Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu đoạn Kết

PHẬT THUYẾT KINH

TỐI THẮNG VẤN BỒ TÁT

THẬP TRỤ TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
 

PHẨM SÁU

PHẨM CĂN MÔN
 

Bấy giờ, Bồ Tát Tối Thắng bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Thượng vị trụ ở địa thứ sáu nên thanh tịnh hạnh mình như thế nào?

Phật bảo Tối Thắng: Này Tối Thắng! Bồ Tát Thượng vị thường phải tu hành sáu độ vô cực, chẳng ái luyến thành quả đạt được, bỏ tâm Thanh Văn, muốn cõi nước thanh tịnh thì không có ý Duyên Giác, phát tâm rộng lớn chẳng khởi tâm nhỏ.

Thấy người nghèo khổ, trước tự trừ tâm tham của mình, đem đồ đến cho người ấy, khiến họ no đủ. Có vật quý báu đem cho người, không có ý hối tiếc, lìa xa ngã, ngã sở, bỏ tâm chấp thường, trí ấy vô lượng không có cùng tận, mong muốn được nghe pháp vi diệu sâu xa. Thân, miệng, ý thanh tịnh, không phạm giới nào. Thường ủng hộ người trì giới.

Bồ Tát thượng vị tâm luôn luôn nhân từ, không làm thương hại chúng sinh, tự thân không giết, thấy người giết hại nên khuyên tu thiện. Không trộm vật của người, dầu là mảy lông. Giả sử có người phạm giới thì dạy họ sám hối. Thường giữ tâm chuyên nhất không phạm dâm dật. Nếu thấy người phạm thì khuyên tu tịnh hạnh.

Thường nói lời chân thành, không nói hai lời để chia rẽ người. Nếu có người tranh cãi thì nên hòa giải làm cho không tranh, nói lời can gián chân tình khiến cho tất cả hành thiện. Không được mắng chửi khiến người sân hận, gặp người sân hận phải nhớ hành nhẫn nhục. Có tâm hổ thẹn, không nói lời hung ác, nói phải giữ miệng, không được nói dối.

Tư duy bình đẳng đối với tất cả mọi người, bỏ tâm kiêu mạn, không nên oán ghét, không sinh tướng sân đối với chúng sinh. Thường phải tự chế phục mình, mong muốn làm được như trên. Nếu nay không hành nhẫn nhục thì sau này sẽ xấu xí. Tâm thường ngay thẳng, không khinh hậu học.

Người ở trong đạo pháp, tâm luôn vui vẻ, tâm ấy thanh tịnh không có phiền não, ưa thích pháp vô tỉ sâu xa vi diệu, đem bốn điều không sợ thâu phục ngoại học, khiến họ tu tịnh nghiệp ra khỏi nơi ấy. Tâm ở tại đạo hành theo nhân từ. Nếu gặp bậc Sa Môn, dị học, phạm chí thì phải làm việc của thầy cho bằng được.

Vì sao?

Vì thành Phật Đạo, thành nhất thiết trí. Tâm thường mềm mỏng, không hành thô bạo. Gặp người sai quấy, nếu không tự giữ được mình thì không nên làm, không để sơ hở có hành vi phi pháp, cũng không có tâm Thanh Văn, Duyên Giác.

Ở các chỗ sai phạm, cũng không si ám, thường hành tinh tấn, không biếng nhác, không giao tiếp với các kẻ kiến giả sử gặp người tệ ác cũng không chống đối, không nói chuyện làm việc theo họ.

Giữ giới trọn vẹn không để vi phạm, gần bậc trí tuệ học hiểu pháp sâu xa, cũng không có ý nhàm chán xa lánh, thâm tín tịnh giới, tu hành chân chánh, không bị tà kiến làm ô nhiễm gìn giữ pháp ấy, tu hành như pháp, tất cả chúng sinh khen ngợi đức ấy, gìn giữ pháp luật, thanh tịnh không nhơ, tu hành kiên cố, thấu suốt bản tâm, không thể nói sai lời, nói có lỗi lầm.

