Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM HAI MƯƠI MỐT

PHẨM THỪA VÔ TƯỚNG
 

Bồ Tát Tối Thắng bạch Đức Phật: Đại Bồ Tát từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành Phật, làm thế nào để hiểu một tướng, không tướng?

Lại dùng không tướng để hiểu rõ một tướng?

Bồ Tát làm thế nào để dùng tâm thanh tịnh đi vào chỗ ái dục, rồi từ trong ái dục trở lại tâm thanh tịnh?

Đức Phật bảo Tối Thắng: Bồ Tát nương vào tâm không tướng thanh tịnh, thực hành phương tiện, đi khắp năm cõi mười phương Thế Giới, hoặc sinh vào Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới. Tuy ở trong Dục Giới mà không bị lệ thuộc vào các cõi, cùng với mọi người dùng pháp lạc để sống an vui.

Lại vào Cõi Sắc Giới cùng với Trời người chung ở cung điện, hoặc ở Phạm Thiên cùng Vua Phạm Thiên nói pháp Thừa vô tướng vi diệu, ở trong các Cõi Trời hoặc kinh hành, hoặc im lặng như Bậc Thánh, ở trong đó cao quý nhất không ai sánh bằng.

Lại nữa Tối Thắng! Bồ Tát ở trong cõi ấy thị hiện thuyết pháp vi diệu, dần dần giáo hóa được Chư Thiên thực hành chân đế, trừ bỏ tâm chấp trước sự thanh tịnh của Phạm Thiên, trú ở trong ấy hoặc trải qua trăm kiếp, cho đến trăm ngàn kiếp, lại từ Cõi Sắc sinh xuống Dục Giới, ở trong ấy thường thích vắng lặng, một mìn ở nơi rừng núi. Tuy ở trong loài người nhưng tâm ý luôn thiền định, hoặc có khi Bồ Tát hiện có gia đình, vợ con quyến thuộc, lại cùng với chúng sinh lập nghiệp ở đời.

Ở nơi chỗ cao sang thị hiện nghèo hèn, ở nơi nghèo hèn thị hiện sự tôn quý. Quán tâm chúng sinh nên cùng nhau chuyện trò, mọi cử chỉ không kiêu mạn cũng không tự ty. Sở dĩ như vậy vì hiểu rõ nguồn gốc thanh tịnh.

Lại nữa, Bồ Tát ở trong trăm ngàn Thiền định tam muội, nhờ oai thần tam muội quán xét Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, hiện thân tướng tốt đẹp, thần thông rực rỡ, dùng phương tiện quyền tuệ du hóa tự tại, tâm hợp với sự thanh tịnh mới gọi là vô tướng.

Đại Bồ Tát ứng hợp với định này mới mong cầu đạo thừa vô tướng, không tướng thấy sinh, không tướng thấy vô sinh, do không tu tập đạo cũng không có tướng đối với Bậc Thánh nên không có tướng của đạo, cũng không cầu tướng, cũng không cầu vô tướng, thấu rõ tướng của đạo là vô tướng, khi sinh liền sinh, khi dịet liền diệt, có hướng đến tướng của đạo, không tướng thì hành diệt, có tướng hành cũng diệt. Đó là tướng đạo của Bồ Tát. Đại Bồ Tát cũng không cầu tướng để làm tướng của đạo.

Vì sao?

Vì đạo tự không có tướng, không cầu vô tướng làm tướng của đạo, không thấy hòa hợp, phân tán dùng làm tướng của đạo, không thấy mười hai nhân duyên ngã, nhân, thọ, mạng. Từ vô minh có hành mà có tướng của đạo, lại cũng không thấy ngã, nhân, thọ, mạng. Từ vô minh có hành mà có tướng của đạo.

Vì sao?

Vì đạo tự vô tướng cũng không thấy tướng, không mong cầu sự sinh, để tìm cầu tướng của đạo. Biết rõ bốn đại là thân chẳng phải thân, là thường chẳng phải thường, là không chẳng phải không, là ngã chẳng phải ngã, lấy, bỏ, hợp, tan đều chẳng phải chân thật.

Đó là Đại Bồ Tát nên thích ứng như vậy, cũng không khác, chẳng phải không khác, không thấy khác cũng không thấy không khác, liền ứng với tướng đạo là vô tướng. Thân thiện, thân ác, thân ký, thân vô ký, thân hữu lậu, thân vô lậu, thân hữu vi, thân vô vi.

