Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM HAI MƯƠI CHÍN

PHẨM TAM ĐỘC
 

Bấy giờ, Bồ Tát Nhu Thủ bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con nghe Như Lai nói bốn pháp môn về tuệ rất sâu, vi diệu, đạt được căn lực. Sự thực hành của Bồ Tát chẳng phải A La Hán, Bích Chi sánh kịp.

Xin hỏi Như Lai trong đời vị lai, bậc Sơ Thiền suy nghĩ quán về pháp bất tịnh, là quán tự thân mình bất tịnh hay quán thân người khác bất tịnh?

Phật bảo Nhu Thủ: Có Bồ Tát chưa đạt đến địa vị Bồ Tát bậc trên mà quán thân bất tịnh thì đạt được căn lực, hoặc quán thân mình và thân người. Lại dùng quyền tuệ quán thân cấu uế, máu mủ chảy ra, ngay nơi đó khai ngộ cho vô số chúng sinh, nhưng không lệ thuộc vào tâm tịnh vì biết rõ hết là không chân thật.

Lại nữa, này Nhu Thủ! Có Bồ Tát ở trong địa vị vị lai hướng đến trung gian nhưng chưa rõ về Sơ Thiền. Có Bồ Tát vượt qua vị lai, ở trong giai đoạn trung gian đó dùng quyền tuệ thiện xảo hướng đến tu tập Sơ Thiền.

Có Bồ Tát đã vượt qua địa vị trung gian của vị lai, tiếp tục tu tập Sơ Thiền, nhớ nghĩ thọ trì năm hạnh căn bản, đạt đến pháp Nhị Thiền. Hoặc có Bồ Tát xả bỏ giai đoạn trung gian của bốn thiền vị lai, từ Sơ Thiền, Nhị Thiền theo thứ tự tu hành an trú vào thiền căn bản thứ ba. Lại có Bồ Tát vượt qua Tam Thiền, lại bỏ bốn hạnh, tu tập thiền thứ tư.

Ở thiền thứ tư tư duy quán về pháp tánh bất tịnh. Có Bồ Tát không qua bảy định, đi thẳng vào diệt tận định. Có Bồ Tát nhập vào tam muội tịch tĩnh, quán khắp Thế Giới không có chúng sinh, ngã, nhân, thọ mạng, sinh diệt đều không thực có.

Có Bồ Tát an trụ một địa, thọ được quả vị Bồ Tát, phân biệt pháp ba độc dâm, nộ, si. Dùng quyền tuệ giáo hóa chúng sinh, có tâm vô minh hay có tâm sáng suốt, có tâm ái dục hay không có tâm ái dục, có tâm sân giận hay không có tâm sân giận, Bồ Tát đều biết rõ.

Tối Thắng nên biết! Đại Bồ Tát quán khắp các pháp không thấy sinh, không thấy diệt. Đối với các pháp không thấy cứu cánh, chẳng thấy không cứu cánh. Các câu hỏi như vậy là thanh tịnh.

Lại nữa, Tối Thắng! Đại Bồ Tát quán các triền phược, ngay trong đó cầu thanh tịnh, điều đáng hỏi thì nên hỏi, pháp này vắng lặng, an ổn, không biến đổi, sinh tử thanh tịnh, không thấy có cấu uế, đó là Đại Bồ Tát luận về pháp vô sinh. Vượt qua sinh tử, không thấy có vượt qua, đó là Bồ Tát luận về pháp vô sinh. Niết Bàn không hình, vắng lặng vô vi, đó là phù hợp với luận về pháp vô sinh.

Giả sử, Tối Thắng! Đối với các pháp trói buộc đều biết nó trở về không, chẳng thấy sinh tử, không thấy có người chứng đắc, không thấy giải thoát, chỗ sinh ra và diệt đi, không thấy thoát khỏi sinh tử, cũng không thấy Niết Bàn, đó là Bồ Tát luận về pháp vô sinh.

Lại nữa, Tối Thắng! Pháp bất tịnh làm nhân duyên tụ tán, đó là Bồ Tát luận về pháp vô sinh. Gần gũi bậc chứng đắc quả không thoái chuyển, dùng trí vô ngại biết rõ pháp không sinh, đó là Bồ Tát luận về pháp vô sinh.

Lại nữa, này Tối Thắng! Đại Bồ Tát biết nhân duyên hội họp, ly tán, chứng đắc không thoái chuyển, dùng trí vô ngại đoạn dứt ba cõi, đó là Bồ Tát luận về pháp vô sinh, mới gọi là không đoạn căn lành nới các pháp, biết thiện và bất tịnh, đây là pháp thế gian, đây là pháp xuất thế gian, đây là pháp ngại, đây là pháp vô ngại, đây là pháp hữu vi, đây là pháp vô vi, đây là pháp hữu lậu, đây là pháp vô lậu, đó là Bồ Tát luận về pháp vô sinh.

Thế nên, Tối Thắng! Tư duy phân biệt về hình tướng của Phật thì không có hình tướng, lại phân biệt vô số pháp tánh, tư duy về công đức của Thánh Chúng không lường được. Thứ đến tư duy về số lượng chúng sinh chẳng phải là một, lại phân biệt các cõi nước không giống nhau, dùng tâm nghĩ đến việc đó thì không thể xét được, đó là Bồ Tát luận về pháp vô sinh.

