Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM NĂM

PHẨM THẤU TRIỆT KHÔNG
 

Bấy giờ, Bồ Tát Tối Thắng lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát ở trong trụ thứ năm nên làm thanh tịnh hạnh của mình như thế nào?

Này Tối Thắng! Bậc Đại Sĩ tu hành thường phải lìa xa nhà cửa, tài sản, cũng chớ gần gũi chốn phồn hoa, đô hội, tu công đức lành, trừ bỏ tâm tật đố, lìa xa nhân duyên tụ hội, thường nhớ hòa hợp, tránh xa sự tranh cãi, nên nói giữ miệng, không chia rẽ người.

Thường nên hạ mình không được cao ngạo, tuy nhiều tài năng nhưng không được khinh người, đoạn trừ vô minh, diệt năm thủ ấm, dứt các hành đưa đến già bệnh chết chẳng khởi phiền não, cũng chẳng theo sáu mươi hai tà kiến.

Chẳng tự cao cũng chẳng tự ti, vượt qua tám việc thế gian nhưng không cao ngạo, thường biết hiếu thuận, bỏ các khổ não, chẳng theo si ám, tỉnh giác không mê, độ các tâm cấu bẩn, sợ hãi, không để gây tội. Đối với năm ấm cho đến ma thân sinh tử, ma tội, ma chết, ma thiên, nên tư duy chế ngự, không tạo duyên sinh lại. Có thể kiến lập văn tuệ như vậy, nên hành như thế mà không thủ đắc.

Thâm nhập ý tuệ, học không biết chán, không tự mãn, không có tham muốn nhưng không điều gì là không ưa thích, tâm luôn vui vẻ, hoan hỷ thọ nhận, thân an tâm định, ý hòa nhã không phiền não, học thông gốc pháp, nói pháp vô tận, tâm hướng về đạo, tự giữ giới cấm, thích theo chân chánh, không ở chỗ tà, thích tuệ vi diệu, phân biệt các pháp độ vô cực.

Hiểu được các Kinh sách Đại Thừa của Bồ Tát, khéo dùng phương tiện quyền xảo tùy theo sự ưa thích, tâm lại hiểu rõ thông suốt tất cả, thường ưa lắng nghe pháp không sinh diệt, liễu đạt mười hai nhân duyên, thấu suốt vô thường.

Diễn bày thông suốt khổ đế, cũng không có ngã, ngã sở, thấu rõ không, vô tướng, vô nguyện, hiểu rõ khổ sinh tử, thành tựu công đức, lắng nghe nhớ nghĩ, hâm mộ Tam Bảo, biết việc thế tục, cũng biết đạo pháp, thực tâm gần gũi bạn pháp.

Thâm nhập các pháp, trừ bỏ sự thiếu thốn, thích thọ trì chánh đạo, độ người vô trí khiến cho thành tựu nghiệp công đức, thức tâm sáng suốt, tránh xa chúng ác, buộc thân đạt trí làm lợi chúng sinh, sống nơi an ổn, cũng không ôm hận, mong được hạnh vô cực vi diệu tối thượng.

Lại nữa, Tối Thắng! Bồ Tát tu hành phải nên niệm pháp của Chư Phật.

Làm thế nào để thành vô thượng đạo?

Bồ Tát có thể thành tựu từ nơi văn tuệ, tùy thời chứng nhập không bỏ thứ lớp. Trước nghe âm thanh ấy, sau đó tư duy, quán sát sâu xa biết hoạt động của tâm, điều thân tự độ và cứu chúng sinh, không chấp vô thường cũng không đắm trước.

Thẩm sát nhân duyên các việc nên làm, ngã, nhân, thọ, mạng, quá khứ, hiện tại, vị lai. Thành tựu nghiệp công đức, biết rõ thiền định, không, vô tướng, vô nguyện, tự thủ hộ, không theo tham dục, thực hành tam muội, tu tập chánh thọ.

Như vậy Tối Thắng! Bồ Tát tu hành nhập trăm ngàn định không cho là khó, không chỗ nào Bồ Tát không đến, chỉ không nguyện sinh Cõi Trời Vô Sắc và Quang Âm, cũng không nhập mãi trong định diệt tận, biết rõ bản tế, tư duy nắm giữ, thông suốt bản vô nhưng không thủ chứng.

