Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM MƯỜI TÁM

PHẨM PHƯƠNG TIỆN BẰNG TRÍ TUỆ
 

Lại nữa, này Tối Thắng! Đại Bồ Tát nên tư duy và luôn nhớ tu hành tam muội định tuệ bằng phương tiện thắng trí thứ mười.

Bồ Tát tu hành tam muội này như thế nào?

Này Tối Thắng! Ở đây Đại Bồ Tát có tam muội tên là Vô lượng định ý. Bồ Tát trụ trong tam muội này, quán sát biết vô số tạo tác của thân, miệng, ý, quán sát biết vô lượng Cõi Phật Để đến đó làm trang nghiêm, quán sát biết vô số chúng sinh để đến điều phục họ.

Quán sát biết vô lượng chúng sinh thành tựu trí tuệ nhờ đã được giáo hóa, quán sát biết vô số ánh sáng lớn được phóng ra để tiếp độ những người chưa được hóa độ, quán sát biết vô lượng ánh sáng oai tướng của Bậc Đại Nhân được phóng ra chiếu sáng khắp nơi.

Quán sát biết rõ để vận chuyển vô lượng bánh xe chánh pháp mà Chư Thiên, Trời Dạ Ma, Phạm Thiên, Đế Thích, Bốn Đại Thiên Vương, loài người, loài ma đều không thể vận chuyển, quán sát biết vô số Bồ Tát làm người đứng đầu để dẫn dắt cho các chúng sinh ở các Cõi Phật.

Tuy đạt Phật lực nhưng không lệ thuộc vào lực ấy, tự buông thả thân tâm mà cũng không thấy có sự buông thả, đạt trí tuệ giống như Phật nhưng cũng không lệ thuộc vào trí tuệ, hành hóa như Phật đã hành hóa, nương vào thần thông của Phật Để đến vô lượng cảnh giới, dùng sự thanh tịnh của Phật Để làm cho các hành động được thanh tịnh.

Nhờ vào hành động của Phật mà không lệ thuộc các hạnh ấy, nhờ sự suy lường của Phật mà vượt qua mọi suy lường, nhờ vào định mạnh mẽ của Phật nên không còn khiếp nhược và thực hành Phật sự bằng sự thanh tịnh của Phật.

Đại Bồ Tát trụ trong tam muội này, có trí quán sát khắp tất cả các trí, lại dùng trí quán sát khắp tất cả ấy để quán sát tất cả các trí tuệ. Quán sát các trí tuệ rồi mới tu hành trí tuệ.

Vì tu hành trí tuệ nên tiếp nhận được lời dạy trí tuệ. Tiếp nhận được lời dạy trí tuệ nên tư duy về diệu trí. Tư duy về diệu trí rồi mới cầu các duyên về trí tuệ, các duyên về trí tuệ phát khởi liền đạt trí giải thoát. Đạt trí tuệ giải thoát nên được giải thoát hoàn toàn.

Vì giải thoát hoàn toàn nên ứng hợp với pháp và luật giải thoát vô thượng, làm tăng trưởng hạnh Bồ Tát, thành tựu đạo Bồ Tát, tâm Bồ Tát được tăng tấn, kham nhẫn các khổ của Bồ Tát, làm cho những điều ác của Bồ Tát phải thoái lui, nhập vào tạng pháp của Bồ Tát, giữ gìn ánh sáng của Bồ Tát, diệt trừ các tối tăm của Bồ Tát, an trú trong địa Bồ Tát, hiện bày tướng Bồ Tát, thông suốt nhĩ căn của Bồ Tát, làm thanh tịnh âm thanh của Bồ Tát.

Bồ Tát nghe những điều này không bị dao động, không lo sợ, cũng không thoái chuyển, tâm không chán nản, cũng chẳng nghĩ đến sự lợi ích, không thanh thản cũng chẳng nghi ngờ, không dứt bỏ nửa chừng, cũng không bị lệ thuộc.

Bồ Tát thấy nghe được như vậy là vì đối với bất cứ chúng sinh nào, Bồ Tát cũng đều tùy loại mà hòa nhập, xem xét các phép tắc rồi phát thệ nguyện rộng lớn làm bậc mô phạm cho các chúng sinh ấy, nương pháp Đại Thừa để vào sông biển Phật, đi thẳng đến các cõi đúng nơi muốn đến.

Đại Bồ Tát thường nên tư duy về ba thệ nguyện lớn, giữ gìn thệ nguyện để dẫn dắt chúng sinh từ bờ bên này đến bờ bên kia.

