Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ

PHẬT THUYẾT KINH TỐI THẮNG

HỎI VỀ VIỆC TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

CỦA BỒ TÁT THẬP TRỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM SÁU

PHẨM CĂN MÔN
 

Bấy giờ Bồ Tát Tối Thắng lại bạch Phật: Bậc Thượng vị Bồ Tát ở lục trụ địa thanh tịnh hạnh của mình như thế nào?

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Bậc Thượng vị Bồ Tát luôn phải tu hành sáu độ vô cực, không tham luyến các quả vị đã thành tựu trước đó, phát thệ trừ bỏ tâm Thanh Văn, muốn thanh tịnh Quốc Độ thì không nên có tâm Duyên Giác.

Cho nên nói rộng thì không phải là tâm nhỏ hẹp, hiện thân khất sĩ trước tự trừ tâm tham, theo gót tiền nhân khiến được no đủ.

Có vật báu quý giá trước phải nhớ nghĩ cho người, không có tâm hối tiếc, xa rời ngô ngã, trừ bỏ tâm chấp thường. Trí đó vô lượng cũng không cùng tận, mong muốn nghe diệu pháp thậm thâm, thanh tịnh thân, miệng, ý. Không phạm tất cả giới, luôn muốn ủng hộ những bậc trì giới.

Tâm của bậc Thượng vị Bồ Tát luôn nhân từ, không có tâm niệm làm tổn hại chúng sanh, tự thân không giết hại, không dạy người khác giết hại, thấy có người giết hại thì khuyên bảo khiến họ tu thiện.

Không trộm cắp vật của người dầu nhỏ như sợi lông, mảnh tóc. Giả sử có người vi phạm thì dạy họ sám hối sửa đổi. Lại thường chuyên tâm không phạm dâm loạn.

Nếu thấy người phạm thì khuyên khiến họ tu hạnh thanh tịnh. Luôn nói lời chí thành, không nói lời hai lưỡi làm chia rẽ người này, người kia.

Có kẻ đấu tranh kiện tụng thì hòa giải khiến họ không còn đấu tranh kiện tụng, nói lời trung thực can gián, dụ dẫn khiến tất cả họ đều thực hành điều thiện.

Suốt đời không mắng chửi làm cho người khác phẫn nộ. Thấy người sân hận thì nhớ nghĩ thực hành nhẫn nhục, không nói lời ác, có tâm tàm quý. Giữ gìn cẩn thận lời nói, không nói lời dối trá.

Đối với mọi người tư duy bình đẳng, không khởi niệm tật đố, oán ghét. Trừ bỏ tâm kiêu mạn, không khởi tưởng giận dữ hướng về chúng sanh.

Tự thân mỗi khắc đều phát nguyện hướng thượng: Nay không thực hành nhẫn nhục, sau này chắc chắn bị cảnh khổ nhơ xấu. Luôn giữ tâm mình ngay thẳng, không khinh kẻ hậu học, với đạo pháp tâm luôn hoan hỷ. Tâm Bồ Tát thanh tịnh không có trần lao, yêu thích pháp thâm diệu vô tỉ, dùng bốn pháp vô sở úy hàng phục ngoại học, khiến họ tu tịnh nghiệp tăng thượng.

Bồ Tát chí tâm với đạo, tôn phụng bậc nhân từ. Nếu thấy Sa Môn, dị học Phạm Chí thì nên hầu hạ xem như thầy khiến các vị được đầy đủ.

Vì sao như thế?

Do thành tựu Phật Đạo thì thành tựu Nhất thiết trí, tâm luôn nhu hòa không làm việc cuồng bạo. Nếu thấy người khác không hộ trì mình thì khởi niệm sai quấy, lúc đầu tâm không phiền não nhưng có niệm phi pháp, cũng không có tâm Thanh Văn, Duyên Giác.

