Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM HAI MƯƠI TÁM

PHẨM GIẢI TUỆ
 

Bấy giờ, Bồ Tát Tối Thắng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát giữ tâm vững chắc không thể hư hoại, Bồ Tát giữ tâm chân thật không bao giờ hư dối, Bồ Tát nhất tâm hướng về Phật Đạo không theo nhị thừa, Bồ Tát giữ gìn oai nghi không mất phép tắc, Bồ Tát giữ tâm thiền định không bỏ chánh định, Bồ Tát trụ nơi pháp của Chư Phật mà không thoái lui, Bồ Tát truyền bá giáo pháp không đoạn giống Phật như thế nào?

Phật bảo Tối Thắng: Lành thay! Lành thay! Ông ở trước Như Lai mới hỏi nghĩa này.

Ta sẽ giảng rõ ràng cho ông, ghi nhớ kỹ.

Bạch Thế Tôn! Con muốn được nghe.

Phật bảo Tối Thắng: Đại Bồ Tát tu hành bốn pháp, ý chí vững chắc không thể hư hoại.

Bốn pháp là:

1. Từ mẫn đối với chúng sinh như mẹ thương con.

2. Tăng thêm tinh tấn không biếng nhác.

3. Độ các chúng sinh như huyễn như hóa.

4. Đối với pháp của Chư Phật đều học tập tường tận.

Đó là Bồ Tát thực hành bốn pháp này thành tựu Phật Đạo chưa bao giờ thoái lui.

Bồ Tát nên tu hành bốn pháp, được vào định Hiền Thánh vắng lặng.

Bốn pháp là gì?

1. Hiểu rõ chúng sinh, nhưng không tưởng về chúng sinh.

2. Quán các thế gian nhưng tưởng về không đáng ưa.

3. Khen ngợi đại thừa, hoàn toàn xa lìa nhị thừa.

4. Đối với các khổ vui không có lệ thuộc.

Lại có bốn pháp là:

Một là giới.

Hai là văn.

Ba là thí.

Bốn là xuất ly.

Lại có bốn pháp thành tựu Phật Đạo, không còn nghi ngờ, không mất oai nghi.

Bốn pháp là:

1. Không lợi ích.

2. Không suy giảm.

3. Không chê.

4. Không khen.

Lại có bốn pháp tăng trưởng căn lành.

Bốn pháp là:

1. Dạy dỗ chúng sinh an trụ vào tín địa.

2. Ban cho mọi người mà không mong cầu báo đáp.

3. Thuyết pháp mà không tưởng về pháp.

4. Danh hiệu của Bồ Tát không thể xưng kể.

Lại có bốn pháp Bồ Tát phải thực hành từ Sơ Địa cho đến Thập Địa.

Bốn pháp là:

1. Phát khởi căn lành.

2. Trừ bỏ ngu si tăm tối, không ở chỗ tà.

3. Dùng quyền tuệ giáo hóa khắp nơi.

4. Giữ tâm tinh tấn dũng mãnh ngày càng tăng trưởng.

Lại có bốn pháp dùng phương tiện thiện xảo để đạt đến Phật Đạo.

Bốn pháp là:

1. Khuyến khích tà đạo trở về chánh đạo.

2. Giáo hóa người chưa giác ngộ hướng đến nẻo thiện.

3. Thuyết Pháp không hai, nhưng sự tiếp thâu thì có cao thấp.

4. Dùng Thánh tuệ của Phật Độ những người chưa độ.

Lại có bốn pháp để thành tựu oai nghi.

Bốn pháp là:

1. Không đắm nhiễm ba cõi, biết đó là khổ.

2. Ta và người khổ vui đều như nhau.

3. Thường thực hành nhẫn nhục, không khởi tâm ác.

4. Ở bậc trên không kiêu mạn, ở bậc dưới không hổ thẹn.

Lại có bốn pháp không bỏ tâm bồ đề.

Bốn pháp là:

1. Niệm công đức căn bản của Phật.

2. Ở giữa chúng sinh mà đạo tâm vẫn kiên cố.

3. Gần gũi bậc thiện tri thức không theo tà kiến.

4. Hướng lên đại thừa không tu theo tà kiến.

Lại có bốn pháp thích ở chỗ vắng lặng, không ở chỗ ồn náo.

