Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ

PHẬT THUYẾT KINH TỐI THẮNG

HỎI VỀ VIỆC TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

CỦA BỒ TÁT THẬP TRỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM TÁM

PHẨM ĐỒNG CHÂN
 

Bấy giờ Bồ Tát Tối Thắng bạch Phật: Bạch Thế Tôn, Bồ Tát trụ ở Bát Địa thanh tịnh hạnh của mình như thế nào?

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Bồ Tát trụ ở Bát Địa luôn phải đầy đủ tuệ thần thông quán sát căn tánh của chúng sanh, quán chí hướng của họ mà vì họ thị hiện, lại dùng thần thông dạo đến các Cõi Phật quán sát các hạnh vi diệu thù thắng của Chư Phật, trở về tự trang nghiêm Cõi Phật của mình.

Tự đến nơi tôn thờ Lễ Kính Chư Phật, quán thân tướng của Phật là không, vô sở hữu, học tập biết nhẫn nhục, phân biệt các căn, luôn trụ trong chánh định như ảo, tâm ý an định, biết rõ pháp bổn vô.

Các công đức đã tạo theo thân khí lúc trước, mỗi mỗi đều theo chỗ tu tập của mình mà đều thành tựu. Bồ Tát vì tu tập quả không, vô tướng, vô nguyện nên không có hình tượng, vượt qua ba cõi vĩnh viễn không bị chúng buộc ràng, tuệ vô sở niệm không có sanh diệt.

Do vô sở sanh nên gọi là tuệ. Làm mà không thấy làm cũng không tạo tác, đó gọi là tuệ. Ở trong chỗ vô hạn, đều không dừng trụ cũng không có trụ xứ. Vì tuệ thanh tịnh nên không nương tựa vào thức.

Vì sao như vậy?

Do không tưởng niệm nên tuệ không giới hạn, dùng sức phương tiện không dừng tham dục, cũng không trụ sắc hay vô sắc.

Tuy ở chỗ cấu nhiễm mà không bị nhiễm trước. Này Tối Thắng, đó gọi là đại trí, xa lìa dâm, nộ, si không có ngu mê, vĩnh viễn vì giải thoát mà không hạn lượng, không ràng buộc, không đoạn dứt, trừ bỏ mười hai duyên mà vô minh là pháp căn bổn, không thấy ngô ngã, không trụ tham dục biết rõ chúng là một, không tưởng cầu sắc, nghĩ đang trụ trong tất cả sắc.

Đó gọi là nghiệp của đệ bát Bồ Tát. Bồ Tát trọn không tùy duyên, không có họa hoạn phiền não, không cùng với si, không hữu vi cũng không phải không hữu vi, không cầu phước nhưng chẳng phải không có công đức vì Bồ Tát đã vượt qua các ác và các sự phi pháp cho nên như thế.

Pháp tánh thường trụ, Bồ Tát không thấy có kẻ ngu làm điều phi pháp, trong thân, tâm thức của Bồ Tát không cảm thấy sầu lo, ý không loạn tưởng rong ruổi theo niệm khác. Này Tối Thắng, đó gọi là tuệ.

Bồ Tát phân biệt quán không, liễu tri vô sanh, đoạn diệt tâm chấp thường không để nó phát khởi. Phòng hộ sáu giác quan trọn không để tà dấy khởi, thệ nguyện cao xa không có giới hạn, tu nghiệp đồng chân mà không sai thứ lớp.

Nếu thấy có người lui sụt nơi xuống địa dưới thì liền dụ dẫn khuyến tấn khiến họ tăng thượng trở lại. Bậc tuân phụng pháp không rời bỏ luật bổn đã tu của Chư Phật thân tâm hỷ lạc không gì vui bằng, phát triển tâm lạc đạo không rời pháp thân, không xa Thánh Chúng, không có trói mở.

Lại phải tu tập pháp của đạo lẫn thế tục. Vì nương pháp tánh nên không đoạn các học xứ, cẩn thận giữ gìn cấm giới. Do gốc thanh tịnh nên không thể tận. Biết rõ đang ở trong sanh tử đều có lúc tận. Chúng sanh lưu chuyển trong năm đường xoay vần qua lại cũng không chịu dừng.

Bồ Tát biết rõ trụ nơi vô thường rồi cũng sẽ tận diệt. Ngoại đạo dị học tuy đạt ngũ thông nhưng không rời trí thế gian, chỉ mong cầu sống lâu, về sau mất thần túc thì cũng mạng chung liền trở lại sanh tử.

Hoặc có chúng sanh siêng năng tu tập pháp ngũ giới, thập thiện được sanh vào cõi người, Cõi Trời. Ở Cõi Trời Dục tinh cần tu tập Ngũ Giới tự nhiên đạt được đầy đủ công đức. Hoặc có chúng sanh ở Cõi Sắc Giới tu học không định, lấy niệm hỷ lạc làm thức ăn, không nhớ đến gốc khổ.

Hoặc có chúng sanh tâm thức trong lành mong cầu giải thoát, tự nghĩ đã đạt được Niết Bàn vô tướng vĩnh viễn tịch tĩnh.

Bọn họ đều tự tu tập không đạt đến chỗ diệt độ rốt ráo. Bồ Tát ở địa thứ tám quán rõ các chỗ đó nên không nhiễm trước, luôn tuyên giảng pháp khuyến tấn người học đạo khiến họ xa lìa các cách tu tập trên. Tối thắng nên biết, đạo nghiệp đồng chân cũng phải lánh xa đạo nhị thừa, từ Tu Đà Hoàn đến Bích Chi Phật đều có sự bất toàn. Bồ Tát trọn không niệm pháp La Hán.

Vì sao?

Vì chỗ dụng tâm của nhị thừa nương tựa vào đạo Niết Bàn. Bồ Tát không học cách tu của hàng Duyên Giác vì phát tâm của hàng Duyên Giác không phải là tâm đại bi.

