Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM MƯỜI HAI

PHẨM THẦN TÚC
 

Khi ấy, Bồ Tát Tối Thắng thưa: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát đối với bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ có tiến, có thoái lui như thế nào?

Lại có Bồ Tát từ khi mới phát tâm đến lúc thành Phật, chưa từng ở trong thai mẹ mà chỉ luôn hóa sinh, dùng thần thông để đến các Cõi Phật mà không hề có tưởng về các cõi ấy. Kính xin Thế Tôn phân biệt rõ ràng cho những người học đạo Bồ Tát ở đời vị lai biết nơi hướng đến.

Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Tối Thắng: Hãy lắng nghe và suy nghĩ cho kỹ, ta sẽ vì ông mà giảng nói, phân biệt rõ ràng.

Bồ Tát Tối Thắng thưa: Bạch Thế Tôn! Con rất muốn nghe.

Đức Phật bảo: Bồ Tát nào tu hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ mà có tâm niệm, có tưởng lệ thuộc vào tất cả các pháp, hoặc có tưởng về có Thế Giới, không Thế Giới, thấy có tưởng về chúng sinh, không chúng sinh, thấy có tâm, tưởng đến đi, không đến đi, thấy có ý niệm về hiện tại, không hiện tại, thấy có tâm chấp đoạn, chấp thường thì những vị ấy sẽ thành tựu căn, lực ở địa thứ nhất, tương ưng với mười pháp.

Mười pháp ấy là gì?

Đó là Thần Thông phước đức của Như Lai không có giới hạn. Giống như một tướng không gì trở ngại, danh hiệu của bậc Chánh Giác không có nhiễm ô, tất cả các pháp không thấy vượt qua, ba thừa mà Đức Phật giáo hóa không thấy chỗ hướng đến, không đắm nhiễm vào cảnh giới, hiểu rõ danh hiệu là không có quá khứ, hiện tại và vị lai. Đó gọi là danh tướng tức là nhất thiết trí, cũng gọi là pháp giới. Vì lo nghĩ đến đạo nên họ luôn giữ gìn ý chí, không để tâm bị thoái lui.

Như vậy, này Tối Thắng! Các pháp là không, không có xứ sở, đến cũng không biết từ đâu đến, đi cũng chẳng biết diệt từ chỗ nào. Bồ Tát cũng nên thực hành trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn như vậy. Trì giới cũng không phải trì giới, nhẫn nhục cũng chẳng phải là nhẫn nhục, biết rõ tinh tấn cũng không thấy có tinh tấn.

Người nào giữ giới thì không nên làm những điều thiếu sót, giả sử mình bị phạm giới cũng không ân hận, trì giới hoàn hảo cũng chẳng vui mừng. Như vậy mới gọi là Bồ Tát thành tựu việc trì giới. Bồ Tát thực hành nhẫn nhục, tâm không tăng, không giảm, dù bị người khác đến chặt thân ra thành từng đoạn, Bồ Tát vẫn giữ tâm kiên cố không hề lay động.

Bồ Tát đầy đủ về bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ thì chư vị không còn tưởng về chấp thường hay đoạn, không phá bỏ cả hai, không sinh, không diệt, đối với tội phước đều bình đẳng không khác.

Lại nên tư duy về ba tướng không, vô tướng, vô nguyện để đi vào ngôi nhà giải thoát, thanh tịnh, chẳng thấy không hòa hợp với tướng và nguyện. Tướng và nguyện cũng chẳng hòa hợp với không, không thấy vô nguyện hòa hợp với không và tướng, chẳng thấy không và tướng hòa hợp hay chẳng phải không hòa hợp, không thấy vô tướng hòa hợp với không và vô nguyện. Chẳng thấy không và vô nguyện hòa hợp hay chẳng phải không hòa hợp với vô tướng, quá khứ, hiện tại, vị lai cũng vậy.

Lại nữa, này Tối Thắng! Thần thông của Bồ Tát không thể nghĩ bàn là cảnh giới của bậc đại long, nên không thể nghĩ bàn, cũng không chấp vào thế tục, lại chẳng xa lìa thế tục, đến đi, qua lại, đều không nhất định, các pháp tướng, nguyện cũng vậy. Trước hết, Bồ Tát nên tinh tấn tu hành đạo quả, Thánh Đạo là tự nhiên, không có bờ bến, cho nên mong cầu biết được đầu mối của Thánh Đạo thì đối với pháp Hiền Thánh, sẽ bị tổn hại.

