Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ

PHẬT THUYẾT KINH TỐI THẮNG

HỎI VỀ VIỆC TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

CỦA BỒ TÁT THẬP TRỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM NĂM

PHẨM LIỄU KHÔNG
 

Bấy giờ Bồ Tát Tối Thắng lại bạch Đức Phật: Bậc Tu thành Bồ Tát ở ngũ địa phải như thế nào để thanh tịnh địa của mình?

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Bậc Tu thành Bồ Tát thường phải lìa xa nhà cửa, sản nghiệp, cũng chẳng gần gũi ngõ ngang đường tắt của dâm thôn, tu công đức lành, trừ bỏ niệm oán ghét, rời xa nhân duyên lễ hội ở thế gian, phải nghĩ nhớ hòa hợp, rời xa sự luận tranh phân biệt, phải giữ gìn lời nói của miệng, không nói lời chẳng chân thật, luôn phải tự hạ mình, không có tâm cống cao.

Bồ Tát tuy có nhiều nghề khéo léo nhưng không khinh miệt người khác, đoạn trừ vô minh, tiêu diệt năm ấm, dừng hẳn các nghiệp tạo nên già, bệnh, chết.

Không khởi trần lao cũng chẳng tán đồng với sáu mươi hai kiến, không tự cao cũng không tự ti, vượt qua tám việc thế gian không có tâm phân biệt cao thấp, luôn biết cung kính thuận hòa, rời xa các khổ não, không khởi niệm vô minh, luôn tỉnh thức, vượt thoát các nỗi sợ hãi, không tạo tội lỗi và các tâm cấu nhiễm. 

Bồ Tát ở trong thân năm ấm cho đến ở thân sanh Tử Quỷ, Tội Quỷ, Tử Quỷ, Thiên Quỷ đều suy tư đoạn dứt, không tạo duyên đó. Nếu nghe điều gì đều có thể phát sanh trí tuệ. Cần phải tu tập điều đó nhưng không sở hữu, học hỏi thâm nhập vào trí tuệ, thấu tỏ chân lý một cách không mệt mỏi.

Không ưa bạo động cũng không thích tịch mặc, hoan hỷ tiếp nhận tâm luôn vui mừng, thân khinh an chí định tĩnh, tâm ý hòa nhã mà không phiền muộn, dùng các pháp đã học nói pháp vô tận, tâm luôn hướng về đạo, tự giữ cấm pháp, thích theo chân chánh không theo bọn tà, chỉ thích diệu tuệ phân biệt các loại Ba la mật.

Thông đạt Kinh Điển của pháp Bồ Tát Đại Thừa, khéo dùng quyền phương tiện khế hợp với đạo, tâm quán niệm thông tỏ các pháp thần thông, luôn muốn nghe pháp không sanh diệt, liễu giải pháp mười hai nhân duyên, thấu tỏ pháp vô thường, tuyên diễn chân lý về khổ cũng giảng nói pháp vô ngã, thông đạt pháp không định.

Phân biệt pháp vô tướng, thể đạt pháp vô nguyện, nhìn thấy nỗi khổ sanh tử, thành tựu công đức sở học thuần thục, tôn kính Tam Bảo, thông pháp Tục Đế lẫn Chân Đế, lấy tâm trung hiếu làm bạn thân cận, rộng thông các pháp mong trừ dẹp các điều ác, kham nhẫn dùng chánh đạo hóa độ kẻ vô trí khiến họ đồng thành tựu công đức.

Bồ Tát có trí phân biệt rõ ràng nguồn gốc của chúng, suy niệm tránh xa các điều ác, kiểm thúc thân tâm, làm lợi ích chúng sanh, an ổn tu tập cũng không có tâm hối hận, mong cầu thực hành hạnh cực diệu.

Lại nữa, này Tối Thắng, bậc tu thành Bồ Tát suy niệm các pháp Phật như thế nào để thành tựu yếu nghĩa vô thượng đạo?

Bồ Tát với điều được nghe, trí tuệ liền có thể biện biệt, tùy thời thích hợp có thể ứng dụng các pháp được nghe ở bất cứ đoạn nào mà không sai thứ lớp.

