Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM BA MƯƠI

PHẨM HỎI VỀ NIẾT BÀN
 

Bấy giờ, Bồ Tát Tối Thắng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng sinh nào muốn vượt qua ngoài các pháp thì không có đạo để thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, huống chi đối với Niết Bàn làm sao thành đạo?

Phật bảo: Đây không phải như vậy. Niết Bàn không có tánh, cũng không có tên gọi.

Vì sao ở trong không mà cầu không?

Niết Bàn không có một, huống chi cầu vô số các pháp.

Bạch Thế Tôn! Bảy trăm Tỳ Kheo này ở chỗ Như Lai cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, tay bưng bình bát, tu phạm hạnh thanh tịnh, nay lại thoái lui về địa vị phàm phu, mà cầu đến cảnh giới của Niết Bàn thì giống như dầu mè, đề hồ, sữa đặc, váng sữa.

Dầu thì lan khắp, ván sữa thì đọng lại. Sinh tử, Niết Bàn cũng như vậy. Đạt đến cảnh giới Niết Bàn thì không có các pháp tướng, con đường lớn Niết Bàn cũng không có bờ đáy, hàng phàm phu mê chấp lâu nay cho Niết Bàn có sinh diệt, thường đoạn, người tu tập chánh kiến không thấy các pháp có sinh có diệt, có lãnh thọ, có xả bỏ.

Bấy giờ, Bồ Tát Tối Thắng đến trước Phật thưa: Bạch Thế Tôn! Bảy trăm Tỳ Kheo này vừa nghe Phật thuyết chánh pháp liền bỏ đi.

Vậy phải trải qua bao lâu nữa mới được giải thoát, mãi lìa khỏi sinh tử, không còn tà kiến?

Phật bảo Tối Thắng: Ông muốn biết việc ấy, lắng nghe và ghi nhớ kỹ. Ta sẽ dứt trừ sự nghi ngờ cho ông.

Tối Thắng liền thưa: Vâng, bạch Thế Tôn.

Phật bảo: Hơn hằng hà sa kiếp nữa mới có một Đức Phật ra đời. Như vậy, trải qua bảy mươi hai ức hằng hà sa kiếp số các người ấy vẫn chưa giải thoát được.

Vì sao?

Vì trải qua ức ngàn vạn kiếp Phật mới ra đời, gặp được Phật rất khó, nghe được Kinh lại càng khó hơn. Ngày nay, Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác ở trong đại chúng giảng nói đạo pháp, nói pháp Niết Bàn không có sinh diệt.

Đối với chánh pháp sinh tâm tà kiến thì sinh đến chỗ nào thường ở trong tà kiến, không ở trong chánh đạo. Ví như người đàn ông có sức lực mạnh mẽ, mọi thứ kỹ thuật đều thông suốt, đầy đủ sáu kỹ năng về thiên văn, địa lý, sao hạn, tai họa, quái lạ nghe đều thông suốt, nhưng người lực sĩ này thường sợ hư không, tự suy nghĩ, chạy khắp bốn phương để trốn khỏi hư không, nhưng ở khắp nơi đều thấy hư không.

Các Tỳ Kheo này cũng đều như vậy. Giả sử trải qua trăm ngàn vạn kiếp, muốn ở trong chỗ không mà lập tên Niết Bàn, việc này không đúng. Chỗ đạt đến không hiểu tánh không, mong cầu nơi đạo, không bao giờ được kết quả.

Như có người muốn cầu nơi không, ở khắp mọi nơi không thường có mặt, cũng không giảng nói pháp không này, pháp không kia, có bao nhiêu tướng, không thấy từ nơi qua lại của không mà có sự thành tựu. Đó mới là hiểu rõ về pháp Niết Bàn.

Các Tỳ Kheo ấy đời trước tu tập theo tà kiến, cho đến ngày nay cũng chưa được giác ngộ, mà muốn cầu đạo lớn vô vi Niết Bàn, tên gọi dòng họ vẫn còn không biết được thì đâu có thể phân biệt được đạo Niết Bàn chăng?