Với các lỗi đã phạm không thấy có phạm, có chỗ phát sanh cũng không biết chỗ nào, mình ngu muội thì phải luôn tu tập tinh tấn không được giải đãi, không cùng bộ phái tà quấy giao tiếp. Nếu thấy kẻ tệ ác, phản phúc thì không cùng họ làm việc, nói chuyện thầm thì to nhỏ.

Tôn thờ, giữ giới đầy đủ chưa từng thiếu sót, gần gũi bậc trí tuệ và bậc am tường diệu pháp. Không nghĩ tưởng xa xôi, có tâm nhàm chán, đặt trọn đức tin vào tịnh giới, pháp tu tập chân chánh.

Không bị các bộ phái tà quấy làm nhiễm ô, cẩn thận giữ gìn pháp của mình như pháp phải hành trì. Tất cả chúng sanh ca ngợi đức của Bồ Tát giữ gìn pháp luật thanh tịnh vô nhiễm, sở hạnh kiên cố, thông tỏ tự tâm, không nói lời chẳng thật có tỳ vết.

Vì sao như thế?

Chính do chánh hạnh, không tổn hoại tà đạo. Giới của Bồ Tát đầy đủ, không bị mê lầm. Những âm thanh Bồ Tát diễn nói, không thanh âm nào không tuyên xướng diệu pháp, được Chư Phật Chánh Giác hộ trì, không mong cầu diễn tấu âm nhạc để tự vui, luôn biết đủ, không tham luyến.

Tâm Bồ Tát thuần thục, đã trừ các điều ác, thân ý trong sạch không ham thích thú vui, luôn thích nhàn cư, không có tâm ưa gần gũi pháp thế gian.

Bồ Tát ở nơi nhiều loạn lạc có thể phân biệt thâu tóm đầy đủ đạo pháp, không theo lời xúc xiểm của ngoại đạo, giữ gìn oai nghi cẩn thận chưa từng thất lễ, không vận y phục the lụa thêu thùa, lập thệ như bổn nguyện, đức hạnh không ai sánh bằng, không vì vị ngon ngọt mà loạn tâm ý.

Tự thân Bồ Tát có đạo lực, điều phục giữ gìn đức nghiệp, tu tập đều thuận theo giới, không đùa giỡn hư dối. Trời người hộ vệ khiến thành tựu quả cứu cánh. Bồ Tát thực hành tâm từ, nghĩ nhớ đến tất cả loài chúng sanh. Lại tu tập tâm bi mẫn, nhẫn nại với các trần lao.

Bồ Tát tôn thờ thủ hộ không để tâm sanh lười nhác, thực hành tâm bình đẳng, thiện ác không hai, vì tất cả chúng sanh đảm nhận trách nhiệm nặng nề, luôn quán sát thấy rõ không làm tổn hại dù mảy lông của chúng sanh, không để tâm thức rong ruổi theo các tưởng, không nghĩ nhớ điều ác.

Không truyền dạy cho người làm điều tà quấy, hộ trì tâm ý trong mọi lúc, nhiếp tâm không để khởi niệm ác tà, tùy theo chỗ tư duy luôn nhớ nghĩ bố thí, giáo dưỡng tất cả loài chúng sanh khiến họ thực hành nhẫn nhục không khởi dị tâm, chí nguyện tinh tấn trọn không thoái chuyển.

Một mình thiền tư đạt đến định an ổn, phụng thờ trí tuệ quảng bác, thông tỏ các nghĩa lý. Pháp giảng dạy thông tỏ mà không cho là đủ, nỗ lực tu tập quảng văn, học giới, pháp yếu.

Theo bạn lành mong đạt các pháp, thường xa lìa thầy ác, bạn tà. Thường thì bạn tà chẳng phải là bạn đạo chân chánh. Không tô bồi cho thân tướng, ham muốn trang điểm trau chuốt, biết vạn vật đều trở về vô thường.

