Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Trì Thế

PHẬT THUYẾT KINH TRÌ THẾ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẨM MƯỜI MỘT

PHẨM BẢN SỰ
 

Này Bồ Tát Trì Thế! Nếu Đại Bồ Tát biết rõ như thật về năm ấm, mười tám giới, mười hai nhập, mười hai nhân duyên, bốn niệm xứ, năm căn, tám Thánh đạo, pháp thế gian, xuất thế gian, pháp hữu vi, vô vi, sẽ được biết rõ về thật tướng của các pháp, cũng khéo phân biệt văn từ, chương cú của tất cả pháp. Cũng được niệm lực, do niệm lực này chuyển thân thành tựu niệm bất đoạn, cho đến được đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này Bồ Tát Trì Thế! Nơi đời quá khứ vô lượng A tăng kỳ kiếp về trước, bấy giờ có Phật hiệu là Diêm Phù Đàn Kim Tu Di Sơn Vương gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Này Bồ Tát Trì Thế! Phật Diêm Phù Đàn Kim Tu Di Sơn Vương này sống lâu năm kiếp, có vô lượng chúng Thanh Văn. Quốc Độ của Phật đó thanh tịnh, trang nghiêm, giàu có, an ổn, vui vẻ. Các chúng sinh ở Quốc Độ đó hoàn toàn sung sướng, ít tham dục, sân giận, ngu si, dễ dạy, dễ độ, de làm cho thanh tịnh.

Này Trì Thế! Phật Diêm Phù Đàn Kim Tu Di Sơn Vương này vì các Bồ Tát cũng thuyết giảng Kinh Đoạn Trừ Nghi Hoặc Cho Chúng Sinh Thuộc Bồ Tát Tạng này.

Này Bồ Tát Trì Thế! Bấy giờ có Bồ Tát tên là Bảo Quang, nghe ấm, giới, nhập, duyên, bốn niệm xứ, năm căn, tám Thánh Đạo, thế gian, xuất thế gian, pháp hữu vi, pháp vô vi, phương tiện thì liền phát khởi tinh tấn. Hai mươi ức năm hoàn toàn không sinh tâm ác, hoặc tham dục, sân giận, ngu si, hoặc lợi dưỡng về ẩm thực, y bát. Chỉ vì hội nhập nơi pháp môn phương tiện này nên thường siêng năng tinh tấn.

Này Bồ Tát Trì Thế! Bồ Tát Bảo Quang ấy ở chỗ Phật Diêm Phù Đàn Kim Tu Di Sơn Vương trọn đời luôn tu phạm hạnh. Sau khi mạng chung được sinh trở lại làm người ở trong Quốc Độ của Phật đó. Mạng chung lúc tuổi còn nhỏ, liền sinh trở lại Quốc Độ Phật đó và tu tập phạm hạnh, nơi mỗi một kiếp có năm trăm lần sinh tử.

Lần sinh cuối cùng lúc Phật Diêm Phù Đàn Kim Tu Di Sơn Vương sắp nhập Niết Bàn thì ở kiếp thứ năm thành tựu pháp đa văn như vậy, cũng chứng đắc phương tiện thật tướng của các pháp như vậy.

Theo Phật nghe các pháp thì đều có thể ghi nhớ, được niệm lực như vậy nên bạch Phật: Cúi xin Đức Thế Tôn rộng thuyết giảng các pháp cho con. Ngay trong đời này độ thoát cho vô lượng, vô biên chúng sinh, khiến họ an trụ trong đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Phật Diêm Phù Đàn Kim Tu Di Sơn Vương này khi nhập Niết Bàn vì sự hộ trì pháp nên hộ niệm cho Bồ Tát Bảo Quang. Sau khi Phật diệt độ, chánh pháp trụ một kiếp, người này ở trong một kiếp ấy, nơi năm trăm đời thường sinh vào cõi nhân gian, xuất gia học đạo, cũng thường đối với thật tướng của các pháp được tăng trưởng tự tại, cũng tạo lợi ích cho vô lượng, vô biên chúng sinh.