Vì sao?

Vì lý do chúng sinh thông suốt vô ngã nên thực hành đại từ, không bỏ đại bi, vào khắp nơi hiểm họa của sinh tử, lìa xa tâm tham đắm mong cầu, dạng người phạm pháp không được làm quấy, phương tiện quyền biến giáo hóa khắp nơi. Tùy theo chúng sinh tâm nhiễm ái dục mà dạy quán hạnh bất tịnh.

Sau đó, Bồ Tát mới thủ chứng Niết Bàn. Tuy thị hiện diệt độ mà không diệt độ. Bồ Tát tu hành làm việc độ sinh không có cùng tận, làm các việc này khiến tâm không ân hận, không mất giới pháp oai nghi thể tiết, ra vào an tường không có thô tháo.

Nếu muốn không tranh cãi thì chẳng bằng tự giữ sự im lặng của Hiền Thánh, chỉ nên tịch tĩnh mà không nói năng. Sự im lặng ấy chính là sự tịch tĩnh sáng suốt không vuông tròn cao thấp. Sự mặc nhiên của Hiền Thánh chính là sự quán sát hộ trì thân, khẩu, ý. Nếu nói thì chớ để đồng với xứ.

Thân ham muốn bất động, tâm không biến đổi, cũng không mong mong cầu, lại không vọng vọng tưởng, đó là việc làm của bậc Đại Sĩ. Muốn không bị sắc mê hoặc thì phải giữ tâm chân chánh. Với tâm chân chánh thì liền có thể đạt được vô vi tịch diệt. Nếu không nuôi dưỡng mình bằng sự tịch tĩnh thì không được tự khen cũng không được bất nhân. Người không tự cao cũng không tự ti mới gọi là tùy thuận pháp.

Chẳng có mất cũng chẳng có cái để mất, vì hiểu tất cả vốn không, nên không có được mất. Quán ba đời bình đẳng không có sai khác. Mắt, sắc tướng và thức không có chỗ dừng trụ. Tai, âm thanh và thức. Mũi, mùi hương và thức. Lưỡi, mùi vị và thức. Thân, vật thô tế và thức.

Ý, pháp và thức, tất cả đều không có chủ, cũng không có chỗ trụ, cũng không có ngã. Quán tất cả các pháp hành đều không có ngã sở, thấy được vô ngã, đó gọi là tuệ. Hiểu rõ vật hiện hữu cũng như không hiện hữu, tất cả thảy đều rỗng không, thanh tịnh. Tâm thường chẳng lìa gốc các pháp, tư duy lìa xa chín chỗ ở của chúng sinh.

Vì sao?

Vì sự luân hồi lưu chuyển chìm đắm qua các cõi, không thoát khỏi mang thân chúng sinh trong chín chỗ. Thân khác, tưởng khác gọi là người hay Trời.

Lại nữa, Tối Thắng! Hoặc có chúng sinh, thân chẳng phải một loại mà thành tựu một tưởng, đó là thân Phạm Thiên hiện hình đầu tiên ở thế gian, do tham đắm vị ngọt mà dần dần mất uy tướng của Trời.

Lại có chúng sinh, thân chẳng khác nhau mà có vô số tưởng, đó là Trời Quang Âm, công đức nghi dung, oai thần đặc biệt. Hoặc có chúng sinh một thân một tưởng, đó là Trời Biến tịnh, oai nghi đến đi cực kỳ vi diệu.

Lại có chúng sinh, ý hướng dến niệm hư không vô lượng, tâm không chấp trước hữu cũng không hướng đến sự diệt mất, đó gọi là Trời Không nhập. Lại có chúng sinh, ý buộc vào thức tưởng, loại bỏ hình thể, lại không khiến tư tưởng có ý mong cầu, đó gọi là Trời thức nhập.

Lại có chúng sinh, không có tham cầu, trừ bỏ chuyện đúng sai, nội tâm sung mãn, không khởi tưởng đắm trước các mùi vị, đó gọi là Trời Bất dụng nhập. Lại có chúng sinh, kiến lập thệ nguyện cầu đạo vô vi, quán Vô Sắc Giới không có hình tướng, cho là Niết Bàn vô vi, vô tác, cũng không có người tạo tác.

