Kinh Đại thừa

Phật Thuyết Kinh Trì Thế

PHẬT THUYẾT KINH TRÌ THẾ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
 

PHẨM NĂM

PHẨM MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN
 

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào là Đại Bồ Tát quán sát mười hai nhân duyên?

Đại Bồ Tát quán sát mười hai nhân duyên nghĩa là từ không có nên gọi là vô minh. Trong vô minh, vì không có pháp nên gọi là vô minh, vì không biết rõ nên gọi là vô minh.

Thế nào là không biết rõ?

Nghĩa là không biết trong vô minh không thể có pháp quyết định, đó gọi là vô minh.

Vì sao?

Nói vô minh duyên các hành, các hành là không thật có, nhưng phàm phu cho là có nên nói nhân vô minh duyên các hành. Từ hành sinh khởi nên có thức, cho nên nói từ các hành làm nhân duyên sinh ra thức. Từ thức sinh ra hai tướng danh và sắc nên nói thức làm nhân duyên sinh ra danh sắc.

Từ danh sắc sinh ra sáu nhập, nên nói là danh sắc làm nhân duyên sinh ra sáu nhập. Từ sáu nhập sinh xúc nên nói là sáu nhập làm nhân duyên sinh xúc. Từ xúc sinh thọ nên nói xúc làm nhân duyên sinh thọ. Từ thọ sinh ái nên noi thọ làm nhân duyên sinh ái.

Từ ái sinh thủ nên nói ái làm nhân duyên sinh thủ. Từ thủ sinh hữu nên nói thủ làm nhân duyên sinh hữu. Từ hữu có sinh nói hữu làm nhân duyên sinh ra sinh. Từ sinh có ra lão, tử, ưu bi, khổ não nhóm họp nên nói sinh làm nhân duyên sinh ra lão, tử, ưu bi, khổ não nhóm họp. Như vậy tạo thành một khối khổ lớn.

Ở trong đó do pháp nào tập khởi?

Nên biết điên đảo trái với sáng suốt, do khối vô minh làm cho thân sau nhiễm ái nương vào nhiễm hỷ mà tìm cầu chỗ sinh khắp nơi, đó là ái tập.

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế gian bị mười hai nhân duyên này trói buộc, như không có mắt, rơi vào lưới vô minh, đọa trong sự tối tăm, vì vô minh là đứng đầu phát sinh đầy đủ mười hai nhân duyên. Các Đại Bồ Tát quán sát tư duy về thật tướng của vô minh, vì biết rõ vô minh là không, nên không có nguồn gốc.

Vì sao?

Vì vô minh không có, nên nguồn gốc cũng không. Người trí quán sát không nguồn gốc vốn là nguồn gốc nên không phân biệt nguồn gốc. Chấm dứt nhớ tưởng, phân biệt nên không tham chấp vô minh. Biết tất cả pháp không thật có, pháp đó không đúng như chỗ đã thuyết.

Như nói tất cả pháp là không thật có tức là nói thấy biết về vô minh. Có thể thông đạt tất cả pháp là không thật có, đó chính là minh, trong ấy hoàn toàn chẳng có minh nào khác, chỉ thấy biết về vô minh, đó gọi là minh.

Thế nào là thấy biết về vô minh?

Nghĩa là thấy biết tất cả pháp không thật có, tất cả pháp không thể thủ đắc, tất cả pháp đều hư vọng, điên đảo, tất cả pháp đó không đúng như chỗ đã thuyết. Đó gọi là thấy biết về vô minh. Thấy biết về vô minh tức là minh.

Vì sao?

Vì minh là vô sở hữu.

Vô minh làm nhân duyên sinh các hành, nên các pháp không thật có. Phàm phu chìm trong vô minh tối tăm, mê lầm tạo ra các hành nghiệp, hành nghiep này không hình, không tướng, không nơi chốn. Vô minh này không thể sinh ra nghiệp, vì không có pháp mà khởi tạo tác nên nói vô minh làm nhân duyên sinh các hành.

Các hành nghiệp không có tụ tập các hành nghiệp đến ơ hoặc chỗ này hoặc chỗ kia. Các hành nghiệp cũng không có quá khứ, vị lai, hiện tại. Vô minh vốn không có tánh vô minh. Hành nghiệp vốn không có tánh hành nghiệp.

Các hành nghiệp không có chỗ nương, chỉ nương vào vô minh để sinh ra các hành nghiệp. Các hành nghiệp không nương vô minh, vô minh không nương các hành nghiệp. Vô minh không biết vô minh, hành nghiệp không biết hành nghiệp.

