Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ

PHẬT THUYẾT KINH TỐI THẮNG

HỎI VỀ VIỆC TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

CỦA BỒ TÁT THẬP TRỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM MƯỜI SÁU

PHẨM THÂN NHẬP
 

Bấy giờ Thế Tôn bảo Ngài Tối Thắng: Lại nữa, Đại Bồ Tát lại tự quán thân, tự thân giữ gìn các pháp nhập của thân đều có thể phân biệt liễu tri là không xứ sở. Lúc đó tâm Bồ Tát thể nhập pháp giới, định quán thân nhập thì ở trong các loại định luôn được tự tại.

Các lỗ chân lông trên thân, mỗi lỗ chân lông thể nhập pháp giới định ý tam muội nên được tự tại, ở các pháp giới thị hiện ảo pháp, phân biệt pháp thế gian biết có đời trước, đời sau.

Liễu tri ức trăm ngàn việc của Thế Giới, các Cõi Phật cách đây vô số vô hạn A tăng kỳ kiếp, các điều tốt xấu ở trong đó đều có thể thông đạt, quán sự thành tựu của các vị đệ tử gần gũi bậc Đẳng Chánh Giác.

Tịnh, bất tịnh cũng đều bình đẳng, không dứt đoạn pháp thiện, không tổn giảm pháp Đại Thừa, tâm ý kiên cố cũng không lay động.

Bồ Tát ở trong các Cõi Phật cách đây một kiếp, trăm kiếp, trăm ngàn kiếp, ức kiếp, trăm ngàn ức kiếp, vô hạn vô lượng A tăng kỳ số kiếp không thể luận bàn, chẳng thể tính đếm, chẳng thể dùng ý mà thấu đạt nhập chánh định tam muội.

Lại từ trong tam muội khởi nhập nội quán Cõi Phật, từ trong Cõi Phật đó quán đến cõi khác thì có thể độ cho chúng sanh tu tập thuần thục, không mất chánh pháp của thể pháp giới, quán qua lại ba đời không bị chướng ngại. Với người nói pháp có chướng ngại thì chỉ cho họ biết hướng quay về với pháp tuệ nhãn toái nhập.

Họ ở trong pháp giới được tự tại, nhập định tai nghe đủ các loại âm thanh tốt xấu, đạt đến Ba La Mật không chướng ngại. Nhập định quán tỷ nhập không tổn giảm phương tiện quyền xảo, khéo nhập định quán thiệt căn thuận theo tri thức.

Vị Đại Bồ Tát ấy quán như vậy, biết như vậy, trụ nhập định quán thân trụ thì đạt được mười ngàn ức pháp tổng trì của Bồ Tát, ở thế gian tùy theo thế tục mà chuyển pháp luân.

Bồ Tát lại đạt được mười ngàn ức căn môn, đạt nhất thiết trí, lại đạt mười ngàn ức thần thông vây quanh vô ngại, lại đạt được mười ngàn ức định siêu việt các loại định, lại đạt được mười ngàn ức thần túc, đạt đến cõi hư không vô biên tế, lại đạt được mười ngàn ức lực khiến các hạnh dần dần càng lúc càng tăng nhiều.

Lại đạt được mười tám ức dục mong cầu đoạn trừ các tưởng, lại đạt được mười tám ức định chỉ vô sở hữu, lại đạt được mười tám ức hiển oai thần biến như hiện tiền. Này Tối Thắng, đó gọi là Đại Bồ Tát đạt được mười ngàn ức hạnh không suy giảm.

Lại nữa, Bồ Tát phải nhớ nghĩ thực hành mười ngàn ức pháp khác như dùng ngọc anh lạc để tự trang nghiêm, lại phải tu hành mười ngàn ức pháp độ chúng sanh, lại phải tu hành mười ngàn ức thừa khiến chúng sanh loại nương theo thừa đó đến bờ bên kia, lại phải tu hành mười ngàn ức Viêm định tam muội soi sáng để Thế Giới không có chỗ nào còn tối tăm u ám.