Người học đạo như thế đều chẳng phải chân chánh. Nếu có Bồ Tát muốn giải thoát rốt ráo thì nên tu học đại trí tuệ, biết rõ gốc ngọn các pháp không thể tận cùng, nguyện không rời bỏ tất cả chúng sanh, tu pháp Như Lai là tánh bất diệt.

Do trí tuệ vô cùng bất khả kiến nên đạo quả đúng thời liền được thành tựu. Các lời Bồ Tát nói đều đúng như thật với tâm hoằng thệ nguyện đã phát. Với pháp mười lực, mười tám pháp bất cộng thù thắng, Bồ Tát cũng không tư lự nghĩ suy cũng không thể cùng tận.

Bậc đệ bát Bồ Tát khi du hóa giữ gìn tâm ý, thực hành nhẫn nhục không thể nghĩ bàn. Tâm không nghĩ điều quấy, không có các niệm ác.

Bồ Tát không có tâm sân hận đối với chúng sanh cũng không khởi tâm cạnh tranh với người khác, không hướng dẫn người đến chỗ bại hoại, cẩn thận hộ trì thân khẩu, không phạm dối trá, hộ trì chúng sanh, tự mình cẩn thận tu tập pháp bổn.

Bồ Tát không theo các bộ phái tà quấy, luôn tư duy thiện nghiệp, không có tâm ái dục nên có thể trang nghiêm thân như thân tướng của Phật.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Tối Thắng: Bồ Tát tu hạnh đồng chân luôn phải tu tập âm hưởng nghĩa cú.

Thế nào là nghĩa âm hưởng của Bồ Tát?

Lúc đó Bồ Tát biết các pháp là không, không nhiễm các kiến, tư duy vô tướng, không khởi loạn niệm, phân biệt vô nguyện, vĩnh viễn xa rời tam hữu. Với pháp không dâm dục, bổn tánh tự tịnh, không khởi niệm sân nộ, khiến chúng vĩnh viễn không khởi sanh.

Quán rõ vô minh không chút mê mờ. Lại phải tư duy pháp tương lai, quá khứ, hiện tại đều không khởi các pháp tự nhiên, không thấy khởi diệt, không thấy sanh tử, không bị báo ứng, tin tưởng làm việc thiện hay ác biết rõ chắc chắn có quả báo, tu khẩu nghiệp thanh tịnh không nói lời dối trá.

Tâm Bồ Tát thông suốt, tu tập không vọng động, các việc đã làm đều thù thắng không bỏ sót pháp nào, luôn tự tư duy các pháp như mộng ảo. Giả sử có tà niệm liền tự biết rõ, chí tánh nhu hòa, giữ gìn tâm ý khiến không sanh khởi điều ác.

Bồ Tát luôn sanh vào nhà bậc sĩ phu thanh tịnh chân chánh. Giả sử ở tại nhân gian thì đầy đủ các đức, có tám mươi tướng đẹp, âm thanh tuyệt diệu của chim phượng.

Bồ Tát không có tâm trang điểm mà vẫn đẹp vi diệu như Phạm Thiên, trừ tâm dâm, nộ, si không còn sầu muộn, hoàn toàn không có nét mặt khó chịu sân hận đối với người khác, công đức đã tạo chưa từng quên mất, tùy theo pháp căn bổn nên đại vĩnh viễn an lạc, luôn dùng pháp ngữ khuyến tấn chúng sanh, hàng phục ngoại đạo tà học dị thuật.

Do Bồ Tát rời xa khổ não nên không còn bị nạn nguy hiểm, đã có đầy đủ pháp của Chư Phật. Đối với mọi người, Bồ Tát luôn nhẫn nhục, thân tâm chí mật, hiện tại bị mắng chửi nhưng vẫn điềm nhiên không báo oán.

Nếu bị chúng sanh đánh đập vẫn không có niệm oán hận, cũng như đất bằng bao dung thọ nhận vạn vật trọn không thức tưởng tăng giảm ý.

Vì sao?

Đó là do pháp tánh từ xưa đến nay vốn không. Giả sử có kẻ có tâm phẫn nộ thì Bồ Tát hoàn toàn không hận, nhìn thấy rõ mặt giận dữ của người như ảo như hóa nên không khởi tâm đối nghịch hướng về người.

Nếu người có niệm ác, Bồ Tát giả vờ như không biết, tự mình tư duy: Ta nay quán suy chân lý biết là không, trong tương lai không xa lìa, không khởi duyên này. Người này trước đây có tâm giận dữ, ta nên thận trọng với tâm ấy. Giả sử có người đến khen ngợi, Bồ Tát cũng không vì thế mà vui mừng. Nếu bị người đánh đập cũng không sầu não.

Vì sao?

Vì Bồ Tát không thấy có thân mình và sự đau đớn do gậy gộc của người đánh đập. Tất cả đều do Bồ Tát đã tích tập công hạnh hàng phục tâm ý.

Bồ Tát ở nơi nhàn tĩnh, quán xét nội thân phải chịu sanh, già, bệnh, chết, vô thường, khổ đau, sầu lo phiền muộn, các nạn khủng bố, đói khát, nóng lạnh. Lại quán sát thân này bại hoại, là pháp vô thường.

Thân này là vật chứa đựng các khổ não, là nơi tật bệnh tích tụ. Thân này như hư không, khi chết trả về gốc tứ đại. Thân này là vô ngã, vô sanh, vô diệt.

Chúng sanh trong ba cõi mãi bị trôi nổi chìm đắm trong dòng ái dục, không có khi nào dừng nghỉ, trước phải chế tâm không để nó khởi nhiều vọng tưởng. Lại phải suy tư về nguồn gốc của dòng ái dục. Chúng sanh ở trong ba cõi xúc chạm với sanh tử nên không ngừng thọ thân.

Bồ Tát lại phải tư duy về dòng tà kiến. Chúng sanh ngu si, theo điên đảo chấp vào sáu mươi hai kiến mê lầm của thế gian.