Nghe pháp âm kia liền sau đó điều tiết thân tâm, nội quán biết rõ tường tận sự vận hành của tâm, tự thân cứu độ chúng sanh nhưng không chấp trước vô thường, quán sát nhân duyên và biết rõ: Ta ở quá khứ, hiện tại, vị lai thọ mạng như thế này, thành tựu công đức nghiệp, phân biệt rõ ràng các cấp thiền định, tự thân thể đạt không, vô tướng, vô nguyện. Không rong ruổi theo tham dục, trú trong tam muội tu chánh định.

Như vậy, này Tối Thắng, bậc tu thành Bồ Tát quán nhập tám trăm ngàn loại định nhưng không cho là khó. Không có cảnh giới nào là Bồ Tát không thể quán nhập, chỉ có Vô Sắc Thiên và Quang Âm Thiên là Bồ Tát không muốn quán sanh.

Bồ Tát cũng không muốn trú mãi trong diệt tận định. Với pháp Bổn Tế, Bồ Tát đều biết rõ, suy niệm, chấp trì. Bồ Tát cũng liễu tri bổn vô nhưng không thủ chứng bổn vô.

Vì sao như thế?

Bởi cấu trược của chúng sanh chưa dứt trừ. Bồ Tát biết các chúng sanh đó, giúp họ hiểu lý vô ngã, thực hành đại bi, không xa rời tâm từ bi, đi vào tất cả nạn trong chốn sanh tử, xa lìa tâm tham chấp vào tất cả nạn trong chốn sanh tử, xa lìa tâm tham chấp vào giàu sang vinh hiển.

Dạy các kẻ phạm pháp khiến họ không còn trái phạm, dùng quyền phương tiện giáo hóa mọi cách tùy thuận chúng sanh, tâm hiện ái dục, quán pháp ác tu hạnh bất tịnh, sau đó Bồ Tát mới thủ tận chứng Niết Bàn.

Tuy hiện diệt độ nhưng chẳng phải diệt tận. Số chúng sanh được bậc tu thành Bồ Tát hóa độ là vô cùng cũng không thể tận.

Tất cả đều được Bồ Tát hóa độ khiến tâm không còn oán hận, không mất oai nghi và những điều ngăn cấm thuộc lễ tiết, đi đứng trang nghiêm không phóng túng, thường giữ tâm vô tranh, luôn tự hộ trì. Bậc Hiền Thánh tịch mặc luôn vắng lặng, không nói năng biện giải.

Vô ngôn như thế chính là thanh tịnh hư vô đạm nhiên, vốn không vuông tròn, khác hẳn với pháp hạn lượng. Bậc Hiền Thánh tịch mặc tự quán niệm hộ trì thân, miệng, ý. Khi nói chớ cùng người đồng xứ, ái dục của thân bất động, tâm không luyến mọ cảnh dục cũng không mong cầu, không khởi tưởng. Đó gọi là hạnh của bậc tu thành Bồ Tát. Muốn không nhiễm ái sắc thì phải giữ tâm ngay thẳng.

Do tâm chân chánh nên liền đạt đến cứu cánh giải thoát. Người không tịch tĩnh lại luôn bảo thủ tự thân không được tự xưng là tịch tĩnh nhưng chẳng phải là kẻ bất nhân.

Bậc không có tâm phân biệt ao thấp có thể nói là bậc thuận theo pháp, các hạnh đã làm không quên mất cũng không bị mất.

Vị ấy liễu giải bổn vô không nên không có được mất, quán ba đời bình đẳng không có sai biệt. Nhãn, sắc và thức không có pháp nào dừng nghỉ. Nhĩ thanh thức, tỷ hương thức, thiệt vị thức, thân tế hoạt thức, ý pháp thức đều không có chủ tể. Chúng cũng có sở trụ, cũng là vô ngã.

Bồ Tát quán các pháp hành đều không có ngã sở. Do từ bổn tịnh biến dị nên có ngã, chánh quán như thế nên biết là không có ngô ngã.

