Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM HAI

PHẨM Ở LẠI ĐỂ HÓA ĐỘ
 

Bấy giờ, Bồ Tát Tối Thắng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát ở địa thứ hai làm thế nào để được đầy đủ các hạnh, kết quả không trái với ý nguyện?

Phật bảo Tối Thắng: Bồ Tát ở địa thứ hai thường phải tư duy về giới của mình thanh tịnh, biết ân nặng, siêng tu nhẫn nhục, cung kính, nhún nhường, tâm thường vui vẻ, tươi cười giảng nói, hành từ bi lớn, hiếu thuận Sư Trưởng, chánh tín Tam Bảo, học tuệ nhiệm mầu, không sinh tham nhiễm, chấp có thường còn.

Người chấp thường thì cho: Trong vòng luân hồi có đạo thường. Đạo thường thì không đúng, mà đúng thì không phải thường. Đó mới gọi là đúng.

Đúng tức là không đúng, có gì gọi là đúng?

Cho nên, này Tối Thắng! Bồ Tát biết đạo không có cao thấp, cũng không có hình tướng. Dù hư không có thường, lời nói có hình tướng thì chân đạo cũng không thể thấy được.

Tâm vị ấy như nhiên, không bị ràng buộc, tu tập công đức, không lìa Chư Phật, không bị gián đoạn nửa chừng, diệt tận tất cả điều ác, tâm được an định, không bị giao động, chí như kim cang, không lệ thuộc người khác, biết được gốc của các pháp dứt trừ các cấu bẩn, tiêu diệt tối tăm.

Pháp của vị ấy chiếu sáng rực rỡ khắp nơi, làm cho tâm ý ngay thẳng, không có dối trá, tâm hành bình đẳng, không có phân biệt. Từ khi phát tâm cho đến nay, Bồ Tát luôn giữ tâm thanh tịnh.

Nhờ gốc thanh tịnh nên các cấu bẩn bị loại trừ, tắm trong dòng nước mát, rửa sạch các phiền não. Tâm tin của Bồ Tát vững chắc, không bị lay động, ý bố thí rộng lớn không có bến bờ, tâm như hư không, không có cùng tận, dung nạp nuôi dưỡng tất cả chúng sinh thấp hèn, làm cho họ được độ thoát.

Vì sao?

Vì trí tuệ của Bồ Tát đã thuần thục, không điều gì là không biết, tâm trùm khắp mọi nơi, không có ngằn mé, từ bi rộng lớn, chứa hết tất cả, biện tài thông suốt, thường luôn hổ thẹn, hạnh nguyện kiên cố không bị trở ngại. Năng lực hiểu đạo của vị ấy thấu triệt tất cả, biện tài hơn người, ai cũng kính mến.

Bồ Tát không quên các tổng trì đã được, không bao giờ giảng nói điều không cần thiết, không còn hoài nghi về trăm ngàn thiền định. Nghe pháp thiện ác, Bồ Tát không có vui buồn, không tự cao, cũng không tự ti, đi đứng khoan thai, không mất oai nghi. Bồ Tát hiểu rõ mười hai xứ, biết năm ấm và chỗ sinh khởi của sáu trần.

Lại dùng khổ, tập, tận, đạo hiểu rõ mười hai duyên khởi, thông suốt trọn vẹn từ vô minh, hành cho đến sinh tử, quán sát năm căn, tư duy đầy đủ, không còn chìm đắm trong luân hồi sinh tử, tiêu diệt các lậu bằng tám mươi bốn trí.

Bồ Tát nguyện lưu lại hóa thân để giáo hóa trong một kiếp. Cũng như thân ta đây, tất sẽ vào Vô dư Niết Bàn, nhưng không diệt độ hẳn, vẫn ở lại để hóa độ, nói pháp vi diệu cho vô số chúng vây quanh trước sau, tại cõi Hiền minh.

