Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM BA

PHẨM QUÁN KHÔNG
 

Bấy giờ, Bồ Tát Tối Thắng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát ở địa thứ ba làm thế nào để hạnh của mình được thanh tịnh?

Đức Thế Tôn dạy: Này Tối Thắng! Bồ Tát Tấn học không nên nhớ nghĩ tạp loạn, học rộng hiểu nhiều nhưng không cho là đủ, không đi sâu vào nguồn gốc chữ nghĩa, văn tự khi nói pháp. Khiêm tốn đối với mọi người.

Làm trang nghiêm cõi nước, nhưng không chấp cõi nước, làm các việc lành, không có cống cao. Bồ Tát mới phát tâm tu hành, chớ để cho gián đoạn, nguyện thành tựu công đức, ý chí vững sáng, quán các chúng sinh, nói pháp hỷ lạc.

Bồ Tát mới phát tâm nên lấy đạo làm gốc, nhờ vậy mà đạt được đạo quả tĩnh lặng. Bồ Tát nhớ nghĩ bố thí rộng khắp tất cả, kiến lập chí nguyện trì giới đầy đủ, chuyên tâm tinh tấn, tu hành không biếng nhác, thường luôn an vui, lấy đạo làm sự nghiệp, làm người dẫn đường cho kẻ lạc lối.

Nhờ hiểu pháp của bậc đại trí nên từ khi mới phát tâm, Bồ Tát không trụ vào nơi nào, dùng từ bi rộng lớn không ai có thể biết được, nhổ gốc tham dục, lập hạnh đại thừa, hành pháp từ bi, thương người chưa được cứu độ, vui mừng thấy người được độ, bình đẳng đối với tất cả chúng sinh, không giao động trước cảnh khổ vui, giúp đỡ tất cả chúng sinh đi vào cửa đạo.

DDược các Đức Như Lai hộ trì, ghi nhớ thuận theo lời dạy của mười phương Chư Phật, cứu độ tất cả chúng sinh khổ nạn ở trong năm đường, phát triển đạo pháp, làm cho Tam Bảo trường tồn, không còn sai lầm, liền thành đạo quả, thuận theo giới luật, làm khuôn mẫu cho đời, giảng dạy sự quý báu không cùng tận của trí tuệ.

Giống như hư không không có cùng tận, nhất thiết trí của Bồ Tát cũng không có cùng tận, tâm thức Như Lai cũng như vậy.

Không có hai: Sinh diệt, thường đoạn tam muội định ý, trí tuệ giải thoát ấy vượt qua cái biết của thân kiến, có không, gần xa, cũng không thể thấy được.

Tối Thắng nên biết! Pháp chính yếu sâu xa của tất cả Chư Phật không có cùng tận, cũng không có đầu mối.

Cả ba đời: Quá khứ, vị lai, hiện tại có hợp ắt có tan, không thấy có một cái gì có tập họp, có thành tựu mà không tan rã. Sự thay đổi đó chẳng phải một, do bốn đại tạo thành. Đất, nước, gió, lửa chúng ta không thể xúc chạm, không thể thấy được.

Bồ Tát dùng trí tuệ để hiểu biết tâm hành của chúng sinh, giữ vững bản nguyện không thể nghĩ bàn. Tất cả các pháp không từ đâu sinh, cũng không đi về đâu, tìm không thể biết được. Do pháp không có chỗ sinh, cũng không có sinh.

Sinh đã không sinh thì cái gì gọi là sinh?

Do vậy, này Tối Thắng! Bồ Tát phát tâm không có cùng tận, chẳng thể thiết lập tâm ý, hình tướng nơi các pháp, cũng không dua nịnh mong cầu các pháp. Tâm ấy ngay thẳng, vượt hơn mọi người. Bồ Tát tu pháp an tâm, pháp tự quán thân mình và người đều rỗng không, không sinh tưởng khác.