Quán thông không có ngô ngã gọi là tuệ, thông tỏ hoàn toàn sợ hữu giống như vô sở hữu, đều là không tịch bổn mạt thanh tịnh, tâm thường không xa lìa gốc của các pháp, tư duy tránh xa chín nơi chúng sanh cư ngụ.

Vì sao như thế?

Tất cả các nẻo luân hồi xoay vần chìm nổi không ngoài chín cảnh giới của các loài chúng sanh, lên đến Chư Thiên Phi Tưởng Phi Phi Tưởng và cõi người. Lại nữa, này Tối Thắng, thuở trước có chúng sanh thân chẳng thuần một loại nhưng thành tựu nhất tưởng được gọi là Phạm Thiên.

Lần đầu tiên xuống thế gian, họ tham trước vị ngọt nên dần dần mất đi oai tướng Chư Thiên. Lại có chúng sanh đồng một loại thân nhưng có vô số tưởng, tên là Quang Âm Thiên, công đức, oai nghi, dung mạo thù thắng đặc biệt. Hoặc có chúng sanh nhất thân nhất tưởng, tên là Biến Tịnh Thiên chuyên cần tu tập hạnh lành.

Lại có chúng sanh ý khởi niệm hướng đến hư không vô lượng, tâm không chấp trước cũng không hướng đến diệt, tên gọi là Không Nhập Thiên.

Lại có chúng sanh tâm ý buộc ràng với niệm thức tưởng rời khỏi hình thể, không còn khởi lại tưởng mong cầu, tên gọi là Thức Nhập Thiên.

Lại có chúng sanh không có tham dục, trừ bỏ thị phi, nội tâm an tịnh đối với các vị không khởi tưởng, tên gọi là Bất Dụng Nhập Thiên.

Lại có chúng sanh phát thệ nguyện lớn cầu đạo vô vi, quán Vô Sắc Giới không hình chất, tự nghĩ Niết Bàn vô vi vô tác cũng bằng có người tạo, chí nguyện tinh chuyên mong được sanh đến chốn thọ mạng tám vạn bốn ngàn tuổi.

Đến khi kiếp số thọ mạng dứt, thần thức trôi lăn xoay vần trong năm đường, ở trong chỗ sanh đến thức ấm qua lại, được quỷ thần tướng đón đưa đến nhập vào thai, sau đó mới biết chẳng phải là chân diệt độ, si tâm hừng khởi liền nổi lên niệm sân hại, từ tâm niệm miệng nói các lời tội lỗi vô cùng, lời dạy trái chân lý, từ ngữ hư vọng sai lầm, dối gạt người đời, lừa phỉnh nói lời không thật. Ta từ xa xưa tu tập trải qua vô lượng hạnh khổ đạt đến Niết Bàn đương nhiên không còn nghi ngờ.

Ta nay vì sao trở lại sanh tử?

Nay ta quả thật mới tin biết chẳng phải là Niết Bàn, cũng chẳng phải là bậc đắc đạo thần thông, họ suy niệm như vậy xong, khoảnh khắc sau thần thức đi vào đường ác. Đó đều là do phỉ báng Hiền Thánh.

Như vậy, này Tối Thắng, bậc tu thành Bồ Tát muốn thành tựu đạo Đẳng Chánh Giác Vô Thượng chánh chân, tâm thường phải tư duy ghi nhớ lìa xa nơi chốn của chín loại chúng sanh.

Với tất cả chúng sanh không khởi niệm tưởng ngã, nhân, thọ mạng. Với các nhân duyên tạo tác đều lánh xa, cũng chẳng tư duy nghĩ tưởng việc thế tục, diệt trừ tất cả các niệm tưởng đó.

Bậc Tu thành Bồ Tát với mười lăm tâm đặc thù hướng về pháp, theo thứ tự của pháp tinh tấn tu tập thành tựu đạo giải thoát.

Từ pháp thứ nhất nhẫn nhục khổ hạnh nên tăng trưởng căn lành cùng với hạnh vô lậu. Từ ngũ trụ địa đến khi đạt giải thoát đều đầy đủ căn lành, tư duy dục ái.