Giới công đức của Bồ Tát trong sạch như vàng tử kim, tâm bố thí thanh tịnh mà không hề sanh tâm hối hận. Tâm ý thanh tịnh trọn không hư khuyết. Sở học của Bồ Tát vi diệu cũng không rối loạn.

Tâm Bồ Tát trong sạch, không dơ uế, bổn hạnh thanh tịnh, tâm không sân hận. Tuy ở chốn mê hoặc mà không theo đó dâm dục, ý không loạn tưởng, luôn ở trong định, giữ giới đầy đủ không khuyết phạm, không hề có lỗi, theo hạnh nguyện của mình không bao giờ thay đổi.

Với pháp thiền định của Chư Phật đều phân biệt rõ, dùng tâm bình đẳng độ các chúng sanh, từ nhất thiết trí nhập giải thoát môn, trải nghiệm qua các tam muội đều rõ như hiện tiền, không tham tiếc thân mạng, không có tất cả niệm loạn tưởng.

Không chấp trước ngã, nhân, thọ mạng, cũng không tư duy về danh sắc, thống thọ, tưởng, hành, thức. Không nương tựa vào thân, khẩu, bốn đại tạo sắc thân, quán niệm Chân Đế thông tỏ như thật, phân biệt sắc sở tạo, biết rõ chỉ là một không có hai.

Bồ Tát lại phải tư duy về nhãn và sắc, nhĩ và thanh, tỷ và hương, thiệt và vị, thân và các cảm thọ, tâm và pháp thảy đều thanh tịnh, là nhất tướng, vô tướng nên không mê loạn.

Bồ Tát như lý quán niệm các pháp, lấy quá khứ không hành, vô tướng, vô nguyện cũng không thấy có hình tượng, vượt qua ba cõi không nhiễm, không chấp trước. Vô giải, bất giải cũng không hệ phược, lại không sanh niệm cũng không thấy sanh.

Vì sao như thế?

Vì tất cả pháp đều vô sở sanh. Bồ Tát luôn phải từ mẫn, không nghĩ đến sát sanh trộm cắp, theo các dục để sinh sống, cũng không chiếm giữ sai quấy tài vật quý giá của người khác mà vui thích tuệ thí.

Bồ Tát không nghĩ đến việc tà dâm mà xa rời sắc, không nói lời hư dối, xúc xiểm người khác, lời nói ra với người khác đều thành thật, khéo luyện tâm không mê loạn, thấy các bậc cao niên luôn tôn kính, đi đến phương nào cũng đều dùng lòng nhân từ với mọi người khiến họ vừa ý.

Không để họ buồn lòng, mở rộng tấm lòng bao dung khai thị chánh giáo, luôn nhớ nghĩ bình đẳng hợp với luật pháp. Với tất cả loài, không có tâm cuồng sân, các hạnh đã làm không hề lui sụt, diễn thuyết pháp rốt ráo độ các chúng sanh, rộng vì tất cả chúng sanh phát nguyện trừ khử ấm cái che ngăn.

Với bậc Thượng vị Bồ Tát, pháp là đại chủ. Bồ Tát giảng rộng pháp tam thừa, dạy pháp Ba La Mật. Đức của Bồ Tát vượt quá núi Tu Di, trí tuệ vượt quá sông biển, đạo vượt quá hư không mà không cho là thệ nguyện.

Tối Thắng nên biết, vì tất cả người ngu si, lười biếng, phóng túng, mê hoặc không thuận giáo pháp. Họ còn phải ở lâu dài trong cảnh khổ sanh tử, thối thất mê loạn, hoảng sợ, bị triền cái lôi kéo nên không thoát khỏi ba đường nên Như Lai vô cùng thương xót.

Bồ Tát vì tôn thờ gốc của tất cả các pháp, vì tất cả pháp đoạn trừ các phiền não chấp trước, hai mươi hai gốc bệnh của xúc. Các pháp đó không phải là pháp cũng không phải là phi pháp. Tất cả ngôn giáo đều không thể nói.