Ba thệ nguyện lớn gồm: Một là thệ nguyện lớn bậc thượng thượng, hai là thệ nguyện lớn bậc thượng trung, ba là thệ nguyện lớn bậc thượng hạ.

Lại nữa, Bồ Tát có ba loại thệ nguyện: Một là thệ nguyện bậc trung thượng, hai là thệ nguyện bậc trung trung, ba là thệ nguyện bậc trung hạ.

Lại nữa, Bồ Tát lại có ba loại thệ nguyện: Một là thệ nguyện bậc hạ thượng, hai là thệ nguyện bậc hạ trung, ba là thệ nguyện bậc hạ hạ.

Tối Thắng nên biết! Đại Bồ Tát đạt tam muội định tuệ bằng phương tiện thắng trí thứ mười này mới có thể đạt được thệ nguyện lớn bậc thượng thượng, nuôi dưỡng chúng sinh, làm thanh tịnh Cõi Phật, theo phương tiện thực hành trí tuệ, thoát khỏi sự trói buộc của ái dục, khéo léo tu học và thâm nhập pháp Nhất tướng của Bồ Tát, biết rõ các tướng cũng không có tướng, khéo léo hiểu rõ các pháp huyễn hóa của Bồ Tát, làm cho chúng sinh được kiên cố tâm ý, luôn dốc hết tâm vì tất cả chúng sinh.

Chư Như Lai Vô Sở Trước Đẳng Chánh Giác đời quá khứ, hiện tại và vị lai thực hành tâm từ bi lớn, che chở cho tất cả. Chúng sinh nào không có trí tuệ thì làm cho họ có trí tuệ sáng suốt, người nào mù không có mắt thì làm cho họ có mắt sáng, ai không được cứu giúp thì làm cho người cứu giúp cho họ, khiến họ được viên mãn tất cả các pháp của Chư Phật, làm cho các chúng sinh hay mong cầu được từ bỏ các tưởng về pháp.

Vì sao?

Giống như trong kho báu của vị Trưởng Giả chứa vô số châu báu như: Vàng, bạc, ngọc quý, xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách. Lại có thêm ngọc quý như ý minh nguyệt đẹp đẽ bậc nhất, chiếu sáng rực rỡ khắp nơi, từng phần của viên ngọc này đều tự chiếu sáng.

Bồ Tát cũng vậy, có được viên ngọc tâm ý phát ra ánh sáng pháp môn trí tuệ, dùng ánh sáng trí tuệ này soi chiếu khắp nơi, thông đạt đến đi không hề trở ngại, nhập vào định ý này không có gì khó khăn. Như viên ngọc chiếu sáng được là bản tánh tự nhiên của nó đã như vậy, không ai có thể ngăn không cho nó chiếu sáng được.

Vì sao?

Vì thể tánh tự nhiên không thể làm cho không tự nhiên được. Tự nhiên cũng là không tự nhiên, không tự nhiên cũng là không tự nhiên, không thấy chúng sinh là tự nhiên, không thấy chúng sinh cũng là không tự nhiên. Tối Thắng nên biết, chúng sinh cũng phát xuất từ tự nhiên mà cũng phát xuất từ không tự nhiên.

Chúng sinh phát xuất từ tự nhiên mà cũng phát xuất từ không tự nhiên là thế nào?

Chúng sinh phát xuất từ tự nhiên nghĩa là luân hồi không dứt trong giới hạn năm cõi, một thân, trăm thân, hay ngàn vạn thân, một kiếp, trăm kiếp, hoặc ngàn vạn kiếp, bỏ thân này lại thọ thân khác, kết thành bốn đại, nuôi lớn năm ấm. Đó là ý nghĩa chúng sinh phát xuất từ tự nhiên.

Chúng sinh phát xuất từ không tự nhiên nghĩa là chúng sinh thể tính vốn không, không cũng không có thức, không có tưởng, niệm.

Khi ấy, từ bốn phương có bốn trận gió nổi lên: Một là trận gió mang hơi đất thổi đến không, hai là gió mang hơi nước thổi đến không, ba là gió mang hơi lửa thổi đến không, bốn là hơi gió, cũng chính là gió không.

Bốn đại và thần thức bỗng nhiên gặp nhau, năm pháp ấy tập họp lại mới thành hình thể, gặp Trời thì làm Trời, gặp người thì làm người, ái nhiễm thân hình nào thì thành thân hình ấy. Giả sử chỉ có địa đại, không có thủy, hỏa, phong thì không thành.

