Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM HAI MƯƠI

PHẨM BA ĐẠO DIỆT ĐỘ
 

Bấy giờ, Bồ Tát Tối Thắng từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối chắp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như Lai chí chân đạo đức không cùng tận, Như Lai không cần đến người hướng dẫn mà đạt đến giải thoát, siêng năng thanh tịnh tu tập, đạt đến kim cang tam muội không thể lường được. Hôm nay, nghe Như Lai nói về ba đạo diệt độ quy về một, không phải hai cũng không chấp vào hai.

Nếu xét như vậy thì đâu cần dốc cầu đạo vô thượng chí chân?

Bạch Thế Tôn! Nguyện xin Thế Tôn diễn bày chánh pháp khiến cho những người ưa thích ngoại đạo, vĩnh viễn không còn nhận thức mê lầm.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn quay thân sắc vàng nhìn khắp những người đến dự hội, yên tĩnh hoàn toàn, tất cả đều nhất tâm không còn ý niệm nào khác.

Đưa mắt nhìn Tối Thắng và bảo: Lời hỏi rất hay, thật khó được nghe! Như Lai sẽ giảng rõ cho ông để cho những người học đời sau hoàn toàn không còn nghi ngờ.

Tối Thắng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con muốn được nghe.

Phật bảo Tối Thắng: Nguồn gốc của đạo thanh tịnh, không sinh các cấu uế. Vì thể tánh thanh tịnh nên các pháp thanh tịnh, tuần tự sẽ phân biệt hữu học, vô học.

Bậc Vô học thanh tịnh thì được thanh tịnh cả ba đời nên thấu tỏ ba cõi. Đây là tam muội vi tịnh.

Tối thắng nên biết! Ba đạo diệt độ phẩm loại và mục đích không giống nhau. Thân thể là gốc bẩn. Ý niệm là ao bẩn. Tưởng là bụi trần lăng xăng. Thức là đầu mối.

Trong bốn pháp trên, nếu diệt một còn ba thì không được thanh tịnh, diệt hai còn hai cũng không dược thanh tịnh, diệt ba còn một vẫn chưa thanh tịnh, diệt hết bốn thứ không còn tồn tại mới đạt đến thanh tịnh. Nhất thiết trí thanh tịnh cũng vậy. Từ dự lưu đến vô sinh, từ trụ thứ nhất đến trụ thứ mười đều diệt bốn hoàn, bốn quy, bốn ngại.

Bốn đó là: Thân thể là gốc bẩn, phàm phu dẫy đầy. Ý niệm là ao bẩn tuôn chảy bốn phía. Tưởng là bụi trần lăng xăng phát sinh tám vạn ái dục. Thức là đầu mối trói buộc trong ba cõi. Do vậy, Bậc Thánh Giả phô bày ba đạo tùy theo sự hơn kém.

Nhưng thật ra, diệt độ không sai biệt gì cả. Đạo ở Niết Bàn không xa rời sự vắng lặng. Niết Bàn của Bồ Tát lấy việc độ người làm tên gọi. Niết Bàn của Bích Chi Phật lấy sự thị hiện thần túc làm tên gọi. Niết Bàn của Thanh Văn lấy việc sự hạn hẹp làm tên gọi.

Lại nữa, này Tối Thắng! Niết Bàn của Bồ Tát dùng từ, bi, hỷ, xả để giáo hóa chúng sinh. Giả sử, hướng dẫn một người vào đạo thì thân tâm được an lạc, hoan hỷ vô cùng. Khi ấy, ý thức hoàn toàn vắng lặng, trong sáng, không có niệm đạo và đời. Các giác quán thanh tịnh, Niết Bàn đối với các dục hoàn toàn diệt tận, không còn có đối tượng thì gọi là vô niệm.

Người học vô niệm tuy có học cũng không thấy học. Tuy có sắc cũng như không sắc, cũng không thấy săc, tâm, ý, thức, niệm cũng không có tâm, ý, thức, niệm. Từ thân năm ấm cho đến vô hình, Pháp Thân thanh tịnh không có niệm và đối tượng để niệm.

