Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM MƯỜI BẢY

PHẨM TÀI BIỆN LUẬN
 

Bấy giờ, Bồ Tát Tối Thắng bạch Phật: Thế nào là Bồ Tát đầy đủ các đức để đáp ứng những ham muốn của chúng sinh, khiến họ được đầy đủ tất cả, không còn mong cầu gì nữa?

Đức Phật bảo Bồ Tát Tối Thắng: Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, ta sẽ phân biệt rõ ràng cho ông. Từ khi mới phát tâm đến khi thành Phật, Bồ Tát phải làm trang nghiêm thanh tịnh Đạo Tràng, phóng sánh sáng lớn chiếu soi cảnh giới của mình và làm cho những chốn tối tăm đều được có ánh sáng ấy. Những ai thấy được ánh sáng này thì tâm không còn lo âu, sợ hãi.

Không bị các hoạn nạn. Tâm chẳng những rất mạnh mẽ mà còn luôn luôn hoan hỷ, làm tăng trưởng các công đức, không bỏ hạnh thanh tịnh, tự thanh tịnh đức hạnh để tu đạo vô thượng, làm cho các hạnh nghiệp công đức không thể cùng tận và trí tuệ thì vô bờ bến.

Pháp thực hành của Bồ Tát cũng là hạnh không giới hạn, thừa Bồ Tát thẳm sâu không đáy, cảnh giới của Bồ Tát là không thể nghĩ bàn, La Hán và Bích Chi Phật không thể suy lường được.

Sự hóa độ của Bồ Tát lại không ngằn mé, Bồ Tát thành tựu các đức không giới hạn, tu hành thanh tịnh không bỏ thệ nguyện rộng lớn và đi trên con đường giải thoát để chỉ dạy đạo pháp. Muốn bàn luận về các pháp của Bồ Tát dù chỉ một phần nhỏ như đầu sợi lông cũng không thể được. Đại Bồ Tát trải qua vô số kiếp được làm Bồ Tát, sau đó mới thành tựu đạo Bồ Tát.

Người nào đến gần gũi, phụng sự Bồ Tát thì được thỏa mãn mọi ước nguyện, được khuyên phát tâm và thành tựu oai đức như Bồ Tát, tiếng lành lan xa, những người nghe tiếng tốt của người này đều đến phụng sự, hộ vệ, cúng dường để làm ruộng phước tốt lành cho đời sau. Nếu chúng sinh nào nhìn thấy Bồ Tát, họ liền được Bồ Tát giảng nói pháp về trí tuệ vô thượng, nghe pháp không thấy nhàm chán, ban bố ánh sáng trí tuệ cho mọi người mà vẫn không mất pháp tánh.

Vì sao?

Vì chúng sinh nghe pháp, tiếp nhận lời dạy chân chánh, trí tuệ được tăng trưởng nên ban bố và tuyên thuyết những lời giáo huấn chân chánh không bao giờ cạn dứt. Đại Bồ Tát an trú trong tam muội này có thể ban phát các công đức lành cho khắp tất cả. Bằng tâm ý rộng lớn vô lượng vô hạn không thể tính kể, tùy theo các duyên đối với mỗi ý, Bồ Tát nhập vào định tam muội rồi lại xuất định, tự tỉnh giác, quán sát về pháp tánh.

Nhờ tam muội này mà biết được cảnh giới của các tam muội, như: tam muội phân biệt vô số, tam muội ý định tĩnh quán sát, tam muội quán sát rộng rãi khắp nơi, tam muội quán sát không tham dục, tam muội quán sát về tướng, tam muội quán sát sự biểu hiện, tam muội quán sát về oai nghi.

Tam muội quán sát về sự nương tựa, tam muội quán sát về niệm, tam muội quán sát về sự đối đãi, tam muội quán sát về hỷ, tam muội quán sát về sự an ổn, tam muội quán sát về sự phòng hộ, tam muội quán sát về con đường giải thoát. Các tam muội phát sinh hay chưa phát sinh đều xả bỏ hết, tuy ở trong pháp lạc của thiền định nhưng cũng không dính mắc trong định.

