Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM MƯỜI SÁU

PHẨM THÂN NHẬP LẠI
 

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Tối Thắng: Lại nữa, Bồ Tát xem xét lại các phân thân để làm các thân nhập lại, phân biệt biết rõ tất cả đều không có xứ sở. Khi ấy, ở nơi thân nhập lại, Bồ Tát nhập vào định ý như pháp giới, ở trong các định đều rất tự tại, trong mỗi lỗ chân lông trên thân cũng đều nhập vào tam muội định ý và đạt được tự tại.

Bồ Tát ở trong các pháp giới mà thị hiện pháp huyễn, phân biệt rõ ràng các pháp thế gian ở đời trước và đời sau, biết trăm ngàn ức việc trong Thế Giới, thấu đạt tất cả những sự tốt xấu và thấy được các đệ tử quyến thuộc của bậc Đẳng Chánh Giác ở các Cõi Phật trong vô số vô hạn A tăng kỳ kiếp.

Đối với những pháp tịnh hay bất tịnh thảy đều bình đẳng, không bỏ pháp lành, Đại Thừa không mất, tâm ý kiên cố không hề dao động. Ở các Thế Giới Phật trong một kiếp, trăm kiếp, trăm ngàn kiếp, ức kiếp, trăm ngàn ức kiếp, vô hạn vô lượng A tăng kỳ không thể xưng kể số kiếp, cho đến số kiếp mà toán số không thể đếm, tâm ý không thể lường được, Bồ Tát nhập vào tam muội chánh thọ rồi lại xuất định ở đó.

Nhập định ở chỗ này, xuất định ở chỗ kia, liền làm cho thành tựu chúng sinh ở Thế Giới ấy. Không bỏ mất chánh pháp của thể tánh pháp giới. Qua lại ba đời không hề trở ngại để thuyết pháp giáo hóa khiến cho chúng sinh biết nơi hướng đến, tuệ nhãn phân ra và nhập vào các pháp.

Đối với các pháp giới, Bồ Tát đều được tự tại, đạt đầy đủ định về tai nghe được khắp nơi, đạt Ba La Mật cũng không trở ngại. Nhập vào định ý nơi mũi, không mất phương tiện thiện xảo. Khéo léo nhập định nơi lưỡi, hiểu rõ sự vướng mắc vào mùi vị, thành tựu định phân thân, đến đi đều vô ngại và nhập vào định phân ý khắp nơi mà vẫn thuận theo trí thức của mình.

Đại Bồ Tát quán sát như vậy, biết rõ như vậy, nhập định ở thân này, đạt được mười ngàn ức tổng trì của Bồ Tát, tùy theo thế tục mà chuyển pháp luân ở đời. Lại đạt được mười ngàn ức hạnh kho tàng thanh tịnh.

Lại đạt được mười ngàn ức căn môn siêu việt nhất thiết trí. Lại đạt được mười ngàn ức thần thông đi đến khắp nơi vô ngại. Lại được mười ngàn ức định hơn hẳn các loại định. Lại được mười ngàn ức thần túc vào cõi hư không, không có giới hạn.

Lại được mười ngàn ức năng lực làm cho các hành dần dần tăng nhiều. Lại đạt mười ngàn ức mong cầu được dứt hẳn các tưởng. Lại đạt được mười ngàn ức thiền định, hiện bày tâm không chấp thủ. Lại đạt được mười ngàn ức oai lực thần biến hiện rõ trước mặt.

Như vậy, này Tối Thắng! Đại Bồ Tát đạt được mười ngàn ức hạnh như thế.

Lại nữa, Bồ Tát nên nhớ nghĩ tới mười ngàn ức pháp tu hành làm chuỗi ngọc anh lạc để tự trang sức. Lại nên tu hành mười ngàn ức phương pháp để cứu độ chúng sinh. Lại nên tu hành mười ngàn ức thừa, khiến cho các chúng sinh nương theo các thừa này mà được giải thoát. Lại nên tu hành mười ngàn ức tam muội như ngọn lửa bừng cháy, chiếu sáng rực rỡ làm cho các Thế Giới không còn chỗ nào tối tăm, u ám.