Quán thân không ô nhiễm nhưng không thể thủ đắc, cũng không có người chứng đắc, hiểu rõ tất cả chỉ là một. Đi, đứng, tới, lui, Bồ Tát quán sát các loại thân của chúng sinh trong tam giới đều do vô minh, ái dục mà bị khổ não, hiểu rõ pháp không hai, không thể thấy. Biết thọ, tưởng, hành trong và ngoài đều như hư không, không có sinh diệt.

Lại nữa, Tối Thắng! Bồ Tát Tấn học quán hơi thở ra vào dài ngắn, nhanh chậm, biết rõ hơi thở đi qua mỗi lỗ chân lông trên thân. Hơi thở ra là ấm, hơi thở vào là mát, thấu rõ sự vận hành lặng lẽ của hơi thở không có hình tướng.

Bồ Tát quán thân, biết rõ thức cũng không có xứ sở, tâm ấy thanh tịnh, bình đẳng, ngay thẳng, nhu hòa, không có thô loạn. Bồ Tát tin tâm ấy một cách chân chánh, chưa từng thay đổi, ý chí kiên cường không yếu đuối, không ai có thể oán ghét làm hại.

Vì sao?

Vì phạm hạnh đã viên mãn, không ai có thể bì kịp, không ai có thể hủy báng.

Một người vô tội, tâm cấu đã tiêu trừ thì dựa vào đâu mà vu khống họ?

Bồ Tát nguyện làm cho bánh xe chánh pháp thường luân chuyển ở đời để mọi người sớm được trí tuệ vi diệu, làm ánh sáng chiếu khắp những nơi tối tăm, như mặt trời không bị mây che, trồng gốc thiện đạo, tự quán vô ngã không có chỗ sinh, quán pháp trong ngoài cũng đều như vậy.

Cũng lại không thấy có chỗ sống chết, chỗ sinh diệt, cho đến không nghe thấy La Hán, Duyên Giác và Phật. Nếu tưởng có thấy thì chẳng phải là thấy, không có tưởng về thấy, cũng không dừng ở tưởng thanh tịnh đó, vì tưởng đó chưa rốt ráo. Đó là thấy không, không có cái để thấy.

Lại nữa Tối Thắng! Tâm không ở trong, cũng không ở ngoài, không trụ nơi đạo, cũng không trụ nơi thế tục, không trụ có, cũng không trụ không, không bị sinh diệt, cũng không dao động, không ngằn mé, rộng sâu không đáy, cũng không có âm vang, gốc ngọn đều chấm dứt.

Do vậy Tối Thắng! Bồ Tát nên quán thế này: Quán sự không quán, thấy cái không thấy. Bồ Tát tu hành là không, là diệt, là không có sở hữu. Bồ Tát trụ địa thứ ba nên dùng các pháp định khiến ý chuyên nhất, thanh tịnh, vắng lặng. Người tu như vậy là ứng hợp với Niết Bàn, ứng hợp với vô sinh.

Pháp này là pháp không, không cũng không có, tạm dùng văn tự gọi là pháp tánh. Bồ Tát hiểu rõ pháp tánh không duyên với đến đi, tu pháp ý đoạn nhưng vì thương thế gian mà thị hiện có tên gọi. Pháp ác chưa sinh, Bồ Tát nên tinh tấn chế ngự, chớ để sinh khởi. Pháp ác đã sinh thì nên chế ngự ý, khiến cho đoạn diệt. Pháp thiện chưa sinh, Bồ Tát nên tinh tấn làm cho sinh.

Pháp thiện đã sinh thì nên làm cho tăng trưởng, chớ để giảm mất. Bồ Tát trụ địa thứ ba thực hành định thần túc, đắc định hỷ lạc, dứt các tâm hành, thâu thần túc lại để giữ thân tâm. Nhờ định tinh cần nên trừ được các điều ác, lại thâu thần túc để giữ thân tâm, dùng định của ý trừ các tâm hành, thâu thần túc để giữ thân tâm, dùng định của trí tuệ trừ các tâm hành.