Tối Thắng nên biết! Giống như cung điện của đại Long Vương A Nậu Đạt do bảy báu làm thành, suối A Nậu Đạt là nơi bắt nguồn của bốn sông lớn, nơi bốn cửa sông nước chảy cuồn cuộn mà không làm cỏ cây bị hư hại, nước suối trong suốt như hư không. Lúc ấy, từ bốn cửa, bốn con sông chảy ra bốn phương, rồi đều đổ vào biển cả.

Bốn con sông ấy gồm: Thứ nhất Sông Hằng Già, chảy ra từ miệng voi, thứ hai sông Tư Đầu chảy ra từ miệng Sư Tử, thứ ba sông Tư Đà chảy ra từ miệng bò, thứ tư sông Bà Xoa chảy ra từ miệng ngựa. Bốn con sông lớn này từ bốn miệng chảy ra bốn phương rồi đều đổ về biển cả.

Nước Sông Hằng Già chảy ra từ thân voi bằng ngọc báu xa cừ. Nước Sông Tư Đầu chảy ra từ thân Sư Tử bằng kim cương. Nước Sông Tư đà chảy ra từ thân bò bằng mã não. Nước Sông Bà Xoa chảy ra từ thân ngựa bằng lưu ly xanh.

Bốn loại châu báu ấy đều là châu báu Cõi Trời, không phải ở cõi người. Bốn con sông lớn này, lúc ban đầu mỗi sông đều rộng một do tuần, mà nước chảy rất yên lặng. Mỗi sông lón đều chảy quanh về bên phải suối thần bảy vòng rồi mới đổ vào biển.

Khoảng cách giữa bảy vòng ấy cách nhau một do tuần, giữa những khoảng này lại mọc lên vô số hoa sen đủ màu sắc như hoa sen Ưu Bát, hoa Bát Đầu Mâu, hoa Tu Kiền Đề. Trong những hoa ấy lại có nhiều loại châu báu. Lại có nhiều loại hương xông thượng hạng có mùi thơm kỳ diệu.

Nhiều loại châu báu đều chiếu sáng nhau, những người nhìn thấy không biết nhàm chán. Nhiều loại châu báu kỳ lạ, quý hiếm hiện bày trong khoảng một do tuần đều chiếu sáng nhau, như ngọc ma ni chỗ nào cũng chiếu sáng. Trong bảy vòng ấy lại có nhiều loại chim lạ, tiếng hót véo von, rộn vui thánh thót. Lại có hàng trăm loại cỏ cây thần dược, hương thơm theo gió lan tỏa khắp các dòng sông.

Cung điện A Nậu Đạt và nhà cửa bốn phía Đông Tây nam Bắc khoảng năm mươi do tuần toàn trang trí bằng bảy loại châu báu xen lẫn nhiều loại ngọc ma ni với đủ màu sắc. Lại có rất nhiều loại ngọc ma ni được treo trong hư không để làm mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Ở đó dùng gỗ Ngưu đầu chiên đàn làm củi đốt.

Trong cung điện này, mỗi ngày rưới xuống ba lần các loại hoa thơm như: Hoa sen Ưu Bát, hoa Câu Mâu Đầu, hoa Phân Đà Lợi, hoa Tu Kiền Đề, hoa Mãn Nguyện Kiền Đề. Ánh sáng của các loại châu báu làm thành cung điện phản chiếu lẫn nhau tỏa sáng rực rỡ.

Như hồ A Nậu Đạt là nơi bốn con sông lớn bắt nguồn rồi đổ về biển cả, Đại Bồ Tát cũng vậy, đạt được bốn sông biện tài vô ngại, phân biệt bốn đạo để quay về biển trí.

Như Sông Hằng Già từ miệng của con voi có thân bằng xa cừ chảy về biển, Đại Bồ Tát cũng vậy, từ miệng các pháp lành phát ra vô số ý nghĩa, thông tỏ kho tàng bí mật của Như Lai để giảng nói ý nghĩa sâu xa, làm cho các pháp đều có tên gọi, ban bố pháp vị, thắp lên ánh sáng trí tuệ, khiến cho tất cả chúng sinh đều được trở về biển trí không bờ bến.

