Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Trì Thế

PHẬT THUYẾT KINH TRÌ THẾ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẨM BẢY

PHẨM NĂM CĂN
 

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào là Đại Bồ Tát biết rõ các căn?

Đại Bồ Tát chánh quán năm căn xuất thế gian.

Những gì là năm?

Đó là: Tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Khi Bồ Tát tu tập năm căn, tin tất cả pháp đều từ các nhân duyên sinh mà có điên đảo, hợp với duyên hư vọng, giống như vòng lửa, lại cũng giống như tính chất của mộng. Tin tất cả các pháp đều vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã, như bệnh tật, ghẻ lở, không bền chắc.

Tướng của nó hư hoại, giả dối không thật. Lại tin tất cả pháp hư hoại, không có thật, giống như nắm đấm giữa hư không, như cầu vồng nhiều màu sắc dối gạt trẻ con. Do nhớ tưởng, phân biệt, giả mượn mà có, không có bản thể, không có pháp nhất định. Lại tin tất cả pháp không quá khứ, vị lai, hiện tại.

Tin tất cả pháp không từ đâu đến, cũng không đi về đâu. Tin tất cả pháp là không, vô tướng, vô tác. Tin tất cả pháp không sinh, không tạo, không khởi, không tướng, xa lìa các tướng và tin trì giới được thanh tịnh, thiền định thanh tịnh, trí tuệ thanh tịnh, giải thoát thanh tịnh, giải thoát tri kiến thanh tịnh.

Bồ Tát thành tựu được tín căn không thoái chuyển như vậy. Do tín căn đứng đầu nên giữ gìn giới đức, đức tin này thường không thoái thất. Thành tựu pháp bất thoái, an trụ bất động. Trong đức tin này thường tùy theo quả báo của nghiệp mà thành tựu. Người có tín tâm đoạn trừ tất cả tà kiến, không lìa tướng của pháp.

Cầu Thầy, chỉ lấy Chư Phật làm Thầy. Thường hành theo thật tướng cua các pháp, biết việc làm chánh đạo của Chư Tăng, giữ giới thanh tịnh, thành tựu nhẫn nhục, được bất động, tín bất hoại, vì tín tăng thượng như vậy, nên gọi là thành tựu tín căn.

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào là Đại Bồ Tát chánh quán tinh tấn căn, thành tựu tinh tấn căn, biết rõ tinh tấn căn?

Đại Bồ Tát thực hành tinh tấn không dừng nghỉ, thường muốn đoạn trừ năm thứ ngăn che nên siêng năng tinh tấn, cho đến vì nghe những pháp sâu xa như vậy nên gọi là tinh tấn. Bồ Tát ấy cầu pháp không dừng, không nghỉ, tinh tấn không thoái lui. Cũng muốn đoạn trừ các pháp chướng ngại nên siêng năng tinh tấn mà không khiếp nhược. Cũng vì muốn đoạn trừ vô số pháp ác bất thiện, suy não nên siêng năng tinh tấn.

Lại vì muốn tăng trưởng vô số pháp thiện nên siêng năng tinh tấn. Bồ Tát này quyết định thành tựu tinh tấn, không tham chấp nơi tinh tấn mà thể nhập pháp tinh tấn bình đẳng, thành tựu tinh tấn bất thoái. Người này được chánh phương tiện, thông đạt tất cả pháp nên pháp hành luôn tinh tấn.

Ở trong việc tinh tấn không lệ thuộc người khác, ở trong tinh tấn được trí tuệ sáng suốt, thành tựu tướng bất thoái, đạt được tinh tấn bất thoái. Vì tinh tấn tăng thượng như vậy nên được gọi là thành tựu tinh tấn căn.

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào là Đại Bồ Tát đạt được niệm căn và khéo tu tập niệm căn một cách trọn vẹn?

Đại Bồ Tát thường thâu giữ niệm lại một chỗ, nhu hòa, bố thí, phạm hạnh đầy đủ, giữ thanh tịnh hoàn toàn nơi giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn. Thường nghĩ đến việc làm thanh tịnh thân, khẩu ý nghiệp.