Bồ Tát lại đạt được mười ngàn ức hoằng thệ, có người đến xem tâm không lay động. Bồ Tát lại đạt được mười ngàn ức tín nguyện không tà kiến điên đảo. Bồ Tát đạt được mười ngàn ức chánh lộ, pháp xứ mà Bồ Tát có thể qua lại dạo đi để thanh tịnh đạo tích của mình.

Bồ Tát lại đạt được mười ngàn ức tín nguyện không tà kiến điên đảo. Bồ Tát đạt được mười ngàn ức ánh sáng từ mặt chiếu ra. Bồ Tát lại đạt được mười ngàn ức Kinh Điển giáo huấn nói rõ công đức của Bồ Tát.

Bồ Tát lại đạt được mười ngàn ức pháp bổn thanh tịnh để tịnh hóa Đạo Tràng. Này Tối Thắng, đó gọi là bậc Đại Bồ Tát dùng vô lượng công đức để tự trang nghiêm thân, trang nghiêm cội đạo, không mất bổn tế. Đó đều là pháp cụ của con đường tu tập Bồ Tát.

Nếu vị Bồ Tát thành tựu các pháp cụ đó thì lên Bồ Tát vị được mọi người hoan hỷ khen ngợi, dùng hương công đức xông ướp, được người cung kính, trong chúng làm việc gì thì liền được lợi dưỡng, ngay hiện tại đức nghiệp không thể cùng tận.

Nếu có Bồ Tát trụ pháp giới định ý tự tại tam muội này thì sẽ sanh vào nhà giàu sang, không phải ở chỗ hạ tiện. Chúng Bồ Tát đều là quyến thuộc.

Đã trụ tam muội này thì từ xa thấy được các Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác cách đây mười ức A Tăng Kỳ về các phương Nam, Tây, Bắc, bốn phương góc và phương Trên, phương Dưới, Bồ Tát đều có thể biết rõ tên hiệu.

Vì để kiến lập hướng dẫn đưa đến hạnh Bồ Tát nên vị Bồ Tát ấy thanh tịnh Cõi Phật, từ thân Như Lai phóng ra vô lượng ánh sáng, hiện mắt Như Lai thông tỏ không gì sánh bằng, lưỡi Như Lai thông suốt rộng lớn không giới hạn, tâm Như Lai thông suốt rộng lớn không giới hạn, tâm Như Lai thông suốt chẳng có gì không quán thấy được.

Người được độ do pháp thần túc vô thượng của Như Lai thật là vô hạn. Đạo của Như Lai không có thượng, trung, hạ vì đều thành tựu, vì danh xưng của Như Lai truyền xa rộng rãi, vì pháp luân của Như Lai luôn chuyển, không phải chỉ chuyển trong hiện tại.

Vì Chánh Pháp vô lượng của Như Lai không thể đoạn tuyệt giữa chừng.

Vì hiện tại căn lành của Như Lai được mọi người hoan hỷ xưng tán khen ngợi, vì Như Lai tu tập, phổ biến, giảng luận không ai có thể đủ khả năng nhận lãnh.

Vì Như Lai gieo trồng và thành tựu căn lành suốt trong ba đời không ai không hàng phục.

Vì Như Lai giảng dạy tất cả các pháp khai thị cho kẻ ngu.

Vì pháp xứ của Như Lai được trí tuệ sáng suốt hiển hiện.

Như vậy, này Tối Thắng, Đại Bồ Tát thanh tịnh cõi hiện tại chính là chỗ kiến lập hạnh, dùng công đức sâu dày của Phật tuôn mưa pháp cam lộ xuống tất cả cảnh giới Phật, thị hiện có ngôn giáo, pháp Chư Phật nhưng liễu tri tánh các pháp là hình ảo không phải chân thật, vì chúng sanh khởi tự nhiên không động chuyển.