Này Bồ Tát Trì Thế! Bồ Tát Bảo Quang ấy lần lượt được gặp vạn ức Chư Phật như vậy, vào đời sau cùng, được Phật Vô Lượng Quang thọ ký, trải qua A tăng kỳ kiếp sẽ được đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Trong A tăng kỳ kiếp lại gặp trăm ngàn vạn ức nado tha Chư Phật, sau cùng được quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thành Phật hiệu là nhất thiết Nghĩa Quyết Định Trang Nghiêm gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Có vô lượng, vô biên A tăng kỳ chúng Bồ Tát và vô lượng Thanh Văn Tăng. Phật sống hai kiếp, Quốc Độ của Đức Phật ấy giàu có, an ổn, vui tươi, tất cả đều được trang nghiêm.

Này Bồ Tát Trì Thế! Cho nên Bồ Tát muốn được các pháp phương tiện như vậy thì ở trong bốn pháp phải siêng năng tinh tấn.

Bốn pháp đó là:

1. Xuất gia.

2. Độc hành.

3. Trì giới thanh tịnh.

4. Trừ tâm biếng trễ.

Bồ Tát có bốn pháp ấy nên siêng cầu về đa văn, an trụ nơi nhẫn nhục sẽ mau được gặp ngay bốn pháp.

Đó là:

1. Sinh trong cõi Diêm Phù Đề.

2. Được gặp Phật.

3. Tùy pháp hành.

4. Đoạn trừ mọi nghiệp chướng của tội lỗi.

Lại nữa, này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát ở trong pháp này phải siêng năng tinh tấn mới được sức của bố thí thanh tịnh, trì giới thanh tịnh, nhẫn nhục thanh tịnh, tinh tấn thanh tịnh, thiền định thanh tịnh, sức của trí tuệ thanh tịnh. Đại Bồ Tát trụ trong pháp này thì sẽ mau chóng được sức phương tiện như vậy.

Lại nữa, này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát tuy hành pháp Đầu Đà vi tế, cũng thường có tâm đại bi đối với chúng sinh. Người ay đi vào tâm đại bi nên ở trong pháp phương tiện này rất siêng năng tinh tấn.

Này Bồ Tát Trì Thế! Lại có Đại Bồ Tát muốn chứng đắc pháp như vậy phải siêng năng tinh tấn đi vào các môn Đà La Ni.

Vì sao nhập nơi môn Đà La Ni cần phải siêng năng tinh tấn?

Nghĩa là quán sát rõ vô lượng duyên của tất cả các pháp, cũng quán vô lượng phương tiện của tất cả pháp, cũng quán vô lượng phương tiện sinh khởi. Khi quán như vậy, dùng môn tam muội phương tiện khéo vào vô lượng duyên của các pháp môn, cũng vào vô lượng phương tiện, vào sự sinh khởi vô lượng duyên phương tiện.

Ở trong pháp này nhờ đạt được diệu lực nên biết rõ thật tướng của các pháp, cũng phân biệt rõ văn từ, chương cú, cũng được niệm lực, cũng được chuyển thân thành tựu niệm bất đoạn, pháp bất thoái, cho đến được đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Lại nữa, này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát đi vào các môn Đà La Ni nên thông đạt nhân duyên tùy thuận nơi tất cả các pháp. Dùng một nhân duyên có thể đi vào ngàn loại nhân duyên, tùy sức của trí tuệ mà được phương tiện các pháp.

Lại nữa, này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát ở trong pháp như vậy nhờ siêng năng tinh tấn nên đi vào môn nhất tướng tam muội, được môn nhất tướng tam muội thì đi vào môn vô lượng tướng tam muội. Đi vào như vậy rồi thì dùng vô số phương tiện nhân duyên đi vào các pháp môn ấy. Các Bồ Tát đi vào tất cả các pháp môn như vậy rồi thì sẽ được tất cả phương tiện của các pháp.

Lại nữa, này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát phần nhiều hành trí tuệ nên biết rõ tướng các thiền định, cũng biết rõ tam muội vô duyên. Nhờ sức của tam muội phương tiện này nên biết rõ vô lượng duyên, phát sinh vô lượng thiền định. Bồ Tát trụ trong địa ấy tức đạt được tất cả thật tướng của các pháp phương tiện.