Thân thành, thân bại, hợp, tan, lấy, bỏ dùng tướng và tướng của đạo phân biệt đều là không, không thật có, như mộng, như ảnh, như tiếng vọng, như dợn nắng, chẳng phải thân rỗng không, cũng chẳng phải thân không rỗng không, chảng phải thân tướng, chẳng phải thân vô tướng. Chẳng phải thân nguyện.

Chẳng phải thân vô nguyện. Chẳng phải thân, cũng chẳng phải cùng vô dục tương ưng, chẳng phải không tương ưng, chẳng phải thân cũng không cùng với mười hai nhân duyên cũng không tương ưng, chẳng phải không tương ưng, mười hai nhân duyên cũng không tương ưng, chẳng phải không tương ưng, cho đến mười tám giới cũng như thế.

Pháp tánh như vậy không cùng với tướng đạo tương ưng, chẳng phải không tương ưng. Từ vô minh sinh ra ái cũng như vậy, không cùng tướng đạo tương ưng, chẳng phải không tương ưng.

Tất cả các pháp: Danh sắc, sáu nhập không cùng với tướng đạo tương ưng, cũng chẳng phải không tương ưng. Đại Bồ Tát nhập vào tam muội bất động diệt tận định ý, quán tưởng đạo cũng không cùng mười tám giới tương ưng, chẳng phải không tương ưng.

Pháp tánh không cùng với mười hai nhân duyên tương ưng, chẳng phải không tương ưng, các cấu uế phiền não vô cùng vô tận không thể nghĩ bàn, không cùng với tướng đạo tương ưng, chẳng phải không tương ưng, cho đến các tình của pháp giới không cùng mười hai nhân duyên tương ưng, chẳng phải không tương ưng.

Cho đến lão, tử và các pháp vô tham, sân, si không cùng với tướng đạo tương ưng, chẳng phải không tương ưng, hữu số, vô số, si không cùng với tướng đạo tương ưng, chẳng phải không tương ưng. Tướng đạo không hai, không cùng với hữu số, vô số tương ưng, cũng chẳng phải không tương ưng.

Đối với bậc nhất nghĩa đế, có thế tục, không thế tục, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, hữu ký, vô ký, pháp thiện, pháp ác, hoặc tốt, hoặc xấu, vì không hai hành chẳng phải không hai hành, không hủy hoại ý để mong cầu tướng đạo. Cầu tướng đạo không cùng với bậc nhất nghĩa thế tục, không thế tục, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, hữu ký, vô ký, pháp thiện, pháp ác, hoặc tốt, hoặc xấu mà cùng tương ưng, chẳng phải không tương ưng.

Lại nữa, Đại Bồ Tát đối với tướng, vô tướng của các pháp cũng không thấy tướng, chẳng phải không vô tướng. Đó là đạo vô tướng cũng không thấy tướng. Thế nên, tướng của đạo là vô tướng. Pháp tướng của vô tướng vắng lặng như hư không không tướng chẳng phải không có tướng, nên tương ưng với tướng này không có sự tương ưng.

Như vậy, Đại Bồ Tát chứng được định ý tướng đạo này thì đối với các pháp giới đều được tự tại. Khi nhập vào định này rồi liền thấy rõ trên mỗi lỗ chân lông của thân mình đều hiện ra vô lượng, vô biên không thể nghĩ bàn cõi nước của Chư Phật, đã hiện ra cõi nước rồi, lại hiện ra chúng đệ tử.

Bồ Tát khát ngưỡng nghe pháp, lắng nghe không nhàm chán, làm cho đại chúng kia thấy Đức Như Lai thân vàng ròng phóng ra vô lượng hào quang khắp cả Tam Thiên Đại Thiên cõi nước. Mỗi hào quang có vô lượng, vô số Cõi Phật. Trong mỗi Cõi Phật hiện ra tướng sắc thân của Phật, ở trước đại chúng diễn nói pháp lớn.

Người nghe ổn định, không xả bỏ tam muội định ý kim cang. Lại ở trong cõi ấy trải qua trăm ngàn ức kiếp qua lại giáo hóa, thị hiện quyền trí như không có quyền trí và không thấy đối tượng được giáo hóa bởi quyền trí.

Tuy ở trong cõi ấy, tâm giống như hình bóng, sóng nắng, ảnh trong gương nhưng tâm vị ấy không có ý niệm này: Kiếp số dài lâu vô cùng vô tận tìm mà không có sự khởi đầu, trong thời gian ấy sinh ra tâm lười biếng, cũng không nghĩ chúng sinh dễ giáo hóa. Ta trong một ngày một đêm giáo hóa hết thảy, hiện khắp hằng sa cõi nước Chư Phật trong ức ngàn vạn kiếp.