Thường nghĩ đến việc ấy một cách rốt ráo. Thường nghĩ đến sinh, trụ, dị, diệt của tất cả pháp nên hành phương tiện. Thường nghĩ đến tri kiến khổ, tập, diệt, đạo đế. Thường nghĩ đến các căn, lực, giac, đạo, thiền định, giải thoát, các tam muội phương tiện.

Thường nghĩ đến tất cả các pháp không sinh, không diệt, không tác, không khởi, tướng của nó là không thể nêu bày. Thường nghĩ đến muốn được trí tuệ vô sinh. Thường nghĩ đến muốn được đầy đủ trí nhẫn. Thường nghĩ đến trí lìa, trí diệt.

Thường nghĩ đến muốn được đầy đủ pháp của Phật. Thường nghĩ đến không để cho pháp Thanh Văn, Bích Chi Phật vào tâm. Thường nghĩ đến trí tuệ vô ngại. Thường không quên, không mất, không thoái niệm này. Quán sát như vậy nhưng không chạy theo người khác. Người ấy được niệm tăng thượng bền vững như vậy, nên gọi là thành tựu niệm căn.

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào là Đại Bồ Tát đạt được định căn, đạt được phương tiện định căn?

Đại Bồ Tát ở trong định địa thường hành thiền định, không nương thiền định, không tham thiền định, giỏi nắm giữ tướng thiền định, giỏi đắc phương tiện thiền định, khéo sinh thiền định và cũng có thể hành thiền định vô duyên.

Biết hết các môn thiền định, biết rõ nhập thiền định, biết rõ trụ thiền định, biết rõ xuất thiền định, mà ở trong thiền định không hề nương chấp, khéo biết rõ tướng nơi đối tượng duyên, biết rõ tướng chân duyên, cũng không tham thọ các vị thiền. Ở trong các định được tự tại hiện bày diệu dụng mà không tùy thuộc người khác, cũng không sinh theo thiền định.

Ở trong các định được sức tự tại, ở trong các định không lấy làm khó, không lấy làm dễ. Tùy theo ý muốn, người này được thiền định tăng thượng. Như vậy gọi là được định căn, được phương tiện định căn.

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào là Đại Bồ Tát thành tựu tuệ căn, đắc tuệ căn phương tiện?

Đại Bồ Tát thành tựu thông đạt tuệ căn, nghĩa là có thể diệt ngay các khổ. Người thành tựu thông đạt tuệ thì ở mọi chỗ hành dụng đều được lìa quán, xả quán, thành tựu trí tuệ, thuận với Niết Bàn.

Vì thành tựu tuệ căn này nên biết rõ về ba cõi như lửa dữ, biết rõ ba cõi đều là khổ, do trí tuệ này nên không ở trong ba cõi. Người này quán sát ba cõi đều không, vô tướng, vô nguyện, vô sinh, vô tác, vô khởi. Ngay khi ấy thấy con đường ra khỏi tất cả pháp hữu vi.

Vì muốn được đầy đủ các pháp Phật nên siêng năng tinh tấn như cứu lửa cháy đầu. Trí tuệ của Bồ Tát này không thể hư hoại, vì trí tuệ thông đạt này có thể thoát ly ba cõi, cũng không lệ thuộc vào việc của ba cõi, đoạn tất cả sự ưa thích trong pháp hữu vi.

Trong tất cả pháp có thể nhiễm, có thể ràng buộc, có thể đắm chấp mà tâm không còn ham thích. Đối với tất cả pháp năm dục, tâm xa lìa, tâm cũng không trụ nơi Sắc Giới, Vô Sắc Giới, thành tựu trí tuệ tăng thượng, thành tựu vô lượng công đức giống như biển lớn.

Do trí tuệ này, ở trong phương tiện tất cả pháp không còn nghi ngờ. Người dùng trí tuệ này thông đạt ba cõi, ở trong ba cõi, tâm không bị ràng buộc, vì được trí tuệ tăng thượng này nên gọi là tuệ căn, được phương tiện tuệ căn.

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào là căn?