Vì sao?

Vì hành chánh đạo không theo tà đạo, giới pháp trọn vẹn lại không mê hoặc, diễn giảng cùng khắp, giữ gìn Chánh Giác của Chư Phật, tự vui chính mình, không cầu bên ngoài, thường biết dừng đủ không có tham luyến, tâm ý thuần thục trừ sạch các ác, thân ý lặng lẽ không có hân lạc, thường ưa thích nơi thanh vắng, không gần những chỗ ồn ào, có khả năng phân tích đạo pháp.

Không học theo ngoại đạo, oai nghi tề chỉnh chưa từng thất lễ, không dùng tư duy phục tốt để làm đẹp, thề như bản nguyện, không gì bằng công đức, không vì thứ ngon ngọt mà loạn tâm ý, tự có đạo lực giữ gìn đức nghiệp, tu thuận theo giới không phóng dật buông lung, thì Trời người hộ vệ khiến thành cứu cánh. Niệm rãi tâm từ khắp các loài chúng sinh.

Thường tu tâm bi, nhẫn các phiền não, tinh tấn thủ hộ khiến không biếng nhác, tâm hành bình đẳng, thiện ác không hai, vì tất cả chúng sinh mà gánh gánh nặng, thường quán sát rõ, không làm hao tổn, không cho tâm thức chạy theo các tưởng, không nghĩ điều ác, không truyền điều sai cho người, hộ tất cả ý, thâu nhiếp ý, kiên cố không cho vọng khởi.

Theo sự tư duy thường niện bố thí, nuôi dưỡng tất cả loại chúng sinh, luôn hành nhẫn nhục, không khởi tâm khác, chí nguyện tinh tấn trọn không thoái chuyển, thiền tư lặng lẽ đắc định an ổn, thuận theo trí tuệ thông suốt các nghĩa, diễn nói sâu rộng cũng không chán đủ, tu học hết thảy giới pháp yếu, duyên theo bạn lành để đạt các pháp, lìa các thầy ác, xa các tà học.

Tà học là chẳng phải đạo chân chánh, không tham đắm trang sức thân tướng, biết rõ vạn vật thảy đều vô thường, công đức giới ấy tịnh như vàng ròng, ý thí thanh tịnh không có hối hận, tâm ý thanh tịnh trọn không hư dối, sở học vi diệu không có phiền não, tâm ý sáng suốt không có cấu bẩn, bản hạnh thanh tịnh tâm không nóng nảy.

Tuy ở chỗ mê hoặc nhưng không theo dâm dục, ý không tán loạn thường luôn an định, đứt các trói buộc không còn sinh lại, thông suốt vắng lặng trọn không sai lầm, giới đủ không khuyết, không có rò rĩ, sống theo pháp yếu không được quên bỏ, theo định căn của Chư Phật đã phân biệt mà độ chúng sinh với tâm bình đẳng.

Hiện tiền nhập giải thoát môn, dạo chơi các tam muội bằng nhất thiết trí. Không tham thân mạng, không còn một niệm loạn tướng, không chấp ngã, nhân, thọ mạng, cũng không tư duy sắc thọ tướng hành thức, không.

Không nương vào thân, miệng và bốn đại tạo sắc, hiểu tướng chân đế ấy như thật, phân biệt sắc tạo, một không có hai. Lại nên tư duy thấy rõ mắt sắc, tai tiếng, mũi mùi, lưỡi vị, thân xúc, tâm pháp thảy đều thanh tịnh, một tướng vô tướng.

Bằng pháp không, vô tướng, vô nguyện, quán sát các pháp không có hình tướng. Vượt qua ba cõi không tham đắm nhiễm, cởi bỏ tất cả không còn trói buộc, lại không sinh niệm cũng không thấy sinh.

Vì sao?