Nếu chỉ có thủy đại, không có địa, hỏa, phong cũng không thể thành. Nếu chỉ có hỏa đại, không có địa, thủy, phong cũng không thể thành. Nếu chỉ có phong đại, không có địa, thủy, hỏa thì cũng không thành. Bồ Tát nên quán sát thức là tánh không bao trùm cả pháp giới, bốn đại và thần thức tương ưng làm thành thân năm ấm, có bền chắc bao nhiêu cũng nhanh chóng trở về cõi hư không.

Thức thì nhận biết được lạnh nóng, lớn nhỏ, trơn nhám, cứng mềm, nếu biết xa lìa không, chuyên tâm tư duy, tâm niệm trống không các tưởng, rỗng lặng, không tạo tác thì liền được tỏ ngộ, ở trong cõi hư không, chẳng đến cuộc đời này, được nhập vào Niết Bàn Vô dư y.

Còn nếu thần thức chậm chạp, trì trệ, luôn ngơ ngác, hoảng hốt, không quyết định chắc chắn vào sự xa lìa không, cho rằng thân mình là hư không, do tạo tác nên phải sinh về các cõi, gặp thiện thì thành thiện, gặp ác thì thành ác.

Gặp thiện thì chúng sinh tin có thiện ác, biết có đời này đời sau, biết có tôn ti người lớn kẻ nhỏ, nhàm chán những thống khổ ở đời nên tu tập điều thiện không biết mệt mỏi, lâu dần sẽ được thành đạo. Gặp ác thì thần thức lìa bỏ hẳn các điều thiện, theo những điều ác, luân hồi sinh tử, chịu khổ sở trong địa ngục, thần thức luôn bị khổ não, không một phút tạm ngừng.

Sau đó mới tỉnh ngộ ra, nhớ lại những điều mình đã làm là trái với giới luật, dần dần hối cải, bỏ ác làm lành. Từ khi mới phát tâm cho đến trải qua nhiều đời nhiều kiếp tích lũy công đức, đầy đủ tất cả các công hạnh mới được thành đạo. Đó gọi là chúng sinh phát xuất từ không tự nhiên.

Bồ Tát quán sát tự nhiên và không tự nhiên như thế nào?

Tự nhiên là pháp thế tục, không tự nhiên là đạo. Tự nhiên là trói buộc, không tự nhiên là giải thoát. Tự nhiên là có, không tự nhiên là không. Tự nhiên là có thức, không tự nhiên là không còn thức. Tự nhiên là có tên gọi, có sinh, già, có bệnh, có chết, không tự nhiên là pháp bất sinh bất diệt, cũng không luân hồi trong năm cõi.

Bồ Tát nên nhớ nghĩ đến việc bỏ pháp tự nhiên, tu hạnh không tự nhiên, có ánh sáng trí tuệ không bị chướng ngại. Trừ bỏ các pháp tự nhiên rồi thì chúng không còn phát khởi nữa, nhưng Bồ Tát cũng không thấy có sự trừ bỏ.

Bồ Tát làm cho tất cả các Thế Giới trong khắp mười phương đều được thanh tịnh, hóa độ cho những người chưa được hóa độ, tuy có gần gũi họ cũng không thấy có sự gần gũi, làm việc cho người cũng không thấy mình cực khổ.

Đối với những trách nhiệm nặng nề, phiền toái, Bồ Tát luôn làm người đứng đầu để dẫn dắt mọi người nhập vào biển pháp, mong cầu đạt được định không tán loạn, có được vô số vô lượng châu báu như năm phần Pháp Thân, không, vô tướng, vô nguyện, thiền định, giải thoát, tướng tốt, thần thông, tâm không lo âu, cũng không sợ hãi.

Lại có tam muội tên là Định vô vi, Bồ Tát trụ trong tam muội này, dùng ánh sáng thiền định rực rỡ để làm cho chúng sinh được thanh tịnh, không thấy nhàm chán và giảng nói tánh không của các pháp cho họ. Các chúng sinh thông hiểu về không, nghe xong liền được giác ngộ, hồi tâm hướng đạo, không hề thoái lui.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Tối Thắng: Giống như Như Lai đang trụ trong định ý tự tại khắp pháp giới này, bằng thiên nhãn, quán sát trong khoảng mênh mông không cùng tận của hư không, nơi ở của các chúng sinh không tự nhiên, trong khoảng thời gian một khảy móng tay có trăm ngàn ức chúng sinh nhiều không thể tính kể sắp sửa thọ thân để sinh về các cõi.

Lúc ấy, vô số hằng sa Chư Phật Thế Tôn đều dùng hóa thân ở trong cõi hư không nói cho thần thức bốn khí pháp hư vô, đến không rồi lại xa lìa không, xa lìa thức cũng vậy.