Bồ Tát thâu thần túc, gom giữ thân tâm khiến được nhập vào các căn: Tín, tấn, niệm, định, tuệ. Đi vào giải thoát. Pháp Phật không có cùng tận, không ta, không người, cũng không nhân duyên, không có trói buộc.

Người tham thì chấp thường, kẻ sinh tử khổ thì chấp đoạn. Tất cả đều hư rỗng, vậy mà chúng sinh lại mến chuộng thân tướng, chấp vào họ tên, tạo tác trong nhiều đời, đau khổ theo sau như bóng theo hình không rời nửa bước, như xe quen đi theo lối cũ, không biết manh mối Đầu Đuôi.

Bồ Tát thực hành Thiền định nhưng không lệ thuộc vào định, chánh quán không chấp trước, diệt tận tưởng tham nên được thanh tịnh giải thoát. Hiểu rõ các hành nên ý không còn phiền não, không còn luân hồi sinh, già, bệnh, chết. Tuệ nhãn rực sáng chiếu khắp thế gian, nhổ sạch mười hai nhân duyên, đầy đủ trí tuệ.

Lại nữa, Tối Thắng! Bồ Tát Đại Sĩ nên tu hành năng lực thần đức. Vì thần lực này, uy lực của ngoại đạo, Thiên Ma không thể hủy hoại, không ai có thể ngăn cản. Lực tín, tấn, niệm, định, tuệ ấy là pháp mà Bồ Tát thường phải tu tập.

Thứ đến, Bồ Tát tiến dần theo Pháp Hoa thất giác ý, thực hành mười lăm tâm bằng pháp này, đoạn tâm keo kiệt, hành Bồ Tát đạo, thành tựu trí tuệ vi diệu sâu xa không thoái chuyển. Pháp Hoa giác ý này là vô vi, không tạo tác, trừ bỏ xấu ác, hạnh bất thiện.

Tinh tấn giác hoa hợp với người biếng nhác, nếu người phóng dật thì dùng pháp này chế ngự, chớ để buông lung. Hoan hỷ giác hoa là pháp ứng hợp với chi thiền thứ ba, thâu nhiếp các loạn tưởng, được vắng lặng vô vi.

Ỷ giác ý hoa làm cho không còn tham nhiễm, thấy rõ các pháp, không còn bị lệ thuộc. Tín giác hoa làm cho ý chí thêm kiên cố, diễn nói pháp vi diệu không còn hoài nghi. Bồ Tát cũng nên tư duy về vô trước giác hoa, đoạn trừ một trăm lẻ tám tâm tham nhiễm.

Bồ Tát lại phải tu tập tám đạo của Hiền Thánh: Đẳng niệm chánh kiến, đẳng định chánh tư duy, đẳng ngữ chánh ngữ, đẳng hành chánh nghiệp, đẳng nghiệp chánh mạng, đẳng tập chánh tinh tấn, đẳng ý chánh niệm, đẳng định chánh định thì vượt qua được tám nạn, thoát khỏi sáu trần, biết rõ ba pháp tam muội. Người đầy đủ các hạnh này được gọi là Bồ Tát trụ địa thứ ba thanh tịnh.

Này Tối Thắng! Bồ Tát Đại Sĩ tu tập tuệ môn, biết rõ pháp không không, không có hình tướng, không thể thấy được. Nói pháp cho người, Bồ Tát hết tâm giảng dạy đúng với chánh pháp, không nói sai khác. Nếu có giúp đỡ cho người thì không được mong đền đáp, cũng không cầu tiếng khen của người.

Từ việc bố thì cho đến việc cúng dường, làm bất cứ việc gì, Bồ Tát cũng không vì mình mà làm, nên trước cầu cho chúng sinh an ổn, sau đó mới lo cho mình. Sở dĩ Bồ Tát đạt được sự an ổn là nhờ công đức bố thí. Bố thí dù có khổ nhọc cũng không thấy mệt mỏi, chán đủ. Thương xót tất cả chúng sinh.