Bốn pháp là:

1. Người theo Tiểu Thừa thì khiến đến Đại Thừa.

2. Lẽ ra thành Duyên Giác thì thành Phật Đạo.

3. Nghe pháp không nhàm chán, tâm bồ đề không đoạn.

4. Nghe pháp không có tiếc rẻ.

Lại có bốn pháp Bồ Tát thực hành.

Bốn pháp là:

1. Không khởi pháp nhẫn, biết rõ vô sinh.

2. Pháp nhẫn vô tận không có hạn lượng.

3. Pháp nhẫn nhân duyên trừ tâm Duyên Giác.

4. Pháp nhẫn vô trụ, biết rõ chúng sinh tâm không lệ thuộc.

Lại có bốn pháp trừ bỏ kết sử.

Bốn pháp là:

1. Tinh tấn nhất tâm quán bất tịnh.

2. Dứt bỏ nghiệp cũ, không tạo nghiệp mới.

3. Hiểu rõ các pháp không còn mê mờ.

4. Tâm luôn tự tại trong trăm ngàn tam muội.

Lại có bốn pháp đi vào trong bốn bộ chúng.

Bốn pháp là:

1. Thường làm theo pháp, không chấp ngã và ngã sở.

2. Tăng trưởng chí tôn trọng, tâm không buông lung.

3. Đối với các pháp lành tăng trưởng phước đức.

4. Xa lìa tiểu thừa, hướng đến đại thừa.

Lại có bốn pháp, pháp thí tài thí đạt đến vô vi.

Bốn pháp là:

1. Thọ pháp không sai lầm.

2. Không lệ thuộc theo tâm nguyện người khác.

3. Không tiếc thân mạng.

4. Tâm không thoái lui.

Lại có bốn pháp bố thí mà không nghĩ báo đáp.

Bốn pháp là:

1. Ta và người không có hình tướng, thảy đều là không.

2. Phải tu hành đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.

3. Hiểu rõ vô ngã do si ái sinh ra.

4. Đạo tánh không bờ bến, thích hợp với chân đạo.

Lại có bốn pháp độ người vô số.

Bốn pháp là:

1. Hiểu rõ dâm, nộ, si không có sinh diệt.

2. Thực hành từ bi cứu giúp khắp nơi không còn giận dữ.

3. Làm hưng thịnh các pháp.

4. Tuy ở trong năm trược mà không bỏ tâm Bồ Đề.

Lại có bốn pháp thành tựu gốc đạo.

Bốn pháp là:

1. Thường lấy việc bố thí làm đầu.

2. Khuyến khích người khác trừ bỏ tham lam keo kiết.

3. Thực hành hợp với pháp không, vô ngã và ngã sở.

4. Đối với giáo pháp sâu xa không còn nghi ngờ.

Lại có bốn pháp thiền định không loạn động.

Bốn pháp là:

1. Không chấp chúng sinh có hữu hạn hay không có hữu hạn.

2. Không thấy Cõi Phật có thanh tịnh hay không thanh tịnh.

3. Từ, bi, hỷ, xả phổ biến khắp Thế Giới.

4. Đầy đủ trí tuệ của Phật, không bỏ thệ nguyện.

Lại có bốn pháp ở nơi Đạo Tràng của Phật.

Bốn pháp là:

1. Nói lời hoan hỷ không làm tổn thương tâm người.

2. Theo lời thuyết pháp mà thực hành đúng đắn.

3. Hiểu rõ đạo hoặc phi đạo đều không có nơi chốn.

4. Có mong cầu hay không có mong cầu, nhận biết đều trở về không.

Đó là Bồ Tát thực hành hợp với pháp không, ở nơi pháp của Chư Phật mà tu đạo vô thượng.

Lúc giảng nói pháp này, có hai vạn hai ngàn Trời, người đều phát tâm Bồ Đề Vô Thượng chân chánh, có một vạn hai ngàn người ngay tại chỗ ngồi đắc được pháp vô sinh nhẫn, có vô số Thiên Tử khắp mười phương rải hoa cúng dường ngập đến đầu gối.

***