Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM HAI MƯƠI BẢY

PHẨM BỒ TÁT CHỨNG ĐẮC
 

Phật bảo: Này Thiện Nam! Đại Bồ Tát nương sáu thần thông đi đến vô số Cõi Phật trong mười phương để phụng sự cúng dường Chư Phật Thế Tôn. Từ một Cõi Phật đến một Cõi Phật giáo hóa chúng sinh không sợ hãi, tán thán công đức và việc làm của Phật khiến khắp mười phương nghe được âm thanh của Phật.

Việc làm của Bồ Tát Tối Thắng cứu giúp tất cả chúng sinh, hoặc dùng thần thông, hoặc dùng giới luật để dạy bảo, ruộng phước thanh tịnh, không còn rơi vào ba đường ác, hoàn toàn xa lìa nẻo tà, nhớ nghĩ đến những người chưa được độ.

Trải qua vô lượng kiếp trụ nơi vô lượng Cõi Phật, làm người đầy đủ phước đức, an trụ vô vi. Ở trong trăm ngàn kiếp tu tập phạm hạnh thanh tịnh, không bằng trong đời ngũ trược thực hành một tâm từ. Nói về tâm từ thì có phước đức khó lường.

Ở đời có nhiều người thực hành ba việc ác căn bản: Thân có ba, miệng có bốn và ý có ba pháp nên lãnh chịu quả báo trong ba đường ác. Giả sử chuyên tâm đọc Tụng Kinh Điển thì đối với pháp hiện tại dứt hết nguồn gốc khổ.

Hoặc có Bồ Tát nhàm chán sinh tử, bỗng gặp được Kinh này thì hoàn toàn không thoái lui, không còn thọ sinh vào trong thai mẹ, thần thức sáng suốt không mê muội. Muốn giải thoát sự trói buộc, dứt sạch các kết sử thì nên hộ trì Phật Pháp, hiển bày trí tuệ sáng suốt.

Nếu ở trong trăm ngàn kiếp ở cõi khác, giữ gìn chánh pháp, giảng nói rộng về nghĩa này thì không bằng ở cõi đây trong một khoảnh khắc đọc tụng, nhớ nghĩ và phân biệt ý nghĩa một bài kệ, đây là hơn hết. Ta thấy Cõi Phật đẹp đẽ, sáng suốt, an ổn.

Cũng thấy vô lượng Cõi Phật hoàn toàn vắng lặng. Họ không còn các nạn buồn khổ, phiền não, cũng không còn thực hành các việc phước, nghiệp và sự. Nếu có thể ở trong cõi này dứt hết các kết sử trói buộc thì được sinh vào cõi thù thắng ấy.

Vì sao?

Vì ở trong đời ác năm trược, các sự khổ não vạn cách. Trải qua ức ngàn vạn kiếp mới có Đức Phật, chúng sinh làm việc ác mong gặp được Hiền Thánh, hoặc sinh nơi biên địa, hoặc tám nạn không an ổn, hoặc sinh sau thời có Phật, không được nghe chánh pháp.

Giả sử có Phật cũng không nghe, không thấy. Có thể ở trong đó làm hưng khởi Phật Pháp, đó là việc làm đặc biệt không ai sánh bằng. Ta tuy làm bậc Đạo Sư trong ba cõi đều do nguyện làm phước đức không chán nản.

Từ, bi, hỷ, xả dứt trừ nguồn gốc khổ. Chúng sinh lâu nay đắm nhiễm con đường tà khó bỏ được, bỗng nghe chánh pháp tăng thêm nghi ngờ, ngày nay mới gặp giáo pháp của Như Lai. Bồ Tát Đại Sĩ nhiều không thể tính kể được, nghe pháp không nhàm chán, như biển cả thâu nạp các dòng, nên cùng nhau diễn thuyết Phật Đạo chân chánh.