Với tâm từ lớn, Bồ Tát nhổ sạch sự già, chết. Dạy pháp tinh tấn cho người biếng nhác. Sở dĩ người dũng mãnh là nhờ tinh tấn. Vì muốn độ thoát các loài chúng sinh, Bồ Tát thường nên tự nghĩ: Nhờ chúng sinh mà ta đạt được đạo quả, đầy đủ các nghiệp công đức. Bồ Tát làm hết khả năng nhưng không mong cầu phước báo.

Vì sao?

Vì nhờ tâm thanh tịnh và thấm nhuần giáo pháp cho nên không mong cầu. Còn người thế gian do mong cầu mà mất đi sự lợi ích. Bồ Tát dùng lực trí tuệ này để giữ gìn tất cả pháp, làm cho tất cả chúng sinh ở chỗ mình đều được an ổn, không còn oán hận. Bồ Tát tạo dựng sự nghiệp được an lạc, vững chắc nên thâu phục được tất cả mọi người mà không ai có thể chống đối.

Này Tối Thắng! Bồ Tát phát thệ nguyện rộng khắp khó lường, trí tuệ vô biên không có cùng tận, giống như vàng của Trời không còn cấu bẩn.

Vì sao?

Vì không còn nhiễm ô, trần cái tiêu trừ, tham dục dứt hẳn, các tâm xấu ác không thể khuấy động, ý chí kiên cường, không thua điều ác, chế ngự niệm tà, không để nóng giận, ngu si, tham đắm sinh khởi, trừ sạch năm dục, cống cao tự đại và không làm những pháp bất thiện khác.

Bồ Tát trụ địa thứ ba thường phải giữ gìn tâm này, hiểu rõ pháp bên trong không có hình tướng, không thể thấy được, giả sử tâm ấy có tướng thì pháp tánh bị hủy mất, vứt bỏ gánh nặng và các cấu uế. Cho nên Bồ Tát gìn giữ tâm này, chớ có biếng nhác, xét tìm tâm thức không có xứ sở, không thể thấy được, không có tưởng. Người tâm tán loạn nên thâu nhiếp ý, khiến cho được định.

Người không có trí tuệ thì nên tu dưỡng cho đến khi thành tựu. Đối với tất cả chúng sinh thọ thân hình có công đức, hoặc không có công đức, Bồ Tát đều phải độ thoát, khiến cho họ đạt đến đại thừa, suy nghĩ về đại thừa cũng không có dấu vết.

Bồ Tát dạy cho tất cả chúng sinh đi vào pháp hành, ý chí kiên cường sẽ thành tựu đạo quả ở địa thứ thứ ba thanh tịnh. Tại những nơi hiểm nạn, Bồ Tát đều tạo lập công đức vĩ đại, tuy được phước báo nhưng không thể nắm bắt. Tâm cũng như vậy, Bồ Tát không thể thấy được.

Vì sao?

Vì bằng trí tuệ, Bồ Tát quán biết không có quá khứ, vị lai, hiện tại.

Này Tối Thắng! Bồ Tát nên tu học tâm đại từ. Nếu có chúng sinh khổ nạn, hết tâm cầu xin cứu giúp để bảo toàn thân mạng thì Bồ Tát thà mất mạng, chịu nhiều khổ não mà cứu thoát họ, chứ không làm trái với thệ nguyện. Người hành từ ấy phải bình đẳng như cái cân, nếu được lợi ích cũng không lấy đó làm vui, bị hủy báng cũng không ưu buồn.

Đó là Bồ Tát tùy thời hành từ. Hành từ ấy là dùng ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh, không làm việc ác, không nghĩ điều tà. Tuy một mình giữa chốn trần lao ngu si, Bồ Tát không sợ, cũng không tự đại, nhớ pháp đã học, không bỏ trí lớn và các tuệ thần thông, thông suốt pháp Chư Phật. Tùy chỗ mong cầu của người mà Bồ Tát đáp ứng, không làm trái nghịch tâm họ.