Suốt ngày họ cố gắng để cầu diệt độ, mệt nhọc uổng công mà chẳng được gì cả.

Vì sao?

Vì Niết Bàn là giả danh, như huyễn, như hóa, không, không thực có, giả gọi là không, tên gọi là không thực. Những điều người ngu nói với nhau không phải được pháp luật của Hiền Thánh khen ngợi.

Lúc ấy, lại có hơn bảy trăm Tỳ Kheo lập hạnh nguyện, ngay tại chỗ ngồi dứt các cấu uế, được pháp nhãn thanh tịnh, tam minh lục thông không hề chướng ngại, hiểu rõ Phật không sinh cũng không diệt, không dùng các pháp quá khứ mà cầu Niết Bàn.

Vô số hằng sa Chư Phật quá khứ đã dạy: Trí tuệ biện tài không có hạn lượng, từ hàng phàm phu cho đến bậc vô học, thuyết giảng giáo pháp không có sai trái, không thấy chúng sinh trôi dạt trong sinh tử, không thấy Niết Bàn có sinh diệt.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp đều không, giống như hư không, không thấy cảnh giới Chư Phật hiện bày.

Bấy giờ, ngay tại chỗ ngồi có sáu trăm Ưu Bà Tắc, ba trăm Ưu Bà Di đều đạt đến bậc tận tín, vô số Trời người đều phát tâm bồ đề chân chánh vô thượng.

Bấy giờ, Trưởng Lão Xá Lợi Phất bảo năm trăm Tỳ Kheo: Các vị đều được thần thông trí tuệ theo bản nguyện của mình chưa?

Các Tỳ Kheo thưa: Bạch Tôn Giả Xá Lợi Phất! Sở nguyện từ xưa, nay đã đạt được, việc làm đã hoàn tất, không còn thọ thân sau nữa.

Xá Lợi Phất bảo: Những câu hỏi đó rất hay, đã hiểu ý nghĩa và đạt đến chưa?

Các Tỳ Kheo đáp: Không còn đắm nhiễm vào hết thảy các kết sử ràng buộc, không thích sinh tử, không chấp Niết Bàn, Niết Bàn vô vi ứng hợp với tánh không, dứt hết các kết sử trói buộc, cũng không thấy dứt hết. Đó gọi là Niết Bàn.

Bấy giờ, Tôn Giả Xá Lợi Phất khen các Tỳ Kheo: Lành thay! Lành thay! Này thiện nam! Hiểu rõ được tánh không nghĩa sâu xa vi diệu, nay có bao nhiêu Bậc Hiền trụ trong bậc phước đức?

Các Tỳ Kheo thưa: Tôn Giả Xá Lợi Phất là phước điền được Như Lai khen ngợi, làm các Phật sự chưa từng vô ích, chúng con chưa đạt một phần mười sáu công đức ấy.

Xá Lợi Phất bảo: Năm trăm Tỳ Kheo các ông đều là những người đã được giải thoát, là phước điền.

Các Tỳ Kheo thưa: Thánh tuệ của Như Lai tự thanh tịnh, đối với các pháp giới không còn nhiễm chấp.

Bấy giờ, Bồ Tát Tối Thắng ở trước Phật thưa: Bạch Thế Tôn! Ở đời có bao nhiêu Bậc Hiền báo ân được cho tín thí?

Phật bảo Tối Thắng: Không chấp trước pháp thế gian, có thể báo ân của tín thí.

Lại hỏi: Có bao nhiêu Bậc Hiền đối với pháp thanh tịnh?

Đáp: Không giữ lấy các pháp gọi là thanh tịnh.

Hỏi: Làm ruộng phước để bố ví như thế nào?

Đáp: Không quên đạo pháp của Phật, gọi là ruộng phước.

Hỏi: Có bao nhiêu Bậc Hiền làm thiện tri thức chỉ dạy trao truyền pháp thiện ác cho chúng sinh?

Đáp: Không bỏ tất cả chúng sinh, đó gọi là thiện tri thức.

Hỏi: Ở đời có bao nhiêu Bậc Hiền có thể báo ân Phật?