Tối Thắng nên biết! Niết Bàn như vậy đâu phải là xa, chớ nên quán sát như thế. Sở dĩ như vậy vì Pháp Thân vô niệm quán thể vô hình gọi là Niết Bàn. Thể tánh của Niết Bàn tức là pháp quán một mà không hai, cũng không sai khác. Niết Bàn không do tên gọi, không thể thấy, cũng không thể đặt tên gọi Niết Bàn.

Này Tối Thắng! Đó là Bồ Tát học đạo thanh tịnh của Niết Bàn mà đối với đạo nên niệm không niệm.

Tối Thắng nên biết! Bồ Tát muốn thực hành và hiểu rõ thể tánh Niết Bàn của đạo thanh tịnh này, cần phải tu hành hạnh thanh tịnh.

Bồ Tát làm thé nào để tu hành thanh tịnh?

Luôn luôn làm cho thân, khẩu, ý thanh tịnh không có lầm lỗi.

Thân thanh tịnh không có lầm lỗi là như thế nào?

Đó là Bồ Tát nội thân đã thanh tịnh và hiểu rõ ngoại trần cũng thanh tịnh, nội thân đã rỗng không và hiểu và hiểu ngoại trần cũng rỗng không, nội thân đã vắng lặng và biết ngoại trần cũng vắng lặng, nội thân giải thoát và ngoại trần cũng như vậy. Bồ Tát nên suy nghĩ về pháp quán, biết rõ biếng nhác, kiêu mạn cũng không biếng nhác, kiêu mạn. Tự mình không kiêu mạn thì đạo đâu có kiêu mạn.

Cho nên. Bồ Tát hiểu rõ thân không kiêu mạn. Bồ Tát khởi niệm quán về sự nhơ bẩn của thế gian. Thân như ảnh, tiếng vọng, không thấy tướng thanh tịnh, đạt được vô tướng thanh tịnh liền chứng Niết Bàn. Đó là đạo Niết Bàn thanh tịnh không sai biệt của Đại Bồ Tát.

Tối Thắng lại bạch Phật: Thân của Bồ Tát thanh tịnh dục, dục mà chẳng phải dục là thế nào?

Phật bảo Tối Thắng: Bồ Tát trở lại trong năm đường, lưu chuyển trong sinh tử, dùng phương tiện giáo hóa thích hợp, đúng thời, nói về thân thanh tịnh tức là bàn về vô sinh. Người thấy được sinh tử tức là chẳng còn sinh tử, hiểu rõ vô sinh.

Sinh, tử là một không có khác, cũng không có nhiều tên sai biệt. Bồ Tát lại nên hiểu rõ sự tạo tác của thân để đạt dược vô sinh. Sự sinh, tử này tức là biết rõ sự tạo tác của thân, hiểu rõ pháp trong lẫn ngoài.

Sự tạo tác của thân là gì?

Sự thay đổi trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai. Quá khứ không dấu vết, hiện tại không dừng lại, vị lai không tên gọi.

Lại nữaTối Thắng! Quá khứ đã dứt sạch, vị lai thì vô cùng, hiện tại đang biến chuyển, cũng nên tư duy pháp tận, không tận là như thế nào?

Nghĩa là Bồ Tát phân biệt, hiểu rõ tướng hư không thanh ỵinh. Không tận kia là vắng lặng, vô vi không có tưởng niệm. Khởi vọng niệm đối với giới luật của Bậc Thánh liền có nhiều lỗi lầm lớn.

Phật bảo Tối Thắng: Thuở xưa, Ta thành Phật ngồi bên cội Bồ Đề suốt bốn mươi chín ngày đêm, nhìn cây Bồ Đề không chớp mắt, nhớ nghĩ hằng sa Chư Phật trong quá khứ do đâu mà tự giác ngộ, chứng được pháp gì trước tiên?

Này Tối Thắng! Ta lại nhớ nghĩ hằng sa Chư Phật trong quá khứ, đạt được Pháp Thân trước, sau mới thành tối chánh giác. Nhân duyên hòa hợp có thức, có tưởng, biết nhân duyên đó là không, không tưởng, không bị nhiễm chấp. Cũng lại không thấy sinh, diệt, thường, đoạn.

