Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM MỘT

PHẨM HƯỚNG DẪN
 

Nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật trú tại vườn Nại Thị, thuộc thành Tỳ Xá Ly cùng với chúng Đại Tỳ Kheo tám vạn bốn ngàn người và mười vạn bốn ngàn Bồ Tát, đều là những Bậc Thánh Giả thông đạt tất cả.

Đắc được tổng trì, biện tài vô ngại, tam muội thường định, trí tuệ tự tại, thông hiểu mười hai duyên khởi, chứng pháp vô sinh nhẫn sâu xa, đi khắp năm cõi, quán sát dạy bảo, đem trí rộng lớn của Phật che chở chúng sinh, cứu độ tùy theo căn cơ, gìn giữ oai nghi, không mất phẩm chất.

Tên của mười vạn bốn ngàn vị Bồ Tát ấy là: Thường Tịnh, Bảo Tích, Bảo Sĩ, Bảo Ấn Thủ, Bảo Tạng, Thủ Ý, Chuyển Pháp Luân, Trừ Ấm Cái, Thí Liên Hoa Hạnh, Sư Tử, Nhật Quang, Kiến Chánh Phản Tà, Bất Trí Viễn, Vô Tổn Chí, Trì Địa, Trì Ma, Tạo Hóa, Thủy Quang, thí Tướng, Ứng Thanh, Kim Anh, Từ Thị, Nhu Thủ…

Bấy giờ, các vị Chủ thế gian, Tứ Thiên Vương, Thích Đề Hoàn Nhân, Chư Thiên Đao Lợi, Diệm Ma, Đâu Suất, Hóa Tự Tại, Tha Hóa Tự Tại, Phạm Thiên Vương bậc nhất cùng các chúng Phạm đều đến chỗ Phật. Chư Thiên, Rồng, Quỷ, Thần, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, nhân và phi nhân cũng đều đến vân tập. Vô số ức ngàn chúng như vậy vây quanh nghe Đức Như Lai nói pháp.

Thấy chỗ ở của mình bị rúng động, Ma Ba Tuần liền dẫn đồ chúng đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân rồi đứng qua một bên.

Trong kiếp hiền này, các vị Chánh Sĩ cũng đều đến vân tập chỗ Phật.

Khi ấy, Đức Như Lai dùng ánh sáng của tướng lưỡi chiếu khắp tam thiên đại thiên cõi nước.

Thấy ánh sáng ấy, mọi người đều nói với nhau: Hôm nay tại cõi nhẫn, Đức Phật Thích Ca Văn phóng ra ánh sáng lớn khắp cả mười phương.

Trong ánh sáng ấy, các bậc Bồ Tát cao hạnh nói như vậy: Đức Năng Nhân Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác ở Thế Giới Sa Ha phóng ra ánh sáng vi diệu, diễn nói mười ngàn Tam Muội cho các Bậc Đại Nhân. Đây chẳng phải là việc làm của hàng Duyên Giác, Thanh Văn. Chúng ta, mỗi người nên đem vật cúng dường đến cõi nhẫn ấy để dâng cúng, kính lễ, thân cận Đức Như Lai.

Về phương Đông, cách đây chín vạn hai ngàn cõi, có cõi nước tên là Thịnh diệu, Đức Phật Hiệu là Thù Thắng Như Lai. Hầu cận Đức Phật là Bồ Tát Chấp Chí, bậc Đại Sĩ thông tuệ, trụ không thoái chuyển.

Gặp được ánh sáng ấy, Bồ Tát như được thúc đẩy liền đến chỗ Đức Thắng Diệu Như Lai đảnh lễ, quỳ xuống bạch Phật: Kính thưa Thánh Giả! Con muốn đến cõi Nhẫn để vấn an, hầu thăm Đức Phật Thích Ca Văn và học hỏi những điều chưa được nghe.

Phật Thắng Diệu bảo: Này thiện nam! Nay thật đúng thời, ông nên đi, chớ nghi.

Đức Phật lại dặn Bồ Tát Chấp Chí: Đến cõi nhẫn, ông nên thực hành năm mươi lăm việc, luôn phải ghi nhớ, chớ để quên mất.

Năm mươi lăm việc là: Bình đẳng đối với người bố thí và không bố thí. Bình đẳng đối với người trì giới và phạm giới. Bình đẳng đối với người nhẫn nhục và không nhẫn nhục. Bình đẳng đối với người tinh tấn và không tinh tấn.