Hết tâm tinh cần nguyện sinh về đó, thọ tám vạn bốn ngàn tuổi, số kiếp đã mãn, tuổi thọ đã hết, thần thức người ấy hướng theo năm đạo, thân trung ấm liền đến những chỗ thích hợp, thần thức người ấy sẽ nhập vào bào thai.

Lúc này mới biết mình chưa thật được diệt độ, si tâm hưng thịnh liền sinh sân hận, tâm nghĩ miệng nói, tạo tội sâu nặng, nói lời hư vọng trái với lời dạy của Bậc Hiền Thánh, dối gạt thế gian, sống không chân thật. Từ lâu ta đã tu hành khổ hạnh, chưa đạt đến Niết Bàn mà cho là đã được Niết Bàn, rõ ràng không nghi.

Tại sao ta vẫn còn trong sinh tử?

Hôm nay mới biết mình chưa đạt Niết Bàn, cũng không phải người đắc đạo thần thông. Trong lúc tư niện liền sinh về cõi ác, vì người ấy hủy báng Bậc Hiền Thánh.

Như vậy Tối Thắng! Bồ Tát tu hành muốn thành tựu đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác thì phải thường nên nhớ nghĩ tư duy lìa bỏ chín chỗ ở của chúng sinh, không được mong cầu tạo nhân duyên tránh xa tất cả niệm về chúng sinh, ngã, nhân, thọ mạng, cũng chớ tư duy nhớ chuyện thế tục, diệt trừ tất cả các niệm tưởng.

Bồ Tát tu hành với năm mươi tâm đặc biệt, pháp hướng, pháp thứ, tinh tấn thành tựu đạo quả. Từ pháp thứ nhất nhập vào khổ pháp nhẫn, tăng trưởng thiện căn đồng với hạnh vô lậu.

Từ Trụ thứ năm đến quả vị Như Lai, phải đầy đủ thiện căn, tư duy năm dục, đoạn trừ ái dục, diệt gốc bất thiện ở Dục Giới, bằng tuệ khổ nhẫn tư duy gốc khổ. Trong cõi vô hình, thân không có hình sắc, nên không thể tư duy gốc khổ. Do vậy, Bồ Tát chẳng nên ở cõi vô hình để trừ pháp Dục Giới. Gốc bất thiện tăng trưởng có chín mươi việc, tuệ được vô lậu cũng có chín mươi.

Dùng mười pháp chính yếu đối trị gốc bất thiện và trần cấu thô tế của Dục Giới. Còn lại tám mươi pháp, đoạn trừ tám mươi bất thiện căn bản. Tuy chưa đoạn trừ sạch nhưng cũng làm cho phiền não mỏng dần. Tận đạo Thánh đế cũng có vô lậu hợp với pháp, cũng có hữu lậu hợp với pháp.

Bồ Tát tu hành ở Trụ thứ năm, tuy đoạn hữu lậu hợp pháp nhưng chẳng đoạn vô lậu hợp với pháp, nơi tánh vô vi cũng có hợp với pháp. Khi ấy, Bồ Tát tu hành chỉ đoạn trừ hữu vi, không đoạn trừ vô vi tương ưng với pháp.

Như vậy Tối Thắng! Bồ Tát tu tập nên hành trì năm phần pháp tánh, tư duy hiểu rõ pháp không hai. Giới thân hộ mạng thanh tịnh không tham, cấu uế đã trừ, chúng định thành tựu, đó gọi là thân định. Phân biệt các quán không còn các tưởng, cũng lại không khởi niệm tưởng đắm trước, hiểu rõ không có một nên gọi là thân tuệ.

Ba đời giải thoát, không còn một chút nhơ bẩn, tâm không thoái chuyển cũng không kinh sợ, đó gọi là thân giải thoát. Việc làm đã xong, biết rõ đã giải thoát ra khỏi ba cõi, đó gọi là thân giải thoát tri kiến. Nếu duyên hữu vi thì gọi là thân giải thoát. Nếu duyên vô vi thì gọi là thân kiến tuệ giải thoát. Hữu lậu, vô lậu cũng như vậy.

Này Tối Thắng! Đó gọi là Bồ Tát tu hành, học tập pháp sắc duyên tận, nhưng chưa thể đoạn trừ pháp phi sắc duyên tận.