Vì tất cả pháp đều không có chỗ sinh. Thường nên từ mẫn, không nghĩ giết hại, trộm cắp. Nuôi dưỡng tất cả chúng sinh khiến cho sống an lạc, không được thi ân bằng cách dối gạt lấy tài bảo của người. Lìa xa sắc dục, không nên tà dâm.

Không dối gạt người, nói lời trung tín, nhận người can gián, tâm không mê muội, tâm luôn luôn tôn kính các bậc Trưởng Lão. Với tâm nhân từ, dạo khắp các phương làm cho tất cả thảy đều vui thích, khoan dung rộng lượng chỉ dạy chánh giáo đúng như pháp luật với niệm bình đẳng, cũng không tức giận các loài chúng sinh cho mình đã đủ các hạnh, không tinh tấn thêm.

Diễn nói rốt ráo độ các chúng sinh, tháo gỡ sự che đậy cho tất cả chúng sinh Bồ Tát thượng vị, đại chủ của pháp, giảng rộng pháp tam thừa vô cực, công đức hơn núi Tu Di, trí tuệ vượt cả sông biển, đạo siêu việt hư không, không thể lấy gì để ví dụ.

Tối Thắng nên biết! Vì tất cả chúng sinh ngu si, biếng nhác, phóng dật, chẳng thuận theo giáo pháp, nên luân hồi sinh tử triền miên, bị mê mờ nên không thoát khỏi ba cõi. Do vậy, Như Lai thương xót không gì bằng. Vì tuân theo gốc tất cả các pháp, vì tất cả pháp mà đạo trừ tập ái, gốc hai mươi hai bệnh theo xúc. Các pháp này chẳng phải là pháp, cũng chẳng phải là phi pháp, cũng không có ngôn giáo, cũng không thể nói.

Vì sao?

Vì nếu không có pháp thì cũng không có sinh, cũng không có diệt, người nói pháp cũng không thấy có nói.

Như vậy Tối Thắng! Bồ Tát thượng vị phân biệt tư duy xúc có sinh thì xúc có diệt. Bồ Tát quán sự đối đãi của xúc ấy. Với sáu xúc làm căn bản, phải nên biết nó. Cũng nên biết sáu xúc không làm căn bản, bảy xúc cùng với thọ nhập. Lại nữa, Bồ Tát tư duy quán sát xúc, với ba cánh lạc làm căn bản thì bảy cánh lạc ngọn ngành ít có phần ấy.

Lại nữa Tối Thắng! Bồ Tát nên tư duy, khi rõ xúc lạc tự tương ưng với bốn xúc cùng với thọ nhập thì không nên đắm nhiễm. Lại nữa, Bồ Tát nên tư duy, khi vô minh xúc cùng với ba xúc tự tương ưng, lại cùng với mười một xúc ít có phần ấy, thì nên tư duy không để đắm nhiễm.

Lại nữa Tối Thắng! Khi xúc của phi minh và phi vô minh tự tương ưng thì mười một xúc khác ít có phần ấy. Lại nữa, khi ái dục xúc tự tương ưng thì mười một xúc ít có phần ấy. Giả sử, sân nhuế xúc tự thâu giữ lấy nhau thì mười một xúc ít có phần ấy. Lại nữa, thọ lạc xúc cùng mười hai xúc ít có phần ấy. Thọ khổ xúc với mười một xúc ít có phần ấy. Thọ không khổ không lạc với mười ba xúc ít có phần ấy.

Lại nữa, Bồ Tát! Khi nhãn thức xúc tự tương ưng ứng với nhau thì tám xúc ít có phần ấy. Tai, mũi, lưỡi, thân cũng như mắt không có khác. Sắc tướng xúc cùng với năm xúc làm thể, liền liên kết với bảy xúc. Nếu âm thanh xúc cùng với ba xúc làm thể thì cùng liên kết với mười một xúc. Nếu mùi hương xúc cùng với hai xúc làm thể thì khi ấy cùng liên kết với chín xúc. Nếu khi mùi vị xúc làm thể thì cùng liên kết với mười một xúc.