Ví như sông Tư đầu từ miệng của con Sư Tử có thân bằng kim cương đổ về biển cả, Đại Bồ Tát cũng vậy, diễn nói chánh pháp, ngồi tòa Kim cang như Phật, hộ trì chúng sinh khiến họ đều được soi sáng, giữ trí bền chắc như kim cương, vào biển vô ngại.

Ví như sông Tư Đà từ miệng của con bò có thân bằng mã não rồi chảy về biển cả, Đại Bồ Tát cũng vậy, giảng pháp thông suốt, mọi điều nghi ngờ đều được sáng tỏ, cũng khiến cho chúng sinh không còn tranh cãi, tùy theo căn cơ của họ mà giảng giải các nghĩa lý, làm cho tất chúng sinh đều được thuần thục các hạnh và đều quay về biển, không còn vướng mắc các duyên.

Ví như sông Bà Xoa từ miệng của con ngựa có thân bằng lưu ly xanh chảy về biển cả, Đại Bồ Tát cũng vậy, đại biện tài vô ngại, tư duy và thị hiện các pháp trong trăm ngàn ức kiếp mà không khi nào cùng tận. Giữ gìn làm tăng trưởng các pháp lành, đạt đến chánh đạo, khiến cho những người giữ giới đều được quay về biển Phật Đồng một vị.

Giống như bốn con sông lớn chảy quanh về bên phải hồ A nậu đạt bảy vòng, chảy ra bốn phương rồi đổ về bốn biển, Đại Bồ Tát cũng vậy, thân miệng và ý hành đều thành tựu không còn sai trái, chí nguyện tu hành luôn lấy trí tuệ làm đầu.

Lại như bốn con sông chảy ra bốn phương rồi đổ về bốn biển, Đại Bồ Tát cũng vậy, nương vào bốn biện tài trí tuệ, hướng đến bốn phương, ở đó Bồ Tát nên quán sát những nơi mà tất cả Chư Phật an trú để phụng sự và cung kính lễ lạy theo đúng oai nghi.

Bồ Tát lại hiện ra ánh sáng pháp rực rỡ của tất cả Chư Phật, giữ gìn pháp tổng trì không để quên mất, lại hiện bày trí tuệ và các Ba la mật, đầy đủ các hạnh căn bản của Bồ Tát, lại thị hiện tâm từ bi lớn, chuyển pháp luân cho các chúng sinh.

Như bốn dòng sông chảy quanh hồ A Nậu Đạt bảy vòng, trong bảy vòng ấy có nhiều loại hoa như hoa sen Ưu Bát, hoa Câu Mâu Đà, hoa Phân Đà Lợi, hoa Tu Kiền Đề, hoa Mãn Nguyện Kiền Đề và các loại hoa tỏa ngát hương khắp nơi.

Đại Bồ Tát cũng vậy, từ khi mới phát tâm đến khi thành Phật, trong khoảng thời gian ấy luôn giáo hóa dẫn dắt chúng sinh, thuyết pháp, khuyến khích, làm cho chúng sinh đạt được không thoái chuyển, giảng dạy các pháp thiền định trong trăm ngàn ức kiếp không lúc nào thấy mệt mỏi, còn một người chưa được giải thoát thì Bồ Tát nguyện không bỏ họ.

Bồ Tát lại làm thanh tịnh Cõi Phật, trang nghiêm an trú trong các địa, nhập vào tam muội định ý, bước đi như Sư Tử, hướng đến Đạo Tràng, ý chí như kim cương, không gì trở ngại được.

Lại như trong bảy vòng quanh hồ A Nậu Đạt tự trang trí đẹp đẽ bằng bảy cây báu, có vô số hoa quả thơm lừng, Đại Bồ Tát cũng vậy, làm thanh tịnh trang nghiêm các Cõi Phật bằng cây ba mươi bảy đạo phẩm, bằng hoa tâm đạo luôn luôn tỉnh giác tư duy về chánh pháp.

Như cung điện A Nậu Đạt rộng năm mươi do tuần, thanh tịnh hoàn toàn, không hề có gió bụi, Đại Bồ Tát cũng vậy, tâm đạo thanh tịnh không một chút tì vết, tâm ý luôn luôn có đủ các công đức căn lành và vô số pháp môn định ý.