V ì nghĩa tăng thượng nên gọi là căn, nghĩa bất động nên gọi là căn, nghĩa không thể hoại nên gọi là căn, không thể thoái lui nên gọi là căn, không tùy thuộc người khác nên gọi là căn, không thoái chuyển nên gọi là căn, không bị lôi kéo nên gọi là căn, tùy thuận theo chánh pháp nên gọi là căn, không tham chấp nên gọi là căn, không xen tạp nên gọi là căn.

Lại nữa, này Trì Thế! Đại Bồ Tát biết rõ các căn nơi chúng sinh, cũng có thể khéo phan biệt học căn. Bồ Tát biết các căn dục nhiễm của chúng sinh, biết các căn của chúng sinh lìa dục nhiễm, biết các căn sân hận, lìa sân hận của chúng sinh.

Biết các căn ngu si, biết các căn lìa ngu si của chúng sinh.

Biết các căn sắp đọa nơi cõi ác của chúng sinh.

Biết các căn sinh trong loài người của chúng sinh.

Biết các căn sinh lên Cõi Trời của chúng sinh.

Biết các căn tâm nhu hòa của chúng sinh.

Biết các căn thượng trung hạ của chúng sinh.

Biết các căn hư hoại, không hư hoại của chúng sinh.

Biết các căn siêng tu, không siêng tu của chúng sinh.

Biết các căn giả dối, không giả dối của chúng sinh.

Biết các căn có tội, không tội, có cấu, không cấu của chúng sinh.

Biết các căn sân hận, không sân hận, biết tùy thuận, không tùy thuận của chúng sinh.

Biết các căn chướng ngại, không chướng ngại của chúng sinh.

Biết các căn tạo nghiệp nơi Dục Giới, tạo nghiệp nơi Sắc Giới, tạo nghiệp nơi Vô Sắc Giới của chúng sinh.

Biết căn lành nhiều, căn lành ít của chúng sinh.

Biết các căn hoàn toàn định, không hoàn toàn định, tà định của chúng sinh.

Biết các căn keo kiệt, lìa keo kiệt.

Biết đùa giỡn, không đùa giỡn.

Biết điên cuồng, không điên cuồng.

Biết nóng nảy, không nóng nảy.

Biết sân giận, không nhẫn nhục.

Biết mềm mại hay nhẫn nhục.

Biết keo kiệt sâu dày.

Biết bố thí đầy đủ các căn cho chúng sinh.

Biết tin, biết không tin.

Biết cung kính, không cung kính.

Biết trì giới đầy đủ, biết trì giới thanh tịnh.

Biết nhẫn nhục đầy đủ, biết biếng trễ, biết tinh tấn, biết tâm tán loạn, biết tâm được định, biết có trí tuệ, biết không có trí tuệ, biết ám độn, biết không ám độn, biết tăng thượng mạn, biết không tăng thượng mạn, biết hành chánh đạo, biết hành tà đạo.

Biết vọng niệm, biết niệm an ổn, biết thu giữ căn, biết buông xả căn, biết căn hư hoại, biết căn không hư hoại, biết căn tịnh, biết căn bất tịnh, biết căn sáng suốt, biết căn phát tiểu thừa, biết căn phát Bích Chi Phật thừa, biết căn phát chư Bồ Tát, biết căn phát Phật thừa.

Bồ Tát có thể vượt qua được các căn như vậy bằng phương tiện phân biệt. Ở trong trí tuệ phương tiện, phân biệt các căn như vậy của chúng sinh, không tùy thuộc người khác nên gọi là được các căn phương tiện, cũng gọi là không bị người khác dẫn dat, cũng gọi là không thể phá hoại, cũng gọi là không thoái chuyển.

Cũng gọi là được sức phương tiện, cũng gọi là đắc căn nhân, cũng gọi là đắc căn Chư Thiên, căn nơi Rồng, Thần, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân… cũng gọi là được tự tại lớn, cũng gọi là được bất hoại, bất động, cũng gọi là đến bờ kia.

Người thành tựu công đức như vậy, đối với tất cả pháp mau chóng đắc tự tại.

***