Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ

PHẬT THUYẾT KINH TỐI THẮNG

HỎI VỀ VIỆC TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

CỦA BỒ TÁT THẬP TRỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM MƯỜI NĂM

PHẨM TOÁI THÂN
 

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Đại Bồ Tát nhập toái thân định. Vị Bồ Tát nhập định đó có đầy đủ mười loại tánh chân như.

Mười pháp đó là gì?

Tánh chân như của tất cả Thế Giới, tánh chân như của tất cả các phương, tánh chân như của tất cả số kiếp, tánh chân như của tất cả chúng sanh, tánh chân như của tất cả các pháp, tánh chân như của tất cả hạnh Bồ Tát, tánh chân như của tất cả nguyện Bồ Tát, tánh chân như của tất cả loại định, tánh chân như của tất cả Chư Phật Thế Tôn, tánh chân như của tất cả địa giới. Nếu có Bồ Tát đắc Toái thân định này thì đạt được mười tánh chân như đó.

Bồ Tát nhập Chúng sanh toái thân định như thế nào?

Này Tối Thắng, khi Đại Bồ Tát nhập toái thân định, trước nhập định quán nội thân từ ngoại thân khởi, nhập định quán ngoại thân từ nội thân khởi, nhập định quán một thân từ thân khác khởi, nhập định quán thân khác từ một thân khởi, nhập định quán thân người từ thân Duyệt Xoa khởi, nhập định quán thân Duyệt Xoa từ thân Rồng khởi, nhập định quán thân Rồng từ thân A Tu La khởi.

Nhập định quán thân A Tu La từ thân trời khởi, nhập định quán thân trời từ thân Phạm Thiên khởi, nhập định quán thân Phạm Thiên từ thân Dục Giới khởi, nhập định quán thân Thiên Đạo từ định quán thân địa ngục khởi, nhập định quán thân địa ngục từ định quán thân nhân đạo khởi, nhập định quán thân nhân đạo từ đạo khác khởi, nhập định quán ngàn thân từ một thân khởi.

Nhập định quán một thân từ ngàn thân khởi, nhập định quán ức thân từ một thân khởi, nhập định quán một thân từ ức thân khởi, nhập định quán chúng sanh hữu hình trong Cõi Diêm Phù định quán chúng sanh hữu hình ở Cõi Cù Da Ni khởi, nhập định quán chúng sanh hữu hình ở Cõi Cù Da Ni từ định quán chúng sanh hữu hình ở Cõi Uất Đan Việt khởi.

Nhập định quán chúng sanh hữu hình ở Cõi Uất Đan Việt từ định quán chúng sanh hữu hình ở Cõi Phất vu đãi khởi, nhập định quán chúng sanh hữu hình ở phương Đông từ định quán chúng sanh hữu hình ở ba phương khác khởi, nhập định quán chúng sanh hữu hình ở ba phương từ định quán chúng sanh hữu hình ở bốn phương khởi.

Nhập định quán chúng sanh hữu hình ở bốn phương từ định quán tất cả các loài có thân mạng ở biển khởi, nhập định quán tất cả các loài có thân mạng ở biển từ định quán thân vị thần biển khởi, nhập định quán thân vị thần biển từ tánh nước của biển khởi, nhập định quán tánh nước của biển từ định quán tánh lửa của biển khởi.

Nhập định quán tánh lửa của biển từ định quán tánh gió của biển khởi, nhập định quán tánh gió của biển từ định quán bốn đại khởi, nhập định quán bốn đại từ định quán pháp vô hữu khởi, nhập định quán pháp vô hữu từ định quán núi Tu Di khởi.

Nhập định quán núi Tu Di từ định quán trăm loại cây cỏ, núi song, tường đá khởi, nhập định quán trăm loại cây cỏ, núi sông, tường đá từ định quán tất cả vật dụng báu và hương hoa tinh khiết khởi.

Nhập định quán tất cả vật dụng báu và hương hoa tinh khiết từ định quán mọi đồ dùng ăn mặc của tất cả chúng sanh ở bốn phương và phương Trên, phương Dưới khởi.