Như thành quách bao bọc hồ A Nậu Đạt được làm bằng gỗ Ngưu đầu chiên đàn và nhiều loại gỗ quý, Đại Bồ Tát cũng vậy, sự suy nghĩ của tâm đạo được bao quanh bởi trăm ngàn ức trí thấy biết, luôn đầy đủ thệ nguyện, tâm vốn không có thần thông mà thực hành thần thông, thành tựu trí tuệ, những pháp lành căn bản thảy đều thanh tịnh.

Như đất trong cung điện A Nậu Đạt toàn trải bằng trân châu hổ phách, đâu đâu cũng tỏa ra nhiều ánh sáng chiếu soi rực rỡ, Đại Bồ Tát cũng vậy, nhập vào trí tuệ vi diệu, cứu độ chúng sinh nhiều không thể nghĩ bàn, khiến cho họ dứt trừ ưu não, tự làm đẹp bằng nhiều chuỗi ngọc quý báu nhưng vẫn không bỏ mất thể tánh pháp giới, an trú trong ngôi nhà vô vi của chư Như Lai, tâm ý không bao giờ thoái chuyển.

Như Long Vương A Nậu Đạt là người che chở cho các loài rồng nhỏ, làm cho chúng không còn sợ hãi, những thần rồng tùy tùng đều có oai đức và tiểu Long Vương trong biển đều đến chầu triều, chúc tụng Long Vương.

Đại Bồ Tát cũng vậy, là vị che chở giúp đỡ cho tất cả các chúng sinh bị sợ hãi, tùy thời nuôi nấng khiến cho họ không còn gì bất mãn, ở trong hay vượt ngoài các cõi tâm đều bình đẳng như hư không, tuy sống giữa đời mà ánh sáng trí tuệ luôn luôn sáng tỏ, thương giúp chúng sinh như thể thân mình không khác.

Như hồ A Nậu Đạt phát nguồn từ bốn con sông lớn chảy khắp Diêm Phù Đề, quanh co uốn khúc rồi cũng chảy về biển cả, những nơi các sông chảy qua đều được thấm nhuần, Đại Bồ Tát cũng vậy, nương nơi bốn con sông trí, đưa Chư Thiên như Trời Dạ Ma, Đế Thích Phạm Thiên, loài người và phi nhân đến biển đại trí, từ khi phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mười lực, vô sở úy, mười tám pháp Bất cộng cho đến khi thành Phật, chắc chắn không thoái chuyển.

Bốn sông trí gồm:

Thứ nhất: Sông Trí nguyện, là luôn luôn thệ nguyện cứu độ chúng sinh, nên đối với tự thân không còn chấp thủ.

Thứ hai: Sông Trí đầy đủ giải thoát không giới hạn, là làm thanh tịnh đạo Bồ Tát, bao gồm tất cả các cõi, qua lại khắp nơi mà không bị lệ thuộc, học rộng không cùng tận, giảng nói ý nghĩa vô thường, khổ, không, vô ngã bằng trí tuệ siêu việt ba cõi.

Thứ ba: Sông Trí định ý của Bồ Tát, nghĩa là tự trang nghiêm bằng vô số Định, đi đến các Cõi Phật ở khắp mười phương để lễ bái, phụng sự, cúng dường Chư Phật Thế Tôn và diễn nói biển pháp không cùng tận của Chư Phật.

Thứ tư: Sông đại từ bi, nghĩa là khiến cho chúng sinh được an trú vững chắc không thoái chuyển trong từ bi, nhổ sạch tất cả các khổ, khiến họ không còn bức não, lại dùng vô số phương tiện thiện xảo dẫn dắt họ luôn hướng về phía trước, không còn lưu luyến. Biển mười lực chứa nhiều châu báu, các chúng sinh vướng mắc vào các duyên đều biết nơi để hướng đến.

Như bốn con sông lớn bắt nguồn từ hồ A Nậu Đạt đều đổ về biển cả vô cùng vô tận không thể nghĩ bàn, Đại Bồ Tát cũng vậy, thệ nguyện rộng lớn tăng thượng, thành tựu trí nguyện, tu hạnh Bồ Tát, trí tuệ quán sát các pháp cũng không cùng tận, thành đạo vô thượng không bị trở ngại. Bồ Tát cũng biết định ý nhóm họp khắp nơi của Chư Phật, an vui trong niềm vui của các Đức Phật.