Nếu các chúng sinh ấy nương vào hư không để thọ thân thì chỉ có thần thức, ngã là không mà chấp là có, thì khiến họ vĩnh viễn xa lìa không. Còn đối với các chúng sinh tư duy quán sát về không thì ở trong cõi hư không, họ liền xả bỏ hình chất của thần thức, nhập vào Niết Bàn Vô dư y, không đến cuộc đời này thọ thân năm ấm, cũng không còn khổ não.

Trí tuệ thiện xảo của Như Lai là vô hình, cứu độ cho thần thức được nhập vào cõi hư không, rồi Như Lai hiện ra sự thần biến đặc biệt kỳ diệu để giáo hóa cho họ, hoặc thị hiện các cõi nước thanh tịnh của Chư Phật, có khi lại thị hiện sự im lặng của Bậc Hiền Thánh, kinh hành, tụng niệm không ngừng nghỉ. Thần thức tuy không nhìn thấy nhưng oai nghi lễ tiết của Chư Phật vẫn luôn luôn hoàn hảo.

Bồ Tát nên quán sát như hư không bao trùm vô số cõi nước, mà hư không cũng không nghĩ: Ta bao trùm vô số cõi nước, hư không cũng không cho: Mình có nhiều công lao.

Vì sao?

Vì hư không là bao trùm, bản tánh của nó đã như vậy. Pháp là không biến đổi, tự nhiên thường trụ, pháp không chuyển động, cũng không thế này thế kia, không sinh, không diệt, cũng không dời đổi.

Vì sao?

Vì Pháp Giới hư không tánh nó tự như vậy.

Bồ Tát lại nên tư duy về thần thức của hư không.

Thần thức có ba tướng: Một là tướng thú, hai là tướng hối, ba là tướng không thú cũng không hối.

Thứ nhất, thần thức của hư không có tướng thú như thế nào?

Thú nghĩa là hướng đến các cõi thọ sinh, phát triển các ấm, tùy theo thần thức ái nhiễm loại nào thì thọ thân loại ấy.

Bồ Tát nên biết, thần thức của hư không cũng có trung ấm trung chỉ. Thần thức hợp với bốn khí, hướng đến trung ấm, trung ấm thọ thân, trải qua nửa tháng, một tháng, hai tháng, ba, bốn năm hoặc mười hai tháng, trung ấm liền từ nơi hư không hướng đến năm cõi. Vào năm cõi, trung ấm ở hẳn trong đó.

Trung ấm vào năm cõi rồi, trải qua một tháng, hai tháng, hoặc mười hai tháng, trung ấm của Chư Thiên hóa sinh thì không có thời hạn năm tháng ngày giờ, các loài địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh cũng có trung ấm, nhưng không loài nào giống loài nào.

Trung ấm của thần thức trong hư không thì mờ nhạt vô hình không thể thấy được, chỉ có bậc Nhất sinh bổ xứ và Chư Phật Thế Tôn mới nhìn thấy được. Đây là Đại Bồ Tát có trung ấm trong hư không hướng đến các cõi để thọ sinh.

Thứ hai, thần thức trong hư không có tướng hối như thế nào?

Hối nghĩa là: Bốn khí hòa hợp, thần thức ở trong đó, tướng hối thọ thân hình ấy nhưng tâm niệm trống không các tưởng, rỗng lặng, không tạo tác, không lệ thuộc vào tưởng. Chư Phật Thế Tôn giáo hóa cho thân ấy về Phật tánh, vừa nghe dạy xong, thân ấy liền được giác ngộ và nhập vào Niết Bàn Vô dư y.

Tối Thắng nên biết! Chư Phật Thế Tôn ở trong ba đời giáo hóa chúng sinh, làm cho họ được đạt đến bờ bên kia nhiều không thể tính kể. Chỉ vì chúng sinh, Chư Phật qua lại trong ba đời, làm các việc cần khổ, dùng vô số phương tiện để giáo hóa khiến cho họ được độ thoát. Tuy làm nhiều việc khổ nhưng Chư Phật cũng không nghĩ mình có công lao, lại cũng chẳng thấy mệt mỏi, chán nản.

Như Lai xuất hiện ở đời, biến hóa ra các thân Phật trong hư không, nơi ở của trung ấm và thần thức, giảng dạy pháp vô thượng rất vi diệu cho chúng. Vô số thần thức ở giai đoạn trung ấm lúc cha mẹ giao hợp liền được giác ngộ, tiếp nhận lời dạy về Pháp, rồi ngay nơi đó được nhập vào Niết Bàn Vô dư y.