Bồ Tát phân biệt nghĩa lý, hình tướng các pháp, biết rõ Như Lai có đầy đủ vô lượng công đức không thể cùng tận. Đó gọi là bậc Đại Bồ Tát trụ tam muội này dạo đến các phương không ngăn ngại.

Lại nữa, Bồ Tát trụ tam muội này quán ấm trì nhập cũng không chướng ngại, quán tâm là pháp ảo, biết vô hạn lượng vô biên pháp.

Các Bồ Tát an trụ, thể nhập định ý tự tại tam muội này thì có thể biết danh hiệu, tên họ của mỗi Đức Phật Như Lai Đẳng Chánh Giác cho đến danh hiệu của mười ngàn ức A Tăng Kỳ Đức Phật Như Lai và trăm ngàn ức Cõi Phật. Bồ Tát an trụ thân đều trụ trong đó, tâm tưởng, ý tưởng vô lượng vô hạn.

Bồ Tát lại dùng phương tiện thiện xảo giải thoát để kiến lập pháp xứ cũng không quên mất tất cả pháp vì đã vượt qua tri kiến, thường gần gũi biển trí tuệ vì hiện trí rất ít có.

Bồ Tát cũng thị hiện trụ thân hiện tại vì hiển thị các pháp không có xứ sở, thị hiện an lập Phật xứ vì truyền bá khắp các pháp không có trước sau.

Thị hiện căn môn vô ngại, trí tuệ thông tỏ pháp vì khéo dùng trí phân biệt, không hủy oai nghi vì thành tựu các cõi không có qua lại, thị hiện trí tuệ xứ vì trí tuệ đã thanh tịnh vô ngại, vì thị hiện thành Đẳng Chánh Giác, vì soi sáng pháp giới không có tăng giảm.

Đó gọi là Đại Bồ Tát trụ tam muội này thì có thể phát khởi đạo Đại Thừa. Đại Bồ Tát lại phải tu tập Thập thú hải môn không nhàm chán cho là đủ.

Thế nào là mười?

Đó là hiện biển Phật không nhàm chán cho là đủ. Biển người chuyển động giáo hóa khiến không động chuyển, không khi nào chán đủ. Biển pháp làm tăng trưởng lợi ích trí tuệ, không cảm thấy chán đủ. Biển phước điền phát sanh không cảm thấy chán đủ.

Trụ vô hữu pháp cũng không quán sát, thực hành biển công đức thần túc, với vô sở trụ cũng không cảm thấy chán đủ. Hiển bày trí tuệ sáng vì giữ gìn trí tuệ không phân tán. Trụ biển căn môn, từ chỗ này đến chỗ khác trí tuệ không mê loạn.

Trụ biển tâm ý hoàn toàn có thể ngộ biết tất cả chúng sanh có bao nhiêu loại tâm, bao nhiêu loại ý. Biết tâm vô lượng hay tâm có tăng giảm. Trụ biển tu hành vì đầy đủ các nguyện.

Trụ biển hoằng thệ vì muốn thành tựu pháp giải thoát thanh tịnh rốt ráo. Đó gọi là Đại Bồ Tát trụ tam muội này thì có thể đạt được thập thú hải môn mà không cảm thấy chán đủ, pháp mà bậc Bồ Tát Đại Sĩ đã tu tập. Đại Bồ Tát lại phải tư duy mười pháp đệ nhất vô sanh.

Mười pháp đó là gì?