Vì sao như vậy?

pháp vô đó vốn không bị sanh cũng không bị diệt. Vì người nói pháp, không thấy pháp đã nói. Như vậy, này Tối Thắng, bậc Thượng Vị Bồ Tát tư duy phân biệt chỗ khởi của lạc xúc, chỗ diệt của lạc xúc.

Bồ Tát quán như thế đối với xúc. Với sáu xúc làm căn bổn cũng phải biết như vậy. Không phải sáu pháp căn bổn cũng phải biết như vậy. Với bảy pháp xúc cùng thọ nhập cũng như thế. 

Lại nữa, Bồ Tát tư duy quán chiếu thấy rõ xúc do quảng ngữ cùng ba xúc mà không lấy làm căn bổn, bảy pháp xúc chi phần tuy ít nhưng cũng có phận sự.

Lại nữa, này Tối Thắng, có khi Bồ Tát phải tư duy phân biệt rõ xúc tự tương ưng, với Bốn pháp xúc còn lại cũng thọ tưởng nhập. Bồ Tát cũng phải tư duy, không khởi nhiễm trước.

A Lại nữa, Bồ Tát quán sát vô minh xúc cùng ba pháp xúc khi tự tương ưng, lại cùng mười một pháp xúc ít có phận sự cũng phải tư duy, không khởi nhiễm trước.

Lại nữa, này Tối Thắng, phi minh phi vô minh xúc khi tự tương ưng, mười một pháp xúc còn lại ít có phận sự. Lại nữa, Bồ Tát với ái dục xúc khi tự tương ưng, mời một xúc ít có phận sự. Giả sử sân nộ xúc tự nhiếp trì lẫn nhau, mười một xúc ít có phận sự.

Lại nữa, lạc thống lạc thọ xúc cùng với mười hai xúc ít có phận sự, khổ thống thọ xúc cùng với mười một xúc ít có phận sự. Vô khổ vô lạc thọ xúc cũng cùng với mười ba xúc ít có phận sự. Lại nữa, có khi Bồ Tát tự tương ưng nhãn thức xúc cùng với tám xúc ít có phận sự.

Tai, mũi, lưỡi, thân cũng như nhãn xúc không khác. Sắc tướng xúc cùng năm xúc làm thể, xúc cùng bảy xúc khác cùng liên đới với nhau.

Lại nữa, nếu thanh xúc cùng ba xúc khác làm thể thì khi đó xúc cùng mười một xúc cùng nhau liên đới. Nếu dùng hương xúc cùng hai xúc khác làm thể, khi đó xúc cùng chín xúc cùng nhau tương liên. Có khi xúc cùng bốn xúc khác làm thể, khi đó xúc cùng mười một xúc khác cùng liên đới với nhau.

Nếu dùng tế hoạt xúc cùng ba xúc khác làm thể thì xúc cùng mười ba xúc khác cùng liên đới với nhau. Có khi pháp xúc cùng hai mươi xúc khác làm thể, khi đó tất cả các xúc cùng nhau liên đới.

Bậc Thượng vị Bồ Tát luôn phải tư duy chỗ hưng suy, sanh diệt của nó, mỗi mỗi đều phân biệt khiến chúng không tăng giảm thì có thể tiêu trừ các trần dục kết, dùng đó có thể diệt trừ các kết, tâm cũng không chấp trước tưởng thường hằng.

Bồ Tát lại cũng không thấy sự sanh diệt chấp đoạn của ngã, nhân, thọ mạng. Như vậy, này Tối Thắng, bậc Lục trụ Bồ Tát dùng Chân Đế tâm, không niệm hữu vô, liễu giải không, với các xúc biết rõ là một. Bồ Tát phải biết, có khi hữu đối xúc cùng một căn làm thể, khi đó xúc khác cùng tám căn liên đới với nhau.

