Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Trì Thế

PHẬT THUYẾT KINH TRÌ THẾ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẨM BỐN

PHẨM MƯỜI HAI NHẬP
 

Phật bảo Bồ Tát Trì Thế: Thế nào là Đại Bồ Tát biết rõ về mười hai nhập?

Khi Đại Bồ Tát quán sát về mười hai nhập, nghĩ thế này: Nhãn nhập trong nhãn thì không thể thủ đắc, nhãn nhập trong nhãn không có tính nhất định. Lại nữa, nguồn gốc của nhãn nhập cũng không thể thủ đắc.

Vì sao?

Vì nhãn nhập từ các duyên sinh, khởi lên từ điên đảo. Do duyên nơi sắc nên buộc vào sắc, do hai pháp hợp lại mà có. Vì có sắc nên có nhãn nhập, vì có sắc nên nói nhãn nhập. Hai pháp nương nhau nên gọi là nhãn sắc. Nghĩa là nhãn và sắc, sắc làm duyên để đi vào trong cửa nhãn, nhãn làm cửa để sắc đi vào nên có sự thấy, cho nên nói nhập.

Do sắc duyên nên nói nhãn nhập, do mắt thấy nên nói sắc nhập. Đứng về mặt tục đế nên nói như vậy. Thật ra mắt không nương sắc, sắc không nương mắt, mắt không nương mắt, sắc không nương sắc, mà chỉ từ các duyên sinh ra. Sắc làm duyên nên gọi là nhãn nhập. Lại từ các nhân duyên sinh ra sự thấy biết của mắt về các hình tướng nên nói là sắc nhập.

Vì sao nói như vậy?

Nghĩa là tùy thuận theo pháp điên đảo của thế tục nên nói. Trong Đệ nhất nghĩa nhãn nhập là không thể thủ đắc, sắc nhập là không thể thủ đắc. Người trí tìm các nhập không thấy có thật nhập, chỉ do phàm phu tương ưng với điên đảo, vì hai tướng nên nói đây là nhãn nhập, đây là sắc nhập.

Nhãn nhập, sắc nhập này là chỉ bày nhập hư vọng, muốn làm cho chúng sinh biết như thật về thật tướng của các pháp nên nói các nhập này đều từ các nhân duyên sinh, hành động tương ưng với điên đảo, trong đó thật tướng của các nhập là không thể thủ đắc.

Vì sao?

Vì nhãn nhập hay sắc nhập không ở trong, không ở ngoài, không ở trung gian. Nhãn nhập, sắc nhập cũng không ở quá khứ, vị lai, hiện tại. Chỉ nhờ duyên hiện tại mà biết được sắc nên nói là nhãn nhập, giống như chỗ hành động của phàm phu.

Người trí thông đạt các nhập đều là hư vọng, không có thật, từ điên đảo, nhớ nghĩ, phân biệt sinh khởi, nên thấy biết phi nhập là nhập, không nói tánh các nhập. Các nhập không có tướng quyết định, chỉ do các nhân duyên sinh cho nên nói như vậy.

Như Lai thuyết giảng về chỗ thấy biết tướng của các nhập này. Nghĩa là các nhập ấy là hư vọng không có thật, thuộc các nhân duyên, tương ưng với hành hoạt điên đảo. Các nhập không có người làm ra, các nhập không có người sai khiến.

Nhãn nhập không biết, không phân biệt sắc nhập, sắc nhập cũng không biết, không phân biệt được nhãn nhập, cả hai đều lìa tướng. Nếu pháp đã lìa tướng thì trong ấy không thể phân biệt được, nên nói tướng nhập này đều từ nhân duyên sinh, như phàm phu điên đảo.

Hiền Thánh thông đạt là nhãn nhập, sắc nhập không sinh, không diệt, không có tướng đến, tướng đi. Nhãn không biết nhãn, nhãn không phân biệt nhãn. Sắc không biết sắc, sắc không phân biệt sắc.

Vì sao?