Đó là:

1. Quán chúng sanh loại là đệ nhất vô sanh.

2. Quán Chư Thiên hào quý là đệ nhất vô sanh.

3. Quán Phạm Thiên tối thượng là đệ nhất vô sanh.

4. Quán tâm hộ thế bất hoại là đệ nhất vô sanh.

5. Quán bậc ở chỗ chúng sanh một mình không bạn lữ là đệ nhất vô sanh.

6. Quán tâm định không loạn hàng phục chúng ma là đệ nhất vô sanh.

7. Quán năm đường vô hình là đệ nhất vô sanh.

8. Quán các chúng sanh không có nhiễm ô là đệ nhất vô sanh.

9. Quán pháp của Chư Phật tôn quý là đệ nhất vô sanh.

10. Quán ánh sáng giải thoát tự tại chiếu soi là đệ nhất vô sanh. Đó gọi là Đại Bồ Tát phải nhớ nghĩ, tư duy mười pháp đệ nhất vô sanh đó.

Bồ Tát lại phải tư duy mười hướng lực tu tập của chúng sanh.

Mười hướng lực ấy là gì?

Đó là phát tâm xuất gia kiên cố giáo hóa các chúng sanh. Lập tâm bất thoái chuyển thực hành tinh tấn lực vì thanh tịnh. Lực không chấp trước, không nhiễm ô tất cả pháp không.

Lực hưu tức vì thành tựu các pháp tự tại. Lực thành tựu tâm vì tâm động hay không động đều phân biệt nghĩa. Đầy đủ pháp lực tự nhiên vì thành tựu đại trí tuệ.

Thành tựu lực vô ngại vì an lập pháp xứ. Thành tựu lực ý đoạn. pháp chưa biết đã biết, vì thành tựu lực trí tuệ vô nhị, vô sanh diệt.

Này Tối Thắng, đó gọi là Đại Bồ Tát tư duy mười lực, là lực tối đại, lực không thể so sánh, lực không có trên dưới, lực không lường, lực giáo dưỡng, lực bất động, lực khiến sanh đường lành, lực không nộ, lực của trí mãnh liệt, lực cần khổ tích hạnh. Đó là mười lực mà Bồ Tát phải nhớ nghĩ tu hành. Lại nữa, Bồ Tát phải tư duy mười lực.

Mười lực đó là gì?

Đó là lực thể nhập không, lực thiện thanh tịnh, lực của tâm thiện vi diệu, lực của thiện pháp thân, lực của pháp thiện thế gian, lực khởi pháp lành, lực của thiện căn tịch tĩnh, lực của pháp thiện chưa từng có, lực của tâm thiện giác ngộ, lực của tâm khéo độ thoát. Đó gọi là Bồ Tát trụ mười lực thì có thể nhiếp trì định ý. Đại Bồ Tát lại phải tư duy hai mươi lực đạt đến chánh định.

Hai mươi lực đó là gì?

Đó là lực của bậc Đại Nhân, lực của việc gần gũi thiện tri thức, lực của Đẳng Chánh Giác rốt ráo, lực tự thân được gần gũi tu tập pháp thiện căn, lực của vô lượng thiện căn được hương xông ướp, lực độ hay không độ của Như Lai, lực hàng phục cấu uế khiến không sanh diệt.

Lực khiến niệm của Bồ Tát tăng trưởng lợi ích không dứt đoạn, lực được hoan hỷ do Bồ Tát trang nghiêm, lực của pháp lành không dứt đoạn việc khuyến trợ Bồ Tát, lực khiến Bồ Tát trừ tâm chấp trước, không bị duyên ràng buộc, lực làm sung mãn nguyện Bồ Tát không có mong cầu.

Lực khiến thành tựu Bồ Tát ý tư duy định, lực hộ trì các căn của Bồ Tát, lực lập Pháp Vương. Lực không chấp trước, không suy lường thân.

Lực của trí tuệ đắc phương tiện thiện xảo, lực khiến ở trong tất cả các pháp không có nạn sợ hãi, lực an lập pháp bổn cho chúng sanh khiến không sót mất, lực khiến ở chỗ chúng sanh độc hành không bị nhiễu loạn.

Đó gọi là Đại Bồ Tát ở trong định ấy thì mới tương ưng với lực vô sở hữu, vượt trên các vị La Hán, Bích Chi Phật mới có thể thể nhập vào định lực của Bồ Tát.

***