Nếu khi vật thô mịm cùng với ba xúc làm thể thì cùng liên kết với mười ba xúc. Hoặc khi pháp xúc cùng với hai mươi hai xúc làm thể thì cùng liên kết với tất cả các xúc. Bồ Tát bậc thượng vị nên tư duy chỗ xúc hưng suy, sinh diệt, mỗi mỗi phân biệt không cho tăng giảm, có thể tiêu diệt các kết sử của dục trần, tâm cũng không tướng chấp thường cũng không thấy ngã, nhân, sinh, diệt, đoạn, thủ.

Như vậy Tối Thắng! Bồ Tát trụ địa thứ sáu với tâm chân đế không niệm có không, thấu rõ pháp không thì biết rõ các xúc chỉ là một.

Bồ Tát nên biết! Nếu khi xúc hữu đối cùng nhất căn làm thể thì biệt cùng với tám căn liên kết với nhau. Bồ Tát thượng vị lại nên tư duy, tâm chuyên nhất, mỗi mỗi biết rõ, tâm không đắm nhiễm. Bồ Tát lại nên quán sát xúc quảng ngữ cùng với năm căn làm thể, khi ấy, biệt cùng với tám căn liên kết với nhau, chớ để tâm đắm nhiễm. Bồ Tát lại nên tư duy minh xúc cùng với ba cánh lạc làm thể, khi ấy, biệt cùng với chín căn liên kết với nhau.

Lại nữa, khi vô minh xúc tự làm thể thì cùng với sáu căn liên kết với nhau. Khi phi minh, phi vô minh xúc làm thể thì cùng với mười một căn liên kết với nhau, ái dục xúc cũng cùng với bốn căn liên kết với nhau, sân nhuế xúc cũng cùng với bốn căn liên kết với nhau.

Thọ lạc xúc cùng với hai căn làm thể, thì cùng với chín căn liên kết với nhau. Thọ khổ xúc cùng với hai căn làm thể, thì cùng với sáu căn liên kết với nhau. Thọ không lạc không khổ xúc cùng với một căn làm thể, khi ấy cùng với vô căn liên kết với nhau.

Lại nữa, Bồ Tát! Khi mắt xúc tự làm thể, thì cùng với chín căn liên kết với nhau. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Ý xúc cùng với năm căn làm thể, khi ấy cùng với tám căn liên kết với nhau. Sắc xúc cùng với hai căn làm thể, liền cùng với năm căn liên kết với nhau.

Lại nữa, Bồ Tát cũng nên tư duy mùi hương xúc cùng với sáu căn làm thể, khi ấy liền cùng với chín căn liên kết với nhau. Mùi vị cùng với hai căn làm thể, khi ấy liền cùng với mười một căn liên kết với nhau. Nếu khi vật thô mịn xúc cùng với một căn làm thể, liền cùng với tám căn liên kết với nhau.

Bồ Tát lại nên quán biết! Pháp xúc cùng với mười chín căn làm thể, liền cùng với mười ba căn xúc liên kết với nhau.

Bồ Tát nên tư duy kỹ! Nếu trừ bỏ tham đắm thì không tạo xúc, liền có thể đầy đủ tất cả các nguyện, dùng thân tướng tốt sắc vàng trang nghiêm chiếu sáng khắp nơi, hiểu rõ các pháp đều là không tịch, hiểu biết gốc pháp cũng không phải là pháp, cũng không phải là phi pháp.

Vì sao?

Vì nếu không có pháp thì không có sinh, cũng không có diệt, người nói pháp cũng không thấy có nói, pháp phi chân thật, giả gọi vậy. Trong có sáu thọ, ngoài có sáu nhập, các loại năm ấm và nhất thiết nhập đều hư tịch, đều giả danh. Sự phân biệt chương cú và tất cả pháp, theo quán chân đế không có năm ấm.