Nhập định định quán mọi đồ dùng ăn mặc của tất cả chúng sanh ở bốn phương và phương Trên, phương Dưới từ định quán thân chúng sanh hữu hình trong ba ngàn Thế Giới khởi.

Nhập định quán chúng sanh hữu hình trong ba ngàn Thế Giới khởi từ chúng sanh hữu hình trong ba ngàn đại thiên Thế Giới khởi.

Nhập định quán chúng sanh hữu hình trong ba ngàn đại thiên Thế Giới từ định quán chúng sanh hữu hình trong ức trăm ngàn và ba ngàn Đại Thiên Thế Giới khởi.

Nhập định quán chúng sanh hữu hình trong ức trăm ngàn và ba ngàn đại thiên Thế Giới từ định quán chúng sanh hữu hình trong vô hạn Thế Giới khởi.

Nhập định quán chúng sanh hữu hình trong vô hạn Thế Giới từ định quán chúng sanh hữu hình trong vô số Thế Giới khởi.

Nhập định quán chúng sanh hữu hình trong vô số Thế Giới từ định quán chúng sanh hữu hình trong vô lượng Cõi Phật khởi.

Nhập định quán chúng sanh hữu hình trong vô lượng Cõi Phật từ định quán chúng sanh hữu hình trong vô biên Cõi Phật khởi.

Nhập định quán chúng sanh hữu hình trong vô biên Cõi Phật từ định quán chúng sanh hữu hình trong vô số không thể tính kể Cõi Phật khởi.

Nhập định quán chúng sanh hữu hình trong vô số không thể tính kể Cõi Phật từ định quán chúng sanh hữu hình trong không thể nghĩ bàn Cõi Phật khởi.

Nhập định quán chúng sanh hữu hình trong không thể nghĩ bàn Cõi Phật, nhập định quán chúng sanh hữu hình trong vô hạn vô lượng không thể nghĩ bàn Cõi Phật.

Từ định quán chúng sanh hữu hình trong vô hạn vô lượng không thể nghĩ bàn Cõi Phật, khởi nhập định định quán chúng sanh hữu hình rất xa.

Từ định quán chúng sanh rất xa khởi nhập định quán chúng sanh rất gần.

Từ định quán chúng sanh rất gần khởi nhập định quán nhãn nhập.

Từ định quán nhãn nhập khởi nhập định quán nhĩ nhập.

Từ định quán nhĩ nhập khởi nhập định quán tỷ nhập.

Từ định quán tỷ nhập khởi nhập định quán thiệt nhập.

Từ định quán thiệt nhập khởi nhập định quán thân nhập.

Từ định quán thân nhập khởi nhập định quán ý nhập.

Từ định quán ý nhập khởi nhập định quán tự nhập.

Từ định quán tự nhập khởi nhập định quán tha nhập.

Từ định quán tha nhập khởi nhập định quán tự nhập.

Nhập định quán tất cả chúng sanh hữu hình từ định quán A tăng kỳ cõi cho đến vô hạn lượng không thể tính kể cõi nước khởi.

Nhập định quán A Tăng Kỳ cõi cho đến vô hạn lượng không thể tính kể cõi nước từ định quán tất cả chúng sanh hữu hình khởi.

Nhập định quán Thanh Văn từ định quán Bích Chi Phật khởi.

Nhập định quán Bích Chi Phật từ định quán Thanh Văn khởi.

Nhập định quán tự thân từ định quán thân Phật khởi.

Nhập định quán thân Phật từ định quán tự thân khởi.

Nhập định quán một niệm từ định quán trăm ức kiếp khởi.

Nhập định quán trăm ức kiếp từ định quán một niệm khởi, thể nhập hiện tại định. Từ hiện tại định khởi nhập quá khứ định.

Từ quá khứ định khởi nhập vị lai định, lại nhập tam thế định.