Lại nữa, nay Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát thường quán sát các duyên phương tiện của thế gian, thường quán sát duyên phương tiện của pháp hữu vi, thường quán sát các duyên phương tiện của thế đế, cũng thường siêng năng phá trừ duyen phương tiện của tất cả pháp, cũng không tham chấp một nơi nào. Bồ Tát tu tập pháp như vậy thì mau chóng được phương tiện thật tướng của các pháp.

Lại nữa, này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát siêng năng tinh tấn, phát khởi sức phương tiện mà cũng thường quán thật tướng của các pháp, không nương tựa vào cái vui ở đời, cũng không thực hành xen tạp pháp của thế gian. Người thành tựu pháp như vậy thì sẽ mau chóng chứng đắc thật tướng của các pháp, cũng phân biệt rõ về văn từ, chương cú của tất cả pháp, cũng được niệm lực, cũng được chuyển thân thành tựu niệm bất đoạn, cho đến được đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này Bồ Tát Trì Thế! Cho nên Đại Bồ Tát muốn được vượt qua bờ kia của các pháp thì ngay nơi pháp này phải y như lời dạy mà tu hành.

Này Trì Thế! Các ông nên siêng năng tinh tấn đối với pháp này, không bao lâu các ông sẽ được trí tuệ vô ngại nơi pháp ấy.

Này Bồ Tát Trì Thế! Nơi đời quá khứ vô lượng, vô biên bất khả tư nghì A tăng kỳ kiếp về trước, bấy giờ có Phật Hiệu là Vô Lượng Quang Đức Cao Vương gồm đủ mười tôn hiệu Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Phật Vô Lượng Quang Đức Cao Vương này sống lâu một kiếp, Quốc Độ của Đức Phật ấy dùng màn lưới bằng bảy báu che phủ ở trên, dùng tất cả các cây Đa La bằng bảy báu để trang nghiêm cho Thế Giới đó.

Các cây Đa La này cũng dùng màn lưới bằng bảy báu bao phủ ở trên. Bên mỗi gốc cây có trải Tòa Sư Tử. Các cây Đa La đều sinh ra thiên y, cac tòa đều dùng lưu ly báu, vàng Diêm Phù Đàn, xích trân châu làm thành.

Bốn bên các cây Đa La đều có cây hương, cây hoa trang nghiêm chung quanh. Nơi mỗi gốc cây đều có hồ, nước tám công đức tràn đầy trong đó. Các ao đó đều dùng pha lê, xa cừ, xích trân châu làm thành. Trên mặt nước trong các ao đều có các loại hoa sen xanh, đỏ, trắng, hồng bao phủ, dùng toàn bảy báu làm lan can bao quanh các ao.

Này Bồ Tát Trì Thế! Quốc Độ của Phật ấy dùng toàn các thứ báu như vậy để trang nghiêm Thế Giới. Lại có cây báu bốn bên như cây Ba Lợi Da Đa La, Ca Câu Tỳ Đa La ở Cõi Trời Đao Lợi. Ngàn vạn ức số cây báu như vậy bao bọc chung quanh Thế Giới. Các cây báu này sáng chói, che khuất tất cả ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, khiến chúng không còn hiện được.

Này Bồ Tát Trì Thế! Các cây Đa La và lưới báu tự nhiên phát ra vô số mùi thơm, tiếng hay như âm thanh ca ngâm của kỹ nữ Cõi Trời. Quốc Độ của Phật đó thường phát ra những âm thanh vi diệu như vậy. Quốc Độ ấy không có ba đường ác, cũng không có tên gọi ba đường ác.

Này Bồ Tát Trì Thế! Phật Vô Lượng Quang Đức Cao Vương này vì các chúng sinh nên thuyết giảng nhiều pháp như vậy.

Đó là Bát Nhã Ba La Mật và Kinh thuộc Bồ Tát tạng: Đoạn nhất thiết chúng sinh nghi, hỷ nhất thiết chúng sinh tâm.

Này Bồ Tát Trì Thế! Khi Phật Vô Lượng Quang Đức Cao Vương thuyết pháp, trong một ngày có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sinh phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Người đã phát tâm đều được đầy đủ pháp trợ bồ đề.

Này Trì Thế! Phật Vô Lượng Quang Đức Cao Vương này dùng nhân duyên ấy để giáo hóa vô lượng, vô biên chúng sinh thành tựu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Trong Quốc Độ của Đức Phật đó có vô số Đại Bồ Tát.

