Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Trì Thế

PHẬT THUYẾT KINH TRÌ THẾ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẨM MƯỜI

PHẨM PHÁP HỮU VI, VÔ VI
 

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào là Đại Bồ Tát biết rõ pháp hữu vi, vô vi và đắc phương tiện của pháp hữu vi, vô vi?

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát chánh quán pháp hữu vi, vô vi.

Thế nào là chánh quán?

Pháp hữu vi này không có người làm ra, không có người lãnh thọ. Pháp hữu vi này luôn luôn nằm trong sự tự sinh tự diệt nên gọi là pháp hữu vi. Pháp hữu vi này do các hành hòa hợp với nhân duyên hư vọng.

Vì sao?

Vì các hành luôn ở trong sự tự diệt. Do hai tướng duyên, biết nên gọi là pháp hữu vi sinh. Pháp này không có người tạo tác, không có người sai khiến, pháp này tự sinh, không ai có thể tạo ra nên gọi là pháp hữu vi.

Các pháp hữu vi này không ở trong, ngoài, trung gian, không hợp, không tan. Từ gốc hư vọng phân biệt sinh khởi, do nhân duyên vô minh nên đều không thật có, chỉ do sức của các hành nên có tác dụng. Pháp này không có người tạo tác, không có người làm ra, nên gọi là hữu vi.

Hữu vi là nghĩa ràng buộc, tùy theo chỗ tham chấp điên đảo của phàm phu mà nói ra. Người trí thông đạt không theo pháp hữu vi, không bị pháp hữu vi trói buộc. Người trí không theo chỗ tính đếm nên gọi là hữu vi.

Vì sao?

Vì người trí không phân biệt hữu vi, vì phàm phu thế tục nên tạm gọi, phân biệt là hữu vi. Hiền Thánh không theo danh số của tất cả các pháp. Các Hiền Thánh lìa danh số của các pháp nên gọi đắc vô vi, nên gọi là Hiền Thánh.

Người trí thông đạt tất cả pháp hữu vi đều là vô vi nên không còn tạo ra các nghiệp. Người trí thấy rõ tất cả pháp hữu vi sinh khởi là do vọng tưởng hư dối, nên không còn khởi tác hữu vi.

Vì sao?

Vì pháp hữu vi không có tánh nhất định. Tất cả pháp hữu vi đều không có tánh, không khởi tác.

Vì sao?

Này Bồ Tát Trì Thế! Không có trường hợp hành duyên hữu vi mà có thể thông đạt vô vi. Người thông đạt hoàn toàn không còn duyên nơi hữu vi.

Thế nào là thông đạt?

Người trí thấy tất cả pháp hữu vi đều hư vọng, không có nguồn gốc, không quyến thuộc, không ở trong số lượng. Khi quán như vậy không còn tham chấp duyên nơi hữu vi, cũng không chấp thủ pháp hữu vi.

Vì sao?

Này Bồ Tát Trì Thế! Không phải lìa hữu vi là được vô vi, không phải lìa vô vi là được hữu vi. Tướng như thật của hữu vi chính là vô vi.

Vì sao?

Vì không có hữu vi trong hữu vi, không có vô vi trong vô vi. Chỉ vì chúng sinh tương ưng với điên đảo, làm cho họ thấy biết về pháp hữu vi nên phân biệt nói pháp hữu vi, pháp vô vi, tướng hữu vi, tướng vô vi.

Ở trong ấy những gì là tướng hữu vi?

Nghĩa là sinh, trụ, dị, diệt.

Thế nào là tướng vô vi?

Nghĩa là không sinh, không trụ, không dị, không diệt. Đó là nói tướng hữu vi và tướng vô vi chỉ vì hướng dẫn cho phàm phu.

Này Bồ Tát Trì Thế! Pháp hữu vi không có tướng sinh, tướng trụ, tướng dị, tướng diệt, nên nói tướng sinh, trụ, dị, diệt là không có sinh, không có tướng. Nếu pháp hữu vi này nhất định có ba tướng, Phật sẽ quyết định nói tướng như vậy là sinh, tướng như vậy là diệt, như vậy là trụ, dị.

Này Bồ Tát Trì Thế! Như Lai thuyết giảng tất cả pháp đều là vô tướng.

Này Trì Thế! Vô sinh nếu có tướng, vô diệt nếu có tướng, vô trụ, dị nếu có tướng, chắc chắn Phật phải nói đó là tướng vô vi.

Này Bồ Tát Trì Thế! Nếu vô vi mà có tướng, có nói được thì chẳng phải là vô vi. Nói về tướng, chỉ vì phàm phu nên nói về số pháp, nói về ba tướng hữu vi là sinh, diệt, trụ, dị, nói ba tướng vô vi là vô sinh, vô diệt, vô trụ dị.

Này Bồ Tát Trì Thế! Nếu người thấy biết, thông đạt pháp hữu vi, vô vi, người ấy hoàn toàn không còn có sinh, diệt, trụ dị, nên gọi là người được vô vi.

Này Bồ Tát Trì Thế! Sinh diệt tức là thấy nghĩa của tập diệt. Nếu pháp không tập khởi thì không có diệt mất. Nếu không tập khởi thì không có thoái thất, cũng không có trụ dị.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đó gọi là thấy biết như thật về hữu vi. Nếu người thấy biết như thật về hữu vi thì không rơi trong pháp số là sinh, diệt, trụ, dị. Bồ Tát tư duy về pháp hữu vi, vô vi như vậy, không thấy pháp hữu vi hợp với pháp vô vi, cũng không thấy pháp vô vi hợp với pháp hữu vi.

Chỉ nghĩ thế này: Tướng như thật của pháp hữu vi tức là vô vi thì hoàn toàn không còn phân biệt. Nếu không phân biệt pháp hữu vi, vô vi tức là pháp vô vi. Nếu phân biệt đây là hữu vi, đây là vô vi thì không thể thông đạt vô vi. Dứt trừ tất cả phân biệt, gọi là thông đạt vô vi. Thông đạt tánh duyên như thật, dứt các duyên, không ở pháp số, không ở phi pháp số.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đó là Đại Bồ Tát biết rõ phương tiện về pháp hữu vi, vô vi, nghĩa là đối với các pháp không chỗ trụ, không bị trói buộc, cũng không tham thọ nhận pháp hữu vi hay vô vi.

***