Bồ Tát suy tư về vô minh lưu, thấy rõ chúng sanh trong ba cõi si mê không hiểu biết, không biết chân đạo, cho bất tịnh là tịnh, trở lại theo dòng thác dục, cho khổ là lạc, cho vô thường là thường, cho phi thân vô ngã là thân ngã.

Không suy tư trừ bỏ tham trọc mà tự thân buông thả ngày đêm không tu tập, đến già vẫn không ngừng dâm dục. Có tiền của không bố thí. Không nghe lời Phật dạy. Đó gọi là bốn pháp hiểm nguy làm tăng thêm gốc ái, ý suy nghĩ, thân hành động cùng duyên các nhập.

Như vậy, này Tối Thắng, Bồ Tát trụ trong định tịch tĩnh mà quán niệm, bỏ ác trừ dục bất thiện đó, theo lời dạy của chư Hiền Thánh không có tâm khổ vui, tu tập thấu đạt nghĩa lý sâu xa của Tứ Đế, chứng ngộ sanh là khổ, ái là nguồn cội khổ, thanh tịnh là tận, tu tập đạo để vượt qua khổ.

Khi có họa hoạn áp bức thân này, Bồ Tát tuyệt nhiên không thể khởi tâm tham, thẩm suy nguồn gốc từ đâu có sanh, theo bổn tánh quán niệm pháp đó liền biết nguồn gốc của khổ từ thân sanh, do nhân ái tập sanh, ái diệt thì chứng tận, vô dục thì thành tựu đạo.

Bồ Tát luôn có tâm từ mẫn, không có niệm hại, nuôi lớn đạo tâm, thương xót giáo hóa chúng sanh đau khổ, khuyên họ sanh tử là khổ cần phải nhổ tận. Nét mặt Bồ Tát luôn hòa nhã hoan hỷ đối với chúng sanh mê mờ, khuyên dạy chúng sanh khiến họ phát tâm đạo.

Lời nói của Bồ Tát luôn trôi chảy, sâu sắc, không ngập ngừng, biết tướng các pháp, nghĩa của chân lý, thông dạt hoàn toàn các pháp, tùy thời mà nhập. Nếu có người tìm đến vấn nạn, Bồ Tát theo căn cơ của họ mà ứng đối không trở ngại.

Khi Bồ Tát trả lời, từ ngữ không sai loạn. Tâm Bồ Tát luôn từ hòa, thương yêu tất cả chúng sanh, nhớ nghĩ tất cả loại chúng sanh hữu tình không tránh khỏi sự đau đớn của bệnh tật, suy hao nên vì họ mà giả bày phương tiện mong họ được giải thoát.

Bồ Tát lại khởi tâm bi mẫn đồng cảm với tất cả chúng sanh đang ở trong hoạn nạn đói khát, nóng lạnh, được mất, không cách nào thoát khỏi tội nạn nên suy tư pháp phương tiện khéo léo mong làm cho họ được an vui.

Bồ Tát lại dùng tâm hỷ nghĩ đến các thế gian, thấy đều có nạn lo sợ khổ não: Ta phải dùng phương cách khiến họ được an ổn. Bồ Tát luôn có tâm thủ hộ, nguyện độ những kẻ sanh trong tám nạn ở ba cõi, ngu si, mê mờ không thấy chánh đạo, suy tư mong muốn độ cho họ được giải thoát.

Tâm thương yêu chúng sanh của Bồ Tát không lay động, tuy thực hành pháp đó mà tâm ý không nhiễm trước, không vì khuyến khổ mà sanh tâm niệm thoái chuyển, luôn ngưỡng cầu đạo vô thượng chánh chân.

Bồ Tát đối với trí tuệ thông đạt không nhàm chán, cho là đủ. Nếu ở trong chỗ đờn ca xướng hát năm dục lạc, Bồ Tát cũng không sanh tâm hoan hỷ, thấy rõ các pháp thế tục đều là ảo hóa, tất cả vạn vật đều trở về với vô thường, không bị tám pháp sở kiến làm điên đảo rối loạn tâm, luôn xa lìa như tránh lửa hừng, không ở trong đó bị người làm não loạn.

Nếu có người có tâm giận dữ hướng về Bồ Tát thì hoàn toàn không thể hại được dù chỉ nhỏ như một sợi lông. Được người tôn kính, Bồ Tát cũng không dám phạm. Giả sử có người muốn hại Bồ Tát, Bồ Tát dù từ bỏ vô số thân ở các nơi khác nhau cũng đều có thể nhẫn nhục, không sanh loạn tưởng.

Do mong được đầy đủ hạnh đồng chân, Bồ Tát lại quán pháp của thân tâm hợp thành, tan hoại, có gì để tham chấp mà xem nó như vật báu. Theo duyên tu tập đó thì kết quả chắc chắn đạt được thân Phật, ắt hẳn đạt được bí tạng của Như Lai, phát thệ nguyện lớn, nguồn cội của đạo giải thoát cứu cánh.

Bồ Tát tu tập phương tiện quyền xảo biến hóa vô cùng. Nếu ở trong chốn ngoại đạo dị học thì hiện thân đi vào lửa nằm ngồi tự tại, lại từ trong lửa đứng dậy mà không bị lửa làm hại rồi dạy cho bọn họ biết có đạo chân chánh.

Tâm họ tự hối cải, tu hạnh thanh tịnh. Bồ Tát giáo hóa kẻ có tâm ngu mê khiến họ phản tỉnh quy chân. Từ thân sanh Thiên, Bồ Tát giảng pháp cho Chư Thiên hiểu rõ địa vị Cõi Trời cũng phải suy hoại.

Với pháp phương tiện quyền xảo, không pháp nào Bồ Tát không thông tỏ. Tứ Thiên vương Thích, Phạm đều tự quy kính đảnh lễ. Đó là do Bồ Tát tích tập công hạnh nên có đạo đức thù thắng siêu việt, hàng nhị thừa không thể sánh bằng.