Bình đẳng đối với người thiền định và tâm loạn. Bình đẳng đối với người trí sáng và ngu tối. Bình đẳng đối với người thân và kẻ oán. Bị mắng chửi cũng xem như không. Không phân biệt ba thừa. Cũng không có các tưởng phân biệt khác. Không thấy thiện, cũng không thấy ác. Không thấy Cõi Phật là tịnh, cũng không thấy Cõi Phật là bất tịnh. Nếu thấy chúng sinh đọa vào đường ác thì không kinh sợ.

Nên xem các bậc thượng sĩ như Đức Thế Tôn. Tâm thường nhất như, không có hai. Nếu thấy có kẻ giết hại, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời thêu dệt, say rượu, mê loạn, ganh ghét, sân hận, ngu si, tranh giành lẫn nhau, tâm tưởng tà kiến, vô thường cho là thường thì đều xem như nhau, tâm không tăng giảm. Chớ thấy mình giữ giới đầy đủ, hưởng phước tốt đẹp. Chớ cho mình bố thí, được phước báo lớn.

Cũng chớ cho: Nay tuổi thọ của ta tăng thêm vô lượng. Cũng chớ cho thân tướng của ta là tốt đẹp, nhẹ nhàng, được dạy dỗ đặc biệt, còn bọn phàm phu kia thì thấp kém, nhơ xấu. Trừ bỏ bảy mạn, mười hai vô úy. Đây là năm mươi lăm việc Bồ Tát nên nhớ tu hành.

Phật dạy Chấp Chí: Này Chấp Chí! thiện nam, thiện nữ nào tâm ý thanh tịnh, trụ hẳn trong định thì có thể đến cõi ấy. Giả sử người giữ gìn phạm hạnh ở cõi ta đến trăm ngàn kiếp, cũng không bằng giữ tâm bình đẳng trong khoảng khảy móng tay ở Thế Giới Sa Ha. Việc làm này hơn trước gấp ngàn vạn lần.

Khi ấy, năm vạn Bồ Tát đều phát thệ nguyện: Chúng con đầy đủ tâm ý thanh tịnh, nguyện làm hộ vệ cho Bồ Tát Chấp Chí đến hầu thăm Đức Năng Nhân Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác.

Nhanh như khoảng thời gian lực sĩ co duỗi cánh tay, Bồ Tát Chấp Chí cùng năm vạn Bồ Tát bỗng nhiên ẩn mất ở Thế Giới mình, xuất hiện ở Thế Giới Nhẫn, hầu thăm Đức Năng Nhân, cung kính đảnh lễ, lui đứng một bên.

Bấy giờ, nhìn thấy chúng hội đã ngồi ổn định, Đức Thế Tôn bảo bốn bộ chúng: Các ông có thấy Bồ Tát Chấp Chí?

Chúng đáp: Dạ thấy, thưa Thế Tôn.

Phật dạy: Này các thiện nam! Bậc Đại Sĩ này siêu việt ba cõi, hiểu biết sâu xa, biện tài thông đạt, từ bi vô lượng, thần túc biến hóa, dạy đạo, khuyên người tinh tấn, đi khắp nơi làm nhiều lợi ích.

Lúc đó, ở trên tòa, Bồ Tát Tối Thắng nương oai thần của Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân rồi thưa: Bạch Đức Thiện Thệ! Con căn tánh ngu si, có điều muốn hỏi, nếu được Đức Thiện Thệ cho phép, con sẽ trình bày.

Phật bảo Tối Thắng: Ông cứ tự nhiên hỏi, Như Lai sẽ giải thích cho.

Được Phật cho phép, Bồ Tát Tối Thắng liền hỏi: Bạch Thế Tôn! Như Lai Chí Chân nhập Tam Muội gì mà phóng ra ánh sáng hơn cả mặt trời, mặt trăng?

Nếu có chúng sinh thấy ánh sáng ấy thì chắc chắn mọi sở nguyện đều sẽ được như ý, không mất thiện căn.

Đây là thần thông gì mà biến hóa vi diệu vậy?