Lại đạt được mười ngàn ức biện tài vô ngại về nghĩa. Lại đạt được mười ngàn ức thệ nguyện, tâm không dao động, dù có ai xem xét. Lại đạt được mười ngàn ức niềm tin vững chắc, không có các kiến chấp điên đảo. Lại đạt được mười ngàn ức con đường chân chánh trong những nơi qua lại và an trú của Bồ Tát mà không để lại dấu vết.

Lại đạt được mười ngàn ức ánh sáng phát ra từ khuôn mặt. Lại đạt được mười ngàn ức mẫu mực, hiển bày oai đức của Bồ Tát. Lại đạt được mười ngàn ức gốc rễ thanh tịnh để làm thanh tịnh Đạo Tràng.

Như vậy, này Tối Thắng! Đại Bồ Tát có vô lượng công đức tự bao bọc quanh mình, làm trang nghiêm Đạo Tràng mà không bỏ mất pháp tu căn bản, là cách thức để đạt đạo của Bồ Tát.

Bồ Tát nào có được các dụng cụ này thì đạt quả vị Bồ Tát và được khen ngợi, xông ướp hương thơm phước đức, được mọi người cung kính, ở trong chúng làm việc gì cũng được lợi ích, phước đức đời hiện tại không thể cùng tận.

Bồ Tát nào trụ trong tam muội Định ý pháp giới tự tại thì được sinh vào nhà hào tộc, không ở chỗ thấp hèn, được làm quyến thuộc với các Bồ Tát.

Bồ Tát trụ vào tam muội này rồi, từ xa nhìn thấy rõ ràng tất cả các danh hiệu của mười ức A tăng kỳ chư Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác và các cõi nước lớn nhỏ ở phương Đông, cũng đều biết rõ danh hiệu của mười ức A tăng kỳ các Cõi Phật và chư Như Lai ở phương Nam, Tây, Bắc, bốn góc, phương trên và phương Dưới.

Lại thực hành hạnh Bồ Tát, hướng dẫn cho các Bồ Tát ở các Cõi Phật ấy về những phương pháp làm thanh tịnh Cõi Phật. Bồ Tát phóng ra vô số ánh sáng, như ánh sáng nơi thân Như Lai, hiện ra mắt của Như Lai không thể nghĩ bàn.

Thần Thông về tai của Như Lai không thể suy lường, thần thông về mũi của Như Lai nhiều không thể tính kể, thần thông về lưỡi của Như Lai rộng lớn không ngằn mé, thần thông về tâm của Như Lai rõ tất cả các hình tướng, pháp thần thông vô thượng của Như Lai cứu độ vô hạn.

Đạo của Như Lai không có thượng trung hạ mà thành tựu đầy đủ, tiếng lành của Như Lai lưu truyền rộng rãi, pháp luân của Như Lai luôn luôn vận chuyển, không chỉ vận chuyển ở đời hiện tại, các đệ tử của Như Lai đang thưa hỏi về pháp, chánh pháp của Như Lai vô lượng không thể đoạn dứt, căn lành của Như Lai đáng được tán thán, sự hành hóa giảng thuyết của Như Lai cho khắp tất cả chúng sinh, không ai có thể đảm nhận được.

Dòng họ của Như Lai thành tựu, khiến chúng sinh cả ba đời đều quy phục, tất cả các pháp của Như Lai để chỉ dạy cho người ngu và hiện ra pháp xứ của Như Lai để hiện bày ánh sáng trí tuệ.

Như vậy, này Tối Thắng! Đại Bồ Tát hiện ra cảnh giới thanh tịnh để làm chỗ ở, nương thần lực Phật tuôn mưa pháp cam lồ, ở trong tất cả các cảnh giới Chư Phật có giảng dạy điều gì cũng đều hiện bày Phật Pháp, ở nơi thân hình huyễn hóa không chân thật mà thấu rõ tánh các pháp là hưng khởi tự nhiên, không hề lay động, ở nơi các pháp hình tướng mà biết rõ hết các nghĩa lý, đầy đủ vô lượng công đức của Như Lai không thể cùng tận.