Trong sự giáo hóa của Chư Phật, ta là hơn hết. Đại Bồ Tát nhập vào định vô tướng đạo tánh như vậy, phân biệt từng lỗ chân lông trên thân thể, giáo hóa cùng khắp không mỏi mệt, mà không có người được giáo hóa. Đối với tham, sân, si cũng không tinh tấn siêng năng làm thanh tịnh Thế Giới ấy và đến nơi chúng hội của Như Lai không thấy dài, ngắn, không sinh ý niệm bất tịnh.

Vì sao?

Vì Đại Bồ Tát ở trong vô lượng pháp giới hàng phục tâm ý, nhẫn chịu các phiền não chưa từng tạo nghiệp, không cách ý nói được hành động của vị ấy, tinh tấn vô cùng, phân biệt hết thảy.

Định bất tư nghì, định vô đạo tướng, định chân tế tướng, một mà không hai, cũng không sai khác, làm cho chúng sinh ấy phân biệt tướng đạo, có thế tục, không thế tục, hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi, hữu ký, vô ký, hữu dục, vô dục không thấy cùng với tướng đạo tương ưng, cũng chẳng phải không tương ưng, tướng đạo không cùng với mười hai nhân duyên tương ưng, cũng chẳng phải không tương ưng.

Duyên vô minh có ái, sinh, lão, bệnh, tử cũng không tương ưng, mười hai nhân duyên không cùng với đạo tương ưng, cũng chẳng không tương ưng. Duyên vô minh có ái, sinh, lão, bệnh, tử không cùng với đạo tương ưng, cũng chẳng phải không tương ưng.

Như vậy Tối Thắng! Đại Bồ Tát đạt được định ý tướng đạo này thì không thấy tương ưng, cũng không thấy không tương ưng. Đó là Đại Bồ Tát với định ý tướng đạo tương ưng mà không có sự tương ưng, đối với định vô tướng cũng không thấy tương ưng. Đó là tương ưng mà không có sự tương ưng, chẳng phải chỗ có thể hiểu biết củA La Hán, Bích Chi.

Vì sao?

Vì chẳng phải là cảng giới của các vị ấy. Chư Phật Thế Tôn không thể nghĩ bàn, hội nhập vào tất cả Thế Giới nơi mười phương, hiện các tướng tốt, oai nghi cử chỉ, mười tám biến hóa, tam muội Sư Tử phấn tấn vô úy.

Này Tối Thắng! Đại Bồ Tát đầy đủ định ý tướng đạo của Như Lai, không xả bỏ định ý thệ nguyện vững chắc như kim cương vượt qua sự giáo hóa của Chư Phật mà không có sự giáo hóa, không thấy giáo hóa, cũng không thấy không giáo hóa.

Đại Bồ Tát nhất tâm trong một sát na ra khỏi tam muội, không bỏ những chúng sinh bị khổ não trong mười phương, đích thân đi đến bố thí bốn việc, y phục, thực phẩm, voi ngựa, bảy báu, giường chiếu, vật dụng, thuốc men trị bệnh, dùng trí tuệ quyền xảo điều phục tất cả, hoàn toàn vì chúng sinh không vì mình.

Từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác giáo hóa, xiển dương chánh pháp cùng khắp, hăng hái đi vào Cõi Phật, khiến cho chúng sinh ở các cõi ấy đều được giáo hóa. Đối với người không hiểu biết thì làm phát triển Phật sự, hiện bày nhất thiết trí.

Muốn cứu độ nơi nào liền hiện đến ngay nơi ấy theo ý nghĩa Đại Bồ Tát vào định ý tướng đạo này lại nhập vào tâm ý thức của chúng sinh trong hằng sa vô số các cõi nước của Chư Phật khắp mười phương, quán sát, nhớ nghĩ, phân biệt hạnh nghiệp đời trước của chúng sinh trong các đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Cõi Trời, người. Như vậy, Đại Bồ Tát trong một sát na có thể rõ hết các cõi của chúng sinh.

Hoặc có chúng sinh tu hành thiện đạo, tương ưng với định tướng đạo, cũng biết chúng sinh kia có tâm Tiểu Thừa, tâm bích Chi Phật, tâm Bồ Tát. Như vậy Đại Bồ Tát đi khắp Thế Giới Chư Phật lễ bái, thân cận Chư Phật Thế Tôn, làm thanh tịnh Cõi Phật, làm mãn nguyện cho chúng sinh.

