Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM BA MƯƠI MỐT

PHẨM BỐN PHẠM ĐƯỜNG
 

Bấy giờ, Bồ Tát Nhu Thủ tự nghĩ: Làm thế nào đại bồ Tát đối với thân, khẩu, ý tu phạm hạnh thanh tịnh, qua lại khắp bốn dòng cứu độ chúng sinh, từ một Cõi Phật này đến một Cõi Phật khác, chưa bao giờ bỏ rơi các chúng sinh?

Bồ Tát tiến đến thành Phật như thế nào mà không mất thiền định tu hành của Bồ Tát?

Biết tâm niệm của Bồ Tát, Phật nói: Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời ông nói. Hạnh nguyện của Bồ Tát không đồng nhau. Ta sẽ giảng nói nghĩa đó cho ông, hãy lắng nghe, lắng nghe và ghi nhớ kỹ.

Vâng, bạch Thế Tôn!

Phật bảo Nhu Thủ: Thân hành thanh tịnh, không làm việc ác. Miệng nói lời thành thật, không mất pháp tánh. Tâm nhớ nghĩ định ý, không sợ hãi, lay động.

Đó là Bồ Tát thông hiểu nguồn gốc của tuệ. Từ mẫn đối với chúng sinh, không đắm trước ái dục, thường tu quán về pháp bất tịnh, giữ vững tâm mình không rơi vào mê mờ ngu si. Đó là Bồ Tát thông hiểu nguồn gốc của tuệ. Ở trong chúng như ở một mình, cũng không mất oai nghi. Đi đứng qua lại, oai nghi tề chỉnh, chưa từng vi phạm cấm giới của Như Lai.

Đó là Bồ Tát thông hiểu về nguồn gốc của tuệ. Đối với các pháp của Phật đều giải thoát, vô dục vô vi, không thể nghĩ bàn, Thánh Chúng tu tập hoàn toàn không có ba thừa. Đó là Bồ Tát thông hiểu về nguồn gốc của tuệ. Đối với tham dục hiểu rõ không có hình tướng. Đối với sân giận giải thoát, si mê giải thoát cũng như vậy. Tu chín định thứ đệ.

Đó là Bồ Tát thông hiểu về nguồn gốc của tuệ. Không đắm trước Cõi Dục, cầu địa vị chuyển luân, không ở nơi Cõi Sắc mà mong cầu phước đức, lại không suy nghĩ đến Cõi Vô Sắc. Đó là Bồ Tát thông hiểu về nguồn gốc của tuệ.

Đối với không, vô tướng, vô nguyện đều thực hành dứt hết các lậu, hiểu rõ các pháp như huyễn như hóa. Đó là Bồ Tát thông hiểu về nguồn gốc của tuệ. Hoặc có chúng sinh tâm hoàn toàn không tán loạn, từ chỗ này đến chỗ kia đối với sự thương ghét tâm bình đẳng.

Đó là Bồ Tát thông hiểu về nguồn gốc của tuệ. Không trái với nguồn gốc của các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại cũng như vậy. Đối với nhiễm và không nhiễm đều không bị nhiễm. Đó là Bồ Tát thông hiểu về nguồn gốc của tuệ.

***