Như hồ A Nậu Đạt phát nguồn từ bốn dòng sông lớn, mỗi sông lại phân ra năm trăm nhánh sông, mọi nhánh sông đều đổ về biển cả mà không làm tổn hại đến các chúng sinh, Đại Bồ Tát cũng vậy, nương vào trí tuệ, thệ nguyện không bao giờ bị lay động, tu hành ban rải tâm từ cho tất cả chúng sinh, thị hiện có tướng hay không tướng đều biết rõ tất cả các pháp, thực hành trí vô ngại mà không bỏ gốc rễ của các pháp, chỉ dạy con đường giải thoát mà vẫn an trú trong địa không ngăn ngại.

Như trong bảy vòng quanh hồ A Nậu Đạt có nhiều vật quý báu tỏa ánh sáng rực rỡ như ánh sáng Mặt Trời, soi chiếu khắp nơi, cách xa trăm lần ngàn lần cũng đều sáng rõ.

Những người có mắt thấy cung điện A Nậu Đạt đủ năm màu sắc đẹp đẽ như Mặt Trời giữa hư không, khắp nơi đều được soi sáng, mọi vật chất đều có ánh sáng không chướng ngại nhau và các vật báu va chạm nhau làm phát ra nhiều âm thanh rất êm tai, nghe mãi không nhàm chán.

Đại Bồ Tát cũng vậy, trụ trong định ý tự tại khắp pháp giới này, nhìn thấy trong mỗi lỗ chân lông có vô số vô lượng ức trăm ngàn Đức Như Lai và các Bồ Tát, Thanh Văn ở Cõi Phật ấy, chúng hội có bao nhiêu người đang nghe pháp rồi thọ trì, ghi nhớ và đọc tụng ngày đêm.

Để cứu độ các chúng sinh chìm đắm trong vực sâu sinh tử, Bồ Tát thị hiện thân Như Lai ở khắp pháp giới không thể nghĩ bàn, lại thị hiện đến các Thế Giới, gần gũi Chư Phật để lễ bái, phụng sự, cúng dường và nghe pháp. Bồ Tát nhập vào định trong trăm ngàn kiếp mà không thấy lâu, chẳng thấy mau, cũng không thấy lớn, chẳng thấy nhỏ.

Bồ Tát lại quán sát trong mỗi lỗ chân lông có các Đức Phật Như Lai cùng các cõi nước, thành quách và các đệ tử thân cận, ở đó có bao nhiêu chúng sinh thì Bồ Tát qua lại khắp nơi thị hiện bấy nhiêu hình tướng và lời nói khác nhau, làm cho mọi chúng sinh đều được mãn nguyện, rồi cùng nhau vui vẻ, nhưng Bồ Tát cũng không thấy chật hẹp hay rộng rãi.

Vì sao?

Vì Bồ Tát nào nhập vào định ý pháp giới thì tâm ý đều nhỏ nhiệm, không có hình tướng nên rất khó thấy biết, hành động thì vô cùng vi tế, không thể nào dẫn dụ được, sinh khởi rồi chấm dứt, Bồ Tát cũng không tự biết.

Cảnh giới tam muội không thể nghĩ bàn, cảnh giới mà tư duy thiền định đạt đến cũng không thể nghĩ bàn, Chư Phật an trú ở chỗ cũng không xứ sở, hiển bày các oai nghi rất khó thực hành, không bao giờ nửa chừng mà bỏ hạnh Bồ Tát.

Bị rơi vào cảnh giới không bền chắc của các ma, vẫn an trú trong vô vi, đạt oai đức thanh tịnh, đạt mười lực căn bản của Như Lai, vì cầu đạo Vô thượng vô hạn mà tu hành theo nghĩa lý sâu xa nhiệm mầu của chánh pháp không gì trở ngại.