Phạm Vương, Đế Thích, Tứ Thiên Vương, Thiên, Long, Quỷ Thần, A Tu Luân, Chiên Đà La, Ma Hưu Lặc, Nhân và Phi Nhân, Ma, Ma Trời khắp mười phương đều vân tập, nay được nghe pháp, thoát nhiên đại ngộ đều nhờ phước đức đời trước mà đạt được. Giả sử ta ở trong trăm ngàn vạn kiếp giảng nói nghĩa vi diệu của một câu cũng không thể cùng tận tuệ pháp căn bản này.

Thế nên Tối Thắng! Bồ Tát Đại Sĩ tu vô số hạnh khổ không cho là khó. Giả dụ khắp tam thiên đại thiên Thế Giới cùng lúc bị lửa thiêu đốt đến Trời Phạm Thiên, có chúng sinh phàm phu nào tuy chưa chứng quả Tu Đà Hoàn, nghe có Kinh này ở một nước khác, liền hướng thân về chỗ ấy nên đi vào lửa cháy vẫn an ổn vượt qua được, không bị thương tổn.

Hoặc có lúc cả tam thiên đại thiên Thế Giới lửa tắt, nước dâng đến Cõi Trời Phạm Thiên, tự mình đi vào trong nạn nước, vượt qua được an ổn, hoàn toàn không bị đắm chìm.

Tối Thắng nên biết! Cả tam thiên đại thiên Thế Giới nước cạn, gió thổi mạnh đến cõi Phạm Thiên, vị ấy đi vào trong nạn gió vẫn được an ổn, không bị gió thổi.

Vì sao?

Vì nhờ oai thần của Đức Phật hộ trì. Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di nào thọ trì đọc Tụng Kinh này, hiện tại được bảo hộ, không gặp khổ não. Nếu tiến hơn nữa, tịnh tu phạm hạnh, ngay trong đời hiện tại chứng được vô vi. Thần thông của Đại Sĩ ngay trên tòa này, khiến cho ức trăm ngàn na do tha chúng sinh tu tập Kinh này được chứng đắc quả.

Nay ta ân cần giảng giảng nói Kinh Điển, người nghe được độ thoát, không bị rơi vào đường ác, theo đó giữ vững chí nguyện, thích ứng tuệ giải thoát, tâm hướng đến Phật thừa rộng lớn không cùng tận, không vì mình, thường từ mẫn đối với chúng sinh, cho đến lúc thành Phật hoàn toàn không bị suy giảm, làm nhân duyên cho người có sở nguyện hướng đến hàng Duyên Giác, được thành đạo, đưa bát lên hư không biến hóa tự tại.

Người nguyện làm Thanh Văn, cầu thầy hỏi đạo không bị chướng ngại, đoạn các kết sử trói buộc, dứt hết lậu hoặc, được thành đạo.

Lại quán tâm ý mong muốn của chúng sinh, hoặc có người phát tâm mới chứng được quả Tu Đà Hoàn, bằng quyền tuệ dẫn dắt hàng ngoại đạo dần dần hướng đến bậc A La Hán. Hoặc có chúng sinh đạt đến quả Tư Đà Hàm, dùng quyền tuệ thứ tự dẫn dắt đến quả A La Hán.

Lại có chúng sinh đạt đến quả A Na Hàm, bằng quyền tuệ giáo hóa khai mở, đạt đến quả A La Hán. Hoặc có chúng sinh không theo thứ lớp đạt được đạo thứ ba, bằng quyền tuệ, Bồ Tát muốn khiến cho họ học những điều nhỏ không đúng, rồi hướng dẫn họ đắc được quả Tu Đà Hoàn, hoặc có chúng sinh được đạo thứ hai, bằng quyền tuệ dẫn dắt người thành quả Tư Đà Hàm.

Lại có chúng sinh dần dần chứng thành quả A La Hán, Bồ Tát dùng quyền tuệ quán sát người đang giáo hóa, nếu họ đã được quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán thì dẫn dắt họ tiến thành đạo quả Duyên Giác.

