba mươi bốn pháp là nghiệp của Bồ Tát. Đối với thí, giới… không thấy ngô ngã là nghiệp của Bồ Tát. Phân biệt mà không trụ quá khứ, hiện tại, vị lai là nghiệp của Bồ Tát.

Như vậy, này Tối Thắng, cảnh giới mà Bồ Tát tu tập thật vô lượng. Biết rõ quả báo mới được hướng đạo, có các duyên đó đến thì theo nhân duyên hợp. Âm thanh từ hư không đến nhĩ thức nghe biết.

Ngôn giáo sách vở chẳng phải chân thật, theo duyên hợp thì có thể theo duyên tan mất. Duyên hợp thì hợp, duyên tan thì tan. Tan không tự biết là từ đâu tan, tụ không tự biết là từ đâu tụ.

Lúc đó Ngài Tối Thắng ở trước Đức Phật thưa: Lành thay! Lành thay! Thế Tôn Giảng nói pháp này, phân biệt nguồn cội các loại nhân duyên để Chư Bồ Tát vận áo giáp đại công đức, khiến vô số người phát tâm đại thừa, khen ngợi chí hướng, việc làm của Bồ Tát và giảng nói nghĩa lý mười pháp hiệu công đức của Như Lai.

Các vị trong hội đều được nghe biết trí nghiệp không ngăn ngại của Như Lai. Nếu có Bồ Tát nghe được pháp này, các ấm cái suy vĩnh viễn bị tiêu trừ, lại khiến cho tất cả chúng sanh đều thông hiểu.

Bạch Thế Tôn, chúng con từ hôm nay xin vâng theo giáo huấn hướng đạo của Như Lai, tu tập thuần thục các hạnh, không dám phóng dật, điều phục tâm ý, bố thí.

Luôn phân biệt tất cả văn tự, nghĩa lý câu, đoạn đều thông tỏ như thấy trước mặt, tâm niệm bình đẳng như hư không che phủ, làm việc với tâm từ mẫn thương xót tất cả, tùy theo căn tánh mà khai Đạo Giáo hóa cho chúng sanh, luôn dùng tứ đẳng tâm hộ trì chúng sanh khiến họ được dùng pháp Cam Lộ.

Trừ sạch tất cả sân hận kiết sử, xả bỏ mười pháp, lìa xa ba độc, nhổ tận chín pháp tưởng làm não loạn tâm, làm cho tử ma, gió bụi trần làm tổn hại tâm người vĩnh viễn không còn, phân biệt gốc của mười hai nhân duyên từ si duyên hành cho đến sanh, già, chết.

Lại phải tư duy pháp duyên khởi diệt. Si diệt thì hành diệt cho đến già, bệnh, chết cũng như vậy. Tùy theo chủng loại quán sát nguồn cội của họ sau mới cho thuốc, giữ tâm kiên cố quán sát rõ tâm niệm suy tư, việc làm thiện hạnh của người rồi lại vì họ nói pháp không để tâm họ rong ruổi, các tưởng uế trược không hưng khởi lại.

Khi ấy Thế Tôn lại dạy: Này Tối Thắng, vì vậy Bồ Tát lập phương tiện giảng dạy khiến họ được nhiều lợi ích, được nhiều thành tựu, xem chúng sanh như mẹ thương con, tùy thời giáo dưỡng khiến họ không có tâm tăng giảm, luôn có chánh kiến không theo dị học.

Bồ Tát ở trong chúng như Sư Tử Vương tư duy bốn đại: Địa, thủy, hỏa, phong trong thân. Địa động thì thủy yếu, thủy động thì hỏa yếu, hỏa động thì phong yếu. Bốn pháp đó động thì các tình suy yếu, thần thức lìa khỏi thân này.