Bậc Thượng vị Bồ Tát phải tư duy chuyên tâm như nhất, mỗi mỗi phân biệt không nhiễm trước. Bồ Tát lại phải quán sát quảng ngữ xúc cùng năm căn làm thể, khi đó xúc khác cùng tám căn liên đới với nhau.

Bồ Tát cũng phải tư duy, ý không nhiễm trước. Bồ Tát phải tư duy rằng minh xúc cùng ba xúc làm thể, khi đó xúc khác cùng chín căn liên đới với nhau. Lại nữa, khi vô minh xúc tự nó làm thể thì nó cũng cùng sáu căn tương liên.

Khi phi minh phi vô minh xúc tự nó làm thể thì cùng với mười một căn liên đới nhau. Ái dục xúc cũng cùng bốn căn liên đới nhau, sân khuể xúc cũng cùng bốn căn liên đới, lạc thọ xúc cùng hai căn làm thể cũng cùng chín căn liên đới nhau.

Khổ thống xúc cùng hai căn làm thể, lại cùng sáu căn liên đới nhau. Vô khổ vô lạc thống thọ xúc cùng một căn làm thể, khi đó nó cùng vô căn liên đới nhau.

Lại nữa, Bồ Tát quán sát khi nhãn xúc tự nó làm thể thì cùng chín căn liên đới nhau. Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý cũng như vậy. Ý xúc cùng năm căn làm thể khi đó nó cùng tám căn liên đới nhau. Sắc xúc cùng hai căn làm thể thì xúc đó cùng năm căn liên đới nhau. Thanh xúc cùng ba căn làm thể, khi đó nó cùng tám căn liên đới nhau. 

Lại nữa, Bồ Tát cũng phải tư duy hương xúc cùng sáu căn làm thể, khi đó nó cùng chín căn liên đới nhau. Nếu sự xúc cùng hai căn làm thể, khi đó nó cùng mười một căn liên đới. Có khi tế hoạt xúc cùng một căn làm thể thì nó cùng tám căn liên đới.

Bồ Tát lại phải quán tri pháp xúc cùng mười chín căn làm thể thì nó cùng mười ba xúc liên đới. Nếu Bồ Tát tư duy thẩm suy trừ bỏ tham trước không tạo xúc thì có thể đầy đủ tất cả các nguyện, dùng ánh sáng vàng để trang nghiêm thân.

Ánh sáng đó soi chiếu rực rỡ khắp nơi, thông suốt các pháp đều là không tịch, quán chiếu thấy rõ pháp bổn chẳng phải hữu pháp cũng chẳng phải phi pháp.

Vì sao như thế?

Vì pháp vô đó tức là vô sở sanh cũng vô sở diệt. Vì người nói pháp nhưng không thấy có pháp đã nói. Pháp đó chẳng phải là chân thật, giả đặt có người nói, có người nghe. Trong có sáu thọ, ngoài có sáu nhập, năm ấm các loại và tất cả nhập.

Chúng đều là hư huyễn vắng lặng, đều là giả hiệu. Phân biệt chương cú và tất cả pháp, dùng Chân Đế quán cũng không có năm ấm. Bốn đại chủng và gốc hai mươi hai xúc không có đoạn diệt, cũng không phải là thường hay vô thường, cũng không kiên cố.

Đó gọi là các pháp vô ngôn. Tất cả các pháp gốc ngọn đều thanh tịnh, đều là không, đều là tịch, không có tên gọi. Tất cả pháp tánh và danh hiệu đều là tự nhiên, đều vô sở hữu. Pháp Chư Phật dạy cũng như vậy, phải tu tập pháp vô xứ sở.

Tu tập pháp vô xứ sở như thế nào?

Đó là tu tập tâm đạm bạc, biết rõ là vô sở sanh, tu hạnh vô dục, thực hành pháp Chân Đế, tập học pháp bổn vô mà thực hành khắp pháp giới, cũng tu tập pháp bổn tế, liễu tri chúng đều là không. Tất cả các pháp đều vô sở trụ, không có pháp nào để tu tập, không tu tập pháp không hành.