Vì cả hai đều không, nên cả hai đều xa lìa. Nhãn không biết tánh của nhãn, sắc cũng không biết tánh của sắc. Nhãn và sắc đều không có tánh, không có pháp. Trong đó không có một tướng quyết định nào. Nhãn không tự làm, cũng không tự biết, sắc không tự làm, cũng không tự biết, cả hai đều không thật có.

Nhãn không nghĩ ta là nhãn, sắc cũng không nghĩ ta là sắc. Tánh của nhãn và sắc như tánh huyễn, do hư vọng mà tạm gọi nên nói là nhãn, là sắc. Các Đại Bồ Tát quán sát nhãn nhập, sắc nhập như thế. Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, cũng như vậy.

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào là Đại Bồ Tát quán sát y nhập?

Khi các Đại Bồ Tát quán sát ý nhập, nghĩ thế này: Ý nhập trong ý nhập là không thể thủ đắc, ý nhập không có tướng nhập nhất định, nguồn gốc của ý nhập cũng không có.

Vì sao?

Vì ý nhập là do các duyên sinh, từ điên đảo sinh khởi. Nhân ràng buộc vào pháp nhập, vào duyên, hai pháp hòa hợp nên có hành động. Ý nhập này nhân pháp nhập mà sinh ra, vì pháp nhập nên có thể phân biệt, giảng nói.

Hai pháp này nương nhau. Ý là cho của pháp nhập, ý là cửa ngõ của pháp nhập. Pháp nhập là cửa ngõ của ý nhập, nên gọi là pháp nhập. Duyên vào cửa pháp nhập nên gọi là ý nhập. Chỉ bày cửa ý tướng nên nói là pháp nhập.

Theo tục đế nên nói như vậy, thật ra ý không nương pháp, pháp không nương ý, chỉ do duyên sinh nên lấy các pháp làm duyên, nên nói là ý nhập. Do duyên sinh, vì sự chỉ bày ý tướng, nên nói pháp nhập, tùy thuận theo pháp điên đảo của tục đế nên nói như vậy. Trong Đệ nhất nghĩa, ý nhập là không thể thủ đắc, pháp nhập cũng không thể thủ đắc.

Người trí tìm các nhập không thấy thật có, chỉ do phàm phu tương ưng với điên đảo, vì hai tướng nên nói là ý nhập, pháp nhap. Ý nhập, pháp nhập này hư vọng không có thật. Như Lai thông đạt như thật nên chỉ rõ các nhập này. Các nhập này từ nhân duyên sinh, tương ưng với hành động điên đảo. Trong đó ý nhập, pháp nhập thật không thể thủ đắc.

Lại nữa, ý nhập, pháp nhập không ở trong, không ở ngoài, không ở trung gian. Ý nhập, pháp nhập không quá khứ, vị lai, hiện tại, nhưng có thể biết rõ về duyên hiện tại, nên nói ý nhập, pháp nhập là tùy thuận theo tâm của phàm phu. Người trí thông đạt ý nhập, pháp nhập này là hư vọng không có thật, từ nhớ tưởng điên đảo phân biệt sinh ra. Phi nhập là nhập.

Vì sao?

Vì trong các nhập không có tướng nhập quyết định. Người trí thông đạt các nhập này là hư vọng, không có thật. Tự tánh của ý nhập, pháp nhập không thể thủ đắc, chỗ khởi thật tướng của ý nhập, pháp nhập này cũng không thể thủ đắc. Ý nhập, pháp nhập này chỉ do nhân duyên sinh.

Như Lai nói chỗ thấy biết về tướng của các nhập là các nhập hư vọng không thật có, do tương ưng với các hành điên đảo, thuộc nhân duyên sinh. Ý nhập, pháp nhập không có người làm ra, không có người sai khiến. Ý nhập không biết, không phân biệt pháp nhập, pháp nhập cũng không biết, không phân biệt ý nhập.

Vì sao?