Bậc ngũ trụ địa Bồ Tát đoạn trừ ái dục, diệt tận bất thiện căn trụ ở Dục Giới, chấp vào nhẫn khổ tuệ, tư duy gốc khổ, thân vô sắc trụ trong cảnh giới vô hình, không suy niệm được cội gốc của khổ.

Cho nên Bồ Tát không trụ trong pháp vô hình trừ Dục Giới sẽ làm tăng trưởng chín mươi tám căn bất thiện, cũng khởi sanh chín mươi tám vô lậu tuệ dược.

Bồ Tát dùng mười pháp căn bản đối lại căn bất thiện và tội cấu dâm vi tế. Tám mươi pháp còn lại đoạn trừ tám mươi pháp bất thiện căn bổn. Tuy chẳng phải do vậy mà làm thay đổi toàn bộ pháp bất thiện nhưng có thể cải đổi chúng thành nhỏ nhiệm.

Tận Đạo thánh đế có vô lậu hiệp pháp, không đoạn trừ vô lậu hiệp pháp, với tánh hữu vi cũng có hiệp pháp, với tánh vô vi cũng có hiệp pháp. Lúc đó Bồ Tát chỉ đoạn trừ hữu vi, chưa đoạn trừ hiệp pháp vô vi tương ứng.

Như vậy, này Tối Thắng, bậc tu thành Bồ Tát cần phải tu ập năm phần pháp tánh, tư duy phân biệt liễu tri pháp vô nhị, giới thân hộ mạng thanh tịnh vô tham, đã trừ cấu uế, tâm đã an định.

Này Tối Thắng, đó gọi là định thân, phân biệt quán sát vô số tưởng cũng không khởi tưởng chấp trước, thông tỏ hoàn toàn nên gọi là Tuệ thân, giải thoát ba đời không bị ô nhiễm, cũng không sợ hãi e ngại thoái chuyển tâm.

Đó gọi là giải thoát thân. Đã tu tập đến bậc giải thoát thứ chín nên gọi là giải thoát tri kiến thân. Duyên với hữu vi là giải thoát thân, duyên với vô vi là giải thoát kiến tuệ thân. Hữu lậu vô lậu cũng như thế.

Này Tối Thắng, như thế gọi là bậc tu thành Bồ Tát có thể tu học sắc duyên tận pháp, chưa thể đoạn trừ phi sắc duyên tận.

Thế nào là sắc duyên tận pháp và phi sắc duyên tận pháp của Bồ Tát?

Sắc duyên tận nghĩa là nếu mắt thấy sắc liền sanh nhãn thức phân biệt pháp phải trái, thiện ác, khởi ý nhiễm trước trọn chẳng xa lìa. Bậc Tu thành Bồ Tát phải dùng trí tuệ điều phục khiến nó không sanh, trừ khử các hành cấu uế, ô trược bất tịnh.

Phi sắc duyên tận chẳng phải đối tượng của trí quán sát không sanh sự hoạt động của nhãn thức phân biệt thị phi, thiện ác nên gọi là Phi sắc duyên tận, chẳng bị cảnh giới nhiếp trì.

Nay ta sẽ dùng ví dụ, ông nghe đó sẽ tự lĩnh hội, bậc đại trí do dụ mà có thể thông tỏ. Ví như có người vô cùng mệt mỏi ngủ say, thần thức an tĩnh, thân không dao động, không có ai xúc chạm. Người ấy mắt không thấy sắc, thức chẳng rong ruổi, không khởi niệm tưởng.

Mắt thì nằm bên trong, sắc phóng dật thì ở bên ngoài. Lúc đó mắt điềm nhiên chẳng gia công nhưng thức không tán loạn. Sắc hiện tại khi đó đột nhiên biến mất, cũng không dừng nghỉ hay trụ lại.

Vì sao như vậy?

Là do dụng tự không của vô sở hữu tánh. Như vậy, này Tối Thắng, bậc tu thành Bồ Tát luôn phải quán niệm sâu sắc, tư duy phân biệt, đoạn trừ các pháp thuộc Phi sắc duyên tận cũng không cùng chúng khởi, không cùng chúng thi thiết, phải học để thấu tỏ Phi sắc duyên tận, chẳng phải có, chẳng phải không cũng không có thành bại.