Lúc đó thân quyến có ai để cậy nhờ, chỉ có pháp lành mới có thể nương tựa mà thôi. Bồ Tát lại phải tư duy quán sát sâu xa pháp tam muội chánh định mà Chư Phật thể đạt, thuận theo pháp bổn đó thì không mất oai nghi, phân biệt hạnh hữu lậu hay vô lậu, vượt qua tám pháp nghiệp của thế gian, không để tâm ô nhiễm bởi lợi, suy, hủy, dự. Quán biết ngã, nhân, thọ mạng đều không xứ sở.

Tối Thắng nên biết, nếu có chúng sanh sinh tâm, kiến điên đảo đến vấn nạn về pháp tắc, hạnh Bồ Tát thì phải theo từ một kiếp đến trăm ngàn kiếp nghe bậc Bồ Tát nhất trụ giảng nói. Ngôn từ của Bồ Tát trôi chảy không thể bị chướng ngại. Vì vậy nên biết hạnh của Bồ Tát không ai có thể theo kịp, không thể dùng ví dụ để so sánh.

Các pháp như vậy đều do thần túc biến hóa của Bồ Tát phương tiện hiện ra, đi đến mười phương lễ bái, cung kính cúng dường Chư Phật, từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác. Bồ Tát đến nơi nào cũng vì chúng sanh mà xiển dương đạo pháp, trừ sạch tất cả nạn xưa nay, những người có tâm oán hận gặp khổ não thì tự nhiên tiêu trừ.

Vì vậy nên số người trở thành quyến thuộc không biết bao nhiêu. Họ đều do trừ bỏ tâm kiêu mạn tự đại mà được. Có khi Bồ Tát ở trong đại chúng diễn thuyết, thanh âm trôi chảy như Phạm Âm làm cho ba bộ chúng đạt được chí nguyện của mình, hướng dẫn họ đi vào cõi giải thoát hoàn toàn mà diệt độ.

Ví như rồng lớn làm cho bầu trời không mây bỗng mưa xuống khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới, trăm loại cây cỏ đều được nương nhờ thấm ướt, theo thời mà phát triển sanh sôi. Bậc Bồ Tát Đại Sĩ cũng như thế, diễn xướng một âm thanh, dùng nước pháp vị giải thoát truyền bá giảng dạy đạo pháp khiến ba ngàn Thế Giới đều được độ thoát.

Người được giải thoát chí như Kim Cương, trong ngoài thanh tịnh. Bồ Tát lại dùng cấm giới, pháp luật thần túc tự trang nghiêm thân như đeo chuỗi ngọc anh lạc, các tướng hiện rõ như núi vàng chói.

Bồ Tát đi đến đâu cũng khiến người nơi đó được thỏa nguyện. Người nghe pháp trọn lòng tin không nghi ngờ. Bồ Tát lại làm cho chúng sanh thể nhập giác ý tam muội, khiến cho loài hữu hình bò, bay, máy, cựa trong ba ngàn đại thiên Thế Giới tự nhiên biết được túc mạng.

Chúng sanh đều ngộ rõ nguyên nhân căn bản của tập, biết được nguồn cội của khổ. Do đó mà họ đều phát tâm Bồ Tát, vâng theo tu tập chánh định của Như Lai.

Khi ấy chúng sanh nghe pháp dùng tâm tinh tấn nương oai thần của Phật hiểu rõ sở hành quá khứ, tùy theo sở hành quá khứ xa gần đều tới Đạo Tràng thanh tịnh vi diệu. Người đã đến Đạo Tràng thì chí hướng kiên cố, tâm không sợ hãi, không còn trở lại sợ hãi, ý chí hướng theo giải thoát hoàn toàn.

Chúng sanh có căn tánh lanh lợi hoặc trải qua một ngày, hai ngày, ba ngày cho đến bảy ngày thì xả bỏ thọ mạng của mình, mạng chung đều sanh lên cõi trời. Người có đức hạnh thuần thục không khuyết giảm thì sanh đến Cõi Phật ở mười phương.

Chúng sanh sinh lên cõi trời tự mang vô số các loại Thiên hoa, tạp hương và các vật cúng dường, đều do tự nhiên hiện ra, đi đến rải trên đại chúng và các vị đến nghe pháp để cúng dường. Hoa từ trên hư không rải đều không rơi xuống đất mà hóa thành đài báu và giao lộ báu tự nhiên.