Đáp: Chứng được bốn vô sở úy, không gián đoạn hạt giống Phật.

Hỏi: Ở đời có bao nhiêu Bậc Hiền có thể cúng dường Đức Như Lai?

Đáp: Ở trong ức vạn kiếp tu hành không mê hoặc, đó là cúng dường Đức Như Lai.

Hỏi: Ở đời có bao nhiêu Bậc Hiền có thể giữ gìn tạng pháp của Phật?

Đáp: Suốt đời không hủy bỏ giới của Phật.

Hỏi: Có bao nhiêu Bậc Hiền có thể làm phát sinh cung kính?

Đáp: Giữ gìn sáu căn, đóng chặt sáu tình.

Hỏi: Những gì gọi là đại trân bảo của thế gian?

Đáp: Người được thành tựu bảy báu.

Hỏi: Hiểu rõ hạnh tri túc như thế nào?

Đáp: Tu tập ý nghĩa tuệ vô thượng bậc nhất.

Hỏi:Thế nào là ít ham muốn đối với thế gian?

Đáp: Đối với thế gian không còn mong cầu.

Hỏi: Không đắm trước thế gian như thế nào?

Đáp: Đoạn trừ các kết sử trói buộc, không còn năm triền cái.

Hỏi: Ở đời ai được an lạc, không còn bị các khổ?

Đáp: Không còn lệ thuộc gọi là vui.

Hỏi: Không còn lệ thuộc như thế nào?

Đáp: Hiểu rõ nguồn gốc của năm ấm, mười tám giới là vắng lặng, vô vi.

Hỏi: Cái gì khó nhất trên đời này?

Đáp: Bên ngoài bỏ sáu trần, bên trong bỏ sáu căn.

Hỏi: Ai vượt qua bờ bên này, đến bờ bên kia?

Đáp: Người lập được căn và lực mới được giải thoát.

Hỏi: Thế nào là tâm Bồ Tát bố thí mà không gián đoạn?

Đáp: Dứt trừ ba tưởng, không khởi phiền não.

Hỏi: Bồ Tát trì giới được hoàn hảo như thế nào?

Đáp: Tâm bồ đề kiên cố, không bỏ thệ nguyện rộng lớn.

Hỏi: Bồ Tát thực hành nhẫn nhục, gặp chuyện bất lợi không sợ hãi như thế nào?

Đáp: Hiểu rõ tâm vắng lặng, không khởi sân giận.

Hỏi: Bồ Tát tu hạnh tinh tấn như thế nào?

Đáp: Sự nhớ nghĩ của tâm không có đầu mối.

Hỏi: Bồ Tát Thiền định tâm không thoái lui như thế nào?

Đáp: Tâm ý vắng lặng, không tiếp thâu các trần bên ngoài.

Hỏi: Bồ Tát bằng tuệ nghiệp diễn nói thông suốt các pháp như thế nào?

Đáp: Phân biệt ý nghĩa, không bỏ tâm bồ đề.

Hỏi: Bồ Tát tu tâm từ, không bỏ nguồn gốc của đạo như thế nào?

Đáp: Không bỏ chúng sinh vì còn thấy có người để độ.

Hỏi: Bồ Tát tu tập tâm bi như thế nào?

Đáp: Tư duy các pháp mà không thoái chuyển.

Hỏi: Bồ Tát tu tâm hỷ không gián đoạn, đạt đến diệt độ như thế nào?

Đáp: Không sinh khởi tưởng về ngã, chấp có ngã và ngã sở.

Hỏi: Bồ Tát có tâm xả không gián đoạn như thế nào?

Đáp: Giữ gìn nguồn gốc của đạo cho đến lúc thành Phật, trong thời gian đó không sinh các tưởng khác.

Hỏi: Bồ Tát đứng vững trong tín căn như thế nào?

Đáp: Vượt trên ngoại đạo, không theo tà pháp.

Hỏi: Bồ Tát biết rõ pháp không, chẳng còn do dự như thế nào?

Đáp: Hiểu đạo và phi đạo, đạo không có nguồn gốc. Đó là việc làm thích ứng của Đại Bồ Tát.

***