Hoặc ở cõi Chư Phật, thấy các loài chúng sinh tham lam, keo kiệt liền thị hiện thực hành bố thí, ở các cõi đó dựng ngọn cờ bố thí lớn, bằng Phạm âm thanh tịnh bảo mọi người: Các vị nên biết! Ta là người bố thí tất cả mà không cầu báo đáp.

Nếu có người thiếu y phục, thực phẩm, thuốc thang chữa bệnh, giường chiếu, đồ nằm, cõi nước, tài sản, vợ con, voi ngựa, bảy báu thì Bồ Tát liền bố thí, từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành Phật trừ ba việc không bố thí, ngoài ra đều bố thí tất cả.

Ba thứ không bố thí là gì?

Một là cha.

Hai là mẹ.

Ba là Sư Trưởng.

Đó là sự tạo lập căn bản mà Bồ Tát ở trong Cõi Phật thực hành bố thí. Lại nữa, Đại Bồ Tát dùng phương tiện quyền xảo, đi đến hằng sa cõi nước mười phương, thấy chúng sinh lười biếng liền thị hiện thân trì giới, thực hành mười tám pháp, hoặc ở bên gốc cây, đồng trống, đất hoang, núi cao, hang sâu, rừng rậm, siêng năng hành trì giới luật không phạm giới pháp.

Hoặc ở trong nhân gian luông giữ gìn mọi oai nghi cử chỉ, ra vào, tới lui, đi đứng, nằm ngồi tâm thường cẩn thận, chưa bao giờ lìa xa giới luật, hiểu rõ giới cấm, hoàn toàn không sở hữu, sinh thì diệt, tất cả dều vô thường. Thân ta cùng thân người như nhau không khác, đạt đến thanh tịnh.

Từ địa này đến địa khác, cho đến địa thứ mười không thấy mười địa ngăn ngại, vượt qua mười địa không ngăn ngại, cũng như chim bay giữa hư không, không có dấu vết, hiểu rõ vạn pháp đều như hư không. Vật chẳng phải vật, chẳng phải vật cũng chẳng phải vật.

Đại Bồ Tát cũng như vậy, du hóa trong vô lượng Thế Giới Chư Phật, không bỏ tâm thệ nguyện kiên cố, rộng lớn, giúp đỡ tất cả chúng sinh lười biếng kia an trú vào trong định tướng đạo.

Lại nữa, Đại Bồ Tát dùng trí tuệ phương tiện đi đến hằng sa Cõi Phật khắp mười phương thấy chúng sinh lười biếng, thường sân hận, chưa bao giờ vui vẻ, Bồ Tát đối với chúng sinh ấy thị hiện thân nhẫn nhục. Nếu bị người khác chửi mắng thì Bồ Tát im lặng, không nói lại. Giả sử Bồ Tát có người chặt đứt tay chân Bồ Tát, hủy hoại thân hình nhưng tâm Bồ Tát không thay đổi, không nổi giận, giữ tâm bình thản như đất.

Quán thân này do tứ đại hợp thành, thần thức xa lìa, thân liền tan rã, có gì đáng quý đâu! Người trí phân biệt rõ nên chẳng tham tiếc chút nào. Như người mổ bò, phân làm bốn phần, biết rõ tất cả đều không thật có.

Cái gì là thân?

Thân là ai?

Hành tướng tên gọi đều không chân thật.

Hoặc có Bồ Tát nhân vào Thiền định thực hành nhẫn nhục, ở chỗ vắng vẽ không người, bên gốc cây ngồi ngay thẳng, nhất tâm suy nghĩ, người đi đường và kẻ chăn bò, gánh củi, vác cỏ, đi qua chỗ vị ấy, hoặc dùng cọng cỏ ngoái vào lỗ mũi, chích vào lỗ tai, Bồ Tát biết ngay, quán sát kỷ rồi, liền nhắm mắt lại, tâm vắng lặng, ý không loạn cũng không có tưởng khác.

Hoặc gặp người đi đường dùng ngói, đá đánh ném vào mắt, đầu bị thương, hủy hoại thân thể tâm thức của Bồ Tát cũng không lay chuyển, không khởi loạn động. Đó là Đại Bồ Tát nhân Thiền định thực hành nhẫn nhục độ thoát chúng sinh không thể nói hết.

Lại nữa, Bồ Tát dùng thần lực không thể nghĩ bàn đi đến hằng sa Cõi Phật khắp mười phương, thấy chúng sinh thường biếng nhác Bồ Tát đối với chúng sinh ấy hiện thân tinh tấn, dẫn dắt vào trong vô vi.