Như vậy Bồ Tát theo chỗ nhập định, theo chỗ khởi định, nhập định quán cõi hư không từ hư không giới khởi.

Tối Thắng nên biết, ví như có người bị quỷ trói buộc, theo sự nắm giữ của quỷ thần kia thân đi đến đâu cũng không tự biết.

Nhưng quỷ thần ấy mượn thân người đó chứ không tự hiện hình. Đại Bồ Tát cũng như vậy, ý nhập nội định từ ngoại định khởi, nhập ngoại định từ nội định khởi. Ví như có người thân chết, thần thức lìa không chỗ nương tựa, xúc không dao động.

Thân cũng không biết thần thức ở đâu. Thần thức tự thọ hình vì không biết thân nay đang ở đâu. Tối Thắng nên biết, Đại Bồ Tát cũng như thế, lúc mới nhập hữu định thì đẳng quán phân biệt… lại nhập không định vĩnh viễn không thấy hữu.

Trước sanh sau diệt, mỗi pháp không biết nhau. Bồ Tát lại phải quán giống như người có tâm tự tại Ba la mật, một thân có thể hóa thành nhiều thân, nhiều thân hợp lại thành một thân. Thức không theo một thân mà mất, ngay khi đó sanh nhiều thân.

Lại cũng không có việc thức từ nhiều thân mất sanh trong một thân, không từ không có mà có nhiều, không từ nhiều mà có một Đại Bồ Tát cũng như thế, nhập định quán một thân rồi khởi nhập định quán nhiều thân, định quán nhiều thân rồi khởi định quán một thân.

Ví như mặt đất được thấm nhuần là do nước làm căn bổn, vạn vật sanh ra mỗi thứ không đồng. Cõi người, cõi ma đều được thấm nhuần là do nước làm căn bổn, vạn vật sanh ra mỗi thứ không đồng. Cõi người, cõi ma đều được thấm nhuần.

Vạn vật cũng không tự biết ta được sanh, nước cũng không biết ta làm thấm nhuần. Đại Bồ Tát cũng như vậy, được tam muội này thì một là vô số, vô số là một. Vô số không biết lấy gì làm một, một cũng không biết lấy gì làm vô số.

Này Tối Thắng, đó gọi là Nhất thiết chúng sanh toái thân tam muội của Đại Bồ Tát, là pháp tu hành của bậc đệ bát Bồ Tát.

Trụ trong tam muội này, Bồ Tát liền đạt được mười hiệu Phật và mười công đức, được mọi người hoan hỷ khen ngợi.

Thế nào là mười?

Là nói Danh Hiệu của Như Lai: Như chân như tu tập chân như, danh hiệu là Phật, Phật đối với các pháp đều ngộ rõ từ bờ này đến bờ kia. Danh Hiệu Tối Thắng, vì được chúng sanh tôn quý và cúng dường. Danh hiệu nhất thiết trí, vì tất cả trí đức đều đầy đủ.

Danh hiệu Vô Tận, vì bảo hộ che chở cho tất cả chúng sanh. Danh hiệu Đạo Sư, vì khiến chúng sanh loại hiểu rõ con đường chân chánh.

Danh Hiệu Đẳng Luân, vì tất cả pháp giới chúng sanh và các loại trí đều đầy đủ.

Danh Hiệu là Diệu Quang, vì tất cả chúng sanh đều nương nhờ ánh sáng soi chiếu.

Danh Hiệu là Thập Lực, vì thành tựu sở nguyện, trí phân biệt pháp, không chấp trước, không thể nhiễm ô. Hiệu là Nhất Thiết Hiện, vì khiến cho tất cả pháp đồng nhất, hay Ba la mật tự tại.

Này Tối Thắng, đó gọi là mười hiệu và mười công đức được mọi người hoan hỷ khen ngợi. Đó đều là ân lực oai thần của tam muội. Đại Bồ Tát trụ tam muội này đạt được mười loại ánh sáng tự tỏa chiếu.

Mười loại ánh sáng đó là gì?