Này Bồ Tát Trì Thế! Sau khi Đức Phật đó diệt độ, chánh pháp trụ nửa kiếp. Phật Vô Lượng Quang Đức Cao Vương này sau khi diệt độ, lúc chánh pháp sắp diệt thì ở phương dưới.

Cách mười Thế Giới Phật, có Bồ Tát tên là Vô Lượng Ý, mạng chung rồi thì thọ sinh trở lại, mới mười sáu tuổi xuất gia học đạo, ngay khi chánh pháp của Phật Vô Lượng Quang Đức Cao Vương sắp diệt, nghe giảng nói Kinh Phương Tiện Ấm Giới Nhập này của Đại Bồ Tát, Bồ Tát Vô Lượng Ý nghe xong liền phát khởi đại tinh tấn, ngay nơi pháp ấy đạt đến tận cùng, thành tựu sức phương tiện sâu xa.

Bồ Tát ấy nhờ nhân duyên của căn lành này, nên sau khi mạng chung được gặp hai mươi ức Phật, đều được thành tựu pháp như vậy, thường biết túc mạng, đồng chân xuất gia tu hành phạm hạnh, thường được niệm lực, đời đời không lìa pháp ấy, đời đời thành tựu niệm không gián đoạn, sau cùng đắc thành đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, hiệu là Phật Vô Lượng Quang Trang Nghiêm Vương.

Này Bồ Tát Trì Thế! Cho nên Đại Bồ Tát nếu muốn mau chóng đạt được đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, nếu muốn mau chóng được đầy đủ tất cả trí tuệ, sau khi ta diệt độ năm trăm năm trong đời ác trược, phải siêng năng hộ trì, phát đại thệ nguyện, nên sinh tâm mong muốn, rất tinh tấn, hoàn toàn không buông lung, ở đời sau phải luôn hộ trì những Kinh Điển như vậy.

Bấy giờ, các Bồ Tát Bạt Đà Bà La, Già La Ha Đạt Đa… là bậc thượng thủ, từ tòa ngồi đứng dậy, hướng về phía Phật, chắp tay thưa: Kính bạch Thế Tôn! Chúng con trong năm trăm năm sau, sau khi Phật diệt độ, lúc chánh pháp sắp diệt, chúng con sẽ giữ gìn những Kinh như vậy, sẽ siêng năng tinh tấn đọc tụng, lãnh thọ, cũng sẽ giảng dạy rộng rãi cho những người khác.

Lại có ngần ấy ngàn số Bồ Tát từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay hướng về Phật chiêm ngưỡng tôn nhan Phật và phát nguyện: Kính bạch Thế Tôn! Trong năm trăm năm nơi đời sau, chúng con phát thệ nguyện: Ở nơi trụ xứ của Chư Phật thâm diệu không cấu nhiễm như vậy, nghe các công đức thiện có thể sinh của Bồ Tát, được đầy đủ pháp trợ Bồ Đề cho các Bồ Tát, chúng con sẽ cùng nhau hộ trì người nghe pháp này, sẽ làm cho tâm người đó luôn thanh tịnh, vui vẻ và chuyên tâm dốc cầu, thọ trì, đọc tụng.

Bấy giờ, Phật liền mỉm cười. Ngay khi ấy, tam thiên đại thiên Thế Giới có vô lượng ánh sáng chiếu khắp, tam thiên đại thiên Thế Giới chấn động đủ sáu cách.

Lúc này, Tôn Giả A Nan liền rời tòa ngồi đứng dậy, bày áo vai phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Vì sao hôm nay Đức Thế Tôn mỉm cười và đại địa chấn động?

Phật bảo Tôn Giả A Nan: Ông có thấy các Bồ Tát này phát đại thệ nguyện là ở đời sau sẽ hộ trì các pháp thâm diệu không cấu nhiễm như vậy không?

Này Anan! Các Bồ Tát này không phải chỉ đời này mới phát thệ nguyện như vậy.