Như vậy, này Tối Thắng! Đại Bồ Tát trụ trong tam muội này, đến khắp các phương không hề trở ngại.

Lại nữa, Bồ Tát trụ trong tam muội này đối với các ấm và các nhập cũng không chướng ngại, tâm là pháp huyễn, biết nơi chốn của pháp là vô lượng, vô biên, không có giới hạn.

Các Bồ Tát nhập vào tam muội tự tại này, liền biết được tên hiệu của Chư Phật Như Lai Đẳng Chánh Giác, từ mỗi mỗi danh hiệu đến mười ngàn ức A tăng kỳ Chư Phật Như Lai, từ mỗi mỗi danh hiệu cho đến trăm ngàn ức Cõi Phật, thân của các Bồ Tát đều an trú trong vô lượng vô hạn tưởng của tâm và tưởng của ý.

Lại an trú trong vô vi làm phương tiện thiện xảo để an lập xứ sở, không quên sót tất cả các pháp vì để vượt qua các tri kiến, luôn gần gũi biển trí nên ít hiện bày trí tuệ, an trụ thì có chỗ ở mà thị hiện các pháp không có xứ sở.

Vì kiến lập Cõi Phật nên thị hiện để giảng nói rộng rãi các pháp, không phân biệt trước sau. Thị hiện các căn không chướng ngại, trí tuệ sắc bén, khéo léo dùng trí để phân biệt nên không bỏ các oai nghi để kiến lập các cảnh giới.

Vì không trở lại nên thị hiện trí tuệ, vì trí tuệ thanh tịnh vô ngại nên thị hiện thành tựu Đẳng Chánh Giác, biết rõ pháp giới không tăng không giảm. Đại Bồ Tát an trụ trong tam muội này, liền đạt đến đạo quả của Đại Thừa.

Đại Bồ Tát nên tu tập không nhàm chán về mười pháp môn hướng đến các biển.

Mười pháp ấy là gì?

Đó là: Thấy biển Phật không nhàm chán, thấy biển người chuyển động hay không chuyển động vẫn giáo hóa không nhàm chán. Đối với biển pháp tăng trưởng trí tuệ không nhàm chán. Đối với biển phước điền không khởi tâm nhàm chán.

An trụ vào biển không có pháp, không quán hạnh và công đức của thần túc nhưng không có xứ sở, cũng không nhàm chán. Hiển bày biển trí sáng suốt, giữ gìn trí tuệ không thể phân tán. An trụ trong biển các căn nên từ địa này đến địa khác không hề tán loạn. Trụ vào biển tâm ý nên biết rõ khắp tất cả chúng sinh có bao nhiêu tâm, bao nhiêu ý, biết vô số tâm tăng hay giảm.

Trụ vào biển tu hành nên đầy đủ các nguyện, trụ vào biển thệ nguyện nên mong được thành tựu rốt ráo về con đường giải thoát thanh tịnh. Đại Bồ Tát an trụ trong tam muội này liền đạt được mười pháp môn hướng đến các biển không hề nhàm chán. Đó là sự tu hành của Đại Sĩ Bồ Tát.

Đại Bồ Tát nên tư duy về mười pháp vô sinh bậc nhất.

Mười pháp ấy là gì?

Đó là: Vô sinh thứ nhất, là quán sát bậc nhất về chúng sinh. Vô sinh thứ hai là quán sát bậc nhất về sự tôn quý của Chư Thiên.

Vô sinh thứ ba là quán sát bậc nhất về Phạm Thiên Tối Thắng. Vô sinh thứ tư là quán sát bậc nhất về tâm của Trời Hộ thế không hủy hoại. Vô sinh thứ năm là quán sát bậc nhất về chúng sinh tự mình giác ngộ không bè bạn. Vô sinh thứ sáu là quán sát bậc nhất về sự hàng phục Ma Vương, tâm định tĩnh không tán loạn.