Bồ Tát lại phải tu tập pháp bất chánh trừ diệt bát tà, thành tựu chánh định Bách Thiên định ý, thấy rõ năm pháp tà thuộc tâm và pháp tà thuộc phi tâm, nghĩ nhớ phương tiện định và các địa: Từ Sơ Thiền trở vô trước tâm vẫn còn tà chí.

Không chỉ tà kiến điên đảo từ sáu thức phát sinh mà ngay cả tứ tà cũng ở trong thân sáu thức cùng liên kết, không hề rời nhau.

Nhưng tà kiến không thông với thức bởi vì năm thức tuy thế vẫn không có phương tiện lực, chỉ trí tuệ ý thức mới có phương tiện lực. Từ trung thiền trở lên cũng không có tà chí, nhưng có tà kiến cùng ba mươi sáu pháp hỗ tương.

Nhập sơ thiền trở lại chỉ có tà chí cùng mười tám pháp cùng hỗ trợ liên kết với nhau. Nhập năm thức ấm trung tuy có tà chí nhưng tự mình không hay biết.

Trong lúc nhập thiền nội quán chỉ có tà kiến nhưng tự mình không tương ứng với tà kiến. Bậc Bồ Tát phát tâm đến bậc tứ trụ, tu tập khổ trí, trí tuệ nhẫn nhục, tiêu diệt tà kiến, xa lìa tà chí.

Bậc Tu thành Bồ Tát hướng đến lục trụ thực hành huyền thông trí, đoạn trừ duyên tam giới hợp với chân tế, trước phải tinh cần đoạn trừ bệnh họa hoạn phóng dật, bệnh ngu si do dự làm khởi lên năm tà, trải khắp tam giới không có chỗ nào thiếu sót.

Mười tám kết vốn sanh ra tám trăm pháp, có khổ, không có tập vẫn cùng chúng tương ưng. Có tập môn thì trừ vô minh kết, biết rõ tập đế, vô minh mà không trừ tận gốc, sanh tâm ái khổ nhưng vẫn không trừ, ngồi dưới cội Phật thọ quyết tìm các niệm si khởi lên trong tâm, chánh trụ Phật Đạo mà không làm tổn hại dị tưởng.

Khi thành tựu Chánh Giác vô thượng đạo tế độ cho vô ương số không thể tính kể loài chúng sanh, giải tri các duyên ràng buộc các pháp sanh diệt, chúng cũng là không tịch nên không thể thấy.

Khi bậc ngũ trụ Bồ Tát đảo pháp tánh không của phi sắc duyên tận, các bệnh trần cấu cũng đều tiêu diệt, luôn dùng năm pháp điều phục chế ngự ái chấp, thông tỏ bệnh của sáu thức đều trải khắp ba cõi, nhổ tận gốc kiết sử để chúng không tăng trưởng.

Sân khuể, ngũ dược có đủ trong thân sáu thức, không vượt ra ngoài mà chỉ ở trong phạm vi đó. Mạn có năm pháp. Ý thức thân ở sâu trong tam xứ căn khó dời đổi. Ý thức thân của bốn loại tà kiến cũng ở trong tam xứ qua lại không dứt.

Nguyện si, tứ hành và ý thức thân cũng ở trong tam xứ tư duy tật đố, không phải ở trong tam xứ ngủ nghỉ mới dậy.

Bồ Tát phải nhớ nghĩ viễn ly, không khởi tạp tưởng, trừ bỏ các phiền não, không bị si mê, mong thoát khỏi tâm lo âu không cùng chúng đồng xứ, luôn nhớ nghĩ tu tập thành tựu tâm Nhất thiết trí, có trí tuệ thuận theo chân lý như hư không vô ngại: Nếu không có tài sản của ta thì không có ta. Do trừ bỏ ngã kiến nên gọi là khổ tuệ. Các sở hữu của tập đều không sở hữu, đều không có bổn mạt cũng không trụ xứ. Do không nhiễm ái trước nên gọi là tập tuệ.