Trí tuệ thông đạt đồng chân của Bồ Tát cũng không có giới hạn, tâm niệm rộng lớn không có hạn lượng. Lời Bồ Tát nói ra đều có ích lợi không làm tổn hại ai dù chỉ nhỏ như sợi lông.

Vì vậy nên trí tuệ của Bồ Tát không thể cùng tận, phân biệt rõ ràng rành mạch pháp của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Biết rõ chúng là không, không có sở hữu. Bồ Tát đã thông đạt nhẫn tuệ nên đạt được tất cả trí tuệ, không nghĩ tất cả pháp là thường hay vô thường, suy tư liền được thể nhập trí tuệ vô cực.

Nếu cùng âm thanh của tiền nhân qua lại, Bồ Tát tư duy lời dạy như tiếng vang trong núi. Hiểu rõ được điều đó thì gọi là quyền tuệ. Bồ Tát cũng quán sát pháp tánh không của hữu vi, vô vi. Chân lý vắng lặng như hư không, giả đặt nên có tên gọi là tai.

Bồ Tát không nhớ nghĩ tự thân đã đạt đạo quả, những kẻ hạ liệt không thể theo kịp. Cũng không tự nghĩ đã tu hành giới luật, tôn thờ giáo pháp, hoàn toàn không khởi ý nghĩ suy vô số niệm. Đó gọi là quyền tuệ đồng chân không biên tế.

Trong khi tu tập hòa nhẫn, không nhẫn, đảnh nhẫn, bất thoái chuyển nhẫn, Bồ Tát như thật quán sát không hư vọng, tu Tam ma địa, không trụ Bổn không, không niệm kiên thật, không nghĩ quán tưởng, không niệm hữu tưởng, cũng không mong cầu khởi nguyện tưởng.

pháp giới là nhất tướng cũng không hình mạo, tư duy sanh tử không có thỉ chung, không bố thí vì không có pháp bố thí. Không thấy quá khứ, tương lai, hiện tại xoay vần qua lại, đều không chân thật.

Quá khứ đã diệt, hiện tại không trụ, tương lai không sanh, có đức không thấy có đức, không đức không thấy có đức, không phải có đức, chẳng phải không có đức, chẳng phải chẳng có vô đức. Liễu tri hữu đức, vô đức đều vắng lặng không tịch.

Không có tên gọi sanh diệt, trước đoạn. Bồ Tát lại quán vô sanh thì thấy không có chỗ sanh, không thấy vô sanh, phân biệt hữu sanh cùng với vô sanh đều hư ảo, không phải thật là một cũng không phải là hai, không thấy có chứng đạo quả độ thế gian, cũng không thấy văn tự ngôn giáo phần đầu, phần giữa, phần cuối.

Không thấy có giải tán không hợp với thế tục, lại không thấy có tụ họp đồng với thế tục cùng lưu chuyển. Như vậy, này Tối Thắng, pháp tu đồng chân là pháp sâu xa khó lường, không thể nghĩ bàn, không pháp nào có thể sánh. Không thấy đạo nhẫn hợp cùng trí nhẫn, không thấy trí nhẫn hợp cùng đạo nhẫn, cũng không phải không hợp.

Không thấy vô đạo hợp cùng vô trí, không thấy vô trí hợp cùng vô đạo, đạo nhẫn và đạo tự chúng không cùng hợp, chẳng phải không có hợp cũng không phải không hợp.

Vì sao?

Vì tánh tự nhiên. Tối Thắng nên biết, thế gian có hai pháp khiến kẻ tân học có tư tưởng hồ nghi.

Hai pháp khiến khởi nghi ngờ đó là gì?

Đối với Bồ Tát tu trăm ngàn pháp nương tựa vào Nê Hoàn cho là đã giải thoát, người tu tập như thế thì có tổn giảm. Hoặc có Bồ Tát biết tánh Nê Hoàn mãi mãi là giải thoát nên không khởi tâm thi thiết nhiễm trước sanh tử, không theo, không lìa, biết rõ là một chứ không phải vô số tên gọi từng phần.

Bồ Tát tuệ nhẫn trọn không sanh tâm nhưng phân biệt có pháp Đại Thừa bình đẳng này, pháp Đại Thừa bình đẳng kia. Vị ấy thể nhập ngộ được không tuệ, không chấp trước, không dứt đoạn, không bị nhiễm ô thì mới gọi là bình đẳng.

Tánh bình đẳng quán rõ không buộc, không mở, vì vô sở tạo nên vô sở sanh. Bậc không thấy tự nhiên có sanh diệt, bậc giải thoát như vậy mới gọi là tự nhiên. Không thấy tự nhiên, không thấy vô nhiên, thông đạt tự nhiên đều vô sở hữu, đó gọi là thanh tịnh, là diệt nhiên.

Như vậy, này Tối Thắng, Bồ Tát tích tập công hạnh, trí tuệ vô cùng cực, tu tập vô sanh tuệ không thể tận.

Từ lúc đầu học đạo tích tập công đức đến khi tới Đạo Tràng, ngồi dưới cội Phật thọ hàng phục ma oán thành đạo vô thượng, Bồ Tát trước phải thể nhập tâm định nhẫn tuệ này, sau đó mới nhập Tử Phấn Tấn Độc bộ tam muội, phóng ánh sáng lửa lớn chiếu khắp ba ngàn đại thiên Cõi Nước.

Người thấy ánh sáng này đều thông đạt nhẫn tuệ, tâm thức liền nhu hòa không cương bạo, luôn dùng tâm từ mẫn nhiếp trì thân, khẩu, ý.