Bấy giờ, Đức Như Lai bảo bốn bộ chúng trong hội: Chúng sinh có vô số, mà Cõi Phật không đồng nhau.

Nghĩa là Như Lai không có cõi nước chăng?

Chớ nên quán sát như thế.

Vì sao?

Vì Chuyển Luân Thánh Vương đầy đủ mười điều thiện, dần dần nối tiếp nhau, vương vị không mất. Hàng Duyên Giác tự ngộ cũng như vậy.

Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn thì Phật Pháp không còn, hoặc trải qua một kiếp đến trăm ngàn kiếp, bậc Duyên Giác, A La Hán làm các Phật sự, Phật Phật nối tiếp nhau làm các Phật sự hoàn toàn không gián đoạn. Cho nên, Đại Bồ Tát thường dùng quyền tuệ dẫn dắt chúng sinh, tùy theo phước đức dẫn dắt các chúng sinh xa lìa hoạn nạn trong ba đời, ở yên trong thanh tịnh.

Bấy giờ, Bồ Tát Tối Thắng từ chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Phật, thưa: Kỳ lạ thay, đặc biệt thay, chẳng phải hàng Nhị Thừa sánh kịp, con mong được nghe việc chứng thành đạo quả.

Phật bảo Tối Thắng: Nếu muốn nghe, ta sẽ nói cho ông. Lắng nghe, lắng nghe, ghi nhớ kỹ.

Xưa ta cầu đạo không thể kể xiết, từ lúc mới phát tâm làm các việc công đức cho đến khi thành Phật, trong khoảng thời gian ấy thay hình đổi dạng khắp nơi, có thể kể hết chăng?

Xưa ta thành đạo, phát tâm nguyện rộng lớn có các chúng sinh hướng về gốc đạo, hướng về quy y Tam Bảo, cần dùng thần thông ứng hiện dạy họ, không những thân ta xưa có nguyện này, mà Chư Phật Thế Tôn đều thệ nguyện như vậy.

Hoặc có chúng sinh chứng bốn đạo bốn quả, ta cũng xét thấy việc ấy thật rõ ràng. Giả sử có người thành đạo Duyên Giác, ta cũng thấy được nhân duyên tự ngộ. Nếu có chúng sinh ngồi dưới cây Bồ Đề trong chu vi năm mươi dặm, ở trong khoảng vùng đó, có ma hoặc Thiên Ma không hại được, đối với chỗ ấy ta đều thấy biết.

Phật bảo Bồ Tát: Này Đại Bồ Tát! Như ta ngày nay hiện thân chứng đạo cứu giúp khắp chúng sinh, ta không thấy ngã, biết rõ tâm thức, phân biệt rõ các nơi đến làm Phật sự, trải qua ức trăm ngàn vô số Cõi Phật, xoay vần qua lại, cứu xét tận cùng đạo, thường ở trong cảnh giới chân thật, thấy biết rõ ràng.

Xưa ta tự tại ở trong Cõi Phật không sợ hãi, Bồ Tát trong cõi ấy không thể kể hết, hoặc người có chí hướng đến tiểu thừa, A La Hán, hoặc nửa chừng dừng lại ở trong quả vị Duyên Giác, hoặc có chí vượt hơn đạt đến Phật Đạo. Lúc ấy, ta chuyên tâm vào định tam muội, vì cảm hóa khắp chúng sinh khiến cho họ được chứng ngộ.

Lại nữa, Đại Bồ Tát nếu hướng đến quả Tu Đà Hoàn thì được quả Tu Đà Hoàn, nếu hướng đến quả Tư Đà Hàm thì được quả Tư Đà Hàm, nếu hướng đến quả A Na Hàm thì được quả A Na Hàm, nếu hướng đến quả A La Hán thì được quả A La Hán. Ta thường ở trong đó chứng thành đạo quả, chưa bao giờ mất nguồn gốc của pháp tánh.