Giải tri tập là pháp phải diệt trừ, học tập pháp chánh chân phải biết là vô bổn tế. Do đều bị diệt nên gọi là tập, tuệ chiếu đạt các tâm lãng đãng như mây tan, sáng tỏ rõ ràng không gợn trần cấu.

Này Tối Thắng, đó gọi là đạo tuệ của Bồ Tát có thể quán sát, thông suốt năm ấm, biết gốc tứ đại, rõ bệnh sáu suy, phân biệt bốn đế, tỏ mười hai duyên, quảng diễn ba đời phân biệt tất cả các sử đã khởi, thông suốt năm ấm các pháp sanh diệt, không thấy các pháp có qua lại, có trần cấu, cũng không thấy có sanh, già, chết.

Vì sao?

Do bổn tánh nên bất khả đắc. Nhân duyên đã diệt, xa lìa các chấp đoạn, các pháp cấu nhiễm đã tận không có gì làm chướng ngại, ngôn giáo đã định cũng không dao động, ảo hóa giống như những gì thấy trong mộng, như đọt chuối ba tiêu, như tiếng hí vang của ngựa hoang, như ảnh trong gương, như bọt nước nổi.

Quán sắc tướng ngã, nhân, thọ mạng, biết sắc là chân lý như thật vốn không có chỗ sanh, quán thông các pháp đó nên tất cả đều thanh tịnh, quán biết rõ năm ấm kia là không, là không sở hữu. Ngã, nhân, thọ mạng thật như tuồng ảo hóa, thức cũng vô hình nên không thể thấy, không thấy động chuyển có xứ sở kia.

Lại phải liễu tri nghiệp của thân là vô thường, khổ, không. Biết được như thế chính là thông đạt năm nghĩa của các pháp cũng không giới hạn sanh diệt. Các pháp sở sanh, đất, nước, gió, lửa không thấy tăng giảm.

Quán khắp pháp giới cũng không cương nhu, quán chiếu tánh của nước thì không có tính ẩm ướt của nước. Tư duy về hỏa giới cũng không thấy nóng.

Liễu giải cảnh giới của gió không thấy phồng căng do có sự dao động. Phân biệt bốn đại không thấy có sự sanh diệt, tăng giảm thì có thể quán chiếu biết được các loại trí tuệ như quảng tuệ, thâm tuệ, vô tỉ tuệ. Đó gọi là mắt thấy sắc liền sanh thức tưởng, dùng Pháp Giới quán không có cái thấy của mắt, đều biết là không tịch.

Bồ Tát lại ở pháp giới Quán Âm thanh mà tai nghe cũng không thấy âm thanh từ nơi nào đến, chỗ thấy không được đích xác tự sanh rồi lại tự diệt.

Mũi và hương, lưỡi và vị, thân và cảm giác mềm mại, trơn láng khi tiếp xúc ý và pháp, không chấp, không đoạn, không có hưng suy, đều quán tánh hạnh của chúng sanh một cách đầy đủ.

Chí ý không khởi đều là bình đẳng, không thể xa rời vô số tưởng. Không chẳng có, chẳng khác cũng không thể lượng. Niết Bàn, pháp thân bình đẳng như hư không. Tính chân tế của pháp giới đồng như hư không.

Như vậy, này Tối Thắng, bậc tu thành Đại Sĩ lại phải quán nhãn là không mà không có ngô ngã, chẳng phải không có ngã.

Ngã và vô ngã cũng đều là không. Bậc quán biết ngã không thì đi vào chỗ suy hao không thấy đầu mối, theo lý quán chiếu sáu suy mà không khởi diệt.

Nhãn sắc là đứng đầu làm loạn trong các suy, giả định có thể thấy mà không chuyển dời, chính đó là sự thanh tịnh của sáu suy mà không nhơ uế, thành tựu quả chứng lớn không còn lo âu sợ hãi.