Các loại bốn đại và gốc hai mươi hai xúc không có đoạn diệt, cũng không phải là thường hay vô thường, cũng không kiên cố nên gọi các pháp là không thể nói. Tất cả các pháp xưa nay thanh tịnh, là không, là tịch, không có tên gọi. Tánh tất cả pháp và danh xưng ấy đều không có sở hữu, lời dạy của Chư Phật cũng như vậy. Thường phải tu tập pháp không xứ sở.

Tu pháp không xứ sở là thế nào?

Tức là tu tập biết rõ sự kinh sợ không có chỗ sinh, tu không tham dục, hành pháp chân đế, học tập bản vô, hành khắp pháp giới, tu tập bản tế, biết rõ tất cả đều không, tất cả các pháp đều không có chỗ trụ, không có tập hành.

Như vậy Tối Thắng! Bồ Tát trụ địa thứ sáu, hiểu các pháp không, tu tập oai nghi lễ tiết, không thủ vị lai, xả bỏ quá khứ, không nghĩ hiện tại cũng không có ngã sở, không có thọ thủ, cũng không có chủ, lại không che đậy nhưng không thể thấy. Vì cứu cánh không nên không có tận diệt. Giả sử có văn tự cũng là giả danh. Nếu không có tận diệt thì không có sinh. Vì sự kinh sợ của ý chí bản tịnh ấy cũng không có sinh.

Sự tu tập ấy cũng không có tiếng vang, cũng không thấy có tiến, cũng không thấy có lùi. Truy tầm nguồn gốc của nó thì không có đáy, không sinh, không diệt. Đây gọi là đạt đến bản không. Giảng nói bình đẳng cũng không niệm tướng, không gần, không xa cũng không tung tích, đó gọi là tập.

Tập còn có nghĩa là thâm nhập luật pháp, tất cả các pháp giả có tên gọi, cũng không có chỗ đến đi, không thấy, không nghe, không được, không mất. Đó gọi là thường trụ nơi ba cõi. Người khéo hành trì pháp như vậy gọi là tập.

Thế nào gọi là pháp?

Nghĩa là pháp không niệm pháp, cũng không hủy bại, lại không lo sợ, cũng không mong cầu, nếu không mong cầu thì không có tướng quả báo. Nếu không có niệm sự báo đáp thì trừ được tất cả phiền lụy của tướng trông chờ.

Không nghĩ tướng vị lai, hiện tại không dừng trụ, không nhớ nghĩ quá khứ, người hành như vậy liền có thể được đầy đủ tất cả đồng với ba đời. Nếu đồng với ba đời thì không thể nói. Vì không dừng trụ nên độ được chúng sinh.

Tối Thắng nên biết! Như Lai xuất hiện diễn nói pháp này khiến chúng sinh được qua bờ giác. Có Phật hay không Phật thì pháp tánh vẫn thường trụ, pháp giới tự nhiên không biến đổi. pháp giới tụ như vậy gọi là tịch nhiên.

Vì sao pháp giới tự nhiên?

Vì không có ngã và ngã sở nên gọi là tự nhiên. Nếu khi Bồ Tát chấp vào ngã sở, thì thân ý mình có chỗ vướng mắc, quán xem nhân duyên sự thọ thân năm ấm, thấy chỗ xoay quanh của tên gọi, sắc, tư tưởng, ngôn từ qua lại đều y vào thức tri, danh hiệu giả bày, trong tâm toan tính.

Quán sát các nhập, bốn đại, tận gốc ngọn, khi ấy Bồ Tát nghĩ: Ta nên tinh tấn độ người trong ba cõi, khiến cho họ xả bỏ bệnh tham, sân, si, tu tập đạo giáo, nhập vào ba môn giải thoát. Hoặc lại tư duy khiến cho chúng sinh đạt được đạo tích, thành A La Hán, chứng đắc bốn quả.