Này Tối Thắng! Sự quán sát như vậy là thân thanh tịnh. Thân thanh tịnh tức là trở về biển trí tuệ. Tối Thắng nên biết, nghĩa trở về biển trí có mười việc.

Đó là: Trở về biển của Phật thì pháp không hình để quán sát. Trở về biển của chúng sinh thì vượt khỏi nạn của hữu.

Trở về biển của pháp thì tích tập các trí tuệ. Trở về biển của phước điền thì kiển lập căn bản cho cái không gốc rễ. Trở về biển của năm ấm thì thị hiện ra pháp nhơ uế. Trở về biển trí tuệ để phân biệt tôn chỉ của giới luật.

Trở về biển nghĩa căn bản để tăng trưởng căn lành. Trở về biển trú tâm để hiểu rõ tất cả suy nghĩ tâm ý của chúng sinh, vô số sự hiểu rõ, không chướng ngại. Trở về biển đức hạnh để không trái với sở nguyện. Trở về biển thệ nguyện để xét rõ nguồn gốc sinh tử.

Này Tối Thắng! Đại Bồ Tát trở về biển ý của mười môn, phải nhớ nghĩ tu tập tất cả để quay về Pháp Thân vô lậu của Như Lai. Lại quán sát thân vô lậu của Như Lai, không trú vào không, không rơi vào ba cõi, biết rõ không là Pháp Thân, quán thân vô lậu như an trú vào Pháp Thân, trú mà chẳng thấy trú, cũng không chỗ trú.

Dùng thân vô lậu để nhập vào biển sinh tử thị hiện sắc thân như không sắc thân, không bờ cõi, không hình tướng, không thể thấy hết. Sắc thân diệt rồi cũng chẳng thấy diệt, cũng không thấy chân như của sinh thân như an trú vào chân như.

Sự thanh tịnh của thân Như Lai cũng không có tỳ vết, nhập vào cõi chúng sinh, tùy theo tâm tánh và hình tướng mà thị hiện, hiểu rõ thanh tịnh cũa thân chúng sinh, thân mình và thân chúng sinh thanh tịnh một mà không hai, cũng không nhiều, chân như bình đẳng.

Chân như không đạo, chẳng thấy có đạo. Pháp thế tục cũng không thấy có hữu lậu vô lậu, cũng lại không có giáo lý ba thừa đó là La hán, Bích Chi Phật và Phật Đạo của Bồ Tát, cũng lại không thấy mười lực, bốn sự không sợ, mười tám bất cộng, đối với các pháp của Thánh Hiền đều không chấp trước. Đó là hạnh của Bồ Tát thích ứng với thanh tịnh, thích ứng mà không nơi thích ứng.

Lại nữa, Tối Thắng! Đại Bồ Tát nên suy nghĩ lời nói thanh tịnh.

Lời nói nên thanh tịnh là thế nào?

Nghĩa là Bồ Tát nhập vào tam muội hư không thanh tịnh, quán khắp Tam Thiên Thế Giới, những loài ở trong ấy, tất cả người hiền kẻ ngu, trong sạch, tốt xấu đều trở về chỗ không thanh tịnh. Bồ Tát lại nên suy nghĩ, quán xét bình đẳng, cũang không thấy không bình đẳng. Đối với bậc nhất nghĩa đế cũng không thấy bình đẳng, cũng không thấy không bình đẳng.

Vì sao?

Vì quán tướng bình đẳng nên cũng không thấy bình đẳng, cũng không bình đẳng với vô tướng. Lại dùng tướng bình đẳng quán sát các pháp, không thấy đạo pháp không giới hạn, không thấy pháp thế gian có giới hạn, không thấy Bậc Thánh Hiền vượt khỏi ba cõi, không thấy sức của kẻ phàm phu có mạnh, yếu.

Tối Thắng nên biết, Bồ Tát phân biệt âm thanh thanh tịnh, không có tưởng của chúng sinh chấp vào ý. Xét rõ tiếng vọng quán biết không có tiếng vọng. Không thấy buồn vui là thường, chẳng phải thường, thích ở trong điên đảo mà chẳng phải là điên đảo.