Đó là Tất cả ánh Phật Quang tự tỏa chiếu. Ánh sáng vây quanh thân chiếu soi tất cả Thế Giới theo đạo, không có Thế Giới nào không theo đạo. Ánh sáng khiến tất cả chúng sanh đều được giáo giới, dùng đó làm hương xông ướp.

Vô lượng ánh sáng của bốn pháp vô sở úy chiếu khắp pháp giới, nơi nào trong pháp giới cũng có ánh quang minh. Ánh sáng giải thoát trừ bỏ tâm ái, tất cả vô dục. Ánh sáng cảm hóa tất cả chúng sanh. Ánh sáng không nương chấp, không nhiễm trước của Chư Phật.

Ánh sáng khéo tư duy, ánh sáng Ba la mật của Bậc Đẳng Chánh Giác. Ánh sáng chân tế, tất cả pháp tánh như thị. Ánh sáng vô thượng giảng nói trừ bỏ họa ràng buộc. Nếu vị Đại Bồ Tát trụ tam muội này thì được mười loại ánh sáng tự tỏa chiếu. Bồ Tát lại phải khéo học mười hành vô tích.

Mười hành ấy là gì?

Ý phải khởi lên các niệm sau: Thân hành vô tích, khẩu hành vô tích, ý hành vô tích, tâm ham muốn an trụ xứ sở đều rỗng không, vô hạnh mong muốn thành tựu hạnh, không phải pháp hữu vi. Không làm bại hoại pháp, không hủy trí nghiệp. Tu tập vô sanh trí. Học hay không học pháp đều phải biết biện trí. Trí vô hình nghĩa vị thanh tịnh.

Đó gọi là Đại Bồ Tát trụ tam muội này nên có vô số hạnh đặc thù khác nhau có thể cắt đứt duyên chấp trước, từ một nhập vô số loại định, hoặc khởi niệm, hoặc tư duy đẳng phần, với đẳng phần cũng không đẳng phần.

Từ nhỏ đến lớn, từ lớn đến nhỏ. Từ hẹp đến rộng, từ rộng đến hẹp. Buộc thì khiến mở, mở thì khiến buộc. Không có thân thì khiến có thân, có thân thì khiến không có thân. Hoặc khởi hoặc định, hoặc định hoặc khởi, có cấu uế làm cho không cấu uế, không cấu uế làm cho có cấu uế.

Người ngộ rõ tam muội này thì có thể phá hoại tất cả cảnh giới như người đập vỡ bình, giống như đại chú thuật phòng hộ hiệu nghiệm. Vô số loại sắc, vô lượng loại âm thanh hoặc bị chú cấm ngăn, hoặc bị âm thanh ảo hóa sai sử.

Chú sai sử các thần, ảo sai khiến ngoại hình. Thấy sắc biết ảo hóa chính là thu nhiếp nhãn thức. Nghe âm thanh biết ảo hóa chính là thu nhiếp nhĩ thức. Ngửi hương biết ảo hóa chính là thu nhiếp tỷ thức.

Nếm vị biết ảo hóa chính là thu nhiếp thiệt thức. Cảm xúc do thân thể xúc chạm phát sinh biết ảo hóa chính là thu nhiếp thân thức. Có ảo, đại ảo, thượng trở lại là hạ, hạ trở lại là thượng nên phải khởi niệm truy tìm. Pháp mà ý thức thu nhiếp không thể suy lường. Đại Bồ Tát trụ tam muội đó như vậy, hoặc tán hoặc tụ, hiện vô số biến hóa.

Tối Thắng nên biết, nay Ta phải dẫn ví dụ để kẻ sĩ có mắt mới thông đạt pháp này. Ví như Chư Thiên đánh nhau với A Tu Luân. Chư Thiên chiến thắng, A Tu Luân bại.

Lúc đó A Tu Luân tự biết đã bại liền lập kế phương tiện hóa thành ao tắm có các loại hoa sen. Thân A Tu Luân cao bảy ngàn do tuần lại làm cho thân mình và binh chúng ẩn mất, chui vào trong ống của ngó sen nấp. Chư Thiên tìm nhưng không thấy.