Các hành nghiệp vô minh này do điên đảo nên từ vô minh sinh ra. Trong đó không tìm được vô minh, không tìm được các hành nghiệp, không tìm được tánh vô minh, không tìm được tánh các hành nghiệp. Chỉ vì tối tăm nên thường gọi là tối tăm. Do vô minh tối tăm này nên phân biệt nói là hành nghiệp. Vì từ pháp không có thật mà khởi tạo nên vô minh hành nghiệp cũng đều không có thật.

Hành nghiệp làm nhân duyên sinh thức. Thức không nương hành nghiệp, thức cũng không lìa hành nghiệp để sinh ra. Hành nghiệp cũng không sinh ra thức.

Vì sao?

Vì hành nghiệp không biết hành nghiệp. Hành nghiệp cũng không đem thức đến, chỉ do chúng sinh điên đảo theo hành nghiệp sinh ra thức. Thức này không ở trong hành nghiệp, không ở ngoài hành nghiệp, không ở trung gian.

Thức này không có người tạo tác, không có người sai khiến, chỉ do hành nghiệp tiếp nối không dứt nên có thức sinh ra. Người trí tìm tướng của thức không thể được, cũng không tìm được cái sinh ra thức. Thức cũng không biết thức, thức cũng không thấy thức, thức cũng không nương thức.

Thức làm nhân duyên sinh danh sắc. Danh sắc không nương thức, danh sắc cũng không lìa thức mà sinh ra. Danh sắc cũng không theo trong thức đến vì chỉ duyên theo thức. Phàm phu tối tăm tham chấp nơi danh sắc, vì thức cũng không đem danh sắc đến. Người trí ở trong đó tìm danh sắc không thể được, không thể thấy.

Danh sắc này không có hình tướng, không có phương hướng, từ nhớ tưởng, phân biệt mà sinh khởi. Tướng danh sắc này do nhân duyên của thức nên có. Tánh của thức còn không thể thủ đắc, huống là từ thức làm duyên sinh ra danh sắc. Nếu quyết định tìm được tánh cua danh sắc, điều đó là không thể có.

Danh sắc làm nhân duyên sinh sáu nhập. Sáu nhập là nhân sinh khởi danh sắc. Vì danh sắc ở trong thân nên có hơi thở ra vào, làm lợi ích cho thân và tâm, tâm số pháp. Sáu nhập này hoàn toàn hư dối, không có thật, từ phân biệt sinh ra nên có hành động điên đảo.

Sáu nhập làm nhân duyên sinh xúc. Xúc này nương sắc mà có, xúc không tiếp xúc với sắc.

Vì sao?

Vì sắc vô tri, không khác gì với cỏ cây, ngói đá, chỉ từ sáu nhập sinh ra nên phân biệt nói là xúc.

Vì sao?

Vì sáu nhập còn hư vọng không có thật, huống là từ sáu nhập làm nhân duyên sinh ra xúc, xúc không có thật, từ nhớ tưởng điên đảo sinh ra. Xúc này không phương hướng, không nơi chốn, xúc này là không. Do xúc không có tánh nên xúc không biết sáu nhập, sáu nhập cũng không biết xúc.

Xúc làm nhân duyên sinh thọ. Thọ này không ở trong xúc, không ở ngoài xúc, không ở trung gian. Xúc cũng không đem thọ từ nơi khác đến, mà là từ xúc sinh ra thọ. Bản thân xúc còn hư vọng không có thật, huống là từ xúc làm duyên sinh ra thọ. Các thọ không có một tướng quyết định nào, các thọ đều không thật có, chỉ từ điên đảo sinh khởi mà có hoạt dụng điên đảo.

Thọ làm nhân duyên sinh ái. Thọ không đem ái từ chỗ khác đến, thọ cũng không hòa hợp với ái. Thọ cũng không biết ái, ái cũng không biết thọ, cũng không phân biệt thọ. Ái không hòa hợp với thọ, ái cũng không nương thọ, cũng không lìa thọ mà có ái.

Tướng của thọ trong thọ hãy còn không có, huống là thọ làm duyên sinh ra ái. Ái không ở trong thọ, không ở ngoài thọ, không ở trung gian. Trong ái, tướng ái không thể có. Ái này chỉ từ nhớ tưởng hư vọng, tương ưng với điên đảo nên gọi là ái. Ái không quá khứ, vị lai, hiện tại.

Ái không phải do tướng trói buộc sinh ra, ái cũng không phải là tướng trói buộc, chỉ do nhân duyên nối nhau không dứt nên nói thọ làm nhân duyên sinh ái. Người trí thấy ái không nơi chốn, không phương hướng, là không, không bền chắc, hư vọng không có thật.

Ái làm nhân duyên sinh thủ. Ái không đem thủ từ nơi khác đến, ái cũng không hòa hợp với thủ, ái cũng không thể sinh ra thủ. Vì có ái nên gọi là thủ. Tùy theo nhân duyên hòa hợp nên nói như vậy. Thủ không hòa hợp với ái, cũng không xa lìa ai.