Đức Phật bảo: Thiện nam! Đại Bồ Tát đi đến tam thiên đại thiên Thế Giới, có tin hay không tin, có thọ nhận hay không thọ nhận. Hoặc có chúng sinh đạt đến quả vị Tập tín, lại có chúng sinh tùy pháp hành, hoặc có chúng sinh tu tám pháp giải thoát của Bồ Tát, ta thường thị hiện đến đó khiến họ chứng được đạo.

Phật lại bảo: Thiện Nam! Đại Bồ Tát thân thức thanh tịnh không cấu nhiễm, có các chúng sinh làm việc sai trái, ta cũng hiện đến đó làm cho tà thuật này không còn tồn tại nữa. Hoặc cúng tế đất, nước, gió, lửa, ta cũng đến đó nói cho họ biết đó là không chân thật. Hoặc thấy ngoại đạo chủ trương sinh lên Phạm Thiên, ta cũng đến đó chỉ rõ cho họ khi phước hết sẽ trở lại chỗ cũ.

Hoặc có chúng sinh muốn sinh lên Cõi Trời Vô Sắc, sống trên đó một kiếp, tâm luôn chuyên nhất không gián đoạn, Lúc ấy, ta nhập chánh định nói cho họ biết sắc không có sắc, sắc không tự có, sắc của ta và sắc của người khác, người và ta đều không có hình sắc, là Vô Sắc thì đâu có ngã. Thức chẳng phải ngã, thức đâu có ngã, các pháp thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.

Bấy giờ, Bồ Tát Tối Thắng đến trước bạch Phật: Lành thay! Lành thay!

Thế Tôn nói: Lời dạy của Như Lai bằng pháp Như Lai tự chứng, không thể nghĩ bàn, chẳng phải A La Hán, Bích Chi Phật Đạt được.

Khi ấy, Tối Thắng liền bạch Phật: Vừa rồi Phật nói Vô Sắc, vậy Vô Sắc là thế nào?

Xin Thế Tôn từ mẫn diễn nói để dứt hết những sự nghi ngờ cho mọi người.

Phật bảo Tối Thắng: Lành thay, này Thiện Nam! Lắng nghe, ghi nhớ kỹ, ta sẽ nói về định Vô Sắc cho ông. Đó là Vô Sắc, chẳng phải có sắc. Sắc do bốn đại tạo, gọi là sắc, ở đó không có sắc này nên gọi là Vô Sắc.

Nói về sắc có năm do tứ đại tạo thành, vì không có hình sắc cho nên gọi là Vô Sắc, sắc thọ, sắc tưởng, sắc hành, sắc thức chẳng phải ngũ thông của phàm phu thấy được, chỉ có Đức Như Lai và Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ mới thấy được sắc ấy.

Phật bảo: Thiện nam! Bồ Tát Không thoái chuyển nương vào phương tiện thiện xảo, nhập vào định ý tam muội chánh định tịch tĩnh, đi khắp trên Cõi Trời Hữu tưởng, Vô tưởng giảng nói pháp vi diệu cho thức vi tế về không, vô tướng, vô nguyện, hiện sáu thân thọ pháp không sinh diệt, dần dần giảng đến cho họ pháp sinh, già, bệnh, chết, đó gọi là sinh.

Bào thai trong bụng mẹ, nằm dưới sinh tạng, ở trên thục tạng, bốn đại đầy đủ thì rời thai mẹ. Đời trước có nghiệp thiện như bơi trong ao, tắm mát và xem hoa. Nếu đời trước tích chứa điều ác như leo lên núi kiếm, nằm trên gai nhọn.

Ta sẽ diễn nói cho họ chỗ thần thức đi đến, ta, người, tuổi thọ, mạng sống cũng không thể bảo tồn lâu dài, ngay trong đó cứu vớt thần thức được thức tỉnh, đối với lúc bào thai mới thành hình, những loại như đây số không thể tính hết, ức ngàn nado tha ở trước Chư Phật hiện tại xuất hiện pháp đặc biệt sâu xa, thần thức mê mờ như cái lu bị nứt, không giữ được những lời dạy về chánh pháp.