Họ dùng âm thanh lớn khen ngợi: Chúng con có thiện lợi, có phước may mắn mới có thể gặp được Giác ý tam muội làm cho chúng sanh trong ba ngàn đại thiên Thế Giới đạt được sở nguyện. Nhờ Thế Tôn, chúng con mới mau được thiện lợi như vậy.

Chư Thiên lại dùng hương hoa cúng dường riêng cho Bồ Tát Tối Thắng, thưa: Nay nương nhờ ân đức từ mẫn của Bồ Tát mà chúng con mới gặp được giác ý tam muội này, làm cho toàn thân chúng con đều được an lạc vui vẻ. Nếu có chúng sanh được nghe pháp tam muội giác ý mà không trọn tin thì phải biết người đó chính do trong đời quá khứ không may mắn được nghe pháp tam muội này.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các vị đến nghe pháp trong hội: Thuở xưa, cách đây vô số A tăng kỳ kiếp, ta do tu tập tam muội này nên hôm nay được thành tựu quả A Duy Tam Phật. Hằng hà sa Chư Phật quá khứ và vị lai đều phải tu tập Giác ý tam muội này. Oai đức của tam muội này không thể suy lường.

Lúc ấy người nghe tên tam muội đó đều phát tâm Đại Thừa Bồ Tát không thể tính kể. Bốn bộ chúng đều đạt được Định ý tam muội. Lại có trăm ngàn người đến nghe pháp trong hội ngay trên tòa ngồi phát tâm vô thượng chánh chân.

Bấy giờ Thế Tôn lại phóng ánh sáng từ Giác hoa định ý tam muội chiếu khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới. Các loài ở địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ tiêu trừ khổ não đều được sanh trở lại cõi người, tự biết mạng đời trước.

Khi ấy có bốn ức chúng ngồi trên tòa thấy điềm lành như vậy, mỗi người đều sanh tâm nhàm chán họa hoạn, tâm tự nghĩ: Đã sanh thì phải có chết, tất cả đều do nhân duyên. Chết rồi lại sanh níu kéo buộc ràng không dứt. Dâm dục là cội gốc đều do tham ái. Chúng ta nguyện sanh về cõi Cực Lạc vô dục thì mới được tu tập giác ý tam muội và định ý chánh thọ đó.

Khi ấy Thế Tôn biết tâm niệm của các vị đó nên bảo họ: Cách đây vô số Cõi Phật về phương Tây có Đức Phật tên Vô Lượng Thọ. Cõi Phật đó thanh tịnh không có dâm, nộ, si, đều đồng nhất tâm, đều từ hoa sen sanh không phải do nhân duyên tình dục của cha mẹ sanh.

Các vị ở cõi đó đều là đồng nam không có nữ nhân, không có đại tiểu tiện, dùng pháp lạc thiền duyệt không có thức tưởng niệm làm thức ăn, cung kính nhau nghĩ như là cha mẹ. Các vị muốn sanh về đó thì nên phát thệ nguyện.

Bấy giờ bốn ức chúng ở trên tòa ngồi đồng phát tâm nguyện sanh về cõi đó. Khi ấy Thế Tôn từ chánh định Như kỳ tượng phóng ánh sáng giác ý tam muội chiếu đến Cõi Phật kia để bốn ức vị đó được thấy Đức Như Lai Thế Tôn và các vị Bồ Tát hóa sanh ở Cõi Phật ấy.

Cõi đó rộng lớn đều do các loại báu vàng, bạc, lưu ly tạo thành, không có ba đường ác, nỗi khổ của tám nạn. Bốn ức người đó thấy được Cõi Phật xong, tùy theo thọ mạng đều đồng sanh về Cõi Phật đó, được tu tập giác ý tam muội. Đó là do thệ nguyện đã phát lúc trước nên được như vậy. Sức oai thần cảm hóa của giác ý tam muội có công đức như thế.

***