Ái không hòa hợp với thủ, cũng không xa lìa thủ. Thủ không ở trong ái, không ở ngoài ái, không ở trung gian. Ái còn không có, huống là từ ái làm nhân duyên sinh ra thủ. Tướng quyết định của thủ không thể có.

Người trí thấy biết thủ này hư vọng, không có thật, không có tướng thủ trong thủ. Thủ không quá khứ, vị lai, hiện tại. Thủ không ở trong thủ, không ở ngoài thủ, không ở trung gian. Thủ chỉ từ nhân điên đảo sinh ra. Do duyên sinh, các duyên hòa hợp nên có thủ, không có pháp hợp hay tan.

Thủ không có nguồn gốc, không thể có một pháp nhất định. Phàm phu nhận thủ hư vọng này, các hành đều hư vọng nên thế gian bị thủ trói buộc. Người trí thông đạt thủ này hư vọng, là không, không bền chắc, không nguồn gốc, không thể có được pháp quyết định.

Thủ làm nhân duyên sinh hữu. Thủ không đem hữu đến, thủ không thể sinh ra hữu, nhưng nói thủ làm nhân duyên sinh hữu. Hưu không ở trong thủ, không ở ngoài thủ, không ở trung gian.

Hữu không nương tựa thủ, thủ không hòa hợp với hữu, cũng không xa lìa hữu, chỉ do các nhân hòa hợp nên nói thủ làm nhân duyên sinh ra hữu. Thủ không thể sinh ra hữu, thủ không phân biệt hữu. Bản thân thủ còn hư vọng, không có thật, huống là từ thủ làm nhân duyên sinh ra hữu.

Hữu không đem thủ đến, không thể có hữu trong hữu. Hữu không ở trong hữu, không ở ngoài hữu, không ở trung gian. Hữu không quá khứ, vị lai, hiện tại. Người trí thông đạt hữu này hư vọng, tương ưng với điên đảo, không hợp không tan.

Hữu không chỗ biết, không chỗ phân biệt. Hữu không nơi chốn, không phương hướng. Hữu không có đời trước, đời giữa, đời sau. Hữu này phi hữu nên cũng phi vô. Chỉ tùy thuận mười hai nhân duyên nên nói là hữu. Người trí thông đạt tướng của hữu là không, không bền chắc.

Hữu làm nhân duyên sinh ra sinh. Hữu không đem sinh đến. Sinh cũng không hòa hợp với hữu, cũng không xa lìa hữu. Sinh không ở trong hữu, không ở ngoài hữu, không ở trung gian. Hữu không thể sinh ra sinh, cũng không lìa hữu sinh ra sinh. Chỉ do mười hai nhân duyên tiếp nối nên nói hữu làm nhân duyên sinh ra sinh. Hữu không phải duyên, không phải không duyên với sinh. Hữu còn không thể có, huống là từ hữu làm nhân duyên sinh ra sinh.

Người trí thông đạt: Sinh này không dựa vào nơi hưu mà sinh. Ở trong sinh không có tướng sinh, ở trong sinh không có tự tánh, trong sinh không có nguồn gốc, không một pháp nhất định nào có thể thủ đắc.

Người trí thông đạt sinh này không tánh, không có thật, chỉ mười hai nhân duyên hòa hợp tiếp nối nên nói sinh từ hữu làm nhân duyên sinh ra, sinh không có pháp hợp hay tan. Sinh không ở trong hữu, không ở ngoài hữu, không ở trung gian. Sinh không phải quá khứ, vị lai, hiện tại.

Sinh không có đời trước, đời giữa, đời sau. Nguồn gốc của sinh này là không thể thủ đắc. Người trí thông đạt sinh là từ các nhân duyên sinh tương ưng với điên đảo, hư vọng, như tướng huyễn hóa, không có thật.

Sinh làm nhân duyên sinh ra lão, tử, ưu bi, khổ não. Sinh không đem lão, tử, ưu bi khổ não đến, sinh cũng không thể sinh ra lão, tử, ưu bi khổ não. Lão, tử, ưu bi khổ não không ở trong sinh, không ở ngoài sinh, không ở trung gian. Lão, tử, ưu bi khổ não cũng không dựa vào sinh.

Do sinh cho nên nói lão, tử, ưu bi khổ não, vì để chỉ bày các pháp duyên sinh, nên sinh không hòa nhập, cũng không xa lìa với lão, tử, ưu bi khổ não. Sinh trong sinh còn không thể có, huống là từ sinh làm nhân duyên sinh ra lão, tử, ưu bi khổ não. Trong lão, tử, ưu bi khổ não thì lão, tử, ưu bi khổ não là không thể thủ đắc.

Vì sao?