Thế nào gọi là pháp sắc duyên tận và phi sắc duyên tận?

Sắc duyên tận là: Như mắt thấy hình sắc liền sinh nhãn thức, phân biệt việc đúng sai, thiện ác, khởi ý nhiễm chấp không bỏ. Bồ Tát tu hành phải nên dùng trí chế ngự khiến cho không sinh, trừ bỏ hạnh bất tịnh nhơ uế. Phi sắc duyên tận thì chẳng có trí can thiệp vào, không sinh nhãn thức, chẳng phân biệt việc thiện ác, đúng sai.

Vì sao?

Vì chẳng phải là cảnh giới có thể thâu giữ. Nay sẽ nêu ví dụ để tự hiểu. Bậc đại trí nhờ ví dụ mà hiểu được. Ví như có người ngủ say, thần thức an tĩnh, thân thể bất động, không ai khuấy nhiễu, mắt không thấy sắc, thức không giao động, không khởi niệm tưởng, mắt đã ở trong, sắc dạo bên ngoài. Khi ấy, tâm sáng suốt, mắt không gia công, thức không tán loạn, sắc chợt ứng hiện liền qua, không có dừng trụ trệ ngại.

Vì sao?

Vì tự tánh không, không có sở hữu.

Như vậy Tối Thắng! Bồ Tát tu hành thường nên tư duy, quán sát phân biệt, đoạn trừ pháp phi sắc duyên tận, nên học tập biết rõ phi sắc duyên tận chẳng có chẳng không, cũng không thành bại, lại nên tu hành tâm chánh của Hiền Thánh trừ diệt tâm tà, thành tựu trăm ngàn định ý Tam Muội, thấy rõ năm pháp tà tâm, ba pháp tà phi tâm, niệm phương tiện định ở các địa ấy.

Sơ Thiền vẫn còn ý tà, tà kiến điên đảo chẳng ở sáu thức, ở trong thân của sáu thức, bốn tà tận diệt, cùng nhau liên kết, chẳng cách ly nhau, cho nên tà kiến không thông với thức. Năm thức chắc chắn không có lực phương tiện, tuệ ý thức có lực phương tiện. Từ thiền trung gian trở lên, không có ý tà, nhưng có tà kiến và ba mươi sáu pháp cùng thọ với nhau.

Nhập Sơ Thiền chỉ còn ý tà, và mười tám pháp cùng thọ với nhau. Nhập vào trong năm thức ấm, tuy có tà ý nhưng chẳng tự biết. Trong thiền trung gian tuy có tà kiến nhưng chẳng tự tương ưng. Từ Bồ Tát phát ý đến trụ địa thứ tư, hành tuệ nhẫn nhục với khổ trí, tiêu diệt tà kiến, lìa xa ý tà.

Bồ Tát tu hành muốn tiến lên trụ địa thứ sáu, hành trí huyền thông, đoạn trừ duyên ba cõi, hợp với chân tế, thì trước tiên phải tinh cần đoạn trừ bệnh tai ương phóng dật, ngu si do dự cùng với năm tà trùm khắp ba cõi không có chỗ trống khuyết.

Mười tám gốc kết sử sinh ra trăm lẽ tám pháp. Có khổ không tập tương ưng với nhau, có tập không khổ tương ưng với nhau, si, ái và không cùng sinh với nhau. Ở trong khổ môn, diệt trừ vô minh kết sử.

Vô minh của Tập đế mà không trừ tận thì sẽ còn tái sinh, cũng chẳng thể dứt trừ ái khổ. Ngồi nơi cội Bồ Đề dứt các tâm nghi, chánh trụ Phật Đạo, chẳng hoại ý khác, thành đạo vô thượng chánh giác, tế độ muôn loài chúng sinh vô số vô lượng, hiểu rõ các pháp khởi diệt, duyên đắm nhiễm chấp đều là hư rỗng.

Khi Bồ Tát ở Trụ thứ năm đắc pháp phi tận duyên khởi tánh không thì các bệnh trần cấu cũng đều tiêu trừ, thường dùng năm pháp chế ngự ái nhiễm, nhổ gốc rễ bệnh thông với sáu thức ở khắp ba cõi, khiến cho không tăng trưởng.