Ở nơi suy, không tịnh thì tổn hại tánh đạo, Bồ Tát phát thệ nguyện lớn hành đại từ bi biến khắp tất cả. Thọ khổ như thế nhưng không cho là đau khổ, không có nạn núi non sợ hãi xa gần, muốn độ chúng sanh mà không vui đạo, khuyên thực hành bố thí tu thiện tạo công đức.

Đó gọi là bậc Tu thành Bồ Tát tư duy quán pháp năm ấm, sáu suy đều không xứ sở, cũng không hình tướng tới lui, đi đứng… Bồ Tát lại dùng khổ, tập, tận, đạo phân biệt năm ấm. Pháp sanh, pháp diệt có tăng, có giảm nhưng đều không có hình tướng. Sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, sầu lụy buồn thương khổ, khổ vì luôn gặp kẻ oán ghét, khổ vì thương yêu mà phải xa lìa, cầu muốn không được cũng là khổ.

Nói tóm lại, năm ấy hẩy hừng là khổ. Cho nên, này Tối Thắng, đó gọi là biết khổ. Quán chiếu nguồn cội ngọn ngành sanh ra khổ là tập, chính là tham trước ái dục, vui sướng vì vật báu mà không biết là ảo hóa. Biết như vậy mà viễn ly, do đó gọi là biết tập.

Các cấu nhiễm đoạn trừ thì không tạo ra cấu nhiễm mới. Do dục mong cầu đã hết nên khiến nó không còn sanh khởi, truy tìm sắc hiện tiền đã diệt khiến nó không đình trệ. Liễu tri tập thường vắng lặng chính là biết tận. Ngộ rõ Bát chánh đạo cũng không thể tánh, thân sơ, xa gần, nơi chốn dừng trụ.

Biến hóa vô cùng mà không có chỗ kết thúc, dẹp trừ trần uế soi sáng ngu mê, không hình tướng, không âm thanh, thể của tồn vong là đứng đầu của mê hoặc dẫn đường. Do đi vào pháp đạo vô vi nên gọi là biết đạo.

Bồ Tát phân biệt bốn chân lý cũng không thủ chứng, muốn hộ trì tất cả loài đang ở trong sanh tử. Tướng, vô tướng, vô hình của chân lý thì không thể thấy. Quán chiếu biết rõ như trên thì ứng hợp pháp tánh. Ngôn giáo thé tục giả đặt nên có danh hiệu.

Thật ra thể của chữ không sanh, không diệt, không bị ô nhiễm chấp trước thì đạt thánh đế tâm, không niệm hữu vô, quán chiếu thông tỏ pháp bổn. Tất cả các sắc đều bình đẳng, cũng không cao thấp sanh vô số tâm thì gọi là phân biệt thánh đế.

Bồ Tát tuệ tri thánh đế kỳ thật chỉ có một chứ không có hai nên không chấp trước đạo chí chân, không có niệm mong cầu cũng không khởi tưởng mong cầu sắc, không khởi tưởng cầu vô sắc. Với tưởng, vô tưởng bình đẳng không hai.

Đó gọi là tướng của Chân Đế, đã quán chiếu sâu xa Chân Đế. Bậc quán tướng Chân Đế như thật ấy có thể thông tỏ tướng của năm ấm, tướng của khổ độc do năm ấm sanh là tướng phiền não.

Bồ Tát lại phải tư duy diệt ở trong trăm nghìn nỗi khổ đều quy về không, không có pháp diệt tận. Do không khởi niệm nên gọi là khổ đế. Diễn nói nơi khởi sanh của năm ấm, trừ bỏ ái trước nên gọi là Tập Đế.

Nếu tâm rong ruổi, có nhiều tưởng mong cầu thì phân biệt tâm đó cũng không tham luyến, không cùng ngu tâm ba đời đồng xứ, cũng không trụ trong đó mà có mong cầu, trừ bỏ tất cả trần lao, đó là tận đế. Người muốn thành tựu đạo vô thượng chánh chân thì phải liễu tri khổ, tập, tận, đạo, đoạn trừ tâm tà si.

Này Tối Thắng, bậc tu thành Bồ Tát trụ ở ngũ địa thanh tịnh hạnh của mình như vậy.

***