Tối Thắng nên biết! Về phương Bắc, cách cõi Hiền minh này mười ba ức hằng hà sa Cõi Phật, có Thế Giới tên là Bất Động Chuyển, Phật hiệu là Chiếu Ý Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác hiện đang thuyết pháp. Ở Thế Giới này không có tên của Thanh Văn, Duyên Giác, chỉ thuần những bậc tu theo hạnh đại thừa, lấy bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, thần thông để làm niềm vui.

Dùng trí vô cực bao phủ toàn thân, tùy thời phân biệt ý nghĩa sâu xa của từng câu, từng đoạn. Tâm từ, bi, hỷ, xả của những vị ấy rộng như hư không, xem chúng sinh thì biết rõ tâm tánh, rưới mưa pháp vị cam lồ vô cực, làm cho người hưởng được không còn kết sử nóng giận.

Những vị ấy tu hành ba tam muội: không, vô tướng, vô nguyện. Vượt qua sinh tử, đứng bờ vô vi, thâu phục ma trần lao và tâm độc hại.

Thần túc của Đức Phật ấy biến hóa vô cùng, đến khắp vô lượng Cõi Phật. Người được vị ấy giáo huấn không biết đây là hóa thân, nên cho là Phật thật.

Trong quá khứ, hằng hà sa Chư Phật Đều để lại hóa thân Phật, tiếp độ chúng sinh, làm cho đạt được vô vi, cho nên sự ẩn mình tùy duyên hóa độ của Như Lai là không thể nghĩ bàn. Các Đức Phật trong vị lai như Đức Từ Thị cũng đều lưu lại hóa thân Phật Để dắt dẫn chúng sinh. Ta tuy diệt độ nhưng hóa thân Phật thì không diệt độ.

Vì vậy, này Tối Thắng! Hóa cũng không hóa, Phật cũng không Phật, hiểu rõ không tịch, không có hai, ba tướng.

Bồ Tát ở địa thứ hai thường nên tu tập các pháp huyễn hóa, quán sát địa trí tuệ, địa thành tín, địa kiến, địa bạt, địa cuối cùng, địa của bậc Thanh Văn, Duyên Giác đạt đến. Bồ Tát tuy chữa lành bệnh, nhưng không thủ chứng.

Này Tối Thắng! Giả sử Bồ Tát ở địa thứ hai muốn chứng đắc quả vị Thanh Văn hay Duyên Giác thì chẳng có gì là khó. Ví như có người tay cầm vòng hoa hay ngọc châu minh nguyệt ném lên hư không, trong thời gian nó chưa rơi xuống đất, Bồ Tát đã đoạn trừ sạch các phiền não, kết sử, lậu hoặc. Không còn khổ sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu, bi não. Tuy biết đã đoạn trừ hết các phiền não, nhưng Bồ Tát không giữ sự chứng đắc.

Vì sao?

Vì chưa quán sát căn cơ thượng trung hạ của chúng sinh. Tâm Bồ Tát kiên cố hướng đến chỗ cứu cánh, nổi lên đám mây không triền cái, phát ra tiếng sấm trí tuệ, làm mưa thuốc cam lồ, đem cho vật quý chân đế, không đoạn trừ ba nghiệp, ý niệm trong sáng như nước tinh khiết, tự trang nghiêm thân bằng cấm giới, tô điểm thân thể bằng các phước đức, cung phụng các Bậc Hiền Thánh Giác ngộ tôn quý, cho đến khi trụ nhất sinh bổ xứ.

Ở ngôi vị này, Bồ Tát học các bản nghiệp của Chư Phật trong hiện tại đã làm, học các tổng trì không có chỗ trụ, luôn phát khởi ý tưởng làm trang nghiêm Đạo Tràng.

Trong lúc đi đứng, Bồ Tát luôn thực hành pháp quán niệm hơi thở. Tâm vững chãi tự tại, ý chí kiên cường, không sợ hãi nơi chốn đông người. Tâm phát nguyện viên thành, đáng được ái kính. Bồ Tát nói pháp lợi ích an vui cho các chúng sinh. Tâm ấy đặc biệt siêu việt khác chúng.