Dùng năm thuốc trị sân nhuế ở cả sáu thức, chẳng bằng ở đầu nguồn một mình. Mạn có năm pháp, một thân ý thức ở ba chỗ, gốc rễ ăn sâu khó lay động. Bốn thuốc trị tà kiến, một thân ý thức cũng ở ba chỗ, qua lại không dừng nghỉ.

Bốn hạnh nghi ngờ và thân ý thức lại ở ba chỗ san tham, tật đố, tư duy, không ở ba chỗ ngủ nghỉ, tỉnh ngộ, phải nên lìa xa không cho tạp lộn, bỏ các phiền não không còn si ám, thoát khỏi sợ hãi, không để ở chung, thường nhớ kiến lập tâm nhất thiết trí, theo tuệ sáng suốt chân thật thấu rõ vô ngại, nếu không có ngã sở thì không có ngã, trừ bỏ ngã kiến nên gọi là khổ tuệ.

Các sở hữu của tập đều không sở hữu, đều có gốc ngọn, cũng không có trụ xứ, không nhiễm ái nên gọi là tập tuệ. Biết rõ tập là pháp cần trừ diệt, học đạo chánh chân, biết vô bản tế, tiêu diệt hết thảy nên gọi là tận tuệ chiếu soi các tâm, trong sáng như mây tan, không một cấu bẩn.

Này Tối Thắng! Đó gọi là đạo tuệ của Bồ Tát quán sát chiếu soi năm ấm, biết gốc bốn đại, hiểu bệnh lục suy, biết rõ bốn đế, mười hai nhân duyên, vạch trần tất cả các kết sử hưng khởi trong ba đời, hiểu rõ năm ấm, các pháp sinh diệt, không còn thấy các pháp có đến đi, có trần cấu, cũng lại không thấy có sinh, già, chết.

Vì sao?

Vì không nắm bắt bản tánh của nó, vì nhân duyên diệt nên lìa các sự dính mắc đoạn trừ. Các pháp cấu bẩn đã đoạn trừ thì không còn chướng ngại, vững tin ngôn giáo, không còn lay động.

Quán các pháp giống như huyễn, như hóa, như cảnh trong mộng, như cây chuối, như gợn nắng, như tiếng vang, như ảnh trong gương, như bọt nước. Quán sắc tướng, ngã, nhân, thọ mạng, hiểu sắc như thật không có chỗ sinh, quán rõ pháp này đều thanh tịnh, rỗng không, không có sở hữu. Hiểu năm ấm này cùng ngã, nhân, thọ mạng thật như huyễn hóa.

Tâm thức vô hình không thể thấy, cũng không thấy chuyển động có xứ sở. Lại nên hiểu rõ nghiệp chẳng phải thường, khổ, không, chẳng phải thân. Biết như vậy mới là đạt được tuệ nghĩa về năm ấm, các pháp không có biên tế về sinh diệt. Không thấy có đất, nước, gió, lửa, sinh không có tăng giảm. Quán pháp giới cũng không có cứng mềm.

Nghiên cứu về tánh nước thì thấy không có nước, không có chỗ thấm nhuần. Tư duy về giới vực của lửa thì không thấy có nóng. Hiểu rõ cảnh giới gió, không thấy có giao động tăng trưởng. Phân tích bốn đại, không thấy có sinh diệt, tăng giảm. Liền có thể hiểu biết tuệ ngôn số, tuệ rộng, tuệ sâu, tuệ không có gì bằng.

Khi mắt thấy sắc liền sinh thức tưởng, dùng pháp giới quán biết rõ tất cả đều rỗng không. Lại dùng pháp giới quán, tai nghe âm thanh, cũng không tiếng có chỗ đến, chợt tự sinh tự diệt. Mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý với pháp, không đắm trước cũng không đoạn trừ, không có thạnh suy.

Quán đầy đủ tánh hạnh chúng sinh, giữ ý không khởi, tất cả thảy đều bình đẳng, không thể chia cách, không chút vọng tưởng, không có khác không, không thể đo lường, Pháp Thân, Niết Bàn đồng như hư không, pháp giới chân tế đồng như hư không.