Khi ấy, Bồ Tát vì giáo hóa một chúng sinh mà trải qua trăm ngàn kiếp, tâm không mệt mỏi, cũng không nhàm chán.

Vì sao?

Vì đã thấu rõ pháp giới là rỗng không, không thật có, dùng đạo của Như Lai mà độ thoát cho họ. Tuy độ chúng sinh cũng không thấy độ, cũng không thấy không độ. Đó là Bồ Tát chuyên cần tinh tấn, tâm không lay chuyển cũng không tưởng niệm khác.

Trong thời gian ấy, chịu các khổ não, hoặc ở cõi nước vào thời kỳ kiếp thiêu, lửa cháy đến cõi Phạm Thiên, hoặc gặp nạn nước dâng đến cõi Phạm Thiên, hoặc gặp gió lớn thổi vào các cõi tan nát như bụi sương, Bồ Tát ở trong đó đem hết chúng sinh vào trong vô vi làm cho họ không còn lo sợ. Đó là Đại Bồ Tát ở trong hằng sa cõi nước tinh tấn tu tập không thiếu sót.

Lại nữa, Đại Bồ Tát dùng phương tiện quyền xảo vào trong hằng sa cõi nước khắp mười phương, thấy chúng sinh kia tâm loạn động không định, vì chúng sinh ấy BBồ Tát thị hiện thiền định, hoặc ngồi ở thôn xóm, bên gốc cây, trong rừng núi, hang sâu, hoặc trải qua trăm ngàn kiếp, tâm không nghĩ tưởng khác, hướng dẫn chúng sinh khiến tâm không loạn động. Bấy giờ, Bồ Tát nhập định lên đường, tam muội ấy gọi là vô hình tướng.

Người nhập vào định này trải qua một kiếp cho đến trăm ngàn kiếp, Trời đất tan rã, núi, sông, cây cối đều tan hoại, biển sông, suối, nguồn ngừng chảy, tất cả đều khô cạn, khi Bồ Tát đang ở trong định này thì tâm không biến động.

Thân cũng không tan rã, hoặc người chăn bò, gánh củi, vác cỏ, đi qua đó, hoặc dùng cọng cây châm vào mũi, chích vào lỗ tai, hoặc lấy tay vạch mắt mà nhìn, hoặc vạch miệng mà xem răng, hoặc nhổ tóc trên đầu nhưng không thể được, hoặc dùng dao bén cắt móng tay của Bồ Tát cũng không thể được.

Vì sao?

Vì định lực thần thông của Bồ Tát không ai có thể hủy hoại, được mười phương Chư Phật giúp thêm oai thần, khiến Bồ Tát này không bị khổ não. Đó là Đại Bồ Tát vào trong hằng sa cõi nước khắp mười phương, thấy tâm ý chúng sinh loạn động liền tự nhập định từ kiếp này đến kiếp khác không mỏi mệt.

Lại nữa, Đại Bồ Tát dùng phương tiện quyền xảo đến hằng sa Cõi Phật, thấy chúng sinh ngu si mê lầm, Bồ Tát vì họ thị hiện trí tuệ, phân biệt nghĩa lý, suy nghĩ việc đó hiện trong ba đời, vượt lên các địa, từ địa đến không địa, từ không địa đến địa, giống như chim bay không bị chướng ngại. Bồ Tát cũng như vậy, chẳng phải hình tướng là tướng, tướng chẳng phải là tướng, chẳng phải vật là vật, vật chẳng phải vật.

Thế nào chẳng phải hình tượng là hình tượng, hình tượng chẳng phải hình tượng?

Bấy giờ, Bồ Tát nhập vào định ý chánh thọ rộng lớn như hư không, quán sát Thế Giới phương khác, hoa quả, cây cối, đất đá, đều trống rỗng như hư không, không cũng hoàn toàn là không. Đại Bồ Tát cũng như vậy, tất cả Thế Giới đều như hư không. Đó là chẳng phải hình tượng là hình tượng, hình tượng chẳng phải hình tượng của Đại Bồ Tát.

Chẳng phải vật là vật cũng lại như vậy. Lại nhập vào các trí tự tại định ý chỉ bày chúng sinh trừ bỏ vọng tưởng me muội, tất cả đều được an ổn đến bờ giải thoát. Đó là Đại Bồ Tát đi đến vô lượng Thế Giới khắp mười phương xem xét tướng ngu si me hoặc của chúng sinh làm hiện ra ánh sáng trí tuệ, vĩnh viễn không còn tăm tối.

***