Đó gọi là A Tu Luân khéo biết rõ pháp ảo. Đại Bồ Tát cũng như vậy, thành tựu tuệ ảo của Nhất thiết trí thì từ chỗ này đến chỗ khác, trí không tổn giảm mảy lông. Mỗi vị Bồ Tát đều tự thông đạt với nhau. Bậc có hiệu Bồ Tát đều dùng trí tuệ ảo pháp để nhiếp thủ.

Bồ Tát nhập toàn thân định, hiện khắp các pháp định như thế. Ví như có người khi ở cõi người, khi ở cõi quỷ gieo hạt giống xuống đất, tùy thời tưới tẩm khiến hạt giống được sanh trưởng. Hạt giống ở trong đất, quả sanh ở trên cao.

Hạt giống trước chẳng phải hạt giống sau, hạt giông sau chẳng phải hạt giống trước. Hạt giống trước không lìa hạt giống sau, hạt giống sau không lìa hạt giống trước. Bồ Tát Đại Sĩ cũng như thế, một mình nhận lãnh thân hữu hình trụ tam muội này thì có thể lìa thân hiện hữu, không trụ thân hiện hữu do nam nữ giao hội.

Thức ở trong chỗ tinh cha, huyết mẹ dơ uế, trong thai mẹ dần dần đủ mười tháng nhưng do hạnh xưa trong sạch, phước nguyện đưa đến, các thân phần hình thể đầy đủ, thành tựu sáu căn, phân biệt giới tính rõ ràng.

Thức hợp với nguồn gốc của sáu căn, mỗi căn đều khác. Tướng của sáu căn hiện hữu trên thân theo việc làm thiện ác mà đưa đến thọ thân, tìm gốc khởi sanh thì như ảo hóa.

Bồ Tát Đại Sĩ cũng như thế, dùng tâm giải thoát tăng thượng làm cha mẹ, trí tuệ phân biệt mà trụ nơi thọ sanh, nhập quán định vô hữu từ hữu định khởi, hoặc nhập quán hữu định từ vô hữu định khởi.

Bậc trụ trong tam muội này có đức như vậy. Ví như cung Rồng nương trụ trên đất thì có thể cưỡi mây bay trên hư không, phát sấm chớp tùy thời tuôn mưa xuống thấm nhuần muôn loại, nhưng cung rồng kia không trụ ở hư không.

Chẳng có chỗ Rồng trụ mà trong hư không hiện bao nhiêu thứ biến hóa, hoặc phun mưa, hoặc tùy theo tâm nguyện khiến chúng sanh loại ngưỡng trông: Cung điện ở mặt đất mà làm mưa ngược lên trên, pháp lạ kỳ có gì lạ kỳ hơn. Bồ Tát Đại Sĩ cũng như thế, trụ tam muội này và pháp ảo hóa, nhập định quán vô tướng từ hữu tướng khởi, nhập định quán hữu tướng từ vô tướng khởi.

Như vậy, này Tối Thắng, Bồ Tát trụ trong tam muội này khiến hư không là đất, khiến đất là hư không. hư không và đất cũng không lìa nhau.

Giống như cung điện do các thứ báu tạo thành lấp lánh ánh pha lê ở trên trời, khi vị Đại Tự Tại Thiên lên cung điện ấy đưa mắt nhìn thì thấy một ngàn Thế Giới, mười ngàn Thế Giới, trăm ngàn Thế Giới, ba ngàn đại thiên Thế Giới.

Ở trong các Thế Giới đó có Thiên Cung, Long Cung, Duyệt Xoa, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chiên Đà La, Ma Hưu Lặc, nhân và phi nhân cho đến ba đường ác. Núi Tu Di, núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, Hắc Sơn, Đại Hắc Sơn và núi Thất Bảo.