Chư Phật Thế Tôn ở khắp mười phương hóa độ chúng sinh cũng nhiều không gì có thể ví dụ được. Đó là Đại Bồ Tát trụ trong tam muội Định ý tự tại khắp pháp giới, có thể thực hành thắng trí bằng phương tiện thiện xảo, tu hành vô lượng pháp và đạt được quả vị Bồ Tát.

Thứ ba, thần thức trong hư không có tướng không thú cũng không hối như thế nào?

Không thú cũng không hối nghĩa là: Thần thức ở trong pháp tánh của cõi hư không, hình chất của trung ấm thì như bóng, như ánh sáng, rất mực vi tế, tâm niệm trống không ý thức, nhưng đến cũng không đạt đến cảnh giới vô vi mà lui lại cũng không vào cõi nhân gian. Đó là thần thức có tướng không thú cũng không hối của Đại Bồ Tát.

Khi ấy, Bồ Tát Tối Thắng bạch Phật: Như Thế Tôn đã nói, hình tướng thần thức của hư không và trung ấm của hư không như ánh sáng, như bóng, chỉ có Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ và Chư Phật Thế Tôn mới thấy được. Vậy nếu cho rằng bốn khí, thần thức và thân trung ấm trong hư không có qua lại, thì cảnh giới Niết Bàn và bậc nhất nghĩa cũng phải có thần thức và phải có trung ấm.

Nếu có thần thức và có trung ấm thì cảnh giới Niết Bàn và thần thức của hư không cùng trung ấm của hư không có khác nhau không?

Giả sử khác nhau thì không có Niết Bàn, mà không có Niết Bàn thì không có đạo quả và pháp ba thừa. Pháp Giới sinh tử và cảnh giới Niết Bàn cũng chẳng khác nhau. Niết Bàn là sinh tử, sinh tử cũng là Niết Bàn.

Bạch Thế Tôn! Nghe Phật dạy về thần thức của hư không và trung ấm của hư không thì con càng thêm phân vân.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Tối Thắng: Cảnh giới Niết Bàn và bậc nhất nghĩa cũng có thần thức và trung ấm. Thần thức và trung ấm của Niết Bàn cùng với thần thức và trung ấm của hư không, pháp tánh của chúng không giống nhau.

Thần thức của Niết Bàn lặng yên bất động, không thay đổi, cũng không có cõi sinh đến, không hướng đến các cõi, cũng không có sinh, già, bệnh, chết, lo buồn khổ não. Trong Niết Bàn, thần thức hoàn toàn diệt cũng không phải hoàn toàn diệt. Thần thức đã sinh cũng chẳng có sinh. Trung ấm của Niết Bàn thì lấy sự tịch tĩnh hoàn toàn làm trung ấm.

Lại nữa, này Tối Thắng! Như Lai xuất hiện ở đời cũng như chư Như Lai Đẳng Chánh Giác trong quá khứ, hiện tại và vị lai, không nhập Niết Bàn cũng không diệt độ hoàn toàn. Nếu Chư Phật Thế Tôn nhập Niết Bàn thì chẳng phải bậc Chánh Giác, chẳng trọn vẹn thệ nguyện.

Lại nữa, này Tối Thắng! Chư Phật Thế Tôn trong ba đời có danh hiệu đến nay, ta chưa từng thấy vị nào nhập Niết Bàn cả. Giả như vào đời vị lai mà có Chư Phật xuất hiện trong pháp giới thì chư vị vẫn qua lại sinh hoạt trong Niết Bàn Hữu dư y, chứ không nhập vào Niết Bàn Vô dư y.

Tối Thắng nên biết! Thần thức của Như Lai và thần thức của Niết Bàn không có gì khác nhau, nhưng thần thức của Niết Bàn thì không hình không ảnh, cũng không ánh sáng, không động, không dời đổi. Còn thần thức của Như Lai thì có động, có dời đổi. Thức kia và thức này là chỉ một không khác, chỉ có động và không động là khác nhau mà thôi.

Bồ Tát nên quán sát hư không cũng có thần thức và trung ấm, Niết Bàn cũng có thần thức và trung ấm.

Nếu có pháp nào ở ngoài Niết Bàn mà có thần thức, có trung ấm thì này Tối Thắng! Đó là thần thức của hư không và trung ấm của hư không. Cho nên, thần thức của Niết Bàn và trung ấm của Niết Bàn cùng với thần thức và trung ấm của hư không là khác nhau.

***