Phật bảo Tối Thắng: Điều ông hỏi rất hay, oai lực ánh sáng, lời dạy của Như Lai đã khai hóa, tiếp độ chúng sinh nhiều nơi. Như Lai tùy nghi nhập ức trăm ngàn tam muội, đến khắp vô lượng Cõi Phật nhiều hơn số cát Sông Hằng. Như Lai quán sát, biết rõ đầy đủ vô số triệu triệu căn tánh, tâm hành của chúng sinh như dâm dục, sân hận, ngu si, hung bạo, tự thị, cống cao, phóng dật.

Tối Thắng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành Phật, ở địa thứ nhất, địa thứ hai, cho đến địa thứ mười, đoạn diệt bao nhiêu kết sử, tiêu trừ bao nhiêu trần cấu?

Bồ Tát hiểu rõ trong và ngoài thân vô sinh như thế nào?

Bồ Tát tự xưng là bố thí rộng mà không trừ sự đoạn diệt như thế nào?

Bồ Tát thực hành giới đầy đủ, chẳng bao giờ phạm, cũng chẳng hủy phá giới để khỏi thoái chuyển như thế nào?

Thế nào là Bồ Tát chỉ nói nhẫn mà không thực hành, nên trở lại làm hạnh phàm phu?

Thế nào là Bồ Tát chuyên cần tinh tấn, không biếng nhác mà có nghiệp kiêu mạn, lười biếng tích tập từ xưa?

Thế nào là Bồ Tát nhập pháp định ý, cho dù thiên lôi chấn động nhưng tâm cũng không tán loạn?

Bồ Tát mới phát tâm tu hành không để gián đoạn như thế nào?

Bồ Tát biết sự an ổn không thể bỏ như thế nào?

tâm bồ Tát độc tôn siêu việt khác chúng như thế nào?

Thế nào là chỗ hướng tâm của Bồ Tát không ai có thể biết?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tối Thắng: Hay thay, hay thay! Những điều ông hỏi thật là lợi ích, thật là sâu sắc. Nay ta sẽ diễn nói nghĩa ấy cho ông. Việc làm của Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn, trí tuệ vô biên không ai có thể bằng, nên mới có thể phát tâm, rống tiếng Sư Tử ở trước Đức Như Lai. Ông hãy lắng nghe, khéo ghi nhớ kỹ.

Tối Thắng liền thưa: Vâng, con xin ghi nhận.

Phật dạy: Bồ Tát phát tâm cầu đạo vô thượng, trước phải đoạn trừ tà kiến, thân kiến, giới thủ, có trí hiểu rõ khổ đế, phát khởi chí nguyện, giữ giới đầy đủ, luôn tự quán xét việc làm của mình, nguyện lìa xa việc phàm tục. Vì tánh năm ấm chẳng thể thủ đắc nên đạo cũng chẳng thể thủ đắc. Vậy làm sao ngoại đạo có thể dựa vào sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà độ thoát chúng sinh được.

Này Tối Thắng! Hạnh quán năm ấm cũng không, hạnh quán chúng sinh cũng không, cũng lại không thấy có người để độ. Giáo pháp ấy không thể nêu bày, chẳng phải hàng La Hán, Bích Chi Phật Đạt được.

Bồ Tát Tối Thắng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chẳng từ hạnh quán năm ấm là không mà được đạo, chẳng từ hạnh quán chúng sinh là không mà được đạo.

Vậy có thể từ pháp tứ cấm mà được đạo chăng?

Đức Phật dạy: Chẳng phải vậy.

Tối Thắng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu không từ bốn pháp ấy mà được, thì có thể từ pháp không mà được chăng?

Đức Phật dạy: Chẳng phải vậy.

Bồ Tát Tối Thắng lại thưa: Chẳng từ pháp không, chẳng từ bốn việc mà được đạo.

Vậy hôm nay Như Lai và đại chúng chẳng thành đạo vô thượng, cũng chẳng được phước báo sao?

Phật dạy: Việc thành đạo Vô thượng chỉ cần không trụ vào tánh có, cũng không trụ vào tánh không, là thành Đẳng Chánh Giác.

Tối Thắng bạch Phật: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Pháp nội, ngoại. Thiện, ác. Hữu lậu, vô lậu. Hữu vi, vô vi.

Tên gọi các pháp của Như Lai nói là gì?

Làm sao dùng danh tự, tư tưởng đó để dạy bảo cho tất cả chúng sinh?