Đại Bồ Tát cũng vậy, tùy theo tâm ý của mình mà ở trong tam muội, trong khoảng một niệm biết rõ sự việc trong ba đời, lại có thể phân biệt rõ ràng các cõi do thiện ác đưa đến, tự tại đối với các pháp giới, không nương bên trong, cũng chẳng tựa bên ngoài, tìm cầu gốc ngọn, không thấy đầu mối, không có nơi chốn, cũng không ý tưởng, biện luận các nghĩa lý để vượt qua các tưởng, đến các Cõi Phật để lễ bái, phụng sự, cúng dường không thấy nhàm chán.

Bồ Tát lại nhập vào các pháp giới, tư duy, phân biệt tường tận về nguồn gốc của chúng, không trụ vô vi, cũng không rơi vào một bên, tu tập tất cả các trí mà không vướng mắc vào trí, tuy có đến đi mà chẳng thấy có qua lại, quán sát trí như huyễn hóa mà thật ra cũng không có huyễn hóa.

Tham, sân, si của chúng sinh cũng như vậy, muốn tìm nguồn gốc của chúng không thể thấy được. Bồ Tát làm thanh tịnh các Thế Giới mà không thấy có sự thanh tịnh, chỉ dạy cho các chúng sinh khổ do đâu mà sinh khởi.

Khổ, không, ngã, nhân, thọ mạng đều không thật có. Để hiện bày nhiều sự thay đổi vô thường, Bồ Tát không ở trong sinh tử cũng không trụ Niết Bàn, vượt qua tất cả các kiếp để hóa độ các cõi chết, quán thấy các tướng mạo mà tâm ý không hề bị nhầm lẫn.

Bằng phương tiện thiện xảo, Bồ Tát viên mãn các trí một cách chắc thật, đạt sự thanh tịnh hoàn toàn, tâm ý không hề dao động, quán sát các Thế Giới và các chúng sinh có tới lui hoặc không tới lui, làm cho họ đều được độ thoát, khiến cho trí tuệ các chúng sinh không bị suy giảm, oai nghi của tất cả các pháp giới thế gian đều tuần tự đúng theo chánh pháp. Bồ Tát quán sát không nhàm chán những công hạnh của Phật, nương vào kho tàng của Chư Phật để đạt các pháp như châu báu.

Đối với các tam muội, Bồ Tát thị hiện không ngăn ngại, tự nhiên được giữ gìn như vậy, thông suốt nghĩa lý sâu xa của các pháp, tuyên dạy đạo pháp không cùng không tận, đạt trí tuệ biện tài thông đạt tự thể, diễn nói pháp tổng trì và các tạng pháp bí mật của Chư Phật. Tự mình đã lìa hẳn tham, sân, si, Bồ Tát cũng làm cho chúng sinh được từ bỏ tham, sân, si.

Trong vô số kiếp, Bồ Tát thực hành phương tiện thiện xảo, hiển bày nhiều phương pháp thích hợp, tùy loại chúng sinh mà giáo hóa, khiến cho họ được giải thoát. Tất cả các pháp tự nhiên giải thoát, cũng không thấy có tự nhiên, hóa độ hay không hóa độ, Bồ Tát đều an trú trong tâm từ bi lớn, đối với các chúng sinh cũng không thấy có ý tưởng về chúng sinh.

Đếm hơi thở ra vào, khi có hơi thở ra, lúc có hơi thở vào, Bồ Tát luôn biết rõ các Thế Giới, tánh vốn tự nhiên, pháp tự thường trụ, hành giả vướng mắc vào thức nên mới thành ra không được định tĩnh. Bồ Tát không bị dao động nên diễn nói các pháp luôn được lưu loát, tuy giáo hóa chúng sinh nhưng cũng không thấy có giáo hóa.

Bồ Tát đạt ba tụ giới thanh tịnh, nhập vào nhà Như Lai, khởi tưởng về pháp, tâm không sợ hãi nên thuyết pháp thanh tịnh, vận chuyển pháp luân không thoái chuyển. Tâm đạo luôn luôn lớn mạnh, hoàn toàn không có tâm La Hán, Bích Chi.

Như vậy, này Tối Thắng! Đại Bồ Tát chứng đắc tam muội Định ý tự tại trong khắp pháp giới này, việc lớn được phát triển, hoàn toàn đạt quả vị Bồ Tát một cách chắc chắn.

***