Vô sinh thứ bảy là quán sát bậc nhất về sự không hình tướng ở năm cõi. Vô sinh thứ tám là quán sát bậc nhất về các chúng sinh không bị nhiễm ô. Vô sinh thứ chín là quán sát bậc nhất về sự tôn quý của Chư Phật và chánh pháp. Vô sinh thứ mười là quán sát bậc nhất về sự tự tại đối với con đường giải thoát hiện bày. Đại Bồ Tát nên tư duy về mười pháp vô sinh bậc nhất như vậy.

Lại nữa, Bồ Tát nên tư duy về mười nơi hướng đến của chúng sinh.

Mười nơi hướng đến ấy là gì?

Đó là: Xuất gia bền bỉ để giáo hóa chúng sinh, kiến lập lực không thoái chuyển để tinh tấn tu hành, nhờ lực thanh tịnh không vướng mắc nên tất cả các pháp không chẳng bị nhiễm ô, nhờ lực dừng nghỉ nên được tự tại và thành tựu các pháp.

Nhờ lực đạt được tâm lay động hay chẳng lay động nên hiểu rõ các ý nghĩa, nhờ đầy đủ pháp lực tự nhiên nên thành tựu trí tuệ lớn, nhờ lực thành tựu biện tài vô ngại nên dùng để thuyết pháp, thành tựu năng lực vô úy, đứng vững trong các pháp, thành tựu năng lực ý đoạn nên biết được điều chưa biết, Trí thành tựu năng lực vô nhị nên không còn sinh diệt.

Này Tối Thắng! Đại Bồ Tát nên tư duy về mười lực.

Đó là: Lực tối thắng, lực không gì sánh bằng, lực không trên không dưới, lực vô lượng, lực nuôi dưỡng, lực không lay động, lực sinh vào cõi lành, lực không oán ghét, lực trí tuệ sáng suốt, lực cần khổ chứa nhóm các hạnh. Đó là mười lực nên tu hành.

Lại nữa, Bồ Tát nên tư duy về mười lực.

Mười lực ấy là gì?

Đó là: Lực nhập vào định hoàn hảo, lực thanh tịnh hoàn hảo, lực vi diệu hoàn hảo, lực Pháp Thân hoàn hảo, lực pháp thế gian hoàn hảo, lực hiểu rõ các pháp hoàn hảo, lực các căn tịch tĩnh hoàn hảo, lực chưa từng có hoàn hảo, lực giác ngộ hoàn hảo, lực vượt qua hoàn hảo. Đại Bồ Tát an trụ mười lực này liền đạt được định ý.

Đại Bồ Tát nên tư duy về hai mươi lực để đạt được định.

Hai mươi lực ấy là gì?

Đó là: Lực của Bậc Đại Nhân, lực gần gũi thiện tri thức, lực cứu cánh của bậc Đẳng Chánh Giác, lực được thân cận do tu các thiện căn, lực ướp hương vô lượng căn lành, lực vượt qua điều không thể vượt qua của Như Lai, lực trừ bỏ tâm nhơ uế không sinh diệt, lực giúp cho niệm của Bồ Tát không gián đoạn.

Lực trang nghiêm làm cho Bồ Tát được hoan hỷ, lực hỗ trợ Bồ Tát không bỏ mất các pháp, lực diệt trừ làm cho tâm Bồ Tát không còn ràng buộc, chấp trước, lực làm mãn nguyện sự không mong cầu của Bồ Tát.

Lực thành tựu tâm tư duy về định của Bồ Tát, lực đạt được các căn không sai lầm, tán loạn của Bồ Tát, lực kiến lập Pháp Vương, lực không chấp trước về nơi vô lượng thân, lực đạt được trí tuệ phương tiện thiện xảo, lực đối với tất cả các pháp không sợ hãi hoạn nạn, lực kiến lập nguồn gốc không còn phiền não cho chúng sinh, lực đối với chúng sinh tự mình giác ngộ không quấy nhiễu người khác.

Đại Bồ Tát trụ trong định này mới đạt được lực không còn chấp trước. Bồ Tát nào vượt trên La Hán, Bích Chi Phật mới có thể đạt được định lực này.

***