Vì lão, tử, ưu bi khổ não không ở trong lão, tử, ưu bi khổ não, không ở ngoài, cung không ở trung gian. Lão, tử, khổ não không hòa hợp, cũng không xa lìa với lão, tử, khổ não, chỉ các duyên hòa hợp, tương ưng với điên đảo làm thành đầy đủ mười hai nhân duyên, nên nói sinh làm nhân duyên mà có lão, tử, ưu bi khổ não.

Lão, tử, khổ não không nơi nương tựa, tướng quyết định của lão, tử, khổ não là không thể có. Đời trước, đời giữa, đời sau của lão, tử, khổ não không thể tìm thấy được. Người trí thông đạt lão, tử, khổ não là hư vọng, không có thật, tương ưng với điên đảo, không nguồn gốc, không tạo tác, không khởi, không sinh.

Quán pháp mười hai nhân duyên như vậy không thấy pháp nhân duyên hoặc quá khứ, vị lai, hiện tại, cũng không thấy tướng của pháp mười hai nhân duyên, chỉ biết nhân duyên là không duyên, không sinh, không tướng, không tạo tác, không phát khởi, không nguồn gốc. Từ xưa đến nay, tất cả pháp không thật có nên thông đạt mười hai nhân duyên này thì cũng thấy mười hai nhân duyên ấy không có người làm, người thọ.

Nếu pháp theo nhân duyên sinh ra, nhân duyên này không có, nên pháp cũng không. Bồ Tát tùy theo nghĩa vô minh nên biết tất cả pháp là không thể thủ đắc. Đi vào pháp quán như vậy thì không nhân duyên tức là mười hai nhân duyên.

Trong đó không có pháp nào sinh ra. Bồ Tát quán mười hai nhân duyên là do hư vọng sinh. Tùy thuận nghĩa vô minh nên thông đạt mười hai nhân duyên. Nếu pháp đó không có thì pháp này cũng không, nên nói tùy thuận nghĩa vô minh.

Thông đạt mười hai nhân duyên, vô minh là không sinh, không tạo tác, không phát khởi, không nguồn gốc, không có pháp quyết định, không nhân duyên, không thật có. Bồ Tát bấy giờ không phân biệt là minh hay là vô minh. Thật tướng của vô minh tức là minh. Do vô minh nên tất cả pháp không thật có. Tất cả pháp không nhân duyên, không tưởng nghĩ phân biệt nên tùy thuận nơi nghĩa vô minh, thông đạt mười hai nhân duyên.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đây gọi là trí tuệ phương tiện của Đại Bồ Tát về mười hai nhân duyên. Nếu Đại Bồ Tát thông đạt mười hai nhân duyên hợp tan như vậy, đó gọi là Đại Bồ Tát chứng đắc trí tuệ vô sinh.

Vì sao?

Vì quán chỗ sinh diệt thì không thể biết hoàn toàn về mười hai nhân duyên. Nếu quán sát sự hợp và tan của mười hai nhân duyên, đó gọi là chứng đắc trí tuệ vô sinh. Nếu chứng đắc trí tuệ vô sinh, đó gọi là thông đạt mười hai nhân duyên.

Này Bồ Tát Trì Thế! Cho nên Đại Bồ Tát muốn đi vào chỗ thông đạt, muốn chứng trí tuệ vô sinh, cần phải siêng năng hành tập trí tuệ nơi mười hai nhân duyên này thì mới có thể quán và chứng tướng vô sinh của mười hai nhân duyên.

Này Bồ Tát Trì Thế! Nếu Đại Bồ Tát biết vô sinh tức mười hai nhân duyên thì liền có thể đạt được phương tiện nơi mười hai nhân duyên này. Người ấy dùng tướng vô sinh để thấy biết ba cõi, mau được pháp nhẫn vô sinh. Nên biết Bồ Tát này ở chỗ Chư Phật hiện tại gần được thọ ký thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Bồ Tát ay không lâu sẽ được thọ ký, lần lượt thọ ký.

Này Bồ Tát Trì Thế! Bồ Tát này nhân được thọ ký, tâm được an ổn, ở nơi phương tiện hướng tới của tất cả pháp được trí tuệ sáng suốt.

Người ấy thông đạt mười hai nhân duyên là vô sinh, hiện tại được gần Chư Phật. Người này không còn sợ hãi các ác ma. Người này vượt dòng sinh tử, đến bờ bên kia. Người ấy vượt được vũng bùn vô minh, đến được chỗ an ổn.

Này Bồ Tát Trì Thế! Ngay khi ta còn tại thế hay sau khi diệt độ, người nào tin, nghe, đọc tụng, tu tập mười hai nhân duyên phương tiện này, ta thọ ký cho người đó không lâu sẽ được pháp nhẫn vô sinh. Ta cũng thọ ký cho người này không lâu ở chỗ Chư Phật hiện tại, được thọ ký thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

***