Biết rõ chúng sinh đều thanh tịnh, không ham muốn, không nhiễm chấp, không sinh diệt, thường đoạn có ba độc căn bản: Tham, sân, si. Lại nên quán sát mười hai nhân duyên, mười tám giới, từ vô minh cho đến tử đều thanh tịnh, vô minh cũng không biết sự tạo tác của ngã.

Hành cũng không biết từ vô minh mà có, các pháp tự sinh, các pháp tự diệt.

Pháp không thấy pháp sao vô minh, hành?

Này Tối Thắng! Pháp không biết nhau, pháp sinh thì sinh, pháp diệt thì diệt. Pháp không tự biết sinh cùng với không sinh, diệt cùng với không diệt. Cho nên nói không sinh, diệt, thường đoạn.

Bấy giờ, Bồ Tát Tối Thắng bạch Phật.

Bạch Thế Tôn! Vô minh, hành trong ba đời đều theo thân lưu chuyển, có thân thì hành sinh, không thân thì hành diệt, cho đến lão tử cũng lại như vậy. Nguyện xin Thế Tôn diễn rộng những nghi ngờ khiến chúng sinh đời vị lai không còn nghi ngờ trói buộc.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tối Thắng: Vô minh không nhiễm vào thân thì thân không bị vô minh. Vô minh cũng không thấy ta có thân, thân cũng không thấy ta có vô minh. Tất cả thanh tịnh cũng không ngã và ngã sở. Nói ngã và ngã sở đều tự vắng lặng. Đó là tất cả thanh tịnh của Bồ Tát.

Nói lời thanh tịnh thì thế nào là lời nói?

Thế nào không phải là lời nói?

Lời nói không ở bên trong cũng không ở bên ngoài, không thấy lời nói có ra có vào liền được mười nghĩa kiên cố, phân biệt cảnh giới, các ấm của chúng sinh.

Thế nào là mười?

Đó là Bồ Tát trước cầu giải thoát để giáo hóa tất cả chúng sinh, hiện vô số sách giáo hóa, tinh tấn không bị lệ thuộc, hiện lực vô ngại vì tất cả các pháp đều không, họên năng lực ngưng ý, đối với tất cả các pháp được tự tại, hiện tâm, ý, thức qyuay trở lại, có chuyển mà không chuyển, phân biệt nghĩa lý, hiện năng lực pháp tự tại, trí tuệ hiển bày, hiện năng lực tự tại, thuyết pháp cho chúng sinh, hiện lực vô úy, an trú vào chánh pháp, hiện lực biện tài, hiện vô lượng trí cùng khắp tất cả, hiện năng lực không hai, không gì sánh bằng.

Như vậy Tối Thắng! Đại Bồ Tát phân biệt sự hướng đến chủng tánh của chúng sinh cũng không trong cũng không ngoài, không giữa.

Cho rằng lời nói ấy là Bồ Tát phải không?

Đáp: Bạch Thế Tôn! Không phải.

Tham, sân, si là Bồ Tát phải không?

Bồ Tát đáp: Bạch Thế Tôn! Không phải.

Nếu không cho tham, sân là Bồ Tát thì cấu uế trói buộc là Bồ Tát chăng?

Bồ Tát đáp: Bạch Thế Tôn! Không phải.

Phật bảo Tối Thắng: Đại Bồ Tát không chấp lời nói, cũng không chấp trước, cũng chẳng phải không chấp trước. Mắt, tai, mũi, miệng, thân, tâm cũng không thấy chấp cũng chẳng phải không chấp trước.

Âm thanh được nói ra và tiếng vang do gió thổi đều nhờ cái duyên hòa hợp mới có âm thanh. Người tài giỏi, kẻ ngu si, người đẹp, kẻ xấu, âm thanh chẳng khác nhau, cũng không ở trong, lại không ở ngoài, tìm ở giữa cũng không thể được.

Phật bảo Tối Thắng: Đại Bồ Tát trú vào không, thiền định không tán loạn, khởi niệm, suy nghĩ, hành động đều như hư không, không trú, chẳng trú, cũng không có các tưởng.

Này Tối Thắng! Tiếng nói của chúng sinh, tất cả âm thanh đó đều rỗng không, không chân thật, các pháp giả dối không thể nương tựa.