Như vậy Tối Thắng! Bậc đại tu hành nên quán mắt rỗng không, không có ngã, ngã sở, chẳng phải chẳng có ngã, ngã và vô ngã đều là không. Người hiểu được ngã không thì ở trong các suy cũng không bị ràng buộc, không đắm nhiễm, cũng không đoạn trừ. Đó gọi là Bồ Tát đối với sáu pháp trần mà không khởi diệt.

Mắt và sắc là suy đầu tiên của các rối loạn. Giả sử khi nhìn thấy vật mà không bị vật chuyển thì sáu trần thanh tịnh, không nhơ uế, thành tựu quả lớn, không còn ưu buồn sợ hãi. Còn nếu đối với sáu trần mà tâm bất tịnh thì tổn tánh đạo.

Bồ Tát phát nguyện hành đại từ bi che khắp tất cả chúng sinh, thọ khổ vì họ, không cho là thống khổ, cũng không tránh nạn nguy hiểm lo sợ gần xa, độ những chúng sinh không thích đạo, khuyên hành bố thí, tu công đức lành. Đó gọi là Bồ Tát tu hành tư duy quán pháp.

Năm ấm, sáu suy đều không có xứ sở, hình tướng đến đi. Nếu đem khổ, tập, tận, đạo phân tích năm ấm thì có sinh phải có diệt, có tăng phải có giảm, tất cả đều không có hình tướng, khổ sinh già bệnh chết, khổ não ưu buồn, khổ oán gặp nhau, khổ thương xa lìa, khổ cầu mà không được. Nói tóm lại năm ấm thạnh là khổ.

Này Tối Thắng! Đó gọi là biết khổ. Tìm xét căn nguyên khổ ấy phát sinh là do tập, tham nhiễm ái dục, ngắm nhìn bảo vật chẳng biết là huyễn, nếu biết mà xa lìa thì gọi là biết tập.

Trừ sạch các cấu không còn sinh lại, tham muốn dứt sạch, không để tái sinh, sắc hiện liền diệt không cho ngăn trệ, hiểu rõ tập thường tịch nên gọi là biết tận. Thông hiểu tám chánh đạo không có thể tánh. Hiểu chỗ dùng trụ, thân sơ, xa gần.

Biến hóa vô cùng, quét sạch trần cấu, chiếu sáng ngu si và thể còn mất, không hình không tiếng, dẫn đầu các mê hoặc vào đường vô vi, nên gọi là biết đạo. Bồ Tát phân tích bốn đế cũng không thủ chứng, vì muốn cứu hộ tất cả chúng sinh ở trong sinh tử.

Tướng chân đế không hình, không tướng nên không thể thấy. Hiểu rõ như thật thì ứng với pháp tánh. Ngôn giáo của thế tục giả nói có tên. Kỳ thật, thể của văn tự không sinh không diệt. Người không đắm nhiễm thì được tâm Thánh Đế, chẳng nghĩ có không, thấu rõ bản chất.

Tất cả các sắc đều bình đẳng, cũng không sinh tâm cao thấp, đó gọi là phân biệt Thánh Đế. Thánh Đế của Bồ Tát kỳ thật có một, không có hai, không đắm chí chân cũng không mong cầu, không tưởng cầu sắc cũng không tưởng cầu Vô Sắc, đối với tưởng và vô tưởng bình đẳng không hai. Đó gọi là tướng Chân Đế.

Người đã thấu rõ tướng như thật thì hiểu được tướng năm ấm, tướng độc hại của năm ấm sinh, tướng phiền não. Bồ Tát phải nên tư duy diệt trừ trăm nàn khổ, quy tất cả về pháp không, không trừ diệt, không khởi niệm nên gọi là Khổ Đế. Thông hiểu chỗ sinh ra năm ấm, trừ bỏ ái nhiễm gọi là Tập Đế.

Nếu tâm không còn tham luyến, không vọng tướng mong cầu, không khởi ý phân biệt, không ở chung với tâm ngu si của ba đời, cũng không trụ ở nơi sở đắc, trần lao trừ sạch. Đó gọi là Tận Đế. Người muốn thành tựu đạo vô thượng chánh chân thì phải hiểu rõ khổ, tập, tận. Đoạn trừ sạch tâm nghi, tà kiến.

Này Tối Thắng! Bồ Tát ở trong trụ địa thứ năm nên làm thanh tịnh hạnh mình như vậy.

***