Này A Nan! Ta nhớ các Bồ Tát này ở chỗ vô lượng, vô biên Chư Phật đã từng phát thệ nguyện như vậy. Ba đời hộ trì pháp của Chư Phật, cũng thường làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh. Ngày nay trong ba thời cũng hộ trì pháp của ta. Ngay hiện tại và sau khi ta nhập Niết Bàn, khi pháp sắp diệt cũng sẽ làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh.

Này A Nan! Như Bồ Tát Bạt Đà Bà La… ba thời hộ trì pháp của ta, cũng lại ngay trong hiền kiếp này, ba thời hộ trì pháp của Chư Phật.

Đối với Chư Phật đời vị lai cũng ba thời hộ trì pháp như vậy.

Này A Nan! Ta nay khen ngợi người này thành tựu công đức vô lượng như vậy nói không thể hết luôn thương xót tạo lợi ích, an ổn cho chúng sinh.

Này A Nan! Nếu ta nói hết công đức của người ấy, người đời không thể tin. Nếu người không tin lời Phật, người đó mãi mãi mất mọi sự lợi ích, đọa nơi đường ác, chịu các khổ não.

Này A Nan! Ta nay nói sơ lược về các Bồ Tát này đã làm lợi ích cho chúng sinh.

Giả sử tam thiên đại thiên Thế Giới, ở đó đầy cả chúng sinh đều bị đọa nơi đại địa ngục, trong đó có một người nói với các chúng sinh kia: Các ngươi chớ có sợ hãi, nay ta sẽ thay thế cho tất cả các ngươi chịu khổ trong cõi này. Người này lập tức đưa chúng sinh ra khỏi địa ngục và đều vì mỗi một chúng sinh mà chịu khổ nơi địa ngục trải qua ngàn vạn năm.

Này A Nan! Ý ông nghĩ thế nào?

Có phải người này làm lợi ích lớn, tạo an lạc lớn không?

Tôn Giả A Nan thưa: Kính bạch Thế Tôn! Người này đã làm lợi ích lớn, tạo an lạc lớn cho chúng sinh.

Này A Nan! Người này đưa chúng sinh ra khỏi địa ngục xong, hiện bày uy lực làm cho tất cả đều thành tựu sự an vui bậc nhất ở thế gian.

Này A Nan! Có phải người này là người có công ơn ban vui cho chúng sinh không?

Tôn Giả A Nan thưa: Kính bạch Thế Tôn! Người này đã tạo lợi ích cho chúng sinh, không có thể dùng lời nói diễn đạt được.

Này A Nan! Nay ta nói thật cho ông rõ: Bồ Tát Bạt Đà Bà La, Già La Ha Đạt Đa… đã tạo lợi ích cho chúng sinh và nay cũng tạo lợi ích cho chúng sinh, việc làm lợi ích an vui của hai người này, toán số, thí dụ cũng không thể so sánh.

Vì sao?

Này A Nan! Vì sự ưa thích của người ấy hoàn toàn trái với pháp hữu vi, không phải vì sự nhàm chán, không phải vì lìa dục, không phải vì trí tuệ, không phải vì quả vị Sa Môn, không phải vì Niết Bàn.

Này A Nan! Các Bồ Tát này làm lợi ích cho tất cả chúng sinh bằng cách ban vui vô thượng. Tất cả những người trí vì ưa cầu Phật đạo, đều làm Phật sự, người chưa đi vào chánh vị thì Bồ Tát này cũng làm cho họ được quả vị Thanh Văn, Bích chi Phật. Các Bồ Tát đem pháp Phật giáo hóa, chỉ dạy khiến họ được lợi ích an vui.

Này A Nan! Các Bồ Tát này thường chỉ dạy, tạo lợi ích an vui cho các chúng Bồ Tát, vì không diệt mất giống Phật, vì giữ gìn hạt giống nhất thiết trí nên trụ ở thế gian.

Này A Nan! Những vị ấy nơi quá khứ trong vô lượng trăm ngàn vạn ức na do tha kiếp, khi hành đạo Bồ Tát đều khiến cho giống Phật không bị đoạn mất. Ở vô lượng trăm ngàn vạn na do tha kiếp đời vị lai cũng khiến cho hạt giống Phật không bị đoạn mất.

Vì sao?