Ngôn giáo thanh tịnh trọn không tổn giảm, hiểu rõ pháp vô vi, tôn kính Phật Đạo, tâm chí trụ trong chánh định không loạn tưởng, đối với người khác luôn khiêm hạ không kiêu mạn, đạo quả công đức mỗi ngày thêm lớn, triền kết oán ác, vĩnh viễn không còn mầm rễ.

Đến tận các Cõi Phật phương khác, chúng sanh đều cảm ứng biết được ánh sáng oai thần của Bồ Tát giáo hóa chúng sanh, không ai không được độ. Bồ Tát quán sát ánh sáng ấy hoàn toàn vô sở hữu, phân biệt tướng mạo cũng không phải chân thật.

Bồ Tát lại phải phân biệt tướng trạng khởi lên của sắc, thống thọ, tưởng, hành, thức.

Quán thông đạt tướng của năm ấm như thế nào?

Thấy có ánh sáng thì gọi là sắc, có hình chất cũng gọi là sắc, nhận lãnh giao phó cho nhau cũng là sắc, hộ trì tự thân cũng là sắc, nếu cho người khác cũng là sắc.

Sau đó Bồ Tát phải liễu tri sự khởi diệt của thống thọ, do duyên gì mà có thống thọ đó?

Khổ thọ, lạc thọ, bất khổ bất lạc thọ, Bồ Tát luôn nghĩ nhớ phân biệt mà không khổ lạc, huống chi đang nhập định mà có thọ thì điều đó là không thể có.

Thấy rõ nó chính là tướng của thọ, những pháp nhớ kỹ đã qua thì trôi nổi rong ruổi không ngừng, niệm khởi lên tìm kiếm nhớ lại những pháp của quá khứ, hiện tại hay tương lai, nam hay nữ và vô số hạn lượng các pháp khác gọi là tư tưởng.

Bồ Tát biết rõ tưởng đó không đến, không đi cũng không có nơi chốn, hư ảo không thật cũng không có danh hiệu cho nên gọi là tư tưởng.

Như khi thấy làm việc thiện ác, hữu ký hay vô ký, hữu lậu hay vô lậu, hữu vi hay vô vi, có chỗ tạo tác không bị chướng ngại, khi đó Bồ Tát thấy việc làm thiện chẳng phải là không thiện, thấy việc làm ác chẳng phải là không ác.

Lại nữa, có khi cũng không làm thiện, cũng không làm ác. Này Tối Thắng, đó gọi là hành. Bồ Tát lại phải quán thấy rõ nguyên nhân nào mà có thức. Thức chẳng phải là một tướng. Các pháp mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng gọi là thức.

pháp sắc, thanh, hương, vị, tế hoạt xúc cũng gọi là thức. Thông đạt pháp hưng suy của xúc cũng gọi là thức. Ở trong tư tưởng cũng gọi là thức, rời khỏi tư tưởng cũng gọi là thức. Có thiện, có ác cũng gọi là thức. Không thiện, không ác cũng gọi là thức.

Chẳng phải có thiện, chẳng phải không thiện cũng gọi là thức. Bồ Tát biết rõ thức từ đâu sanh và từ đâu diệt, biết rõ nó là vô sanh cũng không có khởi diệt. Thông đạt pháp này chính là thức.

Như vậy, này Tối Thắng, Bồ Tát đồng chân xả bỏ thân đã thọ, ngay lúc đó thân căn ý thức của Bồ Tát không loạn, không thọ thân trung ấm mà chịu khổ nạn. Chúng sanh khi chết thần thức trụ trong thân trung ấm, theo gốc tội phước nặng nhẹ mà chịu nạn.

Bậc Bồ Tát Đại Sĩ trong khoảnh khắc phát tâm, theo hướng đã phát nguyện liền đến thọ hình mà không chịu khổ nạn. Tối Thắng nên biết, bậc đồng chân Bồ Tát luôn cùng với bậc Nhất sanh bổ xứ Bồ Tát là bạn hữu, theo hầu dạo xem Cõi Phật thanh tịnh, chọn lựa Cõi Phật cực diệu tối thượng, phát tâm dõng mãnh ưa thích bố thí, làm Phật Sự.

Bậc đệ bát Bồ Tát đắc được tự tại, theo nhân duyên đó giáo hóa tất cả các nơi, tuyên nói các pháp không cùng tận, luôn khéo léo giảng dạy làm vui chúng sanh.

Khi đó các Bồ Tát trong chúng hội, mỗi vị đều tự nghĩ: Hôm nay Đức Như lai tuyên giảng tuệ nghiệp, khen ngợi hạnh đồng chân, quả báo công đức không gì sánh bằng. Nay quán chỗ tu tập của Bồ Tát Tối Thắng với nghiệp đồng chân cũng không trái nghịch.

Nếu Ngài Tối Thắng thành đạo Tối Chánh Giác Vô Thượng thì khi đắc Phật Đạo sẽ có danh hiệu gì?

Cõi Phật của Ngài công đức trang nghiêm thanh tịnh như thế nào?

Chúng Bồ Tát thành tựu ra sao?

Tôn kính tu tập pháp luật có sai biệt không?

Bấy giờ Thế Tôn biết tâm niệm của chúng Bồ Tát trong hội, ngay lúc đó liền ở trên tòa ngồi mỉm cười. Từ miệng Phật phát ra vô số ức trăm ngàn ánh sáng chiếu khắp mười phương vô hạn Thế Giới, che mờ ánh sáng của Mặt Trời, Mặt Trăng, làm ẩn khuất cung điện của ma.

Ánh sáng đó trở lại nhiễu quanh Phật vô số vòng rồi nhập vào đỉnh đầu của Phật. Lúc ấy các Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch y bày vai phải, chắp tay lễ Phật hỏi về ý nghĩa Phật mỉm cười. Đức Phật không cười mà không có lý do, tất cả đều mong muốn nghe lời dạy của Phật.

Bấy giờ Thế Tôn bảo chúng hội: Các vị có thấy vị Bồ Tát Tối Thắng này không?