Phật dạy: Này thiện nam! Hành không có danh, cũng không có tưởng niệm, chẳng thấy hai pháp ra vào, đến đi, lên xuống nên gọi là nhất thiết trí. Bồ Tát nên dùng mười pháp để biết rõ việc của mười Địa. Mười pháp là khổ, tập, diệt, đạo đế, diệt tận vô sinh, tự biết thân mình và người khác, biết sáu phái ngoại đạo và sáu mươi hai tà kiến đều hư rỗng.

Khi hành pháp này, Bồ Tát sẽ trừ được hữu tích và vô tích.

Trừ hữu tích và vô tích như thế nào?

Đạo là tích, phi đạo là vô tích. Đến đi là tích, không đến đi là vô tích. Bồ Tát nên nhớ tu các trụ địa, đoạn trừ hành khổ, lửa dâm dục, độc sân hận, gai ngu si. Phát tâm từ bi khắp cả bốn phương, tuy có tâm thương nhưng ý không có tưởng.

Chẳng vì mình mà làm việc bố thí, thí cho tất cả chúng sinh mà không có nuối tiếc. Làm việc bố thí, Bồ Tát không thấy mình cho, cũng không thấy người nhận và tài vật thí. Nhớ giao tiếp với người hiền thiện.

Thường khiêm cung, không cống cao. Khi nói pháp, Bồ Tát không thấy có pháp, vượt ra chỗ nói pháp và không có tưởng về pháp. Ngày Bồ Tát xuất gia là cắt đứt ái dục, dùng pháp hoàn toàn không để đoạn trừ sự luyến ái, cầu đạo thành Phật, không lệ thuộc vào tướng đẹp.

Cũng chớ cho: Ta được đạo trước, còn người kia thành đạo sau.

Bồ Tát truyền bá giáo pháp, chứ chẳng bao giờ hủy hoại pháp, luôn hướng đến đạo quả, không bị dục trần lôi kéo, thường nhớ nghĩ diệt trừ tâm cống cao, chẳng cầu phước báo và tài vật quý để tự dùng riêng.

Bồ Tát đã ghi nhận lời nói chân thật thì không còn tưởng về ngôn ngữ đó. Xem thân như hư không, nhưng không tưởng chấp không. Đó là Bồ Tát thành tựu tích địa thứ nhất thanh tịnh bằng khổ trí.

Lại nữa, với sự hiểu rõ khổ, tập, Bồ Tát thực hành trăm ngàn thiền định. Nếu muốn được định ý tam muội như tâm Phật thì chẳng thể dùng sắc tướng, vẻ đẹp, hành động theo thói quen mà đạt đến trụ thứ nhất. Bồ Tát cũng chẳng nên hy vọng làm thì có kết quả như vậy, không làm thì không có kết quả như vậy.

Do thường biết vậy, nên không nhớ quá khứ, chẳng lo nghĩ vị lai, chẳng nghĩ hiện tại và cảnh giới tái sinh. Chẳng từ năm ấm, sáu trần, cũng chẳng lìa năm ấm sáu trần mà được pháp này. Nên tư duy chỗ sinh diệt của sáu vô căn bản.

Sáu vô căn bản là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Lại nên biết rõ chỗ sinh khởi của sáu trần, quán sát biết rõ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Cũng lại chẳng bằng sự thấy, nghe, nhớ, biết của tâm, ý, thức mà được trụ địa thứ nhất thanh tịnh.

Chẳng dùng pháp sinh diệt hư vọng, tưởng thường còn mà được địa thứ nhất thanh tịnh. Chẳng do không chánh, không tà, không tạo tác, ý bình đẳng, dứt sự tìm cầu, chẳng có thị phi mà được trụ địa thanh tịnh.

Cũng chẳng từ một, hai, ba, bốn, cho đến trăm ngàn định ý, cũng chẳng lìa trăm ngàn định ý mà được trụ địa thanh tịnh. Chẳng vì tâm ý hiểu rõ trong ngoài các niệm vọng tưởng, việc phải trái, cũng chẳng vì hiểu rõ sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà được trụ địa thanh tịnh.