Như vậy, này Tối Thắng! Nghĩa lý của pháp thanh tịnh để tu hành phạm hạnh của Bồ Tát là vô cùng thâm sâu. Bồ Tát nào tu tập nguồn cội công đức thì được cốt lõi vi diệu của pháp sâu xa này, được diệt độ ở Niết Bàn Vô dư y. Truyền dạy cho chúng sinh không có giới hạn, không có đến đi thì mới gọi là đạo.

Bồ Tát thị hiện ở trong ái dục, quán sát căn cơ của chúng sinh mà thuyết pháp cho họ. Hoặc có khi nhập định diệt tận, dứt hẳn hơi thở ra vào, thân thể sưng phù, các thứ bất tịnh chảy ra, chúng sinh thấy liền khởi tưởng vô thường. Lại quán sát định tĩnh hay tán loạn của chúng sinh mà tùy nghi thị hiện làm cho họ được giải thoát. Bằng oai nghi, đạo hạnh, Bồ Tát dạy cho họ dứt trừ tất cả gánh nặng.

Năm pháp thần thông là việc làm của Bồ Tát, mười tám vi tế là việc làm của Bồ Tát, mười sáu kim cương là việc làm của Bồ Tát, hai mươi mốt giới của hàng Hiền Thánh tu tập là việc làm của Bồ Tát, ngồi nơi gốc cây Bồ Đề tư duy ba mươi bốn pháp là việc làm của Bồ Tát, đối với bố thí, trì giới mà không thấy có ngã và ngã sở là việc làm của Bồ Tát, phân biệt quá khứ, hiện tại, vị lai trôi chảy không ngừng là việc làm của Bồ Tát.

Như vậy, này Tối Thắng! Cảnh giới tu tập của Bồ Tát rất khó lường, biết rõ báo ứng mới được đến đạo, biết rõ các pháp đều do nhân duyên hòa hợp, như âm thanh trong hư không, nhờ có nhĩ thức mới nghe được, lời dạy trong sách vở chẳng phải chân thật, tùy duyên tập hợp, tùy duyên tan rã, còn duyên thì tập hợp, hết duyên thì tan rã. Tan không tự biết do đâu mà tan, tụ không tự biết do đâu mà tụ.

Lúc ấy, Bồ Tát Tối Thắng thưa: Lành thay, lành thay! Bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã khéo phân biệt nói rõ tường tận nhân duyên của các pháp này, mặc áo giáp công đức lớn cho hàng Bồ Tát, làm cho vô số người phát tâm bồ đề mạnh mẽ.

Khen ngợi công đức và cảnh giới của Bồ Tát cùng ý nghĩa nơi mười pháp công đức và danh hiệu của Như Lai, làm cho tất cả chúng hội đều được nghe, hiểu, trí tuệ của Như Lai không gì làm chướng ngại. Bồ Tát nào được nghe pháp này thì các ấm, suy trần, triền cái đều vĩnh viễn tiêu trừ, khiến các chúng sinh đều được thông suốt.

Bạch Thế Tôn! Từ nay, chúng con sẽ cung kính vâng theo lời dạy bảo, dẫn dắt của Như Lai, thực hành thuần thục, không dám buông lung, lơi lỏng tâm ý, thường phân biệt rõ ràng tất cả lời lẽ, câu cú, nghĩa lý, tâm bình đẳng như hư không.

Thực hành hạnh từ bi khắp tất cả, tùy theo căn cơ chúng sinh mà giáo hóa, thường đem bốn tâm vô lượng để che chở cho họ, dùng thức ăn cam lồ để diệt trừ tất cả sân hận, phiền não, dứt bỏ mười pháp, xa lìa ba độc, nhổ sạch chín phiền não, loạn tưởng, ma chết, bụi trần vĩnh viễn không còn làm tổn hại tâm họ, phân biệt tường tận mười hai nhân duyên, từ vô minh duyên hành đến sinh, già, chết.