Này Anan! Vì các Bồ Tát ấy khi hành đạo Bồ Tát đã làm cho vô lượng Chư Phật an trụ nơi Phật đạo. Các Bồ Tát này đời đời hộ trì, giáo hóa, thành tựu trăm ngàn vạn ức Chư Phật, khiến thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Từ đấy trở về sau cũng lại giáo hóa vô số trăm ngàn vạn ức chúng sinh, làm cho trụ trong Phật đạo.

Nhờ sức giáo hóa này nên được đầy đủ pháp Phật, cũng đều sẽ được đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này A Nan! Cho nên các Bồ Tát như Bạt Đà Bà La… này vì ban sự an lạc của giác ngộ, sự an lạc của nhất thiết trí tuệ cho chúng sinh, nên luôn siêng năng tinh tấn.

Này A Nan! Nếu có người hỏi: Các Bồ Tát nào là cha mẹ, là người cứu hộ, là nhà cửa, là chỗ nương tựa, là hòn đảo… cho chúng sinh?

Các Bồ Tát sẽ nói đó là năm trăm Bồ Tát như các Bồ Tát Bạt Đà Bà La, Già La Ha Đạt Đa…

Này A Nan! Người nào thành thật hỏi: Người nào là các vị Bồ Tát ấy?

Thì phải nói đó chính là năm trăm vị Bồ Tát như Bạt Đà Bà La, Già La Ha Đạt Đa… các vị thiện nam ấy vì không để đoạn mất giống Phật, không đoạn mất tất cả giống trí tuệ nên trụ ở thế gian.

Các Thiện Nam này cũng ở năm trăm năm cuối nơi đời sau, dùng sức của phương tiện ấy giáo hóa, dùng nhân duyên tạo an lạc làm cho chúng sinh không rơi vào ba đường ác, cũng làm cho vô lượng trăm ngàn chúng sinh trụ nơi thừa Bồ Tát.

Này A Nan! Vô số ngàn Đức Phật nói về những công đức của những Thiện Nam này cũng không thể hết được.

Vì sao?

Vì các Thiện Nam ấy đã thành tựu công đức bất khả tư nghì như vậy.

Này A Nan! Những pháp tạng mà ta giảng dạy trong vô lượng trăm ngàn vạn ức A tăng kỳ kiếp, các thiện nam ấy đều thọ trì hoàn mãn.

Này A Nan! Ta nay đem pháp bảo đã tu tập trong vô lượng ức kiếp này phó chúc cho các vị ấy. Các thiện nam ấy luôn được Chư Phật hiện ở trong vô lượng A tăng kỳ Quốc Độ hộ niệm.

Này A Nan! Các thiện nam này được tất cả hàng trời, người ở thế gian lễ bái, cúng dường.

Này A Nan! Những vị này thường được ngàn Đức Phật trong mười phương khi giảng thuyết pháp luôn khen ngợi.

Này A Nan! Ta đã ấn chứng vì nhằm đoạn nghi ngờ cho tất cả chúng sinh. Người nào ở nơi đời sau cùng, thọ trì, đọc tụng, thông suốt về Kinh này và giảng rộng cho người khác thì nên biết, thiện nam, thiện nữ ấy gần với nhất thiết chủng trí.

Người nào ở vào đời sau cuối, được nghe Kinh thâm diệu như vậy mà tin hiểu và phát thệ nguyen thì ta đều thọ ký cho họ được đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Nếu năm trăm năm cuối nơi đời sau sinh tâm tin hiểu, siêng năng tinh tấn hộ trì Kinh này thì nay thiện nam, thiện nữ ấy được ta đem pháp Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác phó chúc cho họ. Nếu hàng Thanh Văn tin thọ pháp sâu xa này, không có tâm trái ngược, ta cũng thọ ký cho họ đời sau sẽ được gặp pháp hội của Đức Phật Di Lặc.

Người nào cầu Phật đạo nghe pháp này mà thọ trì, tin hiểu thì người ấy sẽ được Đức Phật Di Lặc thọ ký, nhờ bản nguyện nên được xuất gia học đạo.

Tôn Giả A Nan nên biết! Những thiện nam, thiện nữ ấy, nơi đời sau lúc năm trăm năm cuối, đối với pháp này mà siêng năng tinh tấn hành trì thì nên biết, người ấy căn lành rất mạnh mẽ.

***