Một kiếp hoặc ít hơn một kiếp thiêu, như vậy trải qua số ức trăm ngàn na do tha kiếp số thiêu, hoặc có một kiếp thì một Đức Phật ra đời, hoặc có một kiếp hai Đức Phật ra đời, hoặc có một kiếp trăm Phật, ngàn Phật, ức trăm ngàn Phật ra đời, cứ tính như vậy, sau đó họ mới lãnh thọ được chánh pháp, lại giảng nói về pháp già suy. Đó gọi là lão.

Các căn rời rã, da chùn, mặt nhăn, ưu sầu, rên rỉ, nhàm chán bệnh hoạn của tứ đại, tâm không còn sáng suốt, thân không còn trẻ khỏe, pháp này suy yếu không thể tồn tại lâu dài.

Lại nữa, nói về bốn đại: Đất, nước, gió, lửa chống nhau, tánh của đất hơn nước, tánh của nước hơn lửa, tánh của lửa hơn gió, chống nhau, tăng giảm liền sinh bệnh tật, hoặc sinh ghẻ lở vạn thứ bệnh dày vò, máu mủ chảy ra không thể nhìn lâu.

Thứ đến nói cho sự biến đổi vô thường, như bong bóng nước, cái sinh cái diệt, sinh tự sinh, diệt tự diệt, sinh không tự sinh, diệt không tự diệt, thần thức vô tướng, thì ngay nơi chỗ ấy, tùy nơi cảnh giới đi đến đều được chứng quả, được nhập Niết Bàn, vào cảnh giới Vô dư Niết Bàn.

Bồ Tát Tối Thắng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con vừa nghe Như Lai nói về bốn đại chống nhau, là nơi ở của thần thức, đất tăng nước giảm thì sinh ra bệnh, nước tăng lửa giảm thì sinh ra bệnh, lửa tăng gió giảm thì sinh ra bệnh. Lại nghe Phật nói gió tăng lửa giảm, lửa tăng nước giảm, nước tăng đất giảm, thức chẳng phải là bốn đại, bốn đại chẳng phải thức.

Nay nghe Phật nói: Một đại tăng thì ba đại bệnh, ba đại tăng thì một đại bệnh, bốn đại đều hòa thần thức mới an. Suy do bốn đại, chẳng phải do thức sinh.

Bạch Thế Tôn! Vì sao?

Bệnh do bốn đại hay do thức sinh ra?

Phật bảo Tối Thắng: Thức chẳng phải bốn đại, bốn đại chẳng phải thức, thức không lìa bốn đại, bốn đại không lìa thức, cho nên một đại tăng thì các đại khác bệnh, các đại tăng thì một đại bệnh, thức cũng theo đó mà suy giảm.

Lại hỏi: Vì bốn đại bệnh nên thần thức bệnh chăng?

Đáp: Thức do đại bệnh, đại do thức bệnh.

Hỏi: Thức do bốn đại mới hoạt động được, bỏ thân này qua đời khác thì bốn đại tự rã, thần thức nơi thân kia vì sao không giảm?

Phật bảo: Thiện Nam, lành thay, lành thay, ông ở trước Như Lai mới dám hỏi lời như thế. Ta sẽ nói rõ ràng tất cả cho ông. Thức không có hình tướng, nên không thể thấy được. Thức chẳng có, thức do bốn đại mà có.

Bốn đại tăng hết thì thức có bệnh, bệnh chẳng phải do bốn đại, do thức sinh ra, vạn bệnh tăng giảm đều do thức sinh. Từ khi phát tâm cho đến khi thành Phật, thần thức không bị cấu nhiễm, không do tứ đại tạo thành.

***