Lại tư duy về sự đoạn diệt của duyên khởi: Vô minh diệt thì hành diệt cho đến già, bệnh, chết cũng vậy. Tùy theo chủng loại để quán sát căn cơ của họ, rồi cho thuốc để giữ tâm kiên cố, quán sát sự suy nghĩ và điều lành của chúng sinh đã làm rồi nói pháp khiến tâm họ không còn rong ruổi, các tưởng nhơ uế không còn sinh khởi.

Vì thế, bạch Thế Tôn! Những lời dạy mà hàng Bồ Tát đã giảng nói, chỉ bày làm lợi ích và thành tựu rất nhiều cho chúng sinh. Bồ Tát đối với họ như mẹ thương con, tùy lúc mà nuôi nấng không có ý thêm, bớt, thường trụ trong chánh kiến không theo những học phái ngoại đạo.

Ở giữa đại chúng như Sư Tử chúa, tư duy về đất, nước, lửa, gió trong thân thể, đất mạnh thì nước yếu, nước mạnh thì lửa yếu, lửa mạnh thì gió yếu. Bốn đại đều mạnh thì tinh thần suy yếu, thần thức liền rời khỏi thân, khi chết thì không nương nhờ nơi họ hàng phục mà chỉ nương tựa nơi pháp lành.

Lại phải tư duy pháp quán sâu xa về tam muội thiền định tự tại của Chư Phật, thuận theo pháp này thì không mất oai nghi, đạo hạnh, không còn phân biệt hữu lậu, vô lậu, vượt trên hành động theo tám pháp của thế gian, sự được, mất, khen, chê không còn làm cho tâm bị ô nhiễm, hoàn toàn không chấp thủ ngã, nhân, thọ mạng.

Chúng sinh nào có kiến chấp điên đảo, đến chất vấn phương pháp tu hành của Bồ Tát, dù một kiếp hay đến trăm ngàn kiếp thì vẫn lãnh thọ được lời dạy lưu loát không gì chướng ngại của Bồ Tát ở bậc trụ thứ nhất. Cho nên việc làm của Bồ Tát là không thể theo kịp, không thể dùng ví dụ để so sánh.

Vì sao?

Vì do thần thông của Bồ Tát tạo ra đến khắp mười phương từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác để lễ bái, cung kính cúng dường Chư Phật, đến đâu cũng luôn làm cho chúng sinh thực hành theo đạo pháp, dứt sạch tất cả các tai nạn, oán kết và những điều khổ não từ xưa đến nay.

Làm thế nào để trở thành quyến thuộc của Bồ Tát?

Do từ bỏ kiêu mạn, tự cao, tự đại, hoặc ở giữa đại chúng, âm thanh lưu loát như tiếng Phạm Thiên, khiến cho ba bộ chúng đạt được chí nguyện, dẫn dắt họ vào địa vô vi hoàn toàn được diệt độ. Cũng như Rồng lớn làm nổi lên đám mây rộng lớn vô tận, làm mưa khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, trăm loại cỏ cây đều được thấm nhuần nên càng thêm tăng trưởng.

Hàng Bồ Tát Đại Sĩ cũng vậy, dùng âm thanh trong suốt như nước có tám vị giải thoát để ban bố giáo pháp, khiến cho chúng sinh trong tam thiên Thế Giới đều được nhờ ân cứu độ. Bậc giải thoát ấy chí nguyện như kim cương trong ngoài đều trong suốt.

Lại dùng thần thông, giới cấm pháp luật để làm chuỗi anh lạc trang sức nơi thân, các tướng sáng rực như núi bằng vàng ròng, đến đâu cũng đều giáo hóa cho chúng sinh, những ai nghe pháp cũng đều dốc tâm kính tin, không nghi ngờ.

Lại khiến cho chúng sinh vào tam muội giác ý, khiến cho các loài có hình ở trong tam thiên Thế Giới như: Côn trùng đi, bay, bò, lội đều tự biết đời trước của chúng. Làm cho chúng sinh biết được nguồn gốc của khổ, nhờ đó họ đều phát tâm Bồ Tát, kính giữ và tu hành theo pháp thiền định của Đức Như Lai.

Bấy giờ, các chúng sinh nghe pháp đều tinh tấn, nương nơi oai thần Phật, biết rõ cảnh giới sẽ đến, kẻ ở gần người ở xa ai cũng đến Đạo Tràng thanh tịnh vi diệu. Những người đến Đạo Tràng ý chí vững chắc, hoàn toàn không còn sợ hãi.