Như vậy, này Tối Thắng, bậc lục trụ Bồ Tát hiểu rõ các pháp là không. Lại phải tu tập oai nghi lễ tiết, đã xả quá khứ, không chấp thủ tương lai, không nhớ nghĩ hiện tại, cũng không thấy ngã sở, không có pháp nào để thọ nhận, chấp thủ, cũng không thấy có chủ tể, cũng không giới hạn, không thể thấy vì cứu cánh không không có cùng tận.

Giả sử có văn tự thì văn tự đó cũng là âm thanh giả hiệu mà thôi. Pháp vô tận này chính là pháp vô sở sanh. Do gốc tịnh đó nên ý chí đạm bạc, cũng không xuất sanh, phải rời xa chỗ sanh và chỗ vô sanh.

Với pháp đã học tập cũng không có âm thanh, không thấy có tiến bộ hay lui sụt, tìm giới hạn thì không có chỗ tận cùng, cũng không phải không có chỗ tận cùng. Không khởi không diệt, đó chính gọi là đạt được bổn không.

Giảng thuyết bình đẳng cũng không tưởng niệm, không gần không xa cũng không dấu tích. Đó gọi là tập. Trong pháp và luật, tất cả các pháp đều là giả có danh hiệu. Gọi là tập, pháp đó cũng không có chỗ trụ qua lại, không được, không mất, không nghe, không thấy. Đó gọi là thường trụ ở trong pháp giới. Pháp có thể phụng hành như thế thì gọi là tập.

Thế nào gọi là pháp?

Danh từ được gọi là pháp thì pháp không thể niệm pháp, cũng không thể hủy pháp, cũng không có nạn sợ hãi, không có niệm mong cầu. Giả sử không có mong cầu thì cũng không có tư tưởng báo đáp.

Nếu không nghĩ nhớ việc báo đáp thì trừ được tất cả sự ràng buộc của vọng tưởng, không trì trệ ở tương lai, không trụ ở hiện tại, không hồi tưởng quá khứ. Bậc tu tập như thế thì có thể đầy đủ tâm bình đẳng ở ba đời. Bậc trụ tâm bình đẳng ba đời thì không có ngôn thuyết.

Do không dùng pháp trụ nên độ được chúng sanh. Tối Thắng nên biết, Như Lai xuất hiện giảng dạy ngôn giáo đưa các loại chúng sanh được đến bờ kia. Nhưng có Phật hay không có Phật, pháp tánh vẫn thường trụ. pháp giới tự nhiên cũng không đổi khác. pháp giới trụ chính là tịch nhiên.

Lại vì sao gọi là pháp giới tự nhiên?

Do không có ngô ngã nên gọi là tự nhiên. Có khi Bồ Tát chấp trước ngã sở đó, tự cho là có sự thuần thiện của thân ý, nhận thân năm ấm, quán thấy nhân duyên của danh sắc, tư tưởng luân chuyển trong đó, ngôn từ qua lại dựa vào chỗ biết của thức, giả đặt danh hiệu, trong tâm xưng lường quán sát cứu cánh pháp bốn đại, các nhập.

Khi đó Bồ Tát phải tự suy tư rằng ta phải tinh cần độ cho người trong tam giới, phải làm tổn giảm bệnh dâm, nộ, si. Tu tập Đạo Giáo, đi vào tam giải thoát môn. Bồ Tát lại tư duy làm sao khiến chúng sanh đồng đạt được đạo tích, chứng đắc Tứ Quả trở thành bậc La Hán.

Hoặc phải tư duy về ý chỉ, ý đoạn, thần túc, căn, lực, thất giác chi, bát chánh đạo, không, vô tướng, vô nguyện, Tứ Đế, chân như, diệt trừ trần lao. Bồ Tát có tư tưởng đó, xem chúng sanh như quyến thuộc thì đối với pháp giới có khuyết giảm.