Các Bồ Tát thưa: Vâng! Chúng con đã thấy.

Đức Phật bảo các Bồ Tát trong pháp Hội: Trong hiền kiếp này, sau khi một trăm Đức Phật nhập diệt sẽ có Đức Phật hiện ở đời hiệu là Sư Tử Oai. Đức Như Lai ấy xuất hiện ở đời là Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, là Bậc Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Cõi nước tên là Như Kim Vô Dị. Lúc ấy quang cảnh của Cõi Phật đó vô cùng thần diệu, ngũ cốc tự nhiên mọc đầy, không phải mua bán. Nhân dân sung túc, thành quách nghiêm trang tề chỉnh, đều làm bằng bảy món báu là vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách và ngọc ma ni.

Cõi Phật đó bằng phẳng, có tám đường giao nhau đều do các báu làm thành. Đất mềm mại như y mịn Cõi Trời. Gióng như Cõi Trời Đâu Thuật, y phục, thức ăn uống, cung điện, nhà cửa, vườn hoa, ao tắm, đường sá, lầu gác đều cao ngất vi diệu thù thắng.

Cõi nước của Đức Phật ấy có oai thần công đức như thế. Chư Thiên tự nhiên hiện ra đờn ca khảy nhạc réo rắt, dựng lên một tràng phan tên là Hương Vũ Bảo Diệu Hoa, che khắp đại chúng, bảo hộ chánh pháp không thiếu mất, hướng dẫn làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh.

Nay vị Bồ Tát Tối Thắng này từ cõi này diệt độ sẽ sanh vào Thế Giới Cực Lạc của Đức Phật Vô Nộ. Khi Bồ Tát Tối Thắng sanh vào Thế Giới đó, Đức Phật Vô Nộ vì các Bồ Tát tuyên nói tám ngàn bốn trăm pháp môn vi diệu đặc thù, xiển dương Đạo Giáo quy về một cú nghĩa, xoay vần luân chuyển không dứt đoạn Tam Bảo, khiến cho tất cả chúng sanh an lập tâm bất thoái chuyển.

Khi Đức Phật nói xong, các vị trong pháp hội đều khen ngợi: Lành thay! Lành thay! Bồ Tát Tối Thắng thành Phật sao nhanh như vậy?

Nguyện ở Đời tương lai, chúng con được sanh vào Cõi Phật đó được gặp Đức Sư Tử Như Lai xuất hiện ở đời, được nghe dạy Đạo Giáo tu tập hạnh đồng chân như Ngài Tối Thắng.

Bấy giờ các Bồ Tát trong hội tự lặp lại, nói: Nguyện cho tất cả chúng sanh đều đạt được pháp tuệ nhẫn trí giống như chúng con hiện nay nghe pháp này không có tâm sợ hãi, không có tâm do dự.

Lúc đó Thế Tôn bảo Ngài Tối Thắng: Bồ Tát tu hành tích tập đầy đủ các đức, hiển bày vô lượng ngôn giáo thù thắng, đúng thời thị hiện, không pháp nào không thể nhập. Hoặc hiện làm thân phàm tục người già cô đơn, hoặc làm thân trẻ em.

Lại dùng quyền biến đi vào bốn đạo cùng bậc đã chứng Tu Đà Hoàn kết bạn, nói pháp thượng thừa khiến vị ấy không giải đãi. Lại dùng phương tiện đến chỗ các vị Tư Đà Hàm khuyến tấn khiến họ đoạn trừ năm thứ nạn tai, có thể đắc đạo mà không phải trải qua bảy lần sanh trở lại.

Hoặc ở Cõi Trời giảng pháp cam lộ cho các vị công hạnh thuần thục không trở lại thế gian. Hoặc ở cùng hội với các bậc chân nhân vô cấu, vì các vị ấy giảng sáu mươi tám pháp khổ của thân, khiến họ tự thấy hạnh tu đó là nhỏ hẹp chẳng phải đạo vô thượng, tự mất trí tuệ sáng, làm tổn hoại Kinh Pháp.

Hoặc thị hiện chứng đạo Bích Chi Phật, hiển bày mười tám pháp thần biến, lặng lẽ chỉ dạy khiến họ được giải thoát, trong tâm dùng quyền tuệ hợp với tâm người, tùy duyên cho thuốc khiến các vị ấy không có tâm tăng giảm.

Hoặc cùng với chúng tân học mới phát đạo tâm, tu tập định hanh tịnh, làm cho chúng sanh đều thấy sắc thân và có thể khiến ba ngàn đại thiên Cõi Phật ở trong lòng bàn tay, chúng sanh trong đó cùng nhau cúng dường, qua lại mà không có tâm tăng giảm.

Bấy giờ có vị Bồ Tát tên Cứu Sướng từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ thẳng, chắp tay ở trước Đức Phật thưa: Bạch Đức Thế Tôn, tam muội chánh định ấy có tên là gì mà có thể khiến ba ngàn đại thiên cõi nước, cảnh giới mười phương đều ở trong lòng bàn tay, chúng sanh ở trong đó khởi tâm cung kính cúng dường mà không có tâm tăng giảm?

Đức Phật bảo Bồ Tát Cứu Sướng: Tên của tam muội chánh định đó là thanh tịnh. Tất cả chúng sanh đều thấy sắc thân hiển hiện biến hóa không có gì không dung nạp, nhưng Quốc Độ cảnh giới vẫn như cũ không khác cũng không tăng giảm.

Giả sử ba ngàn đại thiên cõi nước và hằng hà sa vô lượng Cõi Phật đều ở trong lòng bàn tay, chúng sanh trong đó cùng nhau thờ phụng, bố thí, làm việc phước. Nằm, ngồi, kinh hành tùy theo ý muốn mà mỗi người đều không biết nhau, chỗ thân mình đang trụ có bị dời đổi hay không.