Những chúng sinh căn tánh lanh lợi, trải qua một ngày, hai ngày, ba ngày cho đến bảy ngày, sau khi qua đời được sinh lên Cõi Trời, đến khi đức hạnh được thành tựu đầy đủ thì được sinh về các Cõi Phật ở khắp mười phương. Các chúng sinh ở Cõi Trời tay cầm vô số hoa, các hương thơm và phẩm vật tự nhiên có được để cúng dường các đại chúng và những người đến dự trong chúng hội.

Các loài hoa ấy ở trong hư không, không rơi xuống đất, tự nhiên biến thành đài báu rực rỡ, phát tiếng rền vang để khen ngợi: Chúng con được lợi ích hoàn hảo, được nương nhờ phước đức cúng dường này mới có thể đạt được tam muội giác ý, làm cho tam thiên đại thiên Thế Giới đều được mãn nguyện.

Như vậy, bạch Thế Tôn! Chúng con chắc chắn đạt được lợi ích viên mãn.

Lại dùng hoa cúng dường riêng cho Bồ Tát Tối Thắng, thưa: Hôm nay chúng con nương nhờ ân đức từ bi của Bồ Tát mà được tam muội giác ý, được tham dự vào pháp hội này. Chúng sinh nào nghe tam muội giác ý mà không dốc tâm kính tin, nên biết người ấy đời trước chưa được gặp tam muội này.

Lúc ấy, Đức Thế Tôn bảo hội chúng: Ta đã tu tam muội này từ vô số A tăng kỳ kiếp cho nên hôm nay ta được thành tựu Phật trí, vô số hằng hà sa Chư Phật trong quá khứ và vị lai cũng đã và sẽ tu tam muội giác ý này, oai đức của tam muội không thể đo lường.

Ai nghe được tên tam muội cũng đều phát tâm Bồ Tát rộng lớn không thể tính kể. Bốn bộ chúng đều hiểu được ý nghĩa của tam muội này, lại có trăm ngàn người trong pháp hội ở ngay chỗ ngồi phát tâm Vô Thượng Bồ Đề.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn phóng ra ánh sáng tam muội giác hoa định ý, chiếu đến các loài nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, làm cho họ được tiêu trừ hết các khổ não, được sinh trở lại cõi người, biết rõ đời trước của mình.

Lúc ấy, thấy điềm lành này, bốn ức người trong chúng hội đều nhàm chán, họ suy nghĩ: Sống thì phải chết đều do nhân duyên, chết chỗ này sinh chỗ kia liên tục không dứt, nguyên nhân là do dâm dục và tham ái. Chúng con nguyện sinh về nước không có tham dục mới tu tập được thiền định của tam muội giác ý.

Lúc ấy, biết được suy nghĩ của đại chúng Đức Phật dạy: Về phương Tây cách đây vô số Cõi Phật, có Đức Phật Hiệu là Vô Lượng Thọ, cõi ấy thanh tịnh không có tham, sân, si tất cả đều nhất tâm từ hoa sen hóa sinh.

Không do tình dục của cha mẹ mà sinh, chỉ toàn là nam không có nữ giới, không có đại tiểu tiện, dùng thiền duyệt, pháp hỷ để làm thức ăn, không có tướng, niệm, thức, cung kính lẫn nhau như cha, như mẹ, vị nào muốn sinh vào nước ấy thì hãy phát thệ nguyện. Bấy giờ, bốn ức người trong chúng hội đều phát nguyện cầu được sinh về nước ấy.

Đức Thế Tôn lại phóng ra ánh sáng tam muội giác ý chiếu đến cõi nước kia làm cho bốn ức người được thấy Đức Như Lai Thế Tôn và hàng Bồ Tát hóa sinh. Nước ấy rộng lớn toàn bằng vàng, bạc, ngọc lưu ly và các loại châu báu hợp thành, không có các khổ của ba đường ác và tám nạn.

Thấy nước ấy rồi, bốn ức người đều tùy theo ý nguyện của họ mà được đồng thời sinh về nước ấy và được tu tam muội giác ý, những điều này do phát nguyện mà có được và nhờ sự cảm ứng của tam muội giác ý mà đầy đủ phước đức như vậy.

***