Cũng chẳng thể dùng giới văn, định ý, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, mười lực vô biên, bốn vô sở úy, mười tám pháp căn bản quý báu của Chư Phật, ý tưởng, tri kiến, ngã tưởng, vô ngã tưởng, chỗ sinh diệt của năm ấm, sáu trần, cũng không có chỗ trụ, cũng không có chỗ không trụ mà được trụ địa thanh tịnh.

Đó gọi là trụ địa thanh tịnh thứ nhất của Bồ Tát. Trụ địa này chẳng phải là chỗ trú của sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Cũng chẳng phải là chỗ ở của mắt và sắc, tai và tiếng, mũi và mùi, lưỡi và vị, thân và xúc.

Vì sao?

Vì mắt chẳng thể tự thấy được các tướng, hiểu pháp không sinh, không diệt, vô thỉ vô chung. Đây gọi là Bồ Tát được thanh tịnh nơi quả vị ở hàng Sơ Địa, thành tựu đầy đủ đạo tuệ, làm đúng những điều Như Lai đã dạy. Khi nhớ nghĩ những điều ấy, thì liền hiểu ngay, có thể dạy cho người khác đọc tụng và có khả năng thông suốt toàn bộ pháp tạng thâm yếu của Chư Phật.

Phật bảo Tối Thắng: Này thiện nam! Bồ Tát nên hành đủ sáu độ vô cực, xả bỏ thân tướng, không có tham cầu, chẳng sinh ba niệm chấp trước pháp, đây gọi là thí độ vô cực. Muốn biết sự tận cùng không lệ thuộc vào thân Phật, thì Bồ Tát phải thông đạt pháp không, đây gọi là trì giới độ vô cực.

Chẳng tự cho rằng ta thành tựu ba mươi hai tướng tốt, hiểu rõ các pháp chỉ là giả danh bằng văn tự, tướng mạo, trụ pháp bất sinh, đây gọi là nhẫn độ vô cực. Quán rõ sự hoạt động của tất cả pháp, cũng không nghe, không thấy, không thực hành theo pháp đạo sĩ. Thấy điều thiện chẳng vui, gặp việc ác cũng chẳng buồn, ý vượt qua thân sơ, đây gọi là tấn độ vô cực.

Tâm chẳng khởi niệm làm cho loạn tưởng, tự giữ vắng lặng, ý thức an định, đây gọi là thiền độ vô cực. Hiểu rõ tướng sắc không, phá bỏ sắc không, cũng chẳng tự cao, chẳng tự đại, thông hiểu tướng các pháp chỉ là một, cũng chẳng phải một, đây gọi là trí độ vô cực. Bồ Tát dùng phương tiện quyền xảo cứu độ chúng sinh một cách thích hợp, khiến cho không còn sót một ai.

Này Tối Thắng! Hàng Bồ Tát phát tâm ở bậc Sơ Địa, tu hành bằng pháp trí khổ Thánh đế, nên được đầy đủ các tam muội, các Đà Lân Ni, trí tuệ tự tại.

Lại nữa, Bồ Tát trụ ở Cõi Dục được mười ngàn tam muội này, nên dùng phước báo của khổ trí, đẳng trí để hiểu rõ mười pháp: Tham dục, sân hận, kiêu mạn, ngu si, hoài nghi, thân kiến, tà kiến, nội kiến, giới kiến, đạo kiến.

Biết rõ mười pháp như vậy rồi, Bồ Tát nên trừ sạch, chớ để sinh trở lại. Ở Cõi Sắc và Vô Sắc, Bồ Tát lại dùng khổ trí và đẳng trí để hiểu rõ mười tám kết sử. Tuy hiểu rõ như vậy, nhưng không phá hủy, cũng không làm cho tăng trưởng.

Này Tối Thắng! Ông nên biết! Hàng sơ học phát ý trụ ở Cõi Dục, Sắc và Vô Sắc Giới dùng tập nghĩa, đẳng nghĩa để tư duy, diệt tận mười chín nạn oán đối, tai hoạn tang thương, phiền não kết sử.

Ở trong ba cõi, Bồ Tát quán sát mười chín pháp mê muội, hai mươi hai đạo trong ba cõi, cũng nên tư duy trọn vẹn về ba mươi bốn Thánh ý vô lậu, đủ các công đức, quán vô thường, khổ, không, vô ngã, hiểu pháp không hai. Bồ Tát tu như thế thì được hạnh thanh tịnh ở địa thứ hai.

***