Cứu Sướng nên biết, đó đều là sức oai thần do công đức bố thí của Bồ Tát đồng chân tạo ra. Chúng sanh ở ngay chỗ hiện hóa cũng không thấy thân, ngay cả chúng sanh đang ở trong đó cũng khiến họ không có tâm tăng giảm.

Lúc đó các chúng ngồi trong pháp Hội: Trời, Rồng, Quỷ, Thần, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, nhân và phi nhân, mỗi chúng đều tự khởi ý nghĩ muốn Bồ Tát Tối Thắng thị hiện sức oai thần của tâm định ý thanh tịnh.

Đức Thế Tôn biết tâm chúng hội đều mong muốn như vậy, liền bảo Bồ Tát Tối Thắng: Này Tối Thắng, ông nay nên vì tất cả chúng sanh và các vị trong chúng hội hiển bày tam muội thanh tịnh định ý để các vị ấy có thêm tín tâm.

Bấy giờ Bồ Tát Tối Thắng tuân theo lời dạy, nương sức oai thần của Đức Phật, liền ở trên tòa nhập chánh định tam muội khiến mười phương vô số cõi nước, Trời, Rồng, nhân dân, các Quỷ Thần Vương cùng quyến thuộc của Chư Thiên, Bồ Tát hữu hình trong hội đều hiện trong lòng bàn tay.

Hiển bày các vị ở trong đó có vị thiền định, có vị kinh hãi, có vị khởi công đức làm Phật Sự. Các việc hiện ra đều đặc thù, vi diệu khó gì có thể sánh bằng, không gì có thể ví dụ so sánh. Hiện thần túc xong, tất cả các vị trong pháp hội ở mười phương tới đều trở về chỗ cũ như trước không khác. Bồ Tát Tối Thắng cũng vẫn ngồi trên tòa, y phục trang nghiêm tề chỉnh, không mất oai nghi.

Khi ấy Bồ Tát Cứu Sướng nói với Ngài Tối Thắng: Sức oai thần tam muội của Bồ Tát hiển bày có công đức siêu việt vô hạn lượng, hiển thị sức cảm ứng oai thần thật không có gì sánh bằng mới có thể dung nạp mười phương Thế Giới ở trong lòng bàn tay phải mà các Thế Giới không tăng, không giảm.

Chúng tôi phải nỗ lực gia công lập đức, tinh tấn tu tập pháp định ý thanh tịnh để đạt được hạnh đồng chân của Bồ Tát.

Bấy giờ Bồ Tát Tối Thắng bảo Ngài Cứu Sướng: Đúng vậy! Đúng như lời Ngài nói. Nếu có kẻ tân học phát tâm mong muốn tu tập pháp đồng chân thì phải nghĩ nhớ nỗ lực gia công thanh tựu đạo quả, giữ tâm không thoái chuyển. Bồ Tát tinh cần có hai mươi pháp cần phải thực hành, giữ gìn, ủng hộ không tăng giảm.

Hai mươi pháp không khuyết lậu đó là gì?

Khi Bồ Tát tu hạnh đồng chân phát thệ nguyện lớn, tâm không bị phiền não ngăn che suy tư muốn nhổ tận nạn nguy hiểm. Đó là sự tinh cần không thoái chuyển.

Lại nữa, Bồ Tát tập hợp đồ chúng dạy bảo Đạo Giáo, pháp vô hình tướng, luôn giảng về không vô, hư tịch. Đó là hạnh đồng chân không thoái chuyển.

Lại nữa, Bồ Tát quảng bố công đức khiến cho kẻ hạ liệt thoát khỏi trói buộc, trước trừ bỏ không nghĩ nhớ tham, sau mới dạy pháp Ba La Mật vô cực.

Lại nữa, Bồ Tát thấy chúng sanh đang có nạn khốn liền tự thân đến giáo hóa, an ủi người đó khiến vị ấy không còn đau khổ, luôn niệm tâm dưỡng dục không thay đổi.

Lại nữa, Bồ Tát tu khổ hạnh trải qua vô số nạn, cầu bậc minh sư tham vấn thọ học giới luật, cung kính tu tập chánh pháp, luôn nhớ nghĩ thọ trì sáu pháp căn bản vô.

Lại nữa, Bồ Tát cầu đạo vô thượng, tâm không buộc ràng với vinh hoa thế tục mà bị nhiễm ô. Tâm luôn tinh cần tu tập các tuệ thần thông, tu tập chỉ quán, trừ sự ràng buộc của tâm ái dục.

Lại nữa, Bồ Tát tùy thời thích hợp, quán xét rõ phương tiện quyền biến vô giác tri, trước dạy bảo cho kẻ có tâm si khiến họ thông đạt, sau mới dạy họ về pháp phương tiện.

Lại nữa, Bồ Tát phát tâm thệ nguyện có được tướng tốt trang nghiêm thân mình, tự thanh tịnh vùng đất mình ở bằng sắc hoàng kim. Các quyến thuộc thân gần cũng đồng một tướng.

Lại nữa, Bồ Tát phát thệ nguyện rộng lớn độ chúng sanh, không có tâm khiếp nhược, e dè hay bị chướng ngại. Tuy ở trong sanh tử mà không màng sướng khổ, lập chí kiên cố hàng phục ngoại đạo.

Lại nữa, Bồ Tát tạo lập vô số nghiệp công đức phước báo, luôn nhớ nghĩ chúng sanh, không tự nghĩ vì bản thân mà có tâm ràng buộc. Tư duy, dùng tuệ quán sát hiểu rõ Tứ Đế.

Lại nữa, Bồ Tát mặc áo giáp thệ nguyện đó từ vô số kiếp cầu đạo vô thượng, trọn không sanh ý nghĩ: Ta tu tập chân thật, người kia tu hạnh đó thì có tổn hao.

Lại nữa, Bồ Tát có tâm bao dung kẻ phàm phu, vì người đến quy y nói pháp vi diệu, chỉ bày đường thẳng tắt để họ biết hướng tu tập, noi theo pháp tiền nhân liền nhận được pháp cam lộ.