Này Tối Thắng! Nếu tướng không không mà có thể nắm giữ được thì thủ thuật lạ của ngoại đạo cũng chẳng làm gì được. Do vậy, hàng Thanh Văn, Duyên Giác thường được tôn kính.

Khi ấy, Đức Thế Tôn lại bảo Bồ Tát Tối Thắng: Này Tối Thắng! Bồ Tát ở địa thứ hai thông đạt pháp không, lìa xa các nghiệp của thân, bỏ những lời nói gây họa của miệng, trừ các loạn niệm của ý, tiêu diệt ba uế, chế phục ba nạn, trừ năm sự che lấp, truy tìm mười hai duyên khởi mà nguồn gốc là vô minh và hành.

Trừ bỏ dần, không để năm thượng phần, hạ phần kết sử ở khắp tam giới tăng trưởng. Tư duy mười một bệnh khổ não, bỏ các bệnh tham đắm bốn đại, hiểu rõ các pháp ác, tránh việc thế tục, trừ các tập tục, đoạn trừ ái dục, nóng giận, tham nhiễm, nhổ sạch gốc rễ không để cho phát triển.

Bồ Tát thường nhớ tư duy về vô ngã, đứng vững nơi bốn niềm tin, trụ bốn ý chỉ, thành tựu bốn ý đoạn, ý chí kiên cường, thông hiểu tạng pháp bảo thất giác chi, hành trì tám Thánh Đạo, luôn nhớ tám điều giác ngộ của Bậc Đại Nhân.

Này Tối Thắng! Bồ Tát ở hàng nhị địa giữ tâm điều ý, biết rõ các niệm đều không, không thật có, nên được thọ ký ở ngôi Bồ Tát thượng vị.

Bồ Tát chẳng làm các việc, cũng chẳng bỏ các việc, học trí bậc thượng tuy có tôn quý nhưng không tự cao, quán biết các pháp chỉ là một pháp, không tưởng chấp hai, ba, không khởi tưởng chẳng có lợi ích, không bị giới hạn nơi tưởng có không, biết rõ tưởng không có xứ sở, nhưng không trụ nơi đó.

Bồ Tát chỉ cần thanh tịnh Chánh Giác như sự thanh tịnh của Chư Phật, khéo điều phục tâm, trụ chánh không tà, quán biết tất cả thiện ác đều là không, không có điều gì là không thông hiểu. Bồ Tát cũng không thấy có tịnh, không tịnh, có quán, không quán, chân không là một, cũng không thấy một, biết một bỏ một, không trụ nơi một, cũng không từ một mà sinh các tưởng.

Bồ Tát học tập ý thù thắng, không học hữu hạn, không thấy có hữu hạn, có thắng, có thua, không để tâm tán loạn chạy theo pháp trong ngoài, khéo phòng ngừa thức, định không thoái chuyển. Bồ Tát tuy ở trong ba cõi mà không đắm nhiễm nơi ba cõi, quán sát các tánh biết rõ không có gốc rễ. Người biết không có gốc rễ, được gọi là Bồ Tát trụ địa thứ hai thanh tịnh.

Bồ Tát tự điều phục tâm mình, quán gốc các pháp biết tất cả đều là vô thường, không có chỗ vào, cũng không có chốn ra, không có thiện, bất thiện, danh dự tốt xấu, được mất, chê khen, tán dương phỉ báng, khổ vui. Bồ Tát điều hòa tâm ý, không có âu lo. Ở bất cứ nơi nào Bồ Tát cũng mở bày kho tàng pháp lớn, vào biển pháp lớn, tìm cầu bảy tuệ, làm khô ba ái, ngăn chặn bốn dòng, tu sáu pháp trọng yếu, thành tựu hạnh viên mãn.

Này Tối Thắng! Hàng Bồ Tát Đại Sĩ đầy đủ các pháp rồi, biết pháp không có hình tướng, không thể thấy được. Đó gọi là Bồ Tát ở địa thứ hai tu tập được hạnh thanh tịnh.

***