Bấy giờ, Tối Thắng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thánh Đế của Như Lai đưa đến đạo quả Hiền Thánh, đều là phương tiện quyền xảo giả lập, không chân thật.

Sao thành tựu Tối Chánh Giác được?

Phật bảo Tối Thắng: Như Lai Chánh Đẳng Giác bằng đạo pháp chân thật, biết rõ các pháp chẳng phải chân, chẳng phải có.

Lại nữa, Tối Thắng! Đại Bồ Tát ra vào trong năm đường giáo hóa chúng sinh, tùy căn cơ thích hợp mà độ thoát cho họ, quán sát âm thanh, tên gọi chúng sinh, chuyển vào vô thượng pháp luân, tùy theo nghĩa lý tùy theo, câu pháp khiến đạt được kết quả. Thấy chúng sinh ưa thích khổ liền nói nguồn gốc khổ, hiểu rõ các pháp lời nói đều chẳng có lời nói.

Lời nói là gì?

Từ đâu phát ra?

Biết rõ lời nói không có chỗ sinh ra. Khi ấy Bồ Tát lại vì chúng sinh ưa thích tập mà nói căn bản của tập. Tập này là sinh nhân duyên, thấy rõ nhân duyên không có đầu mối, không thấy có tập cũng không thấy có tên gọi.

Này Tối Thắng! Tất cả âm thanh của chúng sinh ưa thích tập đều rỗng không, chẳng chân thật. Lại nữa Bồ Tát tùy căn cơ của chúng sinh dùng giáo pháp dạy dỗ làm cho họ nghe pháp, thuận theo đó mà thực hành, cũng không chấp vào hành động và kết quả của nó. Đó là Bồ Tát làm mà không sự làm, chứng mà không thấy chứng. Như vậy chỉ cần một tướng diệt hết các khổ.

Lại nữa, Bồ Tát nên tư duy chúng sinh ưa thích diệt, thấu rõ các pháp không chỗ sinh ra, ngôn ngữ, âm thanh không chỗ chấm dứt, hoặc ngồi, hoặc đi thường luôn nhất tâm. Tuy ở nơi ồn ào, náo nhiệt mà vẫn nhàn tịnh.

Giả sử ở giữa đại chúng Hiền Thánh vắng lặng ý muốn phát ra lời nói, liền ngưng được lời nói. Xét tìm lời nói ấy chấp trước hay không chấp trước, không thấy diệt và không diệt. Tất cả các pháp cũng không thấy tận, sinh, diệt, thường đoạn, lời nói từ âm thanh hoàn toàn không dấu vết.

Lại nữa, Bồ Tát ưa thích đạo, chúng sinh tư duy về tám đường, chúng sinh tu tập hướng đến Niết Bàn. Từ chánh ngữ, chánh nghiệp cho đến chánh định như pháp không như pháp đều bình đẳng như hư không. Quán không hai mà chẳng trái ngược nhau. Đó là lời nói của Đại Bồ Tát thanh tịnh không lầm lỗi.

Lại nữa, Đại Bồ Tát nên nhớ nghĩ, tư duy về sự thanh tịnh của ý thức.

Bồ Tát tâm ý được thanh tịnh là thế nào?

Nghĩa là tâm bồ Tát thanh tịnh, cũng không nhơ bẩn vốn không thanh tịnh, không thấy nguồn gốc, nguồn gốc của tâm ý không bị nhiễm ô, không gì có thể làm cho tâm trở ngại.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát biết nguồn gốc của tâm thanh tịnh, không thấy có thanh tịnh. Thế gian nhiều mê lầm nên chấp trước. Bồ Tát đạt đến không, tư duy không có sự chấp trước, phân biệt rõ ràng, thực hành phương tiện quyền xảo đối với nguồn gốc thanh tịnh.

Bồ Tát nên biết, nguồn gốc của tâm kia vốn không đến, đi, không chọn lựa cao, thấp, thứ bậc sang, hèn, không thấy xưa có nay không, không nghĩ đến nguồn gốc công đức. Nhớ nghĩ nguồn gốc công đức chính là không, là vô danh, là Niết Bàn.

Bồ Tát hỏi: Nguồn gốc công đức ấy có được hiểu là nguồn gốc của tâm thức không?

Phật trả lời: Không.