Bậc Lục trụ Bồ Tát xa rời tâm Thanh Văn, Duyên Giác, thệ nguyện hành hạnh nghiệp Đại Thừa Bồ Tát, phát nguyện rộng lớn, tâm tự nghĩ: Như ta làm Phật Sự cầu đạo tuệ, nguyện trong trăm nghìn hạnh không lui giảm. Ta sẽ bố thí không hối tiếc các pháp tài, giữ giới cấm thanh tịnh để đoạn trừ cấu uế, cẩn thận hạnh nhẫn nhục để trừ bỏ sân hận, tu tập hạnh nhu hòa.

Khi Bồ Tát Tu Tịnh tâm là để trừ bỏ bệnh cấu lười biếng, nỗ lực theo giáo pháp tu tập trọn không rời bỏ, ở nơi yên tĩnh tu tập chánh thọ, ý không loạn động, đạt được nhất tâm, từ tam muội xuất quán chiếu thực hành theo nghĩa đã quán chiếu trong định.

Dùng sáu độ vô cực khai hóa chúng sanh, vì cầu Phật Đạo muốn thành tựu đạo quả phải do lục trụ, thành Đẳng Chánh Giác hàng phục chúng ma, chuyển pháp vô thượng độ thoát nhân dân.

Vì Phật vĩnh viễn tịch tĩnh nên hiện diệt độ, thông đạt thánh tuệ, học pháp trụ địa trị tâm, diễn xướng mười đạo lực của Như Lai, mười tám pháp thù thắng bất cộng, bốn pháp vô úy, biện tài phân biệt thông đạt các pháp không chướng ngại, cũng không tưởng cầu năm ấm, không lệ thuộc sự sanh diệt của chúng.

Khổ sanh, già, chết là tướng của phiền não, thức ngộ rõ là không. Đó gọi là Khổ Đế. Quán tri chỗ duyên khởi của năm ấm, thấy rõ vạn vật đều do tưởng cầu mà hiện hữu, phân biệt rõ tâm ý mà chẳng phân thị phi, tuy không cầu mà tâm vĩnh viễn không quên mất.

Đó gọi là Tập Đế. Không cùng chung với thế tục vương vấn việc ở quá khứ, hiện tại hay tương lai, cũng không trụ trong đó có tâm cầu lợi dưỡng, biết rõ chúng sẽ tiêu hoại nên không sở hữu. Đó gọi là Tận Đế.

Muốn đạt đến đạo để liễu tri khổ, tập và tận, dùng tám mươi bốn pháp mà các Bậc Thánh tôn trọng đạt trí tối thượng, trừ bỏ các duyên tạo thành lưới phiền não do dự. Đó gọi là Tận Đế.

Phân biệt bốn đế, các pháp hiện tiền: Thiện ác, khổ vui. Tâm biết rõ thế gian. Bồ Tát đều hiểu rõ gốc ngọn của chúng không mong cầu. Tuy không vọng cầu nhưng cũng không chấp thủ quả chứng của mình.

Đó gọi là Bồ Tát tu tập Đạo Đế thấu tỏ thân là không tịch, mất đi không sanh lại, không có nạn gì làm lay động, cũng không trừ tội, không thủ, không xả cũng không đoạn hại, không có thân phi thân, không thấy pháp nào giả đặt, có kẻ tạo tác, không có quan niệm bỉ thử, cũng không có quan niệm trung gian.

Như vậy, này Tối Thắng, bậc Thượng Vị Bồ Tát luôn phải tư duy trừ bỏ hai mươi hai nạn pháp căn bổn liên đới của xúc thì có thể tu tập toàn bộ nghiệp đạo Bồ Tát. Này Tối Thắng, đó gọi là bậc Thượng vị Bồ Tát ở lục trụ địa thanh tịnh hạnh của mình.

***