Lại nữa, Tối Thắng! Tất cả các pháp thảy đều thanh tịnh, tất cả các pháp đều không thanh tịnh, đó là Bồ Tát luận bàn về pháp vô sinh.

Tối Thắng bạch Phật: Luận bàn tất cả các pháp thanh tịnh là vô sinh, luận bàn tất cả các pháp không thanh tịnh như thế nào?

Phật bảo Tối Thắng: Các pháp là không có thức tưởng, không có kết quả của nghiệp. Do các thức tưởng cùng tương ưng với pháp, đó gọi là pháp thanh tịnh và pháp không thanh tịnh. Tất cả các pháp có vô số hình tướng.

Hoặc có các pháp khi chưa lìa niệm, liền cầu phương tiện làm tăng trưởng công đức, công đức ấy đã tăng trưởng thì đầy đủ các điều thiện, các điều thiện đã đầy đủ liền quán sổ tức nhập vào thiền định.

Đó gọi là pháp tịnh và pháp không thanh tịnh.

Tối Thắng lại hỏi: Bồ Tát quán xét các pháp làm tịnh và không tịnh như thế nào?

Đáp: Đối với cảnh giới, Bồ Tát hoàn toàn không còn dục, đối với ức vạn pháp đều biết nghĩa về định và không định.

Hỏi: Định là thanh tịnh hay là không thanh tịnh, không định chẳng phải thanh tịnh, có thể gọi là định và không định chăng?

Đáp: Có rất ít người hiểu về nghĩa định và không định.

Bạch Thế Tôn! Vì sao Bồ Tát hoàn toàn xa lìa vô dục, đối với ức vạn pháp biết định và không định, định là đạo, không định chẳng phải đạo?

Phật bảo: Đúng vậy! Đúng vậy! Như lời ông nói. Có thiện nam, thiện nữ nào đối với các pháp giới không biết đã định, đang định và chưa định thì đối các pháp cũng chưa hiểu, đã hiểu và đang hiểu.

Vì sao?

Vì trong Kinh Hương Lạc nói: Đối với các pháp đã định mà nghe không còn nghi ngờ thì có thể tiến tới không còn thoái lui, như pháp được nghe tu tập không quên. Đó là nghĩa của định và bất định.

Nếu có chúng sinh đối với nghĩa định và không định sinh nghi ngờ thì không thể từ địa vị này đến địa vị khác. Do không thể lần lượt đạt đến các quả vị nên không thể xa lìa sinh tử để mà trụ nơi pháp Niết Bàn.

Vì sao?

Vì Chư Phật Thế Tôn không xa lìa sinh tử, cũng không đạt đến Niết Bàn.

Phật bảo Tối Thắng: Chư Phật Thế Tôn thường không dạy vượt qua sinh tử, trụ trong Niết Bàn chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Lại hỏi: Ông có nghe Thế Tôn diễn nói về các pháp, đây là sinh tử, đây là Niết Bàn không?

Đáp: Không.

Phật dạy: Thế nên, này thiện nam! Chư Phật Thế Tôn không nói sinh tử là thấp kém, không nói Niết Bàn là tối thượng, chỉ vì thiện nam nên nói có sinh tử, Niết Bàn, nếu phân biệt có hai thì không thể xa lìa sinh tử để đạt đến bờ Niết Bàn.

Phật lại bảo Tối Thắng: đại bồ Tát từ không mà đến, không thấy chúng sinh và không tưởng về có chúng sinh, không thấy Niết Bàn và không tưởng có Niết Bàn.

Vì sao?

Vì không thấy xoay vần trong sinh tử, không thấy Niết Bàn, được sự diệt độ.

Bấy giờ, Bồ Tát Tối Thắng từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa áo bày vai phải quỳ gối chắp tay bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Lành thay! Lành thay! Như lời Phật dạy không có tướng chúng sinh và tướng Niết Bàn, nghĩa, Phật Pháp nói ra đều ứng hợp với sự thanh tịnh, không thấy sinh tử và Niết Bàn.

Lúc ấy, ngay tại chỗ ngồi có hai ngàn bảy trăm Tỳ Kheo tâm đã dứt hết các lậu hoặc, chứng được pháp vô sinh nhẫn.

Vì sao?

Vì đã hiểu rõ sinh tử và không sinh tử, hiểu rõ Niết Bàn là không Niết Bàn. Lại không nói có chúng sinh được độ, cũng không nói Niết Bàn hoàn toàn vắng lặng, hiểu rõ pháp tánh vốn không, chẳng có sinh tử, chẳng có Niết Bàn.

Khi đó, ngay tại chỗ ngồi có bảy trăm Tỳ Kheo lặng lẽ rời chỗ ngồi, đem theo y bát mà không biết vì sao họ nói riêng với nhau: Chúng ta cần gì phải thực hành những khó khăn này này, nỗi khổ này mà ngày đêm phải thường siêng năng tu tập phạm hạnh.

Có người nói: Niết Bàn không có diệt độ, cũng không có đạo thì làm sao có người thành đạo?

***