Bồ Tát hỏi: Bên trong rỗng không có biết được bên ngoài chăng?

Phật Đáp: Không.

Tối Thắng bạch Đức Phật: Nếu như vậy thì không là thế nào?

Phật bảo: Nguồn gốc tâm là không, chẳng phải là nguồn gốc, cũng chẳng phải không nguồn gốc, cũng chẳng phải tâm, cũng chẳng phải không tâm. Nếu tâm không thì nhất định Bồ Tát không tự thấy tâm.

Tâm mình vốn không thì bên ngoài cũng không, một mà không hai mà cũng không có nhiều tên khác nhau. Tâm chẳng phải là tâm của ngã, không tâm đối với tâm. Tâm của ngã chẳng phải tâm, không ngã đối với ngã. Sắc chẳng phải sắc của ngã, không phải sắc đói với sắc.

Ngã chẳng phải ngã của sắc, không ngã đối với ngã. Tâm của ngã, sắc của ngã chẳng phải tâm của ngã, sắc của ngã. Ngã của sắcn ngã của tâm chẳng phải ngã của sắc, ngã của tâm. Cho đến thanh, hương, vị, xúc, pháp chẳng phải ý của ngã, pháp của ngã, cũng chẳng phải ngã của ý, ngã của pháp.

Vì sao?

Vì tâm trong rỗng không, ngoài cũng rỗng không. Do biết ngoài là không nên biết rõ các pháp cũng là không như vậy. Một nên chẳng là hai, không có tướng gì cả.

Tất cả các pháp cũng như vậy, không thấy xưa có nay không, cũng không thấy nay có xưa không, không cũng chẳng phải không, có cũng không phải có, có không biết từ đâu có, không không biết từ đâu không, không không như vậy tự là không, có có thường tự là có, có không sinh từ có, không không sinh từ không, không không chẳng không tự không, có có không tự có, có không biết không, không không biết có. Tất cả âm thanh rỗng không, chẳng phải thật. Đó là tâm Bồ Tát được thanh tịnh.

Tâm bồ Tát thanh tịnh là không bị ba mươi sáu thứ phiền não làm nhiễm ô. Những cấu bẩn của tâm vĩnh viễn không còn chỗ bám víu. Lại dùng phương tiện thiến xảo thấu đạt tự tâm thanh tịnh, cũng không ở trong sự thanh tịnh khởi vọng tưởng chấp trước.

Đại Bồ Tát do thấu rõ gốc ngọn thanh tịnh, rỗng không, cho nên vào được định ý tam muội tự tại, liền có thể trở lại trong sinh tử, qua lại trong năm đường, gieo trồng các công đức. Các công đức ấy là biết tâm, ý, thức. Lại dùng tâm mình thương yêu chúng sinh, hiểu rõ chúng sinh là không, không thật có, gốc ngọn của ngã, nhân, thọ, mạng đều thanh tịnh.

Lại dùng công đức ấy ban khắp chúng sinh, khiến cho muôn loài siêng năng tu học đạo pháp. Chúng sinh và đạo pháp bình đẳng không hai, quán được như vậy là gốc ngọn thanh tịnh. Lại do sự thanh tịnh này mà bình đẳng với tham, sân, si. Tham, sân, si bình đẳng thì đạo cũng bình đẳng.

Đạo tức là tham, sân, si. Tham, sân, si tức là đạo. Đạo thanh tịnh thì tham, sân, si cũng thanh tịnh, một tức không hai cũng không nhiều thứ. Bồ Tát quán xét gốc ngọn vốn thanh tịnh nên không chấp vào các cấu uế.

Khi ấy Đức Thế Tôn bảo Tối Thắng: Hành động của thân thanh tịnh nên không làm các điều ác. Lời nói thanh tịnh nên thường quay về với sự chân thật. Tâm ý thanh tịnh là từ bi với chúng sinh. Các hạnh đầy đủ mới gọi là Bồ Tát.

Khi Đức Thế Tôn Giảng thuyết phẩm Bản vô thanh tịnh này có trăm ngàn Bồ Tát đều chứng Nhất sinh bổ xứ, vô số ngàn người phát tâm Bồ Đề Vô Thượng.

***