Hoặc lại suy niệm về ý chỉ, ý đoạn, thần túc, năm căn, năm lực, bảy phần bồ đề, tám chi Thánh Đạo, không, vô tướng, vô nguyện, bốn Chân Đế, diệt trừ trần lao. Người có tư tưởng này làm quyến thuộc với chúng sinh thì pháp giới sẽ có sự khuyết giảm.

Bồ Tát trụ địa thứ sáu, với tâm xa lìa không cùng Thanh Văn, Duyên Giác, hành nghiệp Bồ Tát, phát nguyện Đại Thừa, tâm ý rộng lớn, tự tâm nghĩ: Nếu ta làm việc Phật, cầu tuệ đạo thì không làm suy giảm trăm ngàn hành xử, ta sẽ bố thí tài pháp, xả bỏ tâm bỏn sẻn, giữ giới thanh tịnh, đoạn trừ nhơ uế thủ hạnh cẩn trọng, kiến lập nhẫn nhục, trừ bỏ sân nhuế, hành động nhu hòa.

Hoặc tu tinh tấn độ tâm biếng nhác, nỗ lực tu tập không bỏ những thiện ác trước đây. Hoặc ở chỗ thanh vắng tu tập chánh thọ, ý không tán loạn, sớm được nhất tâm, từ Tam Muội xuất ra phụng hành nghĩa ấy, hóa độ chúng sinh bằng sáu độ vô cực. Vì cầu Phật Đạo.

Muốn thành bậc quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, Bồ Tát trụ địa thứ sáu phải hàng phục chúng ma, chuyển pháp luân vô thượng độ thoát chúng sinh, vì Phật vĩnh tịch mà diệt độ vậy. Thấu triệt Thánh tuệ, học sửa trụ địa, tuyên dương nghiệp mười lực của Đức Như Lai, bốn điều không sợ, mười tám pháp Bất cộng thù thắng, phân biệt biện tài, thông đạt vô ngại, cũng không tưởng cầu Cõi Sắc, Vô Sắc, không có tham luyến.

Trước người đáng độ, Bồ Tát phân tích năm ấm không có khởi diệt, sinh, già, chết là tướng phiền não, hiểu biết pháp không đó là khổ đế. Hiểu biết năm ấm từ nhân duyên khởi, vạn vật hiện hữu đều do tưởng cầu, biết rõ ý ấy nhưng không phân biệt đúng sai. Tuy không mong cầu nhưng không quên hẳn, đó là Tập Đế.

Chẳng hòa đồng với việc quá khứ, hiện tại, vị lai, cũng không có tâm cầu mong trụ ở trong ấy, biết rõ đã diệt trừ hết thảy, không còn mong cầu, đó là tận đế. Người muốn đạt đạo phải biết rõ khổ, tập, tận, dùng tám mươi bốn trí của Bậc Thánh được tôn sùng để trừ bỏ lưới nghi, duyên trói buộc, đó là tận đế.

Phân biệt bốn đế, tất cả vật hiện hữu, tâm biết việc thiện ác, khổ lạc của thế gian, biết rõ tất cả nhưng không mong cầu, cũng không thủ chứng, đó là Bồ Tát hành đạo đế. Hiểu rõ thân không, tịch diệt chẳng khởi, cũng không làm hại, cũng không trừ tội, không thủ không xả, cũng không đoạn trừ, không thấy có thân, không thấy có người bố thí tạo tác, chẳng ở hai bên, cũng không ở giữa.

Như vậy Tối Thắng! Bồ Tát thượng vị thường nên tư duy, trừ tai họa liên kết của gốc hai mươi hai cánh lạc mới có thể tu tập nghiệp của Bồ Tát tôn sùng.

Này Tối Thắng! Đó là Bồ Tát thượng vị ở trong trụ địa thứ sáu làm thanh tịnh hạnh của mình.

***