Sông biển, ao hồ, thành ấp, làng xóm, núi sông, cây cối, thảo dược, hoa quả. Những loài có hình chất hôi thối hay thơm tho, trong sạch hay dơ uế trong ba ngàn đại thiên Thế Giới cho đến các loại hình vi tế. Phạm Thiên ở trung cung điện đó đều ở xa trông thấy rõ ràng chi tiết, không bị mờ khuất không rõ.

Giống như người ở nhân gian đeo các vật trang sức trên thân cũng như soi gương thấy hình bóng, vị Thiên ấy cũng như vậy. Các chúng sanh ngồi đứng, đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ, vị ấy đều thấy rõ ràng như thấy viên ngọc trong lòng bàn tay.

Đại Bồ Tát cũng như thế, trụ Nhất thiết chúng sanh toái thân định đối với các tam muội luôn được tự tại. Đạt được định tự tại của Phật, định tự tại giáo hóa chúng sanh, định tự tại thông tỏ các pháp, định tự tại thành tựu hạnh, định tự tại đầy đủ giải thoát tăng thượng, định tự tại với các chánh thọ, định tự tại khi ra vào, ngồi đứng.

Định tự tại đắc các trí tuệ, định tự tại trong khoảng thời gian khảy móng tay là một kiếp. Đó gọi là Đại Bồ Tát trụ tam muội này tự an vui với mười điều tự tại của Bậc Đẳng Chánh Giác. Đại Bồ Tát hiển bày oai lực vô úy có mười việc.

Mười việc đó là gì?

Đó là hiển bày oai thần chiếu sáng của Phật vượt quá cõi hư không, không bỏ tâm tinh tấn, ở trong các pháp hoại mà đắc pháp Ba la mật. Hiển bày hạnh thệ nguyện vô úy của Bồ Tát, thông tỏ pháp Ba la mật hí khẩu của Như Lai.

Hiển bày Thế Giới thanh tịnh, hiển bày sự thanh tịnh vô cấu soi sáng Thế Giới. Hiển bày ở chỗ chúng sanh thị hiện việc không thể nghĩ bàn. Hiển bày các Bồ Tát không đoạn Kinh pháp.

Hiển bày đến Cõi Phật cúng dường, lễ bái. Hiển bày gốc trí tuệ hạnh nghiệp vì đó là việc không thể nghĩ bàn. Hiển bày phân biệt tam muội vô sở úy.

Hiển bày nhập định vi diệu, biết rõ hướng tu tập, dùng Bồ Tát độ mà độ thoát chúng sanh. Hiển bày Cõi Phật thanh tịnh, không đoạn pháp thệ nguyện của Bồ Tát để tự soi sáng cũng không sợ hãi.

Bậc Đại Bồ Tát ở trong Cõi thế tục hiện thân Phật cũng không e ngại, vì giáo hóa nên hiện chuyển pháp luân, hiển bày pháp bổn thiện căn của Chư Như Lai, an lập họ nơi Phật thừa khiến họ đều được thành tựu. Hiển bày tâm ý đầy đủ oai lực đạt đến Ba la mật.

Lại nữa, Đại Bồ Tát tư duy Bất khởi pháp nhẫn, liễu tri thông đạt rõ ràng các pháp đã tu hành trong vô số vô hạn ức, trăm, ngàn kiếp. Tất cả đều như hiện tiền. Hiển bày pháp oai mãnh liệt thiêu đốt đạo giáo.

Lại nữa, Đại Bồ Tát theo ngày đêm, thời tiết, năm tháng, tuổi tác đều có thể tính toán mà biết dụng tâm của Bồ Tát, dùng đẳng trí trong khoảnh khắc biết rõ việc ba đời không sai trái. Hiện như thế không ngăn ngại.

Này Tối Thắng, đó gọi là Đại Bồ Tát trụ tam muội này thì có thể hiển chiếu các pháp Ba la mật, được mười pháp vô úy, ở trong đại chúng nhập định chánh thọ, khéo dùng phương tiện quyền xảo quán sát thân nát như bụi trần. Đó là pháp tu tập của bậc đệ bát Bồ Tát.

***