Đức Thế Tôn lại bảo Tối Thắng: Này Tối Thắng! Thuở xa xưa, ở địa thứ ba thanh tịnh, ta tu học công đức cùng vô số bè bạn không thể tính đếm. Trong số đó, nhiều người đã thoái chuyển, không thể nói hết.

Từ địa thứ nhất đến địa thứ ba, ta phát nguyện rộng lớn không thoái chuyển.

Trong thời gian ấy, ta tạo công đức cũng không thể tính lường, lại còn bố thí các vật trân bảo quý báu hiếm có: Đất nước, vợ con, tài sản… không thể kể hết. Ta chỉ nhớ nghĩ, nguyện bố thí cho những ai đến xin.

Ta đã bố thí chín ngàn chín trăm chín mươi chín cái đầu. Sau cùng, ta gặp hổ đói suy nhược gần chết, không đủ sức để vồ lấy con mồi, nên muốn ăn con mình để bảo tồn mạng sống. Nó duỗi thân, giơ móng vuốt đến trước muốn vồ lấy con.

Khi đó, ta nói với hai người bạn là Từ Thị và Nhu Thuận: Nay đúng là lúc, ai có thể lập tâm dũng mãnh siêu việt, đem thân thí cho thú đói kia?

Hai vị ấy nhìn nhau, miệng tuy không nói nhưng ta biết tâm họ muốn thoái chuyển, có ý muốn rút lui. Nên từ trên đỉnh núi, ta liền nhảy xuống hang sâu. Lúc đó, Trời Thủ Đà Hội liền hạ xuống đỡ ta, hóa ra cam lồ giống như thân ta, cho con hổ đói ấy được ăn no đủ. Mẹ con hổ đều được cứu sống, mà ta không bị tổn hại. Nếu tính thêm thân đó thì ta thí đủ cả vạn cái đầu.

Cho nên, này Tối Thắng! Bồ Tát Tấn học ở địa thứ ba tu tập cũng có vị thoái lui, tâm không kiên cố. Giả sử thân ta có vào miệng hổ, hổ cũng không thể ăn, cũng không dám đến gần.

Vì sao?

Vì công đức của ta đã tạo có thần lực nên được tự tại đối với tất cả pháp. Ta tu tập sám hối, chưa từng che dấu tội lỗi, dùng vô lượng sự bố thí để trợ giúp công đức. Bồ Tát tu học, giải bày nghĩa đạo, chuyên cần thực tập pháp của bậc Đại Sĩ, ý chí kiên cố, không bỏ thệ nguyện, dùng giáp vô cực bao phủ thân mình.

Phật bảo Tối Thắng: Này Tối Thắng! Hàng Bồ Tát Tấn học trụ ở địa thứ ba thường phải chuyên tâm không cho thay đổi, không để trần cảnh làm dao động tâm, thường lìa xa các trần lao phiền não, tự thân biết đủ, không có mong cầu.

Tâm không dong ruổi vướng mắc vào tưởng, không cầu địa vị cao sang quyền quý, làm cho tất cả chúng sinh tu tập như pháp, giảng giải trí bậc thượng khiến cho người đồng được như mình. Ta và người là một, không có sai khác. Tùy theo nhân duyên mà Bồ Tát thị hiện độ họ.

Bồ Tát không nên dùng sinh, chẳng phải không có sinh, vô sinh, bất sinh để làm địa của mình thanh tịnh. Bồ Tát lấy sự không mê hoặc, không bao giờ dùng pháp mê hoặc, không biết pháp vượt khỏi trần lao gọi là mê hoặc. Người mê hoặc nên không thấy mình mê hoặc. Bồ Tát không mê, không hoặc, hiểu biết sâu xa về huyễn hoặc, thích ứng với chân không.

Này Tối Thắng! Bồ Tát hiểu rõ các hành là không, không thật có nên được vào pháp. Ở nơi thống khổ, Bồ Tát làm cho tất cả chúng sinh đều được an lạc, đầy đủ.

Này Tối Thắng! Đó gọi là Bồ Tát Tấn học ở địa thứ ba được hạnh thanh tịnh.

***