Vì cả hai đều xa lìa nhau. Nếu pháp xa lìa tướng thì trong đó không thể phân biệt. Các nhập này đều từ nhân duyên sinh, tùy thuận theo tâm điên đảo của phàm phu nên nói như vậy. Theo như sự thông đạt của Hiền Thánh thì ý nhập, pháp nhập không sinh, không diệt, không đến, không đi.

Ý nhập không biết ý, không phân biệt ý, pháp nhập không biết pháp, không phân biệt pháp. Cả hai đều không, nên cả hai đều xa lìa. Ý không biết tánh của ý, pháp không biết tánh của pháp, hai tánh này là vô sở hữu, trong đó không có một pháp nhất định nào. Ý không thể thành tựu ý, không thể phá hoại ý, pháp không thể thành tựu pháp, không thể phá hoại pháp, vì cả hai đều không thật có.

Ý nhập không nghĩ: Ta là ý nhập.

Pháp nhập không nghĩ: Ta là pháp nhập. Vì cả hai đều không, đều như tướng huyễn, chỉ là tạm mượn danh tự nên phân biệt nói như thế. Đại Bồ Tát quán sát ý nhập, pháp nhập như vậy.

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào là Đại Bồ Tát chánh quán sáu nhập bên trong, sáu nhập bên ngoài?

Nghĩa là mười hai nhập nay đều hư vọng, từ các duyên sinh, tương ưng với điên đảo. Do có hai tướng nên có hoạt dụng trong ngoài. Phàm phu không nghe pháp chân thật, không biết tướng như thật của mười hai nhập nên tham chấp nơi nhãn nhập, cho nhãn nhập là ngã, nhãn nhập là ngã sở.

Tham chấp sắc nhập cho: Sắc nhập là ngã, sắc nhập là ngã sở.

Tai theo tiếng, mũi theo mùi, lưỡi theo vị, thân theo xúc, ý theo pháp cũng như vậy: Cho ý nhập là ngã, ý nhập là ngã sở, pháp nhập là ngã, pháp nhập là ngã sở. Do tham chấp nên bị mười hai nhập trói buộc, giong ruổi qua lại trong năm đường sinh tử không biết lối ra.

Đại Bồ Tát ở trong đó khi chánh quán về mười hai nhập, thấy mười hai nhập này hư dối, không bền chắc, là không, như huyễn tướng, không tham chấp nhãn nhập là ngã hay ngã sở. Do không tham chấp nên không nhớ nghĩ, phân biệt. Đó là Bồ Tát biết rõ về mười hai nhập.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát đạt được phương tiện của các nhập như vậy nên ở trong mười hai nhập không bị ràng buộc, cũng chứng biết các nhập và phân biệt các nhập. Cũng nhờ các pháp duyên sinh mà thông đạt mười hai nhập, cũng dùng tướng vô tướng mà phá bỏ mười hai nhập, cũng không rơi vào nơi các nhập ở trong các cảnh giới. Cũng biết tánh của các nhập là vô tánh, cũng biết các nhập là phương tiện đến bờ cứu cánh.

Này Bồ Tát Trì Thế! Giống như máy phát nước phun cả bốn mặt, mười hai nhập cũng như vậy. Nhờ nhân duyên trong ngoài nên có các hành động, trong đó không tìm ra một cái gì chân thật cả. Mười hai nhập này là máy nghiệp của đời trước ràng buộc nên có hành động.

Này Bồ Tát Trì Thế! Nói nhập là do phàm phu không thấy, không biết, đó là cửa của phiền não đi vào. Mắt là cửa ngõ của sắc, do sinh yêu ghét, nên sắc là cửa ngõ của mắt. Do sinh yêu ghét nên tai, mũi, lưỡi, thân, ý là cửa ngõ của pháp. Do sinh yêu ghét nên pháp là cửa ngõ của ý. Do sinh yêu ghét nên mười hai nhập này hợp cùng với yêu ghét nên không biết tướng thật.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát ở trong đó biết rõ tánh của các nhập, vì biết thật tướng của các nhập này nên không bị yêu ghét khống chế.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đó là Đại Bồ Tát biết rõ về các nhập.

***