Lại nữa, Bồ Tát quán sát việc thế gian, với pháp vua chế định không sanh tâm phản đối, thiện thì tuân theo, ác thì lánh xa, không có tâm cống cao hủy báng phong tục.

Lại nữa, Bồ Tát phải nhập chúng học tập như chúng Phạm Chí, chúng Trưởng lão, quán sát lễ nghi những gì đáng thực hành thì phải biết cách thực hành, đáng ngồi thì biết cách ngồi, đáng nằm thì biết cách nằm, giữ oai nghi thích hợp không sai sót. Đó gọi là Bồ Tát đồng chân biết nhập chúng.

Lại nữa, Bồ Tát luôn phải tu học pháp nhẫn vô thượng, không có tuệ sanh diệt mà đầy đủ tất cả Phật Pháp, du hóa mười phương vô lượng Cõi Phật, mong đạt được tất cả các pháp tổng trì, các loại trí tuệ, quán sát trí tuệ không cùng tận, luôn nhớ nghĩ tu tập hạnh đồng chân.

Lại nữa, Bồ Tát giữ chánh bình loạn, không theo hệ phái tà quấy, có đủ các pháp thí, giới, nhẫn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ phương tiện, ba mươi bảy phẩm pháp, không, vô tướng, vô nguyện. Tâm không giải đãi cũng không nhàm chán, trọn không quên tâm đại thệ. Đó gọi là tâm đồng chân kiên cố.

Lại nữa, Bồ Tát tập hợp các công đức lành đã tạo tự buộc thân tu tập các tướng hảo để tự trang nghiêm, tiêu trừ kiêu mạn, vô minh, tà kiến. Bồ Tát đồng chân toàn thân thanh tịnh không nhiễm ô, không thấy cảnh giới có tịnh hay không tịnh.

Như vậy mới là viên mãn công đức tướng hảo, vô lượng phước nghiệp đều đầy đủ. Bồ Tát cũng không giải đãi, có tâm thoái chuyển.

Vì sao?

Vì vị Bồ Tát đồng chân phát thệ nguyện hoằng hóa không bỏ bổn nguyện, quảng bá tuệ nghiệp tinh tấn không mệt mỏi. Đó gọi là Bồ Tát tu hạnh đồng chân.

Lại nữa, Bồ Tát phân biệt pháp ảo hóa dối gạt, quán rõ chúng là hư tịch vĩnh viễn không sở hữu, cũng không có hình chất để có thể thấy được. Bồ Tát trưởng dưỡng tâm tinh tấn chuyên tu bổn nghiệp với mười sáu phần pháp mà không thủ xả.

Bồ Tát tu tập tâm bi, luôn tự suy tư: Mong rằng ta sanh đến bất cứ nơi nào đều luôn tự suy nghĩ xuất gia, không nương tựa nơi nhà thế tục. Khi đó người đời tự khởi tưởng thức, tâm ý nhiễm trước, khởi lửa dữ thiêu đốt gốc thiện, đọa vào năm đường, đều là do tham dục vô minh ràng buộc. Nếu có Bồ Tát phân biệt năm dục, biết chúng đều không chân thật, nỗ lực tư duy vĩnh viễn không cùng chúng trụ.

Giả sử Bồ Tát nghe ở rừng núi mênh mông nơi phương khác có người tu khổ hạnh, muốn đoạn trừ dục liền tìm phương tiện khuyến khích hướng dẫn chúng sanh đến nơi đó.

Gặp được người tu khổ hạnh đoạn dục, tâm ý thanh lương không có phiền não nóng bức, các chúng sanh đó đều phát đạo tâm, trừ bỏ năm dục dần dần theo đạo, dạo các Cõi Phật lễ bái, tôn thờ, cúng dường Chư Phật Thế Tôn.

Bồ Tát lại hướng dẫn họ thể nhập nghĩa lý sâu xa của pháp thâm diệu. Sau đó họ mới có đầy đủ công đức bố thí, giới, nhẫn, ân và chí ý tinh tấn kiên định, nhất tâm nhập định, niệm không rong ruổi, quyết tu trí nghiệp vô hạn lượng.

Thưa Ngài Cứu Sướng, đó gọi là đạo tu hành của Bồ Tát đồng chân, rộng làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Nếu có Bồ Tát mới phát tâm tu học phúng tụng giảng luận hai mươi hạnh nghiệp này, sau đó mới có thể phát tâm tu tập đạo tích đồng chân.

Khi Bồ Tát Tối Thắng giảng nói pháp này, một vạn bảy ngàn người đều phát tâm rộng lớn mong muốn tu hai mươi hạnh nghiệp đồng chân, mười ngàn Trời người đều được pháp nhẫn vô sở tùng sanh, lại có vô số loài chúng sanh tăng thêm công đức, tâm không thoái chuyển.

Bấy giờ Thế Tôn bảo Ngài Tối Thắng: Lành thay! Bậc Khai sĩ, ông đã làm cho nhiều chúng sanh được lợi ích, nhiều chúng sanh được độ thoát. Nếu có Bồ Tát phát tâm hoằng thệ đó thì phải tập hợp các công đức đã tạo, không giải đãi, nỗ lực thực hành khuyến trợ người khác tu pháp thí, muốn dùng đó khai hóa các loài chúng sanh, cùng nhau vượt đến bờ giải thoát Nê Hoàn giới, vĩnh viễn không còn qua lại.

Này Tối Thắng, đó gọi là pháp tu đồng chân, công đức không thể lường. Nếu có Bồ Tát phát tâm muốn học thì thường phải tu tập hai mươi pháp hạnh, mới có thể dần dần thể nhập kho pháp bảo thâm diệu. Này Tối Thắng, phải tu học như vậy. Người học như thế thì ứng hợp với đạo của bậc đệ bát Bồ Tát.

***